Nhân viên NHS nhiễm Covid-19 vì dùng đồ bảo hộ quá hạn

Bác sĩ Roberts đang phải chữa trị cho 3 đồng nghiệp cùng khoa. Họ đều nhiễm virus corona sau quá trình làm việc với các thiết bị bảo hộ quá hạn.

Chỉ trong vài tháng, virus corona “từ một nơi xa” nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu, đe doạ cuộc sống của người dân Anh. Hệ thống y tế nước này đang bị quá tải trong khi số ca nhiễm bệnh và ca tử vong liên tục gia tăng.

Các nhân viên y tế buộc phải đối diện với một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Bác sĩ Roberts, khoa chăm sóc tích cực của một bệnh viện tại Midlands, chia sẻ về những ngày tháng nơi tuyến đầu chống dịch.

Bác sĩ Roberts bắt đầu câu chuyện về một bệnh viện “vỡ trận” trước đại dịch. Tại đây, mọi hoạt động khám chữa bệnh đều tạm hoãn để tập trung điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona.

0 do bao ho qua han 1
Nhân viên y tế tại Anh phải dùng túi đựng rác thay đồ bảo hộ chuyên dụng. Ảnh: BBC.

Các nhân viên y tế phải tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh suốt 13h/ ngày dù thiếu hụt thiết bị bảo hộ chuyên dụng. Nhiều người phải dùng đến túi đựng rác, tạp dề nhựa hay kính trượt tuyết để bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm.

“Nhiều y bác sĩ, nhất là những người thuộc khoa chăm sóc tích cực, phải tích trữ đồ bảo hộ cá nhân cho riêng mình. Nếu không có đủ, họ buộc phải dùng túi rác, tạp dề trùm quanh người”, bác sĩ Roberts kể lại.

Chính phủ Anh từng tuyên bố lực lượng đặc nhiệm đang “làm việc ngày đêm” để phân phối vật phẩm y tế cho các bệnh viện trên toàn quốc. Theo Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS), một triệu chiếc mặt nạ phòng độc sẽ được chuyển đến các nhân viên y tế. Tuy nhiên, NHS không nhắc đến các thiết bị bảo hộ cần thiết khác như mũ trùm đầu hay quần áo bảo hộ dài tay.

Bệnh viện của bác sĩ Roberts vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ trong khi các thiết bị sẵn có đã quá hạn từ lâu. “Tôi từng thấy một chiếc mặt nạ có đến 3 nhãn dán gia hạn thời gian sử dụng. Nhãn dán cũ nhất cho biết thiết bị này hết hạn năm 2009”, bác sĩ Roberts cho hay.

0 do bao ho qua han 1
Một chiếc mặt nạ có đến 3 nhãn dán gia hạn thời gian sử dụng. Ảnh: BBC.

Theo NHS, các thiết bị bảo hộ cá nhân có thể được gia hạn thời gian sử dụng sau khi trải qua quy trình “kiểm định nghiêm ngặt”. Dù NHS khẳng định những thiết bị này “an toàn cho nhân viên y tế sử dụng” nhưng bác sĩ Roberts không chắc chắn về điều đó.

Roberts đang phải điều trị cho 3 đồng nghiệp cùng khoa. Họ đều nhiễm virus corona sau quá trình làm việc với các thiết bị bảo hộ quá hạn.

Theo bác sĩ Roberts, gia đình bệnh nhân không được đến thăm và điều này thật đau lòng. “Tôi thấy việc khó khăn nhất là nói chuyện với gia đình bệnh nhân. Tôi phải nói rằng người thân của họ đang hấp hối nhưng họ không được phép đến nói lời từ biệt”.

Bác sĩ Roberts cũng cảm thấy bất lực khi không thể làm mọi thứ trong khả năng để cứu chữa người bệnh. “Tôi không thể đảm bảo bệnh nhân có máy thở hay được chăm sóc kịp thời vì mọi nguồn lực đều bị giới hạn. Bệnh viện này còn hết thuốc kháng sinh”.

NHS chưa thống kê được số nhân viên y tế trên toàn quốc nhiễm Covid-19 trong quá trình làm việc. Tại Tây Ban Nha, bộ trưởng Y tế hôm 27/3 thông báo có 9.400 y bác sĩ dương tính với virus corona trong khi Italy hôm 30/3 ghi nhận 6.414 nhân viên y tế nhiễm bệnh.

Dựa vào tình hình ở Tây Ban Nha và Italy, bác sĩ Roberts cho biết đỉnh dịch tại Anh có thể diễn ra vào khoảng giữa tháng 3. “Nếu dịch bệnh diễn biến xấu như Tây Ban Nha và Italy thì chúng tôi sẽ không cầm cự nổi mất”.

Một bác sĩ dùng túi rác thay cho quần áo bảo hộ. Ảnh: Getty Images.

Theo bà Roberts, máy móc và thiết bị y tế, vốn chỉ nên hoạt động 2-3 giờ, đang phải vận hành 24/7 và trở nên hỏng hóc. Các bệnh viện trên toàn quốc quá tải vì số giường bệnh và bệnh nhân tăng gấp đôi.

“Nhân viên khoa chăm sóc tích cực thường làm việc với 1 bệnh nhân đang nguy kịch. Giờ đây, mỗi nhân viên phải xoay sở để chăm sóc 4 bệnh nhân như thế. Họ đang chật vật với một nhiệm vụ bất khả thi. Đây chính là lý do khiến hệ thống y tế sụp đổ”, Roberts nhận định.

Zing (dịch từ BBC)