Cảnh sát Anh không đủ sức ngăn chặn hoạt động cần sa dày đặc của người Việt

Cần sa vốn được coi là một loại ma túy “nhẹ nhàng”, không có liên kết với các băng đảng thế giới ngầm và tàn bạo như cocaine và heroin.

Nhưng một cuộc điều tra của Sun Online hé lộ rằng đằng sau ngành buôn bán cần sa ở Anh là một thực tế đen tối và gây sốc, trong đó có khoảng 3.000 nô lệ trẻ em đang phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt.

Và hầu hết những đứa trẻ đó là những cậu bé tuổi teen Việt Nam bị những kẻ buôn người tách rời khỏi ra đình, bị buôn lậu vào Vương quốc Anh và phải làm việc trong các tụ điểm chất cấm bí mật ẩn trong các ngôi nhà trên khắp nước Anh.

Một khi đã đặt chân vào đây, các em sẽ phải trải qua những tháng ngày khủng khiếp, bị đánh đập và lạm dụng tình dục bởi những kẻ đứng đầu băng đảng.

Trẻ em chỉ mới 11 tuổi buộc phải sống sót bằng những mẩu thức ăn thừa mới có sức chăm sóc các trang trại cần sa, và một người đàn ông thậm chí còn phải ăn thức ăn cho chó để tồn tại qua ngày.

Sự đau khổ của họ đã khiến các nhà vận động chống chế độ nô lệ nghĩ ra cụm từ 'cần sa máu - blood cannabis', để phản ánh nỗi kinh hoàng thực sự đằng sau thị trường cần sa bất hợp pháp trị giá 2,6 tỷ bảng Anh mỗi năm, với ước tính có khoảng 255 tấn được hút hàng năm ở Anh.

Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA) cho biết 96% nạn nhân buôn người bị buộc phải trồng cỏ ở Anh là người Việt Nam và 81% trong số đó là trẻ em.

Nhiều người trong số họ bị buôn lậu một cách nguy hiểm vào Vương quốc Anh trong những chiếc xe tải - cái chết của 39 người Việt Nam, trong đó có 10 thanh thiếu niên, ở Essex vào tháng 10 là minh chứng cho thấy sự nguy hiểm chết người của những hành trình như vậy.

Cảnh sát quá bận rộn không thể truy quét triệt để các trang trại cần sa

Các trang trại cần sa khổng lồ đã được phát hiện trên khắp Vương quốc Anh - bao gồm các phòng chơi bingo ở trung tâm thị trấn và thậm chí là một đồn cảnh sát đã bị bỏ không - nhưng hàng ngàn hoạt động nhỏ lẻ hơn vẫn đang tồn tại trên khắp đất nước.

Chỉ riêng ở London trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018, cảnh sát đã tìm thấy 314 trang trại cần sa bất hợp pháp, nhưng quy mô phát triển cần sa thực sự ở Anh sẽ không bao giờ được biết đến vì chúng được vận hành bất hợp pháp trong những ngôi nhà và cửa hàng ở khu dân cư.

Đối với người dùng, một phần tám ounce (3,5g) cần sa có giá khoảng 20 bảng Anh và một ounce đầy đủ (28,3g) sẽ có giá khoảng 180 bảng - rẻ hơn so với giá cần sa được hợp pháp hóa ở Mỹ.

Thật khủng khiếp, các số liệu của chính phủ công bố tuần trước cho thấy các cuộc đột kích vào các trang trại cần sa đã giảm mạnh trong bảy năm qua khi lực lượng cảnh sát tập trung các nguồn lực vào những vấn đề khác.

Và hàng triệu người Anh đã giúp ngành thương mại này phát triển mạnh - khoảng 30% dân số Anh trong độ tuổi từ 16 đến 64 thừa nhận đã thử cần sa, tương đương khoảng 10 triệu người.

Những đứa trẻ cụt ngón tay

Nạn nhân của các trang trại cần sa là những đứa trẻ như Lê (tên giả), mồ côi khi mới 11 tuổi.

Anh đã phải gánh một khoản nợ cho vay nặng lãi từ việc trả các hóa đơn bệnh viện của người mẹ đang hấp hối tại quê hương Việt Nam.

Anh được đưa vào một tu viện - nhưng đã bị những kẻ cho vay bắt cóc. Chúng yêu cầu những bậc cao niên trong nhà thờ giao nộp đất của gia đình Lê để giải quyết khoản vay.

