• Tôi bắt đầu đi sàn nhảy, đi bar. Đối với những người bạn tôi, chuyện này bình thường như bao trò vui khác. Nhưng đối với tôi đó là một chuyện trọng đại của cuộc đời. 

    Tôi sang Anh theo học khóa đào tạo đại học tại một trường tư thục ở một thị trấn nhỏ phía nam nước Anh tên là Lewis. Cuộc sống ban đầu thật khó khăn và tưởng chừng không thể vượt qua được. Mười bảy năm sống trong vòng tay cha mẹ, mọi thứ từ cơm ăn, giặt giũ, dọn dẹp đến cả soạn sách vở trước khi đi học cũng chẳng phải động tay vào vậy mà thoáng chốc mọi thứ thay đổi. Dường như quá khó khăn đối với một con người mà 17 năm nay chỉ biết đi học về nhà, ăn rồi ngủ.

    cau am du hoc anh
    Ảnh minh họa

    Thị trấn tôi ở thực sự rất nhỏ. Nếu bạn muốn đi hết thị trấn cũng chỉ mất khoảng 15 phút đi bộ, và cũng chỉ có một tuyến xe buýt duy nhất trong thị trấn. Ngày đầu đến trường tôi phải cố gắng rất nhiều mới có thể diễn đạt và hiểu được những gì những người ở trường nói. Cả tuần chẳng có việc gì ngoài việc đi đến trường rồi đi về nhà. Khác hẳn với cuộc sống nhộn nhịp, ồn ã ở Việt Nam. Và còn nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, bạn bè lúc nào cũng thường trực không nguôi.

    Tôi hoang mang không tìm ra lối thoát. Sau khi sang Anh được 2 tuần tôi quay về Việt Nam. Gặp lại bố mẹ, gặp lại người thân, bạn bè tôi không thể tránh khỏi những ánh mắt thất vọng của mọi người. Chỉ duy nhất có một người an ủi và động viên tôi đó là mẹ. Mẹ cũng hiểu và thông cảm cho cảm xúc của tôi . Mẹ khuyên tôi ở lại và mẹ sẽ xin cho tôi vào học lại ở một trường cấp ba tốt trong thành phố. Nhưng dường như tôi không thể chịu được ánh mắt tràn trề thất vọng của bố và những người đã đặt hết niềm tin và hy vọng nơi tôi.

    Vậy là tôi quyết định quay lại Anh, nhưng lần này tôi chuyển trường lên London với hy vọng cuộc sống ồn ã ở đây có thể làm tôi nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà của một cậu ấm như tôi. Vậy là lại một lần nữa bố mẹ đưa tôi ra sân bay với một hy vọng con trai mình sẽ vượt qua được những khó khăn đầu đời.

    London, thủ đô cổ kính với những toà nhà cổ, những cây cầu nổi tiếng và một nét đặc trưng nữa đó là những chiếc xe buýt hai tầng đỏ chạy dọc ngang. Nơi đây tập trung đủ tất cả màu da từ tất cả những quốc gia trên thế giới. Tôi, một chàng trai 17 tuổi với một gánh hy vọng của tất cả mọi thành viên trong gia đình, lạ lẫm với nền văn hoá phương tây, lạ lẫm với cách sinh hoạt, những món ăn và trên hết đó là không thể giao tiếp bởi vốn ngoại ngữ ít ỏi của mình. Sau tất cả cố gắng tôi cũng nhập được học và bắt đầu khóa học ngoại ngữ của mình.

    Ngày đầu tiên đến lớp, một cảm giác kỳ lạ trong tôi. Một tập thể với tất cả những màu da, sắc tộc đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi bỡ ngỡ, ngơ ngác nhưng thật may mắn trong lớp tiếng Anh đó có đến 4 người Việt Nam như tôi. Đó là một cảm xúc thật khó tả nhưng cũng chính là một cái bẫy chết người cho những ai muốn học tiếng Anh.

    Suốt cả khoá học tôi chẳng nói chuyện với bất cứ một người nước ngoài nào, mọi vấn đề khó khăn tôi đều dùng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình để trao đổi với những người bạn Việt Nam của mình. Sau cả một khoá học tôi nhận thấy trình độ ngoại ngữ của mình vẫn dậm chân tại chỗ. Buồn, chán nản tôi lại hoang mang không biết phải làm thế nào.

    Qua một vài người bạn, tôi quen được vài du học sinh đã sống ở đây vài năm rồi. Tôi đến nhà họ chơi. Một cảm giác thật khác với ngôi nhà mà tôi đang sống. Tôi sống một mình và hàng ngày chỉ có việc duy nhất và lặp đi lặp lại đó là đi học về, đi mua đồ ăn, tối về học rồi lên mạng tìm kiếm những người bạn nói tiếng Việt như tôi. Nhưng ở đây là một cuộc sống hoàn toàn khác. 5 sinh viên Việt Nam sống cùng nhau trong một căn nhà tràn ngập tiếng cười và những cuộc chơi mà tôi chưa bao giờ được tham gia trước đó. Tôi nhanh chóng hoà nhập với mọi người và sau khi được một lời đề nghị tôi đã chuyển đến đó và bắt đầu một cuộc sống mới của mình. Tôi nói một cuộc sống mới bởi vì tôi đã thay đổi hoàn toàn con người và cách sống của mình.

    Tôi hoà nhập rất nhanh, buổi tối thay vì học bài tôi ngồi đánh bài, xem phim hoặc chơi điện tử đến sáng. Tôi cảm thấy thực sự thoải mái với cuộc sống này. Những người bạn của tôi đều lớn hơn tôi vài tuổi. Hầu hết trong số họ đều là du học sinh đến với Anh quốc như một đất nước thứ hai, người thì từng học ở Mỹ, người đã từng học ở Singapore, người thì học ở Trung Quốc. Họ xuất thân từ những gia đình giàu có trên khắp mọi miền của dải đất hình chữ S thân yêu. Họ có xe hơi để đi lại và họ sống như một gia đình đoàn kết ở xứ sở sương mù này. Họ chơi cùng nhau, ăn uống cùng nhau. Nhưng không ai trong số họ nghĩ đến việc hoàn thành khoá học và quay trở về đất nước thân yêu của mình. Có những người đáng ra đã hoàn thành khoá học nhưng họ hiện vẫn dậm chân tại mức độ học ngoại ngữ. Nhưng tôi lại cảm thấy thoải mái khi có một cuộc sống như vậy.

    Thời gian trôi qua thật nhanh, những buổi đi học của tôi ít dần. Cuộc sống của tôi trôi qua thật vô nghĩa, ngày nào cũng như ngày nào. Tôi thức đêm, sáng mới bắt đầu đi ngủ, rồi đến chiều dậy nấu cơm, đến tối thì tụ tập xem phim, đánh bài nhậu nhẹt. Cánh cửa giao tiếp với những văn hoá những kiến thức dần dần thu hẹp lại với tôi. Tôi chìm đắm trong những cuộc vui vô nghĩa.

    Tôi bắt đầu cùng những người bạn đi sàn nhảy, đi bar. Đối với họ thực sự chuyện này hết sức bình thường và cũng như bao trò vui khác. Nhưng đối với tôi đó là một chuyện trọng đại của cuộc đời. Tôi đã đọc đã biết rất nhiều những câu chuyện nói về cuộc sống ở cái nơi mà khói thuốc, mùi rượu mạnh, mùi nước hoa và những ánh đèn quyện vào nhau đó. Tôi biết đó là một nơi mà mình không nên bước chân vào. Có bao nhiêu là cạm bẫy, bao nhiêu là trò vui giết người đang rình rập. Nhưng tôi tin vào bản thân và cũng tò mò muốn biết đó là thế giới như thế nào. Và thực sự có rất nhiều điều mà tôi chưa biết và thực sự chưa từng nghĩ đến.

    Tôi cùng những người bạn đến một sàn nhảy do người Việt mở, có thể nói đó là một sàn nhảy nổi tiếng trong giới người Việt ở London. Đúng như những gì tôi được biết trước đó mùi khói thuốc, mùi rượu, mùi nước hoa đắt tiền và hơn hết đó là tiếng nhạc chát chúa đập mạnh vào tai tưởng chừng không chịu nổi. Điều đầu tiên ấn tượng trong tôi đó là tất cả mọi người có mặt ở đây đều là người Viiệt, trừ những nhân viên phục vụ và bảo vệ. Tất cả mọi thành phần, tất cả mọi lứa tuổi đều có thể tìm thấy ở đây, du học sinh có, người lao động có, những đứa trẻ gốc Việt sinh ra va lớn lên tại Anh. Tất cả bọn họ tập trung chơi bời, nhảy nhót tạo thành một bức tranh thật ấn tượng trong mắt tôi.

    Tôi giật mình trở về với tiếng nhạc chát chúa bởi cái vỗ vai của một người bạn hỏi tôi uống gì. Tôi không biết uống rượu, không biết hút thuốc và thực sự cũng không muốn thử những thứ đấy. Vậy nên tôi nói tôi muốn uống Coca. Bạn tôi quay lại nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng rồi dí cho tôi một cốc Vodka Coke (rượu pha với Coca). Tôi cầm cốc rượu giả vờ uống rồi vội vàng nhổ ra ngoài. Tôi phải tỉnh táo để có thể làm chủ được bản thân ở cái nơi mà cạm bẫy đầy rẫy này.

    Một lúc sau chúng tôi xuống sàn nhảy. Cả nhóm người Việt quây cụm lại, họ chuyền tay nhau điếu thuốc và sau này tôi biết đấy là cỏ (tài mà). Phải khó khăn lắm tôi mới có thể từ chối không phải đưa cái thứ đấy lên mồm. Được một lúc mọi người lại phân phát cho nhau một viên gì đó nhỏ nhỏ và qua kiến thức của tôi thì đó đích thị là thuốc lắc. Và đó là lần đầu tiên trong đời tôi được cầm cái thứ đó. Mọi người cùng bỏ cái thứ đó vào mồm rồi nuốt chửng. Tôi cũng vậy nhưng tôi bỏ thứ đó vào mồm rồi dùng lưỡi quấn chặt nó vào cái bã kẹo cao su tôi đang nhai rồi từ từ nhổ ra ngoài. Không ai phát hiện việc làm đó của tôi. Tôi nhảy cùng mọi người nhưng không quên để ý những biểu hiện của những người bạn của tôi. Họ bắt đầu thay đổi. Họ nhảy hăng hơn, mắt họ nhíu lại lờ đờ như nhưng con nghiện mà tôi đã được thấy trên TV. Tôi sợ, một cảm giác ớn lạnh ở sống lưng. Tôi đã và đang ở bên cạnh những cạm bẫy của cuộc đời.

    Tôi tự nhủ bản thân mình phải rất tỉnh táo và có thể tránh được những cạm bẫy chết người đấy. Sau 7 tiếng nhảy nhót, lắc lư theo tiếng nhạc chúng tôi ra về. Một số người bạn của tôi những người mà vừa "cắn" thuốc và chưa hết tác dụng thì ở lại tiếp tục tham gia ca 2 (từ 6h sáng đến 10h sáng).

    Tôi về nhà nằm suy ngẫm lại tất cả những thứ mà mình vừa tận mắt chứng kiến. Những thứ mà tôi chưa bao giờ hình dung ra. Thật sự rất kỳ lạ. Trí tò mò tiếp tục dẫn dắt tôi vào đó thêm nhiều lần nữa. Và vẫn như thế tôi dùng cách đó để tránh phải đưa cái viên thuốc nhỏ nhỏ đó vào dạ dầy của mình. Tôi không muốn thử cái cảm giác mà tôi đã nhìn thấy trên khuôn mặt những người bạn tôi. Tôi biết thêm được một loại thuốc nữa rất được ưa chuộng trong sàn, đó là "ke" một loại bột màu trắng như là bột phấn. Mọi người hít vào và sau đó sẽ có cảm giác bay bổng, ảo giác.

    Nếu có thể nói về cuộc sống ở đây bằng hai từ thì từ duy nhất có thể diễn tả được toàn bộ điều đó là "thác loạn". Tôi quen biết thêm được nhiều người. Đó là những du học sinh như tôi nhưng có lẽ họ khác tôi và bạn tôi ở một điều: họ vẫn đi học. Rồi đến những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đây. Chúng thực sự có cách sống và cách nói chuyện khác hoàn toàn với những gì tôi tưởng tượng. Chúng mặc đồ giống như những người da đen thực sự: quần tụt, áo rộng thùng thình, quấn khăn, đội mũ hoặc có những kiểu tóc chẳng giống ai. Hầu hết đều dưới mười tám tuổi nhưng chúng có những ID (giấy tờ để chứng minh độ tuổi) giả để có thể vào được đây.

    Chúng nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh và với giọng điệu da đen không thể nhầm lẫn vào đâu được. Hầu hết trong số chúng có thể nói được một chút tiếng Việt. Nhưng rất ít trong số đó có thể hiểu được tiếng Việt. Chúng thật sự lột xác khi vào đây. Con gái thì trang điểm loà loẹt, quần áo ngổ ngáo. Con trai thì tóc tai chải chuốt, nước hoa thơm phức. Ít ai ngờ rằng chúng vẫn chỉ là những học sinh 16 - 17 tuổi.

    Sau những cuộc vui như vậy chúng vẫn đến trường và có thể vẫn là con ngoan trò giỏi trong mắt cha me những người mà hàng ngày hàng giờ phải vật lộn kiếm sống nơi đất khách quê người .

    Theo VnExpress / tác giả: ĐHV

  • Mai An (nam, 24 tuổi) giành học bổng du học tại Vương quốc Anh từ thời THPT. Em cho biết, đã gặp nhiều cú sốc về giới tính khi một mình ăn học ở trời Tây, đầu tiên là vô tình trọ cùng 2 chủ nhà đồng tính.

    “15 tuổi sang Anh du học, em được ở chung nhà với 2 ông chủ tính tình vui vẻ, thoải mái. Ban đầu, em nghĩ đơn giản họ là bạn thân, già cả neo đơn nên về ở với nhau cho vui. Tuy nhiên, sau một lần mượn máy tính để tải một số file tài liệu do laptop bị hỏng, em tình cờ nhìn thấy trong máy của chủ nhà có nhiều ảnh nude của các anh đẹp trai 6 múi.

    Mấy ngày sau em lâm vào cảm giác sợ hãi tột cùng, sợ bị h.iếp d.âm. Các cuộc nói chuyện của em với 2 người chủ ít dần đi và một vài tháng sau em tìm lý do để xin đổi nhà”, Mai An kể.

    Chàng trai cho biết, thuở đó em hoàn toàn mù mờ về vấn đề giáo dục giới tính do không được học trong các trường ở Việt Nam, gia đình cũng ít đề cập. Cũng như nhiều bạn trẻ được giáo dục trong gia đình truyền thống và nề nếp khác, em nhìn nhận việc xem phim, tranh ảnh khiêu dâm như một thứ đồi bại và có cái nhìn không đúng đắn về người đồng tính.

    td thoang o Anh quoc 2

    Với hơn 3 năm du học Mỹ, Vũ Tâm (20 tuổi) cũng từng gặp cảnh trớ trêu khi cô bạn cùng phòng ký túc xá thường xuyên dẫn bạn trai về nhà. Ban đầu chưa biết chuyện, Tâm lo lắng vì nghe thấy tiếng kêu rên của bạn mình. Sau khi hiểu được nguyên nhân, em xấu hổ, bối rối, tìm cách trách mặt và đóng chặt cửa, đeo tai nghe mỗi lúc khách đến chơi nhà.

    “Từ một cô bé chưa một lần biết nắm tay bạn trai, được bố mẹ giáo dục nghiêm khắc, không yêu đương hay nhắc chuyện trai gái ở nhà, sau 2 tháng ở ký túc xá em đã trở thành điệp viên xem trộm bạn mình và lên mạng mày mò về vấn đề tình dục”, Tâm thú nhận.

    Bởi không được giáo dục về kỹ năng sống, kiến thức giới tính, tình dục an toàn trong các nhà trường, phụ huynh lại thường dè dặt đề cập nên không ít du học sinh Việt Nam với độ tuổi ngày càng trẻ ăn học ở nước ngoài, đã bị sa ngã. Hoàng Minh (19 tuổi) hiện học ở New York (Mỹ) là ví dụ.

    Sinh ra trong gia đình khá giả, bố làm cán bộ, do học kém, tính hay quậy phá nên Minh được gửi sang Mỹ với kỳ vọng của phụ huynh “con sẽ làm lại được cuộc đời”. Tại môi trường đặc biệt cởi mở với các buổi tiệc giao lưu giữa học sinh diễn ra thường xuyên, chuyện “One-night stand” (tình một đêm) không hiếm gặp sau các cuộc chơi bời nhậu nhẹt, Minh “như cá gặp nước”.

    Chuyện mua bao cao su để quan hệ tình dục an toàn với Minh, như không ít thanh niên Việt mới lớn khác, là điều gì đó rất vất vả và xấu hổ. Sau thời gian vui chơi quá độ, chàng du học sinh mệt mỏi nhận ra đã đến lúc phải tôn trọng chính mình.

    Việc thuê nhà ở nước ngoài thường rất tốn kém cộng với chuyện ở xa nhà thiếu thốn tình cảm nên theo Mai An, nhiều du học sinh khi tìm được người yêu đã nhanh chóng dọn vào chung sống cùng mà không nghĩ tới hậu quả.

    "Yêu là một chuyện, sống cùng lại là chuyện khác, các bạn nên cân nhắc kỹ. Phụ huynh dù ở xa cũng cần quản lý việc ăn ở của con em, tránh tình trạng sống thử quá sớm", chàng trai với nhiều năm kinh nghiệm du học ở Anh, hiện học ở Mỹ nói.

    Mai An cũng hy vọng các bạn trẻ Việt Nam được giáo dục về kỹ năng sống, giới tính, tình dục an toàn, bài bản từ sớm để có đủ kiến thức bảo vệ mình và ứng xử đúng đắn khi du học.

    Theo VnExpress

  • Chí Tú bất ngờ khi đi ngược đường, các cửa hàng không mở buổi tối và người Anh không lạnh lùng như lời đồn.

    Đỗ Chí Tú, sinh năm 1999, đang sống và học tập tại Anh, gặp nhiều bất ngờ sau khi ghé thăm 5 thành phố tại đất nước này gồm Bournemouth, Portsmouth, London, Southampton và Norwich.

