• Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh, thậm chí đồng USD có lúc còn tăng 4% so với rổ các đồng tiền tệ lớn khác, trong đó có euro, bảng Anh, yen Nhật, đô la Canada, franc Thuỵ Sĩ và krona Thuỵ Điển.

    Theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Hơn 1,8 nghìn tỷ USD đang được lưu hành trên toàn thế giới. Hơn nữa, có thể khoảng 2/3 tổng số tờ 100 USD và gần 1 nửa số tờ 50 USD đang được các nước ngoài Mỹ nắm giữ. Trên thực tế, đồng USD thực sự là một đồng tiền có giá trị quốc tế, nghĩa là được nhiều chính phủ dự trữ và hầu hết người dân, doanh nghiệp đều tin tưởng sử dụng trong các thương vụ giao dịch quốc tế.

    Thậm chí ngay cả khi đại dịch Covid-19 khiến thị trường toàn cầu biến động mạnh, khiến hàng nghìn tỷ USD giá trị tài sản bị "thổi bay", thì đồng bạc xanh vẫn không hề bị ảnh hưởng. Có lúc, đồng USD còn tăng 4% so với rổ các đồng tiền tệ lớn khác, trong đó có euro, bảng Anh, yen Nhật, đô la Canada, franc Thuỵ Sĩ và krona Thuỵ Điển.

    accounting balance bank notes 2068975

    Tại sao giá trị của đồng USD lại tăng lên như vậy?

    Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin từng giải thích rằng đồng USD mạnh là nhờ sự ổn định của nền kinh tế Mỹ, bởi mọi người muốn nắm giữ đồng bạc xanh và tính an toàn của nó. Ngoài ra, ở những thời điểm thị trường bất ổn, nhà đầu tư đổ xô tìm đến các loại tài sản an toàn - giá trị vẫn "đứng vững" bất chấp biến động mạnh.

    Đồng USD "đến" từ nền kinh tế lớn nhất thế giới - có sự ổn định về kinh tế và chính trị. Và ngay cả khi bạn khá chắc rằng giá trị đồng USD sẽ biến động, thì nó sẽ không lao dốc thảm hại như đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ hay peso của Argentina.

    Do đó, khi nhu cầu nắm giữ đồng USD tăng mạnh ở thời điểm khủng hoảng kinh tế, khiến tình trạng thiếu hụt có thể sẽ xảy ra, thì vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn. Fed chịu trách nhiệm phát hành đồng bạc xanh và đưa ra thêm các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt đó. 

    Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng Covid-19, NHTW Mỹ sẽ đưa ra một số "hạn mức hoán đổi" (swap line) đối với 1 số NHTW khác, để đảm bảo rằng sẽ có đủ tiền cho các khoản đầu tư và chi tiêu. Điều này giúp thị trường tiền tệ ổn định khi nhu cầu đối với đồng USD tăng vọt.

    Tại sao đồng USD lại trở thành đồng tiền tệ được dự trữ nhiều nhất trên thế giới?

    Trong 1 thời gian, các nền kinh tế phát triển neo giá trị đồng tiền tệ của họ với vàng. Tuy nhiên, trong Thế chiến I, nhiều quốc gia phát triển bắt đầu ngừng sử dụng tiêu chuẩn này và chi trả chi phí quân sự bằng tiền giấy. Cuối cùng, đồng USD - khi đó vẫn được neo giá với vàng, lại tăng giá so với bảng Anh và trở thành đồng tiền tệ được dự trữ nhiều nhất trên thế giới.

    Trong thế chiến II, Mỹ bán vũ khí và vật tư cho nhiều nước đồng minh, với tài sản trao đổi là vàng. Đến năm 1947, Mỹ đã nắm giữ 70% tổng lượng vàng dự trữ trên thế giới, "bỏ xa" nhiều quốc gia khác. Theo đó, để khắc phục điều này và những vấn đề tài chính khác, 44 quốc gia đồng minh đã đưa ra quyết định các đồng tiền tệ của thế giới sẽ được neo giá theo đồng USD.

