Hơn 1,300 trẻ em xin tị nạn bị phán quyết nhầm là người lớn

Trẻ em xin tị nạn đang phải ở chung phòng với những người đàn ông trưởng thành. Các em không được đi học, không được chính quyền địa phương hỗ trợ. 

"Ngăn chặn thuyền nhỏ" là câu khẩu hiệu được dán trên bục phát biểu tại Phủ Thủ tướng và được ông nhắc lại ngày đêm. Nhưng ít khi chúng ta được nghe câu chuyện của những người trên thuyền, những người đã liều mạng giữa cái lạnh thấu tim để đến nước Anh. 

Một phóng viên của ITV đã có dịp trò chuyện với 4 trẻ em đến từ Sudan, Eritrea và Afghanistan. Tất cả đều nói rằng họ đã bị Lực lượng Biên phòng kết luận sai về tuổi tác. 

Các cậu bé kể với ITV về những chuyện đã xảy đến với họ khi cập bến Dover. "Họ kiểm tra lông trên mặt cháu và nói "không, anh không giống trẻ 17 tuổi". Họ nói cháu trông giống người 26 tuổi hoặc hơn. Cháu đã bảo không đúng", cậu bé tên Akhmadzia đến từ Afghanistan cho biết. 

"Cháu nói với họ là cháu có ID và cháu có thể lấy nó từ đất nước của cháu nhưng họ không tin và họ cứ viết bừa một con số nào đó, và cháu phải chấp nhận đó là tuổi của cháu". 

Một cậu bé khác tên Adam cũng gặp tình cảnh tương tự ở Dover. "Họ hỏi tuổi cháu. Cháu nói cháu 15 tuổi nhưng họ không tin". Adam đã cho phóng viên xem ID của cậu, trong đó năm sinh ghi là 2008. "Thế nhưng họ viết tuổi của cháu là 35 và cháu đã rất sốc. Cháu mới có 15 tuổi, sao họ lại nói cháu 35 tuổi?".

22uk lords vtjz superJumbo
Một chiếc xuồng tị nạn vượt eo biển Anh.

Kết quả là những cậu bé này bị sắp xếp ở chung với người lớn, không được đi học và không được chính quyền địa phương hỗ trợ. Hội đồng người Tị nạn (Refugee Council) cho biết vấn đề này xảy ra với hàng trăm trẻ em xin tị nạn ở Vương quốc Anh. Từ năm 2022 đến tháng 6/2023, có khoảng 1,300 trẻ em bị Bộ Nội phán xét sai là người lớn. 

Các cậu bé cho biết tuổi của họ được kết luận thông qua kiểm tra sơ sài ngay tại biên giới. 

Mohammed đã chạy trốn cuộc nội chiến ở Sudan để đến Anh. Cậu từng có một cuộc sống tươi đẹp ở đó trước khi chiến tranh lấy đi tất cả. Khi đến UK, Lực lượng Biên phòng đã không tìm được người thông thạo phiên dịch cho cậu.

Mohammed nói cậu 17 tuổi, người phiên dịch nói tiếng Ả-rập nhưng giọng của người này Mohammed nghe không hiểu. "Cháu nói tiếng Ả-rập Sudan nên nghe không hiểu câu hỏi. Rồi họ tự kết luận là cháu 22 tuổi. Dù cháu phản đối nhưng họ không quan tâm. Họ nói đó là tuổi của cháu và thế là xong". 

Đại diện của Bộ Nội Vụ giải thích rằng: "Kiểm tra tuổi là việc rất khó và chúng tôi phải áp dụng nhiều phương pháp để đánh giá tuổi của một người. Nhiều người nói họ là trẻ em nhưng lại không có bằng chứng, chẳng hạn hộ chiếu gốc hay chứng minh thư... Hiện tại Bộ Nội Vụ đang thắt chặt quy trình kiểm tra tuổi, bao gồm áp dụng phương pháp khoa học". 

Faisal là một cậu bé 16 tuổi đã chạy trốn khỏi Eritrea, nhưng Bộ Nội Vụ kết luận rằng cậu 23 tuổi. "Khách sạn toàn người lớn. Ai cũng hút thuốc lá, mùi rất nồng nặc cả trong và ngoài phòng. Cháu cảm thấy muốn ốm ở đó", Faisal nói. Cậu không chịu được mùi thuốc lá, giống như mọi trẻ em khác. Một ngày của cậu trôi qua chán chường vô định. 

"Lúc ở Eritrea cuộc sống thật sự rất khó khăn. Cháu đi học và bận rộn 4-5 ngày mỗi tuần, nhưng cháu được gặp bạn bè và một ngày của cháu có nhiều việc để làm. Vì thế việc họ kết luận nhầm tuổi của cháu, khiến cháu không có bạn, cháu không được đi học, điều này khiến cháu trầm cảm nặng. Cháu muốn học tiếng Anh. Cháu nhìn thấy những bạn bằng tuổi đến trường và luôn tự hỏi vì sao mình không được đi học", Faisal nói. 

Những cậu bé này không có việc gì để làm cả ngày. Sự chán chường khiến các em phát điên, tương lai hoàn toàn biến mất. "Đã 3 tháng trôi qua, chẳng có gì cả. Cháu đã mất 3 tháng chờ đợi. Ước gì cháu được học trong 3 tháng đó, có thể cháu đã làm được điều gì đó", Faisal nói. 

Hội đồng Người tị nạn muốn chính phủ thành lập một cơ quan riêng để đánh giá tuổi của người xin tị nạn. Họ nói rằng nhìn bằng mắt thường là không đủ để kết luận, các biện pháp khoa học hiện tại cũng không có hiệu quả. 

Những cậu bé này đều có những đặc điểm của trẻ em, chẳng hạn Faisal thích vẽ nguệch ngoạc lên tay trong suốt cuộc nói chuyện. Các em cũng thích chơi trò rắn leo thang. Các em đã mất hầu hết tuổi thơ, nay Bộ Nội Vụ lại cướp mất tương lai của các em. 

*Tên của các nhân vật trong bài đã được thay đổi để bảo vệ quyền trẻ em.

Viethome (theo ITV News)