• Ngày 11/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn và Công ty Cổ phần R.Y.B, tổ chức lễ xuất hàng là các sản phẩm OCOP sang thị trường Vương Quốc Anh đợt 1 năm 2024. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Tuyên Quang có sản phẩm nông sản xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

    Đợt này có 6 sản phẩm OCOP được xuất khẩu sang thị trường Vương Quốc Anh gồm: Sản phẩm Trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong của HTX hữu cơ nông sản Bình Minh và sản phẩm Chuối sấy dẻo của Hợp tác xã chuối sạch Chiêu Yên, đều là sản phẩm của huyện Yên Sơn; Sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã hữu cơ Hồng Phát, huyện Chiêm Hóa; Sản phẩm Siro chanh và Siro tắc của Hợp tác xã nông sản và dược liệu Minh Thảo, huyện Hàm Yên.

    nong san tuyen quang 1
    Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm xuất khẩu tại buổi lễ.

    Công ty Cổ phần R.Y.B chịu trách nhiệm đóng hàng xuất khẩu theo quy cách bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển sang thị trường Vương Quốc Anh, với số lượng 2.200 sản phẩm đã được đóng gói theo dạng chai, hộp, lọ và dán tem nhận diện thương hiệu.

    Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần R.Y.B (Hà Nội) cho biết, qua thăm dò, khảo sát, kiểm nghiệm doanh nghiệp đã đánh giá rất cao chất lượng các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang. Đơn vị đã thực hiện giới thiệu, chào hàng hơn 50 sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước châu Âu. Đây là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, các sản phẩm của tỉnh đã nhận được phản hồi tốt về phía khách hàng châu Âu. Trong đợt 1, đơn vị lựa chọn xuất khẩu 6 mặt hàng. Đối với sản phẩm bưởi Soi Hà, đơn vị đã đặt hàng 10.000-15.000 quả bưởi da xanh theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu. Dự kiến cuối tháng 10 năm 2024 sẽ tiến hành xuất khẩu.

    nong san tuyen quang 1
    Chuyến hàng đầu tiên của nông sản tỉnh Tuyên Quang xuất khẩu sang thị trường quốc tế với 2.200 sản phẩm đã được đóng theo chai, hộp, lọ và dán tem nhận diện thương hiệu.

    Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, các sản phẩm được lựa chọn đều là các sản phẩm nông sản chủ lực tiểu biểu của tỉnh Tuyên Quang, đã được kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá rộng khắp thị trường trong nước. Tuy tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong đợt 1 năm 2024 chưa cao, nhưng đây là kết quả bước đầu của hoạt động sản xuất sản phẩm nông sản chất lượng mang định hướng xuất khẩu, nhằm đưa chất lượng sản phẩm nông sản đặc sản, chủ lực của Tuyên Quang vươn xa ra nước ngoài.

    Trong gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, tạo ra các vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng, đáp ứng được quá trình chế biến sản phẩm; hỗ trợ việc chứng nhận an toàn thực phẩm cho vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh tổ chức Sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm an toàn thực phẩm; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn như: VietGAP, hữu cơ, GLOBAl GAP, chứng nhận ISO theo tiêu chuẩn quốc tế, để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu.

    Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ người sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản: giới thiệu kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh, các sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; Kết nối đưa các sản phẩm tại các trung tâm thương mại, các siêu thị và lên sàn giao dịch thương mại điện tử...

    Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có 248 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, 189 sản phẩm 3 sao; 31 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Tỉnh đã xây dựng được 32 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn; có 107 sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 4 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

    Theo Nhandan

  • Hàng Việt đang đứng trước cơ hội "vàng" để tiến bước vào thị trường Anh. Tuy nhiên, đây là khách hàng rất khó tính, tạo ra nhiều thử thách đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

    Cơ hội gần kề: Xóa bỏ 94,4% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực

    Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ailen), doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường Anh nhờ cơ sở ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

    Trên thực tế, từ khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực năm 2022, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước đã có chuyển biến tích cực, Việt Nam luôn xuất siêu vào thị trường này. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết trong nhiều năm qua, các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu ở thị trường Anh là hàng nông nghiệp, gạo, rau củ quả, thủy sản, dệt may, da giày; trong khi đó Việt Nam chủ yếu nhập máy móc thiết bị nên không là đối thủ cạnh tranh.

    xuat khau nong san a77b2 70336304520914555917482
    Việt Nam tăng cường xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Anh.

    Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, quý đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 2,07 tỷ USD, tăng 31,3% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 1,72 tỷ USD (tăng 40,4% so cùng kỳ 2023). Giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 1,9 tỷ USD, tăng 35,3% so cùng kỳ năm 2023.

    Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều tăng khá, dẫn đầu là cao su +205,9%; điện dây cáp điện 103,5%; sản phẩm sắt thép +99%; máy móc thiết bị dụng cụ 96,3%, Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 92.7%; cà phê 88,4%; sản phẩm gốm sứ 59%; bánh kẹo ngũ cốc 53,4%; đồ chơi dụng cụ thể thao 45%.

    Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người cũng là điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

    Khảo sát thị trường Anh cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng: cao su, dây điện và dây cáp điện; điện thoại và linh kiện các loại, cà phê, bánh kẹo ngũ cốc, gốm sứ, rau quả thực phẩm, giày da, gạo… sang Anh quốc. Gần đây, Anh có xu thế tăng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng trên.

    Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đã chỉ rõ những điểm nổi bật về cam kết của Vương quốc Anh trong văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam, với những cam kết có mức ưu đãi cao hơn hẳn so với Hiệp định UKVFTA.

    Trong đó, đặc biệt, Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (các nước thành viên CPTPP khác là 93,9%).

    Do đó, nhiều chuyên gia khẳng định việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPPTP của Anh tại Kỳ họp thứ 7 sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong hợp tác với Anh và hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng này. Đồng thời góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

    Hàng nông sản đón cơ hội lớn nhất

    Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, những mặt hàng nông sản có tiềm năng và thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... sẽ được hưởng nhiều lợi thế nhất từ những cam kết của Anh khi CPTPP được thông qua.

    Đơn cử như mặt hàng gạo, trong khuôn khổ CPTPP, Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên, lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi, với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%, cao gần gấp đôi lượng hạn ngạch gạo mà Anh cam kết chung cho các nước CPTPP khác.

    Hay mặt hàng cá ngừ cũng được Anh cam kết xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch và thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 7 năm với một số ít dòng thuế, mức cải thiện lớn so với hạn ngạch thuế quan chỉ ở mức trên 1.500 tấn/năm trong Hiệp định FTA song phương trước đây.

    Hơn thế nữa, Anh chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Điều này thuận lợi cho Việt Nam trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, nhất là điều tra chống bán phá giá. Với kết quả này, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn.

    Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, hàng hóa Việt Nam cũng gặp những khó khăn tại thị trường Anh do nhiều yếu tố tác động.

    Đầu tiên phải kể đến Anh là những thị trường rất khó tính và thay đổi chính sách liên tục, tạo ra thử thách đối với các doanh nghiệp cũng như mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

    Do đó, cơ quan quản lý tăng cường dự báo thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực để tận dụng hiệu quả những cam kết về mở cửa thị trường.

    Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa nhằm tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp tiếp tục tận dụng thời cơ, lợi thế để chuyển đổi công nghệ. Đồng thời tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

    Chính phủ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính phủ cần có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi xanh, thân thiện với môi trường, tăng năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa...

    Song song với đó, các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động có chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường chuyển đổi về công nghệ nhanh để vừa đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, vừa gia tăng giá trị sản phẩm.

    Theo Nhịp sống Việt

  • Xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Úc...vải thiều Việt Nam được bày bán trong siêu thị với mức giá trên dưới 500.000 đồng/kg.

    vai thieu vn 1

    Mới đây, những thùng vải thiều chín sớm đầu tiên tại Thanh Hà (Hải Dương) đã xuất khẩu sang Úc và được bày bán trên kệ siêu thị Market Place Melbourne, Bang Victoria. Ảnh: Vietnamnet

    vai thieu vn 1

    Tại siêu thị này, vải thiều Thanh Hà được niêm yết với giá 34,99 AUD/kg (tương đương 594.000 đồng/kg). Ảnh: Tiền phong

    vai thieu vn 1

    Mức giá này cao hơn 5-8 lần so với giá bán tại thị trường Việt Nam thời điểm hiện tại (dao động trung bình từ 70.000-100.000 đồng/kg). Ảnh: Vietnamnet

    vai thieu vn 1

    Năm ngoái, vải thiều Việt Nam nhập qua đường hàng không vào Úc có giá bán khoảng 400.000-500.000 đồng/kg. Trong khi, hàng chục tấn vải đi đường biển khi đưa ra thị trường tại nhiều bang của Úc giá khoảng 260.000 đồng/kg. Ảnh: Vietnamnet

    vai thieu vn 1

    Năm ngoái, vải tươi Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản được bán với giá khoảng 18 – 20 USD/kg (tương đương hơn 400.000 đồng). Ảnh: Baochinhphu

    vai thieu vn 1

    Năm 2023, vải Việt Nam có giá bán khá cao tại Anh (15 bảng/kg, tương đương 435.000 đồng). Ảnh: TTXVN

    vai thieu vn 1

    Ngày 20/6/2023 lô vải thiều tươi đầu vụ của tỉnh Bắc Giang qua đường hàng không đã đến Houston (Mỹ). Ngay sau đó, vải thiều tươi Việt Nam được bán đồng loạt tại nhiều siêu thị và chợ châu Á lớn nhất ở Houston, Texas. Ảnh: Công ty LNS

    vai thieu vn 1

    Tại siêu thị của Mỹ, giá bán lẻ cho khách hàng là 14-15 USD mỗi pound (tương đương khoảng 780.000 đồng mỗi kg); hoặc 140 USD cho gói 11 pound (5kg), tương đương 3,2 triệu đồng (640.000 đồng/kg). Ảnh: Công ty LNS

    vai thieu vn 1

    Cũng trong năm ngoái, hơn 1 tấn vải thiều không hạt đầu tiên được trồng ở Thanh Hóa cũng được xuất khẩu sang Nhật Bản và Vương quốc Anh. Ảnh: Cansy's Garden.

