FBI tổ chức đám cưới xa hoa để bẫy nhiều trùm tội phạm quốc tế

Hè 2005, hàng chục tội phạm sừng sỏ khắp thế giới cùng nhận được thiệp mời cưới trên du thuyền xa xỉ, được bao trọn gói phòng khách sạn 5 sao mà không biết đó là bẫy của FBI.

Ngày 2/10/2004, tàu container Ever Unique, treo cờ Panama từ Yên Đài, Trung Quốc, cập cảng Newark, New York. Công nhân bến tàu bốc một container và đặt nó lên xe tải, đưa đến nhà kho cách đó vài dặm. Tại đây, FBI và mật vụ vây quanh chiếc container, phát hiện bên dưới các hộp carton đựng đồ chơi bằng nhựa và tìm thấy 3.000 tờ tiền giả mệnh giá 100 USD trong các ngăn có đáy giả.

diep vu FBI 2Khách sạn Taj Mahal tại New Jersey của tỷ phú, cựu Tổng thống Donald Trump, được FBI sử dụng làm nơi ở cho các ông trùm buôn lậu, "khách mời" đám cưới giả. Ảnh: Hotel Management

Các tờ bạc giả "gần như hoàn hảo", có loại mực chuyển màu công nghệ cao giống như tiền thật của Mỹ và được in trên giấy có cùng thành phần sợi chính xác với tiền thật. Những họa tiết, hình ảnh được in trên hai mặt, thậm chí đẹp hơn những hình ảnh do Cục Khắc và In Hoa Kỳ sản xuất. Chỉ khi được phân tích pháp y phức tạp, những tờ tiền này mới được xác nhận là giả.

Hàng giả thuộc loại siêu việt này, gọi là "siêu tiền", đã được các quan chức thực thi pháp luật phát hiện trước đây ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng lô hàng Newark đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên ở Mỹ. Chỉ hai tháng sau, thêm 3 triệu USD "siêu tiền" lại cập cảng Newark.

Cuộc chiến chống "siêu tiền" trên toàn cầu bắt nguồn vào tháng 12/1989, khi một người xử lý tiền có kinh nghiệm ở Ngân hàng Trung ương Philippines thấy nghi ngờ về một tờ bạc. Tờ tiền đã vượt qua các bài kiểm tra thông thường nhưng người này vẫn có cảm giác hơi kỳ lạ.

Tờ tiền cuối cùng đã được chuyển tới các văn phòng của Cơ quan Mật vụ Mỹ để kiểm tra dưới kính hiển vi, xem xét kỹ lưỡng dưới ánh sáng cực tím và được mổ xẻ chi tiết.

diep vu FBI 2Siêu tiền gần như không có sự khác biệt với tờ thật, nếu không kiểm tra chuyên môn. Ảnh: Insider

Cuối cùng nhà chức trách đi tới kết luận, đây không phải tờ tiền giả thông thường. Đầu tiên, nó được in trên giấy được làm bằng sự kết hợp giữa 3/4 vải cotton và 1/4 vải lanh - giống tiền thật của Mỹ. Việc sản xuất giấy an toàn bằng hỗn hợp này đòi hỏi loại máy làm giấy đặc biệt hiếm thấy ở bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ.

Ngoài ra, tờ tiền này còn được sản xuất bằng máy ép intaglio, dạng công nghệ in tiền tiên tiến nhất hiện có. Những máy in intaglio này đắt hơn nhiều so với các máy in offset, in thạch bản hoặc in thạch bản thông thường, vốn tạo ra hàng giả kém chất lượng. Tờ tiền giả này vượt trội hơn tất cả về chất lượng khắc.

Nhưng tờ "siêu tiền" này chỉ là một thành viên trong "gia đình" tiền giả đồ sộ, được Sở Mật vụ cất giữ và nghiên cứu, gồm 19 "thế hệ" tiền giả, được giới điều tra khắp thế giới phát hiện ở Hy Lạp, Ai Cập, Anh, Bulgaria, Lebanon, Tehran, Philippines...

Nhờ công cụ phức tạp, bao gồm quang phổ khối và phân tích cận hồng ngoại, các phòng thí nghiệm của Sở Mật vụ đã thiết lập được mối liên hệ "di truyền" giữa 19 thành viên trong gia đình siêu tiền giả. Nó đều được tạo ra bởi một cá nhân hoặc một tổ chức sử dụng cùng thiết bị và cùng vật liệu, rất có thể được vận hành từ địa điểm duy nhất.

