• Châu Âu đẹp và lãng mạn, đồ ăn ngon thì không cần phải kể, nhưng có một Châu Âu tiềm ẩn, mà qua rất nhiều chuyến đi đến gần 40 thành phố Châu Âu mới cho tôi những trải nghiệm và cảm nhận rõ nhất!

    Ăn mòn gia tài cha ông

    Đó là điều nhận thấy rất rõ, người Châu Âu hiện tại đang “ăn mòn” những gia tài của cha ông để lại, từ những đền đài, cung điện, thậm chí cả giao thông và cơ sở hạ tầng thành phố, so với 100 năm qua gần như không thay đổi.

    Chính vì thế, một minh chứng cho việc “trông chờ” vào doanh thu từ khách du lịch, đặc biệt khách Châu Á, cho thấy, những nước lớn như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Áo… đều giầu có hơn những nước còn lại. Và một minh chứng rõ nhất, chính cuộc bạo loạn, đảo chính của phe “Áo khoác vàng” đã làm cho nước Pháp thất thu trong dịp Noel và tết Tây vừa qua, vì hầu hết sứ quán các nước đều khuyến cáo công dân nước họ không nên vào Pháp trong những ngày này nếu không có công việc quá đặc biệt.

    Hầu hết dân châu Âu rất lười biếng

    Vì được hưởng những ích lợi mà cha ông để lại, giống như người Việt Nam và Trung Quốc hay có khái niệm hồi môn và thừa kế, đã khiến cho những thế hệ sau lười biếng, thậm chí kể cả việc sinh đẻ để duy trì nòi giống họ cũng lười!

    Sự lười biếng thể hiện rõ nhất chính là dân Tây Ban Nha. Họ làm 5 ngày trong tuần, mỗi ngày bắt đầu vảo 9h sáng và 2 giờ chiều đã lục tục ra về. Hầu hết quán ăn và những dịch vụ vui chơi đều đóng của ngày thứ 7, Chủ Nhật. Người Madrid có giờ giấc ăn cũng rất lạ lùng, ăn trưa vào 2h chiều và ăn tối vào 10h đêm.

    Tôi có nói chuyện với Hoa, một chủ tiệm quán ăn người Việt ở Madrid, cô người Hải Phòng(gốc Hải Phòng và Nghệ An bao quanh Madrid khá nhiều). Để được bán hàng ngày thứ 7, Chủ Nhật, vợ chồng cô phải làm đủ loại giấy tờ để trình với các ban bệ, thậm chí phải được đồng thuận của dân cư nơi đó! Nói chung đã lười biếng lại hay nhiễu nhương. Và đặc biệt nữa, dân châu Âu rất hay biểu tình đòi tăng lương giảm giờ làm. Không hiểu họ muốn giảm xuống còn mấy tiếng một ngày như hiện giờ nữa?

    Cướp bóc và móc túi khắp mọi nơi

    Châu Âu là đường biên giới mở, có quá nhiều chính sách nhân đạo nên người nhập cư bất hợp pháp nhiều vô kể, tập trung ở những nước Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Hy Lạp…

    Khi chúng tôi di chuyển ở thành phố du lịch Barcelona, bất cứ đâu người dân đều nhắc nhở khách du lịch phải thật cẩn thận ví và túi, thậm chí họ còn ra hiệu nên đeo balo ở phía trước ngực. Rất nhiều bạn bè tôi mới vừa đặt chân đến Paris, Milan hay Barcelona đã bị móc sạch sẽ không còn đồng nào, tới mức phải cầu viện sự giúp đỡ từ Đại sứ quán vì mất cả giấy tờ tùy thân, khiến cho chuyến đi du lịch thành bi kịch.

    Một buổi tối tôi có ý nghĩ mạo hiểm, khám phá khu phố cổ Barcelona bằng một cái smartphone. Tôi đi bộ từ 9h tối cho đến 1 giờ sáng. Người vô gia cư rất nhiều, họ ngủ bờ bụi trong những hộc tường cũ, thi thoảng có vài người da đen đi theo tôi. Tôi phải giả vờ ghé một tiệm tạp hoá 24/7 mua nước uống. Khác với một Barcelona hào nhoáng, giăng kín du thuyền của các tỉ phú ngoài bờ biển thì bên trong nó vẫn còn nhiều điều tệ hại.

    Cho tiền cũng không đẻ, cho nhà cũng không ở

    Đó là quan điểm của những thế hệ 10x được sinh ra và lớn lên ở các nước như Hungary, Bungary, Tiệp Khắc, Thuỵ Điển, Bỉ…

    Tôi quen Mai, cô ấy ngoài 20 tuổi, chuẩn bị tổt nghiệp một trường danh giá tại Thuỵ Điển. Cô ấy bảo học xong sẽ đi nước khác làm, có thể Đức, có thể Thuỵ Sĩ hoặc Mỹ vì lương sẽ cao hơn, và cuộc sống phù hợp với lứa tuổi của cô!

    Dân số châu Âu đang bị báo động về người già, giới trẻ ở lại rất ít mà nguồn sống dựa vào McDonald’s, đọc Instagram cùng việc nuôi chó làm bầu bạn. Nhiều quốc gia khuyến khích sinh con thứ hai, thứ ba sẽ được trợ cấp nhưng cũng không cải thiện là bao.

    Chính vì vậy, họ phải ra nhiều chính sách nhập cư hấp dẫn để cải thiện dân số. Trong đó, người châu Á chiếm đến 80% khách hàng nhập cư hợp pháp của họ. Theo điều tra không chính thức, số lượng người Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan mua bất động sản ở các nước châu Âu nhiều vô kể. Đặc biệt, một số tòa lâu đài trồng nho và sản xuất rượu vang tại Pháp hay Thụy Sĩ đều được sang nhượng cho các tỉ phú châu Á.

    Vì một nền an sinh xã hội có sẵn

    Bạn cứ hình dung đi, khi sinh con thì nhà nước nuôi, lớn lên đến tuổi trưởng thành nhà nước cấp nhà ở, già được trợ cấp thất nghiệp và nằm bệnh viện miễn phí, nên khi được hỏi tại sao lại đánh mất sự chăm chỉ và đầy sáng tạo của người châu Âu xưa cũ – Nhiều người cho rằng, họ không cần quá giàu có, vì nếu làm nhiều tiền đóng thuế càng cao. Họ cũng không có nhu cầu xài đồ hiệu xa xỉ với Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermes… như trào lưu của người giàu châu Á. Họ cũng không muốn có trách nhiệm với ai một đó trong cuộc đời này.

    Vĩ thanh

    Chúng ta rất may mắn khi sinh ra và lớn lên đúng thời điểm cơ hội vàng của châu Á đang trỗi dậy. Lục địa này phát triển chậm nhưng lại đang là con rồng cựa mình bá chủ thế giới. Khi ai đó hỏi bạn từ đâu đến, người châu Á hoàn toàn có thể vỗ ngực “I’m from HaNoi, HoChiMinh, Shanghai, Bangkok, Beijing, Singapore…”.

    Viethome (theo Diễn đàn Doanh nghiệp)

  • Nhiều bảo tàng không chỉ lưu giữ những báu vật vô giá của con người mà bản thân nó còn là những kiệt tác kiến trúc. Có hàng ngàn bảo tàng “0 đồng” cho sinh viên quốc tế, với nhiều phong cách và chủ đề khác nhau: Bảo tàng lịch sử, thiết kế, khoa học… Nếu là du học sinh tại Anh, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thăm thú những bảo tàng này nhé!

    Bảo tàng Anh

    Những bảo tàng miễn phí ở London cũng chính là những bảo tàng lớn nhất Vương quốc Anh. Bạn có thể khám phá nghệ thuật Aztec và thăm những xác ướp Ai Cập ở bảo tàng nổi tiếng thế giới British Museum (Bảo tàng Anh quốc); đến thăm triển lãm xác khủng long và cá voi xanh ở Natural History Museum (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên) hay tham quan Science Museum (Bảo tàng Khoa học) và đắm mình trong các sản phẩm thiết kế, nghệ thuật ở V&A Museum.