Tối hậu thư của chúng đi kèm với một lời đe dọa ghê tởm - một gói hàng chứa ngón tay bị cắt rời.

Mặc dù nhà thờ đã cố gắng giúp Lê, nhưng anh bị những kẻ bắt cóc ép làm việc trong một nhà kho, nơi anh bị giam giữ trong xiềng xích và được cho ăn cơm thừa canh cặn.

Sau khi bị bán cho một băng đảng ở Trung Quốc, anh được gửi đi trên một hành trình xe tải đầy nguy hiểm trên khắp châu Âu đến Vương quốc Anh.

Buộc phải làm việc trong một trang trại cần sa bất hợp pháp, anh đói đến mức thử ăn cả cây cần sa do mình trồng.

Khi cảnh sát đột kích trang trại cần sa, anh đã được giải cứu và giao cho chính quyền địa phương chăm sóc.

Nhưng sau khi gặp một người đàn ông nói tiếng Việt trong một trung tâm mua sắm, anh lại bị bắt làm nô lệ và đưa vào làm việc trong một nhà kho.

Phil Brewer, người từng đứng đầu Đơn vị chống Buôn lậu thuộc Met, nói rằng lý do là bởi các nô lệ cần sa bị tẩy não để không còn niềm tin vào chính quyền.

“Họ không biết tiếng và chẳng có nơi nào để đi,” ông giải thích. “Nỗi sợ hãi chiếm lĩnh và họ bị kéo trở lại những nơi thân thuộc, quay trở lại tình cảnh bị bóc lột.”

Cuối cùng, Lê đã tìm cách trốn thoát những kẻ bắt giữ mới và được hội từ thiện tôn giáo Salvation Army đưa tới một ngôi nhà an toàn. Nhưng họ nói rằng anh vẫn sống trong nỗi sợ bị trục xuất hoặc bị thủ lĩnh băng đảng tìm thấy.

Một ngày nọ, anh rời khỏi ngôi nhà an toàn và không bao giờ trở lại. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra với anh.

Câu chuyện đau thương của Lê không phải là trường hợp duy nhất.

Trong khi một số người như Lê bị bắt cóc từ trại trẻ mồ côi hoặc đường phố và trở thành nô lệ, những người khác lại tự nguyện bỏ lại gia đình ở những vùng quê Việt Nam để tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn.

Họ bị lôi kéo bởi những kẻ buôn người với những lời hứa hẹn về công việc nhiều tiền hay chương trình trao đổi sinh viên.

Nhưng thay vào đó, khi bỏ ra chi phí cho chuyến đi đến Anh, thứ chờ đợi họ là nhiều năm nô dịch, được chuyển từ trang trại này sang trang trại khác, trong bàn tay nắm chặt của những kẻ lừa đảo có tổ chức tàn bạo.

Các cuộc tấn công của cảnh sát đã tiết lộ cuộc sống ác mộng của những nô lệ này, những người làm việc tiếp xúc với hóa chất độc hại, hàng giờ đối mặt với nguy cơ hỏa hoạn và bạo lực từ các băng đảng chất cấm đối thủ.

Sống sót nhờ ăn thức ăn cho chó

Vào tháng 10, cảnh sát đã giải cứu ba trẻ em Việt Nam được tìm thấy đang sống trong tình trạng bẩn thỉu tại một trang trại cần sa quy mô công nghiệp ở Rochdale.

Vào tháng 4 năm 2015, một người đàn ông Việt Nam 32 tuổi đã được tìm thấy sống sót nhờ hộp thức ăn cho chó tại một ngôi nhà ở Bắc Ireland, nơi cảnh sát đã thu giữ hơn 500 cây cần sa.

Và vào năm 2017, bốn nhân công trẻ Việt Nam đã được phát hiện đang ngủ trên nệm và bị nhốt trong hầm ngầm hạt nhân dưới lòng đất để chăm sóc 4.000 cây thuộc một cơ sở doanh thu 2 triệu bảng mỗi năm.

Brewer nói: “Cần sa được coi là một loại ma túy nhẹ nhàng, không liên quan đến bạo lực và được bán thông qua các phương thức buôn bán chất cấm truyền thống. Tôi không nghĩ rằng mọi người có thể nghĩ đến mối liên hệ giữa cần sa với bạo lực và sự kiểm soát.”