    Khi các NHTW bắt đầu xây dựng "kho" dự trữ tiền tệ, họ thay thế các đồng tiền tệ này bằng vàng, giảm lượng dự trữ đồng USD và điều này làm "nhen nhóm" mối lo ngại về tính ổn định của đồng USD.

    Năm 1971, Tổng thống Richard Nixon khiến cả thế giới choáng váng khi ông quyết định không neo giá trị đồng USD theo vàng. Kể từ đó, tỷ giá hối đoái tự do "ra đời", có nghĩa là tỷ giá hối đoái không còn được điều chỉnh theo vàng và có diễn biến theo tác động của thị trường.

    Bất chấp những giai đoạn bất ổn của thị trường và ảnh hưởng của lạm phát, đồng USD vẫn là đồng tiền tệ được dự trữ nhiều nhất trên thế giới. Hiện nay, phần lớn (88%) giao dịch ngoại hối trên thế giới đều được thực hiện bằng đồng USD.

    Trong những năm gần đây, một số NHTW đã dự trữ thêm đồng CNY. Việc Mỹ áp lệnh trừng phạt lên một số quốc gia, như Iran và Triều Tiên, đã khiến họ không muốn giao thương bằng đồng USD. Tuy nhiên, trong tương lai gần, vẫn khó có thể thấy bất kỳ đồng tiền tệ nào có sự nổi trội hơn so với đồng USD. 

    Tham khảo CNBC

  • Các thị trường chứng khoán toàn cầu lại một lần nữa điêu đứng trong khi đồng bảng ở mức thấp nhất so với đồng đô la trong 35 năm. Nguyên nhân là bởi các nhà đầu tư đang tìm cách tháo chạy khỏi viễn cảnh ngày càng u ám của cuộc khủng hoảng coronavirus.

    Chỉ số FTSE 100 đã giảm hơn 4% vào thứ Tư, 18/3, xuống còn 5.080 điểm - xóa sạch mức tăng mạnh đã ghi nhận ngày hôm trước - bất chấp các biện pháp "chưa từng có" vừa được Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak áp dụng để giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua dịch bệnh.

    Thị trường khởi sắc vào thứ Ba nhờ lời hứa về các biện pháp kích thích kinh tế, với chỉ số Dow Jones của New York tăng hơn 5% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ kế hoạch cho gói kích thích trị giá 850 tỷ USD, bao gồm cả gói hỗ trợ các hãng hàng không.

    Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, sự nhiệt tình lui dần và thị trường châu Á giảm trở lại sau một đêm trong khi các chỉ số của Mỹ và châu Âu cũng xuống mức đỏ.

    EasyJet là một trong số những hãng chịu tổn thất lớn của FTSE ở London - mất 17% - trong bối cảnh các cổ phiếu hàng không tiếp tục gánh chịu những hậu quả khổng lồ do du lịch ngừng hoạt động.

    Được biết, EasyJet đã tham gia các cuộc đàm phán với các công đoàn về một gói các biện pháp trong đó nhân viên sẽ bị buộc phải nghỉ ba tháng không lương trong khoảng thời gian sáu tháng.

    Một nhóm các công ty niêm yết khác cũng đưa ra cảnh báo lợi nhuận.

    Chỉ số Dow đã giảm hơn 2.000 điểm - gần 10% - vào buổi chiều nhưng đã phục hồi một chút vào cuối phiên và đóng cửa với mức giảm 6,3%.

    Sau khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Stephen Mnuchin cho biết các bộ phận của nền kinh tế Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động để "tiêu diệt" virus, các chỉ số đã giảm xuống dưới mức ghi nhận trước khi tổng thống Trump nhậm chức.

    Các nhà phân tích từ Tập đoàn London Capital cho rằng "mức độ nghiêm trọng của đại dịch đang lớn hơn hy vọng kích thích kinh tế".

    Một loạt các thị trường khác cũng trong tình trạng hỗn loạn.

    Dầu thô Brent được giao dịch ở mức giá thấp nhất trong 16 năm là 26 đô la một thùng.

    Nhưng đồng bảng Anh đã trải qua một khoảng thời gian đặc biệt khó khăn - giảm 2,5% so với đồng euro và hơn 4% so với đồng đô la Mỹ, có nghĩa là một bảng Anh tương đương 1,07 € và 1,15 đô la.

