Truy tìm gã đàn ông đánh cô gái bất tỉnh vì kì thị coronavirus

Cảnh sát đang tìm kiếm người đàn ông này vì hành vi đánh người do nạn kỳ thị ''coronavirus''. Ảnh: SWNS

Cô Meera Solanki, 29 tuổi, ra ngoài đi chơi nhân dịp sinh nhật của mình thì một đám đàn ông gọi bạn của cô, Mandy Huang 28 tuổi, là ''một con đ.. Tàu dơ bẩn'' và ''hãy mang virus chết tiệt về nước mày đi''.

Cô bước tới muốn giúp bạn, nhưng bị đánh ngã lăn trên vỉa hè. Sự việc xảy ra tại câu lạc bộ Ana Rocha Bar and Gallery trên đường Frederick ở Hockley, Birmingham. Cô bị chấn động não và phải điều trị nhiều giờ liền trong bệnh viện.

Cô kể lại: ''Có một nhóm đàn ông châu Á trong quán rượu. Một gã trong số họ cứ tới quấy nhiễu tôi. Hắn ta không ưa khi thấy tôi là một người gốc Ấn mà lại đi với nhóm bạn đa sắc tộc. Chúng tôi cố gắng không để tâm tới hắn, kể cả khi hắn nhổ nước bọt vào một người bạn của tôi''.

Merra là một luật sư tập sự. Ảnh: BPM Media

''Tới đêm hôm đó, khi chỉ còn 3 cô gái chúng tôi, bao gồm cả người bạn Trung Quốc Mandy Huang, gã đàn ông tiến đến và trở nên tức giận. Thấy thế chúng tôi bỏ về nhưng hắn bám theo''.

''Không biết tại sao hắn trở nên rất giận dữ với bạn tôi. Hắn bắt đầu chửi bới, gọi cô ấy là con này con kia, và bảo Mandy hãy đem virus corona cút về Trung Quốc''.

''Tôi rất sốc và tức giận, nên tôi thét lớn yêu cầu hắn dừng lại và cố đẩy hắn ra xa''.

Gã đàn ông lỗ mãng được miêu tả là một người gốc Á, cao 1m72, đô con, đội mũ lưỡi trai và mặc áo trùm đầu. 

Sau khi đánh Merra bất tỉnh dưới đất, hắn tiếp tục chửi bới bạn cô rồi mới bỏ đi. Merra phải nghỉ việc một tuần để hồi phục chấn thương.

Một người chứng kiến cho biết vụ tấn công là ''đáng khinh, độc ác''. 

Từ đầu tháng đến nay đã chứng kiến ngày càng tăng các vụ việc kì thị người châu Á ở UK, do sự lan rộng của virus corona. 

Một người phụ nữ nhớ lại cảnh hành khách dịch xa cô trên tàu điện ngầm, trong khi một bác sĩ thấy mọi người che mặt lại khi cô vừa bước lên tàu.

Phát ngôn viên của Hiệp hội xã hội Trung Quốc tại Birmingham cho biết có một sự hiểu lầm to lớn về lý do người châu Á đeo khẩu trang. Cô nói: ''Chúng tôi đeo khẩu trang để bảo vệ người khác nếu chúng tôi ho hoặc hắt hơi. Một số người đeo để tránh ô nhiễm, hoặc để che đi gương mặt mộc không trang điểm của mình. Chúng tôi đeo khẩu trang để bảo vệ mọi người, không phải chỉ cho chúng tôi''.  

Viethome (theo Metro)