• Theo TTXVN, trong 10 ngày qua, tại địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, kẻ xấu đã dùng thuốc trừ cỏ hạ độc cả một cánh rừng thông gần 20 năm tuổi, làm chết hơn 3.000 cây thông. Đây được cho là vụ hủy hoại rừng lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương để chiếm đất sản xuất.

    Cánh rừng thông tại Lâm Đồng bị hạ độc (Ảnh: TTXVN)

    Khu vực diện tích rừng thông bị hạ độc nằm tại tiểu khu 292, địa bàn xã Tân Thanh, thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà, Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai quản lý. Những cây thông tại đây được trồng cách đây gần 20 năm, hiện có đường kính gốc từ 25 đến 40cm, bao quanh là nương rẫy trồng cà phê, hoa màu của người dân trong khu vực.

    Tại hiện trường, cả cánh rừng thông rộng hơn 10 ha đã chết đứng, cành lá chuyển sang màu đỏ và bắt đầu khô rụng, không thể cứu chữa. Ước tính số lượng cây thông bị chết trong khu vực lên tới 3.000 – 4.000 cây san sát nhau.

    Mỗi gốc cây đều có các vết bị dao rựa đi rừng bạt đi phần vỏ, có 1 lỗ khoan to bằng đầu đũa, khoan sâu vào thân cây khoảng 15 – 20 cm, đang sùi nhựa trắng đục.


    Clip hơn 3,000 cây thông 17 năm tuổi bị đầu độc ở Lâm Đồng.

    Rải rác trong rừng là những chai nhựa màu trắng đục đã bị bóc đi phần nhãn mác bằng giấy, phần dập nổi có nhãn hiệu “Thanh Sơn”, giống như vỏ loại thuốc diệt cỏ vẫn được sử dụng trên thị trường.

    Tiểu khu 292 có gần 60 ha rừng trồng của Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai còn trụ lại được. Các diện tích rừng tự nhiên khác xung quanh đó đã bị lấn chiếm để làm nương rẫy từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương không kiểm soát được.

    Từ đầu năm 2018 đến nay, diện tích rừng trồng của Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai liên tiếp bị lâm tặc tấn công để chiếm đất ở mức độ nhỏ lẻ, nhưng chưa được chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng phối hợp xử lý dứt điểm. Khu vực trên khá bằng phẳng, đất đai màu mỡ, lại nằm gần Quốc lộ 28 và tuyến tỉnh lộ ĐT275 nên trở thành miếng mồi béo bở cho nhiều đối tượng xấu.

    Viethome (theo trithucvn)

  • Sau y tế và giáo dục, tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục tham gia vào lĩnh vực giao thông công cộng với hình thức phi lợi nhuận.

    Ngày 2/5/2019, Tập đoàn Vingroup công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus, chính thức tham gia lĩnh vực vận tải hành khách.

    Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, nhằm góp phần xây dựng nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn cho các đô thị lớn của Việt Nam.

    Dự kiến, VinBus sẽ cung cấp dịch vụ vận tải từ tháng 3/2020, bắt đầu tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.

    VinGroup quyết định đầu tư xe buýt điện nhằm góp phần xây dựng nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại (ảnh minh họa xe buýt chạy xăng dầu hiện nay)

    Vingroup cho biết VinBus sẽ sử dụng 100% xe buýt điện. Trước mắt, công ty sẽ đưa vào vận hành 3.000 xe buýt điện do hãng xe VinFast sản xuất.

    Hiện nhà máy sản xuất xe buýt điện VinFast đang trong quá trình xây dựng và lắp đặt hệ thống nhà xưởng. Đối tác cung cấp công nghệ và linh kiện để sản xuất xe buýt điện cho VinFast là Siemens (Đức). Thành lập VinBus là bước đi cụ thể tiếp theo của Tập đoàn Vingroup trong chiến lược phát triển các dòng xe chạy điện thân thiện với môi trường nói chung và xe buýt điện nói riêng. 

    Về định hướng kinh doanh, VinBus sẽ hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Theo đó, 100% lợi nhuận thu được sẽ được công ty tái đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hệ thống và mở rộng địa bàn để đưa dịch vụ giao thông công cộng văn minh, hiện đại tới đông đảo người dân.

    "Tham gia cung cấp dịch vụ vận tải công cộng bằng loại hình xe buýt điện thông minh là một trong những bước đi quan trọng của Vingroup, nhằm mang đến các dịch vụ và trải nghiệm mới, ứng dụng công nghệ cao, góp phần hình thành nên những thói quen văn minh, kiến tạo một môi trường sống trong lành, hiện đại" - ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết.

