Ông Sajid Javid nới lỏng thời hạn làm việc cho du học sinh khi tốt nghiệp

Ông Sajid Javid cho biết ông muốn thu hồi các quy tắc cứng rắn về việc cho phép du học sinh ở lại Anh làm việc với lý do rằng nước Anh cần có thái độ linh hoạt, nhạy cảm hơn đối với người nhập cư.

Trong các bình luận đi ngược lại cách tiếp cận từ trước đến nay của bà Theresa May, Bộ trưởng Nội vụ, một trong những người đang có tham vọng ngồi vào chiếc ghế thủ tướng, cho biết ông sẽ nới lỏng các quy tắc hiện hành chỉ cho du học sinh sáu tháng làm việc sau khi học xong.

“Tôi muốn thấy nhiều sinh viên quốc tế đến nước ta hơn,” ông Javid phát biểu tại một sự kiện ở London được tổ chức bởi Thinktank British Future.

“Nếu họ đến đây, học tại các trường đại học lớn của chúng ta, nếu họ muốn làm việc sau đó, chúng ta sẽ giúp họ ở lại và làm việc dễ dàng hơn, và sẽ không nói rằng, các bạn phải trở về nhà, chỉ vì lợi ích của việc đó. Chúng ta cần một thái độ tích cực hơn. Tôi nghĩ đất nước sẽ hoan nghênh điều này.”

Ông Javid đã nhắc lại quan điểm này trong một bài viết trên tờ Financial Times: Thật vô nghĩa khi ép những người thông minh nhất và dám nghĩ dám làm nhất trên thế giới về nhà ngay sau thời gian ở đây.”

Thông báo của ông đã nhận được sự hoan nghênh từ ông Jo Johnson, cựu bộ trưởng các trường đại học, người đang tìm cách sửa đổi dự luật di trú để thay đổi giới hạn sáu tháng trở lại thời hạn hai năm như trước đó.

Trong một bài đăng trên Twitter, ông Johnson cho biết ông rất vui mừng trước động thái này, gọi kế hoạch thay đổi này là một “chiến thắng thực sự cho quyền lực mềm của Vương quốc Anh.”

Tại sự kiện British Future, Javid nhắc lại ý định hủy bỏ mục tiêu chính thức lâu đời nhưng không bao giờ đạt được của đảng Bảo thủ là hạn chế di cư ròng hàng năm vào Vương quốc Anh ở mức hàng chục nghìn người.

“Tôi đã nói rằng tôi sẽ không đề ra mục tiêu,” ông nói. “Tôi chỉ nghĩ rằng thật vớ vẩn khi đặt mục tiêu mà bạn sẽ không bao giờ đạt được. Ngoài ra, mọi chuyện nên được quyết định dựa trên những gì bạn nghĩ rằng đất nước cần, và cái chúng ta cần cũng thay đổi theo thời gian.”

Ông nói rộng hơn về lợi ích của việc nhập cư và cách ông cảm thấy rằng việc kiểm soát những con số sau Brexit có thể thay đổi thái độ của công chúng.

“Tôi nghĩ rằng mọi chuyện rất tuyệt vời đối với nước Anh. Tôi nghĩ rằng chúng ta có lẽ đã trở thành một xã hội tồi tệ hơn nhiều ngày nay – tôi không chỉ muốn nói đến khía cạnh kinh tế, mà còn về mặt văn hóa -  nếu chúng ta không có được cách tiếp cận nhập cư từ các chính phủ trước đó trong vài thập kỷ qua, ông nói. “Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng chúng ta nên bị ám ảnh bởi những con số chung, miễn là con số đó được kiểm soát bởi chính phủ, và nó dựa trên những gì bạn cảm thấy cần.”

VietHome (Theo Guardian)