3 người đã bị bắt trong cuộc biểu tình. Ảnh: David Nathan/UKNIP
3 người đã bị bắt trong một cuộc biểu tình lớn vào cuối tuần ở London. Một người bị bắt vì đã làm "động tác chào kiểu ph.át x.ít", một người khác bị bắt vì ủng hộ một tổ chức khủng bố bị cấm. Một người khác bị bắt vì tung hô biển báo phản cảm.
Có 2 cuộc biểu tình lớn đã diễn ra là 'Palestine Solidarity Campaign (PSC)' và ‘Enough is Enough’. Cuộc biểu tình PSC đã được lên kế hoạch tiến hành lần thứ 17 ở trung tâm London, bắt đầu từ Park Lane và kết thúc ở Whitehall. Cuộc biểu tình bắt đầu vào lúc 12h trưa và kết thúc lúc 4h30 chiều.
Cùng lúc đó, cuộc biểu tình tĩnh "Enough is Enough" cũng diễn ra trên lộ trình của PSC. Hồi đầu tuần họ cũng đã có một cuộc diễu hành tĩnh tương tự ở London. Sau khi biểu tình kết thúc, đường phố xung quanh Whitehall đã được mở trở lại".
Vào hôm thứ Tư, đã có một cuộc bạo động của phe cực hữu ở London sau vụ s.át hại 3 trẻ em ở Southport. Cảnh sát đã tăng cường trấn an người dân, gặp gỡ với giới lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo, thăm các nhà thờ Hồi giáo và các tòa nhà tôn giáo.
Phong trào cực hữu gây bạo loạn ở Anh
Cuộc biểu tình của phong trào cực hữu Anh ở trung tâm thủ đô London ngày 31/7 trở nên bạo lực khi đám đông ném pháo sáng, chai thủy tinh về phía cổng khu vực các tòa nhà chính phủ ở Phố Downing.
Người biểu tình hô các khẩu hiệu mang màu sắc cực hữu như "Nước Anh tự trị", "Chặn thuyền nhập cư", "Sống chết cùng nước Anh", "Chúng ta phải đòi lại đất nước" và hô tên của nhà hoạt động cực hữu Tommy Robinson.
Các phần tử cực đoan tìm cách xô đổ cổng khu tòa nhà chính phủ, nhưng bị cảnh sát chống bạo động ngăn chặn. Cảnh sát đã bắt khoảng 100 người có hành vi quá khích.
Người biểu tình quá khích tại London bị bắt ngày 31/7. Ảnh: Reuters
Bạo lực cũng bùng phát trong cuộc biểu tình ở Hartlepool, miền bắc nước Anh, khiến một số cảnh sát bị thương. Ít nhất 8 người bị bắt sau khi ném gạch đá vào lực lượng an ninh.
Biểu tình bùng phát ở nhiều thành phố của Anh sau khi một nghi phạm 17 tuổi ngày 29/7 bị bắt với cáo buộc đâm dao tại một trường dạy múa ở Southport, vùng Merseyside, nơi tổ chức workshop yoga và nhảy múa chủ đề Taylor Swift dành cho trẻ em 6-11 tuổi. Vụ tấn công khiến ba bé gái thiệt mạng, 5 trẻ và hai người lớn bị thương nghiêm trọng.
Nghi phạm đối diện ba cáo buộc giết người, 10 cáo buộc mưu sát và một cáo buộc dùng dao gây thương tích.
Tuy nhiên, mạng xã hội Anh đang lan truyền thông tin kẻ đâm dao là người Hồi giáo đang xin tị nạn chính trị, dù nghi phạm trên thực tế được sinh ra tại thành phố Cardiff ở Wales.
Cho rằng vụ đâm dao mang động cơ tôn giáo, nhóm người biểu tình cực hữu kéo đến buổi lễ tưởng niệm dành cho các nạn nhân. Họ gây rối, hô các khẩu hiệu "đòi lại đất nước cho người Anh" và ném đá vào thánh đường Hồi giáo địa phương.
Đám đông cực đoan khoảng 200-300 người còn tấn công lực lượng an ninh, phóng hỏa xe cảnh sát, khiến 53 sĩ quan bị thương. Cảnh sát Anh bước đầu xác định nhóm bạo loạn có liên hệ với Liên đoàn Bảo vệ nước Anh (EDL), tổ chức cực hữu đã nhiều lần kích động biểu tình bài xích Hồi giáo.
"Sự kiện vừa qua cho thấy người từ nhiều nơi trên khắp cả nước đã bị kích động bởi mạng xã hội và bị cuốn theo đám đông, tấn công chính những người vừa được ca ngợi là anh hùng vì dám lao vào nơi nguy hiểm hỗ trợ các nạn nhân vụ đâm dao", thị trưởng Liverpool Steve Rotheram phát biểu ngày 31/7 ở Southport.
Cảnh sát Anh ngày 31/7 thông báo đã bắt 5 nghi phạm liên quan vụ bạo loạn của người biểu tình cực hữu. Lãnh đạo cảnh sát Merseyside Serena Kennedy lên án sự kiện "đậm màu sắc cực đoan và bạo lực", tuyên bố cơ quan điều tra sẽ phát thêm lệnh bắt trong thời gian tới.
Viethome (theo MyLondon)