Tin vào thuyết âm mưu về 5G và Covid-19, nhiều cột 5G tại Anh bị đốt phá

Thật đáng buồn là những lập luận ngớ ngẩn này vẫn đang lan truyền trên mạng xã hội và thuyết phục được nhiều người tin vào nó.

Nhiều cột phát sóng 5G tại Anh đã bị đốt sau khi một thuyết âm mưu lan truyền trên mạng xã hội cho rằng các cột thu phát sóng này có liên quan đến đại dịch Covid-19. Báo cáo của BBC cho thấy ít nhất đã có 3 cột 5G bị đốt trong tuần vừa qua, và cảnh sát cùng lực lượng chữa cháy đã được gọi đến để dập lửa.

Các tin đồn và thuyết âm mưu về mối liên hệ giữa việc triển khai 5G cùng sự bùng phát của dịch Covid-19 được lan truyền chủ yếu thông qua các mạng xã hội. Hàng loạt nhóm trên Facebook và Nextdoor, nơi có hàng nghìn thành viên đã lặp đi lặp lại các giả thuyết sai lệch và lừa bịp về việc sóng 5G gây hại cho con người, và thật đáng buồn là dường như có nhiều người đang tin vào những điều đó.

cot 5g 1
Hình ảnh một cột phát sóng 5G bị đốt tại Anh vì cho rằng có liên quan đến virus corona.

Một thuyết âm mưu trong đó cho rằng virus corona xuất phát từ Vũ Hán vì thành phố này gần đây đã triển khai mạng 5G. Và giờ đây nó đang lan sang các thành phố khác, những nơi cũng đang sử dụng 5G.

Tuy nhiên thuyết âm mưu hoang đường này lại bỏ qua một thực tế rằng, đại dịch Covid-19 đang tấn công mạnh mẽ cả vào những quốc gia như Iran hay tại châu Phi, những nơi chưa hề được triển khai 5G. Một lý do hiển nhiên cho việc virus dễ lây lan trong các môi trường đô thị là vì mật độ dân cư đông đúc ở đây – đây cũng là lý do khiến cho những nơi này thường là nơi đầu tiên triển khai mạng 5G.

Bất chấp thực tế đó, thuyết âm mưu này vẫn không ngừng được lan truyền, hệt như diễn biến của virus corona hiện nay. Một số người thậm chí còn quấy rối các nhân viên lắp đặt cáp quang cho việc phủ sóng 5G, khi cho rằng khi 5G được bật lên, nó "sẽ giết hết tất cả mọi người."

Trong khi các hệ thống mạng di động được xếp vào hàng cơ sở hạ tầng quan trọng tầm quốc gia tại Anh, một nhóm trên Facebook đã được thành lập nhằm khuyến khích mọi người đốt cháy các cột phát sóng 5G. Peter Clarke, một chuyên gia về hạ tầng mạng di động tại Anh, đã phát hiện ra nhóm này và báo cáo với Facebook nhưng nó đã không bị xóa bỏ. Chỉ đến khi sự chú ý gia tăng, nhóm mới bị loại bỏ. Tuy nhiên, hàng ngàn người đã tiếp nhận thông tin sai lệch này và sẽ rất khó để thuyết phục họ vào thực tế trái ngược lại.

cot 5g 1
Cột 5G cháy nham nhở.

Không chỉ Facebook, một đài truyền thanh cộng đồng tại Anh tuần vừa rồi cũng phỏng vấn một khách mời tự xưng là "một y tá đã được đăng ký", với tuyên bố rằng 5G sẽ hút oxy trong phổi của mọi người và rằng 5G có liên quan đến virus corona. Chính đoạn clip phỏng vấn này sau đó lại được phát tán trên Facebook để thuyết phục mọi người tin vào thuyết âm mưu trên.

Đang có những lập luận tưởng chừng vô nghĩa xuất hiện trên Facebook, nhưng vào thời điểm hiện tại, dường như chúng đang có đủ sức thuyết phục để khiến một số người phá hoại những cơ sở hạ tầng quan trọng. Điều này đang xảy ra khi tại Anh và nhiều quốc gia khác đang phải vật lộn với cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.

Điều này tạo nên một cuộc chiến kép. Trong khi các y bác sĩ đang bận rộn đương đầu với sức tàn phá của virus dễ lây lan này, các nhà mạng viễn thông cùng những mạng xã hội cũng đang trong cuộc chiến cam go không kém, nhằm ngăn ngừa việc lan truyền những lập luận ngớ ngẩn trên môi trường internet.

Trí Thức Trẻ (tham khảo The Verge)