    Hiện tại, chàng trai trẻ thường xuyên đăng video lên kênh TikTok cá nhân có 47.300 người theo dõi, ghi lại những cảm nhận bất ngờ khi khám phá nước Anh. Các video thu hút nhiều người xem như: Ở Anh buổi tối trời vẫn sáng, uống nước trực tiếp từ vòi, không có vòi xịt trong phòng vệ sinh... Chí Tú chia sẻ, càng khám phá nước Anh, anh càng thấy bất ngờ trước nhiều điều thú vị tại đây. Các video của Tú cũng khiến mọi người bất ngờ và muốn sang Anh du lịch.

    du hoc sinh viet o anh 1
    Tú check-in tại bảo tàng Sherlock Holmes tại London. Anh bất ngờ khi đây là một địa điểm có thật khi trước giờ nghĩ chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết. Ảnh: Chí Tú

    Làn đường ngược

    Tại Anh, vô lăng ôtô nằm ở bên phải, ngược với Việt Nam và nhiều nước khác. Chính vì vậy, làn đường tại xứ sở sương mù cũng ngược so với Việt Nam, khiến Tú phải mất thời gian để định hình và làm quen với việc di chuyển tại đây. "Trong một lần đặt taxi với bạn, mình đã mở nhầm cửa xe phía tài xế và khiến anh ta giật mình. Anh tài xế liền cười phá lên và bảo rằng nhiều du khách cũng bị nhầm giống mình nên không sao đâu", Tú kể lại.

    Đã du lịch tới nhiều thành phố, Tú vẫn chưa sửa được thói quen khi đi bộ phải đi sang làn bên trái. Đặc biệt, khi qua đường, anh luôn quen nhìn hướng xe theo thói quen ở Việt Nam. "Thói quen này tại Anh theo mình rất nguy hiểm do xe cộ ở đây luôn đi với tốc độ cao. Mình đã mấy lần 'thót tim' do không quen nhìn đường khi di chuyển tại đây", Tú cho biết.

    Các cửa hàng nghỉ sớm

    Là một người thích mua sắm, Tú rất bất ngờ khi ngoài thủ đô London, các cửa hàng tại những thành phố khác thường đóng cửa rất sớm và nghỉ chủ nhật. Trái với Việt Nam khi các cửa hàng thường đóng cửa lúc 22h, tại Anh, các cửa hàng đóng cửa khoảng 18-19h.

    "Tại Việt Nam, mỗi khi du lịch mình thường có thói quen đi chơi trong ngày trước và dành buổi tối để đi mua sắm. Tuy nhiên, nước Anh đã khiến mình bất ngờ về điều này và phải chia cả thời gian trong ngày để đi mua sắm thay vì chỉ đi tham quan", Tú nói. Ngoài ra, anh cũng cho biết điều này khiến các thành phố vào buổi tối khá buồn, khác hẳn so với không khí vui nhộn trên đường phố Việt Nam.

    du hoc sinh viet o anh 1
    Tú chia sẻ, mặc dù nước Anh là xứ sở sương mù nhưng anh thấy may mắn vì lần nào đi du lịch trời cũng nắng đẹp. Ảnh: Chí Tú

    Người Anh thân thiện, mê tiệc tùng

    Trước khi sang Anh, Tú được nhiều người "cảnh báo" rằng người Anh rất lạnh lùng và có phần cộc cằn. Khi du lịch tới các thành phố ở Anh, mọi lời đồn bay biến khi Tú được tiếp xúc với những người mà anh cho biết là "đáng yêu, luôn niềm nở, kiên nhẫn tới cùng với một du khách 'lơ ngơ' như anh".

    Người Anh rất lịch thiệp, luôn chào và hỏi thăm, kể cả với người lạ. Họ nói cảm ơn và xin lỗi mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, Tú cho biết chính vì điều này mà người Anh tránh nói thẳng, thường nói vòng vo trước khi vào vấn đề chính. "Sau khi đến các thành phố ở Anh và tiếp xúc với nhiều người bản địa, mình học được cách nói cảm ơn, xin lỗi nhiều hơn. Ví dụ, khi xe bus dừng lại, bạn có thể thấy bất kỳ ai xuống xe đều nói cảm ơn với tài xế. Nếu không may chắn đường mình, họ lập tức nói xin lỗi...", Tú chia sẻ.

    Ngoài ra, Tú cho biết người Anh rất thích tiệc tùng và hội hè. Họ thích đến nhà nhau để cùng say xỉn hoặc đi đến các quán bar, câu lạc bộ, vũ trường. Tú đặt ra giả thuyết, có lẽ người Anh dành hết thời gian buổi tối để nghỉ ngơi và có những hoạt động như vậy nên đó là lý do các cửa hàng đóng cửa sớm.

    Ẩm thực châu Á được bán trong những bát lớn

    Đi ăn nhiều nhà hàng châu Á và nhà hàng bán đồ Việt tại Anh, Tú bất ngờ khi các suất ăn được bán trong những bát lớn. Những tô phở Việt tại Anh thường được bán trong bát to gấp đôi ở Việt Nam. Trong những lần thưởng thức phở tại Anh, Tú bất ngờ nhất khi ăn một bát phở khổng lồ tại thành phố cảng Portsmouth, được phục vụ cùng một cái thìa to bằng muỗng múc canh.

    Dựa trên góc nhìn cá nhân, Tú cho biết mỗi thành phố tại Anh đều có điểm đặc biệt, khiến chúng trở nên độc đáo và gây thương nhớ mỗi khi rời đi. Ví dụ, Southampton và Portsmouth thơ mộng với cảng biển, Norwich cổ kính với nhiều nhà thờ, London lại là một thành phố rất hiện đại nhưng bảo tồn được những nét đẹp cổ kính. Trong tương lai, Tú sẽ tiếp tục khám phá thêm nhiều thành phố hơn nữa để tiếp tục khám phá những bất ngờ tại xứ sở sương mù.

    Theo VnExpress

  • Bị vu khống và bắt oan ngay tại Úc, câu chuyện được bạn Tung Nguyễn chia sẻ khiến nhiều người Việt ở nước ngoài hoang mang lo ngại về hệ thống hành pháp quan liêu khó hiểu, làm lãng phí thời gian và tiền bạc của người vô tội.

    sad man

    "Năm ngoái 2020 mình thuê 1 unit 2 bedrooms ở Bankstown. Song mình còn dư 1 phòng đưa lên Gumtree và rồi có 1 con pé người Úc góc Á liên lạc với mình xin thuê phòng. Lúc thuê phòng mình có soạn riêng contract cho nó ký đàng hoàng, và chụp lại cái ID của nó luôn.

    Nó nói mình nó 21t, sinh viên trường UNSW, ba nó người Kyrgyzstan, mẹ nó người Trung Quốc, nó sinh ra ở TQ, sau khi lên 10t là move qua Úc sống tới giờ luôn.

    Lúc này mình ko biết là nó đã có tiền án tội phạm trộm cắp (shoftlifting) nên mới cho nó thuê.

    Nó thuê đc khoảng 1 tháng, trong thời gian này nó hay ngủ tới tận 9-10 tối. Song đi ra ngoài tới 3-4h sáng mới về. Mỗi lần về là nó ồn ào làm mình không ngủ được, rồi còn say xỉn, ói trong toilet. Rồi mới dọn vô còn có 1 lần đóng tiền phòng, sau đó thì ko còn đóng nữa luôn. Rồi nhiều lần mình lau nhà đi ngang phòng nó thấy bên trong là 1 bãi chiến trường. Song có 1 lần nó về khuya say xỉn và ói trong thang máy của toà nhà mà không lau chùi luôn.

    Ông quản lý toà nhà chụp được hình nó ói từ camera trong thang máy và đến unit mình complain và yêu cầu nhỏ này trả tiền vệ sinh phí thang máy.

    Tới lúc này mình thấy ko chịu nổi nó nên mình nói cho nó 2 tuần đi tìm chỗ khác ở.

    Nó nói 2 tuần ít quá, rồi mình cho nó 3 tuần luôn, cái rồi nó đồng ý.

    Song ngày 28/7/2020, ổng quản lý toà nhà lại tìm tới mình hỏi nó có nhà ko. Mình nói ko có, nói nó đi vắng nhà vài ngày rồi chưa về. Cái ổng nói là nó vẫn chưa chịu trả tiền vệ sinh thang máy, kêu mình gọi cho đt cho nó, nhưng nó ko nghe máy. Cái mình nói ông quản lý toà nhà là cho nó 3 tuần đi tìm chỗ khác ở rồi. Ổng nói cẩn thận nó có thể kiện mình nếu mình kêu nó dọn đi.

    Cái mình hỏi ông quản lý toà nhà làm sao để yêu cầu 1 nguười đọn đi hợp pháp, thì ổng gợi ý là gọi lên NSW Fair Trade và Tribunal NCAT.

    Mình gọi lên thì họ nói là pải apply form trên website của họ song họ mới xử lý. Rồi mình còn hỏi nếu sau khi apply form và nhỏ này buộc pải dọn đi mà nó ko đi thì mình có thể mang đồ nó để ở ngoài unit không cho nó vô nhà đc ko. Họ nói sau khi có lệnh dọn đi mà nó ko đi thì mình có quyền làm vậy. Song tối hôm đó mình ngồi trong phòng khách đợi nó để nói chuyện trực tiếp với nó.

    Lúc gần 12h tối nó về. Mình kêu nó trả tiền thuê nhà đã trễ và tiền vệ sinh thang máy. Nó ko chịu trả và nói là nó sẽ tự liên lạc quản lý toà nhà. Song mình hỏi là tìm đc chỗ ở chưa sau khi mình cho nó 3 tuần. Song nó nói nó sẽ không dọn đi đâu hết, vẫn tiếp tục ở lại. Cái mình nói là rõ ràng đã nói và nhắn tin cho you tìm chỗ khác trong vòng 3 tuần và you cũng đồng ý. Song nó nói nó không có nói vậy.

    Song mình nói là vậy tôi sẽ apply lên Tribunal Ncat.

    Nếu song 3 tuần mà nó không dọn ra là tui sẽ dọn đồ nó ra khỏi nhà. Nó nghe xong nó nổi điên lên la um sùm, mình sợ hàng xóm thức giấc nên kêu nó đi ngủ đi, rồi mình quay trở lại phòng khách ngồi lướt web.

    Trong lúc ngồi trong phòng khách, mình có nghe nó nói chuyện điện thoại với 1 người đàn ông giọng rất trầm, mình đoán khoảng hơn 30t đến 40t.

    Song cái bất thình lình nó đi ra khỏi phòng, tay cầm đt như muốn thu âm lại, nó la um sùm nói là nếu mà mình dọn đồ nó đi nó sẽ báo cảnh sát, song mình thấy nó la ghê quá nên mình cũng nói là mình sẽ báo cảnh sát lại giải quyết. Song nó quay lại phòng nó.

    Mình quay lại phòng khách và gọi cảnh sát đến. Trong lúc ngồi đợi cảnh sát đến, mình có nghe nó tiếp tục nói chuyện với người đàn ông giọng trầm lúc nãy.

    Nó nói trong phòng nó song rồi đi vào toilet nói tiếp. Song khoảng một lúc sau mình nghe nó mở cửa chính đi ra khỏi unit.

    Khoảng 10′ sau khi nó ra khỏi unit, mình nghe ai đó gõ cửa rất mạnh. Khi ra mở cửa thì thấy nhóm cảnh sát khoảng 4-5 người (Trong đó có 1 cảnh sát người Úc gốc Việt, có thể nói đc tiếng Việt 1 chút).

    Ban đầu mình tưởng họ là cảnh sát mình gọi tới. Nhưng sau đó nhóm cảnh sát này vào bắt mình và còng tay mình luôn. Mình giật mình hỏi tại sao bắt tui.

    Họ nói là nhỏ này khai là mình lấy chìa khoá trong bóp của mình cào mặt nhỏ này. Cái mình nói ko có làm gì nó hết. Chỉ kêu nó đi tìm chỗ khác ở trong vòng 3 tuần, rồi nó la um sùm nên tui gọi cs đến giải quyết. Song nhóm cảnh sát kêu mình xoè 2 bàn tay ra để họ kiểm tra. Rồi họ lấy ra chìa khoá từ trong bóp ở trong túi quần của mình đang mặc để kiểm tra xem có vết máu hay ko.

    Cả 2 bàn tay và chìa khoá đều không có vết máu gì hết nhưng họ vẫn còng và bắt mình đi.

    Họ bắt mình đi xuống nhà chờ, trong lúc đợi mình có giải thích mọi chuyện với họ. Song đc một hồi ông cảnh sát người Việt nói tiếng Việt với mình, hỏi là mình có cào mặt nó không?

    Mình giải thích là ko có, chỉ kêu nó tìm chỗ ở khác thôi. Song nó nổi điên lên kiếm chuyện.

    Rồi sau đó dường như ông cảnh sát người Việt cũng tin mình, nói là trong những trường hợp này mình nên im lặng, đừng cãi nhau với nó, đi ra khỏi toà nhà, gọi cho cảnh đến, và ngồi trước camera toà nhà đợi cảnh đến.

    Song nhóm cảnh sát bắt mình về đồn, phỏng vấn và giam mình ở đó. Tới khoảng 3-4h khuya họ đưa cho mình bản cáo trạng.

    Mình coi bản cáo trạng thấy phán mình tới 15 năm tù: tội cào mặt 7 năm, tội tấn công 5 năm, tội hăm doạ 3 năm. Nhìn xong mình hết hồn.

    Mình còn thắy trong cáo trạng có hình cảnh sát chụp vết cắt trên mặt nhỏ này, vết cắt rất thẳng, ko sâu, nhìn là biết nó tự rạch mặt nó. Xong cái mình hỏi nhóm cảnh sát không thấy vết cắt rất thẳng hay sao mà còn gán tội mình.

    Rồi còn nói là nhỏ này báo cảnh sát, mình cũng báo cảnh sát trước nó luôn, sao tin nó mà không tin tôi.

    Họ giải thích là do nhỏ này gọi điện thoại báo cảnh sát và khi họ tới thì thấy máu trên mặt nhỏ này nên họ phải tin và bắt mình thôi.

    Cái mình nói, “tôi mới nhập quốc tịch Úc cách đây 2 tuần, rất mừng khi được nhập tịch Úc vì nghĩ nước Úc an toàn và công bằng. Nhưng không ngờ cảnh sát Úc lại thiếu công bằng đến vậy”.

    Lúc bị giam chờ đến sáng, vài lần mình xin đi toilet thì bị vài người trong họ chửi rủa. 

    Qua tới sáng 9h, họ chuyển mình qua phòng tạm giam của toà án giam mình trong đó.

    Cảm giác ngồi trong đó mình rất sợ và vẫn còn ám ảnh mình. Bốn bức tường âm u lạnh lẽo cô đơn, lâu lâu có ai đi ngang qua là mình kêu lên “I am innocent, please help”.

    Nhưng họ chỉ đi ngang qua và nhìn mình như một tên tội phạm. Cứ mỗi 30′ là mình nhấn cái nút trong phong giam, nói là mình bị oan, xin giúp đỡ.

    Nhưng lúc nào cũng chỉ nhận được 1 câu trả lời “Sit back and wait”.

    Tới khoảng 5h chiều thì có một luất sư chính phủ đến bảo lãnh mình được tại ngoại.

    Ông luật sư nói là sau khi đc thả ra là không được phép về nhà, chỉ có nhỏ đó mới được về thôi.

    Xong còn hỏi mình có cần gì để ổng xin toà giúp mình. Mình nói là cần lấy cái laptop vì đang work from home, và cái điện thoại với thẻ ngân hàng trong bóp.

    Toà chấp nhận và sau đó họ thả mình ra trên đường. Mình lúc đó mặc cái quần đùi, mang dép lào y chang người vô gia cư đang lang bang trên đường phố vậy.

    May là họ trả lại điện thoại và thẻ ngân hàng nên mình vào Big W mua lại quần áo để mặc, rồi book phòng khách sạn gần đó để ở.

    Lúc này mình có đọc lại bản cáo trạng thì thấy nhóm cảnh sát này ghi sai nhiều thông tin lúc họ hỏi mình.

    Như họ hỏi mình từ nước nào và làm nghề gì, mình nói là người Việt Nam, mới nhập tịch Úc, làm software engineer và đang work from home. Nhưng trong cáo trạng lại ghi là Nationality: Unknown; Occupation: Unemployed.

    Sáng hôm sau mình đi tìm thuê luật sư riêng vì luật sư chính phủ nói mức lương của mình đủ để thuê ls riêng nên họ không thể giúp đc.

    Sau khi mình thuê đc luật sư thì dọn đến nhà bạn mình ở sau 10 ngày ở trong khách sạn.

    Trong lúc ở nhà bạn, mình liên lạc với agent là mình không còn ở Unit đó nữa, kêu họ liên hệ với nhỏ này rồi kêu nó tự trả tiền đi.

    Song agent từ chối, nói là hợp đồng là do mình đứng tên.

    Mình phải clean sạch Unit như ban đầu và nhỏ này không còn ở đây nữa thì mình mới được cancel hợp đồng thuê Unit. Thỉnh thoảng mình đợi nhỏ này vắng nhà, mình quay lại để lấy lại đồ đạc của mình, rồi cắt hết điện nước internet, và gom luôn tủ lành và máy giặt.

    Nhờ vậy mà sau 3 tuần nhỏ này mới chịu dọn đi. Xong mình quay lại clean hết toàn bộ unit và trả lại unit cho agent.

    Họ phạt mình huỷ hợp đồng và trả tiền nhà cho nhỏ này trong lúc nó ở là hơn $3.000

    Trong thời gian này mình có xin cty nghỉ annual leave để lo chuyện này. Ban đầu mình cũng phân vân không biết có nên nói cho cty nghe chuyện này ko, nhưng thấy họ nhiệt tình hỏi thăm, hỏi có chuyện gì xảy ra với mình, có cần giúp đỡ gì không?

    Mình tưởng là họ có thể giúp đc nên nói cho họ biết. Cái vài ngày sau cty gọi lại nói đuổi mình, lấy lý do là dịch bệnh cty không có projects mới, kêu mình đi tìm cty khác đi.

    Hết mất nhà mất cửa song giờ lại mất luôn công việc. Rồi luật sư nói tổng chi phí cho vụ này khoảng $20k.

    May là sau 2 tháng thất nghiệp mình tìm đc 1 cty mới, lương thấp hơn cty cũ những có còn đỡ hơn không.

