Sử dụng thuốc kháng sinh

Ở người cao tuổi (NCT), các cơ quan chức năng quan trọng của cơ thể như ruột, tim, gan, thận... đều đã bị suy yếu nên sự hấp thu, phân bố, chuyển hóa, đào thải của thuốc kháng sinh vào cơ thể đã bị thay đổi. Do đó, việc dùng kháng sinh cần phải đặc biệt lưu ý.

Ở người cao tuổi (NCT), các cơ quan chức năng quan trọng của cơ thể như ruột, tim, gan, thận... đều đã bị suy yếu nên sự hấp thu, phân bố, chuyển hóa, đào thải của thuốc kháng sinh vào cơ thể đã bị thay đổi. Do đó, việc dùng kháng sinh cần phải đặc biệt lưu ý.

NCT khi tuổi càng cao hệ miễn dịch càng suy yếu, sức đề kháng càng kém dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn; lại thường mắc phải nhiều bệnh cùng lúc. Chính vì vậy, NCT thường phải sử dụng nhiều loại thuốc, bao gồm kháng sinh. Sự tương tác giữa thuốc kháng sinh với các thuốc điều trị khác có thể xảy ra.

 

Sử dụng thuốc kháng sinh 1

Ảnh minh họa

 

 

 

 

 

 

 

 

Những đặc điểm hấp thu, phân bố… thuốc của người cao tuổi

Sự hấp thu thuốc: do hệ tiêu hóa bị suy yếu với nhu động ruột giảm, giảm tiết dịch vị và các men tiêu hóa... nên sự hấp thu thuốc kháng sinh ở NCT bị giảm. Với những thuốc có tính acid như: nhóm quinolon, macrolid... do pH dịch vị tăng làm chậm sự hấp thu của thuốc.

Cần lưu ý: các loại thuốc antacid, thuốc kháng histamin H2, thuốc nhuận tràng… thường được NCT sử dụng, sẽ làm giảm hấp thu thuốc kháng sinh khi sử dụng đồng thời.

Sự phân bố: sự phân bố thuốc vào cơ thể phụ thuộc vào lưu lượng máu, khối lượng mỡ, sự gắn kết với protein huyết tương. Ở NCT, lưu lượng máu qua tim giảm, khối lượng mỡ tăng lên nên quá trình phân bố thuốc kháng sinh chậm đi.

Do sự gắn kết với protein huyết tương ở NCT giảm, nên nồng độ thuốc tự do tăng cao. Vì vậy, cần lưu ý với những thuốc gắn kết với protein huyết tương cao như: oxacillin, cefazolin, ceftriazon… sự tích tụ nồng độ thuốc tự do cao có thể gây ra hiện tượng quá liều!

Sự chuyển hóa: quá trình chuyển hóa các thuốc kháng sinh chủ yếu xảy ra ở gan và hệ thống enzym ngoài gan.

Với NCT, chức năng của gan bị suy yếu, lưu lượng máu qua gan và khối lượng gan giảm nên làm giảm khả năng chuyển hóa các thuốc kháng sinh. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng các thuốc kháng sinh chuyển hóa nhiều ở gan cho NCT như: clindamycin, rifamficin, metronidazol…

Sự đào thải: chức năng thận ở NCT đã bị suy yếu nên làm chậm quá trình đào thải thuốc, làm tăng tác dụng và độc tính của thuốc.

Vì vậy, với những thuốc kháng sinh có độc tính ở thận như: streptomycin, gentamycin, sulfamid, trimethoprim... cần thận trọng khi sử dụng cho NCT.

Những lưu ý khi sử dụng

Việc sử dụng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài ở NCT sẽ gây ra tình trạng thiếu vitamin K, tiêu chảy kéo dài và bội nhiễm nấm candida albicans... (do thuốc kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn có ích sống ở ruột).

Kháng sinh có thể làm biến chất vi khuẩn chuyển hóa digoxin, gây ra tình trạng quá liều digoxin ở NCT khi điều trị bằng thuốc kháng sinh trong thời gian dài.

Cần tránh sử dụng nhóm kháng sinh aminoglycosid (kanamycin, streptomycin...), do gây ra độc tính ở thận và cơ quan thính giác của NCT.

Các thuốc kháng sinh có ảnh hưởng đến chức năng của gan như sulfamid, lincomycin, clindamycin, nhóm quinolon... cần thận trọng khi dùng cho NCT bị suy gan.

Nhóm quinolon khi sử dụng cho NCT thường gây ra các rối loạn thần kinh và mất ngủ.

Một số thuốc kháng sinh như carboxypenicillin, fosfomycin… có khả năng làm giảm kali huyết gây ra rối loạn nhịp tim.

Vì vậy, việc sử dụng thuốc kháng sinh cho NCT cần phải hết sức thận trọng.

 DS. MAI XUÂN DŨNG

 

Nguồn Suc Khoe Doi Song