Hàng hóa Việt Nam đang có vị thế nhất định tại Anh. Quần áo 'made in Viet Nam'; rau quả 'farm in Viet Nam' xuất hiện nhiều trong siêu thị ở Vương quốc Anh.
Hiện nay, Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu sau Hà Lan và Đức. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 5,05 tỷ USD, tăng 23,5%. Điều này cho thấy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã và đang mở rộng cánh cửa để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường xuất khẩu tiềm năng của thế giới. Bên cạnh đó, với các ưu đãi thuế quan tương đối lớn là lợi thế để hàng hóa Việt Nam nâng sức cạnh tranh trên thị trường Anh.
Thực tế cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sang Anh thời gian qua thể hiện rõ nét năng lực cạnh tranh và tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng dư địa thị trường và các ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA.
Hiện, nhiều mặt hàng Việt Nam đang dần chiếm lĩnh thị trường Anh, điển hình như dệt may, giày dép, điện tử dân dụng, thiết bị phụ tùng và có nhiều mặt hàng đang có triển vọng tăng trưởng là sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắt, thép.
Với lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định UKVFTA, hàng hóa Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay một số các nước Nam Mỹ.
Đặc biệt, gần đây, giá trị thương hiệu Việt Nam tăng trưởng tích cực tại thị trường Anh nhờ sự phục hồi của kinh tế, sản xuất, xuất nhập khẩu mang lại những tín hiệu lan tỏa rất tốt.
Tuy nhiên, hiện thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh. Một trong những nguyên nhân do nhận diện thương hiệu hàng hóa Việt Nam tại thị trường này còn thấp, Việt Nam chưa có doanh nghiệp sản xuất uy tín để tham gia vào thị trường khó tính.
Liên quan đến câu chuyện xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường tại Vương quốc Anh, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn, trao đổi với bà Hoàng Lê Hằng - Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ai-len):
Thưa bà, trước đây, người tiêu dùng, doanh nghiệp Anh ít biết đến Việt Nam, nhưng nhờ UKVFTA nhiều doanh nghiệp đã chủ động, tìm đưa hàng Việt chất lượng vào kênh phân phối. Xin bà cho biết, sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Anh như nào? Bà ấn tượng việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp nào?
Trong những năm gần đây, hàng hóa Việt Nam ngày càng hiện diện nhiều và có những vị thế nhất định trên thị trường Anh. Từ năm 2021 đến nay, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Anh liên tục tăng trưởng.
Trên cơ sở thường xuyên khảo sát thị trường hàng hóa tiêu dùng ở địa bàn, tôi rất vui mừng và phấn khởi khi thấy nhiều loại sản phẩm từ quần áo, giày dép, dụng cụ, thiết bị “made in Viet Nam” hoặc thực phẩm, rau quả “farm in Viet Nam” bày bán tại các chuỗi siêu thị lớn, có uy tín lâu năm ở Vương quốc Anh.
Ví dụ như, quần áo thời trang hè thu năm nay được bày bán trong chuỗi cửa hàng M&S có thị phần lớn nhất về quần áo trên nước Anh đa phần made in Viet Nam.
Không những vậy, các loại hải sản, mì, phở ăn liền, rau quả Việt Nam được bày bán trong các chuỗi siêu thị lớn nhất Vương quốc Anh như: Tesco, Sainsbury hay ở các siêu thị cao cấp như Waitrose, Wholes Foods.
Các loại hoa quả của Việt Nam được bày bán tại siêu thị Longdan ở Anh. (Ảnh: Minh Hợp/TTXVN)
Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam còn được bán nhiều và rất phong phú ở các siêu thị người Việt và siêu thị chuyên doanh hàng châu Á. Người tiêu dùng ở Anh có thể dễ dàng mua các loại bánh kẹo đặc sản vùng miền, chè, cà phê, bánh đa nem, bánh tráng, mì phở bún khô, rau tươi, rau thơm, các loại đồ uống và hoa quả bốn mùa Việt Nam tại các siêu thị này với mức giá cao hơn các loại thực phẩm đồ uống made in UK.
Tuy hàng hóa Việt Nam được xuất bán nhiều tại Vương quốc Anh nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp xây dựng và khẳng định được thương hiệu tại Anh mà vẫn phải sử dụng thương hiệu của nhà phân phối ở đây.
Một số doanh nghiệp có uy tín của Việt Nam đã khẳng định được vị thế thương hiệu hàng hóa của mình ở Anh như: Vifon, (Nature Queen) Sao Thái Dương, Chinsu, cà phê MEET U, L’amant, gạo ông Cua ST25...
Hiệp định UKVFTA đã tạo lập điều kiện tiếp cận thị trường ưu đãi cho rất nhiều sản phẩm Việt Nam so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có Hiệp định UKVFTA. Tuy nhiên, Anh vốn là thị trường có những tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật khắt khe bậc nhất thế giới. Đây chính là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường Anh. Đồng thời, điều này cũng đặt ra những nhiệm vụ nặng nề đối với Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng như bản thân tham tán thương mại tại địa bàn. Là người phụ trách địa bàn trực tiếp, xin bà chia sẻ những khó khăn khi doanh nghiệp tiếp cận thị trường này? Thương vụ đã có những hoạt động hỗ trợ và tư vấn cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu như nào?
Theo tôi khi xuất khẩu và xây dựng thương hiệu tại thị trường Anh, các doanh nghiệp đã gặp phải một số khó khăn nhất định có thể kể đến như:
Thứ nhất, tình hình kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát khiến thu nhập khả dụng của người dân Anh giảm, hạn chế tiêu dùng.
