• khai gian tuoi 1
    Faisal* (16 tuổi) được sắp xếp ở chung với những người trưởng thành. Ảnh: Refugee Council

    Cháu bước về phòng ngủ và trong phòng có một người đàn ông lớn hơn cháu rất nhiều tuổi. Cháu không biết tuổi thật của chú ấy và cả hai không nói chung ngôn ngữ. Chú ấy là người lạ, nhưng cháu và chú ấy không còn lựa chọn nào khác là sống chung với nhau. 

    Bởi vì cháu đang sống tại nơi dành cho người xin tị nạn và Bộ Nội Vụ tin rằng cháu đã 26 tuổi... nhưng thật tế cháu chỉ mới 16 tuổi và không nên ở chung với người lớn. 

    Đôi khi cháu cảm thấy quá lo lắng về hoàn cảnh của mình, cháu chỉ biết chui vào chăn mà khóc. Cháu nhớ mẹ, chưa bao giờ cháu cảm thấy bơ vơ, không nơi nương tựa như thế này.

    Cháu đến từ Eritrea, Đông Phi, cuộc sống của cháu từng rất đơn giản. Cháu chơi với bạn bè và đến trường, cháu từng có một tuổi thơ bình thường. 

    Nhưng đến khi được 14 tuổi, cháu bắt đầu nhận ra những người lớn xung quanh cháu phải vào quân ngũ để chiến đấu. Một số người bị thương thậm chí bị giết, một số khác bị đưa đến các trại tập trung. 

    Bởi vì đang có chiến tranh diễn ra ở Tigray, gần nơi cháu sống, khiến cuộc sống của gia đình cháu rơi vào cảnh nguy hiểm. Người dân không được bầu cử và không có tự do, trẻ em có thể bị buộc phải tham chiến ngay cả trước khi học xong trung học. Những người không chịu đi lính sẽ bị bỏ tù. 

    Cháu nhận ra mình phải tìm kiếm một nơi an toàn nếu muốn một tương lai tốt hơn. Cháu không muốn rời xa bạn bè và gia đình, đặc biệt là mẹ của cháu.

    Giống như những thanh niên khác, cháu không có giấy tờ tùy thân nên cháu lén lút ra đi, trốn tránh sự kiểm soát của chính quyền. Có lúc cháu đi bộ, đôi khi chui xe tải, cháu đã vượt qua biên giới Sudan, rồi tới Libya và đến Pháp bằng thuyền. 

    Phải mất 1 năm để đến được Pháp. Cháu may mắn gặp được những người muốn giúp cháu vì cháu vẫn chỉ là một đứa trẻ. Họ cho cháu thức ăn và giúp cháu vượt biển.

    Sau khi băng qua đất liền, cháu tới Dunkirk, rồi lên xuồng băng qua eo biển đáng sợ đến Anh. Ở trên xuồng, người cháu ướt sũng và có mùi xăng nồng nặc. Cháu tưởng tất cả mọi người rồi sẽ chết. 

    Nhưng khi đến được Dover, cháu vô cùng mừng rỡ, vì cháu vừa thoát khỏi tử thần. Nhưng lúc này cháu đã kiệt sức, cháu rất mệt và dường như bất tỉnh sau những gì mình đã trải qua. 

    Sau khi đặt chân đến UK, cảnh sát đưa cháu tới chỗ nhân viên Bộ Nội Vụ để phỏng vấn. Lúc này họ hỏi tuổi của cháu, cháu nói sự thật, rằng cháu 16 tuổi. 

    Vậy là họ xếp cháu vào chung nhóm với những người nhỏ tuổi, những gương mặt mà cháu đã nhìn thấy khi ngồi trên xuồng. Họ đeo cho cháu một vòng tay để đánh dấu rằng cháu dưới 18 tuổi. 

    khai gian tuoi 1
    Cháu căng thẳng về số tuổi sai mà họ gán cho cháu. Ảnh: Refugee Council

    Rồi họ gọi chúng cháu vào phỏng vấn từng người một. Nhưng khi phỏng vấn cháu, họ không cho cháu người phiên dịch tiếng Tigrinya. Họ nói là không có phiên dịch tiếng này.