    Như vậy, giao thông công cộng là hình thức kinh doanh phi lợi nhuận thứ 3 mà tập đoàn của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam đầu tư, sau y tế và giáo dục.

    Viethome (theo Người Đưa Tin)

  • Một xã ở Nghệ An có 22 người đã vượt biên bán bào thai với giá từ 40 triệu đến 80 triệu đồng.

    Trong ba năm qua, ở huyện miền núi Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An, khu vực giáp biên giới Lào) diễn ra tình trạng buôn bán bào thai, tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Hữu Kiệm.

    Trong ngôi nhà sàn ba gian, chị Moong Thị Tho (26 tuổi) ở bản Đỉnh Sơn 1 (xã Hữu Kiệm) cho biết mình là một trong số nhiều phụ nữ trong bản vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai trở về.

    "Hơn một năm trước, khi đang mang bầu lần thứ ba, tôi ra trung tâm huyện để siêu âm thì biết rằng đó là bé trai. Vài hôm sau, trong lúc lên rẫy, tôi nhận được điện thoại của một người phụ nữ không quen biết, đặt vấn đề nếu qua Trung Quốc sinh con sẽ nhận được 40 triệu đồng cho bé trai", chị Tho kể.

    Cuộc sống nơi rẻo cao, nguồn thu nhập của gia đình chị Tho chỉ dựa vào vài sào lúa nương, ngô cùng dăm con lợn thả rông, tiền mặt trong nhà chưa bao có quá 10 triệu đồng. Trong khi hai vợ chồng đang nợ một khoản tiền gần 30 triệu đồng, nên chị Tho không hỏi ý kiến chồng mà âm thầm quyết định vượt biên để có tiền trang trải nợ nần.

    Chị Moong Thị Tho. Ảnh: Nguyễn Hải.

    "Sau đó, tôi được đưa lên thuyền vượt một con sông trong vài chục phút, rồi lên xe ôtô chạy tiếp nửa ngày thì tới một căn nhà nằm sâu trên đất Trung Quốc", chị nhớ lại. Đầu tháng 9, khi thai nhi hơn 8 tháng tuổi, theo chỉ dẫn của người phụ nữ từng liên lạc, Tho bắt xe khách từ Nghệ An ra Móng Cái (Quảng Ninh). Xe tới Móng Cái lúc trời sắp sáng, người phụ nữ mang bầu được một người lạ dẫn qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc trong đêm. 

    Tại ngôi nhà trên, thai phụ người Việt được cho ăn, ngủ đầy đủ song hạn chế đi ra ngoài. "Một tháng sau, tôi sinh con. Bé chào đời trong vài phút thì có người đàn ông tới bế đi rồi trả cho tôi cục tiền bằng Nhân dân tệ trị giá 40 triệu đồng tiền Việt Nam", chị Tho nói.

    Giữ khoản tiền này, chị ở lại thêm bốn ngày rồi được yêu cầu lên xe trở về Móng Cái (Việt Nam). Hành trình qua Trung Quốc bán bào thai của chị Tho kéo dài trong 40 ngày. Sau đó chị cầm tiền về và kể lại sự việc với chồng. Hiện người phụ nữ này không biết địa điểm mình đã sinh con là địa phương nào của Trung Quốc và đã đi xa bao nhiêu km.

    Qua trò chuyện, chị Tho chia sẻ sự day dứt, đau lòng với quyết định trên và nói "tôi đã tự hứa với bản thân sẽ không làm điều tương tự nữa". Còn anh Lữ Văn May (31 tuổi, chồng chị Tho) thì trầm ngâm: "Tôi không trách vợ, nhưng hai vợ chồng đã thống nhất có chết đói cũng không làm như vậy nữa".

    Chị Mạc Thị Hoa, người phụ nữ đã sang Trung Quốc bán bào thai một năm trước. Ảnh: Nguyễn Hải.

    Biết cuộc sống của Hoa khó khăn, đông con nhỏ nên người phụ nữ đặt vấn đề "nếu thai nhi là gái thì sẽ nhận được 80 triệu đồng tiền công khi qua Trung Quốc sinh".Ở gần nhà anh Lữ Văn May là gia đình chị Mạc Thị Hoa (38 tuổi). Một năm trước, chị Hoa cũng sang Trung Quốc bán bào thai. Theo lời kể của chị này, khi mang bầu con gái thứ năm ở tháng thứ tám, chị được một phụ nữ lạ mặt bắt chuyện ở cửa hàng tạp hóa. 