    Neil Wilson của trang markets.com cho biết sự suy giảm của đồng bảng Anh hiện tại là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1985.

    Ông nói thêm: "Đây là thời kỳ đồng bảng mất giá kéo dài tồi tệ nhất mà tôi có thể nhớ, và nó cho thấy một cuộc khủng hoảng thanh khoản đồng đô la nghiêm trọng mà ngân hàng trung ương vẫn chưa nắm bắt được. "

    Giám đốc đầu tư của AJ Bell, ông Russ Mold cho biết: "Cuối cùng, không có khoản tiền hay biện pháp giảm thiểu tác động kinh tế nào có thể cho các nhà đầu tư biết những gì họ muốn biết ngay bây giờ, đó là khi nào thì cuộc sống hàng ngày mới trở lại bình thường (hoặc thậm chí là một trạng thái bình thường mới). "

    Ngày càng nhiều nhà máy trên khắp châu Âu và Mỹ phải đóng cửa - theo sau tình trạng ở Trung Quốc hồi đầu năm khi nước này đối phó với những dấu hiệu lây lan đầu tiên của coronavirus.

    Nền kinh tế toàn cầu, theo nhiều nhà kinh tế, gần như chắc chắn đang suy thoái do quy mô của dịch bệnh.

    Quyết định đóng cửa các trường học của Anh từ tối thứ Sáu, ngoại trừ con cái của những người lao động quan trọng trong lĩnh vực hành chính và những người được coi là dễ bị tổn thương, sẽ gây áp lực lớn hơn cho nền kinh tế vì cha mẹ bị buộc phải rời bỏ công việc để coi sóc con nhỏ.

    Matthew Fell, giám đốc chính sách UK của CBI, nói: "Các doanh nghiệp sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp nhân viên của họ trong những thời điểm đặc biệt này.

    "Các công ty sẽ nỗ lực hết sức để cung cấp thời gian làm việc linh hoạt, nhưng nhiều phụ huynh đơn giản sẽ không thể làm công việc của họ và chăm sóc con cái cùng một lúc.

    "Khi rất nhiều doanh nghiệp đang vật lộn với dòng tiền, chính phủ sẽ cần phải khẩn trương can thiệp với những động thái hỗ trợ bổ sung cho các nhân viên không thể làm việc vì trường học đóng cửa."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Người sáng lập Cribstone Strategic Macro, dự đoán đồng bảng Anh có thể tăng lên mức 1,65 USD/bảng khi các nhà đầu tư đánh giá lại tiềm năng dài hạn của đồng tiền này.

    Trả lời trong chương trình “Squawk Box Europe” của kênh truyền hình CNBC, ông Michael Harris, người sáng lập Cribstone Strategic Macro, dự đoán đồng bảng Anh có thể tăng lên mức 1,65 USD/bảng khi các nhà đầu tư đánh giá lại tiềm năng dài hạn của đồng tiền này.

    Theo ông Harris, đồng bảng Anh sẽ là một trong những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới.

    Trước đó, đồng bảng Anh đã tăng hơn 2% lên mức 1,35 USD/bảng sau khi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12/2019.

    Tuy vậy, đồng bảng Anh đã giảm xuống còn 1,31 USD/bảng ngay sau khi Chính phủ Anh đề ra thời hạn vào cuối năm 2020 cho việc London rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, lại làm dấy lên những quan ngại về khả năng Brexit diễn ra mà Anh và EU không đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit.

    Tuy vậy, ông Harris cho hay ông không xem triển vọng Brexit diễn ra “không trật tự” là một rủi ro thực sự đối với đồng bảng Anh.

    Theo ông Harris, Brexit có thể diễn ra sau 18-24 tháng tới, song khả năng Brexit “không thỏa thuận” diễn ra là điều bất hợp lý.

    Sau khi đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Anh hồi tháng 12/2019, các nhà phân tích cho rằng đồng bảng Anh sẽ duy trì đà tăng trưởng quý I/2020 song một số ý kiến cảnh báo những rủi ro liên quan tới Brexit vẫn tồn tại và có thể hạn chế mức tăng của đồng tiền này./.

