• Liệu Thế chiến thứ III đã bắt đầu? Richard Dearlove, cựu giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại Anh MI6 cho rằng 'cuộc chiến thực sự' đang diễn ra. Jamie Dimon, CEO của JPMorgan, phát biểu vào tháng 10 rằng Thế chiến thứ III 'đã bắt đầu' khi dẫn chứng các cuộc xung đột ở nhiều quốc gia khác nhau. Các quốc gia châu Âu được cho là đang âm thầm chuẩn bị cho Thế chiến thứ III. Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và các đồng minh đã nhiều lần cảnh báo về điều này.

    chien tranh the gioi iii 2
    Trụ sở Cục Tình báo Anh - MI6".

    Olevs Nikers, Chủ tịch Quỹ An ninh Baltic cho rằng thế giới đang ở đâu đó trong giai đoạn trước Thế chiến thứ III. Đồng thời khẳng định, giai đoạn hiện nay giống Chiến tranh Lạnh, nhưng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào nếu không được ngăn chặn.

    Trong khi đó, David Stevenson, Giáo sư tại trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London phủ nhận khi cho rằng vẫn chưa phải thời điểm Thế chiến thứ III bắt đầu, mặc dù nguy cơ là rất lớn. Hầu hết các đặc điểm của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đã xuất hiện giữa Nga và các nước NATO. Bằng cách cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine, NATO đã tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm nóng bỏng chống lại Nga. Mặc dù vậy, hai bên hiện chưa ở trong tình trạng xung đột vũ trang toàn diện. Tuy nhiên, mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran sẽ làm gia tăng nguy cơ nếu một trong số các quốc gia này tham gia vào cuộc chiến với phương Tây, khi đó chiến tranh sẽ mang tính toàn cầu.

    Edward Newman, Giáo sư An ninh quốc tế tại Đại học Leeds, Vương quốc Anh cho rằng hiện nay các chuẩn mực răn đe vẫn có hiệu lực, do đó xung đột quân sự trực tiếp trên quy mô lớn giữa các quốc gia là không có khả năng xảy ra, mặc dù rủi ro đang gia tăng. Trừ khi có tính toán sai lầm cực kỳ nghiêm trọng, động cơ để bắt đầu xung đột quân sự công khai giữa Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước NATO khác vẫn còn thấp.

    Ông cho biết, khả năng xảy ra cao hơn là sự leo thang của các chiến thuật chiến tranh hỗn hợp: Sự kết hợp giữa các kỹ thuật thông thường và không chính quy bao gồm phá hoại, gây gián đoạn, xâm nhập và củng cố phạm vi ảnh hưởng bằng cách can thiệp. Tình hình này đang trở nên nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng rộng lớn, bao gồm nhiều thách thức an ninh toàn cầu và sự phức tạp của hệ thống xã hội, kinh tế, địa chính trị, sinh thái và nhân khẩu học. Các thể chế đa phương hiện có về quản trị toàn cầu chắc chắn không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng đa cực này.

    Ian Ona Johnson, Phó Giáo sư Lịch sử Quân sự, Đại học Notre Dame dẫn chứng: Kể từ năm 1945, nhiều lần thế giới lo ngại Thế chiến thứ III đã bắt đầu hoặc sắp xảy ra. Nỗi lo sợ lớn nhất là hai hoặc nhiều cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ trực tiếp gây chiến với nhau, thay vì tham gia vào các cuộc chiến tranh thông thường hoặc thông qua lực lượng ủy nhiệm.

    Chỉ có cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine mới có nguy cơ mở rộng thành cuộc chiến tranh giữa các cường quốc như vậy. Các cuộc xung đột đang diễn ra trên khắp Trung Đông và Châu Phi, mặc dù gây mất ổn định khu vực nhưng không có khả năng kéo hai hoặc nhiều cường quốc hạt nhân vào cuộc đối đầu trực tiếp.

    Nếu Thế chiến thứ III nổ ra ở Ukraine, đó sẽ là một cuộc chiến tranh được lựa chọn, bắt đầu bằng việc NATO đưa lực lượng bộ binh và không quân vào chiến đấu chống lại lực lượng Nga tại đây. Quyết định đó sẽ kích động các biện pháp đối phó của Nga, có thể là hạt nhân. Mặc dù có một số cuộc thảo luận công khai về viễn cảnh này, nhưng có vẻ không có khả năng xảy ra vào thời điểm hiện tại.

    Các phân tích cho thấy, rất ít quốc gia thành viên NATO có khả năng tác động đáng kể đến cán cân quân sự ở Ukraine. Trong số những quốc gia có khả năng, đặc biệt là Hoa Kỳ, lại không có được sự ủng hộ của công chúng để mở rộng chiến tranh. Và ngay cả khi có đủ điều kiện, vẫn chưa rõ liệu lợi ích chiến lược nào sẽ đạt được khi so sánh với những rủi ro của một cuộc đối đầu hạt nhân với Liên bang Nga.