    Liverpool sở hữu một trong những bộ sưu tập ấn tượng nhất sau London, bao gồm cả bảo tàng mới mở gần đây Museum of Liverpool, vốn là nơi trưng bày những tài liệu quý giá và lâu đời về lịch sử thành phố.


    Tham quan miễn phí bảo tàng tại Liverpool



    Chiêm ngưỡng thế giới động vật tại Bảo tàng Khoa học

    Riverside Museum ở Glasgow cũng là một điểm đến mới cho những người yêu bảo tàng. Đây là một bảo tàng hai trong một với thiết kế bên trong là nơi đặt bảo tàng giao thông vận tải của Scotland (Scotland’s Museum of Transport). Ngoài ra cũng có những bảo tàng quy mô khiêm tốn hơn như Horniman Museum ở London hay Bảo tàng Guildhall ở Leicester, Bảo tàng Leeds City Museum.



    Mỗi bảo tàng có một kiến trúc độc đáo 

    VietHome (Theo Giáo Dục Thời Đại)

  • Ngày con trai từ Australia bị trục xuất về nước sau hơn 2 năm du học, bố Nam ra sân bay đón một mình, cả hai cố nén thở dài.

    Năm 2014, Nam (hiện 25 tuổi) vừa tốt nghiệp cao đẳng nghề ở Hải Dương và chưa xin được việc, người quen rỉ tai nên đi du học Australia - nơi có thể dễ kiếm việc lương cao, sau này còn định cư. Vậy là gia đình tìm tới một công ty nhờ tư vấn.

    Nghĩ tới viễn cảnh con sang đó có thể đi làm ngay, hết năm đầu là tự lo được, các năm tiếp có tiền dư, về sau có thể kéo được cả em sang, bố mẹ Nam quyết định vay mượn cho đủ 600 triệu đồng nộp. Đây là khoản quá lớn với một gia đình làm nông nghiệp, có một trang trại nhỏ như nhà Nam.

    Sang học ở một trường cao đẳng điện tại Sydney, Nam thực sự khủng hoảng. Vài tháng học tiếng Anh cấp tốc không đủ để chàng trai 21 tuổi hiểu được những gì thầy cô, bạn bè nói. Trên hết là cảm giác hoang mang về chuyện phải kiếm tiền.

    "Năm đầu bố mẹ xoay xở mỗi tháng gửi sang 1.000 AUD (gần 17 triệu đồng) chỉ đủ đóng học và các thứ linh tinh. Tiền ăn, ở... mình phải tự lo", Nam kể. Sau vài tháng ổn định chỗ ở, Nam bắt đầu đi tìm việc.

    Đầu tiên là phụ bếp, với thù lao 10 AUD một giờ (khoảng 170.000 đồng), mỗi ngày Nam đứng 4-5 tiếng, tuần 5 ngày. Bị chủ làm la mắng, tìm đủ cách trừ lương, Nam đã chuyển việc nhiều chỗ, từ nhà hàng đến tiệm làm bánh mỳ... Một ngày cuối năm 2016, Nam đang làm nail tại một cửa hàng nhỏ thì bị bắt. Cậu bị trục xuất về nước vì làm thêm quá 20 giờ/tuần.

    "Khi ấy, bố mẹ em tuyệt vọng lắm. Khoản nợ vẫn còn, con thì bị đuổi về, ngại với mọi người. Nhưng rồi vẫn phải cố vượt qua thôi", Nam kể. Suốt 2 năm qua, lúc đi làm thuê, khi về phụ ở trang trại với bố mẹ nhưng Nam vẫn ấp ủ ý định tiếp tục xuất ngoại để gỡ gạc. Cuối năm 2018, Nam định sang Canada theo diện du khách để tranh thủ làm ăn nhưng visa không được chấp thuận vì từng bị trục xuất.

    Cũng từng nghĩ cho con đi du học là sự đảm bảo tương lai cho cả gia đình, chị Thảo, chủ một tiệm ăn ở quận 12 (TP HCM) đã nhận ra sai lầm khi sang xứ người. Cuối năm 2018, chị đến gặp một trung tâm tư vấn du học ở TP HCM, tìm cách cho con sang Canada. Đơn vị này nói rằng sẽ giúp chị làm hồ sơ chứng minh tài chính, nên dù kinh tế và thu nhập chưa đạt, chị cũng không phải lo.

    Họ phác ra đường đi nước bước: Chị sẽ đi cùng con theo diện đi du lịch, rồi đi làm hợp pháp tại Canada, lương 5.000 CAD/tháng (khoảng hơn 87 triệu đồng). Chị sẽ ở đó 5,5 tháng rồi về Việt Nam nửa tháng lại sang tiếp. Con chị vừa đi học vừa tìm việc làm thêm. Nếu muốn, chị có thể dễ dàng tìm được người kết hôn giả rồi định cư.

    Thấy hợp lý, chị Thảo quyết định để hai con nhỏ lại cho chồng chăm lo, mình đi cùng con gái lớn sang du học tại khu vực North York thuộc thành phố Toronto. "Thực tế sai hoàn toàn. Chi phí cho học hành, ăn ở không thấp như họ nói mà lên tới 550 triệu đồng một năm. Mình tìm việc làm thì không dễ dàng, lúc có lúc không, công việc rất cực nhọc, lúc là ở trang trại nấm, khi trong hãng thịt. Thù lao không cố định, có ngày được 80 CAD, có khi chỉ 70 hay 60", chị Thảo kể.

    Chị cho biết, cảm giác đáng sợ nhất là luôn phải dè chừng xung quanh vì biết mình không hề có giấy phép đi làm. Sau 3 tháng, phần vì nhớ 2 con ở quê nhà, phần vì thấy công việc quá cực nhọc, bấp bênh, chị quyết định về nước. "An ủi duy nhất là con gái đã thích nghi được với môi trường mới và đang học tập ổn bên đó. Nhưng nghĩ tới khoản tiền vài tỷ để lo cho con học thêm mấy năm, tôi thực sự cũng chưa biết tính sao", chị Thảo bày tỏ.

    Dù vậy chị thấy mình vẫn may mắn khi còn đường về. Trong một nhóm mạng xã hội những người Việt ở Canada chị Thảo tham gia, một người mẹ khác còn bán hết nhà, xe máy để cùng con sang đó. Trong lúc con đi học tại một trường cấp 3 ở Vancouver, người mẹ đi làm thêm, hết từ trang trại nấm tới xí nghiệp sơ chế cá, phụ xây dựng... và nuôi hy vọng kết hôn giả với người bản xứ để con được học miễn phí.

    Nhưng chỉ sau 5 tháng sang, tiền học kỳ tới của con sắp phải đóng mà chưa có, người mẹ thì hết hạn ở lại theo diện thăm nom nên đành bay về nước và đi ở nhờ nhà người thân. Nếu trong vài tuần tới, chị không lo nổi khoản học phí gửi sang thì con cũng không thể tiếp tục theo học.

    Chị Kim Thanh, nhân viên một công ty tư vấn du học Canada tại Hà Nội, cho biết, chứng minh tài chính là yêu cầu bắt buộc khi du học đối với các trường hợp vào các trường trung học hay không đủ điểm IELTS. Một số gia đình có tài chính dồi dào nhưng từ những nguồn khó chứng minh thì trung tâm có thể hỗ trợ nhất định. Tuy nhiên, cũng có nhiều khách kinh tế không đảm bảo, muốn nhờ công ty "dựng hồ sơ" để cho con đi du học.

    "Chúng tôi sẽ từ chối ngay. Khi gia đình kinh tế yếu, không chu cấp đầy đủ, học sinh dễ trốn ra ngoài làm, đi làm thêm quá giờ và có nguy cơ bị trục xuất. Khi đó, công ty chúng tôi sẽ bị phía Canada 'soi' kỹ hơn, các hồ sơ sau đều khó duyệt", chị Thanh nói. Chị cho biết, trung bình, chi phí cho một năm học và sinh hoạt tại Canada khoảng 500-600 triệu đồng. Phụ huynh cần nhân con số này với thời gian con sẽ học bên đó để có dự trù chi phí cần thiết. "Thực tế, có những đường dây làm ăn chộp giật sẵn sàng nhận dựng hồ sơ giúp đưa người chưa đủ điều kiện đi du học. Gia đình chỉ cần đưa hộ chiếu, họ sẽ lo hết và lấy số tiền môi giới lớn. Khi đó, rủi ro tất nhiên là gia đình gánh", chị bật mí thêm.