    Cháu nói rằng cháu biết tiếng Ả-rập, nhưng người phiên dịch mà họ cử tới lại không nói cùng phương ngữ với cháu, nên cháu không hiểu. 

    Cháu không nhớ rõ cụ thể các câu mà hỏi cháu, nhưng cháu rất mệt sau một hành trình dài và ngôn ngữ được truyền đạt không rõ ràng. 

    Sau khi phỏng vấn, họ cắt sợi dây trên tay cháu và đưa cháu một tờ giấy ghi cháu trên 20 tuổi. Họ ghi là cháu đã 26 tuổi. Cháu không biết vì sao họ lại chọn con số này mà họ cũng không giải thích với cháu.

    Họ cho cháu số điện thoại của một tổ chức từ thiện tên Migrant Help, rồi người phiên dịch nói với cháu: "Anh sẽ bị chuyển đi và chúng tôi sẽ xem xét trường hợp của anh ở đó".

    Cháu đã rất sốc. Làm sao họ có thể nói vậy? Mọi chuyện diễn ra quá nhanh cháu không kịp thuyết phục họ là cháu mới 16 tuổi. 

    Rồi sau đó cháu được đưa tới một khách sạn ở South Yorkshire. Khi mở cửa phòng, cháu nhìn thấy một người đàn ông đã có mặt ở đó. Cháu nói với họ là cháu không thể ở chung phòng với một người trưởng thành. 

    Vậy là họ cho cháu ở phòng riêng và giải pháp này có vẻ tốt trong vài tuần đầu. Nhưng những tuần đầu vẫn rất đáng sợ vì khách sạn rất đông đúc, chẳng có gì để làm và chẳng ai giúp cháu. 

    Sau đó họ lại đưa một người lớn vào ở chung phòng với cháu. Khách sạn toàn người lớn, ai cũng hút thuốc, sống với họ khiến cháu rất căng thẳng. 

    Hội đồng Tị nạn (Refugee Council) đã đến khách sạn của cháu. Và cháu nhờ họ giúp cháu lấy lại tuổi thật, họ bảo một luật sư sẽ giải quyết việc này. Nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển.

    Dĩ nhiên cháu nhớ gia đình, nhớ những gì cháu thường hay làm, bạn bè và mọi thứ ở Eritrea. Cháu lo lắng cho gia đình và những người cháu đã bỏ lại sau lưng. Thật khó để liên lạc với họ, chẳng biết họ có an toàn hay không.

    Những ngày này thật khó khăn, cháu ước mình được đi học và kết bạn. Cháu muốn tiếp tục việc học để cháu có thể học tiếng Anh. 

    Cháu căng thẳng với tình trạng sai tuổi của mình. Một số người bạn tị nạn mà cháu biết được công nhận đúng tuổi, vì vậy cháu rất buồn về chuyện này. 

    Bọn họ được đi học, được nhân viên xã hội giúp đỡ, được khám chữa bệnh...Họ được thông cảm còn cháu thì không. 

    Đã 4 tháng trôi qua cháu đã cố tìm kiếm trợ giúp pháp lý nhưng không được. Cháu muốn trở thành cầu thủ bóng đá, thợ cắt tóc hoặc kỹ sư công nghệ. Cháu hy vọng những bạn đến sau không bị ghi sai tuổi như cháu.

    * Tên nhân vật đã được thay đổi.

    Viethome (theo Metro)

  • kent noi o tre em xin ti nan 1

    Một nơi trước đây từng là trung tâm dành cho người bị mắc chứng khó đọc, sẽ được cải tạo thành nơi ở dành cho trẻ em xin tị nạn không có người thân đi cùng.

    Mới đây Hội đồng Kent đã gửi thư đến người dân địa phương để thông báo về kế hoạch chuyển đổi tòa nhà Braethorpe ở Ashford thành nơi ở cho trẻ em xin tị nạn. 

    Hiện tại tòa nhà này có lực lượng an ninh 24/7, hàng rào mới đã được dựng lên xung quanh. Khu đất nằm trên đường A28 Canterbury Road, tại giao lộ với đường Simone Weil Avenue. 