    Theo BNews

  • Mặc dù tỷ giá hối đoái liên tục dao động nhưng sức mạnh của một số đồng tiền trên thế giới vẫn không suy giảm quá nhiều. Thật bất ngờ là đồng GBP của Anh không phải là đồng mạnh nhất thế giới, và cũng rất ngạc nhiên khi VND là loại tiền tệ yếu thứ nhì thế giới, chỉ đứng trên đồng Iran. 

    VND yếu được lý giải do chính quyền muốn phá giá đồng tiền để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. VND yếu không có nghĩa là nền kinh tế quốc gia suy yếu. Tuy nhiên, điều này lại trái ngược so với Iran. Quốc gia này bị cấm vận quá nhiều dẫn đến đồng Rial yếu. Hộ chiếu của quốc gia này cũng yếu nhất thế giới. 

    Dưới đây là bảng xếp hạng 10 đồng tiền mạnh nhất thế giới tính đến thời điểm ngày 13/1/2019, thông tin lấy từ trang thông tin chứng khoán FXSSI, đã tham khảo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Đồng USD được dùng làm đơn vị tham chiếu.

    No. 1 - Kuwait Dinar, viết tắt là KWD = 3.29 USD.

    No. 2 - Bahrain Dinar, viết tắt là BHD = 2.65 USD.

    No. 3 - Oman Rial, viết tắt là OMR = 2.60 USD.

    No. 4 - Jordan Dinar, viết tắt là JOD = 1.41 USD.

    No. 5 - Great British Pound, viết tắt là GBP = 1.26 USD.

    No. 6 - Cayman Islands Dollar, viết tắt là KYD = 1.20 USD.

    No. 7 - European Euro, viết tắt là EUR = 1.14 USD.

    No. 8 - Swiss Franc, viết tắt là CHF = 1.04 USD

    No. 9 - USA Dollar, viết tắt là USD.

    No. 10 - Canadian Dollar, viết tắt là CAD = 0.75 USD.

    Tính đến thời điểm viết bài này ngày 17/2/2019, đồng AUD của Úc dường như đã vượt qua đồng CAD để xếp ở vị trí thứ 10. Tuy nhiên, tỉ giá này vẫn sẽ dao động thường xuyên.

    Top 10 đồng tiền yếu nhất thế giới

    No. 1 - Iranian Rial, viết tắt là IRR: 1 USD = 41,944 IRR.

    Giá USD chợ đen là 112,000 IRR - đắt gần gấp 3 lần.

    No. 2 - Vietnamese Dong, viết tắt là VND: 1 USD = 23,194 VND

    No. 3 - Indonesian Rupiah, viết tắt là IDR: 1 USD = 14,237 IDR.

    No. 4 - Guinean (châu Phi) Franc, viết tắt là GNF: 1 USD = 9,198 GNF.

    No. 5 - Lao Kip, viết tắt là LAK: 1 USD = 8,550 LAK.

    No. 6 - Sierra Leonean (Tây Phi) Leone, viết tắt là SLL: 1 USD = 8,446 SLL.

    No. 7 - Uzbekistan Sum, viết tắt là UZS: 1 USD = 8,336 UZS.

    No. 8 - Paraguayan (Nam Mỹ) Guarani, viết tắt là PYG: 1 USD = 5,953 PYG.

    No. 9 - Cambodian Riel, viết tắt là KHR: 1 USD = 4,016 KHR.

    No. 10 - Ugandan Shilling, viết tắt là UGX: 1 USD = 3,714 UGX.

    Ngoài 10 đồng tiền yếu nhất này thì đồng Bolívar của Venezuela mới là đồng tiền có tỉ giá biến động khủng nhất. Với mức độ lạm phát 830,000% dẫn tới việc đổi tiền năm 2018, đồng Bolívar mới của Venezuela vẫn không giúp giảm lạm phát mà còn khiến tình hình tồi tệ hơn. Trước đổi tiền, 1 USD = 248,487 VEF. 

    Viethome