    Trong lúc làm cho cty nhỏ này thì có cty lớn kêu mình đi làm, lương cao hơn cả cty cũ, nhưng khi họ sắp offer mình job thì họ kêu mình làm police check.

    Mình tưởng chưa ra toà xử thì police check không hiện gì hết, nhưng nó vẫn hiện những tội police gán cho mình và đang đợi ngày ra toà.

    Mãi gần tới ngày ra toà tháng 1/2021, mình với luật sư của mình xác định ngày ra toà là ngày thứ 6 như khi luật sư mình book date of hearing ở toà.

    Nhưng bắt thình lình ngày thứ 4 mình nhận đc 2 cuộc gọi từ đồn cảnh sát kêu mình lên lấy giấy tờ.

    Cái mình lên lấy thì thấy cáo trạng ghi ngày ra toà là ngày thứ 5, tức là ngày mai. Mình hỏi ông cảnh sát có nhầm lẫn hay ko vì date of hearing trước đó ghi là thứ 6 mà và luật sư của tôi cũng đã xác nhận.

    Cái ông cảnh sát kiểm tra lại lần nữa và xác nhận là ngày thứ 5. Ổng còn nói nếu mai ko ra toà là tụi tao có thể bắt mày giam vô tù.

    Xong mình liên lạc cho luật sư của mình nói ngày ra toà là thứ 5 chứ không phải thứ 6.

    Cái ông luật sư mình nói chắc là cảnh sát nhầm lẫn, cứ ra toà ngày thứ 6, không sao hết. Nhưng để cho chắc thì sáng thứ 5 mình xin nghỉ việc để lên toà xem. Và toà xác nhận là ngày thứ 5 là ngày ra toà.

    Xong mình gọi ngay cho luật sư của mình liền. Xong luật sư của mình cho trợ lý của ổng lên toà hỏi dùm mình tại sao nói thử 6 song lại thành thứ 5.

    Toà xem lại hồ sở cũng nói đúng là ngày thứ 6, và ổng cũng không hiểu sao lại có ngày thứ 5. Sau đó toà nói về đi ngày mai thứ 6 sẽ xử.

    Tới thứ 6 tháng 1/2021 mình ra toà với luật sư và trạng sư mình thuê, toà đợi hơn 1 tiếng mà vẫn không thấy nhỏ đó đến.

    Trong lúc đợi, luật sư và trạng sư của mình có được cái report từ toà.

    Trong report nói là nhỏ này có tiền án tội phạm trộm cắp (shoftlifting) trước khi nó thuê phòng mình luôn.

    Sau khi đợi hơn 1 tiếng không thấy nhỏ này đến, toà hỏi nhóm cảnh sát là có liên lạc được với nhỏ này không, có email, số đt hay địa chỉ nó hay không. Cảnh sát nói không hết cho tất cả câu hỏi này (Mình không hiểu tại sao cảnh sát lại nói không biết địa chỉ nhà nhỏ này, trong khi cái ID mình giữ của nó hiện rành rành địa chỉ nhà nhỏ đó).

    Rồi toà hỏi có tìm đc DNA của nhỏ này trên chìa khoá ko, cảnh sát nói ko luôn.

    Rồi toà nói từ tháng 7/2020 tới tháng 1/2021 là gần 6 tháng mà không liên lạc đc nhỏ này, rồi không có bằng chứng DNA gì hết sao lại đi cáo buộc mình.

    Xong toà withdraw application và phán mình vô tội ngay lập tức mà không cần xử hay hỏi mình câu hỏi nào luôn.

    Luật sư và trang sư mình thuê cũng không cần cãi 1 lời luôn, tại có xử đâu mà cãi.

    Xong cảnh sát và công tố viên yêu cầu đợi vài tháng nữa xử lại, hoặc xử mà không cần nhỏ này. Nhưng toà ko chịu và vẫn phán mình vô tội.

    Sau vụ này mình thấy nhỏ này vẫn ung dung đi lại, và nhóm cảnh sát thì không có 1 lời xin lỗi luôn, vẫn quay về văn phòng làm việc bình thường.

    Bạn bè mình nói nhỏ này sẽ đi hại thêm nhiều người khác nữa, nên kêu mình nên kiện nhỏ này và cảnh sát kêu họ bồi thường.

    Nhưng nhỏ này thì bỏ chạy mất tích không ai biết, rồi kiện nó thì tốn thêm mấy chục ngàn thuê luật sư nữa.

    Trong trường hợp thắng kiện thì nó cũng ko có tiền đền.

    Còn kiện cảnh sát thì mình có hỏi luật sư của mình và 1 luật sư người Úc trong nhà thờ.

    Cả 2 đều nói kiện cảnh sát rất khó, mất rất nhiều tiền thuê luật sư và nhiều thời gian nữa.

    Nên thôi mình quyết định ko kiện. Sau vụ này mình mắt hơn $50K (legal fee + rent cancelation + lost salary), tiền làm dành dụm xem như bay gần hết.”

    Tung Nguyen

  • Hệ thống đại học Cal State vào ngày 24/2 đồng ý bồi thường 39,5 triệu USD cho gia đình một sinh viên bị sốc nhiệt, dẫn đến chấn thương não, sau tiết học thể dục năm 2018.

    Báo Los Angeles Times ngày 24/2 cho biết bên nguyên đơn là gia đình của Marissa Freeman, nữ sinh theo học ngành dinh dưỡng và tâm lý học tại Cal State San Bernardino.

    Cô bất tỉnh vì sốc nhiệt sau khi tham gia buổi chạy bộ của môn thể dục tại trường. Vụ việc khiến nữ sinh bị chấn thương não nghiêm trọng, trụy tim và suy tạng, dẫn đến tình trạng khuyết tật về khả năng nhận thức, nói và cử động. Giờ đây, Freeman phải ngồi xe lăn và luôn cần người chăm sóc.

    boi thuong cho sinh vien
    Trường Cal State San Bernardino nằm trong vùng Nam California. Ảnh: Google Maps.

    Phía nhà trường và người hướng dẫn cũng bị cho là không yêu cầu hỗ trợ y tế kịp thời, không có biện pháp ứng phó phù hợp khi sinh viên bị sốc nhiệt.Đơn kiện cáo buộc người hướng dẫn cho Freeman và nhà trường tắc trách, không giám sát đầy đủ và tạo điều kiện cho sinh viên nghỉ ngơi.

    Số tiền 39,5 triệu USD là mức bồi thường lớn nhất mà hệ thống đại học Cal State chi trả cho một vụ khiếu nại liên quan đến chấn thương.

    Bên cạnh việc bồi thường cho Freeman, hệ thống Cal State đồng ý phát triển và thực hiện các chính sách, quy chuẩn mới về ngăn chặn, ứng phó vấn đề sức khỏe liên quan đến sốc nhiệt. Bộ quy chuẩn mới sẽ được áp dụng trên toàn hệ thống, với khoảng 485.000 sinh viên và 23 cơ sở giảng dạy.

    Theo Zing

  • Tôi hiểu thị trường lao động Việt Nam và biết phải làm những gì để có thể giành lấy một vị trí cạnh tranh trong thị trường ấy. Tôi sẽ không “hét lương” khi trở về.

    Vấn đề quyền lợi việc làm dành cho du học sinh sau khi về nước không phải là vấn đề mới, nhưng lại nóng hổi vì mỗi năm, Việt Nam lại chào đón hàng ngàn các bạn du học sinh trở về tìm kiếm cơ hội. Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm của một du học sinh, về việc tại sao du học sinh không nên “hét lương” khi trở về. Đặc biệt là các du học sinh bậc cử nhân và chưa từng trải nghiệm bất cứ công việc chuyên nghiệp nào.

    noi kho du hoc
    Ảnh minh họa

    Đầu tiên, chưa có kinh nghiệm làm việc, đồng nghĩa bạn không nên “quá đòi hỏi” cho tấm bằng bạn đang sở hữu. Một sự thật hiển nhiên là các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp luôn tìm kiếm các cá nhân có khả năng làm việc, chứ không tìm các loại bằng cấp. Khả năng làm việc của mỗi người được chứng minh bằng những gì mà một tân cử nhân đạt được trong công việc. Điều này lí giải tại sao kinh nghiệm làm việc và những kỹ năng học được từ nghề nghiệp là điều quan trọng nhất, vì chúng thể hiện được khả năng làm việc của mỗi người.

    Người lao động cũng giống như các công ty riêng biệt, cố gắng giành lấy “khách hàng”, là những công việc trên thị trường lao động. Việc một cử nhân tốt nghiệp trong nước hay ngoài nước, sẽ không phải là vấn đề mà các nhà tuyển dụng quan tâm nếu nhìn nhận dựa trên khía cạnh kinh nghiệm việc làm. Bạn tốt nghiệp đại học thuộc top 100 thế giới và chưa từng đi làm toàn thời gian trước đó, thì cũng tương đương với một người mới tốt nghiệp đại học Ngoại Thương và đang tìm kiếm công việc đầu tiên. Không ai có thể đảm bảo khả năng làm việc của bạn vượt trội hơn những cử nhân tốt nghiệp trong nước. Chính vì thế, tôi hiểu một sự thật là tất cả các tân cử nhân chưa có kinh nghiệm làm việc đều có một khởi điểm ngang nhau.

    Thứ hai, sự hiểu biết về thị trường Việt Nam sẽ là một điểm yếu của du học sinh. Để hoàn tất một chương trình đại học tại nước ngoài, bạn phải trải qua một khoảng thời gian ít nhất là 3 đến 5 năm. Trong khoảng thời gian ấy, các du học sinh có thể đã bị mất liên kết với thị thường trong nước. Họ sẽ không biết hết được những thay đổi xảy ra trên thị trường trong quãng thời gian đi du học. Chính vì thế, từ khía cạnh hiểu biết về thị trường, các tân cử nhân trong nước sẽ hơn hẳn những người học từ nước ngoài trở về. Họ không cần thời gian tìm hiểu thêm về thị trường, cũng có thể trở nên nhanh nhạy hơn vì họ biết những đặc điểm và những gì đang diễn ra trên thị trường Việt Nam. Du học sinh về nước sẽ cần thời gian để tìm hiểu và thích ứng với trị trường và cách thức vận động của nó.

    Điều thứ ba, cũng là điều chủ quan, mang tính định kiến nhất. Đó chính là một hình ảnh chưa được tốt về du học sinh trong mắt xã hội và nhà tuyển dụng. Tôi từng đọc một bài báo có nói rằng, khoảng hơn 90% du học sinh Việt là thuộc dạng du học tự túc. Một thực tế là có rất nhiều các bạn trẻ được gia đình tạo điều kiện cho đi du học vì các lí do khá hài hước: Ở Việt Nam quá cá biệt hay rớt đại học trong nước. Những du học sinh này chính là nguồn ngọn của các định kiến hiện tại.

    Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng du học sinh là những người có tư duy kém, khả năng kém, vì không thi đậu đại học trong nước nên mới đi du học. Do đó, có rất nhiều nhà tuyển dụng đang chuyển hướng thu hút các nhân tài trong nước hơn là các du học sinh. Mặt khác, nhiều du học sinh trở về chưa thể hiện được khả năng và kiến thức họ học được tại nước ngoài. Điều này dẫn đến việc hình thành một hình ảnh không tốt cho tất cả các du học sinh trong mắt nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, tôi muốn khẳng định một điều, việc học ở nước ngoài hoàn toàn không hề dễ dàng, dù không phải thi đầu vào như các trường đại học trong nước nhưng để hoàn tất chương trình, các du học sinh phải nỗ lực rất lớn.

    Cuối cùng, tôi không phải là du học sinh có thành tích xuất sắc như các du học sinh Việt khác ở khắp nơi trên thế giới. Tôi cũng không phải là người có các hoạt động ngoại khóa nổi trội để được biết đến. Tôi chỉ là một du học sinh bình thường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc ở một trường đại học tương đối lớn tại xứ sở chuột túi xa xôi.

    Tôi không may mắn khi gia đình không đủ điều kiện tài chính để cho tôi theo đuổi bậc tại học tại đây. Tuy nhiên, tôi thấy mình khá may mắn khi có cơ hội trải nghiệm giáo dục bậc đại học tại Việt Nam và sau đại học tại Úc. Vì vậy, tôi hiểu thị trường lao động Việt Nam và biết phải làm những gì để có thể giành lấy một vị trí cạnh tranh trong thị trường ấy. Tôi sẽ không “hét lương” khi trở về.

    DuHo Nguyễn 

    Hội Sinh Viên Việt Nam tại Đại học Queensland – UQIVS

  • Một cô gái như tôi quả thực không thuộc về trời Tây. Đôi khi mệt mỏi muốn dừng lại, tôi thấy mình thật yếu đuối. 

    Gần 3 giờ sáng, tại phòng máy của trường, bên ngoài trời rất lạnh. Cái lạnh len lỏi vào sâu thẳm tâm hồn một con người cô đơn nơi đất khách.

    Người ta không thể viết khi không có cảm xúc, nhưng cũng không thể viết khi có quá nhiều cảm xúc. Tôi vẫn chưa hoàn thành câu chuyện xa xứ của mình – một câu chuyện tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, và như thế nào khi mọi thứ ở hiện tại thật hỗn độn như mảnh thủy tinh rơi vụn vỡ, không thể nào trở về hình dạng ban đầu…

    Cũng như bao người xa quê khác, tôi đã trải qua tất cả những cung bậc cảm xúc mà họ đã trải qua, tôi trải nghiệm những vất vả mà họ đã trải nghiệm. Nhưng nỗi đau lớn nhất không phải là đau khổ vì tình yêu không vượt qua được khoảng cách; không phải là khó khăn trong học tập vì rào cản ngôn ngữ; không phải là vất vả hòa nhập môi trường mới, cũng không phải là nổi chật vật kiếm sống, mà chính là quá trình đấu tranh nội tâm gay gắt mà tôi phải trải qua từng ngày nơi đất khách để có thể bám trụ đến ngày hôm nay.

    Năm mười tám tuổi, tôi háo hức đợi chờ ngày bước chân vào một thiên đường nơi nước Australia xa xôi, dù biết sẽ phải xa quê hương, xa gia đình, xa lũ bạn ngày ngày gặp gỡ. Tôi nôn nao từng ngày để được đến đây. Có nào ngờ, niềm vui thật sự ít hơn nỗi tranh đấu trong lòng.

    Tôi chiến đấu để vượt qua nỗi sợ hãi. Tôi từng sợ hãi khi đến lớp, không biết tôi sẽ hiểu bao nhiêu phần trăm lời giảng, không biết mọi người có hiểu tôi không, khi muốn phát biểu ý kiến thì làm sao để ăn nói trôi chảy. Tôi không đếm nổi bao nhiêu lần bản thân chỉ biết cười trừ vì không hiểu người khác nói gì, hoặc hiểu nhưng lại không biết đáp lại ra sao. Tôi không quên sự run rẩy khi lần đầu nghe điện thoại của khách hàng. Tôi cũng không quên những lần bị phớt lờ vì sự giao tiếp kém cỏi của mình…

    Sự cô đơn của một du học sinh xa nhà không quen biết một ai hẳn đã được kể, được miêu tả quá nhiều rồi. Thế nhưng tôi là một cô sinh viên may mắn có cả một đại gia đình xung quanh, vẫn không tránh khỏi cảm giác ấy, cớ vì sao? Vì tôi cần một trái tim ấm áp hơn để chạm vào xúc cảm ấy. Thời gian ở Australia là khoảng thời gian làm quen với những bữa tiệc xa hoa mỗi cuối tuần của gia đình có rất nhiều món ăn Việt Nam rất ngon, những món ăn mà nhiều sinh viên nhớ quê sẽ rất thèm thuồng, còn tôi ăn đến phát ngán.

    Những bữa tiệc ấy có sự tham gia của trên 30 thành viên hội tụ lại cười cười nói nói rôm rả. Tôi ngồi một góc. Nhìn các em họ của tôi vui đùa, các em lớn hơn một xíu thì váy áo xinh tươi ngồi buôn chuyện, phụ nữ tề tụ trong bếp, cánh đàn ông “nghị sự” ngoài sân vườn. Thành phần còn lại sẽ là một vài người như tôi, những đứa cháu đến từ Việt Nam khi thì hỏi thăm nhau chuyện visa, khi thì mỗi người một nơi, thỉnh thoảng đưa mắt qua lại ngắm mọi người, giả vờ lắng nghe và hội nhập, miệng mỉm cười đồng tình với một câu nói nào đó, nhưng sao ánh mắt cô đơn đến lạ. Cảm giác lạc lõng giữa những người thân quen có lẽ còn kinh khủng hơn sự đơn độc giữa biển người xa lạ. Tủi thân!

    Sáu năm ở đây, tôi cứ ngỡ dài như “60 năm cuộc đời. 20 năm đầu thật sung sướng biết bao nhiêu”. Tôi che giấu cảm xúc, phớt lờ ước mơ và sở thích để bước đi trên con đường trách nhiệm. Tôi chạm đến được đất Australia không phải vì ba mẹ có điều kiện mà là nhận được sự giúp đỡ của họ hàng. Thế nhưng ở tuổi 18 tôi không lường trước được gánh nặng mà mình sẽ mang là quá lớn. Tôi rơi vào hoàn cảnh của một người không biết bơi, được tặng một cái áo phao và tôi phải tự bơi một cách quá sức của bản thân. Có những lúc tôi ngỡ mình chìm đi vì không thể bơi thêm nữa.

    Tôi cố gắng hoàn thành khóa học của mình trong nổi hoang mang rằng liệu mình có thích con đường mình đang đi hay không? Khi tôi không thể để tâm vào những bài luận của mình nữa, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về câu hỏi bấy lâu nay tôi không giải nổi: “Tôi thích gì?”. Đúng vậy, ở tuổi 25, tôi không biết sở thích và đam mê của mình là gì. Tôi chỉ làm tất cả những gì có thể kiếm ra tiền, tôi học những gì mà gia đình cho là đúng và tự đánh giá mình là đứa con ngoan rồi lại tự giằn vặt mình mỗi đêm vì đã đối xử quá tệ với bản thân.

    Mọi thứ cứ cuốn tôi đi như thế. Và tôi đã kiên cường như thế suốt 6 năm qua. Nhìn lại một quãng đường không quá dài cũng không quá ngắn ấy, tôi thật sự mủi lòng vì miền đất trong mơ không như tôi tưởng. Nơi mà tôi nghĩ sẽ mang đến cho tôi những thành công rực rỡ nhất lại mang đến cho tôi cảm giác lạc lỏng đến không ngờ. Bơ vơ làm sao khi trong lòng chỉ có tiếng đàn tranh du dương và trái tim chỉ rung động với bài hát dân ca ngọt ngào.