    vai thieu vn 1

    Tại Nhật Bản, vải thiều không hạt có giá 4.500-5.000 yen/kg, tương đương 750.000-840.000 đồng/kg. Ảnh: Vietnamnet

    Theo Kienthuc

  • Lá chanh vừa bán vừa cho ở Việt Nam lại có giá khá cao ở nước ngoài, có nơi hơn 8 triệu đồng/kg vẫn đắt hàng.

    la chanh 1
    Lá chanh tươi đắt hàng

    Tại Việt Nam, người dân thường quan tâm và sử dụng đến quả chanh hơn là lá chanh. Quả chanh dùng để làm nước giải khát.

    Nông dân Việt hiếm khi coi lá chanh là một trong những nguồn thu nhập. Ở Việt Nam, lá chanh rất dễ mua, dễ kiếm, thậm chí có thể xin được. Ở nhiều nơi, lá chanh bán, tiểu thương mang theo chỉ để cho hoặc có bán thì cũng có giá "rẻ như cho". Ở chợ thành phố, lá chanh có giá rất rẻ, chỉ 1.000-2.000 đồng/mớ.

    Dù vậy, ít người biết rằng, trên chợ mạng, không ít người có nhu cầu thu mua lá chanh số lượng lớn và thu mua quanh năm. Theo Vietnamnet, chị Nguyễn Mạnh Thủy - một đầu mối mua lá chanh ở Hà Nam, cho biết trên Arttimest, chỉ cần là lá xanh, thương lái sẽ thu mua hết với giá cân tại nhà là 50.000 đồng/kg. Theo chị Thủy, lá chanh không vàng và không quá non là được, còn lại không cần phải tuyển chọn nhiều.

    la chanh 1
    Lá chanh được bán giá đắt ở nước ngoài. Nguồn: Internet

    Khi sang nước ngoài, giá lá chanh được bán khá cao. Tại trang bán hàng trực tuyến Amazon, lá chanh có thời điểm được với giá khoảng 7 USD/1 oz, 100g lá chanh có giá vào khoảng 28 USD (635.000 đồng), 1kg sẽ có giá vào khoảng 6,35 triệu đồng.

    Tại trang bán hàng trực tuyến Amazon, lá chanh có thời điểm được với giá có giá vào khoảng 28 USD/100g.

    Trên trang web bán nông sản tại Anh có tên Wattsfarms, lá chanh được bán với giá 3,99 bảng Anh cho 15g, tương đương hơn 120.000 đồng/15g và hơn 8 triệu đồng/kg.

    Vì sao lá chanh lại có giá đắt ở nước ngoài?

    Nói đến lá chanh, ai cũng nghĩ đến gia vị của món gà luộc. Nhưng, sau nhiều năm kinh tế phát triển, hòa nhập với thị trường thế giới thì lá chanh còn được sử dụng rộng rãi trong nhiều món ăn khác ở phương Tây.

    Lá chanh xuất sang thị trường nước ngoài thường phổ biến với 2 cách đóng gói. Dạng gia vị được đóng gói chung với sản phẩm riềng, ớt hiểm và sả cây. Còn dạng thông thường thì chỉ bao gói lá chanh thành những túi nhỏ và được cấp đông hoàn toàn. Lá chanh Việt Nam được thị trường châu Âu ưa chuộng vì thơm, đậm đà hơn so với lá chanh từ các nước khác.

    Có lẽ vì nhận thấy lợi nhuận lớn từ loại lá bình thường này, mà từ vài năm trước, lá chanh đã được một số công ty thu gom hàng chục tấn xuất khẩu sang thị trường châu Âu, thu về cả triệu USD.

    Mọi người chắc hẳn sẽ rất bất ngờ vì thông tin này bởi lẽ nhìn chúng khá là nhỏ bé và rất dễ để có thể tìm kiếm. Nhưng trên thực tế, lá chanh được chứng minh có khả năng đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe với nhiều thành phần dinh dưỡng như: canxi, sắt, các flavonoid hay axit citric...

    Theo Đông y, lá chanh còn có nhiều công dụng trong việc trị bệnh như giải cảm, trị hôi miệng, mát gan...

    Theo suckhoedoisong

  • Trong qua 3 năm qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh, đặc biệt là nông sản, liên tục duy trì đà tăng trưởng, kể trong cả năm 2023 khi kinh tế Anh hứng chịu lạm phát cao và tăng trưởng chậm.