    Trong một phân tích mới nhất, Matthew C. Zierler, Phó Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại đại học Michigan cho biết các cuộc chiến tranh hiện nay rất khác so với việc nói rằng Thế chiến thứ III đã bắt đầu. Thế giới đang phải đối mặt với những mối đe dọa cũ và mới, bản chất của quan hệ xuyên Đại Tây Dương, hành động của Nga và phạm vi toàn cầu của Trung Quốc đang thách thức những dự đoán về hướng đi của an ninh quốc tế. Nhưng sự thay đổi, bất ổn và bạo lực không có nghĩa là chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc xung đột mới giống như hai cuộc chiến tranh thế giới trước, ông cho biết.

    Stephen Van Evera, Giáo sư danh dự về Khoa học Chính trị, tác giả của cuốn sách “Nguyên nhân của Chiến tranh: Quyền lực và nguồn gốc của xung đột” khẳng định Thế chiến thứ III vẫn chưa bắt đầu. Và nó sẽ không sớm bắt đầu chừng nào Hoa Kỳ còn áp dụng các chính sách thận trọng đối với các cường quốc khác trên thế giới là Trung Quốc và Nga.

    Ông phân tích, hầu hết các cuộc chiến tranh lớn trong quá khứ đều bắt nguồn từ sự cạnh tranh về an ninh giữa các cường quốc. Họ tìm cách kiểm soát các nguồn lực cần thiết để có thể chống lại sự xâm lược hoặc thay thế các chế độ khác bằng những nhà lãnh đạo đối lập.

    Phát minh ra vũ khí hạt nhân đã làm cho suy nghĩ này trở nên lỗi thời vì việc chinh phục giữa các cường quốc trở nên bất khả thi. Các cường quốc có thể duy trì lực lượng hạt nhân, việc đối đầu giữa các cường quốc hiện nay về cơ bản là không thể. Thay vào đó, họ có thể đảm bảo chủ quyền của mình khá dễ dàng, bằng cách duy trì một lực lượng răn đe.

    Kịch bản phổ biến trong những thế kỷ gần đây cho thấy, một cường quốc phóng đại mối đe dọa an ninh quốc gia do các cường quốc khác gây ra; phản ứng bằng sự hiếu chiến vô cớ; do đó, sẽ kích động sự hình thành của một liên minh đối trọng.

    Hoa Kỳ sẽ không bị các thế lực nước ngoài xâm lược trong tương lai gần, ngay cả khi sức mạnh của Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Sự an toàn này cho phép Hoa Kỳ tránh các chính sách rủi ro cao có thể dẫn đến xung đột quân sự với một thế lực khác. Nhưng người Mỹ sẽ phải cẩn thận để không trở thành nạn nhân của ảo tưởng và sự điên rồ của chính mình.

    Walter Dorn, Giáo sư Nghiên cứu Quốc phòng, Cao đẳng Quân sự Hoàng gia Canada cũng khẳng định Thế chiến thứ III chưa bắt đầu. Các diễn biến hiện nay giống Chiến tranh Lạnh, nơi các cường quốc không trực tiếp tham chiến mà tham gia vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm để gây ảnh hưởng và duy trì hệ thống và ý thức hệ tương ứng. Tuy nhiên, chiến tranh giữa các cường quốc là có thể xảy ra.

    chien tranh the gioi iii 2
    Phần còn lại của một chiếc xe tăng T-72 nằm trên con đường nối Shiraro với Shire. Cuộc chiến kéo dài 2 năm ở khu vực Tigray của Ethiopia đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hơn một triệu người vẫn phải di dời và gây thiệt hại hơn 20 tỷ đô la, cho đến khi một thỏa thuận hòa bình vào tháng 11/2022 được thông qua. Ảnh: AFP/Getty Images.

    Theo Kristian Gleditsch, Giáo sư Khoa học Chính trị Regius, Đại học Essex: Các nguồn dữ liệu chuẩn về xung đột bạo lực cho thấy số lượng các cuộc xung đột và số người tử vong trong chiến đấu được ghi nhận đã tăng lên trong những năm gần đây. Nhưng phần lớn sự gia tăng là do các phong trào Hồi giáo. Cuộc xung đột nghiêm trọng nhất gần đây tính đến năm 2023 (năm gần nhất có dữ liệu đầy đủ) là cuộc chiến Tigray ở Ethiopia, chứ không phải cuộc chiến ở Ukraine hiện nay.

    Baothanhhoa (theo Newsweek)

  • Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh Tony Radakin khẳng định tình hình hạt nhân mà thế giới hiện đối mặt là 'phức tạp hơn', với các mối đe dọa từ Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

    thoi dai hat nhan
    Các xe quân sự chở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 đi qua quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, Trung Quốc hồi năm 2019 - Ảnh: REUTERS

    Phát biểu tối 4-12-2024, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh Tony Radakin cho rằng thế giới đang đối mặt với "thời đại hạt nhân thứ ba", cảnh báo Trung Quốc đang là thế lực hạt nhân lớn đe dọa phương Tây.

    Theo đó, Đô đốc Radakin nhận định tình trạng ổn định hạt nhân mà thế giới đạt được sau Chiến tranh lạnh đã chấm dứt.

    Ông điểm tên các nước Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đều là các mối đe dọa hạt nhân, trong đó Bắc Kinh là một thách thức đặc biệt cho vấn đề này đối với Mỹ.

    Theo báo Telegraph, trong nhiều thập kỷ qua Trung Quốc không được xem là quốc gia có mối đe dọa hạt nhân đáng kể. Tuy nhiên nước này hiện đang mở rộng kho vũ khí hủy diệt với tốc độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và được cho là sẽ chạm mốc ngang bằng với Nga và Mỹ vào năm 2030.