    Trước đây tòa nhà được sử dụng làm Trung tâm dành cho người mắc chứng Khó Đọc, nhưng sau đó trung tâm này đã dời tới khu thương mại Park Mall. 

    Nơi đây sẽ có 10 phòng ngủ dành cho trẻ dưới 16 tuổi, trước khi các em được chuyển tới những địa phương khác theo chính sách "National Transfer Scheme". 

    Hồi tháng 7, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết yêu cầu Kent phải tổ chức sắp xếp nơi ở cho trẻ em xin tị nạn cập bến UK.  Hiện tại, Hội đồng Kent vẫn đang xin ngân sách từ chính phủ trung ương, và họ muốn cập nhật sớm để người dân địa phương nắm bắt tình hình. 

    kent noi o tre em xin ti nan 1
    Braethorpe sẽ trở thành mái nhà tạm thời cho trẻ em xin tị nạn.

    Hiện tại tòa nhà vẫn đang được sửa chữa và những trẻ em đầu tiên sẽ được đưa đến đây vào cuối mùa xuân. Braethorpe được chọn vì nó đáp ứng các tiêu chuẩn của Ofsted về nhà dành cho trẻ em. 

    Ở đây, trẻ em sẽ được tạo điều kiện để phát triển kĩ năng, giúp các em nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Nhân viên hội đồng sẽ túc trực ở đây, nhân viên an ninh có mặt 24/7. 

    Hình thức quản lý ở Braethorpe sẽ giống như 2 trung tâm khác ở Kent. Một trung tâm tọa lạc tại một khu dân cư giống như Braethorpe, gần với các trường học và cộng đồng địa phương. 

    Từ tháng 11/2022, Bộ Nội Vụ đã sử dụng khách sạn Holiday Inn trên đường Canterbury Road để làm chỗ ở cho người xin tị nạn. 

    kent noi o tre em xin ti nan 1
    Braethorpe nằm trên đường A28 Canterbury Road.

    Viethome (theo KentOnline)

  • Trẻ em xin tị nạn đang phải ở chung phòng với những người đàn ông trưởng thành. Các em không được đi học, không được chính quyền địa phương hỗ trợ. 

    "Ngăn chặn thuyền nhỏ" là câu khẩu hiệu được dán trên bục phát biểu tại Phủ Thủ tướng và được ông nhắc lại ngày đêm. Nhưng ít khi chúng ta được nghe câu chuyện của những người trên thuyền, những người đã liều mạng giữa cái lạnh thấu tim để đến nước Anh. 

    Một phóng viên của ITV đã có dịp trò chuyện với 4 trẻ em đến từ Sudan, Eritrea và Afghanistan. Tất cả đều nói rằng họ đã bị Lực lượng Biên phòng kết luận sai về tuổi tác. 

    Các cậu bé kể với ITV về những chuyện đã xảy đến với họ khi cập bến Dover. "Họ kiểm tra lông trên mặt cháu và nói "không, anh không giống trẻ 17 tuổi". Họ nói cháu trông giống người 26 tuổi hoặc hơn. Cháu đã bảo không đúng", cậu bé tên Akhmadzia đến từ Afghanistan cho biết. 

    "Cháu nói với họ là cháu có ID và cháu có thể lấy nó từ đất nước của cháu nhưng họ không tin và họ cứ viết bừa một con số nào đó, và cháu phải chấp nhận đó là tuổi của cháu". 

    Một cậu bé khác tên Adam cũng gặp tình cảnh tương tự ở Dover. "Họ hỏi tuổi cháu. Cháu nói cháu 15 tuổi nhưng họ không tin". Adam đã cho phóng viên xem ID của cậu, trong đó năm sinh ghi là 2008. "Thế nhưng họ viết tuổi của cháu là 35 và cháu đã rất sốc. Cháu mới có 15 tuổi, sao họ lại nói cháu 35 tuổi?".

    22uk lords vtjz superJumbo
    Một chiếc xuồng tị nạn vượt eo biển Anh.