    Xuất khẩu Việt Nam sang Anh đầu năm 2024 ghi nhận kết quả đáng khích lệ với giá trị xuất khẩu trong tháng Một tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Trong qua 3 năm qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh, đặc biệt là nông sản, liên tục duy trì đà tăng trưởng, kể trong cả năm 2023 khi kinh tế Anh hứng chịu lạm phát cao và tăng trưởng chậm.

    Đây là thành quả của những nỗ lực của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, đồng thời phản ánh những lợi ích của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA) kể từ khi hiệp định này có hiệu lực vào tháng 5/2021.

    Thị trường rộng mở

    Theo thống kê sơ bộ của Hải quan Việt Nam, trong tháng 1/2024, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt gần 780,5 triệu USD, tăng hơn 57%so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam đạt thặng dư thương mại hơn 730,9 triệu USD.

    Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng trưởng tốt, đặc biệt là nông sản, như cà phê, tăng 218,5%; hạt điều tăng gần 61%; hạt tiêu tăng hơn 60%; rau quả tăng hơn 56%; và thủy sản tăng hơn 26%.

    Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Anh đạt hơn 770 triệu USD vào năm ngoái, chiếm hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh.

    Năm 2023, nhiều nông sản xuất khẩu sang Anh cũng tăng trưởng cao, như rau quả, tăng gần 17% (24,3 triệu USD); hạt điều, tăng 13% (gần 97,8 triệu USD); cà phê, hơn 11% (hơn 101,1 triệu USD).

    Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Anh đạt hơn 770 triệu USD vào năm ngoái, chiếm hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh.

    Đáng chú ý, trong năm 2023, nhiều trái cây đặc sản lần đầu xuất khẩu chính ngạch sang Anh như cam Canh, bưởi Diễn, cam Cao Phong, quýt Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, sầu riêng Ri6, vải u hồng, vải thiều không hạt…, nhận được phản hồi tích cực từ thị trường.

    Một số nông sản thực phẩm và trái cây tươi đã có mặt tại các chuỗi siêu thị cao cấp và trung lưu của Anh như Whole Food, Marks & Spencer (M&S), Waitrose…

    xuat khau nong san 1
    Vườn cam tại huyện Cao Phong (Hòa Bình). (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

    Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần R.Y.B (Hòa Bình), doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây tươi đặc sản sang Anh và châu Âu, cho biết năm 2023, các sản phẩm trái cây tươi và nông phẩm đặc sản của tỉnh Hòa Bình được công ty xuất khẩu sang Anh đều bán chạy và được khách hàng đánh giá cao, trong đó có bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, trà xanh, trà san tuyết cổ thụ, hồng trà, tinh bột nghệ, quế điếu thanh...

    Ông Thái Trần, Giám đốc Điều hành Công ty TT Meridian, doanh nghiệp chuyên phân phối nông sản Việt Nam tại Anh, cho biết vải thiều, bưởi da xanh, dừa xiêm, măng cụt, ổi lê, chanh leo, thanh long... là những mặt hàng công ty bán tốt tại Anh trong năm qua. Ông nhận định đây là những trái cây có khả năng cạnh tranh tại thị trường này.

    Ông Thái Trần cho biết năm 2023, TT Meridian nhập khẩu nhiều mặt hàng trái cây mới sang Anh như sầu riêng, vải u hồng, vải thiều không hạt, ổi lê,… nhằm thăm dò thị trường đồng thời xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam tại Anh.

    Giám đốc TT Meridian chia sẻ mảng kinh doanh trái cây và nông sản Việt trong năm 2023 đem lại hiệu quả tích cực về tài chính, đồng thời giúp công ty mở rộng độ bao phủ thị trường.

    Bà Hoàng Lê Hằng, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh, cho biết xuất khẩu nông sản Việt Nam duy trì mức tăng trưởng tốt trong 3 năm qua một phần nhờ thực thi UKVFTA. Theo đó, xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều nông phẩm Việt Nam so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ những nước chưa có hiệp định thương mại tự do với Anh.

    Sự năng động, tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Anh, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và các hiệp hội nghề như Hiệp hội Rau quả Việt Nam, VICOFA, VASEP, HAWA… cũng góp phần duy trì thành tích xuất khẩu nông sản sang Anh.

    Trong hai năm qua, Cục Xúc tiến Thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Anh tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hội thảo chuyên đề cập nhật thông tin thị trường Anh, hướng dẫn, kết nối doanh nghiệp, tổ chức các gian hàng giới thiệu tiềm năng xuất khẩu sản phẩm Việt Nam tại các Hội chợ lớn tại Anh chuyên về nông sản, thực phẩm, như VEGFEST, Speciality & Fine Food Fair, Tuần hàng Việt Nam…, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các nhà nhập khẩu hàng Việt Nam tại Anh.

