Nối gót Anh, Pháp quyết liệt thắt chặt phúc lợi cho người nhập cư

Vào ngày 21/1 tại Pháp, hàng nghìn người đã đổ xuống đường biểu tình ở khu vực tháp Eiffel để phản đối luật nhập cư vừa được thông qua, theo đó cắt giảm các phúc lợi của người lao động nước ngoài, cũng như trì hoãn nhiều khoản phúc lợi như trợ cấp nhà ở.

Dự luật nhập cư do Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin đệ trình đã được cả hai viện của Quốc hội thông qua hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó bao gồm việc áp đặt hạn ngạch nhập cư, khiến con cái của người lao động nhập cư khó nhập quốc tịch Pháp.

bieu tinh phan doi luat nhap cu 333
Hàng nghìn người biểu tình phản đối luật nhập cư tại Pháp

Người Pháp từ lâu đã tự hào vì có một trong những hệ thống phúc lợi hào phóng nhất thế giới, thậm chí trợ cấp cả cho cư dân nước ngoài, giúp họ trả tiền thuê nhà hoặc chăm sóc con cái. Phe cực hữu và một số người theo chủ nghĩa bảo thủ cho rằng những phúc lợi này chỉ nên dành riêng cho người Pháp.

Theo AP, ngày 21-1, hàng chục nghìn người đã xuống đường tuần hành tại nhiều thành phố trên khắp nước Pháp, kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron không ký ban hành Luật Nhập cư mới.

Theo Bộ Nội vụ Pháp, 75.000 người đã tham gia tuần hành trên khắp đất nước, trong đó có 16.000 người biểu tình ở thủ đô Paris. Cuộc biểu tình diễn ra 4 ngày trước khi Hội đồng Hiến pháp ra quyết định về các điều khoản trong Luật Nhập cư mới-được Quốc hội thông qua vào tháng 12-2023-có phù hợp với Hiến pháp hay không.

Nếu được ký ban hành, luật nhập cư mới sẽ tác động trực tiếp đến những người lao động nước ngoài tại Pháp. Theo tờ Le Monde (Pháp), dự thảo luật tạo ra sự phân biệt rõ ràng giữa người nước ngoài có việc làm và người không có việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến những lợi ích xã hội mà họ được nhận. Cụ thể, đối với các khoản trợ cấp gia đình, người nhập cư không đi làm sẽ phải chờ 5 năm mới đủ điều kiện được nhận trợ cấp, trong khi người có việc làm chỉ phải chờ 30 tháng. Đối với trợ cấp nhà ở của chính phủ, được gọi là APL, những người nước ngoài thất nghiệp sống tại Pháp phải đợi 5 năm. Đối với những người có việc làm, thời hạn này rút xuống còn 3 tháng.

Dự luật mới cũng tạo điều kiện xin thẻ cư trú cho những người nhập cư không có giấy tờ song đủ điều kiện làm việc trong các lĩnh vực mà nước Pháp thiếu lao động. Nhưng đồng thời, các quy định về đoàn tụ gia đình cũng trở nên khắt khe hơn. Để có thể đưa gia đình sang định cư ở Pháp, người nước ngoài phải cư trú tại Pháp ít nhất 24 tháng (so với 18 tháng theo quy định trước đây) và phải đáp ứng nhiều tiêu chí về thu nhập và bảo hiểm y tế. Đối với sinh viên nước ngoài, khi xin giấy phép cư trú sẽ phải trả tiền đặt cọc cho những chi phí có thể phát sinh khi sống tại Pháp.

Về vấn đề nhập tịch, những người sinh ra ở Pháp có cha mẹ là người nước ngoài sẽ không được tự động cấp quốc tịch Pháp khi đến tuổi trưởng thành mà họ sẽ phải thực hiện quy trình xin cấp quốc tịch trong khoảng thời gian từ 16 đến 18 tuổi. Người nước ngoài sinh ra ở Pháp bị kết án phạm tội sẽ không được phép nhập quốc tịch Pháp.

Đáng chú ý, dự luật nhập cư mới của Pháp cũng đã đưa ra nhiều sửa đổi lớn gây tranh cãi như thiết lập hạn ngạch nhập cư, khôi phục trừng phạt “tội cư trú bất hợp pháp” từng bị bãi bỏ vào năm 2012 và cho phép tước quốc tịch đối với những công dân Pháp mang hai quốc tịch bị kết án vì tội nghiêm trọng.

Tổng thống Emmanuel Macron thừa nhận dự luật nhập cư mới mang tính cứng rắn hơn và nhiều điều khoản có thể sẽ bị bác bỏ hoặc sửa đổi khi được trình lên cấp cao nhất là Hội đồng Hiến pháp để xem xét trước khi được chính ông ký ban hành. Tổng thống Pháp nhấn mạnh đất nước hình lục lăng đang gặp vấn đề với người nhập cư và dự luật mới là công cụ mà quốc gia này đang thiếu.

Người Pháp từ lâu đã tự hào vì có một trong những hệ thống phúc lợi hào phóng nhất thế giới, thậm chí cấp các khoản hỗ trợ cho người nước ngoài tại Pháp, giúp họ trả tiền thuê nhà hoặc chăm sóc con cái với khoản đóng góp hằng tháng lên tới vài trăm euro. Phe cực hữu và những người bảo thủ đã lập luận rằng, những điều này chỉ nên dành riêng cho người Pháp. Do vậy, dự luật mới đã thắt chặt khả năng tiếp cận phúc lợi xã hội, thiết lập hạn ngạch di cư, giới hạn các điều kiện đoàn tụ gia đình với người nhập cư hợp pháp…

Song, đối với những người phản đối, họ cho rằng luật nhập cư mới đã được điều chỉnh theo ý kiến của “những người mang tư tưởng hận thù cá nhân”, mang đậm màu sắc tư tưởng phe cực hữu. Họ lo ngại luật mới sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử với người nước ngoài đang sinh sống ở Pháp. Hơn 160 cuộc tuần hành trên khắp nước Pháp đã diễn ra ngày 21-1, đặc biệt là ở thủ đô Paris. Một số nhà lãnh đạo cánh tả như Manon Aubry (thuộc Đảng LFI), Marine Tondelier (Đảng EELV), Olivier Faure (Đảng PS) và Fabien Roussel (Đảng PCF) cũng tham gia biểu tình.

Cuộc tuần hành diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu đang siết chặt chính sách nhập cư. Không chỉ Pháp mà Anh và Đức cũng có động thái thắt chặt chính sách nhập cư hoặc ban hành các quy định hạn chế mới đối với người xin tị nạn. Theo dự báo của các chuyên gia, số lượng người di cư đến Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay được dự báo sẽ tăng vượt mức kỷ lục thiết lập năm 2016.

Theo qdnd