Đồng bảng Anh nhiều khả năng ngang giá hoặc thấp hơn đồng USD

Sau khi Chính phủ Anh thông báo kế hoạch giảm thuế và hỗ trợ đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giá đồng bảng Anh đã giảm thêm 5% xuống mức thấp kỉ lục trong vòng phiên giao dịch ngày 26/9. 

Đồng bảng Anh đã xuống mức thấp nhất 50 năm. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ toàn cầu đang được thắt chặt, nhiều nhà phân tích dự đoán đồng bảng Anh có thể sẽ tiếp tục mất giá.

dong bang anh thua gia dong usd
Đồng bảng đang ở mức giá thấp nhất kể từ năm 1971. Ảnh: Metro

Theo CNBC, đồng bảng Anh giảm xuống ngưỡng thấp kỷ lục trong 37 năm qua (1,0382 GBP đổi 1 USD) trong phiên giao dịch sáng 26/9 tại châu Á, sau khi Chính phủ nước này thông báo kế hoạch giảm thuế và hỗ trợ đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng hồi tuần trước.
Một bộ phận người dân nước này đã chỉ trích kế hoạch của Chính phủ Thủ tướng Liz Truss, cho rằng các biện pháp này tạo ra các lợi ích không tương xứng cho người giàu và người nghèo, khiến Anh phải vay nợ nhiều hơn trong bối cảnh lãi suất toàn cầu đang tăng.

“Chính phủ Anh khiến thị trường không thể ngồi yên khi tiếp tục gia tăng các giải pháp hỗ trợ tài khóa, do đó, tôi cho rằng từ thời điểm này, đồng bảng Anh sẽ có ít sức kháng cự và tiếp tục xuống giá”, Mazen Issa, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại TD Securities, chia sẻ với CNBC.

Chiến lược gia này nhận định, khi thủng mốc 1,05 GBP đổi 1 USD, đồng bảng Anh hoàn toàn có khả năng đồng giá với USD bởi điều tương tự từng xảy ra với đông euro. Được biết, năm nay, USD liên tục mạnh lên so với các tiền tệ khác do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng thông tin, Chính phủ sẽ công bố kế hoạch để giảm nợ công tính trên GDP sau khi tính toán gói hỗ trợ 200 tỷ bảng (250 tỷ USD) cắt giảm thuế và chi phí khí đốt và điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 10.

"Chúng ta đã từng chứng kiến đồng euro giảm xuống dưới mức ngang giá so với đồng USD. Do đó, không có lý do gì mà đồng bảng Anh không về mức đó được", ông Mazen Issa nói thêm.

Đó là một "thách thức lớn" đối với Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong cuộc chiến chống lạm phát, trong khi chính phủ cố gắng thúc đẩy nền kinh tế, ông Nicholas Ferres, Giám đốc đầu tư tại Vantage Point Asset Management, nhận xét.

"Và tôi không hề ngạc nhiên nếu BoE tổ chức một cuộc họp chính sách khẩn cấp trong tuần này và tăng lãi suất", ông nói.

Tuần trước, BoE đã tăng lãi suất thêm 0,5% lên 2,25% để kìm chế lạm phát đang ở mức 9,9% - cao nhất trong 40 năm. Đây là lần tăng lãi suất thứ 7 liên tiếp của nước này, đưa mức lãi suất lên mức cao nhất trong 14 năm.

Lý giải lý do đồng bảng Anh mất giá mạnh so với đồng USD, ông Saktiandi Supaat, chiến lược gia về ngoại hối tại Maybank, cho rằng việc thiếu cam kết đối với kỷ luật tài khóa của Anh cùng với đồng USD mạnh lên đã khiến cho đồng bảng nhanh chóng suy yếu.

Theo BBC, nếu đồng bảng Anh vẫn tiếp tục ở mức thấp so với đồng USD thì việc nhập khẩu các mặt hàng được định giá bằng đồng USD, bao gồm dầu và khí đốt, sẽ tốn kém hơn.

Các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ cũng có thể đắt đỏ hơn và du khách người Anh đến Mỹ sẽ không còn nhiều như trước do đồng tiền của Anh mất giá.

Ngoài ra có những lo ngại cho rằng việc cắt giảm thuế cùng với vay nợ chính phủ tăng sẽ khiến lạm phát cao hơn và buộc BoE phải tăng lãi suất hơn nữa. Điều này sẽ làm cho chi phí thế chấp hàng tháng của hàng triệu hộ gia đình ở Anh tăng lên.

Những người chỉ trích cho rằng những biện pháp kinh tế như giảm thuế và ưu đãi đầu tư sẽ chỉ càng có lợi cho người giàu và có thể khiến Anh nặng nợ hơn trong thời điểm lãi suất tăng.

Trên thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương sáng nay, đồng tiền của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đang suy yếu hơn so với đồng bạc xanh, trong khi đó đồng đô la Australia đi ngang.

Cụ thể, đồng yên Nhật giao dịch ở mức 144 yên đổi 1 đồng USD, thấp hơn so với mức sau khi Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ tuần trước.

Đồng won của Hàn Quốc cũng xuống gần mức hồi năm 2009, ở mức 1.428,52 won đổi 1 USD.

Đồng USD đã mạnh lên đáng kể trong năm nay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng mạnh lãi suất để đối phó với lạm phát cao kỷ lục. Chênh lệch giữ đồng USD và đồng yên Nhật cũng gia tăng đáng kể do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn duy trì mức lãi suất cực thấp.

Dân Trí (theo BBC, CNBC)