    Vượt lên thách thức

    Tuy nhiên, theo bà Hoàng Lê Hằng, xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng sẽ đối mặt không ít thách thức trong năm 2024 trong bối cảnh xung đột Biển Đỏ gây trở ngại lớn đối với xuất khẩu hàng hóa sang Anh bằng đường biển khi hành trình tàu kéo dài thêm từ 10 -15 ngày và cước tàu tăng, với nhóm hàng nông sản, rau quả tươi sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

    Thêm vào đó, nhu cầu thị trường Anh giảm do kinh tế suy thoái, lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu khi chi phí sinh hoạt tăng và lo ngại tình hình kinh tế bấp bênh. Chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) tại Anh liên tục ở mức âm trong những tháng gần đây.

    xuat khau nong san 1
    Các loại hoa quả của Việt Nam như bưởi da xanh, thanh long... được bày bán tại một siêu thị ở Anh. (Ảnh: Đình Thư/Vietnam+)

    Ông Thái Trần đồng tình khi nói rằng với nền kinh tế Anh đang rơi vào suy thoái sau hai quý liên tiếp tăng trưởng âm và được dự báo sẽ đi ngang trong năm 2024, nhu cầu của Anh về nông sản, trái cây nhiệt đới - vốn có giá bán cao hơn trái cây ôn đới - khó có khả năng tăng trưởng cao trong năm nay, trừ một số nông sản có thế mạnh như thanh long, chanh leo và vải thiều.

    Việc tuân thủ các quy định của Anh và châu Âu về chống mất rừng và suy thoái rừng; yêu cầu về chứng chỉ xanh và thương mại công bằng (fair trade); xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ và cho người ăn kiêng,… cũng là những yếu tố khiến doanh nghiệp phải tăng đầu tư, kéo theo chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng.

    Mặc dù vậy, bà Hoàng Lê Hằng nhận định vẫn còn nhiều dư địa để Việt Nam tăng xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Anh, quốc gia hiện nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu lương thực-thực phẩm, trong đó có gần 12,5 tỷ bảng rau quả; hơn 6 tỷ bảng ngũ cốc; hơn 4,8 tỷ bảng càphê, trà, cacao; gần 3,7 tỷ bảng hải sản.

    Thị trường Anh với gần 68 triệu dân, thu nhập bình quân cao, nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người là tiềm năng các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể khai thác.

    Thị trường Anh với gần 68 triệu dân, thu nhập bình quân cao, nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người là tiềm năng các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể khai thác.

    Việc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng tạo hiệu ứng tích cực khi người tiêu dùng và các nhà phân phối Anh quan tâm hơn tới sản phẩm của các nước thành viên CPTPP, trong đó có Việt Nam.

    Theo bà Hoàng Lê Hằng, để duy trì tăng trường xuất khẩu nông sản sang Anh, ngoài yếu tố chất lượng và giá cả, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, theo đó xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường gắn với phát triển bền vững ngày càng tăng tại Anh.

    Đề cập tới việc các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên tục cập nhật các quy định, chính sách liên quan, bà Hoàng Lê Hằng lưu ý dẫn quy định mới của Anh về kiểm soát biên giới đối với thực vật và sản phẩm thực vật BTOM.

    Theo đó, tất cả thực vật và sản phẩm thực vật nhập khẩu vào Anh phải có chứng nhận kiểm dịch thực vật, các yêu cầu đối với giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khác nhau tùy thuộc vào loại thực vật hoặc sản phẩm thực vật, trong khi hệ thống kiểm soát biên giới sẽ bao gồm các cơ chế SPS (Vệ sinh và Kiểm dịch thực vật) nhằm kiểm soát nhập khẩu không chỉ trong trồng trọt mà còn đối với một số loại thực phẩm.

    Từ tháng Tư, hộ chiếu thực vật là yêu cầu bắt buộc đối với nhiều loại thực vật, sản phẩm thực vật tại Anh và được số hóa cho người dùng. Hệ thống hộ chiếu thực vật mới giúp các doanh nghiệp buôn bán thực vật và sản phẩm thực vật xuất khẩu dễ dàng hơn.

    Ông Thái Trần cũng nhận định cơ hội mở rộng thị trường tại Anh là lớn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh để cạnh tranh, đặc biệt trong thời đại công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp cần liên tục nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp để tạo ra sản phẩm không chỉ ngon, chất lượng ổn định, mà còn có thời gian bán hàng trên kệ (shelf life) dài.

    Theo ông Thái Trần, dung lượng thị trường hàng nông sản Việt ở Anh tăng hay không phụ thuộc lớn vào shelf life của sản phẩm bởi các nhà phân phối sẽ không mặn mà với thời gian bán hàng trên kệ ngắn.

    Mặt khác, nông sản Việt cũng phải cạnh tranh khốc liệt với Thái Lan, Malaysia hay các nước nhiệt đới vùng Mỹ Latinh, châu Phi.

    Do đó, theo ông Thái Trần, các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản cần rất lưu ý tính cạnh tranh về giá, đặc biệt trong bối cảnh từ nửa cuối năm 2023, khủng hoảng ở Biển Đỏ khiến chi phí logistics đường biển và đường bay đều tăng cao.