    Ông Radakin cho biết thời đại hạt nhân đầu tiên là Chiến tranh lạnh, trong khi thời đại hạt nhân thứ hai được xác định bằng giai đoạn của "những nỗ lực giải trừ vũ khí và chống phổ biến vũ khí hạt nhân".

    Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh đánh giá tình hình mà thế giới phải đối mặt hiện nay "hoàn toàn phức tạp hơn".

    "Chúng ta chứng kiến việc Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, cùng các cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn và các cuộc tấn công mô phỏng nhằm vào các nước NATO", báo Telegraph dẫn lời ông Radakin.

    Ông Radakin cũng dẫn ra các nguy cơ hạt nhân khác, như việc Trung Quốc tăng cường hạt nhân trong thách thức ngang hàng với Mỹ, hay việc Iran không hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, cùng chương trình tên lửa đạn đạo và các hành vi bất ổn của Triều Tiên.

    Theo Telegraph, Trung Quốc trong những năm gần đây nổi lên như một siêu cường hạt nhân. Nước này xây dựng hàng trăm hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới. Đến cuối thập kỷ này, kho dự trữ của Trung Quốc dự kiến có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Giới chức Đức đang lên kế hoạch biến ga tàu điện thành hầm trú bom đạn trong bối cảnh nước này đánh giá nguy cơ chiến tranh ngày một gia tăng.

    Tờ báo Bild của Đức dẫn thông tin từ Văn phòng Liên bang về Phòng vệ Dân sự cho biết, đang tìm kiếm những công trình công cộng có thể cải hoán thành hầm trú ẩn đồng thời phát triển một ứng dụng giúp người dân dễ dàng tìm nơi ẩn náu an toàn.

    Ngoài ra, giới chức Đức còn khuyến khích người dân dựng nơi trú ẩn an toàn ở tầng hầm trong nhà cũng như thiết lập lại mạng lưới hầm trú ẩn công cộng từng bị coi là không còn cần thiết từ năm 2007.

    ga tau duc
    Các ga tàu điện tại Đức có thể được sử dụng làm hầm trú ẩn trong trường hợp có chiến tranh xảy ra (Ảnh: EyeEm Mobile GmbH).

    Hiện Đức chỉ còn 579 hầm trú ẩn trên cả nước, đủ chỗ cho hơn 500.000 người ẩn náu trong trường hợp xung đột hoặc chiến tranh nổ ra. Trong khi đó, tổng dân số của quốc gia Trung Âu này lên tới 84,4 triệu người.

    Ông Ralph Tiesler, lãnh đạo Văn phòng Liên bang về Phòng vệ Dân sự, cảnh báo phải mất cả một thế hệ mới có thể xây dựng được mạng lưới hầm trú ẩn mới. Chính vì thế, Đức cần phải tìm kiếm những giải pháp nhanh chóng hơn.

    Đến thời điểm này, giới chức Đức đã bắt tay vào thiết lập danh sách các nhà ga tàu điện, văn phòng, công trình công cộng… có thể sử dụng làm nơi trú ẩn trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp.

    Bên cạnh đó, một ứng dụng cung cấp bản đồ trực tiếp cho người dân đến nơi trú ẩn an toàn gần nhất trên toàn nước Đức đang được phát triển. Giới chức Đức cũng triển khai một chiến dịch thông tin hướng dẫn người dân biết cách tự bảo vệ bản thân trong tình huống nguy hiểm.

    Trước đó, Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) đối lập từng lên tiếng chỉ trích Chính phủ Đức vì không chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng Nga tiến hành tập kích các mục tiêu trên đất Đức. CDU kêu gọi phải xây dựng mạng lưới hầm trú ẩn sớm nhất có thể.

    "Dù hy vọng rằng tình hình căng thẳng không leo thang, chúng ta vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc bảo vệ người dân trước những tình huống khẩn cấp", bà Andrea Lindholz, nghị sĩ đảng CDU nhấn mạnh.

    Bà Lindholz viện dẫn trường hợp của nước láng giềng Ba Lan nơi các công trình xây dựng mới đều phải có hầm trú ẩn kể từ năm 2026.

    Theo thông tin từ trang web Notes From Poland (Những Ghi chú từ Ba Lan), một nghiên cứu năm 2023 chỉ ra rằng, Ba Lan chỉ đủ hầm trú ẩn cho khoảng 300.000 người. Song, Ba Lan đã đưa thêm nhà ga tàu điện và các đường hầm vào danh sách hầm trú ẩn tạm thời đủ chỗ cho toàn bộ người dân ẩn náu.

    Trong khi đó, Viện nghiên cứu xã hội Subterranea Britannica của Anh cho hay, toàn nước Anh có khoảng 276 hầm trú ẩn được thiết kế để bảo vệ người dân trong trường hợp bị tấn công hạt nhân.

    Theo Baogiaothong

  • Một báo cáo đã cảnh báo rằng công dân EU nên bắt đầu tích trữ lượng hàng hóa đủ dùng trong 3 ngày để sẵn sàng ứng phó với nhiều thảm họa tiềm ẩn, bao gồm cả xung đột hạt nhân.

    tham hoa hat nhan 4
    Ảnh minh họa

    Được cựu Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto công bố ngày 30/10, sáng kiến này là một phần trong nỗ lực của EU nhằm giúp khối này kiên cường hơn trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng, từ thảm họa thiên nhiên đến xung đột quân sự lớn.