    Kết quả là những cậu bé này bị sắp xếp ở chung với người lớn, không được đi học và không được chính quyền địa phương hỗ trợ. Hội đồng người Tị nạn (Refugee Council) cho biết vấn đề này xảy ra với hàng trăm trẻ em xin tị nạn ở Vương quốc Anh. Từ năm 2022 đến tháng 6/2023, có khoảng 1,300 trẻ em bị Bộ Nội phán xét sai là người lớn. 

    Các cậu bé cho biết tuổi của họ được kết luận thông qua kiểm tra sơ sài ngay tại biên giới. 

    Mohammed đã chạy trốn cuộc nội chiến ở Sudan để đến Anh. Cậu từng có một cuộc sống tươi đẹp ở đó trước khi chiến tranh lấy đi tất cả. Khi đến UK, Lực lượng Biên phòng đã không tìm được người thông thạo phiên dịch cho cậu.

    Mohammed nói cậu 17 tuổi, người phiên dịch nói tiếng Ả-rập nhưng giọng của người này Mohammed nghe không hiểu. "Cháu nói tiếng Ả-rập Sudan nên nghe không hiểu câu hỏi. Rồi họ tự kết luận là cháu 22 tuổi. Dù cháu phản đối nhưng họ không quan tâm. Họ nói đó là tuổi của cháu và thế là xong". 

    Đại diện của Bộ Nội Vụ giải thích rằng: "Kiểm tra tuổi là việc rất khó và chúng tôi phải áp dụng nhiều phương pháp để đánh giá tuổi của một người. Nhiều người nói họ là trẻ em nhưng lại không có bằng chứng, chẳng hạn hộ chiếu gốc hay chứng minh thư... Hiện tại Bộ Nội Vụ đang thắt chặt quy trình kiểm tra tuổi, bao gồm áp dụng phương pháp khoa học". 

    Faisal là một cậu bé 16 tuổi đã chạy trốn khỏi Eritrea, nhưng Bộ Nội Vụ kết luận rằng cậu 23 tuổi. "Khách sạn toàn người lớn. Ai cũng hút thuốc lá, mùi rất nồng nặc cả trong và ngoài phòng. Cháu cảm thấy muốn ốm ở đó", Faisal nói. Cậu không chịu được mùi thuốc lá, giống như mọi trẻ em khác. Một ngày của cậu trôi qua chán chường vô định. 

    "Lúc ở Eritrea cuộc sống thật sự rất khó khăn. Cháu đi học và bận rộn 4-5 ngày mỗi tuần, nhưng cháu được gặp bạn bè và một ngày của cháu có nhiều việc để làm. Vì thế việc họ kết luận nhầm tuổi của cháu, khiến cháu không có bạn, cháu không được đi học, điều này khiến cháu trầm cảm nặng. Cháu muốn học tiếng Anh. Cháu nhìn thấy những bạn bằng tuổi đến trường và luôn tự hỏi vì sao mình không được đi học", Faisal nói. 

    Những cậu bé này không có việc gì để làm cả ngày. Sự chán chường khiến các em phát điên, tương lai hoàn toàn biến mất. "Đã 3 tháng trôi qua, chẳng có gì cả. Cháu đã mất 3 tháng chờ đợi. Ước gì cháu được học trong 3 tháng đó, có thể cháu đã làm được điều gì đó", Faisal nói. 

    Hội đồng Người tị nạn muốn chính phủ thành lập một cơ quan riêng để đánh giá tuổi của người xin tị nạn. Họ nói rằng nhìn bằng mắt thường là không đủ để kết luận, các biện pháp khoa học hiện tại cũng không có hiệu quả. 

    Những cậu bé này đều có những đặc điểm của trẻ em, chẳng hạn Faisal thích vẽ nguệch ngoạc lên tay trong suốt cuộc nói chuyện. Các em cũng thích chơi trò rắn leo thang. Các em đã mất hầu hết tuổi thơ, nay Bộ Nội Vụ lại cướp mất tương lai của các em. 

    *Tên của các nhân vật trong bài đã được thay đổi để bảo vệ quyền trẻ em.

    Viethome (theo ITV News)