• Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan chỉ đạo điều tra khẩn cấp về nguồn gốc của một tấm biển quảng cáo dịch vụ bán hộ chiếu và quốc tịch của nhiều quốc gia.

    ban ho chieu thai lan 1
    Tấm biển quảng cáo bất hợp pháp được phát hiện tại một ngã tư ở quận Huai Khwang, Bangkok. Ảnh: The Nation.

    Tấm biển quảng cáo này được phát hiện tại một ngã tư ở quận Huai Khwang, Bangkok. Biển có nội dung bằng tiếng Trung Quốc và được một người đi đường phát hiện rồi đăng lên Facebook.

    Quảng cáo nói về dịch vụ cấp “hộ chiếu và quốc tịch hợp pháp” trong vòng 30 ngày đồng thời ghi rõ giá tiền để làm hộ chiếu, quốc tịch ở các quốc gia như Indonesia, Vanuatu, Campuchia và Thổ Nhĩ Kỳ.

    Sau khi bài đăng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, tấm biển đã được chính quyền địa phương dỡ bỏ vào 10h sáng 22/7.

    Tội phạm xuyên quốc gia?

    Ông Anutin Charnvirakul, Phó Thủ tướng đồng thời là Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan, đã ra lệnh dỡ bỏ tấm biển và mở một cuộc điều tra về vấn đề này. Đây là một hoạt động nhằm chống lại các ổ tội phạm và bảo vệ hình ảnh của Thái Lan, theo bà Traisulee Traisaranakul - người phát ngôn của Bộ Nội vụ.

    Bà Traisulee cho biết ông Anutin đã được cảnh báo về bài đăng trên mạng xã hội và chỉ trích biển quảng cáo bằng tiếng Trung Quốc về dịch vụ bán hộ chiếu, quốc tịch của các quốc gia.

    Bà xác nhận Thái Lan đang thực hiện các chính sách thúc đẩy du lịch bằng cách tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh vào “xứ sở chùa vàng”. Tuy nhiên, quốc gia này sẽ sàng lọc khách chặt chẽ hơn để ngăn các nhóm tội phạm sử dụng nơi đây làm căn cứ cho các hoạt động bất hợp pháp.

    ban ho chieu thai lan 1
    Trong năm nay, Thái Lan đã ban hành chính sách cấp visa 6 tháng cho khách du lịch và cho phép họ "vừa làm vừa chơi" thay vì cấm khách làm việc như trước đây. Ảnh: @islandyogathailand.

    “Ông Anutin đã chỉ thị thống đốc ở các tỉnh và cơ quan hành chính địa phương hợp tác với cảnh sát và cơ quan an ninh để tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ”, bà cho biết. “Điều này sẽ đảm bảo Thái Lan không trở thành căn cứ cho các băng đảng tội phạm và giữ gìn hình ảnh tích cực cho đất nước”.

    Ông Wiroj Lakkhanaadisorn, một chính trị gia thuộc đảng Tiến bước Thái Lan, bày tỏ quan ngại và cho rằng tấm biển quảng cáo là một hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

    “Đây là một hành động coi thường trắng trợn đối với chính quyền. Biển quảng cáo nằm ở Huai Khwang, một khu vực có nhiều người Hoa sinh sống và làm việc. Biển quảng cáo này nhắm vào họ”, ông Wiroj nhận xét. “Thái Lan có thể gặp nhiều vấn đề an ninh nếu để tình trạng này tiếp tục”.

    Theo ông Wiroj, những vụ việc như thế này sẽ làm hoen ố hình ảnh Thái Lan và mở đường cho các băng nhóm tội phạm quốc tế. “Chính quyền cần điều tra càng sớm càng tốt”, ông nói thêm có khả năng nhiều băng đảng mafia xuyên quốc gia và các tội phạm bị truy nã đang sử dụng Thái Lan làm nơi trú ẩn.

    Nghiêm cấm mua bán quốc tịch

    Ông Paitoon Ngammuk, giám đốc quận Huai Khwang, xác nhận đã có kết quả điều tra ban đầu và các hoạt động thanh tra chi tiết sắp được thực hiện. Những người có liên quan đến vụ việc sẽ phải ngồi tù, đóng tiền phạt vì thực hiện những hành vi phạm tội.

    ban ho chieu thai lan 1
    Từ ngày 1/1 - 30/6, Thái Lan đã đón khoảng 17,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, mang lại doanh thu khoảng 22,64 tỷ USD. Ảnh: Toast to Thailand.

    Trong khi đó, ông Panthana Nuchanart, Phó Giám đốc Cơ quan Di trú Thái Lan, cho biết hoạt động mua bán quốc tịch bị nghiêm cấm ở Thái Lan dù điều này là hợp pháp ở một số quốc gia.

    “Các cơ quan điều tra sẽ rà soát kỹ lưỡng để xác định những hành vi bất hợp pháp. Nếu vụ việc có liên quan sâu xa, chúng tôi sẵn sàng mở rộng phạm vi điều tra”, Phó Giám đốc khẳng định.

    Các cuộc điều tra sơ bộ cho thấy tấm biển này không quảng cáo dịch vụ bán quốc tịch Thái Lan mà chỉ sử dụng quốc gia này làm địa điểm quảng cáo cho hành vi bán quốc tịch của các quốc gia khác.

    Tuy nhiên, ông Panthana nhấn mạnh các cơ quan chức năng sẽ điều tra toàn diện hoạt động cấp hộ chiếu, quốc tịch để đảm bảo an ninh quốc gia.

    ZNews (theo Straits Times)

  • Hộ chiếu Singapore vừa được xếp hạng là quyền lực nhất thế giới trong danh sách công bố hàng quý của Chỉ số hộ chiếu Haley.

    Công dân Singapore hiện có thể được miễn visa hoặc xin thị thực khi nhập cảnh đến 195 điểm đến trên khắp thế giới. Đây là con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi Chỉ số Hộ chiếu Henley bắt đầu theo dõi các quyền tự do đi lại toàn cầu trong 19 năm qua.

    Chỉ số hộ chiếu Henley, do công ty tư vấn về quyền công dân và cư trú toàn cầu Henley & Partners có trụ sở tại London tạo ra, theo dõi các quyền tự do toàn cầu tại 227 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới bằng cách sử dụng dữ liệu độc quyền từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).

    ho chieu singapore on top

    Hộ chiếu của Nhật Bản, Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha cùng giữ vị trí số 2. Công dân của các nước này có thể được miễn thị thực khi đi du lịch 192 điểm đến.

    Sau đó, ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng là Hàn Quốc, Thụy Điển, Phần Lan, Áo, Ireland, Luxembourg và Hà Lan, tất cả đều có đặc quyền di chuyển dễ dàng đến 191 điểm đến.

    Vương quốc Anh, từng cùng với Mỹ nắm giữ vị trí hàng đầu vào năm 2014, hiện đứng ở vị trí thứ 4 (190 điểm đến), cùng với New Zealand, Na Uy, Bỉ, Đan Mạch và Thụy Sĩ.

    Australia và Bồ Đào Nha cùng ở vị trí số 5 (189 điểm đến), trong khi Mỹ tụt xuống vị trí thứ 8, với quyền miễn thị thực ở 186 điểm đến.

    Khoảng cách ngày càng lớn

    Trong khi con số 195 điểm đến của Singapore là mức cao kỷ lục đối với cả Singapore và bảng xếp hạng, thì ở phía ngược lại của thang điểm, mức thấp kỷ lục cũng đang được ghi nhận.

    Afghanistan từ lâu đã được xếp hạng là hộ chiếu yếu nhất thế giới theo chỉ số, nhưng hiện tại công dân của nước này chỉ có thể đi du lịch đến 26 quốc gia mà không cần xin visa - mức điểm thấp nhất được ghi nhận trong lịch sử gần 2 thập kỷ của chỉ số.

    Christian Kaelin, Chủ tịch của Henley & Partners, cho biết: "Số lượng điểm đến trung bình trên toàn cầu mà du khách có thể tiếp cận mà không cần thị thực đã tăng gần gấp đôi từ 58 điểm đến vào năm 2006 lên 111 điểm đến vào năm 2024. Tuy nhiên, khoảng cách giữa nước đứng đầu và đứng cuối bảng xếp hạng hộ chiếu quyền lực hiện nay lớn hơn bao giờ hết".