    Ông Eric Lam, Cố vấn di trú Canada được cấp phép có trụ sở tại Vancouver, cho biết, ông từng nghe nói về một số gia đình cho con sang đây du học khi tài chính không vững, dẫn tới các hệ lụy đáng tiếc. Một vài trường hợp đã gọi ông nhờ tìm cách giải quyết. "Thường chúng tôi không thể giúp gì vì họ đã vi phạm luật di trú của Canada", ông nói.

    Ông cho biết, thứ nhất, người nước ngoài không được phép làm việc nếu không có giấy phép làm việc, như trường hợp người mẹ sang với mục đích "chăm sóc con". Việc đi làm khi không có giấy phép đôi khi còn xảy ra những hậu quả rất đáng tiếc như nếu gặp tai nạn lao động thì chi phí y tế sẽ kinh khủng do không có bảo hiểm. Thứ hai, sinh viên đang theo học các chương trình từ cao đẳng trở lên chỉ được phép làm việc tối đa 20 giờ/tuần, trừ khi đang nghỉ hè, đông, xuân... Nếu vi phạm, có thể dẫn tới các hậu quả nặng nề như bị đuổi học, trục xuất. Ông Eric Lam khuyên các gia đình muốn cho con đi du học đừng nghe lời dụ dỗ ngon ngọt "có thể đi làm kiếm tiền phụ con đi học" hay "vừa học vừa làm có thể thoải mái". Hãy chuẩn bị tài chính thật tốt.

    Ông Đinh Công Bằng, chuyên gia chính phủ điện tử ở Florida, nhà hoạt động cộng đồng du học - chuyên hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ, cho biết, tại Mỹ, dù chưa có thống kê chính thức, thực tế có rất nhiều du học sinh khó khăn về kinh tế dẫn tới việc phải đi làm thêm, ảnh hưởng kết quả học tập. Sinh viên chạy bàn, làm nail, phụ nấu... ở California và một số nơi khác rất nhiều. Những bạn này thường không giỏi, gia đình tài chính yếu. Một vài người đã tìm tới ông để hỏi khi gặp trục trặc visa.

    "Họ đi làm nhiều, điểm xuống quá, trường bắt nghỉ, thậm chí có người bỏ cả học kỳ, khi quay lại trường không nhận nữa. Có những bạn sang Mỹ học lập trình nhưng trượt toán và ngôn ngữ lập trình, phải chuyển sang các ngành nhẹ hơn và gần như không có cơ hội đi làm sau này. Những trường hợp này cuối cùng thường sẽ phải về nước, một số đáng kể ở lại không giấy tờ rồi tính tiếp. Không ít bạn nữ tìm cách lấy chồng bản xứ để được ở lại hợp pháp", ông nói. Theo ông Bằng, thực tế du học Mỹ rất khắc nghiệt, đó là cuộc chơi không dành cho tay mơ vì đây là đất toàn người tài và cạnh tranh quần tụ.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Chỉ 3 tháng sau khi Zhikai Liu tới Australia, cậu sinh viên Trung Quốc đã gieo mình ngoài ban công căn hộ tầng 21. 

    Hôm đó trời Melbourne nắng đẹp. Nhưng trong lòng cậu sinh viên Liu 24 tuổi lại lạnh giá. Trước ánh mắt kinh hoàng của em gái, Zhikai Liu hét lên: "Tại sao cuộc sống lại khó khăn đến thế!", "Tại sao chúng ta phải đưa ra những lựa chọn khó khăn thế!". Rồi cậu quay ra ban công căn hộ nằm trên tầng 21, ở mặt đường A'Beckett, cách mặt đất hơn 70 mét.

    Một tiếng động lớn vang lên, và âm thanh la hét đột ngột kết thúc. Cô em gái chạy ra ngó xuống và thấy anh trai mình nằm trong vũng máu dưới đất. Vụ việc xảy ra vào ngày 6/3 năm 2016. Tuy nhiên đến nay vụ việc mới được cảnh sát làm sáng tỏ, theo theage.

    Năm 2015, Zhikai Liu từ quê nhà đến Melbourne để học đại học. Cậu được nhận vào Đại học Melbourne với trình độ xuất sắc. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Liu nhận thấy cuộc sống của mình như đi vào ngõ cụt.

    Mặc dù đủ điểm trong môn tiếng Anh, cậu vẫn không thể hiểu hết các thầy cô nói gì và không thể giao tiếp với các bạn. Ngay cả mối quan hệ với bạn gái ở Sydney cũng không suôn sẻ. Cậu chịu áp lực rất lớn, đã mất ngủ nhiều ngày. Cậu từng nói với em gái về ý định tự tử, và cô em đã khuyên nên đến gặp bác sĩ tâm lý, nhưng cậu từ chối. 

    Tháng 3/2016, là tháng thứ ba Zhikai Liu đến Australia. Vào ngày 5/3, lần đầu tiên cậu nói chuyện với cha mình, rằng muốn tập trung để nâng trình độ tiếng Anh và tạm dừng việc học đại học, nhưng người cha dường như không ủng hộ.  

    Chiều 6/3, Liu trò chuyện với bạn gái qua điện thoại. Và sau đó sự việc đau lòng xảy ra. 

    Cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy cái chết của Liu không có sự tham gia của bên thứ ba, cũng không có thư tuyệt mệnh. Môi trường ngôn ngữ thay đổi và áp lực từ sự bất mãn trong học tập đã đẩy cậu đến chỗ tự tử.

    Zhikai Liu không phải là sinh viên quốc tế đầu tiên gục ngã như vậy. Điều tra của cảnh sát bang Victoria (Australia) phát hiện ra rằng trong 7 năm từ 2009 đến 2015, có 27 sinh viên quốc tế ở bang này đã tự tử. 

    - Trong số đó, 90% (24 người) đến từ châu Á. 

    - 22 người là nam, tập trung ở nhóm tuổi 18-29

    - So với người bản địa, sinh viên quốc tế thường tự tử bất ngờ, không báo trước, phải chịu áp lực học tập và kinh tế nhiều hơn. 

    Có thể nói rằng việc tự tử của sinh viên quốc tế có liên quan mật thiết đến tình trạng sức khỏe tâm thần.

    Áp lực ở nước ngoài đã không được đánh giá đúng mức, và thực tế có thể nặng nề gấp nhiều lần so với những gì được công bố. Kết quả là, trong những năm qua, nhiều sinh viên du học bị trầm cảm nặng đã đi đến bước cực đoan.

    Số liệu mới nhất cho thấy số sinh viên quốc tế tại Australia vào giữa năm 2018 là hơn 530.000 người, trong đó khoảng 1/3 đến từ Trung Quốc, theo canberratimes.

    Một khảo sát từ Đại học công nghệ Sydney công bố trên Australian Journal of Psychology năm 2015 ghi nhận các sinh viên Trung Quốc có mức lo lắng, căng thẳng cao hơn so với bạn bè người bản địa.

    Hai tháng trước, tại Đại học Adelaide, một trong tám trường đại học hàng đầu ở Australia, đã xảy ra một vụ tự tử, nạn nhân là một sinh viên Trung Quốc vừa đến nước này. 

    Tháng 7 năm ngoái, một sinh viên Trung Quốc từ Đại học Queensland, tên Li, bị ngất trong thư viện. Hai ngày sau, nhà trường đã thông báo Li qua đời trong bệnh viện. 

    Ngày 18/5 năm 2018, một nữ sinh viên Trung Quốc học tại Santa Barbara (Mỹ) được báo mất tích. Sau đó cô bị phát hiện đã tự sát. Trước đó, ngày 5/12 năm 2017, nữ sinh năm nhất họ Wang đã tự tử tại Trường Nha khoa, Đại học Toronto...