    Một cô gái như tôi quả thực không thuộc về trời tây. Đôi khi mệt mỏi muốn dừng lại, tôi thấy mình thật yếu đuối. Trái tim tôi luôn mơ về quê nhà, nhưng lí trí không cho phép mình làm như thế. Khi bạn ở tuổi 25 vẫn tay trắng và không tìm được con đường mình muốn đi, lúc đó chỉ còn lại thương tâm.

    Viethome sưu tầm

  • Một người bạn mình vừa phải đón cậu con trai đi du học được gần 1 năm mà bỏ giữa chừng đi về. Em kể là ở bển lạc lõng quá chịu không nổi. Không phải vì rào cản ngôn ngữ, nhưng tụi bạn tóc vàng chê học sinh VN chỉ biết học, đời nhạt toẹt, nghèo trải nghiệm.

    Sự coi thường ngấm ngầm trong ánh mắt thật không thể nào mà phạt được. Tụi nó khoe từng đi Nam Phi làm từ thiện, rồi từng nhảy dù, lặn biển, tụi nó kiêu hãnh vì có thể sống tự lập không nhờ vào bố mẹ. Tụi nó khoe là tụi nó rất giàu trong tinh thần. Đó cũng là 1 kiểu coi thường, rằng em chả có gì, chỉ có tiền.

    Bạn mình cũng kể: Khi sang Mỹ mình nhìn thấy tụi trẻ con học rất nhàn, nhưng hóa ra lượng kiến thức không hề ít. Vì học rất thực tế, nhìn như chơi mà hóa ra học rất sâu. Thậm chí có cả những cái nhỏ nhít lắt nhắt mà mình không để ý. Có lần bạn mình nhìn thấy thầy giáo dắt một nhóm đi siêu thị, vui vẻ nhẹ nhõm. Nhưng rồi trong buổi đó tụi học sinh được học cách tính toán chi tiêu, đánh giá bao bì, thiết kế, màu sắc trên quầy hàng, học đọc các thành phần ghi trên sản phẩm…

    Học sinh được dạy chọn thực phẩm, chọn công ty sản xuất, chọn công ty phân phối. Dạy về đọc hạn sử dụng, cách sử dụng. Tụi nó quan tâm tới cả bao bì nữa. Cũng là sữa nhưng nếu đựng trong chai nhựa là bị chê gây gánh nặng cho môi trường, còn nếu đựng trong vỏ hộp tái chế được thì sẽ được ưu tiên chọn, như của vỏ hộp của Tetra Pak được ưu tiên vì thân thiện với môi trường. Tụi nó uống sữa xong thì làm bẹp hộp lại rồi cho vào thùng rác tái chế. 

    Nhà có tới 3 thùng rác, nếu bỏ lộn rác thải thường vào rác tái chế hoặc ngược lại là sẽ bị phạt. Tiền rác được tính tương ứng trên hóa đơn nước, nếu nhà nào xài càng nhiều nước thì cũng có nghĩa là nhà đó phải đóng càng nhiều tiền rác hơn. Thiệt đơn thiệt kép!

    Những điều nho nhỏ này HS ở mình thường không để ý! Ở nhà, thường các bé được ông bà và người giúp việc chiều lắm, cơm nước mang tận bàn học. Khi đói thì chỉ cần mở tủ lạnh thấy gì thì ăn nấy, không cần biết phân biệt đồ có hết hạn không. Đến khi di du học thì mới thật sự vật vã. Có bạn phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, có khi chỉ vì hộp sữa khui ra rồi để quên ở bàn ăn, tới tận sáng hôm sau vẫn tỉnh bơ rót ra ly uống. Tưởng ở VN mới có nguy cơ thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, thực phẩm nhiễm độc, ai ngờ sang đi sang tận Mỹ, Úc rồi mà vẫn trúng ngộ độc thực phẩm, vì quá thiếu kỹ năng.

    Tài liệu Y Tế Thế Giới nói 70% người Việt nhiễm HP. Con số thực tế có thể còn cao hơn. Hic hic, thậm chí sang tới Bắc Mỹ, Pháp, mà người Việt cũng vẫn đang đứng top trong mọi sắc dân về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, cần phẫu thuật. Thói quen ăn uống và sinh hoạt của chúng ta cũng là nguồn gốc của nhiều bệnh tật.

    Con chỉ biết làm Toán, làm Văn, nói tiếng Anh mà không biết cách sống văn minh, không biết cách làm mình trở nên giàu có về vốn sống, thì thiệt thòi cho con quá! Giảng đường đâu phải là nơi duy nhất để con học đâu.

    Viethome (theo Vtcorp)

  • Bước sang năm mới, mỗi người làm cha làm mẹ đều có những ước mơ khác nhau cho các con của mình… Một trong những ước mơ đó có thể là cho con đi du học. Từ trải nghiệm của gia đình chúng tôi, hiện có 3 con đang theo học tại Singapore và Mỹ, chúng tôi hiểu rằng ‘cho con đi du học’ là cả một cuộc hành trình, trong đó đòi hỏi cả cha mẹ và con trẻ đều cần cùng nỗ lực, cùng trả giá…

    Làm cha, làm mẹ, ai cũng muốn làm những điều tốt nhất cho các con của mình. Không ít cha mẹ coi sự trưởng thành và thành đạt của con cái làm mục đích và động lực sống cho mình. Bản thân vợ chồng chúng tôi cũng vậy, việc giúp các con mình có môi trường học tập tốt hơn, đã là một ‘giấc mơ’ mà chúng tôi theo đuổi nhiều năm, với không ít những cái giá đã phải trả, những khó khăn và thách thức đã phải vượt qua…

    Vào đầu thập niên 90, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, nhờ chút vốn tiếng Anh, tôi đã từng có được việc làm ở văn phòng đại diện cho một công ty của Nhật Bản và sau đó là một hãng máy tính hàng đầu của Mỹ. Còn nhớ, trong những ngày làm việc đầu tiên, tôi đã hết sức lúng túng khi cần viết một lá thư hẹn gặp khách hàng, khi cần làm việc theo nhóm, và càng lúng túng hơn khi cần xử lý tình huống trong công việc.

    Trong một lần phỏng vấn, tôi bất ngờ khi được hỏi “Bạn muốn trở thành con người như thế nào trong 5 năm tới?” – Thú thực, tôi chưa từng nghĩ tới điều này, và hầu hết các sinh viên ra trường ở Việt Nam cũng vậy. Những thiếu hụt đó chính là ‘sự khác biệt’ của hệ thống giáo dục Việt Nam so với các nước phát triển..!Qua những gì được học hỏi, trải nghiệm, đặc biệt trong môi trường doanh nghiệp của Nhật và Mỹ, đã thôi thúc trong tôi một mong muốn, rằng các con mình cần được du học. Giấc mơ “Cho con đi du học” của tôi hình thành từ đó. Nó đã trở thành động lực và lý do cho những lựa chọn của chúng tôi trong nhiều năm sau đó. Đó là cuộc hành trình của cả gia đình..!

    Gia đình anh Lê Thanh Hải năm 1998.

    Hành trình thực hiện giấc mơ

    Vì nhiều lý do, hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn còn có rất nhiều hạn chế và bất cập. Mọi nỗ lực cải tiến ngành giáo dục, dường như càng làm nó thụt lùi hơn so với thế giới. (Theo bảng xếp hạng chất lượng đại học Châu Á năm 2018 do tạp chí Times Higher Education vừa công bố, Việt Nam không có một đại diện nào.) Tuy nhiên, một thực tế mà chúng ta đều biết là năng lực học của học sinh Việt Nam lại không hề thua kém học sinh các nước khác. Trong danh sách đạt giải ở các kỳ thi toán, lý, hóa quốc tế hàng năm, luôn có tên học sinh Việt Nam. Bởi vậy, rào cản đối với học sinh Việt Nam khi đi du học không phải là năng lực học, mà là trình độ ngoại ngữ. Trừ số ít các em đạt học bổng, thách thức tiếp theo chính là tài chính (khả năng chi trả học phí) của gia đình.

    Qua một đồng nghiệp Singapore đã từng du học tại Mỹ, tôi được biết, với một trường đại học không quá danh tiếng, học phí cho 4 năm học tại Mỹ (chưa tính ăn, ở) là trên dưới 250.000 USD. Với mức lương của tôi lúc đó là 2.000 USD/tháng, tôi giật mình khi nghe thấy con số này. Dù tôi làm việc thêm 15 – 20 năm nữa với công việc đang có, cũng khó lòng tích đủ số tiền cần thiết để cho một đứa con đi du học. Chưa nói là, sau đó chúng tôi còn có thêm 2 cháu nữa.

    Biến khó khăn thành động lực, tôi đã quyết định nghỉ việc ở hãng máy tính, bước ra ngoài tự kinh doanh, để có thể tạo dựng tài chính cần có. Tôi đã lần lượt phải trải qua rất nhiều áp lực và thăng trầm khác nhau trong công việc kinh doanh của mình, có những lúc dường như muốn bỏ cuộc. Nếu không phải vì ước mơ cho con, hẳn tôi đã không đủ động lực để vượt qua..

    Sự thay đổi thường kèm theo khó khăn, nhưng lại có thể mở ra những lựa chọn mới. Nhờ những mối quan hệ trong công việc mới, tôi đã gặp được cơ hội cho gia đình sang cư trú dài hạn tại Singapore. Quãng thời gian đó, gia đình chúng tôi phải “một chốn đôi nơi”. Trong nhiều năm liền, ngày sinh nhật của các con hầu như tôi đều vắng mặt. Bù lại, các cháu đã được hưởng một môi trường giáo dục tốt hơn, có sự chuẩn bị tốt hơn để du học tại Mỹ hoặc quốc gia khác…

    Lựa chọn phút cuối – Giấc mơ cho ai?

    Thời gian thấm thoắt trôi đi, con gái đầu của chúng tôi đã hoàn thành chương trình phổ thông và 2 năm dự bị đại học (Junior College) tại Singapore một cách xuất sắc. Với kết quả thi ‘A-level’, cháu nhận được đề xuất nhận học từ trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), là trường đang được xếp hạng 12 trên thế giới, và trường Đại học Quản trị Singapore (SMU). Cả hai trường đều cho phép học sinh ở mức điểm đó được học hai chuyên ngành (double degree), và SMU còn đề xuất thêm học bổng toàn phần cho cả 4 năm học.

    Đồng thời, với kết quả thi SAT (Scholastic Aptitude Test), cháu cũng được một số trường đại học tại Mỹ nhận học. Vấn đề phát sinh lúc này là, nên lựa chọn thế nào (?!) — Nếu sang Mỹ học, thì mức học phí trường mà cháu muốn học là 67.000 USD/năm ($268.000 cho 4 năm). Còn nếu, tiếp tục học đại học tại Singapore thì gia đình sẽ bớt được học phí và cháu có thể hoàn thành hai chương trình học sau 4 năm. Quả là không dễ để chọn..!?

    Lúc đó, tôi đã dừng lại và tự hỏi, rốt cuộc đây là giấc mơ cho bố mẹ hay cho con..?! Nếu là giấc mơ cho con, thì cần phải để cho con chọn, con quyết định. Con là người đi du học, không phải bố mẹ!

    Trong thực tế, không ít cha mẹ vô tình áp đặt điều mình muốn thành điều con muốn, giấc mơ của mình thành giấc mơ của con. Có phụ huynh còn chia sẻ, lý do cho con đi du học là vì để con ở Việt Nam thì sẽ hư mất, không quản được! Khá nhiều cháu đi du học theo mong muốn hay sức ép của gia đình, sau đó đã bỏ dở giữa chừng, thậm chí sa ngã vào những việc tiêu cực. Đó là điều đáng tiếc và nên tránh!

    Bắt đầu với câu hỏi ‘Tại sao?’

    Biết được con mình cũng đang lúng túng trước hai sự lựa chọn này. Tôi đã gợi ý, con hãy bắt đầu với câu hỏi ‘Tại sao?’; ‘Để làm gì?‘ — Điều gì con muốn đạt được, con người mà con muốn trở thành sau khi ra trường? — Nếu mục đích của 4 năm học chỉ thuần tuý là có tấm bằng đại học, thì chọn học tại Singapore là một thuận lợi lớn về tài chính và có thể đạt được hai bằng. Nhưng nếu mục đích là sự phát triển toàn diện về con người, thì con cần một môi trường mới, khác biệt với nơi mình sinh ra và lớn lên để học hỏi thêm nền văn hóa, lối sống và cách tư duy khác. Trong trường hợp đó, thì sang Mỹ học sẽ là lựa chọn tốt hơn.

    Khi hiểu ra, con gái chúng tôi tự quyết định sẽ sang Mỹ học.

    Hành trang đi du học…

    Chuẩn bị cho con sang đất Mỹ học, vợ chồng tôi không khỏi lo lắng. Đây là lần đầu cháu rời vòng tay của bố mẹ, sang nơi đất khách quê người, mọi thứ đều là mới lạ… Gần đến ngày đi, cháu mới nói với mẹ, “mẹ hướng dẫn con cách dọn nhà vệ sinh với ạ”. Chúng tôi thực sự giật mình! Giống như hầu hết các phụ huynh Việt Nam khác, chúng tôi luôn có suy nghĩ, các con cần tập trung việc học và chỉ học thôi. Nhất là trong môi trường học rất cạnh tranh như ở Việt Nam hay Singapore. Hầu như các cháu không phải động tay vào việc nhà, và cũng chưa từng được hướng dẫn những điều cần thiết cho một cuộc sống tự lập. Đây là một khiếm khuyết lớn trong hành trang khi các cháu bước ra ngoài với một cuộc sống độc lập, xa gia đình..!

    Ngoài ra, mỗi quốc gia khác nhau có những quy định pháp luật và văn hóa ứng xử trong xã hội khác nhau. Một hành vi được cho là bình thường ở quốc gia này, có thể là bất thường hoặc vi phạm luật ở quốc gia khác. Do vậy, để giúp các con tránh những rắc rối không đáng có khi đi du học, cha mẹ cũng nên tìm hiểu và giúp con mình có những hiểu biết nhất định về văn hóa và luật pháp của nước sở tại. Ví dụ, việc ăn kẹo cao su ở nơi công cộng là hoàn toàn bình thường ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác, nhưng nếu điều đó xảy ra ở Singapore thì là phạm luật. Và còn rất nhiều thói quen và ý thức tự giác, như việc tự trả tiền khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, không nói to, không vứt rác… Phần lớn du học sinh đến từ Việt Nam thường chưa có được những thói quen này, nên đã vi phạm một cách rất tự nhiên!

    Sự khác biệt

    Hiện giờ con gái chúng tôi đã bước sang năm học thứ ba ở một trường đại học tại Boston (Mỹ), chuyên ngành quản trị marketing. Trong kỳ nghỉ gần nhất cháu về thăm nhà, chúng tôi rất vui nhận thấy cháu đã trở nên tự tin và năng động hơn rất nhiều. Được biết, ngoài việc học ở trường, cháu còn chủ động tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, và tự mình đi xin được việc làm thực tập (co-op program), là một phần bắt buộc trong chương trình học.

    Con gái anh Lê Thanh Hải hiện đang du học tại Mỹ.

    Các trường đại học ở Mỹ đều rất chú trọng việc đào tạo và trang bị cho sinh viên những kiến thức thực tế và các kỹ năng mềm ngay trong quá trình học. Bởi vậy, sinh viên sau khi ra trường đều có được sự tự tin cần thiết và có thể làm việc một cách độc lập… Đây là khác biệt lớn của hệ thống giáo dục phương Tây và Mỹ, so với giáo dục trong nước thường nặng về lý thuyết mà thiếu thực hành. Hơn thế nữa, trong hệ thống giáo dục ở các nước phát triển tạo môi trường và khích lệ sinh viên tính chủ động và tư duy sáng tạo. Các giáo viên kể cả các giáo sư chủ yếu đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ (facilator), thay vì áp đặt kiến thức như cách dạy truyền thống.

    Không thể phủ nhận, việc đi du học sẽ giúp các con được học tập trong một hệ thống giáo dục tiên tiến hơn, học hỏi từ xã hội văn minh hơn và đặc biệt có tầm nhìn tốt hơn về cuộc sống. Tuy nhiên, đó không phải là con đường duy nhất, và không phải tất cả du học sinh sau này đều trở thành người thành đạt. Mỗi đứa trẻ có những đặc điểm và năng lực phát triển khác nhau, mỗi gia đình cũng có những hoàn cảnh khác nhau. Do vậy, sự lựa chọn cũng cần phải phù hợp với đặc thù của con và điều kiện của gia đình. Nếu có ý chí thì luôn còn cơ hội ở phía trước…

    Chúng tôi cũng nhận thấy, dù đi du học hay học trong nước, đều không ai có thể thay thế được vai trò của cha mẹ trong việc ‘giáo dưỡng’ con trẻ, bao gồm giáo dục đạo đức và giúp con phát triển tính cách. Tôi thường nhắc các con điều mà tôi đã học được: “Đừng bao giờ nghi ngờ mình sẽ đi được bao xa, nhưng cũng đừng bao giờ quên nơi mọi thứ bắt đầu.” Chỉ khi nào biết trân quý con đường đã đi qua, mới có thể tiến bước tốt trên đoạn đường tiếp theo, đó chính là đạo lý!

    Lê Thanh Hải
    Doanh nhân – Singapore

    Viethome (theo trithucvn)

  • Mỗi năm, Việt Nam chào đón một làn sóng các du học sinh hồi hương sau một thời gian dài học tập tại nước ngoài. Bất kể vì lý do cá nhân hay công việc, thì đối với một số du học sinh, hồi hương vẫn mang một nỗi buồn không tên.

    Ngày chuẩn bị lên đường, du học sinh Việt gói ghém hành lý với tất cả hy vọng. Đó có thể là hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, một nền giáo dục hiện đại hơn và một công việc lý tưởng hơn. Hoặc chỉ đơn giản là muốn tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ hơn.