    Trở về nhà, đem câu chuyện này kể với người chồng vốn nghiện rượu, chị Hoa nhận được cái gật đầu. Ít hôm sau, Hoa đón chuyến xe khách từ Nghệ An ra Móng Cái (Quảng Ninh). Cũng giống như những người khác, chị Hoa được người lạ dẫn đường đi qua đường tiểu ngạch trước khi di chuyển tiếp bằng thuyền và ôtô vào sâu trong nội địa Trung Quốc. 

    Qua vài chục ngày được chăm sóc, Hoa chuyển dạ tại một cơ sở y tế nhỏ. "Tôi chỉ nghe vài tiếng khóc của con, mặt thì không nhìn rõ, không biết con gái của mình có giống mẹ không!", chị Hoa nói. 

    Xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn) nằm ở miền Tây Nghệ An, giáp biên giới với Lào. Ảnh: Nguyễn Hải.

    "Tôi thực sự không biết việc bán bào thai của mình như vậy có vi phạm pháp luật hay không. Nếu bị cấm thì tôi không đi bán nữa", người phụ nữ tuổi 38 nói.Khoản tiền 70 triệu đồng chị Hoa mang về một phần trả nợ, phần còn lại trang trải cuộc sống gia đình. Đây cũng là khoản tiền lớn nhất mà chị Hoa từng được cầm trong tay. 

    Cũng ở xã Hữu Kiệm, anh Mạc Văn Xiêng (34 tuổi) cho hay năm lên 12 tuổi thì anh cưới chị Lữ Thị Thiêm. Bốn năm sau, hai vợ chồng họ mới có con đầu lòng. Năm 2017, chị Thiêm mang bầu bé trai là con thứ tư được bốn tháng thì qua Trung Quốc thăm người em gái đang sinh sống bên đó.

    Nửa năm sau, Thiêm trở về cầm theo 20 triệu đồng và kể với chồng rằng mình đã trót bán đứa con khi mới sinh.  "Vợ tôi làm như vậy cũng chỉ vì nghèo thôi. Hai vợ chồng đều buồn mỗi khi nhắc đến chuyện này và tôi lại đông viên vợ hãy cố quên", Xiêng nói.

    Anh cũng cho biết, thời gian tới sẽ nghe lời cán bộ dân số của bản để áp dụng phương pháp tránh thai, "vợ chồng bảo nhau không đẻ thêm nữa để tập trung làm ăn, nuôi con".

    Ông Nguyễn Hữu Lượng - Chủ tịch xã Hữu Kiệm xác nhận, ba năm qua ở xã có 22 phụ nữ vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai, trong đó 21 người đã trở về địa phương. "Số này tập trung tại hai bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2. Đây cũng là hai bản khó khăn nhất của xã", ông nói.

    "Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với những trường hợp này và họ đều thừa nhận. Có những trường hợp nói rằng có phần day dứt, song cũng có người thể hiện thái độ thờ ơ. Thực sự là những người lãnh đạo xã, chúng tôi rất đau xót nhưng chưa thể ngăn chặn", ông Lượng nói và thông tin thêm, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trên khó được giải quyết là trình độ dân trí trên địa bàn thấp, trong khi chính quyền chưa có chế tài cụ thể.

    Tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An giữa tháng 12, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh đã báo động về "thủ đoạn buôn người rất mới". Theo ông, một số người từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc sau một thời gian quay về quê quán ở Kỳ Sơn. Những người này đã sử dụng thủ đoạn là tìm kiếm các phụ nữ mang thai từ tháng thứ 6 đến thứ 8, thuyết phục qua Trung Quốc bán con với giá từ 40 triệu đến 50 triệu đồng (con trai) và 70 triệu đến 80 triệu đồng (con gái).

    Trao đổi với VnExpress, ông Cầu cho hay trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận khoảng 25-27 vụ bán bào thai. "Có vụ cả mẹ và con bị nhóm buôn người bán, lực lượng chức năng bắt được đối tượng song chỉ xử lý hành vi bán mẹ, còn bán con thì chưa xử lý được vì chưa xác định cháu bé ở đâu, nghĩa là chưa xác định được bị hại theo quy định pháp luật", ông nói.

    Hiện Nghệ An đã gửi văn bản tới nhiều bộ, ngành Trung ương để xin ý kiến hướng dẫn xử lý tình trạng buôn bán bào thai trong bối cảnh chưa có quy định cụ thể.

    Một ngày trước, Bộ Công an cũng có chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường điều tra về các vấn đề mua bán bào thai, môi giới mua bán người; đặc biệt là các vụ liên quan đã xảy ra tại huyện Kỳ Sơn.

    Viethome (theo VnExpress)