Thế giới sẽ như thế nào nếu xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện?

Nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện giữa hai cường quốc như Mỹ và Nga xảy ra, hậu quả sẽ trở nên tồi tệ ở cấp độ toàn cầu. Cơ hội sống sót sau các vụ nổ, bức xạ và mùa đông hạt nhân phụ thuộc vào nơi bạn sống như thế nào.

Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã tạo ra một video mô phỏng dưới góc độ khoa học về những hậu quả mà thế giới phải gánh chịu, trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện giữa Mỹ và Nga. 

Theo đó, khi một quốc gia phóng tên lửa hạt nhân vào kẻ thù, bên kia sẽ phát hiện ra chúng nhờ những hệ thống cảnh báo và bắn trả trước khi xảy ra va chạm. 

Theo tình huống giả định, sau khi phát hiện bị tấn công, tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm Mỹ ở phía tây Na Uy bắt đầu tấn công Nga. 10 phút sau tên lửa đạn đạo của Nga từ phía bắc Canada cũng sẽ khai hỏa, hướng tới Hoa Kỳ.

Đầu tiên, họ sẽ tấn công các thiết bị điện tử và lưới điện, bằng cách tạo ra xung điện từ lên đến hàng chục nghìn volt. Tiếp đó, tên lửa đạn đạo sẽ nhắm vào các trung tâm chỉ huy và cơ sở phóng hạt nhân. 

chien tranh hat nhan 2

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất mất khoảng nửa giờ để bay tới mục tiêu. Các thành phố lớn sẽ là những khu vực phải hứng chịu đầu tiên, vì chúng là nơi đặt các cơ sở quân sự, trung tâm chỉ huy và cản trở sự phục hồi sau chiến tranh của kẻ thù. 

Mỗi vụ va chạm sẽ tạo ra một quả cầu lửa có nhiệt độ bằng lõi Mặt Trời, theo sau là đám mây hình nấm phóng xạ.

Quả cầu lửa sẽ làm "bốc hơi" mọi thứ ở gần, làm mù lòa những người chứng kiến và gây nên các trận hỏa hoạn. Khi tên lửa hạt nhân phát nổ, nó sẽ gây ra một làn sóng xung kích khổng lồ, sức mạnh của nó đủ để "nghiền nát" những tòa nhà gần đó.

Điều 5 của NATO quy định, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh và tất cả các thành viên sẽ hỗ trợ (những) nạn nhân của một cuộc tấn công như vậy ngay lập tức.

Điều này, đồng nghĩa với việc, nếu Nga tấn công hạt nhân Hoa Kỳ, quốc gia này cũng sẽ tấn công Anh và Pháp, vì đây là hai quốc gia có khả năng hạt nhân và họ buộc phải làm tròn nghĩa vụ bảo vệ Mỹ. 

Minh họa cuộc chiến hạt nhân giữa Nga và Mỹ, ảnh hưởng toàn cầu.

Bão lửa nhấn chìm nhiều thành phố và gió sẽ thổi bùng ngọn lửa phát tán, đốt cháy bất cứ thứ gì: thủy tinh, một số kim loại, đồng thời biến nhựa đường thành chất lỏng nóng dễ cháy.

Nghiên cứu cũng cho thấy, các vụ nổ, xung điện từ và phóng xạ không phải là phần tồi tệ nhất, điều đáng sợ chính là mùa đông hạt nhân. Nó hình thành do khói carbon đen từ các vụ nổ hạt nhân gây ra. 

Quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế Chiến II đã gây ra một mùa đông hạt nhân, nhưng bom hạt nhân ngày nay có sức mạnh hơn rất nhiều và hậu quả mà nó để lại là điều không ai trong chúng ta muốn nghĩ đến.

Một thành phố lớn như Thủ đô Moscow (Nga), dân số đông gần gấp 50 lần so với Hiroshima, bom hạt nhân sẽ khiến rất nhiều người thiệt mạng.

Đồng thời, nó cũng tạo ra nhiều khói carbon và bão lửa sẽ đưa những đám khói đen lên tầng bình lưu và tồn tại ở đó mà không thứ gì có thể xua tan. 

Làn khói đen này sau đó bị đốt nóng bởi ánh sáng mặt trời, bay lơ lửng như một quả khinh khí cầu trong vòng một thập kỷ và chỉ mất vài phút để chúng lan rộng phần lớn Bắc bán cầu.

Điều này làm cho Trái Đất lạnh cóng ngay cả trong mùa hè. Các nhà khoa học ước tính, hậu quả từ việc này sẽ khiến đất nông nghiệp ở Kansas (Mỹ) sẽ lạnh đi 20 độ C và các khu vực khác hạ nhiệt gần gấp đôi. 

5 tỷ người có thể chết đói, trong đó bao gồm 99% người dân sinh sống ở Mỹ, Châu Âu, Nga và Trung Quốc.

Do khói carbon đen tồn tại ở Bắc bán cầu hàng thập kỷ sẽ khiến nhiệt độ giảm mạnh và nông nghiệp không thể sản xuất.

Rõ ràng là chúng ta không thể biết bao nhiêu người sẽ sống sót sau một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng nếu nó tệ đến mức như nghiên cứu dự đoán, cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không có người chiến thắng, mà chỉ có kẻ thua cuộc. 

Các nhà khoa học và chính trị gia đều nhận thấy rằng, trong thực tế, một cuộc chiến tranh hạt nhân hoàn toàn có khả năng xảy ra, bắt đầu từ sự leo thang dần dần giữa các quốc gia.

Nguyên nhân có thể đến từ những chính sách hoặc tính toán sai lầm, gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước.

Và khi chúng ta biết càng nhiều về chiến tranh hạt nhân, con người sẽ có thêm khả năng để tránh xảy ra một thảm họa toàn cầu như video trên mô tả. 

Theo Dân Trí