    Báo cáo khuyến khích các hộ gia đình EU tích trữ hàng hóa "tự cung tự cấp cơ bản" có thể dùng trong ít nhất 72 giờ vì lo sợ tình trạng thiếu hụt tiềm ẩn trong trường hợp "xâm lược vũ trang thông qua các biện pháp thông thường" hoặc các hoạt động thù địch khác như "tấn công mạng hoặc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ hoặc hạt nhân".

    Đầu năm nay, Brussels đã giao nhiệm vụ cho cựu tổng thống Phần Lan đánh giá nhu cầu an ninh của EU sau khi xung đột ở Ukraine leo thang, "đặc biệt là để ứng phó với các hoạt động hỗn hợp ngày càng gia tăng của Nga".

    Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại buổi trình bày báo cáo rằng: "Một cú nhấp chuột có thể tắt lưới điện và khiến cả thành phố chìm trong bóng tối". 

    Tài liệu này cũng kêu gọi EU tăng cường quốc phòng và chi khoảng 20% ngân sách chung, hiện có giá trị khoảng 1 nghìn tỷ euro (1,08 nghìn tỷ đô la) trong bảy năm, cho an ninh và phòng ngừa khủng hoảng.

    Ông Niinisto cho biết: "Các quốc gia thành viên nên tăng cường hợp tác về quốc phòng châu Âu, cùng nhau đầu tư nhiều hơn để thu hẹp khoảng cách lâu dài trong sự sẵn sàng của quân đội và công nghiệp quốc phòng của chúng ta", đồng thời nhắc lại cam kết của EU về việc cung cấp viện trợ cho Ukraine trong dài hạn.

    Cựu lãnh đạo Phần Lan cho biết khối này cũng cần thiết lập một mạng lưới chống phá hoại để chống lại các mối đe dọa thông qua việc chia sẻ thông tin nhiều hơn, đồng thời nêu ra những lo ngại ngày càng tăng về các mối đe dọa từ Nga.

    Ngoài ra, báo cáo cũng lưu ý rằng: "Do các nước thứ ba thù địch, đặc biệt là Nga, ngày càng sử dụng nhiều biện pháp phá hoại nên đây là lĩnh vực mà an ninh nội bộ và an ninh quân sự có mối liên hệ chặt chẽ với nhau" .

    Niinisto cũng thúc giục "tăng cường từng bước các cơ cấu tình báo của EU hướng tới một cơ quan hoàn chỉnh của EU về hợp tác tình báo".

    Bản báo cáo được đưa ra trong bối cảnh phương Tây đưa ra cảnh báo về các kế hoạch bị cáo buộc của Nga nhằm tấn công Tây Âu nếu nước này giành được chiến thắng trước Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ các cáo buộc này là "vô nghĩa". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng mô tả các cáo buộc này là "những câu chuyện kinh dị" và cho rằng chúng được các nhà lãnh đạo phương Tây bịa ra để đánh lạc hướng sự chú ý của mọi người khỏi các vấn đề ở chính quốc gia của họ.

    Theo Dân Việt

  • Nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện giữa hai cường quốc như Mỹ và Nga xảy ra, hậu quả sẽ trở nên tồi tệ ở cấp độ toàn cầu. Cơ hội sống sót sau các vụ nổ, bức xạ và mùa đông hạt nhân phụ thuộc vào nơi bạn sống như thế nào.

    Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã tạo ra một video mô phỏng dưới góc độ khoa học về những hậu quả mà thế giới phải gánh chịu, trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện giữa Mỹ và Nga. 

    Theo đó, khi một quốc gia phóng tên lửa hạt nhân vào kẻ thù, bên kia sẽ phát hiện ra chúng nhờ những hệ thống cảnh báo và bắn trả trước khi xảy ra va chạm. 

    Theo tình huống giả định, sau khi phát hiện bị tấn công, tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm Mỹ ở phía tây Na Uy bắt đầu tấn công Nga. 10 phút sau tên lửa đạn đạo của Nga từ phía bắc Canada cũng sẽ khai hỏa, hướng tới Hoa Kỳ.

    Đầu tiên, họ sẽ tấn công các thiết bị điện tử và lưới điện, bằng cách tạo ra xung điện từ lên đến hàng chục nghìn volt. Tiếp đó, tên lửa đạn đạo sẽ nhắm vào các trung tâm chỉ huy và cơ sở phóng hạt nhân. 

    chien tranh hat nhan 2

    Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất mất khoảng nửa giờ để bay tới mục tiêu. Các thành phố lớn sẽ là những khu vực phải hứng chịu đầu tiên, vì chúng là nơi đặt các cơ sở quân sự, trung tâm chỉ huy và cản trở sự phục hồi sau chiến tranh của kẻ thù. 

    Mỗi vụ va chạm sẽ tạo ra một quả cầu lửa có nhiệt độ bằng lõi Mặt Trời, theo sau là đám mây hình nấm phóng xạ.

