Coronavirus khiến đồng bảng chạm mức thấp kỷ lục suốt 35 năm qua

Các thị trường chứng khoán toàn cầu lại một lần nữa điêu đứng trong khi đồng bảng ở mức thấp nhất so với đồng đô la trong 35 năm. Nguyên nhân là bởi các nhà đầu tư đang tìm cách tháo chạy khỏi viễn cảnh ngày càng u ám của cuộc khủng hoảng coronavirus.

Chỉ số FTSE 100 đã giảm hơn 4% vào thứ Tư, 18/3, xuống còn 5.080 điểm - xóa sạch mức tăng mạnh đã ghi nhận ngày hôm trước - bất chấp các biện pháp "chưa từng có" vừa được Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak áp dụng để giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua dịch bệnh.

Thị trường khởi sắc vào thứ Ba nhờ lời hứa về các biện pháp kích thích kinh tế, với chỉ số Dow Jones của New York tăng hơn 5% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ kế hoạch cho gói kích thích trị giá 850 tỷ USD, bao gồm cả gói hỗ trợ các hãng hàng không.

Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, sự nhiệt tình lui dần và thị trường châu Á giảm trở lại sau một đêm trong khi các chỉ số của Mỹ và châu Âu cũng xuống mức đỏ.

EasyJet là một trong số những hãng chịu tổn thất lớn của FTSE ở London - mất 17% - trong bối cảnh các cổ phiếu hàng không tiếp tục gánh chịu những hậu quả khổng lồ do du lịch ngừng hoạt động.

Được biết, EasyJet đã tham gia các cuộc đàm phán với các công đoàn về một gói các biện pháp trong đó nhân viên sẽ bị buộc phải nghỉ ba tháng không lương trong khoảng thời gian sáu tháng.

Một nhóm các công ty niêm yết khác cũng đưa ra cảnh báo lợi nhuận.

Chỉ số Dow đã giảm hơn 2.000 điểm - gần 10% - vào buổi chiều nhưng đã phục hồi một chút vào cuối phiên và đóng cửa với mức giảm 6,3%.

Sau khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Stephen Mnuchin cho biết các bộ phận của nền kinh tế Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động để "tiêu diệt" virus, các chỉ số đã giảm xuống dưới mức ghi nhận trước khi tổng thống Trump nhậm chức.

Các nhà phân tích từ Tập đoàn London Capital cho rằng "mức độ nghiêm trọng của đại dịch đang lớn hơn hy vọng kích thích kinh tế".

Một loạt các thị trường khác cũng trong tình trạng hỗn loạn.

Dầu thô Brent được giao dịch ở mức giá thấp nhất trong 16 năm là 26 đô la một thùng.

Nhưng đồng bảng Anh đã trải qua một khoảng thời gian đặc biệt khó khăn - giảm 2,5% so với đồng euro và hơn 4% so với đồng đô la Mỹ, có nghĩa là một bảng Anh tương đương 1,07 € và 1,15 đô la.

Neil Wilson của trang markets.com cho biết sự suy giảm của đồng bảng Anh hiện tại là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1985.

Ông nói thêm: "Đây là thời kỳ đồng bảng mất giá kéo dài tồi tệ nhất mà tôi có thể nhớ, và nó cho thấy một cuộc khủng hoảng thanh khoản đồng đô la nghiêm trọng mà ngân hàng trung ương vẫn chưa nắm bắt được. "

Giám đốc đầu tư của AJ Bell, ông Russ Mold cho biết: "Cuối cùng, không có khoản tiền hay biện pháp giảm thiểu tác động kinh tế nào có thể cho các nhà đầu tư biết những gì họ muốn biết ngay bây giờ, đó là khi nào thì cuộc sống hàng ngày mới trở lại bình thường (hoặc thậm chí là một trạng thái bình thường mới). "

Ngày càng nhiều nhà máy trên khắp châu Âu và Mỹ phải đóng cửa - theo sau tình trạng ở Trung Quốc hồi đầu năm khi nước này đối phó với những dấu hiệu lây lan đầu tiên của coronavirus.

Nền kinh tế toàn cầu, theo nhiều nhà kinh tế, gần như chắc chắn đang suy thoái do quy mô của dịch bệnh.

Quyết định đóng cửa các trường học của Anh từ tối thứ Sáu, ngoại trừ con cái của những người lao động quan trọng trong lĩnh vực hành chính và những người được coi là dễ bị tổn thương, sẽ gây áp lực lớn hơn cho nền kinh tế vì cha mẹ bị buộc phải rời bỏ công việc để coi sóc con nhỏ.

Matthew Fell, giám đốc chính sách UK của CBI, nói: "Các doanh nghiệp sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp nhân viên của họ trong những thời điểm đặc biệt này.

"Các công ty sẽ nỗ lực hết sức để cung cấp thời gian làm việc linh hoạt, nhưng nhiều phụ huynh đơn giản sẽ không thể làm công việc của họ và chăm sóc con cái cùng một lúc.

"Khi rất nhiều doanh nghiệp đang vật lộn với dòng tiền, chính phủ sẽ cần phải khẩn trương can thiệp với những động thái hỗ trợ bổ sung cho các nhân viên không thể làm việc vì trường học đóng cửa."

VietHome (Theo Sky News)