Khi số lượng "siêu tiền" tăng lên, câu hỏi đặt ra: Ai đã tạo ra chúng? Về lý thuyết, chỉ có chính phủ mới có thể mua máy in in chìm chuyên dùng và chỉ một số ít công ty bán chúng. Nhưng tất nhiên không quốc gia nào nhận đó là của mình.

Năm 1992, nhà chức trách ước tính, giá trị của "siêu tiền" đang lưu hành đã có thể lên tới hàng tỷ USD. Lúc này, nước Mỹ dốc lực lượng để điều tra đại án xuyên quốc gia.

Một trong những nghi phạm là vợ chồng Charles và May Liu. Sau khi di cư từ Trung Quốc năm 1980, họ định cư tại Washington, DC, Maryland. Charles, 67 tuổi, là thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Seton Hall ở New Jersey. Ông có vẻ ngoài trầm lặng, uyên bác, còn vợ là quý bà ăn chơi kiểu quý tộc.

Theo điều tra, vợ chồng Liu là thành viên của mạng lưới buôn lậu rộng lớn của Trung Quốc và tổ chức tội phạm lớn nhất nhì toàn châu Á. Họ buôn lậu dược phẩm giả, siêu tiền mệnh giá 100 USD giả và vũ khí. Nhưng "mỏ vàng" thực sự của họ, là thuốc lá.

Buôn bán thuốc lá giả mang lại lợi nhuận cực lớn bởi chi phí sản xuất một thùng thuốc lá 10 triệu điếu, chỉ khoảng 125.000 USD thì khi vào ở Mỹ được bán với giá tới 2 triệu USD, cao gấp 16 lần.

Thuốc lá giả bị kiểm soát ít hơn so với buôn bán ma túy, hình phạt cũng nhẹ hơn. Tất cả điều này khiến buôn lậu thuốc thành "mỏ vàng mới" của các tập đoàn tội phạm có tổ chức, tội phạm nhỏ lẻ, thậm chí cả các nhóm khủng bố.

Cũng như những kẻ buôn lậu ma túy, các đường dây buôn lậu thuốc lá rất khó thâm nhập và mỗi người trong mạng lưới chỉ biết đúng phần công việc của họ. "Bạn phải kiên nhẫn," đại diện Hải quan Mỹ đánh giá.

Màn kịch của các đặc vụ FBI

Các đặc vụ FBI chìm rất hiểu về sự kiên nhẫn. Trong sáu năm, ba đặc vụ chìm của FBI đã làm việc chăm chỉ để gây dựng lòng tin của vợ chồng ông trùm Charles và May Liu.

Trải qua khoảng 1.000 cuộc gặp, cuộc điều tra của họ được đặt tên là "Chiến dịch Royal Charm" và "Smoking Dragon" .

Thomas Zyckowski, cao 1,9 m và nặng hơn 160 kg, là lựa chọn lý tưởng của FBI để đóng vai gã mafia Ý. Vài bộ vest bóng loáng, cặp xe Cadillac được lấy từ kho xe bị tạm giữ của FBI và một chiếc Porsche Carrera màu tím, bị thu giữ từ kẻ buôn ma túy mới đi được 7.000 dặm, đã khiến đặc vụ này và hai đồng nghiệp có tất cả sự phô trương cần cho vai diễn.

diep vu FBI 2Ông Thomas Zyckowski (khoanh đỏ) trong một buổi picnic cùng các đồng đội tại câu lạc bộ hưu trí đặc vụ FBI. Ảnh: FBI

Khi Zyckowski khoe mẽ đến từ gia tộc băng đảng có máu mặt, quen biết các quan chức tham nhũng ở cảng Newark, vợ chồng Liu nhanh chóng tin tưởng. Sau khi các container của băng đảng nhà Liu bị tịch thu ở California, Liu nghĩ rằng sẽ thử vận may ở nơi khác. Zyckowski đưa ra một thỏa thuận: nhà Liu trả 60.000 USD cho mỗi container ở Newark và Zyckowski sẽ lo toàn bộ việc bảo kê.