    Quả cầu lửa sẽ làm "bốc hơi" mọi thứ ở gần, làm mù lòa những người chứng kiến và gây nên các trận hỏa hoạn. Khi tên lửa hạt nhân phát nổ, nó sẽ gây ra một làn sóng xung kích khổng lồ, sức mạnh của nó đủ để "nghiền nát" những tòa nhà gần đó.

    Điều 5 của NATO quy định, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh và tất cả các thành viên sẽ hỗ trợ (những) nạn nhân của một cuộc tấn công như vậy ngay lập tức.

    Điều này, đồng nghĩa với việc, nếu Nga tấn công hạt nhân Hoa Kỳ, quốc gia này cũng sẽ tấn công Anh và Pháp, vì đây là hai quốc gia có khả năng hạt nhân và họ buộc phải làm tròn nghĩa vụ bảo vệ Mỹ. 

    Minh họa cuộc chiến hạt nhân giữa Nga và Mỹ, ảnh hưởng toàn cầu.

    Bão lửa nhấn chìm nhiều thành phố và gió sẽ thổi bùng ngọn lửa phát tán, đốt cháy bất cứ thứ gì: thủy tinh, một số kim loại, đồng thời biến nhựa đường thành chất lỏng nóng dễ cháy.

    Nghiên cứu cũng cho thấy, các vụ nổ, xung điện từ và phóng xạ không phải là phần tồi tệ nhất, điều đáng sợ chính là mùa đông hạt nhân. Nó hình thành do khói carbon đen từ các vụ nổ hạt nhân gây ra. 

    Quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế Chiến II đã gây ra một mùa đông hạt nhân, nhưng bom hạt nhân ngày nay có sức mạnh hơn rất nhiều và hậu quả mà nó để lại là điều không ai trong chúng ta muốn nghĩ đến.

    Một thành phố lớn như Thủ đô Moscow (Nga), dân số đông gần gấp 50 lần so với Hiroshima, bom hạt nhân sẽ khiến rất nhiều người thiệt mạng.

    Đồng thời, nó cũng tạo ra nhiều khói carbon và bão lửa sẽ đưa những đám khói đen lên tầng bình lưu và tồn tại ở đó mà không thứ gì có thể xua tan. 

    Làn khói đen này sau đó bị đốt nóng bởi ánh sáng mặt trời, bay lơ lửng như một quả khinh khí cầu trong vòng một thập kỷ và chỉ mất vài phút để chúng lan rộng phần lớn Bắc bán cầu.

    Điều này làm cho Trái Đất lạnh cóng ngay cả trong mùa hè. Các nhà khoa học ước tính, hậu quả từ việc này sẽ khiến đất nông nghiệp ở Kansas (Mỹ) sẽ lạnh đi 20 độ C và các khu vực khác hạ nhiệt gần gấp đôi. 

    5 tỷ người có thể chết đói, trong đó bao gồm 99% người dân sinh sống ở Mỹ, Châu Âu, Nga và Trung Quốc.

    Do khói carbon đen tồn tại ở Bắc bán cầu hàng thập kỷ sẽ khiến nhiệt độ giảm mạnh và nông nghiệp không thể sản xuất.

    Rõ ràng là chúng ta không thể biết bao nhiêu người sẽ sống sót sau một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng nếu nó tệ đến mức như nghiên cứu dự đoán, cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không có người chiến thắng, mà chỉ có kẻ thua cuộc. 

    Các nhà khoa học và chính trị gia đều nhận thấy rằng, trong thực tế, một cuộc chiến tranh hạt nhân hoàn toàn có khả năng xảy ra, bắt đầu từ sự leo thang dần dần giữa các quốc gia.

    Nguyên nhân có thể đến từ những chính sách hoặc tính toán sai lầm, gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước.

    Và khi chúng ta biết càng nhiều về chiến tranh hạt nhân, con người sẽ có thêm khả năng để tránh xảy ra một thảm họa toàn cầu như video trên mô tả. 

    Theo Dân Trí

  • Một đôi vợ chồng cho biết họ đã bỏ ra £130,000 để mua một căn nhà mới xây, nhưng hiện tại căn nhà gần như vô giá trị vì lỗi xây dựng. 

    Vợ chồng Steph và Chris Oliver mua nhà trong một khu bất động sản ở Bradford với hy vọng trở thành người sở hữu nhà lần đầu. Nhưng thứ tưởng chừng như một nơi dừng chân hoàn hảo để vun vén gia đình, lại trở thành ác mộng. 

    mua nha khong o duoc 1
    Steph và Chris Oliver đã mất hàng trăm ngàn bảng cho một ngôi nhà vô giá trị. Ảnh: BBC

    Nhờ chương trình Help to Buy của chính phủ mà đôi vợ chồng đã mua được một căn nhà 3 phòng ngủ vào năm 2015, trong đó chính phủ cho vay 20% giá nhà. 

    Đôi vợ chồng đã trả hết tiền nhà vào năm 2014 và số tiền đã trả chưa tới £130,000. Nhưng khi họ quyết định tái thế chấp căn nhà, họ phải đối mặt với một thực tế bất ngờ. 

    Bên cho vay đã tiến hành định giá căn nhà của họ, và báo cáo cho thấy hạng mục kết cấu của căn nhà không đáp ứng được các tiêu chuẩn xây dựng, nghĩa là căn nhà chẳng đáng một xu. 