Những nỗ lực để hạ bệ những kẻ đầu sỏ đằng sau ngành thương mại này đang dần đem lại kết quả.

Vào tháng 9/2019, 20 thành viên băng đảng đã bị bỏ tù sau một cuộc tấn công chung của NCA và ba lực lượng cảnh sát ở miền nam xứ Wales.

Cuộc điều tra đã phát hiện ra một mạng lưới gồm 45 trang trại cần sa và các kho chứa hàng ở các vùng xa xôi như Coventry, được cho là đã thu về cho băng đảng 25 triệu bảng.

Cảnh sát đang nắm phần thua trong cuộc chiến chống lại các băng đảng

Bất chấp thành công trong một số chiến dịch lớn, cảnh sát chỉ tiêu hủy được 8.600 trang trại cần sa trong năm 2018-19 - nhiều hơn một nghìn so với năm trước nhưng vẫn chỉ bằng một nửa so với 16.590 cuộc đột kích vào năm 2011-12.

Và Volteface, một nhóm phi lợi nhuận vận động hợp pháp hóa cần sa, cho biết dữ liệu của Bộ Tư pháp thu được theo yêu cầu tự do thông tin cho thấy các vụ truy tố đối với việc trồng cỏ đã giảm 63% trong 5 năm tính tới 2018.

Một trong những nguyên nhân cho việc này là do ngân sách giảm và ưu tiên của cảnh sát.

Giám đốc chính sách của Volteface, bà Liz McCulloch, cho biết: “Cảnh sát có thể rút khỏi các vụ án cần sa. Ngân sách của họ thiếu hụt và cần sa không còn là ưu tiên nữa. Những người trồng trọt có lẽ sẽ tự tin hơn một chút vì rất có thể các hoạt động của họ sẽ không bị phát hiện.”

Tony Saggers, cựu giám đốc của bộ phận Chất cấm và Tình báo thuộc NCA, nói thêm: “Chúng tôi thu giữ những gì chúng tôi tìm kiếm và chúng tôi chỉ tìm kiếm những gì chúng tôi ưu tiên.

“Xem xét tất cả các áp lực về vấn đề trị an, chưa kể đến một mối đe dọa về ma túy khác là tội phạm liên tỉnh County Lines – không có gì đáng ngạc nhiên khi cảnh sát tập trung ít hơn vào cần sa, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là vấn đề không được coi trọng.”

Mimi Vu, một chuyên gia thế giới về buôn bán trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam, hy vọng thảm kịch ngôi mộ container ở Essex sẽ đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh cho thanh niên Việt Nam, khuyến khích họ tìm kiếm vận may trong nền kinh tế đang bùng nổ của chính đất nước họ, thay vì đánh cược mạng sống vào một hành trình xe tải chết chóc đến Vương quốc Anh.

“Họ lớn lên với niềm tin rằng lựa chọn tốt nhất của họ là đi ra nước ngoài,” cô nói. “Tuy nhiên, những gì xảy ra ở Essex đã để ngỏ lựa chọn đó, và cho thấy những mối nguy hiểm là có thật.

“Bây giờ, không có ai có thể nói rằng chúng tôi đang dựng lên những câu chuyện để dọa dẫm họ.”

Nhưng ngay cả khi ít người Việt Nam quyết định thực hiện cuộc vượt biên nguy hiểm đó, tin tình báo của cảnh sát tiết lộ vẫn sẽ có một nguồn cung nô lệ dồi dào để giúp trồng cần sa.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các băng đảng Albania đang chuyển hướng sang cần sa.

Và dữ liệu của Bộ Nội vụ cho thấy số lượng người Albani bị buôn bán sang Anh để lao động - bao gồm các trang trại cần sa - sẽ tăng gấp đôi trong năm nay.

Ông Tony Saggers khuyên những người sử dụng cần sa nên suy nghĩ nhiều hơn về nỗi khổ đau của những nô lệ này trước khi bật lửa.

“Những người sử dụng cần sa cho mục đích giải trí thường đổ lỗi cho những người ủng hộ lệnh cấm và luật pháp đã ngăn cản họ tự do lựa chọn sử dụng cần sa,” ông nói.

“Họ có xu hướng ích kỷ là làm điều họ muốn thay vì nghĩ đến những hậu quả rộng lớn hơn.”

Link gốc: https://www.thesun.co.uk/news/10375134/blood-cannabis-child-slaves-uk-britain-weed/

VietHome (Theo The Sun)