Vì sao tài khoản ngân hàng của bạn bị đóng băng và cách xử lý

Một ngày đen đủi, bạn phát hiện tài khoản của mình bị đóng băng. Bạn chỉ có thể xem sao kê giao dịch và nhận tiền gửi vào chứ không thể chuyển tiền hay rút tiền.

Sau đó, bạn nhận được thông báo từ ngân hàng cho biết tài khoản bị khóa nhưng lại không nêu rõ lý do. Một số người may mắn được ngân hàng trả lại tiền bằng séc nhưng một số khác thì không.

tai khoan ngan hang dong bang
Ảnh minh họa: Unsplash

Có 3 lý do phổ biến khiến tài khoản của bạn bị đóng băng:

1. Ngân hàng nghi ngờ bạn đang rửa tiền hoặc có ai đó rửa tiền thông qua tài khoản của bạn. Những khoản rửa tiền này có thể là vài ngàn bảng hoặc chỉ vài trăm. Giả sử bạn vô tội, nhưng một tài khoản đang bị nghi ngờ nào đó có thực hiện giao dịch với bạn, thì bạn cũng thuộc trường hợp liên đới và có thể bị đóng băng tài khoản.

2. Bạn nợ thẻ tín dụng, quá hạn mà không trả. Khi có lệnh của tòa án thì tài khoản của bạn có thể bị ngân hàng đóng băng.

3. Bạn là sinh viên vay nợ chính phủ, hoặc bạn nợ thuế nhà nước chưa trả thì tài khoản cũng có thể bị đóng băng. 

Nếu như trường hợp 2 và 3 là quá rõ ràng, bạn chỉ cần trả nợ xong thì tài khoản sẽ trở lại bình thường. Nhưng còn trường hợp 1 thì chúng ta phải xử lý ra sao? 

PHẢI LÀM GÌ KHI TÀI KHOẢN BỊ NGHI NGỜ RỬA TIỀN 

Ngân hàng có thể phong tỏa tài khoản đối với các khoản tiền gửi lớn, hoặc tiền gửi từ nước ngoài, hoặc tài khoản dùng cho đánh bạc, hoặc tài khoản có liên quan đến tài trợ khủng bố.

Gần đây trên một diễn đàn của cộng đồng Việt ở Anh, một thành viên bán hàng online đã thắc mắc mình bị ngân hàng Lloyds phong tỏa tài khoản khi bạn này có các khoản giao dịch tổng cộng tầm 15,000 bảng. Những bình luận sau đó cho thấy rất nhiều người cũng rơi vào trường hợp tương tự thậm chí với số tiền ít hơn. 

Theo Văn phòng luật sư BCL Solicitors LLP ở London, các ngân hàng ở Anh rất ''gắt'' và họ có thể đóng băng tài khoản khá lâu trước khi bạn có thể tiếp cận tiền của mình. 

Theo Luật Thi hành án 2002 và Luật Chống Rửa tiền 2007 thì khi các ngân hàng cảm thấy nghi ngờ, họ sẽ báo cáo lên Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA), và cho đến khi cơ quan này điều tra xong và không tìm thấy chứng cứ phạm tội từ tài khoản của bạn thì lúc đó, tài khoản của bạn mới được gỡ lệnh phong tỏa.

Theo luật thì họ có thể đóng băng tài khoản của bạn trong 31 ngày để nếu phát hiện bằng chứng, NCA đủ thời gian xin lệnh bắt của tòa án. Tuy nhiên thực tế thì thời hạn này có thể kéo dài hơn, và càng để lâu càng khó lấy tiền về, trong khi ngưỡng tiền bị nghi ngờ lại rất thấp.

Ngân hàng sẽ không nói rõ lý do tài khoản của bạn bị đóng băng, vì họ sợ làm lộ quá trình điều tra của NCA. Do đó khi bạn tới thắc mắc thì ngân hàng chỉ bảo ''thích thì khóa, lỗi kỹ thuật, trục trặc trong hệ thống quản lý...''.

Nhức đầu ở chỗ cảnh sát và ngân hàng cố tình gây khó cho bạn, và họ có thể giam tài khoản đến 6 tháng. 

Thường là các bạn sẽ không chứng minh được nguồn tiền của mình, đặc biệt nếu bạn bán hàng online và không khai thuế. Nhưng nếu bạn có giấy tờ chứng minh rõ ràng thì nên nhanh chóng làm ''gắt'' với ngân hàng, thậm chí lôi ra tòa để lấy tiền về (hoặc để hoãn việc đóng băng tài khoản).

Tuy nhiên, có lẽ bạn nên nhờ văn phòng luật sư uy tín giúp đỡ. 

Viethome