    Chủ đầu tư là Công ty Sherwood Homes đã bỏ mặc các cư dân mắc kẹt trong cơn khủng hoảng tài chính. Vào tháng 2/2020, công ty này phá sản và đã thanh lý cho Companies House. Vợ chồng Chris cố gắng liên lạc với Sherwood Homes nhưng không ai trả lời. 

    Mua trúng nhà gần bãi đất "chết"

    Một chủ nhà khác là anh Adeel Azfal. Anh mua một căn nhà mới xây với giá £175,000 vào tháng 6/2016. Hiện anh đang mắc nợ hàng trăm ngàn bảng khi nhận ra ngôi nhà của mình chẳng đáng một xu. 

    Anh cho biết: "Chúng tôi là một gia đình trẻ. Vợ tôi không đi làm và ngôi nhà này là tổ ấm lâu dài của chúng tôi. Hiện tôi đang mắc nợ ngân hàng  £150,000 nhưng hóa ra tôi lại đang cõng trên vai một ngôi nhà chẳng có giá trị".

    Theo hội đồng, khu dân cư nhà anh nằm gần một nơi từng là bãi rác và khí metan đã ngấm sâu vào trong đất. Dù đã có những phương pháp bảo vệ, nhưng người dân không biết là khí metan có còn hay không. 

    Chủ đầu tư cũng bỏ mặc cư dân, do đó Hội đồng Bradford đang phải hỗ trợ và tư vấn cho cư dân. 

    Viethome (theo The Sun)

  • Sau khi xâm chiếm Pháp thành công, Adolf Hitler và Bộ Tư lệnh tối cao Đức mở chiến dịch tấn công Anh nhằm hất quốc gia này khỏi chiến trường châu Âu. Trong Trận chiến nước Anh, phát xít Đức triển khai lượng lớn máy bay dội bom các thành phố của xứ sở sương mù suốt nhiều ngày đêm. Tuy nhiên, Hitler và Đức quốc xã đã có trận thua đau tại Anh.

    duc quoc xa thua o anh 1

    Phát xít Đức muốn giành ưu thế trong cuộc chiến trên không để làm suy yếu sức mạnh quân sự của nước Anh. Từ đây, quân đội của Hitler sẽ có lợi thế trong chiến dịch đổ bộ, xâm lược xứ sở sương mù.

    Để đạt được mục tiêu này, không quân phát xít Đức triển khai lực lượng lớn cùng những vũ khí "khủng". Theo một nghiên cứu, trong Trận chiến nước Anh, Đức phái khoảng 2.550 máy bay ném bom các loại. Trong số này, máy bay thả bom Heinkel He 111 được không quân Đức sử dụng nhiều. Cùng với đó, không quân Đức thả hàng nghìn tấn bom xuống London và các thành phố khác của Anh.

    duc quoc xa thua o anh 1

    Hình ảnh mái vòm của nhà thờ thánh Paul (phần không bị hư hại) tại London, Anh, trong một đợt đột kích của Đức. Trận không chiến giữa Anh và Đức chiến diễn ra từ ngày 10/7 đến 31/10/1940. Đức nhắm đến mục tiêu giành ưu thế trên không trước quân đội Hoàng gia Anh, từ đó làm suy yếu sức kháng cự của nước này, mở đường cho cuộc đổ bộ của hải quân và lính nhảy dù.

    duc quoc xa thua o anh 1

    Bức ảnh ghi lại cảnh máy bay ném bom tầm thấp Heikel He 111 của Đức bay lượn trên vùng trời eo biển Anh. Đây là chiến dịch quân sự lớn đầu tiên được thực hiện hoàn toàn bằng lực lượng không quân.

    duc quoc xa thua o anh 1

    Hình ảnh về cột khói lớn cuồn cuộn bốc lên từ một đám cháy bắt nguồn từ một nhà xưởng tại Plymouth, Tây Nam nước Anh, bị quân đội Đức bắn phá. Tháng 7/1940, Đức nhắm các trung tâm hàng hải như Portsmouth làm mục tiêu chính. Một tháng sau đó, Đức chuyển hướng tấn công, từ các sân bay và cơ sở hạ tầng của không quân Anh đến những nhà xưởng sản xuất máy bay. 

    duc quoc xa thua o anh 1

    Hình ảnh người dân Anh trú ẩn trong ga tàu điện ngầm Aldwych, London, sau khi còi báo động vang lên để cảnh báo về các cuộc ném bom sắp diễn ra. Ngày 7/9/1945, một loạt cuộc tấn công lớn mang mật danh "chiến dịch Loge" với gần 400 máy bay ném bom và hơn 600 máy bay tiêm kích bắt đầu nhắm vào các bến tàu tại phía đông London.

    duc quoc xa thua o anh 1

    Hình ảnh đống đổ nát tại Dockland, London sau trận dội bom của Đức ngày 17/9/1940. Nhiều thành phố của cả hai bên tham chiến đều trở nên hoang tàn sau các cuộc oanh kích. 

    duc quoc xa thua o anh 1

    Bức ảnh chụp London từ trên không với các khu công nghiệp, bến tàu bị quân Đức bắn hư hại. Với hàng trăm máy bay của cả hai bên được huy động, bầu trời nước Anh thực sự trở thành một chiến trường đẫm máu. 