    Audrey Jamieson, chuyên viên điều tra các vụ tự tử của sinh viên quốc tế tại bang Victoria, cho biết chỉ có 22% trong số 27 sinh viên kể trên đã tâm sự với người khác về bất ổn tâm lý của mình 6 tuần trước khi chết. Ngược lại, nhóm sinh viên bản địa chia sẻ vấn đề tâm lý với người khác là 57%. Điều đó cho thấy nhóm sinh viên quốc tế ít được hỗ trợ để vượt qua các khủng hoảng tâm lý, hoặc họ không biết phải tìm đến đâu để giải tỏa. 

    Ngay cả sinh viên đến từ nước nói tiếng Anh như Singapore cũng gặp không ít khó khăn khi du học. Daniel Kang, 22 tuổi, từ quê nhà Singapore tới Canberra (thủ đô của Australia) học cũng rơi vào tình huống đó.

    "Đôi khi tôi cảm thấy rất cô đơn. Dù đã nói tiếng Anh cả đời như một người Singapore, nhưng phát âm và giọng nói của tôi vẫn rất khác với ở đây - đôi khi tôi cố gắng nói ít nhất có thể để tránh mình khỏi bất cứ tình huống xấu hổ nào", Kang chia sẻ. 

    "Đôi khi rất khó để tìm thấy người tôi có thể thực sự tin tưởng và trải lòng, mà không để mình thành gánh nặng tình cảm với họ", cậu nói. 

    Helen Forbes-Mewett - nhà xã hội học từ Đại học Monash đã nghiên cứu trải nghiệm của các sinh viên quốc tế ở Australia. Một trong các phát hiện của bà là một số phụ huynh đã gửi những đứa con bất ổn về tinh thần của mình ra nước ngoài học, với hy vọng hệ thống y tế ở quốc gia du học ưu việt hơn ở nhà. 

    "Cha mẹ có thể nghĩ rằng các con sẽ tốt hơn khi xa nhà, và chúng sẽ thành công, rồi trở về, và mọi thứ sẽ ổn, nhưng thực tế họ đang đẩy các con đến vấn đề nan giải hơn", bà đánh giá. 

    "Đứng đầu trong số các vấn đề đó, là các sinh viên thường chịu áp lực nặng nề phải thành công. Khi kỳ thi đến gần, hoặc gần cuối kỳ..., tâm lý của các sinh viên sẽ suy sụp nhanh chóng, sau thời gian dài che giấu và không tìm kiếm sự giúp đỡ".

    Báo cáo về sinh viên gần đây nhất của Đại học Quốc gia Australia cho thấy một số sinh viên quốc tế học theo ngành mà cha mẹ chọn, thay vì sở thích thực sự, và có thể gặp các áp lực về tài chính. Một số không nhỏ gặp rắc rối với kết quả học tập. 

    Trong mắt phụ huynh và người ngoài, các học sinh này là những niềm tự hào. Tuy nhiên, bản thân họ không được thấu hiểu. Bảng điểm đẹp được phô ra, còn họ giấu đi nỗi buồn và căng thẳng phía sau - những thứ tưởng như đơn giản nhưng lại có thể khiến họ gục ngã.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Thanh Hoa, 44 tuổi ở Bắc Giang về lựa chọn không cho con đi du học dù vợ chồng chị đều đã nhen nhóm ý định này từ lúc con còn bé và đồng nghiệp, bạn bè đều có con cái ra nước ngoài học: 

    Vợ chồng tôi đều có bằng sau đại học, đang làm quản lý tại các cơ quan nhà nước. Mấy năm trước, đồng nghiệp, bạn bè chúng tôi hầu hết đều cho con đi du học. Chúng tôi cũng nghĩ tới phương án này. 

    Tôi có hai con, một trai một gái. Cháu trai lớn có sức học tốt, khá tự lập. Cháu gái nhỏ thì học đuối hơn, khá nhõng nhẽo do được ba mẹ nuông chiều. Nhà cũng chỉ khá giả chứ không quá giàu nên khi cho con đi du học, vợ chồng tôi tính rất kỹ. Chúng tôi không thể bán bớt đất hoặc rút tiền dành dụm cho con ra nước ngoài nên quyết định cho các cháu vào đại học trong nước, đầu tư để giỏi tiếng Anh rồi du học thạc sĩ.

    Với cậu con trai lớn, kế hoạch này khá ổn khi cháu tốt nghiệp đại học bằng giỏi. Lúc này, chúng tôi lại đứng trước hai lựa chọn: Một là cho cháu sang Hàn Quốc, theo diện học bổng giáo sư, bố mẹ sẽ không phải tốn chi phí gì. Hai là cháu sẽ sang Canada học thạc sĩ, với học bổng 50%, sau đó cố gắng theo đuổi bằng tiến sĩ. Theo hướng này, bằng cấp của con giá trị hơn, gia đình "oai" hơn nhưng mỗi năm chúng tôi phải chu cấp vài trăm triệu. Tôi hiểu con mình chỉ gọi là giỏi nhờ chăm chỉ, ngoan ngoãn, không phải xuất chúng, nên học xong cũng khó có cơ hội ở nước ngoài hay về xin được việc đẳng cấp.

    Chúng tôi quyết định cho cháu sang Hàn, khoản tiền tiết kiệm được mua sẵn cho con một ngôi nhà ở Hà Nội để sau này về không quá áp lực lo cuộc sống. Khi con trai ra nước ngoài, cả nhà vẫn nơm nớp, sợ con không hòa nhập, không học được, phải bỏ về thì xấu hổ...

    <>May mắn là cháu thích nghi khá nhanh, lại chứng kiến nhiều bạn nhà khó khăn phải vừa đi học vừa đi làm kiếm thêm, nên có động lực cố gắng. 

    Dù vậy, sau khi sang chưa đầy năm, con tôi khuyên bố mẹ nên bỏ luôn ý định đầu tư cho em út du học bởi "học ở nước ngoài không phải thiên đường". Con nói rằng, đã gặp rất nhiều bạn sang du học nhưng không theo kịp, bỏ dở giữa chừng mà không dám về nước vì xấu hổ. Nhiều du học sinh khác khi thoát khỏi vòng tay cha mẹ là sống phóng túng, lơ là học hành. Một số người khóa trước cháu học không tìm được việc. Bản thân con nhiều lúc cũng oải việc học, buồn chán vì cô đơn, hoang mang về tương lai...

    Vợ chồng tôi lúc này phải tính lại. Quả thực, con gái út học khá yếu, tính cách cũng không mạnh mẽ, tự lập. Cháu đang học năm thứ nhất đại học về kinh tế. Nếu đi du học, cháu phải theo diện tự túc. Sức học làng nhàng, ở nơi xứ người, không ai bao bọc, liệu cháu có thể thích nghi, học kịp? Ngay cả có cố hoàn thành chương trình, điều gì đảm bảo con sẽ xin được việc tốt? Cháu là con gái, học hành xong liệu có ảnh hưởng tới cơ hội lập gia đình? Vài năm nữa, vợ chồng tôi sắp về hưu, khả năng kiếm tiền sẽ giảm đáng kể. 

    Cuối cùng, chúng tôi quyết định không cho con đi du học. Đây cũng là điều cháu cũng mong muốn. 

    Trong vài năm qua, tôi đã biết rất nhiều con cái của người quen, đồng nghiệp đi du học kiểu "xôi hỏng bỏng không". Có gia đình cho con sang Anh học từ cấp 3, sau đó đến dự bị đại học rồi đại học. Sau gần chục năm, tốn hơn 7 tỷ, cuối cùng, sau khi tốt nghiệp, cháu không đáp ứng được yêu cầu nhân lực cao cấp bên kia, cũng chẳng muốn về Việt Nam nên đang làm tiệm nail ở đó. Có rất nhiều cháu khác đi học về vẫn đang xin tiền cha mẹ vì chưa tìm được việc trong nước...

    Tôi thấy với các gia đình trí thức, lại có chút quyền, đôi khi việc cho con đi du học là một cách đánh bóng tên tuổi bố mẹ, đảm bảo danh dự gia đình. Bản thân vợ chồng tôi cũng từng nghĩ, sẽ cho con đi du học cho sang, chẳng lẽ bố mẹ đều có bằng cấp cao, là quản lý mà con không bằng ai? Nhưng suy cho cùng, có thể tôi sẽ thấy vui sướng lúc nào đó khi được khen vài câu vì có con ở nước ngoài, nhưng tài chính không ai lo cho, mọi khó khăn cũng chỉ bản thân gánh lấy.