    Để hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Anh, ông Thái Trần khuyến nghị Việt Nam đàm phán để Anh dỡ bỏ yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với một số loại trái cây hoặc đối với sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản uy tín của Việt Nam. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nội địa hướng đến tính chuyên nghiệp để được vào 'bảng xếp hạng' uy tín mà còn giúp giảm đáng kể chi phí nhập khẩu, đặc biệt với các lô hàng vận chuyển đường hàng không.

    Ông cũng đề xuất thực hiện chiến lược "Xây dựng thương hiệu nông sản Việt ở Anh" và phong trào "Người Việt ở Anh tin dùng và ủng hộ hàng Việt" nhằm nâng cao nhận thức về chất lượng, giá trị của nông sản Việt ở sở tại.

    Trong khi bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng cần có những chương trình quảng bá nông sản Việt trên toàn nước Anh.

    Theo Vietnamplus

  • Trong 6 tháng đầu năm nay Việt Nam chưa nhận được bất kỳ cảnh báo nào về việc thanh long Việt Nam vi phạm về an toàn thực phẩm của Vương quốc Anh, hiện thanh long xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường.

    Liên quan đến thông tin một số siêu thị ở Vương quốc Anh dừng bán thanh long của Việt Nam, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) khẳng định, trong 6 tháng đầu năm nay chưa nhận được bất kỳ cảnh báo nào về việc thanh long Việt Nam vi phạm về an toàn thực phẩm của quốc gia này, hiện thanh long xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường.

    thanh long xuat sang anh
    Hiện thanh long xuất khẩu sang Vương quốc Anh vẫn diễn ra bình thường

    Theo Phó Giám đốc Văn phòng SPS, việc một siêu thị nào đó ở Anh dừng bán sản phẩm thanh long Việt Nam là việc hoàn toàn bình thường trong kế hoạch vận hành, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc này không liên quan đến việc phía Anh dự kiến tăng tần suất kiểm tra.

    Đến nay, Văn phòng mới chỉ nhận được 1 thông báo của cơ quan chức năng tại Vương quốc Anh dự kiến đề xuất đưa thanh long Việt Nam từ Phụ lục 2: Sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Phụ lục 1: Sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường.

    Trước đó, vào ngày 17/7, Văn phòng SPS Việt Nam nhận Công văn của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường về việc Vương quốc Anh dự kiến tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm quả thanh long. Ngày 26/7, Cục Bảo vệ thực vật gửi Công văn phản hồi đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến việc kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam tại Vương quốc Anh.

    Trên cơ sở đó, ngày 2/8, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi thông tin tới đầu mối Văn phòng SPS của Vương quốc Anh. Theo đó, Văn Phòng SPS Việt Nam đề nghị Vương quốc Anh giữ nguyên tần suất kiểm tra thanh long của Việt Nam cho đến khi 2 bên có đầy đủ căn cứ. Đồng thời, đề nghị Vương quốc Anh cung cấp hồ sơ đánh giá nguy cơ để thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam để cơ quan thẩm quyền Việt Nam nghiên cứu có ý kiến.

    Hiện Văn phòng SPS Việt Nam đang chờ phản hồi từ cơ quan đầu mối về kiểm dịch động thực vật của Vương quốc Anh. Đồng thời đề nghị Vương quốc Anh cung cấp hồ sơ đánh giá nguy cơ, để thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam để cơ quan thẩm quyền Việt Nam xem xét. Qua đó, để doanh nghiệp, người sản xuất nắm bắt và đáp ứng đầy đủ các quy định của phía nhập khẩu.

    Theo VOV1

  • Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, một số siêu thị ở nước sở tại đã dừng bán thanh long Việt Nam và chuyển sang bán thanh long Tây Ban Nha hoặc Campuchia.

    Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Anh, theo thông báo ngày 11/7/2023 từ Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm Scotland (FSS), căn cứ vào các bằng chứng thực tế và phương pháp phân tích khoa học, trái thanh long Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu tiềm ẩn rủi ro cao cho sức khỏe người tiêu dùng. FSA và FSS đang tham vấn công khai trong 6 tuần trước khi báo cáo các Bộ trưởng kèm theo đề xuất kiến nghị về việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến việc kiểm định trái thanh long Việt Nam.

    FSA và FSS dự kiến đề xuất đưa trái thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường).

    thanh long
    Một số siêu thị tại Anh đã dừng bán thanh long Việt Nam. Ảnh minh họa

    Nếu được các Bộ trưởng chấp nhận, một quy định pháp lý sửa đổi như vậy sẽ được ban hành và có khả năng thực thi từ đầu năm 2024 tại England, Wales và Scotland. Riêng vùng Bắc Ailen vẫn sẽ áp dụng Quy định nhất quán liên quan của EU. Một số siêu thị như Waitrose, Whole Food đã dừng bán thanh long Việt Nam và chuyển sang bán thanh long Tây Ban Nha hoặc Campuchia.