    Trước các cuộc không kích điên cuồng của Đức quốc xã, Anh điều động 1.963 phi cơ bao gồm các loại máy bay tiêm kích và máy bay ném bom. Anh trở thành đối thủ mạnh của Đức bởi sở hữu lực lượng không quân có khả năng phối hợp cao, trang bị tốt và hiện đại. Vì vậy, máy bay của Đức quốc xã ra sức oanh tạc, dội bom dữ dội các mục tiêu quan trọng của Anh nhưng đều bị các tiêm kích Spitfires, Hurricanes.... của chính quyền London khống chế và tiêu diệt thành công.

    Kết thúc Trận chiến nước Anh, phát xít Đức tổn thất gần 75% tổng số máy bay tham chiến, tương đương 1.977 chiếc bị không quân Anh bắn hạ. Đây là tổn thất lớn của Đức quốc xã, góp phần chặn đứng bước tiến của quân Đức ở mặt trận phía Tây.

    duc quoc xa thua o anh 1

    Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cô gái nở nụ cười khi được cứu sống từ đống nổ nát của một tòa nhà sau cuộc công phá bằng bom của quân đội Đức.

    duc quoc xa thua o anh 1

    Phần còn lại của bom hạng nặng Đức bị quân đội Anh bắn hạ. Khác xa với những kỳ vọng của Hitler sau các trận không kích, phe Đức nhận ra đã chạm trán với một đối thủ khá mạnh về quy mô, khả năng phối hợp cao, được trang bị tốt và hiện đại. 

    duc quoc xa thua o anh 1

    Văn phòng lưu trữ hồ sơ tại London ngập trong khói lửa. Không đạt được mục tiêu hủy diệt nước Anh, Hitler phải ra lệnh giảm dần các cuộc oanh kích và chính thức ngừng tấn công Anh quốc vào ngày 30/10/1940. Trận chiến nước Anh không chỉ đánh dấu thất bại đầu tiên của không quân Đức mà còn là một trong những bước ngoặt quan trọng trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. 

    Kiến Thức (theo TTZ)

  • 17h ngày 2/7/1940, cảng Montreal (Canada) đón một đoàn tàu. Trong bóng tối đã bắt đầu sập xuống, một người đàn ông bước ra, nói nhỏ với những người đang chờ đón mình: "Chúng tôi mang đến rất nhiều 'cá vàng'. Số còn lại cũng sẽ đến sớm thôi. Chúng ta đang dọn dẹp nhà cửa và cất giữ đồ đạc mà".

    Và những thùng "cá vàng" được bốc dỡ chóng vánh, sắp xếp vào những chiếc xe để chuyển tới một nơi bí mật, dưới sự giám sát của các quan chức cao cấp nhất tại Ngân hàng Hoàng gia Canada. Không một lời thừa. Không một sự chậm trễ.

    Đó là ngày thứ 17 kể từ khi Paris, thủ đô Pháp, sụp đổ dưới sức tấn công khủng khiếp của các lữ đoàn thiết giáp Quốc xã. 330.000 binh sĩ Anh - Pháp đã kịp thoát khỏi bờ biển Dunkerque. Nhưng đổi lại, cái giá phải trả là toàn bộ quân đội Pháp xem như đã bị xóa sổ. Một nửa nước Pháp bị chiếm đóng.

    Nửa còn lại bị đặt dưới sự cai trị của chính phủ bù nhìn Vichy - những người chấp nhận đầu hàng quân Đức. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đều được lãnh đạo bởi những nguyên thủ theo khuynh hướng độc tài - phát-xít, là đồng minh tự nhiên của Đức.

    Hà Lan đã bị chiếm. Bỉ cũng bị chiếm. Anh quốc đứng lẻ loi một mình bên kia eo biển Manche, đối diện với cả dải bờ biển thù địch từ Bắc xuống Nam.

    Hơn ai hết, Winston Churchill hiểu rõ tình hình. Ông không cam chịu đầu hàng. Ông vẫn còn có thể trông cậy vào tinh thần chiến đấu can trường của những người lính Anh và cả nhân dân Anh. Ông còn trong tay quyền huy động lực lượng từ cả Vương quốc Liên hiệp Anh (United Kingdom, bao gồm Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand…).

    Ông giữ vững, củng cố và cổ vũ tinh thần cho quân dân Anh nhờ những yếu tố đó. Song, chiến tranh cũng như chính trị, không thể "tất tay" vào cuộc chơi như một canh bạc. Luôn cần có sự chuẩn bị cho những giai đoạn tiếp nối. Cũng luôn cần bảo đảm cung ứng tài chính cho các hoạt động quân sự.

    Bởi vậy, thực ra, Kế hoạch Cá (Operation Fish) đã được vạch ra, từ rất lâu trước khi Paris sụp đổ. Churchill cùng các đồng sự muốn bảo đảm rằng vạn nhất nếu đảo Anh cũng không giữ được, thì quân đội Anh vẫn còn tiềm lực tài chính để quật khởi.

    Vàng của nước Anh, trong hầm ngầm Ngân hàng Canada.

    Kể từ tháng 9/1939, khi Đại chiến thế giới lần thứ hai mới bắt đầu, chính phủ Anh đã có sắc lệnh: Mọi công dân Anh ở Vương quốc Liên hiệp Anh đều phải đăng ký khai báo toàn bộ tài sản hoặc trái phiếu nước ngoài của mình với Bộ Tài chính.