    Như nhiều người cùng thế hệ, vợ chồng tôi từ khó khăn đi lên, may mắn được học hành và gặp cơ may thăng tiến nên có cuộc sống sung túc. Chúng tôi không quá khó khăn để ước vọng con cái phải đổi đời, cũng chẳng dư dả quá mức để sẵn sàng vung ra cho con có cơ hội thử nghiệm. Chúng tôi sợ đánh mất những gì đã tích cóp bao lâu và muốn duy trì cuộc sống nhà lầu xe hơi hiện tại, đồng thời đảm bảo con cái mình cũng được "ăn chắc mặc bền".

    Hơn nữa, tôi nghĩ rằng, dù đầu tư thế nào cũng phải giữ được tài sản của bố mẹ. Với số tiền định cho con đi du học, vợ chồng tôi đã mua nhà, đất ở Hà Nội và gửi tiết kiệm một khoản. Với vốn đó, các con tôi, dù sau này ra trường mới đi làm lương không cao, cũng không quá chật vật và áp lực về cuộc sống. Tôi biết khả năng của con mình, nên không thể "tất tay" hết những gì đang có để dồn vào một cuộc đầu tư quá nhiều rủi ro mang tên "du học". 

    Theo chuyên gia Tài chính Cá nhân, Gia đình Bội Lê (TP HCM): Cho con đi du học là vấn đề cần tính toán rất kỹ lưỡng vì có thể ảnh hưởng tới cả kinh tế gia đình lẫn tương lai con. Ngoài chuyện tâm thế của trẻ, năng lực học tập, khả năng thích nghi môi trường mới, tài chính gia đình cũng là yếu tố bố mẹ phải quan tâm, cân nhắc. 

    Với những người có tích lũy vừa đủ, chỉ dư dả chút, như gia đình chị Hoa, thì cần phải tính xa hơn, ở bước khi con du học trở về: Con học ngành gì, khả năng kiếm việc làm như thế nào, thu nhập có xứng đáng với chi phí đã bỏ ra?

    Chuyên gia cho rằng, trong hoàn cảnh như vậy, nếu cố đi du học rồi quay về nước kiếm việc bình thường thì khoản đầu tư đó đem lại ít lợi ích so với chi phí. 

    Còn theo phó giáo sư Nguyễn Thị Phương Hoa, tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục học, Viện Giáo dục, Đại học Tổng hợp Potsdam CHLB Đức, cho con đi du học chỉ để kiếm tấm bằng của trường Tây là khoản đầu tư chưa thực sự xứng đáng. Ngày nay, học trong nước, trẻ vẫn có thể kiếm được bằng "xịn" của nước ngoài mà không cần phải quá tốn kém, vất vả và đôi khi cả mạo hiểm như sang xứ người học. Nếu đã đi du học là phải xác định học được những cái đẹp, cái hay về văn hóa, tinh thần, ý thức sống của đất nước ấy.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Ngày càng có nhiều sinh viên Anh đi học xa nhà, và do đó, nhu cầu về chỗ ở cũng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, sinh viên Anh phải đối mặt với tình trạng giá thuê nhà leo thang.

    Trong thập kỷ qua, chi phí thuê nhà sinh viên ở Anh đã tăng 77%. Một báo cáo cũng chỉ ra rằng “giá ở khu nhà rẻ nhất tại các trường đại học thuộc Russell Group đã tăng trung bình 41% từ 2008 đến 2018, bất chấp việc giá bảo trì chỉ tăng nhẹ 13%.”

    Báo cáo còn nhận xét hồi 10 năm trước, sinh viên Đại học Cardiff có thể thuê được một căn phòng với giá 2,163 bảng nhưng giờ đây họ sẽ phải trả tối thiểu 3,824 bảng để sống trong khu nhà sinh viên, sau khi giá nhà tăng đến hơn 75%.

    Trong khi đó, sinh viên trường London School of Economics đã phải trả thêm 73% cho chi phí nhà ở và căn phòng rẻ nhất ở trường Đại học Queen Mary London tăng hơn 50%.

    Theo Liên đoàn Sinh viên Quốc gia (NUS), giá thuê nhà trung bình một sinh viên phải chi trả tương đương với 85% số tiền vay và học bổng tối đa mà họ có được.

    Báo cáo năm 2017/18 của tổ chức Nhà ở Sinh viên Cushman & Wakefield chỉ ra rằng 87% nhà ở sinh viên được cung cấp bởi phía tư nhân trong năm học 2017/18. Đây có thể coi là một điều đáng lo ngại với sinh viên vì các chuyên gia đã dự báo giá thuê nhà ở Anh sẽ còn tiếp tục tăng trong năm năm tới.

    Trong khi đó, dữ liệu từ hơn 90 trường đại học trên khắp nước Anh cho thấy số lượng sinh viên đang nợ tiền thuê nhà đã tăng 16%, trong khi số lượng sinh viên không được phép tiếp tục sống ở các khu ký túc xá hay bị hủy hợp đồng thuê nhà cũng gia tăng.

    Báo cáo cho biết thêm “97 sinh viên bị đuổi khỏi ký túc xá trong năm ngoái, tăng hơn gấp đôi so với con số 40 trong năm trước nữa. Khoảng 17,300 sinh viên đang sống ở các khu ký túc đại học đã nợ tiền thuê nhà trong năm vừa qua.”

    Giá thuê nhà sinh viên tăng cao ở Anh càng tăng thêm áp lực và căng thẳng cho giới sinh viên. Hệ quả là sinh viên có thể ngày càng trở nên phụ thuộc vào cha mẹ, hoặc phải chọn làm thêm giờ trong khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường để có thể chi trả các chi phí. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý của họ.

    VietHome (Theo Study International)

     

     

  • Trong khi giới trẻ chúng ta đang băn khoăn chọn lựa giữa một tình yêu trong sáng – đồng nghĩa với ‘kiềm chế’ và ‘phóng khoáng – xả láng’, thì ở châu Âu, những bạn trẻ yêu nhau quan niệm về vấn đề này như thế nào?

    Thấy hai người bạn Pháp đang yêu nhau ôm hôn nồng thắm trước mặt, tôi… tủi thân quay đi chỗ khác. Một thằng bạn người Thụy điển bật cười: ’Sao mày sợ nhìn người ta hôn nhau vậy?’. Tôi kể ở Việt nam hiếm khi người ta thấy ai ôm nhau, cùng lắm chỉ… nhìn lén. Những người yêu nhau có thể nắm tay đi ngoài đường hoặc ôm ‘eo ếch’ khi chở nhau bằng xe máy và chỉ như thế thôi. Vợ chồng cưới rồi còn không dám ôm ấp nhau trước bàn dân thiên hạ nữa là…

    tinh yeu va noi nho

    Nghe đến đây, những người bạn ngoại quốc ngơ ngác: ‘Vợ chồng cưới rồi và những người chưa cưới thì có gì khác?’. Khác chứ, cưới rồi thì được mọi người công nhận quyền… biết về cơ thể đối phương, còn chưa cưới mà xà nẹo sẽ bị nghi ngờ: ’Trước mặt mọi người mà còn bám nhau như sam, huống hồ khi không có ai thì chắc tới bến luôn rồi!’. Họ ‘à’ lên thú vị: ’Ô là la, ở Việt nam còn chuyện không cho ngủ với nhau trước hôn nhân sao? Giống bên châu Âu thời… bà ngoại tụi tao rồi’.

    Người phương Tây cho rằng chuyện bắt phải giữ trinh tiết cho tới hôn nhân của người phương Đông là cách… đàn áp phụ nữ từ thời phong kiến và không công bằng. Đàn ông không có cách chi kiểm tra được ‘còn hay mất’ thì phải biết lượng thứ cho người phụ nữ.