    Gần 5 tỷ người sẽ bay trong năm nay, trên 39 triệu chuyến bay, theo ước tính của IATA. Tuy nhiên, Tổng giám đốc IATA Willie Walsh cho biết chi phí thực tế của việc đi lại bằng máy bay đã giảm hơn 1/3 trong thời gian này. Lợi nhuận của các hãng hàng không trên mỗi hành khách hiện chỉ ở mức hơn 6 USD. "Mức này chỉ đủ cho một tách espresso trong quán cà phê khách sạn thông thường", ông Walsh nói.

    Những con số đáng chú ý

    Người đàn ông giàu nhất châu Phi Aliko Dangote sinh ra tại Nigeria, đã phàn nàn tại Diễn đàn CEO châu Phi gần đây ở Kigali rằng ông cần 35 visa để đi du lịch vòng quanh châu lục này. Con số lớn hơn rất nhiều so với một du khách châu Âu.

    Nghiên cứu mới độc quyền được công bố trong báo cáo của Henley & Partner vào ngày 23/7 so sánh tỷ lệ từ chối visa Schengen (visa cho phép du khách được nhập cảnh vào 26 quốc gia nằm trong khối Schengen) đối với những người nộp đơn xin thị thực ở châu Phi với những người nộp đơn xin thị thực từ các khu vực khác. Nghiên cứu của Mehari Taddele Maru - giáo sư thỉnh giảng tại Trường Quản trị xuyên quốc gia thuộc Viện Đại học Châu Âu và Đại học Johns Hopkins ở Italy - phát hiện khoảng 30% người nộp đơn xin visa Schengen của châu Phi đã bị từ chối, so với tỷ lệ từ chối khoảng 10% trên toàn thế giới.

    Giáo sư Maru cho biết: "Những người nộp đơn xin thị thực ở châu Phi phải đối mặt với 3 khó khăn: quyền hạn hộ chiếu thấp hơn, tỷ lệ từ chối thị thực cao hơn và do đó, khả năng chuyển dịch kinh tế hạn chế".

    Bảng xếp hạng của Henley & Partners là một trong số nhiều chỉ số do các công ty tài chính tạo ra để xếp hạng hộ chiếu toàn cầu theo mức độ quyền truy cập mà hộ chiếu cung cấp cho công dân của mình.

    Bên cạnh đó, Chỉ số hộ chiếu của Arton Capital xem xét hộ chiếu của 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và các vùng lãnh thổ. Chỉ số này cũng được cập nhật theo thời gian thực trong suốt cả năm, nhưng dữ liệu được thu thập bằng cách theo dõi chặt chẽ các cổng thông tin của từng chính phủ. Đây là một công cụ "dành cho những người đi du lịch, để cung cấp thông tin chính xác, dễ truy cập cho nhu cầu đi lại của họ", người sáng lập Arton Capital Armand Arton nói với CNN vào năm 2022.

    Xếp hạng sức mạnh hộ chiếu toàn cầu năm 2024 của Arton xếp UAE ở vị trí hàng đầu, với số điểm đến miễn thị thực/cấp thị thực khi đến là 179. Ở vị trí thứ 2, Tây Ban Nha có 178 điểm đến; trong khi Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Luxembourg, Áo và Thụy Sĩ cùng có 177 điểm đến và xếp ở vị trí thứ 3.

    Những hộ chiếu quyền lực nhất năm 2024, theo Chỉ số hộ chiếu Henley

    1. Singapore (195 điểm đến)

    2. Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Tây Ban Nha (192)

    3. Áo, Phần Lan, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Điển (191)

    4. Bỉ, Đan Mạch, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh (190)

    5. Australia, Bồ Đào Nha (189)

    6. Hy Lạp, Ba Lan (188)

    7. Canada, CH Czech, Hungary, Malta (187)

    8. Mỹ (186)

    9. Estonia, Litva, UAE (185)

    10. Iceland, Latvia, Slovakia, Slovenia (184)

    Znews (Ảnh: CNA, Bloomberg)

  • ho chieu rach 1
    Nữ du khách đến từ Anh lưu trú ở Thái Lan 3 tháng sau khi nhận chứng chỉ yoga. Ảnh: @Rosina Visomi

    Một giáo viên yoga người Anh bật khóc khi bị mắc kẹt ở Thái Lan, không thể bay về nước vì vết rách trên hộ chiếu.

    Rosina Visomi (27 tuổi, quốc tịch Anh) chia sẻ với Kennedy News: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng việc một vết rách nhỏ lại trở thành vấn đề lớn với tôi đến vậy".

    Cô gái đến từ Norfolk (miền Đông nước Anh) lưu trú trên hòn đảo Koh Pha-ngan của Thái Lan từ tháng 4, sau khi nhận được chứng chỉ yoga ở Ấn Độ.

    Trong thời gian dừng chân tại Đông Nam Á, nữ du khách này đã tìm hiểu thêm về niềm đam mê của cô cũng như tham gia công tác tình nguyện.

    Cuối cùng, Visomi quyết định sẽ trở về nhà ở Norfolk vào đầu tháng 7. Cô đã đặt chuyến bay nhiều chặng dừng qua Bangkok, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đến London là điểm cuối cùng.

    Tuy nhiên, hôm 4/7, khi đến sân bay thủ đô Thái Lan, nữ du khách người Anh bị nhân viên của hãng hàng không IndiGo Airlines từ chối nhập cảnh do trang ảnh của cuốn hộ chiếu bị rách khoảng 1 cm.

    ho chieu rach 1
    Vết rách nhỏ mang lại một loạt các rắc rối cho nữ du khách. Ảnh: Kennedy News and Media.

    "Khi tôi chuẩn bị lên chuyến bay, nhân viên sân bay nói, 'bạn sẽ không đi đâu được với cái đó đâu" - lời nói ám chỉ đến một vết rách nhỏ trên hộ chiếu của tôi và tôi trả lời, 'Ồ, nó đã như thế này từ trước rồi'", Viscomi nhớ lại. "Họ nói rằng Ấn Độ sẽ không cho tôi nhập cảnh, tôi cần đặt chuyến bay thẳng từ Bangkok đến London", nữ du khách kể.

    Nữ giáo viên yoga này cho biết cuốn hộ chiếu của mình đã rách từ lâu, song cô không gặp vấn đề gì trong các chuyến bay trước đó, bao gồm các chuyến bay đến Mỹ, Jamaica và chuyến đi gần nhất đến Thái Lan.

    Sự cố này khiến Visomi lỡ chuyến bay và tốn khoảng 470 USD tiền vé. Ngoài ra, chính quyền tuyên bố thị thực của cô đã hết hạn mặc dù cô đã gia hạn thị thực chỉ vài ngày trước đó.

    "Cơ quan xuất nhập cảnh nói rằng họ có thể phạt tôi 320 bảng Anh (khoảng 410 USD) vì visa của tôi đã quá hạn", cô than thở.

    ho chieu rach 1
    Nữ du khách mệt mỏi và bật khóc trước một loạt rắc rối. Ảnh: Kennedy News and Media.

    Visomi liên lạc với cơ quan di trú Thái Lan và Đại sứ quán Anh tại Thái để được hỗ trợ. Quá trình này khiến cô tốn thêm hàng trăm bảng Anh.

    "Tôi thực sự không còn tiền nữa, tôi đã không tính đến khoản chi phí phát sinh này", nữ giáo viên yoga nói. Cô cho biết đang thất nghiệp.

    Sau đó, chị gái của Viscomi đã thực hiện chiến dịch kêu gọi quyên góp để giúp cô trang trải chi phí đi lại. Nữ du khách cuối cùng đã được bay về nhà từ Thái Lan vào ngày 9/7.

    Bất chấp những thử thách gian khổ này, đại diện của hãng IndiGo Airlines khẳng định họ làm theo đúng quy trình.

    "Chúng tôi đã tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan quản lý và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho khách hàng", người đại diện cho biết. "Khách hàng được khuyên nên thông cảm với các hướng dẫn như vậy, có thể khác nhau tùy theo quốc gia".

    Theo Zing

  • Người phụ nữ 24 tuổi bị sốc nặng khi được thông báo đã kết hôn với nam công dân Ai Cập từ năm 2022, khoảng một năm sau khi cô này bị mất hộ chiếu.

    Theo trang Oddity Central, thông tin về vụ việc kỳ lạ đã nhận được sự quan tâm của dư luận Nga. Trước đó, cô gái không được nêu tên sinh sống ở thành phố St. Petersburg đã bị mất hộ chiếu vào mùa hè năm 2021. Dù đã khai báo sự việc với cảnh sát địa phương, nhưng cô gái cũng không bận tâm tới việc xin cấp lại giấy tờ thông hành. 