Việc làm ăn suôn sẻ. Tình bạn giữa nhà Liu với "gia tộc mafia Ý" của Zyckowski cũng sâu đậm dần. Trong khi ông chồng, Charles, thường xuyên sang Trung Quốc và luôn tập trung vào công việc kinh doanh, người vợ May Liu, rất ham thú tụ tập, khiêu vũ và cần bạn đồng hành. Zyckowski tiếp cận May Liu theo hướng này. "Bà ấy gần như đã yêu tôi", đặc vụ chìm Zyckowski sau này kể lại.

Khi nhóm Zyckowski đã bảo kê trót lọt hơn 100 triệu điếu thuốc giả, họ đề nghị "nâng tầm quan hệ". FBI biết đằng sau thuốc lá, nhà Liu còn liên quan những ông trùm sản xuất "siêu tiền" và vũ khí.

Cuối năm 2003, nhà Liu dẫn nhóm của Zyckowski đến gặp Cố Khánh Tăng, người giàu lên từ thuốc lá lậu nhưng gần đây đã tìm đến "siêu tiền". Tăng đưa một tờ cho Zyckowski xem. Tờ tiền khiến cả sở Mật vụ và FBI náo động vì sự tinh xảo đến kinh ngạc.

Nhóm Zyckowski sau đó được mời đi Thái Lan để gặp người liên lạc siêu cấp của anh ta, người cũng buôn bán heroin và vũ khí, để cùng bàn chuyện hợp tác. Trong chuyến đi này, FBI có thêm 90 tên của nghi phạm cùng danh mục chi tiết những món hàng sắp cập đất Mỹ. Ngoài hàng trắng, "siêu tiền" và thuốc lá lậu, còn có cả súng và tên lửa mini, nếu đối tác cần.

15 dặm về phía đông của Los Angeles là Thung lũng San Gabriel: một cụm vùng ngoại ô thấp, rợp bóng cọ có biệt danh khác nhau là Tiểu Đài Bắc, "Beverly của Trung Quốc". Khu vực này có rất nhiều người nhập cư.

Giống như những người đồng cấp Zyckowski ở thành phố Atlantic, đặc vụ FBI Bob Hamer cũng đang song song thực hiện chiến dịch "Smoking Dragon".

Với hơn 20 năm kinh nghiệm thâm nhập vào các băng đảng từ mafia Ý đến mafia Nga, FBI coi đặc vụ Hamer là lựa chọn hoàn hảo cho chiến dịch quan trọng lần này. "Người châu Á tôn trọng tuổi tác. Chúng tôi cần ông", cấp trên nói khi giao việc cho Hamer.

diep vu FBI 2Đặc vụ FBI Bob Hamer ngoài đời (trái) và khi vào vai để tiếp cận mục tiêu. Ảnh: FBI

Năm 2002, Hamer 52 tuổi nhưng đã cực kỳ thành công không khi vào vai một ông già què, chống ba toong, dáng đi lập cập, đến gặp "mục tiêu" Willon Kow Szeto. Đây là người có mối quan hệ mật thiết với hai trùm sò buôn lậu khác là Jie, đến từ Trung Quốc và Lin từ Đài Loan. Container hàng lậu của nhóm này ít bị bắt, nhưng Jie vừa bị bắt ở sân bay Los Angeles tháng 4/2002.

Jie bị "chỉ điểm" và bị an ninh sân bay giữ lại với 2 triệu tem thuế thuốc lá giả từ Hạ Môn, Trung Quốc, sau đó 16 triệu điếu thuốc giả bị thu tại nhà riêng.

Năm tháng sau, ngày 16/9/2002, đặc vụ Hamer ngồi ăn trưa trong một nhà hàng sang trọng ở Beverly Hills với ông trùm Szeto nói về những "mối liên hệ" có thể giúp Szeto và Jie. Họ kết thúc bằng món tráng miệng tuyệt hảo và những nụ cười hài lòng. Ngay hôm sau, Jie đã được sải bước ở sân bay Quốc tế Los Angeles với hộ chiếu thay thế, mua vé một chiều đi Thượng Hải.

Sau vụ dàn xếp này, danh tiếng Hamer nổi như cồn trong thế giới ngầm California, đặc biệt với cộng đồng người Á. Nhiều người mong muốn được Hamer giúp đỡ và đều được Hamer "đáp lại". Đặc vụ này nhanh chóng được dẫn đến gặp những ông trùm gốc Trung Đông.