    Tôi giải thích truyền thống dân tộc muốn cô dâu còn trong trắng cho tới đêm tân hôn để chứng tỏ tình yêu là duy nhất, là vĩnh cửu, người con gái chỉ trao món quà quý nhất của mình cho một và chỉ một người đàn ông trong cuộc đời mình mà thôi. Bởi thế, ở Việt nam mới định giá ‘cái đó’ là ‘ngàn vàng’. Mấy anh bạn Pháp, Hà Lan, Thụy Điển cười sặc sụa ‘Chúa ơi! Mắc quá’ nhưng chỉ mươi phút sau, tất cả bọn họ khá trầm ngâm.

    Anh bạn Thụy điển nói nước Anh có tỉ lệ thanh niên tự tử cao nhất thế giới. Giới trẻ đã sớm có được tất cả những gì họ muốn – kể cả tình dục – nên họ không còn mục đích gì nữa. Phần lớn những người trẻ không tin có một tình yêu lớn bởi họ không phải trải qua thử thách. Chỉ cần gặp nhau, thấy ‘kết’ là rủ nhau đi uống một ly hay vào sàn nhảy, sau đó cùng… lên giường.

    Hai, ba năm trở lại đây, người ta đang hô hào nên kéo dài thời gian hò hẹn để tìm kiếm chút lãng mạn. Tưởng lạc điệu, không ngờ giới trẻ ủng hộ trên mức nhiệt tình. Một linh mục người Pháp cũng cho tôi biết, ngày càng đông số bạn trẻ yêu nhau tìm đến xin ông những lời khuyên. Họ nhận thấy tình yêu không thiêng liêng nữa nếu ‘chuyện đó’ quá dễ dàng.

    Theo đạo Công giáo, đám cưới là lúc Chúa ban bí tích hôn phối để đêm tân hôn là thời điểm để hai người yêu nhau trao tặng cho nhau món quà quí giá nhất. Nhưng ngày nay, lễ cưới trong nhà thờ chỉ mang tính hình thức, vì có còn cô dâu nào để dành ‘quà’ đâu. Tuy vậy vị linh mục cũng cho rằng số người còn ‘giữ’ được chiếm tỉ lệ xấp xỉ … 4.9%. Nhưng con số này sẽ tăng dần lên. Ngoài ra, ai đã từng trải thì cố gắng làm cho tình yêu cao thượng hơn, giảm tối đa những đòi hỏi về ‘se.x’.

    Sang Đức, trong một thời gian ngắn ngủi bốn ngày, tôi gặp đôi bạn trẻ. Chirstine cho biết, xu hướng hiện nay các cô gái Đức không cho phép bạn trai mình ăn trái cấm quá sớm, họ cố gắng duy trì tình yêu trong giai đoạn trong sáng càng lâu càng tốt để thử thách người yêu. Cho tới khi thấy xứng đáng, họ mới trao cho bạn trai mình món quà vô giá để chứng minh tình yêu.

    Anh Marc năm nay 27 tuổi đồng ý: ’Nếu chờ cho tới hôn nhân thì khó quá vì giới trẻ ngày càng có nhiều việc để hoàn thành trước đó như học hành, sự nghiệp, tham vọng bản thân… Chúng tôi vẫn sống chung trước đám cưới nhưng chỉ làm thế khi cảm thấy người kia thực sự là một nửa của mình’.

    Trên chuyến tàu từ Ý về Lyon (Pháp), tôi ngồi cùng toa với Anna Maria, một nữ sinh viên Ý học khoa môi trường, năm nay 22 tuổi. Anna nói đã yêu được hai năm và cùng thuê phòng sống chung cùng với chàng trai để tiết kiệm tiền. Thế nhưng giữa bạn và người yêu vẫn… chưa đi xa hơn những nụ hôn. Anna rất hãnh diện về điều này nhưng bạn bè họ không ai tin, hai kẻ yêu nhau sống cùng phòng mà không ‘cho và nhận’ kể cũng khó, và bạn bè cho hai đứa là khùng, không tin chúng tôi còn trong sáng – Anna cười – Nhưng đó là sự thật. Hè năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức đám cưới ở nhà thờ dù vẫn đang đi học. Đám cưới nhỏ thôi vì cả hai không có tiền, những đã đến lúc cần thiết’.

    Khi tôi hỏi vì sao đang sống ở Ý nơi người ta không quan trọng chuyện trinh tiết mà Anna cố ‘giữ’ làm chi thì cô bạn xinh xắn giải thích: ‘Thật ra bây giờ nhiều bạn trẻ muốn được như chúng tôi, tuy nhiên họ không đủ nghị lực. Tôi quyết tâm mình phải còn trong trắng cho đến đêm tân hôn. Người ta làm không được mà mình làm được mới hay!’.

    Melisa – Nữ sinh viên đến từ Hà lan cho biết thêm: Xu hướng thanh niên châu Âu ngày nay là muốn quay về những giá trị truyền thống. Phương pháp ngừa thai theo cách tính chu kì rụng trứng được áp dụng để người đàn ông biết kiềm chế và chứng minh rằng ‘Tình yêu không phải chỉ là chuyện xác thịt’.

    Một điều khá thú vị, các chàng trai phương Tây rất ủng hộ các bạn gái của mình và đầy thiện ý hợp tác cùng nhau quay về những giá trị đẹp đẽ cao thượng của tình yêu. Hy vọng các bạn trẻ ở Việt nam đang tin tưởng vào triết lý ‘dâng hiến là cách tuyệt vời chứng tỏ tình yêu hiện đại’ sẽ có chút thay đổi khi đọc những ghi chép này.

     Viethome (tổng hợp)

  • Dùng 2 triệu nhân dân tệ của bố mẹ để đi du học, cô gái vỡ mộng khi về nước nhận việc với mức lương không đủ tiền ăn.

    Năm 2013, Xiao Xiao, ở thành phố Tế Nam, tốt nghiệp trung học và sang Australia du học. Bố là viên chức bình thường, mẹ là giáo viên trung học, để có tiền cho con gái sang Australia, gia đình cô phải bán đi ngôi nhà nhỏ bên hồ Daming. 

    Do kết quả học tập không xuất sắc, Xiao Xiao không vào được trường danh tiếng. Cô chọn học về truyền thông tại một trường cao đẳng. Sau khi ra trường, Xiao Xiao học tiếp thạc sĩ tại Đại học công nghệ Queensland.

    Trong 5 năm ở nước ngoài, học phí và chi phí sinh hoạt của Xiao Xiao tốn khoảng 2 triệu nhân dân tệ (gần 6,7 tỷ đồng). Mặc dù đây không phải con số quá lớn nhưng nó chênh lệch quá nhiều khi so với mức lương cô nhận khi về nước. Hiện cô đã nghỉ việc và tiếp tục đi học lên cao để chuẩn bị xin được việc tốt hơn. 

    Tất cả khác xa với những gì Xiao Xiao nghĩ ban đầu. Trong tưởng tượng của mình, khi trở về, cô sẽ là một nhà báo hàng đầu của một trang tin tức, viết nên những chương mới trong lịch sử báo chí, như niềm tin cô có khi lựa chọn nghề truyền thông. 

    Tuy nhiên thực tế là, dù ứng tuyển thành công vào một số đơn vị truyền thông, nhưng ở chỗ thứ nhất, cô làm việc chỉ hơn một tháng rồi xin nghỉ. Tại nơi thứ hai, cô thậm chí còn chưa được lĩnh lương. Mức lương sau khi du học về của cô là chưa đầy 2.000 nhân dân tệ (gần 6,8 triệu đồng).

    "Chính xác lương cơ bản của tôi được có 1.300 nhân dân tệ (hơn 4,4 triệu đồng)", Xiaoxiao nói trong nỗi chán chường. Số tiền này không đủ cho cô ăn uống.

    "Điều tôi không thể chịu nổi không phải là lương mà là bản thân công việc. Bởi lương có thể tăng về sau nhưng công việc thì không thấy tương lai. Ngày ngày, tôi ra ngoài với tiền bối để phỏng vấn những người vô vị và tôi không thể sử dụng những gì mình đã học", cô nói.

