Phí tắc nghẽn ở London sẽ tăng 30% từ tháng tới

Phí tắc nghẽn (congestion charge) ở London sẽ tăng 30% từ tháng tới và sẽ được áp dụng bảy ngày một tuần trong bối cảnh thị trưởng London đang phải vật lộn để chi trả cho hệ thống giao thông.

Chính phủ đã xác nhận một khoản cứu trợ trị giá 1.6 tỷ bảng cho TfL sau khi thu nhập từ giá vé giảm 90% trong hai tháng qua.

Thị trưởng Sadiq Khan đã cáo buộc Bộ Giao thông Vận tải (DfT) "bắt người dân London phải trả chi phí trong khi họ đang hành động đúng đắn vì COVID-19".

Tòa thị chính cho biết phí tắc nghẽn sẽ tăng từ 11.50 bảng mỗi ngày lên 15 bảng kể từ ngày 22 tháng Sáu. Giờ áp dụng cũng được kéo dài từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối, bảy ngày một tuần, thay vì chỉ các ngày làm việc trong tuần như trước đây.

Khoản phí này đã được miễn trong thời gian phong tỏa, khi phần lớn những người sống ở London và vùng phụ cận đang làm việc tại nhà hoặc chỉ ra đường vì những lý do thiết yếu.

skynews congestion charge london 4990935

Tuy nhiên, mức phí £11.50 đã được áp dụng trở lại vào thứ Hai ngày 18 tháng 5, cùng với phí vùng phát thải cực thấp £12.50 cho hầu hết các phương tiện, và £100 cho xe tải hạng nặng hoặc xe khách.

Văn phòng truyền thông của thị trưởng cho biết mức tăng tháng 6 sẽ "khuyến khích người dân London không thực hiện các chuyến đi bằng ô tô không cần thiết và dự kiến ​​sẽ giảm một phần ba lượng xe cộ trong khu vực áp dụng phí tắc nghẽn".

TfL sẽ tạm thời gia hạn chương trình bồi hoàn phí tắc nghẽn cho NHS và nhân viên chăm sóc tại các nhà dưỡng lão.

Tuy nhiên, họ cũng đưa ra các biện pháp tạm thời khác như dừng việc đi lại miễn phí cho trẻ em và chỉ cho phép những người trên 60 tuổi hoặc bị khuyết tật di chuyển miễn phí ngoài giờ cao điểm.

Việc thu vé trên xe bus từng được loại bỏ để giúp bảo vệ tài xế khỏi COVID-19 - cũng sẽ được áp dụng trở lại.

Bộ Giao thông vận tải cho biết gói cứu trợ đồng nghĩa với việc TfL có thể tăng năng suất dịch vụ tàu điện ngầm và xe buýt "càng sớm càng tốt để đảm bảo mọi người có thể tuân theo các hướng dẫn giãn cách xã hội trong khi di chuyển trên mạng lưới".

Nhiều người đã bày tỏ lo ngại trước hình ảnh những chuyến tàu và xe buýt chật cứng trong tuần này, sau khi Thủ tướng khuyến khích người dân Anh đến công sở nếu họ không thể làm việc tại nhà.

Một đội đặc nhiệm COVID-19 ở London - có sự góp mặt của đại diện chính phủ và TfL - đã được thành lập để giám sát các quyết định trong đại dịch.

Ông Khan nói: "COVID-19 đặt ra thách thức lớn nhất trong lịch sử mạng lưới giao thông công cộng của London. Sẽ cần đến nỗ lực rất lớn từ tất cả người dân London để có thể duy trì giãn cách xã hội an toàn trên phương tiện giao thông công cộng khi các hạn chế phong tỏa dần được nới lỏng.

"Điều đó có nghĩa là chúng ta phải giữ số lượng người sử dụng phương tiện công cộng thấp nhất có thể. Nhưng đồng thời chúng ta cũng không thể thay thế những hành trình giao thông công cộng bằng việc sử dụng xe hơi vì đường phố của chúng ta sẽ ngay lập tức bị tắc nghẽn và mức độ ô nhiễm không khí độc hại sẽ tăng cao.

"Tôi yêu cầu người London không sử dụng phương tiện giao thông công cộng trừ khi điều đó là hoàn toàn không thể tránh khỏi - đó phải là phương sách cuối cùng. Nếu bạn có thể làm việc tại nhà, bạn nên tiếp tục làm như vậy. Tất cả chúng ta cũng nên dành nhiều thời gian giải trí ở quanh nơi sinh sống.

"Chúng tôi sẽ cần người dân London tăng cường đi bộ và đạp xe. Đó là lý do tại sao những kế hoạch này sẽ giúp biến đổi một phần bộ mặt trung tâm London, tạo ra một trong những thủ đô không có xe hơi lớn nhất trên thế giới."

VietHome (Theo Sky News)