    Tuy nhiên, vào đầu năm nay, khi đi làm giấy khai sinh cho con, cô gái bất ngờ được thông báo chồng mình là một người đàn ông Ai Cập có tên Mustafa cũng cần có mặt để hoàn tất thủ tục. Trên thực tế, cô gái chưa từng gặp Mustafa, và cũng không kết hôn với anh này. Song cơ quan đăng ký ở Nga đã đưa Mustafa vào danh sách chồng của cô gái.

    ho chieu nga
    Hình ảnh minh họa một cuốn sổ hộ chiếu Nga. 

    Hiện không rõ chính Mustafa đã nhặt được hộ chiếu của cô gái Nga, hay anh ta mua nó từ chợ đen. Song theo truyền thông, nam công dân Ai Cập đã sử dụng hộ chiếu này để xin cư trú tạm thời ở Nga với lý do anh ta là chồng của cô gái sống ở thành phố St. Petersburg, và họ đã kết hôn vào tháng 1/2022.

    Sau khi lấy lời khai của cô gái, và xác nhận việc cô này từng khai báo bị mất hộ chiếu cách đây 3 năm, cũng như việc chưa từng gặp “người chồng” mang quốc tịch Ai Cập, một tòa án ở Nga đã ra quyết định hủy hôn.

    Sự việc này cho đến nay vẫn để lại rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp như bằng cách nào người đàn ông Ai Cập có thể đăng ký kết hôn với nữ công dân Nga chỉ thông qua tấm hộ chiếu.

    Theo Vietnamnet

  • Người sở hữu hộ chiếu Singapore có sự linh hoạt nhất khi đi du lịch khắp thế giới, với khả năng đến 195 quốc gia mà không cần thị thực.

    ho chieu singapore
    Hộ chiếu Singapore được cho là quyền lực nhất thế giới.

    Theo bảng xếp hạng do công ty tư vấn định cư Henley & Partners có trụ sở tại London, Anh công bố ngày 28/6, Singapore hiện là quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2024, cho phép người sở hữu hộ chiếu này có thể đến 195 quốc gia mà không cần thị thực.

    Singapore được ví như một thỏi nam châm thu hút giới giàu có do những căng thẳng địa chính trị trên thế giới. Tuy nhiên, để có được hộ chiếu Singapore không hề dễ dàng.

    Quốc gia 5,6 triệu dân này đã cấp quyền công dân cho khoảng 23.100 người nước ngoài năm 2022. Tuy nhiên, đầu năm 2023, Singapore đã bãi bỏ chính sách cấp quốc tịch dựa trên tài sản ròng của các cá nhân.

    Đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng là các nước gồm: Nhật Bản, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha với hộ chiếu được miễn thị thực ở 194 quốc gia.

    Xếp ở vị trí thứ 3 là Thụy Điển, Hàn Quốc, Hà Lan, Luxembourg, Ireland, Phần Lan, Áo với hộ chiếu miễn thị thực ở 193 quốc gia.

    Thứ 4 là Anh, Đan Mạch, Bỉ hộ chiếu miễn thị thực 192 quốc gia.

    Thứ 5 là Na Uy, Bồ Đào Nha hoặc Thụy Sĩ hộ chiếu miễn thị thực 191 quốc gia.

    Thứ 6 là Hy Lạp, Malta, New Zealand và Australia hộ chiếu miễn thị thực 190 quốc gia.

    Thứ 7 là Hungary, Ba Lan, Séc, Canada hộ chiếu miễn thị thực 189 quốc gia.

    Thứ 8 là Mỹ hộ chiếu miễn thị thực 188 quốc gia.

    Thứ 9 là Estonia, Lithuania hoặc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hộ chiếu miễn thị thực 187 quốc gia.

    Thứ 10 là Latvia, Slovakia và Slovenia hộ chiếu miễn thị thực ở 186 quốc gia.

    Theo bảng xếp hạng, hộ chiếu Việt Nam xếp số 87 cùng với Ai Cập, Haiti, Bhutan, Comoro Islands, Cộng hòa Tchad trong danh sách 104 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. Thứ hạng này giảm 5 bậc so với bảng xếp hạng gần nhất được công bố từ năm 2023.

    Tuy nhiên, số quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thị thực hoặc đơn giản hóa thị thực cho công dân vẫn là 55 quốc gia mà không cần xin thị thực.

    "Chỉ số Hộ chiếu Henley" là bảng xếp hạng "quyền tự do đi lại mà không cần thị thực" (visa) do Công ty Tư vấn Cư trú và Quốc tịch toàn cầu Henley & Partners, có trụ sở tại London (Anh), thực hiện từ năm 2005.

    Công ty tư vấn cư trú và công dân toàn cầu Henley & Partners sử dụng dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) để xếp hạng 199 hộ chiếu trên thế giới. Chỉ số này đã hoạt động được 18 năm.

    Các quốc gia ghi một điểm cho các điểm đến mà họ có thể nhập cảnh miễn thị thực. Việc tính điểm này được áp dụng nếu công dân có thể xin thị thực khi nhập cảnh, giấy phép của khách du lịch hoặc cơ quan du lịch điện tử (ETA) khi vào điểm đến.

    Không có điểm nào được trao cho các điểm đến yêu cầu thị thực hoặc người mang hộ chiếu phải xin thị thực điện tử được chính phủ phê duyệt trước khi khởi hành.

    Theo Viettimes

  • Laila March đã mua vé cho chuyến bay từ Gatwick đi Cancun (Mexico) cùng với em gái, nhưng khi đến nơi cô lại bị hãng TUI cấm lên máy bay, khiến cô phải tốn thêm £1,200 mua vé của hãng khác.

    ho chieu tui 1
    Laila March, 25 tuổi, đến từ Croydon, bị cấm lên máy bay TUI. Ảnh: No credit

    Laila March, 25 tuổi, là một gia sư cá nhân. Cô và em gái Kaemarnie, 21 tuổi, đã lên kế hoạch đi Cancun (Mexico) để chúc mừng cô tốt nghiệp đại học. Cả hai nghĩ rằng họ đã giật được một món hời khi tìm thấy chuyến bay TUI trọn gói với giá chưa đến £1,000/người.

    Tuy nhiên, kì nghỉ đã có khởi đầu "chua lét" tại Sân bay Gatwick vào ngày 7/6/2024. Nhân viên hãng TUI nói Laila không được lên máy bay vì hộ chiếu của cô bị hỏng, mặc dù cô vẫn sử dụng hộ chiếu này để đi lại. Mới một ngày trước đó, cô còn dùng hộ chiếu để đi từ Ma-rốc về Anh. Dù Laila đã cố gắng giải thích, nhưng nhân viên hãng TUI vẫn kiên quyết nói rằng cô sẽ bị hải quan Mexico chặn ở cửa nhập cảnh vì "một vết mờ ở góc phải" của trang ảnh hộ chiếu.

    Quyết tâm không để kì nghỉ bị phá hủy, Laila chạy qua quầy British Airways thì hãng này nói hộ chiếu của cô "không vấn đề gì". Vừa nhẹ nhõm vừa tiếc của, nhưng Laila vẫn quyết định bỏ ra £1,200 để mua gấp vé British Airways đi Cancun. Khi đến nơi, hải quan Mexico cho cô qua cửa mà chẳng chất vấn câu nào. 

    Việc mất oan £1,200 khiến Laila vô cùng tức giận, vì đó là số tiền cô dành dụm để bắt đầu học cao học tại Đại học Cambridge vào tháng 9 tới. 

    ho chieu tui 1
    Nhân viên TUI phát hiện một vết mờ ở góc phải trang ảnh hộ chiếu. Ảnh: No Credit

    Sau đó Laila đã khiếu nại lên TUI, hy vọng sẽ được hoàn tiền. Nhưng hãng này ban đầu nói rằng trường hợp của cô đã khóa sổ. Tuy nhiên, 2 tuần sau, hãng liên hệ lại và đồng ý bồi thường cho cô. 

    Website của Văn phòng Hộ chiếu Anh (UK Passport Office) có ghi rõ rằng hộ chiếu được xem là hỏng nếu bạn "không thể đọc được chi tiết trên đó, hoặc bất cứ trang nào bị rách, bị cắt hoặc biến mất. Hoặc có lỗ, có vết cắt rách ở bìa. Hoặc bìa bị mất, hoặc có vết ố ở các trang, chẳng hạn vết mực hoặc vết ố nước".

