Khi nào bé trai ngừng phát triển chiều cao?

Bé trai có thể tăng khoảng 7,6 cm mỗi năm trong giai đoạn dậy thì và ngừng phát triển chiều cao khi 16 tuổi.

Ở nam, tuổi dậy thì có xu hướng bắt đầu khi trẻ 12 tuổi, chậm hơn các bé gái và kéo dài 2-5 năm. Tốc độ phát triển nhanh nhất trong khoảng 1-2 năm sau khi bắt đầu dậy thì. Hầu hết bé trai sẽ ngừng phát triển chiều cao vào năm 16 tuổi và thường phát triển toàn diện vào năm 18 tuổi. Một số trường hợp có thể tiếp tục cao thêm 2-3 cm trong những năm cuối tuổi thiếu niên.

Trẻ nam trải qua một giai đoạn phát triển vượt bậc trong tuổi dậy thì. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể khác nhau vì mỗi bé trải qua tuổi dậy thì ở các độ tuổi khác nhau. Trung bình, bé trai có xu hướng tăng khoảng 7,6 cm mỗi năm trong giai đoạn này. Tuổi của nam giới khi trải qua tuổi dậy thì không ảnh hưởng đến chiều cao cuối cùng, nhưng sẽ tác động đến thời điểm bắt đầu và ngừng phát triển của bé.

Dậy thì ở nam giới có xu hướng chia thành hai loại: trưởng thành sớm (bắt đầu dậy thì khoảng 11-12 tuổi) và trưởng thành muộn (bắt đầu dậy thì khoảng 13-14 tuổi). Cả hai loại thường đạt chiều cao tương tự nhau, nhưng những bé dậy thì muộn có xu hướng phát triển với tốc độ nhanh hơn để bù đắp cho thời gian đã mất. Trong giai đoạn dậy thì, chiều cao cực đại mà các bé trai đạt được chiếm 92% chiều cao khi trưởng thành.

phat trien chieu cao o tre em
Nam giới dậy thì muộn hơn nữ giới nên thời điểm ngừng phát triển chiều cao cũng muộn hơn. Ảnh: Freepik

Các tác nhân làm giảm tốc độ tăng trưởng

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra sự chậm phát triển ở nam giới. Các yếu tố như chế độ ăn uống và môi trường có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng. Trẻ em có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng có thể không cao như những bé được cung cấp những bữa ăn đầy đủ và cân đối. Những người bị thừa cân, béo phì có xu hướng ít tăng chiều cao. Suy dinh dưỡng trong thời thơ ấu cũng có thể làm chậm tăng trưởng.

Các bệnh mạn tính (viêm khớp), tình trạng di truyền (hội chứng Down và các rối loạn di truyền), sự mất cân bằng hormone (hormone tăng trưởng, hormone sinh dục, mức insulin) và sử dụng một số loại thuốc (corticosteroid) đều có thể làm chậm hoặc hạn chế sự phát triển.

Tình trạng chậm phát triển có thể dễ nhận thấy nhất trong giai đoạn sơ sinh. Đó là lý do tại sao việc khám sức khỏe định kỳ là điều quan trọng. Mỗi lần khám, bác sĩ nhi khoa sẽ theo dõi sự tăng trưởng của trẻ, cho phép phát hiện ra vấn đề ngay lập tức nếu có dấu hiệu bất thường. Chụp X-quang bàn tay và cổ tay có thể giúp đánh giá mức độ phát triển của trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ có thể cần sự tư vấn và hỗ trợ từ bác sĩ khi bé trai đang phát triển nhanh hơn hoặc chậm hơn nhiều so với dự kiến; thấp hơn hoặc cao hơn nhiều so với những trẻ cùng tuổi; đang phát triển rất cao dù bố mẹ thấp; chưa bắt đầu dậy thì trước 14 tuổi.

Cách giúp bé trai tăng trưởng chiều cao

Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tập thể dục là điều cần thiết giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Chế độ ăn uống và khả năng tiếp cận thực phẩm toàn phần giàu chất dinh dưỡng như trái cây tươi, rau củ, protein, các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc có thể tác động đến sức khỏe tổng thể và sự tăng trưởng của trẻ.

Thanh thiếu niên cần ngủ 8-9 tiếng mỗi đêm, vì nó có thể ảnh hưởng đến lượng hormone tăng trưởng được tiết ra, tác động đến chiều cao và cân nặng tổng thế. Một giấc ngủ lành mạnh là đi ngủ đúng giờ và không thức quá khuya.

Vận động bằng cách tham gia các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe, hoặc giúp đỡ việc nhà cũng góp phần tăng cường chiều cao ở trẻ. Ngoài ra, tư thế cũng có thể tạo ra sự khác biệt về chiều cao, các bé trai có thể bị gù lưng nếu có thói quen cúi người.

VnExpress (Theo Healthline, Medical News Today)