Hoàng gia Anh - 'Tập đoàn' luôn đặt kinh doanh lên hàng đầu?

Cuộc phỏng vấn của Harry-Meghan khắc họa Hoàng gia Anh như một tập đoàn với các hoạt động nằm trong vòng bí mật và công việc kinh doanh đặt lên hàng đầu.

tap doan hoang gia

Khi Nữ công tước xứ Sussex gọi Hoàng gia Anh là "tập đoàn" trong cuộc phỏng vấn đầy kịch tính với nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey, cô khiến người xem mường tượng một thể chế giống như tập đoàn kinh doanh. 

Hiện tại nó là một doanh nghiệp gặp khủng hoảng sau khi Harry và Meghan đưa ra loạt cáo buộc về phân biệt chủng tộc và thái độ lạnh nhạt của các thành viên trong gia đình. 

Hai ngày sau cuộc phỏng vấn bom tấn, Điện Buckingham trong thông báo thay mặt Nữ hoàng Anh cho biết các vấn đề được nêu ra, đặc biệt là vấn đề chủng tộc đang rất được quan tâm.

"Mặc dù một số hồi ức có thể khác nhau, chúng đang được xem xét nghiêm túc và sẽ được gia đình giải quyết một cách riêng tư", tuyên bố nói thêm.

Câu chuyện của Harry-Meghan theo những gì mà họ chia sẻ giống như một bộ phim truyền hình đau thương, xoay quanh các mối quan hệ trong gia đình. Nhưng nó cũng là câu chuyện về cuộc đấu tranh của một người phụ nữ độc lập tham gia vào một "tập đoàn" gia đình lâu đời, khá bảo thủ và xa cách. 

Thuật ngữ "tập đoàn" từng được cha của nữ hoàng Elizabeth II- Vua George VI đề cập tới. 

"Chúng ta không phải là một gia đình. Chúng ta là một tập đoàn", ông nói.

Theo New York Times, tập đoàn này là một doanh nghiệp vươn xa hơn chính các hoàng gia, bao gồm một "đội quân" gồm thư ký riêng, cố vấn truyền thông, những chủ hộ, tài xế, người hầu, giúp việc, người làm vườn và tất các những người khác điều hành cung điện. 

Chỉ riêng Điện Buckingham đã có hơn 400 nhân viên. Họ quán xuyến mọi thứ từ kinh doanh dịch vụ ăn uống cho hàng chục bữa tiệc do nữ hoàng tổ chức tới bộ máy quan hệ công chúng theo đúng kiểu một công ty. 

Theo nhà viết tiểu sử hoàng gia Penny Junor, rất khó để phân biệt giữa hoàng gia và một bộ máy. 

"Các thành viên trong gia đình sử dụng thư ký riêng cho các công việc cá nhân như mời cha mẹ hoặc con cái của họ tới ăn tối. Đây không phải là một gia đình giỏi giao tiếp với nhau. Họ chắc chắn không giỏi chăm sóc nhau", Penny cho hay. 

Khi giải thích về sự rời đi của mình, Harry và Meghan thường viện dẫn điều này. Họ khẳng định các nhân viên truyền thông của Điện Buckingham không bảo vệ Meghan trước các tờ báo lá cải và nhiều mối đe dọa đeo bám.

Các cố vấn nói với nữ công tước xứ Sussex rằng cô không nên ăn trưa với bạn bè vì hình ảnh của cô đã xuất hiện khắp nơi. Nhưng Meghan nói mình chỉ rời cung điện Kensington hai lần trong bốn tháng.

Harry chia sẻ anh cảm thấy bị mắc kẹt với cuộc sống Hoàng gia khi các quy tắc bủa vây mọi khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của mình và các thành viên khác. 

"Tôi bị mắc kẹt mà không biết là mình bị mắc kẹt. Cha tôi và anh trai tôi, họ cũng bị mắc kẹt như vậy. Họ đã không thể rời khỏi hoàng gia và tôi thực sự đồng cảm rất lớn với họ vì điều đó", Harry chia sẻ. 

Quyền lực của bộ máy quan chức trong Điện Buckingham được tiết lộ vài ngày trước cuộc phỏng vấn bom tấn khi tờ Times of London đưa tin, trợ lý làm việc cho Meghan từng bật khóc khi bị cô bắt nạt.

Theo Times of London, Jason Knauf, cựu thư ký truyền thông cho vợ chồng Harry đã đệ trình khiếu nại lên văn phòng quản lý nhân sự của hoàng gia Anh để Cung điện Buckingham bảo vệ các nhân viên mà anh cho rằng bị Meghan bắt nạt. Tuy nhiên, văn phòng này không hành động và cũng chẳng có cuộc điều tra nào.

Bài báo của Times of London vẽ nên bức tranh về Điện Buckingham giống như một nơi làm việc hơn là một địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới. 