Trong những lần lái xe cùng họ đi chơi quanh thành phố, Hamer thậm chí bật bài "Uneasy Rider" của Charlie Daniels, cùng các ông trùm buôn lậu nghêu ngao hát theo đoạn điệp khúc: "Có thể bạn không biết nhưng người đàn ông này là một điệp viên. Anh ta là đặc vụ ngầm của FBI ".

Đám cưới trên du thuyền Royal Charm

Mùa hè 2005, FBI quyết định, thời cơ đã chín muồi để "giăng lưới". Đặc vụ Calvarese, tay "mafia Ý dưới trướng Zyckowski" quyết định tổ chức đám cưới với bạn gái Melissa, một nữ đặc vụ FBI khác. Trên tấm thiệp mời hoa mỹ được gửi đến gần 100 khách mời Trung Quốc, Mỹ, Canada, Thái Lan... ghi địa điểm là chiếc du thuyền xa xỉ ngoài khơi Atlantic, mang tên "Royal Charm" - tên của chiến dịch.

Toàn bộ phí nghỉ dưỡng, đi lại, được đôi trẻ bao trọn gói.

diep vu FBI 2Thiệp mời đám cưới giả được FBI gửi tới các ông trùm, tháng 8/2005. Ảnh: FBI

Trong bữa tối diễn tập kéo dài ba giờ tại Caesar's vào đêm trước đám cưới, nữ đặc vụ Melissa đeo chiếc nhẫn đính hôn gắn kim cương 4 cara, được FBI cho mượn. Căn phòng tràn ngập tiếng nâng cốc và tiếng cười trong bữa ăn nhiều món hảo hạng.

Sáng hôm sau, hai chiếc limo của FBI trang trí hoa cưới, được lệnh đến khách sạn Taj Mahal, đón các ông trùm đến dự lễ cưới. Các đặc vụ đóng giả tài xế ngồi sau tay lái, mặc bộ vest tuxedo lịch lãm không kém các vị khách giàu có của đám cưới.

Khi những chiếc limousine gần đến vịnh, tay của những ông trùm đã nằm gọn trong chiếc còng số tám khi chúng còn đang cầm những hộp quà cưới xa xỉ dành cho vợ chồng trẻ: đồng hồ đôi Rolex President bằng vàng, vòng cổ kim cương...

Sự nhiệt thành của những ông trùm khiến cho chính "vợ chồng" Calvarese và Melissa cũng cảm thấy cảm động. "Họ thực sự đã coi chúng tôi là bạn. Ở phương diện nào đó, vụ bắt giữ khá là buồn", hai đặc vụ này sau đó chia sẻ.

diep vu FBI 2Khách sạn Taj Mahal tại New Jersey của tỷ phú, cựu Tổng thống Donald Trump, được FBI sử dụng làm nơi ở cho các ông trùm buôn lậu, "khách mời" đám cưới giả. Ảnh: Hotel Management

Trong khi đó, trên khắp nước Mỹ, chính quyền ở các thành phố khác đang bắt đầu hành động. Tổng cộng cuối tuần đó, khoảng 59 nghi phạm trong đường dây buôn lậu, làm tiền giả, đã bị bắt tại 11 thành phố trong cuộc truy quét.

Tại Los Angeles, đặc vụ Bob Hamer trong chiến dịch "Smoking Dragon" cũng chuẩn bị sẵn "miếng mồi" của mình: Bữa tiệc ly hôn. Ông nói với các ông trùm rằng vừa bị vợ bỏ nên sẽ tổ chức một "tiệc mừng độc thân" tại Playboy Mansion. Kết quả, khi đến đây, Szeto, Li, Jie và nhiều đối tác bị tóm.

Nhà chức trách cho biết đã thu 4,4 triệu USD siêu tiền giả, hơn một tỷ điếu thuốc lá giả trị giá 42 triệu USD cùng số lượng lớn cocaine, methaphetamine.

Tổng số 87 người từ 8 quốc tịch đã bị xét xử, lĩnh án 4-25 năm.

Nhà chức trách Mỹ cho biết nhìn lại vụ án vẫn "giật mình" trước tham vọng trắng trợn và mức độ tinh vi của tổ chức này. Chiến dịch thành công đã "chặt đầu" một trong những tập đoàn tội phạm châu Á lớn nhất hoạt động tại Mỹ, nhưng những băng đảng tinh vi khác đã tiếp tục mọc lên.

VnExpress (Theo NYT, FBI, UNDOC, Guardian, LATimes)