    "Trong khi đó, vết mờ trên hộ chiếu của tôi chỉ là một dấu vết nhỏ, giống như một vết rạch ở phía ngoài cùng bên phải của 1 trang. Nhưng phải nhìn rất kĩ bạn mới thấy vết cào ấy. Tôi thậm chí còn chẳng biết cho đến khi họ chỉ ra", Laila nhớ lại. 

    Nhớ lại thời điểm trước đó, trong lúc hăm hở tìm kiếm các deal kỳ nghỉ, họ nhìn thấy một quảng cáo rất hời trên website của TUI. Chỉ với chưa đến £1,000/người, họ sẽ mua được trọn gói chuyến bay đến Mexico và được ở 1 tuần tại khu nghỉ dưỡng Azul Beach Resort Riviera, Cancun.

    Hai chị em đã đến quầy check-in của TUI sớm trước 2 tiếng. Nhưng khi scan hộ chiếu của họ, nhân viên quầy check-in phát hiện một vết mờ ở góc phải phía trên trang ảnh hộ chiếu của Laila. 

    Laila nhớ lại: "Cô ta hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra với hộ chiếu của tôi, đây là cái vết gì? Rõ ràng đó là một vết mờ nhưng nó không che ảnh hộ chiếu và cũng không che bất kì chữ hay chi tiết nào cả, bạn vẫn đọc được mọi thứ. Rồi cô ta gọi ai đó tới cầm hộ chiếu của tôi đi mất nửa tiếng. Dù tôi đã giải thích rằng mới hôm trước tôi đã bay từ Ma-rốc tới Gatwick bằng chính hộ chiếu này. Và năm vừa rồi tôi cũng đã bay rất nhiều lần".

    Sau 45 phút căng thẳng chờ đợi, Laila nhận tin sét đánh ngang tai rằng cô không thể lên máy bay. Lý do là vì các quy định nghiêm ngặt ở cửa hải quan Mexico. "Họ nói rằng Mexico kiểm tra hộ chiếu rất gắt và tôi có thể không được phép nhập cảnh. Theo họ thì hộ chiếu của tôi đã bị hỏng do đó tôi không được bay với TUI. Vì nếu tôi có tới Mexico thì cũng bị gửi về và họ sẽ bị mất phí", cô nói.

    ho chieu tui 1
    Đây là lần đầu tiên Laila (trái) và em gái đi chơi riêng. Ảnh: No Credit

    Laila được cho 3 lựa chọn:

    - Đăng kí dịch vụ hộ chiếu khẩn cấp và lên máy bay vài ngày sau đó

    - Thay đổi tên trên mục booking để người khác có thể bay thế chỗ cô

    - Hỏi xem có hãng bay nào khác chấp nhận hộ chiếu của cô không

    "Họ nói với tôi British Airways cũng có một chuyến bay tới Mexico vào buổi chiều và đề nghị tôi thử hãng này. Nhưng chẳng phải họ vừa nói hộ chiếu của tôi bị hỏng sao? Sao lại bảo tôi qua hãng khác", Laila nói.

    Laila không muốn phá hủy kì nghỉ mừng tốt nghiệp của mình, nhưng cô cũng khá lo lắng vì chưa từng đi du lịch một mình trước đó. Không còn thời gian, cô đã đi tới ga South Terminal để hỏi British Airways.

    "Tôi nói chuyện với một người làm ở Gatwick và cho họ xem hộ chiếu. Tôi nói với họ là TUI không cho tôi lên máy bay. Người này bèn nói hộ chiếu của tôi chẳng bị hỏng gì cả và khuyên tôi tới quầy của British Airways", cô nói.

    Nhân viên British Airways kiểm tra hộ chiếu của cô và xác nhận rằng cô có thể mua vé với giá £1,200 và bay vào buổi chiều. Họ quét hộ chiếu của cô và in ra vé lên máy bay, chẳng có vấn đề gì cả. 

    Tại biên giới Mexico, các nhân viên hải quan nói hộ chiếu của cô không bị hỏng vì không có trang nào bị rách. Máy vẫn quét được hộ chiếu vì mọi chi tiết đều rất rõ ràng, đều đọc được và ảnh hộ chiếu không bị mờ. 

    ho chieu tui 1
    Laila đã phải bỏ ra thêm £1,200 để mua vé British Airways đi Cancun trong ngày. Ảnh: No Credit

    Ban đầu TUI từ chối hoàn tiền cho cô, nhưng vào ngày 21/6/2024, họ gửi một email khẳng định sẽ hoàn số tiền mà cô đã bỏ ra để mua vé máy bay British Airways. Tiền sẽ được gửi trong vòng 2 tuần.

    Viethome (theo MyLondon)

  • Thị thực (visa) là bắt buộc đối với tất cả người nước ngoài khi nhập cảnh vào Úc, không có ngoại lệ dựa trên quốc tịch.

    Tuy nhiên, người mang hộ chiếu New Zealand được hưởng lợi từ chính sách xin thị thực ở nơi đến (cửa khẩu). Mặc dù không miễn thị thực cho bất kỳ quốc gia nào, ngành du lịch Úc vẫn liên tục phát triển mạnh, thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. Năm 2023, có 6,6 triệu người nước ngoài đến Úc và dự kiến năm nay đón 7 triệu.

    du lich new zealand
    Vẻ đẹp của bãi biển "12 vị tông đồ" gồm 12 núi đá vôi ở Vườn quốc gia Port Campell, bang Victoria, Úc. Ảnh: ST

    Kể từ năm 1994, Úc theo đuổi chính sách thị thực phổ quát, nghĩa là mọi người không phải công dân Úc vào nước này đều phải có thị thực. Chính sách thị thực nghiêm ngặt của Úc đã không cản trở ngành du lịch của nước này phát triển. Các điểm tham quan hàng đầu của Úc bao gồm Nhà hát Opera Sydney mang tính biểu tượng, Rạn san hô Great Barrier tuyệt đẹp và Bãi biển Whitehaven hoang sơ, mỗi nơi đều góp phần tạo nên sức hấp dẫn lâu dài của Úc như một trong số những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.

    Trong khi đó, theo Chỉ số Hộ chiếu Henley mới nhất, người Úc muốn đi du lịch nước ngoài mà không cần thị thực giờ đây có nhiều lựa chọn điểm đến hơn bao giờ hết.

    Cụ thể, những người mang hộ chiếu Úc có thể tới 189 điểm đến trên toàn cầu không cần thị thực hoặc có thể xin thị thực tại nơi đến, đứng trong top 10 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. Trong đó có 146 nước/vùng lãnh thổ hoàn toàn miễn thị thực cho công dân Úc.

    Những điểm đến này bao gồm 50 quốc gia ở châu Âu; 20 điểm đến ở châu Mỹ và Caribe; 17 điểm đến châu Phi; 14 điểm đến châu Á… Mới đây nhất, Trung Quốc cũng đã đưa Úc vào danh sách được miễn thị thực.

    Theo Thanh Niên

  • Hiện nay, chỉ có khoảng 500 hộ chiếu ngoại giao của Dòng Chiến sĩ Toàn quyền Malta được lưu hành - khiến nó trở thành tấm hộ chiếu hiếm nhất trên thế giới.

    Dòng Chiến sĩ Toàn quyền Malta (tên đầy đủ là Dòng Chiến sĩ Toàn quyền Cứu tế Thánh Gioan của Jerusalem, Rhodes và Malta, cũng được gọi tắt là Dòng Hiệp sĩ Malta) là một dòng tu Công giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ châu Âu lâu đời nhất trên thế giới với gần 1.000 năm lịch sử và được đánh giá là lực lượng hào hiệp và thượng võ.

    Dòng Hiệp sĩ Malta hiện hoạt động như một tổ chức viện trợ nhân đạo. Họ tài trợ hàng triệu USD cho các trại tị nạn và các chương trình cứu trợ thiên tai ở khoảng 120 quốc gia trên thế giới.

    Đây cũng là một quốc gia có chủ quyền, có tư cách quan sát viên của Liên hợp quốc và có hiến pháp riêng nhưng lại không sở hữu bất kỳ vùng đất nào. Dòng Hiệp sĩ Malta có thể cấp biển số ô tô nhưng không có đường để lái xe. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn có tem, tiền tệ và hộ chiếu riêng.

    Dòng Hiệp sĩ Malta có nguồn gốc là hiệp sĩ ở Jerusalem vào khoảng năm 1099 và được vua Tây Ban Nha tặng quần đảo Malta vào năm 1530. Napoléon Bonaparte đã buộc các Hiệp sĩ phải rời khỏi Malta trong cuộc xâm lược của Pháp năm 1798. Ngày nay, Hội có trụ sở chính tại Rome.