Giống như bất cứ nhà tuyển dụng nào, Điện Buckingham đăng danh sách tuyển dụng. Hoàng gia Anh đang tìm kiếm một cố vấn kỹ thuật số với mức lương hơn 41.000 USD/năm.

Các cố vấn cao cấp nhất của hoàng gia là vị trí trong mơ với nhiều người. Rất nhiều người làm việc trong quân đội hoặc những người từng giữ các vị trí cao trong bộ máy chính quyền các nước khác ứng tuyển vào chức danh này.

Fiona Mcilwham, thư ký cuối cùng của Harry và Meghan từng là Đại sứ Anh trẻ nhất trong lịch sử. Một cựu thư ký truyền thông khác, Sara Latham từng là trợ lý Nhà Trắng trước khi làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của bà Hillary Clinton.

Cung điện Buckingham khẳng định "cả gia đình rất buồn khi được khi biết được những thách thức đối với Harry và Meghan trong vài năm qua", nhưng vợ chồng hoàng tử Anh được cho là có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với nhân viên của mình. 

Căng thẳng không chỉ bùng lên giữa Harry và Meghan với nhân viên. Vợ chồng hoàng tử Harry cũng "bằng mặt không bằng lòng" với nhiều gia đình khác trong Hoàng gia Anh. 

Quan hệ với báo chí được xem là tâm điểm mâu thuẫn giữa Harry-Meghan và gia đình. Thái tử Charles những năm qua luôn tìm cách vun đắp quan hệ với các tờ báo lá cải của Anh, nhưng con trai ông nhiều lần đâm đơn kiện các tờ báo này với cáo buộc xâm phạm quyền riêng tư. 

Harry từng mô tả về một "hợp đồng vô hình" giữa gia đình hoàng gia và các tờ báo lá cải. 

"Nếu bạn là một thành viên Hoàng gia sẵn sàng uống rượu, dùng bữa, tiếp cận đầy đủ với những phóng viên này, bạn sẽ nắm báo chí tốt hơn", Harry nói. 

Hoàng tử Anh chia sẻ cha mình và các thành viên khác trong gia đình rất sợ các tờ báo lá cải đưa tin về họ. Theo Harry, sự tồn tại của chế độ quân chủ phụ thuộc vào việc duy trì một hình ảnh nhất định với người dân Anh. Hình ảnh này được tuyên truyền ra sao phụ thuộc nhiều vào hướng đưa tin của báo chí. 

Giống như Nhà Trắng, Điện Buckingham cho phép một số phóng viên nhất định tiếp cận. Họ ghi lại các cuộc họp, các buổi lễ của Nữ hoàng. 

Theo các nhà sử học, mối quan hệ giữa hoàng gia và các tờ báo lá cải tồn tại từ những năm 1920. Giao dịch này thường mang lại lợi ích cho cả hai bên. Hoàng gia Anh chia sẻ các hoạt động của mình trong khi các tờ báo lá cải kiếm bội tiền nhờ câu chuyện về các hoàng tử, công chúa, công tước... 

Với sự xuất hiện của ông trùm báo lá cải Rupert Murdoch vào những năm 1970, báo chí đưa tin về Hoàng gia theo hướng tiêu cực và cứng rắn hơn. 

Đơn kiện của Harry chống lại tờ The Sun của Rupert Murdoch khẳng định, điện thoại của anh bị xâm nhập trong khi Meghan kiện Daily Mail với cáo buộc đăng tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cô và bố đẻ. 

Cuộc phỏng vấn của cặp đôi hôm 7/3 dẫn tới một tai nạn truyền thông hai ngày sau đó. Piers Morgan, người dẫn chương trình “Chào buổi sáng nước Anh” đột ngột từ chức. 

Morgan khẳng định ông không tin bất cứ lời nào trong cuộc phỏng vấn, thậm chí cả lời thú nhận từng có ý định tự tử của Meghan. Hơn 41.000 đơn khiếu nại được gửi tới cơ quan quản lý truyền thông của Anh sau tuyên bố này. 

"Chế độ quân chủ không thể tồn tại nếu không có phương tiện truyền thông, nhưng quan trọng là bạn quản lý phương tiện truyền thông đó như thế nào?", nhà sử học Edward Owens cho biết. 

Owens nói Harry và Meghan cặp vợ chồng mới nhất trong hàng dài các hoàng gia có nỗi thống khổ cá nhân được miêu tả như cái giá phải trả cho việc thực hiện nghĩa vụ hoàng gia của họ.

Sự hy sinh đó là một phần không thể tránh khỏi khi trở thành một phần của tập đoàn như Vua George VI nói. Nó như một lời biện minh với công chúng về những đặc quyền của công việc.

"Tập đoàn ám chỉ rằng những ràng buộc gia đình là suy nghĩ đặt ở sau cùng. Nghĩa vụ và công việc kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu", Owens nói. 

VTC (Nguồn: The New York Times)