    Bên cạnh thanh long có khả năng đối diện với nhiều thách thức trong tương lai khi xuất khẩu sang Anh, Thương vụ Việt Nam tại Anh còn cho hay, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã và đang gặp nhiều trở ngại.

    Trong đó, nhu cầu thị trường giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu; biến động tỷ giá USD/GBP khiến rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng.

    Cùng đó là yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; qui định sử dụng nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp; dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương.

    Hơn nữa, xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng phổ biến hơn như ăn chay thuần (vegan), kiêng gluten (người dị ứng gluten), kiêng đường (người tiểu đường) khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn.

    Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 3,95 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 3,03 tỷ USD.

    7 tháng, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 3,49 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% so cùng kỳ năm 2022. Mức sụt giảm này rất thấp so với mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trung bình (giảm 6,9%) của Việt Nam sang các nước châu Âu trong 7 tháng 2023 và mức giảm 10,1% ra toàn thế giới.

    Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Anh, thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Anh dự kiến thực hiện nhiều hoạt động. Trong đó, tăng cường mạng lưới với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam.

    Cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các qui định nhập khẩu vào Vương quốc Anh.

    Cập nhật và phổ biến sách điện tử ‘Thị trường Anh – những điều cần biết’; duy trì cập nhật thông tin phổ biến thông tin chính sách và cơ hội thị trường cho doanh nghiệp.

    Cùng đó, phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ và Cục Xúc tiến thương mại tổ chức: Chương trình Viet Nam International Sourcing 2023 từ ngày 13-15/9/2023 tại TP. Hồ Chí Minh; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại Anh từ ngày 10-18 tháng 9/2023; tham gia Hội chợ Speciality and Fine Foods (11-12/9/2023, London); Đăng tin bài thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh trên Cổng thông tin VNexport.com; trả lời đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam, xác minh đối tác tại Anh, hỗ trợ giải chấp thương mại.

    Tích cực làm việc với các hệ thống siêu thị Anh nhằm đưa hàng hóa Việt Nam vào các siêu thị.

    Theo Công Thương

  • sam ngoc linh 1
    “Giá 100 triệu đồng/lon là còn rẻ vì năm ngoái, giá bán sỉ đã là 120 triệu đồng/lon rồi”.

    Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hồng Thương, trú tại xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) về loại hạt được coi là đắt đỏ nhất Việt Nam này.

    Những ngày gần đây, một cây sâm Ngọc Linh được giao dịch với giá lên tới 868 triệu đồng đang gây xôn xao dư luận bởi giá trị đắt đỏ của nó. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, hạt sâm Ngọc Linh còn có giá lên đến hàng trăm triệu đồng/lon.

    sam ngoc linh 1
    Cây sâm Ngọc Linh có tới 104 hợp chất saponin.

    Cây sâm Ngọc Linh là loại dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị đặc hữu, với những đặc tính riêng có mà các loại sâm khác trên thế giới không có được.

    Qua quá trình nghiên cứu đã xác định được 104 hợp chất với 84 hợp chất saponin trong các bộ phận của cây sâm như thân rễ và thân củ, lá và cọng thân chứ không phải như 52 hợp chất được công bố trước đây. Vì thế, sâm Ngọc Linh luôn được săn lùng mua với giá cao.

    sam ngoc linh 1
    Hạt sâm Ngọc Linh có giá bán lên tới 100 triệu đồng/lon hạt.

    Ngoài cây sâm tươi có giá từ 65-220 triệu đồng/kg, lá sâm tươi dao động từ 10-12 triệu đồng/kg thì hạt sâm Ngọc Linh có kích thước tương đương hạt đậu đen lại có giá từ 80-150 nghìn đồng/hạt.

    Với những người mua lẻ, chỉ cần đếm hạt rồi tính tiền. Tuy nhiên, những người có nhu cầu mua số lượng lên đến cả nghìn hạt thì người trồng sâm Ngọc Linh lại bán theo lon chứ không tính theo cân nặng.

    sam ngoc linh 1
    Chị Thương cầm trên tay 2 lon hạt sâm Ngọc Linh có giá 100 triệu đồng/lon.

    Sở hữu vườn sâm Ngọc Linh lên đến cả nghìn cây, chị Thương cho biết, mỗi cây sâm Ngọc Linh phải trồng 4 năm mới ra hoa và đậu quả. Mỗi cây chỉ cho vài chục hạt, có cây chỉ vài hạt, thậm chí là không có hạt.

    “Cây sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao nên hầu hết người trồng sâm ở vùng núi Ngọc Linh đều sẽ giữ lại hạt để ươm cây chứ ít người bán. Vì vậy, loại hạt này lúc nào cũng khan hiếm và cháy hàng”, chị Thương nói.

    sam ngoc linh 1
    Mỗi lon hạt sâm Ngọc Linh có giá 100 triệu đồng.