    Daniel de Petri Testaferrata, Chủ tịch Dòng có trụ sở tại Malta, nói với CNN rằng có 13.500 hiệp sĩ, phu nhân và giáo sĩ ở khắp nơi trên toàn cầu, chỉ còn khoảng 100 người sống tại quần đảo Malta.

    ho chieu hiem malta 1

    Hộ chiếu đầu tiên được Dòng Malta cấp vào những năm 1300. Ngày nay, chỉ có khoảng 500 hộ chiếu ngoại giao của Dòng Malta được lưu hành - khiến nó trở thành tấm hộ chiếu hiếm nhất trên thế giới.

    Tấm hộ chiếu 'độc quyền'

    Hộ chiếu màu đỏ thẫm được dành riêng cho các thành viên của Hội đồng Chủ quyền và lãnh đạo các cơ quan đại diện ngoại giao và gia đình của họ, được trang trí bằng dòng chữ vàng ghi tên tổ chức bằng tiếng Pháp “Ordre Souverain Militaire de Malte” và một huy hiệu.

    “Pháp lệnh cấp hộ chiếu cho các thành viên chính phủ của họ trong suốt thời gian họ được ủy quyền”, ông De Petri Testaferrata nói. Hộ chiếu của các Grand Masters có giá trị lâu nhất vì họ được bầu trong 10 năm, có thể phục vụ hai nhiệm kỳ và phải nghỉ hưu trước tuổi 85. Các hộ chiếu khác có giá trị trong bốn năm và chỉ được sử dụng cho các cơ quan đại diện ngoại giao. Hộ chiếu có 44 trang được đóng dấu hình chữ thập tiếng Malta mà không có bất kỳ hình ảnh hay trích dẫn gì khác.

    Theo ông De Petri Testaferrata, 2/3 thành viên Schengen công nhận hộ chiếu ngoại giao và Hội hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức như Pháp, Anh và Mỹ.

    “Chúng tôi cung cấp vật tư y tế và nhân đạo nhanh chóng cho các nạn nhân của xung đột hoặc thiên tai. Chúng tôi điều hành các bệnh viện, đội cứu thương, trung tâm y tế, nhà cho người già và người khuyết tật, bếp nấu súp và trạm sơ cứu”, De Petri Testaferrata giải thích.

    Theo dấu chân các hiệp sĩ ở Malta

    Mặc dù du khách khó có thể gặp bất kỳ hiệp sĩ nào khi đến thăm Malta, nhưng có rất nhiều địa điểm trên khắp quần đảo Malta để tìm hiểu về lịch sử của Hội này.

    ho chieu hiem malta 1
    Pháo đài St. Angelo có thành lũy nằm ở trung tâm Cảng Grand của Malta. Ảnh: Robertharding

    Một trong những nơi đầu tiên bạn sẽ chú ý khi đến hòn đảo chính là pháo đài St. Angelo khổng lồ màu mật ong nhô ra khỏi làn nước trong xanh của cảng Grand. Pháo đài thời Trung cổ hùng vĩ này từng là Trụ sở chính của Hội và là công trình kiến trúc duy nhất còn sót lại trên đảo mà một phần vẫn thuộc về các Hiệp sĩ.

    Ông De Petri Testaferrata nói với CNN rằng nhà nguyện dành riêng cho Thánh Anne ở phần trên của Pháo đài vẫn được Dòng bảo tồn. Bạn có thể tham quan phần này của pháo đài để xem nơi Grand Master de Valette cầu nguyện hàng ngày để được giải thoát khỏi quân xâm lược Ottoman trong Cuộc vây hãm vĩ đại năm 1565.

    Bên trong những bức tường pháo đài cổ của Mdina, thủ đô thời trung cổ của Malta và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, du khách có thể tìm hiểu thêm về Dòng tại chương trình nghe nhìn 3D “The Knights of Malta”.

    ho chieu hiem malta 1
    Cung điện của Grand Master nằm ở Quảng trường St. George ở trung tâm Valletta. Ảnh: John Kellerman

    Tại thủ phủ Valletta, bạn có thể tiếp tục khám phá 'con đường lịch sử' của các Hiệp sĩ tại Thư viện Quốc gia Malta, nơi lưu giữ Pie Postulatio Voluntatis, tấm giấy da mà Giáo hoàng Paschal II đã sử dụng vào năm 1113 để trao chủ quyền cho Dòng.

    ho chieu hiem malta 1
    Du khách có thể kết hợp chuyến đi đến Mdina với chuyến tham quan chương trình nghe nhìn 3D "Hiệp sĩ Malta". Ảnh: Finnbarr Webster

    Sau thư viện, bạn có thể đi qua đường đến cung điện của Grand Master, nơi từng tổ chức gặp gỡ các Hiệp sĩ. Phòng ngai vàng được các hiệp sĩ sử dụng làm nơi họp mặt của Hội đồng tối cao và vẫn được trang trí bằng những bức bích họa cổ mô tả Cuộc vây hãm vĩ đại.

    Vietnamnet (theo CNN)

  • vn xin visa vang 1
    Mức độ tăng trưởng tài sản của Việt Nam được dự báo là 125% trong thập niên tới

    Theo Henley & Partners, khách hàng Việt Nam đứng thứ tư toàn cầu về số lượng đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch.

    Ông Dominic Volek, Giám đốc Kinh doanh của Công ty Henley & Partners chuyên về đầu tư di cư, nói với BBC News Tiếng Việt rằng số triệu phú gia tăng của Việt Nam sẽ là "cơ hội kinh doanh lớn" cho công ty ông.

    Còn Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 28/2 rằng đầu tư nhập tịch tạo thuận lợi cho việc làm ăn. Tuy nhiên, vẫn có những bất cập cần lưu ý.

    Việt Nam vô địch tăng trưởng tài sản

    Công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth (Nam Phi) đã dự báo Việt Nam sẽ là nước có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh nhất thế giới - 125% trong thập niên tới, theo sau là Ấn Độ.

    Thuật ngữ "tăng trưởng tài sản" đề cập đến sự tăng hoặc giảm số lượng triệu phú trong một khoảng thời gian nhất định tính theo tỷ lệ phần trăm.

    Theo báo cáo của New World Wealth, tính tới tháng 12/2023, Việt Nam có 6 tỷ phú, có 19.400 người sở hữu tài sản trên 1 triệu USD và có 58 người có tài sản trên 100 triệu USD.

    Trong vòng một thập kỷ từ 2013-2023, Việt Nam giữ vị trí quán quân với mức độ tăng trưởng tài sản là 98% và dự kiến tăng nhanh hơn Trung Quốc trong một thập niên tới đây, theo ông Andrew Amoils, trưởng bộ phận phân tích từ New World Health.

    Cụ thể, Việt Nam được New World Wealth dự báo vẫn chiếm giữ vị trí đầu với mức tăng trưởng tài sản 125% trong 10 năm tới, trong khi với Trung Quốc, con số này chỉ ở mức 85%, giữ vị trí thứ 10.

    Ông Andrew Amoils nói với BBC News Tiếng Việt ngày 27/2 rằng, mức độ thịnh vượng chỉ mang tính dự báo nhưng Việt Nam có khả năng trở thành công xưởng sản xuất ngày càng được các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may đa quốc gia ưa chuộng.

    vn xin visa vang 1
    Mức độ tăng trưởng tài sản của Việt Nam được dự báo là 125% trong thập niên tới

    Tuy nhiên, ông Amoils lưu ý rằng Việt Nam có khởi điểm "tài sản bình quân đầu người" ở mức thấp hơn Trung Quốc nên tốc độ tăng trưởng tài sản dễ dàng hơn.

    Ông Amoils nói với BBC rằng Việt Nam là một quốc gia an toàn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là yếu tố thu hút các tập đoàn đa quốc gia tới đầu tư tại Việt Nam.

    “Mức lương trung bình của lao động tại Việt Nam thấp là một yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp đặt nhà máy tại quốc gia này. Việt Nam hiện là đối thủ cạnh tranh chính với Ấn Độ và Trung Quốc," ông Amoils phân tích và thêm rằng, nếu Việt Nam tăng mức lương lao động trung bình thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh.

    Cùng với mức tăng trưởng tài sản cao nhất, Việt Nam còn được ghi nhận về lượng đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch "tăng đột biến", theo số liệu mà Henley & Partners cung cấp cho BBC.

    Ông Volek, Giám đốc Kinh doanh của Henley & Partners, nói với BBC rằng: "Tính đến thời điểm hiện tại (năm 2024), xét ở khu vực Đông Nam Á, công dân Việt Nam chiếm gần 25% số đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch và là thị trường lớn thứ tư toàn cầu của công ty."