    "Mẹ nói sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, tôi có thể vào một trường nào đó và đi dạy", Xiao kể. Tuy nhiên, ngay cả khi có suất vào đại học làm giảng viên, cô cũng không muốn. "Thực sự tôi vẫn muốn làm phóng viên và bước vào ngành truyền thông", Xiao Xiao nói với đôi mắt mở to xinh đẹp đầy vẻ thơ ngây. 

    Sự đánh đổi để đi du học

    Ngôi nhà bố mẹ Xiao bán năm 2012 để con đi du học có giá 700.000 nhân dân tệ, và nay giá của nó đã tăng vài lần. Xiao Xiao vẫn nhớ những lần vui đùa ở ngôi nhà đó thời nhỏ nhưng cô không hối tiếc vì đã đi du học.

    "Đầu tư vào việc đi du học không phải thứ có thể đo đếm bằng tiền. Nó thực sự đã mở rộng tư duy, giúp tôi học được nhiều kiến thức, gặp được nhiều giáo viên, bạn tốt. Kiến thức là vô giá", Xiao Xiao nói. 

    Theo Hayat, dù không tiếc khoảng thời gian ở nước ngoài, cô không thể hài lòng với tình trạng của mình khi quay về Trung Quốc, phần lớn xuất phát từ áp lực bên ngoài. Mặc dù bố mẹ thường xuyên nói rằng họ không dựa dẫm vào con gái khi cô quay về, cả hai thỉnh thoảng vẫn khiến cô cảm thấy như mình có lỗi.

    "Mẹ tôi nói đùa vài lần rằng tôi không biết mình đã dùng số tiền bà phải dành dụm cả đời. Tôi rất buồn và đã vài lần cãi nhau với mẹ. Về sau, tôi chuyển ra ngoài ở để đi học cho tiện", Xiao Xiao kể.

    Giờ cô thuê một phòng, cộng chi phí điện nước là 2.000 nhân dân tệ một tháng, và cũng do bố mẹ trả. Cô về nhà mỗi tuần một lần, mang theo quần áo bẩn để giặt nhờ.

    Về tương lai, Xiao Xiao nói cô vẫn khá hoang mang. "Rõ ràng việc đi học tiến sĩ dễ dàng hơn so với tìm việc. Tôi thấy tim mình trống rỗng và lòng rối bời", cô nói. 

    Hiện tại, cô ít khi liên lạc với các bạn từng đi du học như mình vì cảm thấy có khoảng cách với họ. "Một vài người cũng đang học lên cao như tôi, một số thì đã có công việc, vài người làm quản lý cho công ty gia đình khi quay về nước. Tôi không biết nói chuyện với họ về cuộc sống hiện nay của mình thế nào", Xiao Xiao kể.

    Cô cũng cảm thấy có chút cay đắng khi so với các bạn không đi du học. "Nhiều người đã đi làm và tôi cảm thấy họ rất chín chắn. Có người còn tự mua được ôtô", cô nói.

    Xiao Xiao cho biết, khi lên đường đi du học, cô được các bạn ngưỡng mộ. Bây giờ cô trở về, vẫn có nhiều người trầm trồ, ao ước. "Nhưng chính tôi lại thầm ghen tỵ với họ", cô bày tỏ.

    Dù vậy, cô vẫn tin là trong tương lai, cuộc sống của mình sẽ tốt hơn. "Thay đổi lớn nhất với tôi khi đi du học là về tính cách. Tôi không còn phụ thuộc vào bên ngoài. Nhiều vấn đề tôi thường tự giải quyết. Chương trình học ở nước ngoài khác biệt rất nhiều so với ở Trung Quốc, đặc biệt là về phương pháp học. Tôi đã gặt hái được nhiều lợi ích, nuôi dưỡng khả năng suy nghĩ độc lập và logic. Tôi nghĩ những điều này sẽ hữu ích cho công việc của mình sau này", Xiao nói. 

    Hiện tại, mỗi ngày cô thường tới trường từ 7 h sáng và quay về nhà trọ lúc 9h tối, tháng chỉ nghỉ 2 ngày. Mặc dù không tự tin mình là sau khi có bằng tiến sĩ mọi việc sẽ khá hơn, cô vẫn làm hết sức. "Dù tương lai thế nào, tôi cũng sẽ nỗ lực hết mình", cô nói. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Giáng sinh là dịp mọi người nghỉ ngơi bên gia đình, các cửa hàng, quán ăn thường thiếu nhân viên phục vụ. Du học sinh làm thêm thường được trả lương cao gấp đôi ngày thường.

    Với những người khác có lẽ đây sẽ là một quãng thời gian ngọt ngào, hạnh phúc, đầm ấm bên gia đình, bạn bè hoặc người thân. Nhưng đối với du học sinh đó là quãng thời gian có thể kiếm tiền, trang trải cho cuộc sống sinh viên của họ.

    Có lẽ, họ nghĩ rằng thôi thì cố gắng cho một hai ngày thôi, sau đó trong tháng này mình có thể an nhàn rồi, không phải lo lắng từ giờ đến cuối tháng nữa.

    Noel thì có là gì đâu cơ chứ, cũng là một ngày bình thường, mà ngày này còn có thể giúp cho mình có thể kiếm được gấp đôi số tiền lương, là cơ hội để kiếm tiền trang trải cuộc sống, rèn luyện kỹ năng mềm, mở rộng mối quan hệ và có những trải nghiệm thú vị nơi đất khách. Đây là một việc tốt chứ đâu có phải chuyện gì đâu mà phải buồn bã đến vậy.

    Chỉ với việc đơn giản như phục vụ bàn, giao hàng…, bạn trẻ có thể kiếm 15 USD – 20 USD mỗi giờ. Số tiền này cao hơn rất nhiều vào mùa Noel.

    Lương tăng gấp đôi

    Nguyễn Đức Tài, sinh viên Đại học Dongshin, Hàn Quốc, cho biết bạn đang làm việc tại quán thịt nướng. Dịp này, quán rất đông khách và cần nhiều người phục vụ.

     

    Đầu bếp Tuấn Anh tại chỗ làm của mình. Ảnh: H.Đ.

    “Lương làm thêm ngày thường của mình từ 1.000 USD đến 1.400 USD/tháng. Mùa Noel, quán trả từ 80 USD – 100 USD/giờ, tùy thời gian làm việc”, Tài cho hay.

    Nhiều bạn cũng đồng ý rằng, lương một ngày Noel bằng lương cả một tuần rồi thì việc gì không làm.

    Tại Australia, mùa Giáng sinh, thời tiết lại nắng ấm và được xem là mùa du lịch trong năm. Hầu hết trường học cho sinh viên nghỉ 3 đến 4 tháng. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng trả lương gấp đôi, thưởng quà tết để lôi kéo du học sinh đi làm.

    Những công việc phổ biến của du học sinh Việt là làm nhân viên trong nhà hàng, quán cà phê, bánh mỳ, làm móng, phụ việc cho cửa hàng ở chợ, dọn vệ sinh văn phòng, khu vực công cộng hay nhà dân…

    Dịp Giáng sinh cũng là mùa thu hoạch hoa quả, du học sinh có thể làm việc cắt tỉa, thu hoạch trái cây ở nông trại.

    Nguyễn Khắc Hiếu – học viên thạc sĩ ngành Kinh doanh quốc tế tại Đại học Central Queensland, Australia – cho hay bạn nhận chuyển hàng cho quán pizza và rửa ôtô. Mỗi tuần, Hiếu làm khoảng 30 tiếng trong 4 đến 5 ngày.

    Chàng trai cho biết hầu hết công ty, cửa hàng tại Australia sẽ tăng lương gấp đôi, gấp rưỡi và thưởng rất lớn cho du học sinh đi làm thời điểm này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng yêu cầu cao về năng suất làm việc.

    Nhiều người bị “vắt sức” vì khối lượng công việc lớn. Đức Tài tâm sự có hôm đi làm về, hai chân như không còn cảm giác vì chạy và đi quá nhiều.

    Thôi thì cố gắng một ngày, chỉ một ngày thôi mà.

    NOEL thì không phải là không có chút chạnh lòng, nhìn người người, nhà nhà người ta quây quần, tay trong tay cũng sẽ cảm thấy tủi thân lắm chứ.