    Đựng hạt sâm vào chiếc lon bia cũ, dung tích 330ml, chị Thương cho biết, mỗi lon này đang được bán với giá 100 triệu đồng. Khoảng 3 lon mới được 1kg nhưng từ trước đến nay không ai bán hạt sâm Ngọc Linh theo cân nặng.

    “Mỗi lon có khoảng 1.000 hạt, giá bán lẻ là 120-130 nghìn đồng/hạt nhưng bán cả lon thì là 100 triệu đồng. Cả vườn sâm 2.000 cây nhà tôi trồng 10 năm, đến năm nay mới thu hoạch được khoảng 4 lon. Ai mua phải đặt trước mới có”, chị Thương phân tích.

    sam ngoc linh 1
    Có giá vô cùng đắt đỏ nên ai mua hạt sâm Ngọc Linh phải đặt trước cả vài tháng mới có.

    PV chưa khỏi bất ngờ với giá một lon hạt sâm Ngọc Linh này thì chị Thương cho biết thêm, năm nay, giá hạt sâm đã giảm. Năm trước, một lon có giá bán sỉ là 120 triệu đồng, mỗi hạt có giá lên tới 130-150 nghìn đồng.

    “Có người chỉ mua vài hạt về trồng nhưng đối với một số doanh nghiệp, họ mua cả chục lon một lần về ươm”, chị Thương thông tin.

    sam ngoc linh 1
    Nhờ trồng sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My thu được hàng trăm tỷ mỗi năm.

    Tại Quảng Nam, hiện vùng sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng 15.000ha tại 7/10 xã của huyện Nam Trà My với trên 1.250 hộ gia đình tham gia trồng sâm trên diện tích hơn 2.000ha. Sản lượng hằng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 đến 600 tỷ đồng/năm.

    Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810ha, với khoảng hơn 3 triệu cây.

    Theo Nguoiduatin

  • Ngày 25/7, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình phối hợp tổ chức Lễ xuất hàng sản phẩm OCOP 'Tinh bột nghệ và trà chanh đào mật ong' sang Vương quốc Anh, đánh dấu lần đầu tiên tỉnh xuất khẩu các mặt hàng này sang nước bạn.

    Hai sản phẩm OCOP là tinh bột nghệ của công ty TNHH Tinh bột nghệ Nhưng Vần (huyện Lạc Sơn) và trà chanh đào mật ong của hợp tác xã Hà Phong (huyện Cao Phong).

    Tổng số lượng xuất khẩu lần này là 60 thùng, tương đương 1.080 hũ, trọng lượng từ 200-500g/ hũ. Các sản phẩm được đóng thùng theo quy cách đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và được vận chuyển sang thị trường Anh bởi CTCP R.Y.B.

    tinh bot nghe nhung van 1
    Sản phẩm trà chanh đào mật ong xuất sang Anh.

    Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, lễ xuất hàng sản phẩm OCOP “Tinh bột nghệ và trà chanh đào mật ong” ra thị trường nước ngoài cho thấy các sản phẩm nông sản của Hòa Bình còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế. Sản phẩm có khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa và nước ngoài, bao gồm các thị trường khó tính với yêu cầu cao về chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

    Ông Sứ nhấn mạnh, thời gian tới tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo sản xuất, tạo ra các vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, đáp ứng quá trình chế biến sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ việc chứng nhận an toàn thực phẩm cho vùng nguyên liệu; hỗ trợ người sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.

    Đồng thời, các sở, ngành, chính quyền địa phương sẽ là cầu nối cho người sản xuất với doanh nghiệp thu mua sản phẩm, để các bên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin, từ đó đáp ứng được các yêu cầu sản phẩm của thị trường. Các sở, ngành, địa phương cũng sẽ nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các bên để có những chính sách hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ khó khăn; tiếp tục mời gọi, hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư và thu mua sản phẩm...

    Liên quan đến sản phẩm OCOP, Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận cho biết, thời gian qua Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh Hòa Bình công nhận cho 123 sản phẩm của 101 chủ thể đạt sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên, gồm 24 sản phẩm 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao, đa số là sản phẩm thuộc ngành nông nghiệp (96 sản phẩm của 82 chủ thể).

    Qua thời gian thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đã nỗ lực hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chương trình có sự hưởng ứng nhiệt tình của các chủ thể OCOP khi đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy thế mạnh các sản phẩm đặc thù của địa phương.

    6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản tỉnh Hòa Bình đã có nhiều tín hiệu tích cực. Đến nay đã có 20 tấn quả sấu cấp đông được xuất sang thị trường Nhật Bản; 43 tấn rau cải sang thị trường Anh; 6 tấn phở sang châu Âu; 300 tấn mía trắng, mía tím cấp đông sang thị trường các nước Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản…; 350 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc; 56 tấn măng đã qua chế biến sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản; 3.500 tấn sản phẩm chế biến sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

    Theo Mekongasian