    Dù lý do có là gì đi chăng nữa, thì khi đặt chân lên xứ lạ, được tiếp xúc với những thứ mà trước giờ chỉ nhìn thấy qua màn ảnh, Internet hoặc được người nước ngoài nào đó rỉ tai. Những điều mới mẻ nhanh chóng được tiếp thu, đặc biệt là đối với du học sinh, trải nghiệm càng trở nên nhiệm màu. Cuộc sống tập thể khăng khít, trường mới, bạn mới và các hoạt động ngoại khóa khiến họ khao khát được trở thành một công dân Mỹ, Canada hoặc Úc thực thụ. Quả thật, khoảng thời gian phiêu lưu đó giúp con người ta như được mở rộng tầm mắt.

    Sau khi tốt nghiệp, họ thông thạo thêm một ngôn ngữ mới, được trang bị đầy đủ kiến thức hoặc tuyệt vời hơn nữa là mang trong mình một trường tư tưởng, đạo đức và thế giới quan mới. Họ trở về Việt Nam với tất cả sự tự tin mặc dù không biết điều gì đang chờ đón mình phía trước. Và sau bốn năm, trước mắt họ là một Việt Nam thay đổi với tốc độ chóng mặt.

    Xa nhà khiến con người ta thay đổi và hiểu mình hơn. Ngày trở về, họ không tài nào thích nghi với cuộc sống cũ và cảm thấy như thể mình đang ở một đất nước xa lạ. Khoảng thời gian đầu có lẽ sẽ khiến nhiều người hoang mang tột độ.

    Một cú sốc văn hóa ngay tại quê nhà!

    Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ: Sự khủng hoảng cá nhân mà du học sinh mắc phải khác xa với cảm xúc mà một Việt kiều hoặc một người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam có thể trải qua.

    Đối với một Việt kiều, quay về không phải là điều gì to tát bởi suy cho cùng, sinh ra ở phương Tây, mang phong cách Tây từ lúc lọt lòng mẹ, Việt Nam là một vùng đất xa lạ mà họ muốn trở về để khám phá cội nguồn. Nếu trải nghiệm nơi đất mẹ có lỡ khác xa với những gì họ tưởng tượng thì cũng chẳng sao, bởi họ luôn có thể khăn gói quay về nơi mình sinh ra. Còn nếu thích nghi được, Việt Nam sẽ lấp đầy khoảng trống về cội nguồn mà họ thiếu bấy lâu nay. Quê hương tuy không đẹp hoàn hảo nhưng được là một người con đất Việt vẫn đáng để kiêu hãnh.

    Còn đối với những người ngoại quốc nhập cư, Việt Nam thú vị như một cuốn tiểu thuyết hoặc một chuyến phiêu lưu. Cho dù có sống ở Việt Nam bao lâu đi nữa, thì họ vẫn luôn khám phá được những điều mới mẻ. Và sẽ thật thần kì nếu họ nói sành sỏi tiếng Việt. Còn nếu họ cưới một cô dâu Việt, đất nước này sẽ trở nên thân thuộc như là quê hương thứ hai.

    Đó là các cảm xúc mà một Việt kiều hoặc người nhập cư sẽ trải qua khi sinh sống ở Việt Nam. Còn đối với du học sinh về nước, Việt Nam là gì trong họ?

    Có thể nói, là một người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, đất nước và con người ở đây đâu có còn xa lạ gì mà khám phá. Nói trắng ra, không ít du học sinh còn muốn rũ bỏ cái mác “Việt Nam” của mình. Nhắc tới Việt Nam, họ nhớ tới một nền giáo dục còn nhiều sai sót và những môi trường làm việc làm thì ít, bị hành thì nhiều. Sinh ra đã là một phần của thực trạng đó, lại có dịp trải nghiệm những điều tốt đẹp hơn nơi đất khách quê người. Thử hỏi, có mấy ai hào hứng trở về?

    Thế là thay vì đối diện với thực tế, họ chỉ ngồi hồi tưởng về những tháng ngày du học đẹp đẽ. Trong khi đó, bạn bè – những người học tập tại chỗ hoặc về nước sớm hơn – đã sớm ổn định. Xét về trình độ học vấn, không biết ai hơn ai, nhưng xét về những mối quan hệ xã hội – một luật bất thành văn cho sự thành công ở Việt Nam, ai xây dựng giúp họ khi họ xa quê?

    Mọi thứ kể trên là tiền đề cho sự khủng hoảng cá nhân. Nếu một du học sinh trở về và đối mặt với căn bệnh tâm lý này, đồng nghĩa với việc họ đang tự trói mình lại. Có vượt qua được hay không, tùy thuộc rất nhiều vào ý chí mỗi người. Có người chịu thua thực tại, tìm cách “chạy trốn” lần nữa.

    Còn nếu không thể “chạy trốn”, du học sinh cần phải chấp nhận thực tế và nhìn nhận một cách tích cực hơn – xốc tinh thần lên, sống cùng Việt Nam, lớn cùng Việt Nam. Sự thật đó là Việt Nam chúng ta đang phát triển. Và ở một nước đang phát triển với tốc độ chóng mặt như thế này, cơ hội là không thiếu, quan trọng là bạn có chịu nắm bắt hay không?

    Còn nếu tư tưởng sính ngoại đã ăn sâu vào các bạn du học sinh, thì cho dù họ có đi xa đến đâu, thành công đến thế nào, thì có một sự thật không bao giờ thay đổi: Họ vẫn là người con đất Việt. Nhưng, khi một con người ta chối bỏ nguồn cội của mình, thì có đi bao xa chăng nữa… cũng không bao giờ biết được mình là ai.

    Viethome (theo vietcetera)

  • Mẹ à, con hơi buồn khi mẹ hỏi con khi nào con có tiền mua nhà, mua đất và giàu có như các bạn con ở Việt Nam, cũng như các bạn Việt kiều mà mẹ gặp. Ở đây mọi thứ rất khác, con sẽ kể nôm na về cuộc sống của con ở đây, để mẹ hiểu con hơn. 

    Ngày .... tháng ... năm...

    Mẹ thân yêu,

    Con hôm nay rất vui được nói chuyện với mẹ, cũng lâu rồi con không gọi điện về. Cũng muốn nói nhiều hơn nữa, nhưng con biết mẹ sợ con tốn tiền, nên không muốn nói lâu.

    Mẹ à, con hơi buồn khi mẹ hỏi con khi nào con có tiền mua nhà, mua đất và giàu có như các bạn con ở Việt Nam, cũng như các bạn Việt kiều mà mẹ gặp. Ở đây mọi thứ rất khác, con sẽ kể nôm na về cuộc sống của con ở đây, để mẹ hiểu con hơn.

    Đúng là nếu con sống ở Việt Nam, con sẽ giàu hơn ở đây nhiều lần, con gái mẹ ở Việt Nam làm việc ở một công ty danh tiếng và lương nghìn đô. Có nhiều lý do lắm, ở Việt Nam, con không phải trả tiền nhà, tiền bảo hiểm và thuế cao. Hiện nay nhà của bọn con là 700 euro một tháng.

    Ở Việt Nam cho dù phải trả tiền nhà, cũng sẽ không đắt như thế này, cộng thêm tiền nước và điện thì tổng cộng số tiền là một nghìn euro mỗi tháng.

    Tiền bảo hiểm bắt buộc của con và anh Peter mỗi tháng là 500 euro. Bảo hiểm này bao gồm nhiều loại: sức khỏe, sự rủi ro (một ví dụ đơn giản nếu con chơi bóng và làm vỡ kính nhà hàng xóm, thì bảo hiểm sẽ trả tiền đó), bảo hiểm tính mạng (nếu anh Peter hay con có vấn đề gì, bảo hiểm sẽ trả tiền bằng thu nhập của người đó, cho người còn sống, đến lúc người đó chết).

    Nhờ có loại bảo hiểm này mà mẹ anh Peter mặc dù không có lương hưu, vì bà chưa bao giờ đi làm, vẫn sống thoải mái, mua nhà và ôtô, đi du lịch, vì bà sống bằng tiền hưu và tiền bảo hiểm của bố anh ấy.

    Tất cả thu nhập của bọn con, đều phải trả thuế 40%, lương của anh Peter hiện nay là 2650 euro, sau thuế còn 2.000.

    Lương của con thì không ổn định, nhưng cũng luôn bị trừ trực tiếp như vậy, ví dụ những buổi dạy tiếng Việt con được trả 100 euro thì tiền trong tài khoản luôn là 60 thôi. Đôi khi dạy tiếng Việt cho cá nhân đi du lịch, con đề nghị họ trả tiền mặt (tức trốn thuế), họ sẽ đồng ý, nhưng mặc cả, thay vì 20 euro một tiếng, họ sẽ đưa 14 euro thôi thì cũng như nhau. Khi đó thì con sẽ thích họ trả cả thuế hơn, vì càng nộp nhiều thuế, thì tiền hưu sẽ càng nhiều.

    photo 1589262804704 c5aa9e6def89
    Ảnh: unsplash

    Vì những điều đó, mà sau khi trừ các khoản và ăn uống, tiền để dành của bọn con là không nhiều. Thực ra, đa số dân số ở đây cũng vậy thôi, bù lại luôn cảm thấy yên tâm, vì bất kỳ chuyện gì xảy ra, nhà nước và bảo hiểm sẽ lo hết, mình không cần lo gì cả.

    Tiền con đi bệnh viện là rất nhiều, con chỉ cần ký giấy, bảo hiểm trả. Nếu giả sử anh Peter mất việc, anh ấy sẽ vẫn được nhận số tiền trợ cấp bằng 90% lương cũ, cho đến ngày có việc mới (thời gian anh Peter mất việc là như thế, vì vậy mặc dù bố mẹ ở Việt Nam giục nhiều, anh ấy cũng không vội vàng tìm việc mới!).

    Những người có thu nhập như bọn con, gọi là trung bình khá, là như vậy.

    Những người có thu nhập thấp, như mấy anh chị Việt kiều vẫn biếu mẹ tiền mỗi khi về Việt Nam, chị Hà hay chú Trung, thì lại ‘cực kỳ sung sướng’. Thu nhập thấp là dưới một nghìn euro một tháng. Nhà nước sẽ trợ cấp thêm tiền nhà, tiền điện nước, tiền bảo hiểm, con cái và thậm chí cả đi lại và xem ca nhạc. Những người này, nếu làm thêm (trốn thuế) thì sẽ tiết kiệm giàu hơn những người như bọn con (nhưng nếu bị phát hiện trốn thuế thì sẽ bị phạt tiền nặng và đi tù). Cũng vì thế mà những người như chị Hà không bao giờ có ý định kiếm việc đi làm, vì tính ra, sẽ thiệt vô cùng. 

    Bọn con có thể sẽ lên được mức trung lưu, nếu con cũng đi làm chính thức như anh Peter, tức là 5 ngày, 40 tiếng một tuần. Nếu con đi làm bây giờ, số tiền con sẽ nhận được khoảng 1.500 euro (đã trừ thuế), thu nhập của con sẽ là tiền tiết kiệm, mỗi năm sẽ là khá nhiều. Nhưng con đã không đi làm, vì lý do ba năm đầu không được sinh con, và mỗi năm sẽ chỉ được nghỉ 10 ngày phép.

    Thực ra tuần trước con đã chuẩn bị ký hợp đồng làm cho một hãng bảo hiểm, nhưng rồi lại thôi vì con nghĩ bây giờ bố mẹ vẫn còn sống và mỗi năm con chỉ có thể về Việt Nam 10 ngày, rồi lại đi, thì chịu sao được. Mà nếu nghỉ quá thì bị đuổi việc (bị mất việc thì vẫn được trợ cấp, nhưng bị đuổi thì không được gì hết). Hơn nữa, nếu sinh kịp cháu bây giờ thì nó còn kịp gọi ông bà ngoại. Sau ba năm nữa, biết chuyện gì xảy ra. Vì thế mà đến giờ này, con vẫn không làm chính thức ở đâu cả.

    Vì vậy mặc dù thu nhập của con bây giờ là không ổn định và không nhiều, con vẫn rất yêu cuộc sống của con bây giờ, làm tư vấn, ba ngày một tuần, thời gian còn lại làm thêm các việc khác, chăm sóc nhà cửa, chơi thể thao và làm được nhiều việc mà con thích. Nếu có con, con hoàn toàn tiếp tục làm như thế này được.

    Anh Peter rất ủng hộ công việc này và không bao giờ ép con đi làm chính thức ở đâu cả.

    Bọn con cùng thống nhất mục đích sống là không cần nhiều tiền, đủ ăn và tự do, làm được những việc mà mình thực sự mong muốn.

    Dĩ nhiên nếu con làm kinh doanh được, như chị Thảo, thì cũng sẽ giàu lắm, nhưng sao con không thích việc kinh doanh chút nào cả, phải lo nghĩ và tính toán, và con cũng không biết là phải lo nghĩ và tính toán thế nào.

    Con thích công việc bây giờ của con. Và việc con thích nhất là nếu con nhớ bố mẹ và gia đình, con có thể mua vé và về bất kỳ lúc nào, không cần xin ai hay có bất kỳ điều kiện gì khác.

    Nếu anh Peter đi công tác ở một nước nào, con luôn đi cùng được, lại được du lịch và khám phá.Con không thích như chị Hạnh, bạn Nhung hay em Lan ở đây, có thể mua vé về bất kỳ lúc nào, nhưng không bao giờ về được vì phải đợi ba năm mới đủ 30 ngày phép cho một lần về.

    Mọi người ghen tỵ với con lắm, nhưng chưa bao giờ con ghen tỵ với số tiền tiết kiệm mà mọi người có được trong ngân hàng.

    Vài dòng tâm sự với mẹ về những suy nghĩ của con, có lẽ cũng không được bình thường lắm. Mẹ yên tâm một điều, con vui với cuộc sống, với cơ hội con đang có và những việc con đang làm. Con có thể không nhiều tiền, nhưng con rất hạnh phúc.

    Con yêu và nhớ bố mẹ nhiều.

    Con Hằng Nga.

    Viethome (theo VnExpress)

  • 'Tôi rất hối hận vì việc quá nuông chiều và cho con đi du học một cách mù quáng. Khi cho con đi du học các mẹ nên chú ý đến năng lực học tập và khả năng tiếp thu của con chứ đừng quá “hướng ngoại”, một phụ huynh cho hay.

    Hiện tại, Việt Nam đang là nước có tỷ lệ cha mẹ đầu tư cho con đi du học nước ngoài theo kiểu “không tiếc tiền bạc” khá cao. Nhiều bậc phụ huynh còn luôn tồn tại suy nghĩ “hi sinh đời bố củng cố đời con”.

    Đã có rất nhiều du học sinh dành được tấm bằng tốt nghiệp đại học nước ngoài danh giá và có một công việc tốt, một vị trí xứng tầm, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều du học sinh “quá sức” sau đó thất bại trở về, kéo theo những khoản nợ của bố mẹ. Không ít em sống trong bi kịch là trầm cảm và sống tách biệt hẳn với cộng đồng.

    Trong một cuộc trò chuyện cùng một người chuyên làm về tư vấn du học, PV báo Infonet được chị cho biết: “Mặt trái của du học có rất nhiều câu chuyện đau buồn mà ít ai nhắc đến vì không ai muốn xoáy sâu vào nỗi đau của những người thất bại.

    Tôi đã từng chứng kiến một bạn du học sinh có nguyện vọng sang Nga. Trước đó, gia đình bạn này cũng tới một số trung tâm và được hứa hẹn đủ thứ. Bản thân học sinh đó sang Nga nhưng tiếng Nga cũng chỉ biết một ít. 

    Trước khi đi, em bị áp lực khi cả nhà dồn hết sức cho mình đi nên khi sang đó, dù không theo kịp được chương trình nhưng em cũng không dám về nước. Cuối cùng, em rơi vào tình trạng trầm cảm và bố mẹ phải đưa về chữa trị chứng bệnh thần kinh”.

    PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng chị Hoàng P. N (Hà Nội), chị N. cho hay: “Vợ chồng tôi sống ly thân từ khi con trai mới học lớp 8. Tôi có một chuỗi kiot kinh doanh ở khu vực sân bay Nội Bài nên về kinh tế cũng không quá thiếu thốn. Chỉ có một đứa con trai nên với việc học hành của con, tôi luôn đầu tư hết mình.

    Năm 2011, tôi cho con sang trường Auckland của New Zealand học ngành tài chính để sau này về kế nghiệp mẹ. Thế nhưng, do là con trai mải chơi nên chỉ được 6 tháng, học thì ít, quậy phá thì nhiều, cu con đòi về nước.

    2 năm sau, tôi lại đầu tư cho con sang học ngành kinh tế tại Mỹ. Do chưa có một chút kỹ năng sống nào vì khi còn ở Việt Nam được tôi bao bọc từng chút, nên sau khi sang Mỹ một thời gian năm, con lại vẫn không theo kịp nhịp sống cũng như phương pháp học, tiếng Anh cũng không thạo, cháu lại chán nản muốn về nước. Thương con, tôi đồng ý cho con về.

    Bằng tuổi con, nhiều bạn học đại học trong nước cũng đã gần xong nhưng lần này con bỏ về nước coi như tay trắng. Suốt ngày con rong chơi, tụ tập bạn bè rồi cũng chán. Đầu năm 2014, con lại năn nỉ cho sang Mỹ học ngành công nghệ. Lần này, con hứa sẽ chịu khó, khi nào cầm tấm bằng trên tay mới về nước.

    Mặc dù công việc kinh doanh mấy năm nay thua lỗ nhưng thương con, tôi vẫn đầu tư cho con đi lần nữa, lần này xác định là “được ăn cả, ngã về không”. Đến giữa 2015, con bị nhà trường buộc thôi học vì thường xuyên nghỉ học và điểm tích lũy quá thấp.

    Thế nhưng, con lại không nói cho tôi, cũng không chịu về nước. Cuối năm 2015, con mới gọi điện khóc. Đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm tôi mới thấy nó khóc, rồi nó xin mẹ sang đón nó về nước. Sang đưa con về trong tình trạng người con đờ đẫn, mất phương hướng. Về Việt Nam, tôi cho đi khám thì bác sĩ nói con có dấu hiệu của người bị trầm cảm, cho tới giờ vẫn hay bị kích động”.

    Chia sẻ về những thất bại của con, chị P.N cho hay: “Tôi rất hối hận vì việc quá nuông chiều và cho con đi du học một cách mù quáng. Khi cho con đi du học các mẹ nên chú ý đến năng lực học tập và khả năng tiếp thu của con chứ đừng quá “hướng ngoại”.