    Vì sao người giàu bỏ tiền mua quốc tịch?

    Với xếp hạng khá thấp, người cầm hộ chiếu Việt Nam thường gặp khó khăn trong vấn đề xin visa ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh hoặc khối Schengen.

    Theo ông Volek, hộ chiếu "yếu" cũng gây bất lợi lớn cho những người đi lại với mục đích làm ăn.

    “Không những phải xin visa để nhập cảnh, đôi khi họ [doanh nhân Việt Nam] còn bị từ chối cấp visa vì những lý do hành chính ngớ ngẩn,” ông Volek chia sẻ.

    Giới làm ăn Việt Nam cần đi nhiều nơi, tiếp cận các thị trường mới.

    Vì vậy, theo ông Volek, những người này nhận ra hạn chế của việc chỉ mang mỗi hộ chiếu Việt Nam.

    "Do đó, họ chắc chắn quan tâm đến các chương trình di cư đầu tư để tiếp cận các hộ chiếu quyền lực hơn," ông nói.

    vn xin visa vang 1
    Vị trí hộ chiếu Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á

    Tiết lộ từ phía công ty Henley & Partners cho thấy hầu hết khách hàng Việt Nam đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch là những người sinh sống ở Hà Nội và TP HCM.

    Theo đó, khách hàng truyền thống là những người sáng lập và chủ sở hữu doanh nghiệp trong các ngành như dệt, may mặc, ô tô, bất động sản... Những năm gần đây, có sự xuất hiện thêm của các ngành mới nổi như fintech (tài chính công nghệ), kinh doanh tiền điện tử.

    Để tham gia vào các dự án đầu tư định cư, người ứng tuyển phải chi số tiền từ khoảng 100.000 USD tới 400.000 USD (gần 2,5 đến 9,9 tỷ đồng).

    Với các hồ sơ đầu tư định cư, chính phủ quốc gia nhận khoản đầu tư định cư sẽ thực hiện các bước thẩm định chuyên sâu. Những cá nhân được duyệt sẽ được cấp quốc tịch và hộ chiếu. Theo thống kê của Henley & Partners, Mỹ và Canada vẫn là điểm đến đứng đầu đối với người Việt. Một số điểm đến khác được lựa chọn bao gồm Cyprus (Síp), Malta, Grenada…

    Một lý do quan trọng khác mà người giàu Việt Nam tham gia những chương trình đầu tư quốc tịch này là cơ hội giáo dục cho con cái. Trong đó, nổi bật là chương trình EB5 của Mỹ hoặc tham gia khởi nghiệp ở Canada.

    Cuộc chiến Nga - Ukraine, xung đột ở Trung Đông và tới đây là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã tạo ra những "biến động". Do đó, các cá nhân có thu nhập ròng cao và đủ khả năng tài chính để phòng ngừa rủi ro thì theo ông Volek, một trong những cách tốt nhất là có được quyền bảo hộ công dân ở một nơi khác để dự phòng khi cần.

    vn xin visa vang 1
    Bảng xếp hạng hộ chiếu của Việt Nam trong vòng 10 năm, theo Henley Global Index

    Việt Nam không thuộc diện 'rủi ro'

    Hồi tháng 8/2020, tài liệu từ bài điều tra của Đài Al-Jazeera (Qatar) đã phản ánh việc hàng chục quan chức cấp cao trên thế giới và gia đình họ đã mua cái gọi là "hộ chiếu vàng" của Cyprus (Síp) từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2019.

    Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền nhận định với BBC rằng “nhiều quốc gia có chính sách cấp quốc tịch rất thoáng và sẽ dẫn đến những hành vi phạm tội, trục lợi.”

    Khi được hỏi liệu đây có phải lỗ hổng để các cá nhân thực hiện hành vi phạm tội như rửa tiền kiếm được từ kinh doanh phạm pháp hay tham nhũng, ông Điền lý giải rằng “chính phủ các nước cần ký kết hiệp ước liên quan tới vấn đề tội phạm”.

    Về vấn đề này, ông Volek đánh giá quá trình kiểm tra nguồn tiền là khó khăn nhất:

    “Chúng tôi muốn đảm bảo không có hoạt động rửa tiền nào được thực hiện. Số tiền được sử dụng phải là 'tiền sạch', thu được nhờ kinh doanh hợp pháp hoặc thừa kế,” ông Volek nói.

    Quá trình thẩm định này được chính phủ các nước liên kết với nhiều cơ quan quốc tế như Interpol (Cảnh sát hình sự quốc tế). Sau đó, người tham gia chương trình thường phải cung cấp giấy tờ có xác minh, đóng dấu từ phía cảnh sát.

    Tuy nhiên, ông Volek cho biết không phải quy trình thẩm định của công ty nào cũng nghiêm ngặt giống nhau. Vì thế, người trượt hồ sơ ở chỗ công ty ông có thể đến nơi khác nộp.

    Ông cho biết thêm, quy trình xét duyệt người có quốc tịch Việt Nam vẫn bình thường như những quốc gia khác, không thuộc diện có rủi ro cao hay cần phải tăng cường thẩm định như với người Myanmar hoặc Syria.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Theo khuyến nghị, khách du lịch Việt Nam muốn xin visa dễ dàng hơn thì mỗi công dân đều phải có ý thức tuân thủ quy định pháp luật khi ra nước ngoài.

    Henley Passport Index 2024 đã công bố xếp hạng hộ chiếu trên khắp thế giới dựa theo số điểm đến mà những người mang hộ chiếu này được miễn xin thị thực trước. Bảng xếp hạng năm nay đánh giá hộ chiếu của 199 quốc gia/vùng lãnh thổ, với thị thực từ 227 điểm đến.

    Trong số này, hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 92/109, cùng hạng với hộ chiếu Bhutan, CH Trung Phi, Chad, Quần đảo Comoro, Ai Cập và Haiti, được miễn thị thực ở 55 điểm đến. Hộ chiếu yếu nhất là Afghanistan (hạng 109), chỉ được miễn thị thực ở 28 điểm đến.

    Việt Nam nằm trong nhóm hộ chiếu yếu nhất thế giới khi chỉ được miễn thị thực vào 55 quốc gia, cùng với hai nước Đông Nam Á khác là Lào (51 quốc gia) và Myanmar (48 quốc gia). Năm 2023, hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 88/109, với số điểm đến được miễn thị thực là 55.

    ho chieu vn yeu nhat 1
    Việt Nam nằm trong nhóm hộ chiếu yếu nhất thế giới khi chỉ được miễn thị thực vào 55 quốc gia

    Bên cạnh đó, hộ chiếu Philippines xếp hạng 78 và hộ chiếu Thái Lan hạng 66, hộ chiếu Malaysia đứng ở vị trí khá cao là hạng 12, được miễn thị thực ở 184 điểm đến.

    Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc là 3 nước châu Á nằm trong top 5 có hộ chiếu mạnh nhất, trong đó hộ chiếu Nhật Bản, Singapore đồng hạng 1 với Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha (được miễn thị thực ở 194 điểm đến); hộ chiếu Hàn Quốc xếp hạng 2 (193 điểm đến). Năm 2023, Nhật Bản là quốc gia duy nhất giữ hạng 1, trong khi Singapore và Hàn Quốc đồng hạng 2.

    ho chieu vn yeu nhat 1
    Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc là 3 nước châu Á nằm trong top 5 có hộ chiếu mạnh nhất

    Dữ liệu của Bảng xếp hạng hộ chiếu Henley được thu thập trong 18 năm, dựa trên dữ liệu của Cơ quan Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp và được bổ sung bằng cách sử dụng nghiên cứu nội bộ và dữ liệu trực tuyến nguồn mở, được cập nhật hàng tháng.

    Các hộ chiếu được tính đến là hộ chiếu bình thường, không phải hộ chiếu ngoại giao, khẩn cấp hoặc tạm thời. Người mang hộ chiếu là công dân trưởng thành của quốc gia cấp hộ chiếu, đi một mình chứ không đi theo nhóm du lịch.

    Việc tụt hạng trên bảng xếp hạng hộ chiếu thế giới gây không ít quan ngại về mức độ cải thiện quyền lực, thứ hạng của hộ chiếu Việt Nam trong thời gian qua.

    Tuy vậy, theo các chuyên gia du lịch, thứ tự xếp hạng hộ chiếu chỉ là đánh giá của một tổ chức uy tín, không có nghĩa nhờ việc tăng hạng mà việc xin visa nhập cảnh với các nước dễ hơn. Các nước trên thế giới không bắt buộc dựa vào đánh giá này để nới lỏng việc cấp visa cho công dân bất kỳ quốc gia nào.

