Người ở độ tuổi 30 có nên đi du học?

Có nhiều bạn hỏi tôi rằng, có nên đi du học vào cái tuổi 30 – cái tuổi mà không còn sự trẻ trung  gì nữa hay không? Liệu đi du học ở tuổi 30 về có phải là quá muộn màng? 

Đi  du học tuổi U30 là thế nào?

 
Đi du học ở tuổi 30 là như thế nào? Ảnh: Trạm đọc – Read station

Là việc kiếm đủ tiền mang về trong 1 ngày còn quan trọng hơn là bài tập về nhà. Ở cái độ tuổi 30, khi bạn đã trưởng thành và chín chắn, không còn sự bồng bột, bạn sẽ nhận ra giá trị của đồng tiền nó quan trọng đến mức nào. Đặc biệt, khi bạn sống ở một đất nước khác, hoàn toàn không nhận được một sự trợ giúp nào của gia đình thì điều này lại càng quan trọng hơn. Những chi phí sinh hoạt đắt đỏ, chi phí chi trả cho tiền học phí,… lắm lúc như một gánh nặng đang bủa vây bạn. Vì vậy, mỗi ngày, mỗi ngày trôi qua bạn đều phải nỗ lực kiếm tiền. Với sự hy vọng, tiền sẽ không là yếu tố cản trở bước đường sự nghiệp mà bạn đã cố gắng mà đánh đổi.

Là bạn hiểu rằng: tuổi trẻ của bạn chỉ còn đếm ngược từng ngày, và bạn không còn cơ hội để sai và làm lại từ đầu nữa. Hãy nhớ về khoảng thời gian bạn chỉ vừa mới 18 và đôi mươi. Khi ấy, chúng ta không có gì ngoài cái khí thế hăm hở, không có gì ngoài sức lực của tuổi trẻ. Ta cứ thế hăm hở bước đi, có vấp ngã, có đứng dậy để đi tiếp. Bởi khi ấy, chúng ta còn trẻ và chúng ta còn nhiều thời gian.

Còn khi bạn bước vào cái độ tuổi 30 ấy – cái độ tuổi mà như người ta bảo là đã đi hết 1/3 của cuộc đời thì thời gian là thứ đáng sợ nhất. Nó giục giã chúng ta, bởi chúng ta đã không còn trẻ, không còn là những cô nàng, những cậu bé để có thể mắc sai lầm và sửa chữa được nữa. Chúng ta đang chạy đua với thời gian và chúng ta phải giảm thiểu hết mức có thể những sai lầm.

Là bạn tự biết ai mới là người cần nghe theo và học hỏi chứ không phải ai nói gì cũng nghe như 10 năm trước nữa. 30 – là độ tuổi chín chắn để bản thân bạn hiểu rằng, bạn muốn làm gì, bạn sẽ làm gì và bạn sẽ trở thành một người như thế nào. Dù có ngàn vạn lần có những lời nói can ngăn không nên đi du học vào cái thời điểm mà người ta dựng vợ, gả chồng hết rồi, thì chúng ta vẫn sẽ nghe theo trái tim mình mách bảo và nhất quyết sẽ làm được đến tận cùng.

 
Là bạn đã tự vượt qua được những cơn “bão” ở trong lòng của mình, để có thể tự tin, kiên nhẫn, độc lập đối diện với mọi điều sẽ xảy đến. Ảnh minh họa: Trạm đọc – Read Station

Là bạn tự biết cách lên kế hoạch cho riêng mình, tự biết tìm bài tập để làm, tự biết phải học vì gia đình nhỏ sau này chứ không phải chỉ trả nợ nữa. Đi du học ở độ tuổi này cũng có cái lợi cho bạn. Bởi ở thời điểm này, bạn thực sự đã trưởng thành, đủ va vấp để không còn cái gọi là quá “yếu đuối” trước những cú sốc ở nước ngoài. Lúc này bạn sẽ bình tĩnh đối diện với mọi chuyện. Bạn cũng đã lên kế hoạch và mục tiêu riêng cho bản thân mình, biết sắp xếp làm thế nào đi đến vạch đích cuối cùng!

Là khi bạn tự biết trách bản thân mình vì kết quả không như ý muốn, chứ không còn đổ lỗi cho nhà trường hay bất cứ ai nữa. Thời chúng ta 18, đôi mươi ta thường hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho những tác nhân ở bên ngoài tác động. Nhưng khi chúng ta 30, chúng ta nhận ra rằng, chính bản thân chúng ta mới là vấn đề, là do chính bản thân không cố gắng hết mình chứ chẳng hề phải do nhà trường hay bất cứ ai ở đây nữa.

Như vậy, đi du học ở tuổi 30 bạn sẽ có những lợi thế và ắt hẳn cũng sẽ có những bất lợi.

Thế nhưng: “Chúng ta có cả đời để làm thứ chúng ta thích” 

 
Chúng ta có cả đời để làm thứ chúng ta thích cơ mà. Ảnh: Fe Angada – Group Film Photo Club

Tôi vẫn nhớ như in câu nói của cô bạn Thái Mỹ Phương- cô bạn cũng du học ở tuổi 30: “Chúng ta có cả đời để làm thứ chúng ta thích” cơ mà.

Tuổi tác sẽ không quyết định đến việc chúng ta muốn học, tôi cho là vậy. Chúng ta có cả đời để làm thứ chúng ta thích. Thời gian chỉ giúp củng cố câu trả lời là muốn hay không mà thôi.  Tôi cho rằng chuỗi thời gian trên là hợp lý. Du học tự lập cần một khoảng thời gian cần thiết và hợp lý để củng cố kinh nghiệm, sự nghiệp, tài chính và lòng dũng cảm.

Vì vậy, đi du học ở tuổi 30 hay không? Câu trả lời nằm ở chính bản thân bạn. 

VietHome (Theo tramdoc)