    Nếu ngày trước, tôi dành nhiều thời gian cho con hơn, nghiên cứu thật kỹ trước khi quyết định cho con đi du học thì giờ đây biết đâu con cũng đã có một tấm bằng đại học trong nước thay vì trắng tay, “tiền mất tật mang” như bây giờ”. 

    Du học là tốt nhưng phụ huynh cũng cần xây dựng một chiến lược đầu tư cụ thể với các mục tiêu rõ ràng cho từng thời kỳ sẽ giúp giảm bớt các rủi ro mà chúng ta phải gánh chịu”.

    Như vậy, bên cạnh những hào quang, sự thành công của một số du học sinh, thì vẫn còn những du học sinh thất bại. Đứa trẻ nào cũng thế, khi nói được du học ai cũng thích mà không cần biết nội lực của mình thế nào. Có thể thấy du học là niềm khát khao cháy bỏng của bất cứ đứa trẻ nào nhưng nếu phụ huynh không bình tĩnh và thận trọng thì có thể biến giấc mơ thành ác mộng.

    Viethome (theo infonet)

  • Áp lực việc làm đối với một du học sinh về nước là vô cùng lớn, lớn hơn nhiều so với những bạn sinh viên tốt nghiệp trong nước. Chưa kể trong thời buổi 4.0 hiện nay, những bạn sinh viên trong nước còn dễ dàng tiếp cận với kiến thức và kinh nghiệm phương Tây mà không cần phải tốn chi phí như du học sinh. Vậy lợi thế của du học sinh là gì? Là cái mác hay có gì hơn?

    Chỉ mới cách đây vài giờ, trên một group của hội du học sinh ở Anh Quốc, một bạn gái đã tâm sự câu chuyện thất nghiệp của anh trai mình và ngay lập tức nhận được rất nhiều lời khuyên:

    Mọi người cho mình tâm sự đôi chút, hôm nay chủ nhật rảnh quá ko có gì làm nên suy nghĩ nhiều 

    Anh trai mình cũng đi du học ở Anh 4 năm (3 năm undergrad + 1 năm masters). Undergrad là Bsc Accounting and Finance (Uni Reading), grad là Msc Finance (Uni of Bath). Bằng 2:1, có kinh nghiệm làm từ thiện ở oxfam và 1 internship ở uni. Tốt nghiệp từ hồi hè năm trước và về nước.

    ... tới bây giờ anh mình vẫn thất nghiệp. Kiếm việc miệt mài, về VN còn đi học thêm tiếng Nhật nhưng vẫn không xin được việc, kể cả internship. Cứ được gọi phỏng vấn xong là rớt. Càng ngày thấy ổng càng chán nản, thất vọng và gầy đi rất nhiều so với hồi 2 anh em còn ở Anh. Đỉnh điểm là ảnh vừa chia tay người yêu. Chị người yêu xin được việc ở cty lớn nên vô cùng bận, cuối tuần thì chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi cùng gia đình nên 2 người ngày càng xa nhau và cuối cùng thì chia tay.

    Mình thấy anh dạo này có vẻ có dấu hiệu trầm cảm, thường nói nhảm, nói một mình. Tuần trước đi phỏng vấn với công ty nào ấy mà bị người ta bảo em còn non kém và hơi hiền, bị từ chối, ảnh về nhà lăn đùng ra giường khóc tu tu như đứa con nít. Ba mẹ mình rất lo và buồn vì ảnh là con trai duy nhất trong nhà.

    Mình cũng không hiểu tại sao không xin được việc, chắc do phỏng vấn trả lời không tốt hay thế nào... Ảnh apply mấy job liên quan tới finance, và còn cả mấy job không liên quan ví dụ như HR hay admin, nhưng cũng không có kết quả. Người ta nhìn CV thấy đẹp gọi tới phỏng vấn rồi sau đó trượt, cứ vậy lặp lại hoài. Nộp các công ty từ lớn, trung bình tới nhỏ vẫn rớt.

    Từ bé tới giờ 2 anh em mình sống chung với nhau và vô cùng gần gũi nhau, mình chưa bao giờ thấy anh như vậy cả. Anh là người vui vẻ, hài hước và lạc quan, nhưng có lẽ do thất nghiệp lâu quá nên cảm thấy không còn vui như trước.

    Có anh chị hay bạn nào đã trải qua hay biết ai đã trải qua khó khăn như vậy chưa? Và nên làm thế nào đây? Giúp mình với...


    Nguyên văn tâm sự của cô em gái.

    Tâm sự vừa đăng lên đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm của cộng đồng du học sinh Anh. Phần lớn đều khuyên anh chàng nên đi khám bệnh, đi chơi, và quan trọng nhất là nên hạ thấp kỳ vọng của mình xuống, đừng đòi hỏi mức lương quá cao. Viethome xin trích đăng những bình luận có ích nhất:

    Một bạn nói: ''Theo mình vì chưa có kinh nghiệm thực tế, chỉ có các kiến thức academic. Chắc ở bên này lâu, không va chạm với xã hội Việt Nam nên về khó xin việc. Có thể làm được việc nhưng vòng phỏng vấn quyết định first impression. Anyway, không nên đặt kì vọng công việc quá cao, cứ bước đầu là tìm được việc đã. Uh nhưng tóm lại là vẫn nên tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ tâm lý vì không nên coi nhẹ các dấu hiệu trên. Nói nhảm một mình là nặng rồi đó, mất ngủ lâu không chữa trị là nguy hiểm''.

    Một bạn khác khuyên: "Xem lại hồ sơ xin việc và cách trả lời câu hỏi phỏng vấn. "Non kém" là nhận xét mà thường nhà tuyển dụng ít khi dùng vì nó hơi aggressive. Thường họ dùng là thiếu kinh nghiệm, hoặc chưa phù hợp với công việc. Chị nghĩ anh em nên xem lại cách trả lời phỏng vấn của mình. Anh em nên nhờ những người bạn, hoặc đàn anh đàn chị của mình interview thử rồi họ feedback lại cho. Biết vấn đề ở đâu rồi sửa. Good luck nhé ''.

    Một thành viên thắc mắc: ''Không biết anh bạn deal lương ra sao, nhiều khi họ thấy du học đòi lương cao mà kinh nghiệm chưa nhiều họ đánh rớt đó. Mình nghĩ trong năm đầu đi làm thì xin kiểu internship cọ xát vài tháng hoặc chấp nhận lương thấp tí để quen dần, cải thiện thêm thu nhập bằng cách dạy tiếng Anh chẳng hạn. Phải dẹp tự ti để hỏi han người này người kia để họ có thông tin job gì hay họ cho mình biết (networking ấy). Rải nhiều hồ sơ vào''.

    Một lời khuyên chân thành khác: ''Có thể là do anh em đã kì vọng quá nhiều ở bản thân và đòi lương cao hơn mặt bằng chung chăng? Bằng du học sinh cũng chỉ thuận lợi hơn các bạn trong nước một chút thôi. Tiếng Anh bây giờ chả cần đi du học vẫn đầy người giỏi nên cũng ko phải lợi thế gì quá khác biệt. Về bắt đầu từ đầu cũng nên khiêm nhường chút. Vấn đề tâm lý thì nan giải hơn vì do tự gây áp lực lên bản thân mình, cộng với việc so sánh mình với người khác. Nếu còn so sánh thì còn khổ thôi. Người tâm lý yếu dễ trầm cảm, hoang tưởng. Thực tế chị đã gặp tình huống 1 người bạn, cũng đi học master Anh về, không xin được việc ưng ý, mẹ bạn đó nói ra nói vào là tốn tiền du học về mà giờ không xin được việc nên bạn đó phát bệnh tâm thần đó em ạ. Và giờ không còn bình thường được như xưa nữa''.

    Một bạn khác khuyên: ''Theo mình khi trả lời phỏng vấn mà quá thật thì cũng rất dễ trượt. Mình từng làm HR tuyển dụng, thường thì đúng là mình nên thật thà nhưng có thể làm đẹp thêm kinh nghiệm mình từng có; có những kinh nghiệm mình tưởng nhỏ nhưng nếu biết cách truyền đạt khi phỏng vấn thì đều được ghi nhận. Dù hiền nhưng có thể học để trở nên tự tin. Anh bạn nên tìm người để trò chuyện, tâm lý cả thôi còn bằng cấp thế là thoải mái rồi''.

    Một lời khuyên có lý: ''Có một thực trạng chung là 80-90% những người đi du học về khó xin việc tại Việt Nam. Lý do duy nhất: Nhà tuyển dụng và ứng viên không thỏa mãn nhau. Nhà tuyển dụng thấy CV đẹp nhưng khi phỏng vấn năng lực và kỹ năng không đáp ứng nhiều. Ứng viên thường lựa chọn apply vào các công ty top, sau khi trượt sẽ giảm bớt chỉ tiêu xuống các công cty nhỏ và thấy nản. Tại sao không làm ngược lại? theo cá nhân mình, anh bạn nên nghỉ ngơi trước. Đầu óc có thoải mái thì mới có giải pháp. Chúng ta làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc. Tự làm kinh doanh cũng được đâu nhất thiết đi làm thuê''.

    Một bạn cho biết: ''Mình cũng du học châu Âu và nhận ra đa số du học sinh châu âu rất hiền và thiếu kinh nghiệm, thua xa ứng viên Việt Nam. Mình thì nghĩ có 2-3 phương án. 1 là có thể thử các tổ chức phi chính phủ trước công ty. 2 là tự học thêm kĩ năng cứmg và mềm, ĐẶC BIỆT LÀ MỀM vì du học sinh Âu vô cùng thiếu kĩ năng mềm, nhất là ở môi trường Việt Nam, học thêm tiếng có thể để tạm sau. 3 là đừng bảo cố gắng quá dễ áp lực nhưng cũng đừng bảo nghỉ ngơi đi dễ tự ti, nói chung là nó nhạy cảm lắm nói gì cũng dễ làm anh ý không ổn về tâm lí nên tuỳ trường hợp ứng xử khéo chút ạ''.

    Một bạn khuyên: ''Chị nghĩ vấn đề là kỹ năng mềm và kỹ năng trả lời phỏng vấn của anh em có vấn đề nên mới trượt từ cty lớn đến công ty nhỏ, không liên quan đến academic background. Em lại nói anh em quá lành thì khả năng là các cty thấy anh em không nhanh nhẹn và sắc sảo. Kinh nghiệm làm từ thiện oxfarm và intern có thể ko phải là real job nên anh em vẫn coi như fresh graduate thôi. Cái này phải từ từ thay đổi. Trong ngắn hạn thì gia đình nên thấy tính cách anh hợp việc gì thì đi xin việc đó, ví dụ giảng dạy hoặc nghiên cứu hoặc việc văn phòng đơn giản. Nếu quen thân ai làm doanh nghiệp thì xin cho anh vào intern 1 thời gian để họ kèm cặp và nắm được thế mạnh của anh, từ đó mới có hướng đi mới''.

    Một lời khuyên hữu ích khác: ''Ai về đa phần cũng bị vậy thôi bạn. Cuộc đời thật rất khác. Cái bằng dù giỏi cũng chỉ là vài dòng chữ. Lời khuyên của mình là luôn dành 2/3 tgian làm bất kỳ công việc j có thể làm. 1/3 để liên tục đi kiếm 1 cv mới tốt hơn và phù hợp hơn. Và tìm việc đừng apply những chỗ viển vông, nên tinh ý những nơi thực cần. Và anh bạn có thể hiện là mình được việc thì sẽ ok thôi. Chúc vui.''

    Lại có người khuyên bạn quay trở lại Anh để làm nail hoặc chạy Grab... nhưng dĩ nhiên đó không phải là điều một du học sinh muốn khi mà họ đã lựa chọn về VN để phát triển sự nghiệp.

    LỜI KHUYÊN TỪ VIETHOME

    Ngay trong đêm ở VN, Viethome đã tham khảo ý kiến của một CEO tại VN và nhận được những phản hồi như sau:

    1. Anh bạn có nên mở start-up không? Không! Với tâm lý chán nản, tự ti và thiếu kinh nghiệm thì tốt nhất là không nên mở start-up, vì sức ép lúc đó sẽ còn nặng nề gấp trăm lần. 

    2. Anh bạn có nên đi chạy grab, chạy bàn, làm những việc tay chân khác? Không. Nếu không phải chịu sức ép kiếm tiền thì tốt nhất đừng làm những công việc mà ai cũng làm được, không cần trình độ bằng cấp.

    3. Anh bạn có nên học lên tiến sĩ? Không. Nếu thích đi học thì có thể học thêm các chứng chỉ ngắn hạn để bổ sung skill.

    4. Anh bạn có nên sửa lại CV? Có, nhưng sửa như thế nào và bằng cách nào?

    - Nguyên tắc để làm đẹp CV là kéo dài khoảng thời gian mình làm một công việc gì đó và thổi phồng nó lên một chút. Chẳng hạn bạn chỉ đi thử việc hoặc làm intern trong 1 tuần, thì hãy ghi là mình đã làm công việc đó trong 3-6 tháng chẳng hạn. Muốn hiểu về một công việc nào đó, bạn chỉ việc lên mạng tìm các thông tin tuyển dụng về vị trí đó, phần Yêu Cầu Công Việc chính là nội dung mà bạn có thể liệt kê vào mục KINH NGHIỆM trong CV của mình. 

    - Hãy tình nguyện xin làm thật nhiều job nhỏ, kể cả những job của người quen, tốt nhất là các job đòi hỏi một chút trình độ. Có được chút kinh nghiệm thực tế rồi thì liệt kê và đánh bóng vào CV của mình.

    5. Có nên nộp đơn vào công ty nhỏ cho chắc chân?

    Những công ty càng nhỏ thì họ càng đòi hỏi phải tuyển được người thật giỏi và nhiều kinh nghiệm, bởi họ không có ngân sách để đào tạo người thiếu kinh nghiệm. Huống chi công ty nhỏ thì khi phỏng vấn, bạn thường được chính người chủ, giám đốc của công ty đó phỏng vấn, do đó cơ hội đậu không cao. Những người chủ này sẽ quan sát bạn từ ngoại hình cho đến tác phong, chứ không phải chỉ là bằng cấp. Do đó một người tự ti, miệng lưỡi không nhanh nhạy, không tinh ý... mà chỉ giỏi academic thôi thì rất khó gây thiện cảm với họ. Những công ty kiểu này chấp nhận ngồi chờ, cho đến khi họ gặp đúng người xứng đáng. 

    Vì sao nên nộp công ty lớn? Vì công ty lớn tuyển dụng hàng loạt và thường xuyên nên cơ hội của bạn cao hơn. Hiện nay tình trạng nhảy việc là rất cao, do đó việc các công ty tuyển dụng liên tục cũng là điều dễ hiểu. Người phỏng vấn bạn thường là trưởng phòng HR và trưởng team. Họ cũng chịu áp lực về thời gian phải tuyển được người, tuyển đủ người... do đó cơ hội đậu của bạn cũng cao bởi đơn giản là họ... mệt. Cái công việc phỏng vấn tuyển dụng thật sự rất là mệt mỏi do đó nếu bạn nắm được cái tâm lý là ''Họ cần mình'' chứ không phải ''Mình cần họ'' thì bạn sẽ thắng. 

    6. Đi phỏng vấn cần chú ý điều gì?

    Cần tìm hiểu kỹ vị trí mình nộp đơn, tính chất của công việc đó, lên các diễn đàn mà tìm hiểu, đọc những comment của người trong nghề.

    Tìm hiểu kỹ về lịch sử công ty, những sự kiện gần đây. Và trong bài phỏng vấn hãy luôn nói tốt về công ty, và bạn có thể làm gì để công ty phát triển tốt hơn nữa. Bạn chỉ cần nêu ra một ý tưởng mà bạn có thể làm đối với vị trí mình nộp đơn, để thông qua đó giúp công ty phát triển. Bạn có thể đào sâu và phát triển cái ý tưởng của mình để nhà tuyển dụng thấy bạn hiểu được vấn đề, bạn có óc sáng tạo. 

    Sáng tạo là điều mà nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn ở ứng viên. Do đó đối với mỗi cuộc phỏng vấn, bạn phải nói được những cái mới mẻ. 

    7. Làm sao để tự tin?

    Chỉ có làm việc mới giúp bạn tự tin. Do đó hãy ra ngoài và đi làm thêm, chấp nhận làm việc không ăn lương ở những vị trí giúp bạn phát triển kĩ năng. Hoặc bạn có thể đi dạy thêm tiếng Anh, tham gia làm hướng dẫn viên du lịch... Thậm chí có thể rời khỏi thành phố một thời gian để về các tỉnh, nơi người ta cần giáo viên tiếng Anh. Các tỉnh thành ở VN bây giờ rất phát triển, môi trường sống tốt hơn nhiều so với thành phố. Huống chi những công việc này đều đem lại thu nhập rất tốt, biết đâu đây lại trở thành nghề nghiệp chính thức của bạn.

    8. Có nên học thêm một ngoại ngữ khác?

    Rất nên, học có bằng càng tốt. Nếu bạn có thêm một ngoại ngữ, sau này lương của bạn sẽ gấp đôi người khác, cơ hội nhảy việc là rất lớn bởi vì lúc đó bạn sẽ THẬT SỰ CÓ ÍCH đối với nhà tuyển dụng. 

    Hy vọng với những lời khuyên trên, anh trai trong câu chuyện cũng như các bạn du học sinh sẽ tự tin và mạnh mẽ hơn khi về nước. 

    Viethome

  • Ngày cao điểm vác 3 tấn chuối, mỗi buồng nặng gần bằng mình, Tá Đông có được tư duy, sức khỏe và thu nhập sau một năm đi Israel.

    Từng được một công ty trong lĩnh vực logistics mời về làm việc từ khi còn chưa tốt nghiệp, song Nguyễn Tá Đông, 29 tuổi, sống ở Đăk Lăk lại quyết định tìm một hướng rẽ ít người đi - tu nghiệp sinh tại Israel - đất nước Trung Đông có nền nông nghiệp công nghệ cao. Dưới đây là chia sẻ của Đông về hành trình đi xây nền móng cho bản thân trước lúc lập nghiệp.

    Mỗi buồng chuối nặng 40-50 kg, có ngày Đông vác gần trăm buồng khi còn ở Israel. Ảnh: NVCC.

    Tôi quê gốc ở Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên tại Đăk Lăk trong một gia đình thuần nông đông anh em. Hiểu rõ xuất thân gia đình nên từ nhỏ tôi đã không ngừng phấn đấu. 