    Bạn Kim Anh du học sinh tại một cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc cho biết: “Nhìn thấy những cặp đôi hạnh phúc, tay nắm chặt tay cũng thấy có chút chạnh lòng. Người yêu mình ngày này cũng đang cố gắng ‘cày cuốc” để có thêm thu nhập. Cuối ngày đến, chúng mình facetime, dành cho nhau những lời nói động viên, trò chuyện, như thế là đủ ấm áp rồi. Không cần gì cao sang”.

    Bạn Hồng Nhung du học sinh tại Nhật Bản – làm thêm tại một nhà hàng ở Nhật Bản trải lòng: ” Có một gia đình người Nhật đặt bàn cho bốn người, mình được phụ trách chính cho phục vụ cho bàn này. Độ tuổi của họ chắc cũng tựa tựa như bố mẹ mình, mình cũng có đứa em trai như vậy. Nhìn thấy bữa cơm giáng sinh ấm cúng, đoàn viên của họ, bất giác nhớ đến bố mẹ, em trai ở Việt Nam mà không khỏi chạnh lòng.”

    Thôi thì cố gắng, hãy nhìn vào tương lai. Nhất định sau này, chúng ta cũng ngồi được ở những nhà hàng như thế, tận hưởng cho mình trọn một ngày giáng sinh đầm ấm, hạnh phúc, vui vẻ với những người thân yêu.

    Bởi du học sinh, chúng ta đều là những siêu nhân !

    Viethome (sưu tầm)

  • Viện lý do nghèo để biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật của mình là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên ở Việt Nam nhiều người còn tư tưởng này. Điển hình qua những vụ dẹp vỉa hè, lấn chiếm lòng lề người, người ta lại thét lên: Vì nghèo tôi mới phải làm thế…

    Đâu đó trong cuộc sống chúng ta vẫn gặp người đi bộ sang đường không đúng luật. Vài người chạy xe đạp, xe máy cũ vô tư chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, chở hàng cồng kềnh… Tất nhiên khi bị bắt họ sẽ đưa ra lý do nghèo để nguỵ biện cho hành động đó. Một số anh hùng bàn phím cũng hùa theo. Họ tung lên mạng hình ảnh bắt bớ với những lời lẽ không hay về lực lượng thi hành công vụ, mặc dù lực lượng công vụ đang làm đúng nhiệm vụ của họ.

    Hãy cùng theo dõi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội. Chuyện về một nữ du học sinh Việt Nam viện cớ vì nghèo để trốn vé tàu xe… Xem ở bên trời Tây cô ấy nhận được kết quả đắng cỡ nào.

    qua dang tron ve tau

    Bài học về sự dối trá

    Một cô gái sau khi tốt nghiệp liền sang Pháp, bắt đầu một cuộc sống vừa đi học vừa đi làm. Dần dần, cô phát hiện hệ thống thu vé các phương tiện công cộng ở đây hoàn toàn theo tính tự giác, có nghĩa là bạn muốn đi đến nơi nào, có thể mua vé theo lịch trình đã định, các bến xe theo phương thức mở cửa, không có cửa soát vé, cũng không có nhân viên soát vé, đến khả năng kiểm tra vé đột xuất cũng rất thấp.

    Cô đã phát hiện được lỗ hổng quản lí này, hoặc giả chính suy nghĩ của cô có lỗ hổng. Dựa vào trí thông minh của mình, cô ước tính tỉ lệ để bị bắt trốn vé chỉ khoảng ba phần trăm.

    Cô vô cùng tự mãn với phát hiện này của bản thân, từ đó cô thường xuyên trốn vé. Cô còn tự tìm một lí do để bản thân thấy nhẹ nhõm: mình là sinh viên nghèo mà, giảm được chút nào hay chút nấy.

    Sau bốn năm, cô đạt được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của một trường danh giá, cô tràn đầy tự tin đến những công ty lớn xin việc.

    Nhưng những công ty này không hiểu vì lí do gì, lúc đầu còn rất nhiệt tình nhưng về sau đều từ chối cô. Thất bại liên tiếp khiến cô tức tối. Cô nghĩ nhất định những công ty này phân biệt chủng tộc, không nhận người nước ngoài.

    Cuối cùng có một lần, cô trực tiếp đến bộ phận nhân lực của một công ty, yêu cầu giám đốc đưa ra một lý do vì sao từ chối cô. Kết cục họ đưa ra một lí do khiến cô không ngờ.

    Thưa cô, chúng tôi không hề phân biệt chủng tộc, ngược lại chúng tôi rất coi trọng cô. Lúc cô đến phỏng vấn, chúng tôi đều rất hài lòng với môi trường giáo dục và trình độ học vấn của cô, thực ra nếu xét trên phương diện năng lực, cô chính là người mà chúng tôi tìm kiếm”.

    “Vậy tại sao công ty ngài lại không tuyển dụng tôi?”

    “Bởi chúng tôi kiểm tra lịch sử tín dụng của cô và phát hiện ra cô đã từng ba lần bị phạt tiền vì tội trốn vé”.

    “Tôi không phủ nhận điều này, nhưng chỉ vì chuyện nhỏ này, mà các anh sẵn sàng bỏ qua một nhân tài đã nhiều lần được đăng luận văn trên báo như tôi sao?”

    “Chuyện nhỏ? Chúng tôi lại không cho rằng đây là chuyện nhỏ. Chúng tôi phát hiện, lần đầu tiên cô trốn vé là khi mới đến đất nước chúng tôi được một tuần, nhân viên kiểm tra đã tin rằng do cô mới đến và vẫn chưa hiểu rõ việc thu vé tự giác, cho phép cô được mua lại vé. Nhưng sau đó cô vẫn trốn vé thêm 2 lần nữa”.

    “Khi đó trong túi tôi không có tiền lẻ”.

    “Không, không thưa cô. Tôi không thể chấp nhận lí do này của cô, cô đang đánh giá thấp IQ của tôi ư. Tôi tin chắc trước khi bị bắt trốn vé, cô đã trốn được cả trăm lần rồi”.

    “Đó cũng chẳng phải tội chết, anh sao phải cứng nhắc như vậy? Tôi sửa là được mà”.

    “Không không, thưa cô. Chuyện này chứng tỏ hai điều: Một là cô không coi trọng quy tắc. Cô lợi dụng những lỗ hổng trong quy tắc và sử dụng nó. Hai, cô không xứng đáng được tin tưởng. Mà rất nhiều công việc trong công ty chúng tôi cần phải dựa vào sự tin tưởng để vận hành, nếu cô phụ trách mở một khu chợ ở một nơi nào đó, công ty sẽ cho cô toàn quyền lực phụ trách. Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi sẽ không lắp đặt các thiết bị giám sát, cũng như các hệ thống xe công cộng mà cô đã thấy đó. Vì vậy chúng tôi không thể tuyển dụng cô, tôi có thể chắc chắn rằng, tại đất nước chúng tôi, thậm chí cả châu Âu này cô sẽ không thể xin vào được nổi một công ty nào đâu”.

    Đến lúc này cô mới tỉnh ngộ và cảm thấy hối hận vô cùng. Sau đó, điều khiến cô ghi nhớ nhất là câu nói cuối cùng của vị giám đốc này: Đạo đức có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về trí tuệ, nhưng trí tuệ mãi mãi không thể bù đắp cho sự thiếu hụt về đạo đức.

    Đạo đức là phẩm chất cơ bản nhất của con người, cũng là nhân cách của một người. Một người dù ưu tú đến đâu nhưng nhân cách có vấn đề, cũng sẽ mất đi niềm tin và sự ủng hộ của người khác. Trên phương diện việc làm, những hành vi mất nhân cách thế này càng đáng sợ hơn, vì cái lợi nhỏ trước mắt mà phá bỏ nguyên tắc, điều này chắc chắn sẽ hủy hoại tiền đồ của bạn. Tôi cho các bạn lời khuyên chân thành, trong sự nghiệp cần phải dựa vào năng lực và chân thành của bản thân, mất thứ gì cũng không bằng mất nhân phẩm.

    Viethome (sưu tầm)