    Nhờ động thái này, tất cả trái phiếu, ngân phiếu quốc tế đã được kiểm định bởi Ngân hàng Hoàng gia Anh quốc được đóng gói vào hàng nghìn chiếc hòm, kiểu hòm đựng hoa quả, rồi đưa tới địa điểm tập trung - các cảng lớn của Anh.

    Tại những nơi ấy, toàn bộ lợi nhuận khổng lồ được tích cóp qua nhiều thế hệ của tư bản Anh được canh giữ cẩn thận, bên cạnh hàng nghìn tấn vàng - phần tích lũy trong suốt quãng thời gian trở thành đế chế mà "mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ" của đế quốc Anh.

    23h18 ngày 3/10/1939, tàu HSM Emerald rời cảng Plymouth, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Augustus Willington Shelton Agar. Đó là chuyến tàu đầu tiên đưa của cải dự trữ của nước Anh đến nơi an toàn, bên kia Đại Tây Dương.

    Và thực ra, như tiết lộ của trang Bảo tàng Ngân hàng Canada (www.bankofcanadamuseum.ca), Winston Churchill cũng đã dự tính rằng trong trường hợp xấu nhất, ông sẽ chuyển chính phủ của mình tới Montreal, để tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến đấu chống lại Đức Quốc xã. Điều đó giải thích tại sao Montreal lại là điểm đến của những chuyến tàu chở đầy của cải ngày đó.

    Kỳ tích của số mệnh

    Một điều rất đáng ngạc nhiên: Suốt quãng thời gian tiến hành từ tháng 10/1939 đến tháng 7/1940, Operation Fish không mất một tàu nào. Trong khi đó, chỉ trong tháng 6/1940, gần 60 tàu của cả các nước đồng minh lẫn các quốc gia trung lập bị bắn chìm trên Đại Tây Dương.

    Chưa kể, hoạt động của các đội tàu ngầm Đức Quốc xã cũng được đẩy mạnh, trong nỗ lực siết chặt vòng vây quanh "đảo quốc sương mù". Điều này khiến những chuyến hàng càng lúc càng trở nên mạo hiểm.

    Song, như thể được phù hộ bởi một thế lực siêu nhiên nào đó, cả chiến sự lẫn sự khó lường của thời tiết trên đại dương đều không động chạm gì đến những chuyến tàu ấy, để toàn bộ khối tài sản khổng lồ mà nước Anh sở hữu có thể nằm gọn ghẽ dưới tầng hầm cuối cùng của Ngân hàng Canada, không một chút suy suyển.

    Con tàu HSM Emerald huyền thoại.

    Hơn thế, việc Churchill cũng như toàn thể nước Anh giữ vững được bí mật này cũng là một kỳ tích, khi nó liên quan tới hàng trăm hàng nghìn thủy thủ, thợ bốc vác hay công nhân đóng gói…, ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

    Để tránh việc phải đánh canh bạc tất tay trên đảo Anh, Churchill đã chấp nhận chơi một canh bạc khác, cũng vô cùng khốc liệt. Chỉ một thông tin rò rỉ, có thể phải trả giá bằng việc con đường vận chuyển bị cắt đứt, và tài sản dự trữ không thể đến nơi an toàn.

    Dĩ nhiên, Montreal không phải là nơi trú ngụ cuối cùng của cả "dãy núi tiền - vàng" ấy. Một phần lớn trong số đó, về sau, lại được chuyển xuống tàu, đi đến New York, để chi trả các khoản chiến phí mà nước Anh giao dịch với nước Mỹ.

    Song, tàu ngầm Đức không uy hiếp được bờ Tây Đại Tây Dương, còn hải quân Nhật không đủ tiềm lực để vươn đến bờ Đông Thái Bình Dương. Không còn gì đe dọa nổi tiền bạc của Anh quốc, khi nó đã yên vị ở châu Mỹ.

    Tổng cộng, khoảng 160 tỷ USD (theo thời giá 2017) đã được chuyển từ Anh tới Canada, bằng đường biển. 1.500 tấn vàng, và hàng tấn giấy tờ tài chính. Hơn 600 người trực tiếp phục vụ cuộc đào thoát kỳ vĩ này.

    Không còn nghi ngờ gì nữa, Operation Fish là cuộc "vận tải tiền bạc trực tiếp" có quy mô lớn nhất trong lịch sử loài người. Nước Anh là quốc gia duy nhất thực hiện điều đó. Và sau khi đã yên tâm về nguồn lực dự trữ của mình, họ ngẩng cao đầu đón đợi điều mang tên "trận chiến nước Anh" (Battle of England), kết thúc với sự bất lực của không quân Đức.

    Quân Đức hết kiên nhẫn ở phía Tây. Adolf Hitler, dù rất muốn, không thể bắt Churchill cúi đầu. Nhà độc tài xua quân sang Đông, để chạm trán với một địch thủ còn kiên cường và đáng sợ gấp bội - Liên Xô của Iosif Stalin. Nước Anh hồi phục, và cùng quân đội Mỹ, quân Anh đứng vững ở Bắc Phi, rồi trở lại châu Âu.

    Những ngày ấy, mạch máu tài chính Anh, từ Montreal, vẫn vận hành ổn thỏa.

    Viethome (theo An ninh Thế giới)