    Vào đại học ở TP HCM về quản trị ngoại thương, ngoài thời gian học ở trường tôi còn đi làm thêm đủ thứ và bắt đầu khởi nghiệp từ năm 3 đại học. Chưa ra trường tôi được một công ty về logistics mời làm nhân viên chính thức. Tuy nhiên sau một năm đi làm tôi thấy giá trị nông sản Việt Nam quá thấp, không xứng với công sức người nông dân bỏ ra, lại luôn đối mặt với vấn đề được mùa mất giá. Tôi trăn trở phải làm việc gì đó để thay đổi hiện trạng. Cùng lúc đó tôi biết đến tu nghiệp sinh ở Israel - học tư duy làm nông nghiệp của người Do Thái.

    Quyết định đi của tôi là chuỗi ngày đấu tranh tư tưởng vì lúc nộp hồ sơ cũng đồng thời chuẩn bị kết hôn. Với niềm đam mê nông nghiệp, tôi đánh liều vay 40 triệu đồng làm hồ sơ đăng ký. Thời điểm ấy thông tin trên mạng còn ít ỏi, gia đình, bạn bè đều phản đối, lo sợ sang đó bom đạn khủng bố. May mắn vợ tôi ủng hộ.

    Tháng 9/2015, tôi đặt chân đến Israel. Trái với lo lắng, nơi đây thật bình yên, trời Địa Trung Hải trong veo, cây oliu mọc đầy đường. Qua đây vừa học vừa làm trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh thì từ một người tiếng Anh chỉ biết "hello", tôi đã nhanh chóng giao tiếp được.

    Tại đây, tôi sống và làm việc trong một Moshav với diện tích gần 15 ha chuyên về chuối (Moshav là một loại thị trấn nơi tập hợp các nông trại). Mỗi tuần tôi được đi học một ngày, còn lại làm việc trong nông trại.

    Trường học có nhiều học viên đến từ các quốc gia khác nhau như Philippines, Lào, Campuchia, Việt Nam và một số bạn đến từ châu Phi. Chúng tôi được dạy những kiến thức về nông nghiệp, phân bón, hệ thống tưới tiêu, tiêu chuẩn nông sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thậm chí có cả những môn nghiên cứu về côn trùng học.

    Công việc ở nông trại xoay quanh trồng, chăm sóc, thu hoạch và đóng gói chuối. Với kỹ thuật tiên tiến, một buồng chuối ở đây thường đạt 40-50 kg (gần gấp đôi Việt Nam). Thời cao điểm, tôi phải bốc cả trăm buồng chuối mỗi ngày.

    Ngày vợ sinh con, tôi chỉ được nhìn qua màn hình. Thương vợ, thương con, tôi chỉ biết đăng ký vác chuối thêm để kiếm thêm mấy chục đôla gửi về. Giai đoạn đầu đời chưa có trí nhiều thì dùng sức để kiếm tiền và những đồng tiền tôi làm ra được vợ rất trân trọng. Dù ở Việt Nam tôi đã lao động tay chân nhiều, sang đây vẫn bị sốc bởi cường độ làm việc liên tục 10-14 tiếng/ngày. Trời nắng nóng, vác buồng chuối nặng gần bằng mình nên cứ mỗi tối về là vai tôi ê buốt, nhiều ngày sau mới quen.

    Sau một năm trải nghiệm học tập và làm việc tôi nhận ra rằng làm nông không phải là công việc nặng nhọc, bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà ngược lại nếu biết cách làm đúng và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tôi cũng học được tư duy làm việc của người Do Thái - rằng chỉ quan tâm tới kết quả, hiệu suất công việc chứ không cần biết đã làm như thế nào. 

    Chẳng hạn, nhóm của tôi được phân nhiệm vụ đóng gói 10 pallet chuối để xếp lên xe trong buổi sáng thì họ chỉ quan tâm tới việc chúng tôi đóng đạt, đủ hàng, còn phối hợp làm sao đó là việc của team. Cứ xong sớm là được nghỉ.

    Trước lúc đi, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng Israel có nền nông nghiệp tiên tiến nên sang đó hy vọng học hỏi được, tuy nhiên trong quá trình học tập và làm việc thực tế, tôi mới thấy rằng họ còn hiện đại gấp trăm lần so với những gì tôi tưởng tượng. Đất đai khô cằn, toàn sỏi đá. Nhà dân sinh sống ven triền đồi, nhường lại những vị trí bằng phẳng ít ỏi để làm nông nghiệp. Chính phủ cùng các nhà khoa học luôn đồng hành cùng nông dân. Trong đó nhà khoa học nghiên cứu vùng đất phù hợp với từng loại cây và không ngừng cải tiến cây giống nhằm mang lại năng suất tối ưu nhất, cùng khả năng kháng bệnh cao sau đó chuyển giao lại cho nông dân sản xuất, còn chính phủ dựa vào kết quả nghiên cứu sẽ cho quy hoạch vùng nguyên liệu, những cánh đồng mẫu lớn có thể áp dụng máy móc hiện đại vào thay thế sức người.

    Dân số ít nên lực lượng lao động chân tay cũng bị hạn chế, do vậy họ luôn ưu tiên sử dụng cơ giới hóa cho sản xuất, ngay cả việc tưới tiêu với diện tích hàng chục hecta chỉ cần một người vận hành là đủ. Tôi hiểu ra rằng trong sản xuất nông nghiệp, việc quy hoạch vùng trồng, cơ giới hóa và nắm bắt công nghệ là điều vô cùng cần thiết, bởi nó quyết định tới năng suất, hiệu quả kinh tế.

    Đông (áo đen) đang áp dụng công nghệ hiện đại vào mô hình nông nghiệp ở Đăk Lăk mà anh đang bước đầu triển khai, ảnh chụp tháng 2/2019. Ảnh: NVCC.

    Trên mảnh đất chỉ có sỏi đá và đầy hoa trinh nữ ở quê hương Đăk Lăk, tôi và những người cùng chí hướng đang biến nó thành một mô hình nông nghiệp sinh thái để người dân địa phương có thể bắt chước làm theo, tăng thu nhập, giảm sức người, đảm bảo cuộc sống tốt hơn. Nơi đó có khu vui chơi, học tập cho trẻ nhỏ và hơn nữa còn là nơi tôi có thể đắm mình với thiên nhiên, tận hưởng hoa nở, chim hót, tiếng suối róc rách. Cũng nhờ khoảng thời gian này, tôi tích lũy được một số vốn, về Việt Nam mua được 2 hec ta đất làm trang trại ở Đăk Lăk. Quan trọng nữa là cơ thể khỏe mạnh vì ngày nào cũng "đẩy tạ, tập gym" bằng buồng chuối.

    Chị Hồng Ngọc - chuyên viên tư vấn của Trung tâm cung ứng nguồn nhân lực (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, hình thức thực tập sinh nông nghiệp xuất hiện những năm gần đây mở ra một cơ hội học hỏi cho sinh viên độ tuổi 20-25. Với nhiều bạn trẻ yêu thích nông nghiệp thì Israel là lựa chọn đầu tiên giúp đào tạo kiến thức về nền nông nghiệp công nghệ cao, bên cạnh tăng cường khả năng tiếng Anh và tích lũy thêm một chút tài chính.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Có nhiều bạn hỏi tôi rằng, có nên đi du học vào cái tuổi 30 – cái tuổi mà không còn sự trẻ trung  gì nữa hay không? Liệu đi du học ở tuổi 30 về có phải là quá muộn màng? 

    Đi  du học tuổi U30 là thế nào?

     
    Đi du học ở tuổi 30 là như thế nào? Ảnh: Trạm đọc – Read station

    Là việc kiếm đủ tiền mang về trong 1 ngày còn quan trọng hơn là bài tập về nhà.Ở cái độ tuổi 30, khi bạn đã trưởng thành và chín chắn, không còn sự bồng bột, bạn sẽ nhận ra giá trị của đồng tiền nó quan trọng đến mức nào. Đặc biệt, khi bạn sống ở một đất nước khác, hoàn toàn không nhận được một sự trợ giúp nào của gia đình thì điều này lại càng quan trọng hơn. Những chi phí sinh hoạt đắt đỏ, chi phí chi trả cho tiền học phí,… lắm lúc như một gánh nặng đang bủa vây bạn. Vì vậy, mỗi ngày, mỗi ngày trôi qua bạn đều phải nỗ lực kiếm tiền. Với sự hy vọng, tiền sẽ không là yếu tố cản trở bước đường sự nghiệp mà bạn đã cố gắng mà đánh đổi.

    Là bạn hiểu rằng: tuổi trẻ của bạn chỉ còn đếm ngược từng ngày, và bạn không còn cơ hội để sai và làm lại từ đầu nữa. Hãy nhớ về khoảng thời gian bạn chỉ vừa mới 18 và đôi mươi. Khi ấy, chúng ta không có gì ngoài cái khí thế hăm hở, không có gì ngoài sức lực của tuổi trẻ. Ta cứ thế hăm hở bước đi, có vấp ngã, có đứng dậy để đi tiếp. Bởi khi ấy, chúng ta còn trẻ và chúng ta còn nhiều thời gian.

    Còn khi bạn bước vào cái độ tuổi 30 ấy – cái độ tuổi mà như người ta bảo là đã đi hết 1/3 của cuộc đời thì thời gian là thứ đáng sợ nhất. Nó giục giã chúng ta, bởi chúng ta đã không còn trẻ, không còn là những cô nàng, những cậu bé để có thể mắc sai lầm và sửa chữa được nữa. Chúng ta đang chạy đua với thời gian và chúng ta phải giảm thiểu hết mức có thể những sai lầm.

    Là bạn tự biết ai mới là người cần nghe theo và học hỏi chứ không phải ai nói gì cũng nghe như 10 năm trước nữa. 30 – là độ tuổi chín chắn để bản thân bạn hiểu rằng, bạn muốn làm gì, bạn sẽ làm gì và bạn sẽ trở thành một người như thế nào. Dù có ngàn vạn lần có những lời nói can ngăn không nên đi du học vào cái thời điểm mà người ta dựng vợ, gả chồng hết rồi, thì chúng ta vẫn sẽ nghe theo trái tim mình mách bảo và nhất quyết sẽ làm được đến tận cùng.

     
    Là bạn đã tự vượt qua được những cơn “bão” ở trong lòng của mình, để có thể tự tin, kiên nhẫn, độc lập đối diện với mọi điều sẽ xảy đến. Ảnh minh họa: Trạm đọc – Read Station

    Là bạn tự biết cách lên kế hoạch cho riêng mình, tự biết tìm bài tập để làm, tự biết phải học vì gia đình nhỏ sau này chứ không phải chỉ trả nợ nữa. Đi du học ở độ tuổi này cũng có cái lợi cho bạn. Bởi ở thời điểm này, bạn thực sự đã trưởng thành, đủ va vấp để không còn cái gọi là quá “yếu đuối” trước những cú sốc ở nước ngoài. Lúc này bạn sẽ bình tĩnh đối diện với mọi chuyện. Bạn cũng đã lên kế hoạch và mục tiêu riêng cho bản thân mình, biết sắp xếp làm thế nào đi đến vạch đích cuối cùng!

    Là khi bạn tự biết trách bản thân mình vì kết quả không như ý muốn, chứ không còn đổ lỗi cho nhà trường hay bất cứ ai nữa. Thời chúng ta 18, đôi mươi ta thường hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho những tác nhân ở bên ngoài tác động. Nhưng khi chúng ta 30, chúng ta nhận ra rằng, chính bản thân chúng ta mới là vấn đề, là do chính bản thân không cố gắng hết mình chứ chẳng hề phải do nhà trường hay bất cứ ai ở đây nữa.

    Như vậy, đi du học ở tuổi 30 bạn sẽ có những lợi thế và ắt hẳn cũng sẽ có những bất lợi.

    Thế nhưng: “Chúng ta có cả đời để làm thứ chúng ta thích” 

     
    Chúng ta có cả đời để làm thứ chúng ta thích cơ mà. Ảnh: Fe Angada – Group Film Photo Club

    Tôi vẫn nhớ như in câu nói của cô bạn Thái Mỹ Phương- cô bạn cũng du học ở tuổi 30: “Chúng ta có cả đời để làm thứ chúng ta thích” cơ mà.

    Tuổi tác sẽ không quyết định đến việc chúng ta muốn học, tôi cho là vậy. Chúng ta có cả đời để làm thứ chúng ta thích. Thời gian chỉ giúp củng cố câu trả lời là muốn hay không mà thôi.  Tôi cho rằng chuỗi thời gian trên là hợp lý. Du học tự lập cần một khoảng thời gian cần thiết và hợp lý để củng cố kinh nghiệm, sự nghiệp, tài chính và lòng dũng cảm.

    Vì vậy, đi du học ở tuổi 30 hay không? Câu trả lời nằm ở chính bản thân bạn. 

    VietHome (Theo tramdoc)

  • Mỗi năm có đến hàng trăm, hàng nghìn bạn trẻ Việt Nam ôm ấp nhiều ước mơ và hoài bão đến đất nước Nhật Bản. Nhưng tiếc thay, không phải ai trong số họ cũng có thể trở về...

    Vào ngày 19/2, các nhà sư của các ngôi chùa Nisshinkutsu, ở Minato-ku, Tokyo - nơi lưu giữ bài vị của rất nhiều người trẻ Việt bỏ mạng ở Nhật Bản đã đến thành phố Bắc Giang, Việt Nam để thăm gia đình nữ thực tập sinh quá cố Nguyễn Thị T. (36 tuổi).

    Di ảnh và bài vị của chị T. được các nhà sư ở Nisshinkutsu đưa về quê nhà Bắc Giang. Ảnh: Asah

    Được biết, chị Nguyễn Thị T. đến Nhật Bản để học tập và làm việc, nhưng gần đây, người bạn cùng phòng bất ngờ phát hiện chị tử vong tại phòng riêng khi vẫn đang nằm trong chăn. Theo phỏng đoán ban đầu, có thể nguyên nhân cái chết của chị Nguyễn Thị T. là do làm việc quá sức, dẫn đến đột quỵ.

    Kết cục đau đớn của chị T. cũng chính là nỗi lo sợ của rất nhiều gia đình có con cái đến Nhật Bản với hi vọng tìm kiếm cơ hội mới. Đã từ lâu, người ta coi cái cụm từ "được đi Nhật" giống như một tấm vé đến với xứ sở văn minh và giàu sang hạng nhất nhì thế giới. Người trẻ đi Nhật khiến gia đình mở mày mở mặt với lối xóm; thực dụng hơn thì bà con cô bác họ hàng nhờ vả xách tay món này, mua hộ món kia... Chẳng mấy ai thấu hiểu nỗi khổ của những người con xa xứ, vật lộn với cuộc sống ở đất nước có áp lực xã hội dân sinh cao cũng vào hạng nhất hành tinh.

    Riêng ở Nhật Bản, văn hoá bán mạng vì công việc, làm việc đến chết từ lâu vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối trong xã hội nước này. Vì vậy, những người trẻ từ Việt Nam bước chân đến vùng đất này cũng không ngoại lệ, họ bắt buộc phải chạy đua để tìm kiếm chỗ đứng cho mình ở môi trường khốc liệt đó, trong lòng vẫn mang nhiều ước mơ, hoài bão và hi vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

    Thống kê số lượng người Việt Nam đến Nhật Bản theo diện du học tăng cao trong những năm qua.

    Ngôi chùa Nisshinkutsu, nơi hiện nay vẫn đang là chốn đi về cho các phật tử Việt Nam ở nơi xa xứ và đồng thời cũng lưu giữ bài vị của 81 người trẻ tuổi được xếp thành hàng trên hương án, tất cả đều qua đời chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2012 cho tới cuối tháng 7 năm 2018. Những cái tên viết ngay ngắn trên bài vị cho thấy, cả 81 người này đều mang quốc tịch Việt Nam. Những nhà sư ở đây cũng buồn bã nói rằng họ đến Việt Nam để mong được nghe câu chuyện về hoàn cảnh của gia đình những người trẻ bỏ mạng ở Nhật Bản, tại sao họ chọn xa xứ, dày vò bản thân trong những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời chỉ để "chết".

    Mặc dù đã nghe nhiều người cảnh báo về những vất vả và khó khăn sẽ gặp phải khi mưu sinh tại nước Nhật, thế nhưng, họ lại không thể dừng lại lúc đối mặt những vấn đề bất ổn, khi mà khoản tiền gia đình chi cho họ để xa xứ thường tốn cả một gia tài, và những gì mà họ đã cố gắng nơi đất khách bỗng trở thành cái cùm giam giữ người Việt khỏi con đường hồi hương - chiếc cùm mang tên "hi vọng".

    Vì sinh hoạt phí ở Nhật Bản vô cùng đắt đỏ, nên nhiều người trẻ Việt chỉ có cách chọn một món ăn có giá không quá cao, dù không đủ chất dinh dưỡng như mì gói làm thức ăn trường kỳ để tiết kiệm tiền, đồng thời vẫn duy trì cường độ làm việc cao khủng khiếp để bắt kịp với chính những người Nhật Bản khác. Không biết từ lúc nào, họ lao đầu như thiêu thân vào guồng xoáy "Karoshi" - làm việc đến chết chỉ mong có thể kiếm được thật nhiều tiền gửi về cho gia đình, những người đang ngày ngày đặt niềm tin và kỳ vọng vào họ.

    Nhưng hiện thực vô cùng nghiệt ngã, ngày ra đi, cả gia đình đến sân bay tiễn những cô cậu thanh niên hừng hực sức trẻ đến một đất nước xa xôi học tập, làm việc, để rồi đến một ngày nhận được tin dữ: Người con tha hương đã nằm lại mãi nơi đất khách quê người. 

    Viethome (theo helino)

  • Mỗi người có tiêu chuẩn đánh giá cái đẹp khác nhau, có thể bạn đẹp trong mắt người này nhưng lại xấu trong mắt người khác và ngược lại. Hãy tự tin lên sau khi nghe câu chuyện về cô gái này này nhé.

    tro thanh hotgirl o ha lan 1

    “Bạn thực sự rất đẹp, sao họ lại chê?”

    Hà Lan là một trong những quốc gia văn minh và đáng sống nhất thế giới. Điều mình thích nhất khi sống ở đây là bản thân có thể làm mọi điều mình thích, không cảm thấy lo sợ người khác nghĩ gì. Mình có thể mặc bất kì kiểu quần nào, kể cả có thiết kế lạ mắt hoặc màu mè cũng không có ai nhìn mình chằm chằm rồi chỉ trỏ bàn tán sau lưng.