Thứ hai, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao, giá cả cạnh tranh.
Thứ ba, yêu cầu về sản xuất thân thiện môi trường, chứng chỉ xanh, fair trade, sử dụng lao động công bằng ngày càng được ưa chuộng và áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa dịch vụ khiến các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn, làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm.
Thứ tư, Luật về chống mất rừng và suy thoái rừng có thể ảnh hưởng hạn chế xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương, da...
Thứ năm, Chính phủ Anh hiện đang nghiên cứu quy trình lập pháp để thành lập CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon). Thuế Cacbon sẽ được áp dụng ở Anh từ năm 2027.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị lộ trình phù hợp cho CBAM Vương quốc Anh và duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Vương quốc Anh bằng cách: Tiến hành đánh giá kỹ lưỡng lượng khí thải carbon của mình; thực hiện các biện pháp giảm lượng khí thải carbon của doanh nghiệp; hợp tác với các nhà cung cấp ít carbon hơn; đầu tư vào công nghệ sạch hơn...
Nhiều doanh nghiệp có uy tín của Việt Nam đã khẳng định được vị thế thương hiệu hàng hóa tại thị trường Vương quốc Anh như: Vifon, (Nature Queen) Sao Thái Dương, Chinsu, cà phê MEET U, L’amant, gạo ông Cua ST25.... Ảnh: Nhật Khôi
Không những vậy, tại thị trường Anh, xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng phổ biến hơn như: Thực phẩm hữu cơ(organic), ăn chay thuần (vegan), kiêng gluten (người dị ứng gluten), kiêng đường, kiêng muối... khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn.
Cùng với đó là những biến động địa chính trị thế giới ảnh hưởng đến thị trường Anh. Xung đột Biển Đỏ đã đẩy cước vận chuyển và kéo dài thời gian vận tải biển cũng là trở ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là những loại rau quả tươi cần thời gian vận chuyển nhanh, chi phí thấp.
Bên cạnh những thách thức nêu trên, thị trường Anh cũng có nhiều điểm thuận lợi, hấp dẫn các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu. Điển hình như: Thị trường Anh có tiềm năng tốt, là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, có khoảng 68 triệu dân với mức thu nhập bình quân đầu người cao 34.632 Bảng/người/năm 2023, cộng đồng dân cư đa dạng (cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người).
Thêm vào đó, tổng cầu nhập khẩu hàng hóa của Vương quốc Anh vô cùng lớn khoảng 581,5 tỷ Bảng năm 2023; thị trường Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các thị trường khác do có các cơ sở ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại như UKVFTA, CPTPP.
Chưa kể, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh có nền tảng tốt đẹp. Cùng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tiếp tục tăng, có cơ hội thị trường cho nhiều ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như giày da, may mặc, cà phê, hải sản, đồ gỗ, cao su, dây điện và dây cáp điện; điện thoại và linh kiện các loại, cà phê, bánh kẹo ngũ cốc, gốm sứ, rau quả thực phẩm, phương tiện vận tải và phụ tùng, các sản phẩm từ giấy.
Từ những khó khăn, rào cản khi xuất khẩu sang Anh như bà vừa chia sẻ, trong thời gian qua, thương vụ đã có những hoạt động gì hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu?
Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu, trong thời gian qua, thương vụ đã có những hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng, quảng bá, duy trì, phát triển thương hiệu theo từng lộ trình:
Trước tiên là hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập thị trường, kết nối với các khách hàng tiềm năng.
Tiếp đến là cung cấp cập nhật thông tin về thị hiếu tiêu dùng, tiêu chuẩn chất lượng, chính sách thuế, thương mại nhập khẩu của Vương quốc Anh để doanh nghiệp có chiến lược sản xuất, tiếp thị phù hợp thị trường, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của khách hàng, duy trì tăng trưởng doanh số; trên cơ sở đó củng cố xây dựng thương hiệu.
Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu tại địa bàn Anh.
Không những vậy, thương vụ đã viết cuốn sách "Thị trường Anh những điều cần biết" dành cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Anh.
Bên cạnh việc các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, thì công tác xúc tiến thương mại, xây dựng, phát triển thương hiệu tại thị trường có vai trò hết sức quan trọng. Là cánh tay nối dài của Bộ Công Thương tại thị trường nước ngoài, xin bà cho biết, thời gian tới, thương vụ sẽ có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các ưu đãi mà Hiệp định UKVFTA mang lại và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường Anh?
Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Anh sẽ có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: Tiếp tục phối hợp với các Cục, Vụ trong Bộ Công Thương như: Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Cục Xúc tiến thương mại, Báo Công Thương và các ngành hàng, hiệp hội, tăng cường tuyên truyền thông tin về những cơ hội, lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam đang và sẽ xuất khẩu sang thị trường Anh.
Cùng đó, thương vụ cũng cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp Việt Nam về các cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu tại địa bàn Anh trong thời gian tới, như: Tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành nơi có hàng ngàn doanh nghiệp có nhu cầu thương mại đến tham dự hoặc các chương trình sự kiện quảng bá hàng Việt Nam như tuần lễ hàng Việt Nam tại Vương quốc Anh.
Hỗ trợ tư vấn các doanh nghiệp quảng bá, duy trì phát triển thương hiệu trên thị trường Anh theo nhiều phương thức, từ truyền thống đến hiện đại. Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Anh mong muốn nhận được sự phối hợp của các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các bộ, ngành chung tay xây dựng chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam tại Vương quốc Anh.
Theo Congthuong