    Theo khuyến nghị, khách du lịch Việt Nam muốn xin visa dễ dàng hơn thì bản thân mỗi công dân đều phải có ý thức tuân thủ quy định pháp luật khi ra nước ngoài. Về phía các công ty du lịch cũng cần quản lý khách chặt chẽ để không xảy ra tình trạng trốn ở lại lao động bất hợp pháp, gây ấn tượng xấu với các quốc gia khác.

    Theo Nguoiquansat

  • ho chieu quyen luc nhat 1
    Tây Ban Nha là một trong những nước hộ chiếu quyền lực nhất thế giới trong năm 2024 (Ảnh: Getty Images)

    Bảng xếp hạng toàn cầu hàng quý về độ “quyền lực” của những cuốn hộ chiếu đã có sự thay đổi bất ngờ, chưa từng có trong năm 2024.

    Theo ghi nhận từ Chỉ số Hộ chiếu Henley (Henley Passport Index), công dân của các quốc gia bao gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Singapore và Tây Ban Nha có thể được miễn visa hoặc được phép sử dụng visa khi đến tại 194 điểm đến trên khắp thế giới. Đây là con số cao nhất từng ghi nhận trong suốt 19 năm hoạt động của Chỉ số Hộ chiếu Henley. Được biết, chỉ số này được tạo ra bởi công ty tư vấn lưu trú và định cư toàn cầu Henley & Partners, sử dụng dữ liệu độc quyền từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).

    Trong vòng 5 năm trở lại đây, các quốc gia Châu Á như Nhật Bản và Singapore đã thống trị vị trí số một trong bảng xếp hạng này. Tuy nhiên, top 5 được ghi nhận mới đây lại chứng kiến sự trỗi dậy của các quốc gia tới từ Châu Âu. 

    ho chieu quyen luc nhat 1
    Bồ Đào Nha đứng ở vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng Chỉ số Hộ chiếu Henley và Chỉ số Hộ chiếu của Arton Capital (Ảnh: Getty Images)

    Phần Lan và Thụy Điển đồng hạng với Hàn Quốc ở vị trí thứ hai với 193 điểm đến trong khi Áo, Đan Mạch, Ireland và Hà Lan đứng thứ ba với 192 điểm. Vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng thuộc về Bỉ, Luxembourg, Na Uy, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh. Hy Lạp, Malta và Thụy Sĩ cùng có vị trí thứ năm. Đã có sự thăng hạng so với những lần thống kê trước đó, Úc và New Zealand hiện có chung vị trí thứ sáu cùng với Séc và Ba Lan. Đồng thời, Hoa Kỳ, Canada và Hungary đều có thứ hạng bảy với 188 điểm đến.

    Khoảng cách ngày càng tăng

    Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vẫn là quốc gia có độ tăng số lượng điểm đến được miễn thị thực cao nhất trong thập kỷ qua, bổ sung 106 điểm kể từ năm 2014 và giành được vị trí thứ 11 trong năm nay.

    Christian H. Kaelin - chủ tịch của Henley & Partners, người tạo ra Chỉ số Hộ chiếu Henley, cho biết rằng dù xu hướng chung trong hai thập kỷ qua là hướng tới tự do đi lại, số lượng điểm đến được miễn thị thực giữa các quốc gia ở đầu và cuối bảng xếp hạng lại có sự chênh lệch lớn hơn bao giờ hết.

    Kaelin cho biết: “Số lượng điểm đến trung bình mà du khách có thể được miễn thị thực đã tăng gần gấp đôi, từ 58 điểm vào năm 2006 lên 111 điểm vào năm 2024. Tuy nhiên, các quốc gia được xếp hạng hàng đầu hiện có 166 điểm đến miễn thị thực, nhiều hơn đáng kinh ngạc so với Afghanistan - quốc gia nằm ở cuối bảng xếp hạng với chỉ 28 điểm”. Syria chỉ được miễn thị thực tới 29 điểm đến trong khi con số này với Iraq và Pakistan lần lượt là 31 và 34.

    Một chỉ số hộ chiếu khác

    Chỉ số Hộ chiếu Arton Capital cũng đã tiến hành xem xét, đánh giá hộ chiếu của 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cùng 6 vùng lãnh thổ trên thế giới. Chỉ số này được thu thập và xếp hạng dựa trên những thông tin lấy từ cổng thông tin của từng chính phủ. Người sáng lập Arton Capital, Armand Arton chia sẻ: “Đó là một công cụ dành cho những người đi du lịch, cung cấp thông tin chính xác, dễ tiếp cận cho nhu cầu đi lại của họ”.

    Xếp hạng Quyền lực Hộ chiếu Toàn cầu năm 2024 của Arton đưa Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất lên vị trí hàng đầu, với số điểm miễn thị thực hoặc thị thực khi đến là 180. Vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng này do 5 quốc gia châu Âu nắm giữ bao gồm Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Hà Lan. Vị trí thứ ba thuộc về Thụy Điển, Phần Lan, Luxembourg, Áo và Thụy Sĩ trong khi Anh và Mỹ lần lượt tụt xuống vị trí thứ 5 và 6.

    Tổng hợp thống kê hộ chiếu quyền lực nhất thế giới trong năm 2024 theo Chỉ số Hộ chiếu Henley:

    • Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Singapore, Tây Ban Nha (194 điểm đến)
    • Phần Lan, Hàn Quốc, Thụy Điển (193 điểm đến)
    • Áo, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan (192 điểm đến)
    • Bỉ, Luxembourg, Na Uy, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh (191 điểm đến)
    • Hy Lạp, Malta, Thụy Sĩ (190 điểm đến)
    • Cộng hòa Séc, New Zealand, Ba Lan (189 điểm đến)
    • Canada, Hungary, Hoa Kỳ (188 điểm đến)
    • Estonia, Litva (187 điểm đến)
    • Latvia, Slovakia, Slovenia (186 điểm đến)
    • Iceland (185 điểm đến)

    Theo VTV

  • Những người vẫn đang sở hữu cuốn hộ chiếu pre-Brexit được khuyên nên kiểm tra lại tính hiệu lực của hộ chiếu này. 

    ho chieu do
    Từ sau Brexit, cuốn hộ chiếu bìa đỏ đã bị loại bỏ dần. Ảnh: Getty Images/iStockphoto

    Những người vẫn đang sử dụng hộ chiếu cũ bìa đỏ thì nên kiểm tra lại nếu bạn có ý định đi du lịch vào mùa hè bận rộn này. Nếu bạn định đi nước ngoài trong năm 2024, bạn cần kiểm tra hộ chiếu trước khi khởi hành. Bởi vì các luật thông hành hậu Brexit đã thay đổi, nên các nước có yêu cầu khác nhau đối với hộ chiếu từ Vương quốc Anh. 

    Nhiều quốc gia sẽ không cho phép bạn nhập cảnh nếu hộ chiếu của bạn không còn hạn đủ 6 tháng trước khi bạn rời khỏi Anh. Đây gọi là "quy tắc hiệu lực 6 tháng - six-month validity rule". 

    Theo VisaGuide.World, có 70 quốc gia áp dụng "quy tắc hiệu lực 6 tháng", 41 quốc gia khác áp dụng "quy tắc hiệu lực 3 tháng". Nghĩa là du khách có thể nhập cảnh các quốc gia này nếu hộ chiếu của họ còn hạn ít nhất 3 tháng. 

    Hộ chiếu đỏ đã ngừng phát hành sau Brexit. Vì thế nếu vẫn đang sử dụng hộ chiếu đỏ, bạn nên kiểm tra ngày hết hạn của nó. Từ sau Brexit, hộ chiếu hợp lệ là hộ chiếu không được quá 10 năm tính đến ngày bạn đặt chân đến EU, và nó phải còn hạn ít nhất 3 tháng sau ngày bạn định rời khỏi EU.

    Nhiều người cho rằng hộ chiếu của người lớn có hạn sử dụng 10 năm, nhưng nếu hộ chiếu của bạn được phát hành trước ngày 1/10/2018, một vài tháng có thể được thêm vào sau ngày hết hạn nếu hộ chiếu trước được gia hạn lúc nó chưa thật sự hết hạn.