    Vì Hà Lan là một nước có dân nhập cư từ hầu như mọi nơi trên thế giới đến học tập và làm việc, xã hội ở đây khá cởi mở đón nhận cũng như tôn trọng về các vấn đề khác biệt trong văn hóa và phong tục.

    Nhiều người Hà Lan không muốn kết hôn mà chỉ đính hôn hoặc chuyển đến ở cùng nhau và có con.

    Họ cho rằng, đính hôn và kết hôn cũng không có gì khác nhau ngoài việc giấy tờ nhà sẽ đứng tên hai người. Rất nhiều người bạn của mình bố mẹ giờ hơn 60 tuổi, sống cùng nhau bao nhiêu năm mà vẫn chưa kết hôn.

    Họ không mang theo mình nỗi lo nếu không kết hôn thì người kia sẽ có thể bỏ mình bất cứ lúc nào. Giấy kết hôn không phải là thứ để ràng buộc tình yêu và đám cưới cũng không quan trọng. Nếu vợ chồng không có khả năng sinh con, bố mẹ, họ hàng, láng giềng không ai trách móc hay bàn tán cả.

    Họ chấp nhận chuyện đó và vẫn sống hạnh phúc với nhau đến cuối đời hoặc không cần có con, hoặc xin con nuôi. Chồng muốn có thêm con thì phải hỏi ý kiến vợ, vợ không muốn sinh nữa thì cố gắng thuyết phục hoặc chấp nhận sự thật và xin con nuôi.

    tro thanh hotgirl o ha lan 1

    Hồi còn ở Việt Nam, nhất là sống ở Hà Nội, mình hay có kiểu tự ti vì da mình không trắng, mình nhìn “không sang” như những người khác, hay sợ người khác để ý, đánh giá về ngoại hình của bản thân.

    Cảm giác lướt qua một con ngõ và cả ngõ nhìn rồi bàn tán rồi chê bai thật sự là một cảm giác khó chịu vô cùng. Dáng người mình chỉ hợp mặc váy để che nhiều khuyết điểm trên cơ thể, khi mặc quần dài thì sẽ không tôn dáng, nhìn lùn hơn và sẽ bị lộ mông to, mặc áo bó sẽ bị lộ tay to.

    Lúc đó, mọi người sẽ có xu hướng nói: “Mông to thế sao không mặc áo dài qua mông che lại? Sao nó béo thế nhỉ? Nhìn nó mặc váy kìa, dáng đã không đẹp rồi còn bày đặt”.

    Thậm chí bạn bè cũng hay trêu mình: “Sao mày béo thế? Sao tay mày to thế? Sao mặt mày như cái mâm vậy? Tội nghiệp, tao thì ăn mãi chẳng béo, mày thở thôi mà cũng tăng cân”.

    Ở Hà Lan, chẳng ai dám nhận xét về người khác như vậy. Bạn bè lâu năm hay người thân trong gia đình cũng không được phép bởi vì những câu trêu đùa đó mang lại cho người bị trêu cảm giác không thoải mái.

    Cô gái Việt trên đất Hà Lan
    Thêm nữa là tiêu chuẩn gầy-béo của người Hà Lan khác mình và trên hết là họ “không quan tâm”. Người Hà Lan không có thói quen soi mói nhiều vào các vấn đề riêng tư của người khác.

    Và dù nghe thật phi lý, nhưng khi mình than thở với các bạn chuyện gọi video về nhà bị mọi người chê béo, đen và xấu, thì tất cả mọi người bên này đều đáp lại: “Mày bị điên à? Mày mà béo cái gì? Mày thực sự rất đẹp, mày có thể trở thành hot girl ở Hà Lan. Tại sao họ lại có thể thốt ra những lời như vậy với mày nhỉ?”.

    Nhiều lúc mình tự ti khi bị mọi người ở Việt Nam chê bai, lâu dần mình tự mặc định là mình béo và xấu. Nhưng hầu hết tất cả những bạn trai mình hẹn hò ở Hà Lan lại nhận xét về mình là: “Em đẹp, dễ thương, ngọt ngào và tuyệt vời”. Chẳng lẽ mắt thẩm mỹ của họ có vấn đề gì sao?

    tro thanh hotgirl o ha lan 1

    Đã rất lâu rồi sau 21 năm sống ở Việt Nam, mình cuối cùng cũng trải nghiệm được cảm giác được làm điều mình thích mà không phải lo sợ người khác nghĩ gì. 

    Theo Yeah1

  • Có bằng tiến sĩ, cộng với thâm niên nhưng lương của tôi chưa đến 8 triệu đồng.

    Tôi trở về Việt Nam làm giáo viên cấp 3 sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ở Vương quốc Anh. Thời gian đầu, tôi hồ hởi với công việc lắm, muốn mang lại một hơi thở mới mẻ, hiện đại vào môi trường giáo dục trung học phổ thông, vốn rất nặng nề và căng thẳng.

    Có thể nói, tôi đã đạt được một phần nào đó tâm nguyện của mình, khi vào dịp 20/11, tôi nhận được những tấm thiệp của học trò, nói rằng chúng chưa bao giờ yêu thích môn học do tôi dạy như thế. Tôi như có thêm động lực để tiếp tục những đổi mới và truyền cảm hứng, khát khao cho học trò.

    Nhưng thời gian trôi qua, tôi bắt đầu cảm thấy có nhiều những việc mà mình không thể thay đổi và cũng khó chấp nhận, khiến cho việc đi dạy không còn nhiều hứng thú nữa.

    Đầu tiên là việc đánh giá hạnh kiểm học sinh. Tôi cho rằng không ai có thể đánh giá đạo đức của một con người, nhất là học sinh. 

    Các em đến trường để học. Cho dù các em có mắc lỗi, thì những hình phạt ở trường cũng cần phải mang tính giáo dục và nhân văn. Làm sao có thể coi việc phê bình học sinh trước lớp chỉ là bước một của hình thức khiển trách? Thầy cô nghĩ thế nào khi gọi tên em, để em đứng lên và nghe thầy cô nêu những sai phạm của em trước tất cả bạn bè trong lớp? Rồi hình thức phê bình trước cờ nữa. Tôi thấy chúng quá nặng nề. Việc hạ hạnh kiểm của một học sinh xuống mức Khá đối với tôi là không nên làm, chưa nói đến hạ xuống mức Trung bình hay Yếu.

    Việc đánh giá đạo đức Khá đối với một học sinh đã phủ nhận những điều tích cực nơi em, vì có thể em phạm lỗi đi trễ, quên sách, nói chuyện (lỗi nào cũng bị trừ điểm và cứ trừ 10 điểm thì bị hạ một bậc hạnh kiểm, tuỳ trường), nhưng em có thể là một người con rất hiếu thảo ở nhà, một người bạn rất chân thành... Rồi đến nghỉ có phép, cha mẹ đến trường xin cho con nghỉ ốm cũng bị trừ điểm hạnh kiểm.

    Trường có đội cờ đỏ đứng trực để ghi tên các bạn vi phạm nội quy và đi trễ. Việc này theo tôi là không nên duy trì nữa, vì ảnh hưởng thời gian nghỉ giải lao của các em. Nó cũng vô tình làm cho các em thêm tính xét nét đối với người khác. Việc em ghi tên bạn vào sổ để bạn bị trừ điểm hạnh kiểm có mục đích giáo dục gì cho em? Có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ của em với các bạn bị em ’bắt’?

    Việc kiểm tra, thi cử diễn ra thường xuyên và tạo áp lực lớn cho học sinh. Việc phải học theo một sách giáo khoa khiến các thầy cô không thể mở rộng và cập nhật nhiều kiến thức mới, vì dạy ‘ngoài lề’ như vậy sẽ khiến các em thiệt thòi khi kiểm tra đề chung, vì đáp án sẽ chỉ dựa vào nội dung ghi trong sách giáo khoa. Cũng vậy, học sinh phải học thuộc rất nhiều trong sách.

    Việc xếp hạng giáo viên còn nhiều bất cập. 

    Mục đích của việc xếp hạng là để tạo động lực cho giáo viên nâng cao trình độ. Bản thân tôi hiện có bằng Tiến sĩ và "được" xếp là giáo viên hạng III, là hạng thấp nhất có thể xếp. Các anh chị đồng nghiệp của tôi, có nhiều người chuyên môn rất vững, có bằng Thạc sĩ, nhưng không thể nộp hồ sơ xin thăng hạng vì không có chứng chỉ tiếng Anh.

    Tôi tin là quy định về tiếng Anh ở mức A2 và B1 hiện nay, nếu có, thì nó cũng không giúp ích được nhiều cho các thầy cô nghiên cứu tài liệu nước ngoài, và họ phải dạy theo sách giáo khoa. Lưu ý là trong sách cũng phiên âm nhiều từ khiến học sinh khó tìm kiếm trên mạng nếu muốn tìm hiểu thêm, như ‘máy bay e-bớt’, ‘biển Măng-sơ’ hay ‘vùng Ma-xơ Rai-nơ’. Nên chăng, tuỳ theo môn học mà quy định chứng chỉ tiếng Anh hay không. Để bắt kịp với xu thế của thế giới, thì việc này cần tiến hành ngay khi đào tạo sinh viên sư phạm để họ có thể đọc tài liệu, thậm chí giảng dạy bằng tiếng Anh.

    Lương giáo viên rất thấp. Hiện nay, dù có thâm niên công tác, tôi được nhận chưa đến 8 triệu một tháng. Vật giá ngày càng cao, lương người giúp việc bình quân cũng đã 5 triệu đồng rồi, mà nhà giáo chúng tôi chỉ nhận được bấy nhiêu, thì làm sao chúng tôi xoay sở? Làm sao là thầy cô hạnh phúc để truyền lửa cho học trò?

    Viethome (theo VnExpress)

  • Được biết, tác giả của bức hình này vô tình đi lang thang trong khuôn viên trường thì bỗng nhiên bắt gặp 3 cô gái du học sinh đang trên đường trở về ký túc xá sau khi đi siêu thị.

    Trong quan niệm của nhiều người, gái Tây sở hữu những nét đẹp nổi bật rất riêng của chủng tộc mình - như đường nét khuôn mặt sắc sảo, mũi cao, da trắng, mắt hai mí… Bên cạnh đó, chế độ ăn cùng môi trường khí hậu cũng giúp họ sớm phát triển những đường nét cơ thể, trở nên quyến rũ hơn. Những nét đẹp như vậy ngày nay thường được tôn vinh và xem như chuẩn mực đối với đa phần người dân trên thế giới.

    Do đó, không ít phái đẹp Châu Á quyết dành ra một số tiền không nhỏ để phẫu thuật thẩm mỹ, giúp mình sở hữu chiếc mũi cao, làn da trắng trẻo hơn... Và không thể phủ nhận rằng nhan sắc gái Tây hoặc những cô gái lai Tây bao giờ cũng thu hút được một sự chú ý và ngưỡng mộ không hề nhỏ tại Châu Á.

    Chẳng thế mà mới đây tại Trung Quốc, chỉ sau vài tấm ảnh vô tình được chụp trong khuôn viên 1 trường đại học mà 3 cô du học sinh người Tây lập tức gây sốt MXH nước này.

    Bức ảnh chụp 3 cô gái Tây xinh đẹp và tươi tắn gây sốt MXH Trung Quốc.

    Được biết, tác giả của bức hình này vô tình đi lang thang trong khuôn viên trường thì bỗng nhiên bắt gặp 3 cô gái du học sinh đang trên đường trở về ký túc xá sau khi đi siêu thị. Bị hút hồn bởi làn da trắng, thân hình cao ráo quyến rũ cùng sự tươi tắn phóng khoáng của 3 cô gái này, anh chàng đã nhanh tay chụp lại vài tấm hình rồi đăng tải chúng lên MXH. Chẳng ngờ chỉ sau một thời gian ngắn, bài đăng này đã lập tức thu hút được vô vàn sự chú ý từ cư dân mạng. Hầu hết mọi người đều xuýt xoa khen ngợi nhan sắc cùng những đường nét đáng ao ước của 3 cô gái này. Phong cách ăn mặc thoải mái năng động giúp phô hết vẻ đẹp hình thể cũng là sức hút đặc biệt khiến nhiều người thi nhau truy lùng info những nữ du học sinh Tây.

    Phát hiện ra chàng trai đang chụp ảnh mình, các cô gái xinh đẹp còn thân thiện đưa tay vẫy chào.

    Phong cách ăn mặc thoải mái năng động giúp phô hết vẻ đẹp hình thể.

    "Vừa xinh vừa trắng vừa cao, không biết họ ăn gì mà hoàn hảo thế nhỉ?"

    "Ôi họ toàn mặc đồ rất giản dị mà sao vẫn toả ra phong thái ngút trời được như vậy cơ chứ? Cầu info hỡi các anh em cộng đồng mạng!"

    "Mấy bạn du học sinh trường tôi cũng xinh dã man luôn. Mỗi lần họ đi lại trên sân trường là thấy ai cũng ngước nhìn hết. Đúng là dân Châu Á chúng ta vẫn không thể nào rời mắt khỏi những nét đẹp của người Tây được, trong khi rất nhiều người trong số họ lại yêu thích vẻ đẹp của dân Châu Á."

    Viethome (theo Kênh 14)

  • Chắc hẳn trong số những du học sinh đi du học ở nước ngoài thì đa số 99,9% sẽ thường xuyên nhận được một câu hỏi quen thuộc đến kinh điển của những người bạn nước ngoài. “Are you Chinese?” – Bạn có phải là người Trung Quốc không?

    Dưới đây là vô vàn những sự đồng cảm đến từ các bạn du học sinh du học từ nhiều quốc gia:

    Đây là trường hợp của bạn Nguyễn Hoàn, được nhận xét giống với người Trung Quốc ngay cả trong những comment của người bạn trên facebook.

    Ảnh: Nguyễn Hoàn – Du học sinh Việt Nam.

    Bạn Nguyễn Anh – du học sinh tại Nhật cho biết: ” Từ ngày qua Nhật toàn bị nhầm là Trung Quốc với Nhật, không ai nói là Việt Nam hết, ngay cả người Nhật còn tưởng mình là người Nhật trừ khi mình nói chuyện họ mới biết là Việt Nam”.

    Bạn Trần Ngọc Mai:  “Đây nó không hỏi. Đến chào nihao rồi quất 1 tràng tiếng trung không hiểu mô tê gì luôn”.

    Kimmie Hoàng thì bị nhầm hết từ Trung Quốc tới qua Thái Lan, không thì nhất mực nghĩ tao sinh ở Mỹ. Tao phải hỏi tụi nó “bộ mặt tao không giống Việt Nam hả?” Tụi nó bảo không . Sống 23 năm ở Việt Nam chưa bao giờ cảm thấy kì cục hơn.

    Lâm Tuấn Kiệt thì cho hay: “Đây chúng nó còn chẳng hỏi. Mặc định Á – Đông là Trung Quốc hết”.

    Bạn Phước Toàn con rơi vào trường hợp: “Gặp ngay một người Trung Quốc nó còn đứng lại phang nguyên tràng tiếng tàu vào mặt mình rồi choàng vai kiểu như thôi nào anh bạn chúng mình người tàu với nhau mà, giải thích 1 chút nó mới xin lỗi mình”

    Chưa hết, có bạn còn phải trường hợp ” đắng lòng” hơn: Chắc không ai đắng như mình, gặp chị người Việt hẳn hỏi luôn hỏi mình có phải người Trung Quốc không.

    Tới mức bất kể đi đâu, trên đường, ở nhà, người trung tiến tới nói 1 tràng tiếng Trung và khi mình kêu không phải người Trung thì họ hết sức ngỡ ngàng. Đi mua đồ nói chuyện với bạn mà mấy chị tiếp thị ra tiếp thị bằng tiếng Trung luôn.

    Hỏi nhiều hỏi riết, chỉ muốn hét lên với chúng nó: “Tao không phải người Trung Quốc. Tao là người Việt Nam. Việt Nam hiểu chưa?

    Vậy vì đâu nên nỗi? 

    Sâu xa nhất của nguồn gốc lịch sử của câu chuyện muôn thuở này đó là do Việt Nam và Trung Quốc đều là hai nước thuộc khu vực châu Á, thuộc chủng tộc Môn-gô-lô-it nên có vẻ ngoài tương đối giống nhau. Hơn nữa Trung Quốc là một trong những nước mà có số dân đông nhất trên thế giới, sự phân bố dân của Trung Quốc hầu như có mặt khắp ở các quốc gia trên khắp thế giới, đi đâu cũng thấy có xuất hiện của người Trung Quốc. Vì vậy, trường hợp những du học sinh Việt Nam nói riêng cũng như người Việt Nam nói chung bị nhầm lẫn là người Trung Quốc là rất phổ biến.

    Nhiều bạn còn bị tưởng nhầm là người Philipines, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, với nhiều những tình huống dở khóc, dở cười.

    Làm gì khi rơi vào trường hợp như thế này: 

    Nhiều bạn đáp trả lại thẳng thừng: “Tao giống người Trung Quốc ở điểm nào. Tao là người Việt Nam, không phải là người Trung Quốc”.

    Cũng có nhiều bạn nhẫn nại, chờ khi bị hỏi xong thì giải thích với các bạn người nước ngoài rằng mình là người thuần Việt 100%. Không phải tất cả người Châu Á đều đến từ Trung Quốc, mà còn có người Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản,… cơ mà.

    Tuy nhiên, tựu chung lại, nếu bị gặp phải những câu hỏi như thế này, đa số các bạn đều cảm thấy rất bực dọc, dâng trào trong mình một cảm xúc tự tôn dân tộc. Vì vậy, hãy cho các bạn nước ngoài thấy được rằng nước Việt Nam là một đất nước so về diện tích thì nhỏ bé hơn Trung Quốc, nhưng ý chí, sự nỗ lực, phấn đấu, về nền văn hóa, lịch sử phong tục tập quán cũng không hề thua kém Trung Quốc. Hãy giới thiệu, quảng bá mang những nét đẹp ấy đến với bạn bè quốc tế, chắc chắn họ sẽ cách nhìn thay đổi về đất nước Việt Nam và sẽ để lại dấu ấn khó quên trong lòng họ, để một khi nào đó, thay bằng câu hỏi : ” Are you Chinese?” thì sẽ là ” Are you Vietnames?”.

    Chúng ta cứ phải hy vọng về một ngày không xa đó đúng không các bạn?

    Viethome