    Muốn kiểm tra xem hộ chiếu có còn hợp lệ không, bạn truy cập https://www.gov.uk/foreign-travel-advice, điền quốc gia bạn muốn tới và bấm "entry requirements" để kiểm tra điều kiện nhập cảnh. Trong thời hạn 6 tháng, bạn cũng chỉ được ở tối đa 90 ngày. Khi Vương quốc Anh còn thuộc EU, bạn muốn ở bao lâu tùy thích. 

    Những quốc gia áp dụng "quy tắc hiệu lực 6 tháng"

    Afghanistan, Algeria, Anguilla, Bahrain, Bhutan, Botswana, quần đảo British Virgin, Brunei, Campuchia, Cameroon, quần đảo Cayman, Central African Republic, Chad, Comoros, Curacao, Cote D’Ivoire, Ecuador, Ai Cập, El Salvador, Equatorial Guinea, Fiji, Gabon, Guinea Bissau, Guyana, Indonesia, Iran, Iraq, Israel, Jordan, Kenya, Kiribati, Lào, Madagascar, Malaysia, Marshall Islands, Micronesia, Myanmar, Namibia, Nicaragua, Nigeria, Oman, Palau, Papua New Guinea, Philippines, Qatar, Rwanda, Saint Lucia, Samoa, Saudi Arabia, Singapore, Solomon Islands, Somalia, Somaliland, Sri Lanka, Sudan, Suriname, Đài Loan, Tanzania, Thái Lan, Timor-Leste, Tokelau, Tonga, Tuvalu, Uganda, United Arab Emirates, Vanuatu, Venezuela, Việt Nam, Yemen, Zimbabwe

    Những quốc gia áp dụng "quy tắc hiệu lực 3 tháng"

    Albania, Áo, Azerbaijan, Belarus, Bỉ, Bosnia and Herzegovina, Cộng hòa Séc, Estonia, Phần Lan, Pháp, Georgia, Đức, Hy Lạp, Honduras, Iceland, Italy, Jordan, Kuwait, Latvia, Lebanon, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Malta, Moldova, Monaco, Montenegro, Nauru, Hà Lan, New Zealand, North Macedonia, Na Uy, Panama, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Senegal, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ.

    Những quốc gia áp dụng quy tắc khác

    Bermuda (hộ chiếu còn hạn 45 ngày trước khi nhập cảnh), Eritrea (hộ chiếu còn 3 tháng tính đến ngày nhập cảnh), Hong Kong (hộ chiếu còn 3 tháng tính đến ngày nhập cảnh), Lebanon (hộ chiếu còn 3 tháng tính đến ngày nhập cảnh), Macau (hộ chiếu còn 3 tháng tính đến ngày nhập cảnh), Micronesia (hộ chiếu còn 4 tháng tính đến ngày nhập cảnh), South Africa (hộ chiếu còn 3 tháng tính đến ngày nhập cảnh), quần đảo Maldives (hộ chiếu còn 3 tháng tính đến ngày nhập cảnh), và Zambia (hộ chiếu còn 4 tháng tính đến ngày nhập cảnh).

    Viethome (theo Liverpool Echo)

  • Chỉ có khoảng 500 cuốn hộ chiếu ngoại giao được cấp bởi Dòng Hiệp sĩ Malta, làm cho nó trở nên hiếm nhất trên toàn thế giới.

    Eugenio Ajroldi di Robbiate, cựu Giám đốc truyền thông của The Sovereign Military Order of Malta (Dòng chiến sĩ Toàn quyền Malta hay Dòng Hiệp sĩ Malta) "muốn bật cười" khi nhìn thấy phản ứng của nhân viên tại sân bay Bangkok, Thái Lan. Họ đã đổ xô đến để chụp ảnh selfie với cuốn hộ chiếu hiếm hoi của Robbiate. "Có thể họ chưa từng nhìn thấy chúng trước đây", ông nói trên CNN hôm 2/2.

    Hộ chiếu Robbiate sở hữu là một trong những cuốn hộ chiếu hiếm nhất thế giới, hiện có khoảng 500 người nắm giữ và do Dòng Hiệp sĩ Malta cấp phát. Khoảng 70% thành viên khối Schengen công nhận hộ chiếu này. Dòng cũng hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức như Pháp, Anh và Mỹ.

    ho chieu hiep si 1
    Cuốn hộ chiếu chỉ có 500 người trên thế giới nắm giữ. Ảnh: CNN

    Tên đầy đủ của The Sovereign Military Order of Malta là Sovereign Military Hospitaller Order of Saint John of Jerusalem of Rhodes and of Malta (Dòng Chiến sĩ Toàn quyền Cứu tế Thánh Gioan của Jerusalem, Rhodes và Malta). Dòng tu Công giáo này có gần 1.000 năm lịch sử, hoạt động như một lực lượng quân sự. Thành viên là các hiệp sĩ châu Âu lâu đời nhất thế giới, được đánh giá là lực lượng hào hiệp, thượng võ. Đó là lý do hộ chiếu của Dòng được nhiều người gọi bằng cái tên: Hộ chiếu của Hiệp sĩ.

    Ngày nay họ hoạt động giống tổ chức viện trợ nhân đạo, tài trợ hàng triệu USD hỗ trợ người dân trên gần 120 quốc gia. Hội cung cấp vật tư y tế và nhân đạo nhanh chóng cho các nạn nhân của xung đột hoặc thiên tai, điều hành các bệnh viện, đội cứu thương, trung tâm y tế, nhà cho người già và người khuyết tật, bếp nấu ăn và trạm sơ cứu.

    Dòng Hiệp sĩ Malta cũng được công nhận là quan sát viên của Liên Hợp Quốc, có hiến pháp riêng. Ngoài hộ chiếu, hội cũng có tem, tiền tệ, biển số ôtô riêng nhưng do không sở hữu bất kỳ vùng đất nào nên không có đường riêng. Hiện tại, hội có 3 cơ sở chính: Palazzo Malta (nơi ở của Đại hiệp sĩ) tại Rome, Villa del Priorato di Malta trên đồi Aventine (cơ quan chính phủ) ở Italy và lâu đài Saint Angelo trên đảo Malta.

    Cuốn hộ chiếu đầu tiên xuất hiện vào những năm 1300 khi các nhà ngoại giao của họ đi khắp nơi với vai trò đại sứ. Sau Thế chiến II, các cuốn hộ chiếu sử dụng rộng rãi hơn.

    Hộ chiếu màu đỏ thẫm, được trang trí với dòng chữ bằng vàng ghi tên tổ chức và một huy hiệu, có 44 trang được đóng dấu hình chữ thập. Hộ chiếu của những người đứng đầu dòng có giá trị lâu nhất, 10 năm, nếu họ làm hai nhiệm kỳ. Hộ chiếu của những người có vị trí thấp hơn có giá trị 4 năm.

    Daniel de Petri Testaferrata, người đứng đầu trụ sở tại Malta, nói hiện có khoảng 13.500 hiệp sĩ, phu nhân, giáo sĩ trên toàn cầu và có khoảng 100 người sống tại quần đảo Malta.

    Ngày nay du khách đến đảo Malta có thể khó gặp các hiệp sĩ nhưng có "rất nhiều địa điểm trên khắp quần đảo để bạn tìm hiểu về lịch sự của hội" như pháo đài St Angelo màu mật ong nằm trên đảo chính. Công trình có từ thời trung cổ, từng là trụ sở chính của hội.

    De Petri Testaferrata nói nhà nguyện dành riêng cho thánh Anne ở phần trên của Pháo đài vẫn được Dòng chăm sóc. Bạn có thể tham quan phần này của pháo đài để xem người đứng đầu hội cầu nguyện hàng ngày.

    Bên trong những bức tường thành cổ của Mdina, thủ đô thời trung cổ của Malta và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, du khách có thể tìm hiểu thêm về Dòng qua trải nghiệm "The Knights of Malta".

    Tại thủ đô Valletta, du khách có thể tiếp tục theo dấu chân các hiệp sĩ khi ghé thăm Thư viện quốc gia, nơi lưu giữ tấm giấy da Giáo hoàng Paschal II sử dụng năm 1113.

    Dane Munro, hướng dẫn viên du lịch và nhà sử học chuyên về lịch sử của Dòng, cho biết: "Bộ sưu tập của thư viện bao gồm các tài liệu gốc và bản thảo của Dòng. Sau thư viện, khách có thể đi sang đường để đến Cung điện của Grand Master (đại hiệp sĩ) tham quan.

    Thanh Niên (theo CNN)

  • Hộ chiếu (Passport) Việt Nam có thể đi được những nước nào? Dưới đây là danh sách các quốc gia bạn có thể đến mà không cần visa.

    ho chieu VN di nuoc nao

    Hộ chiếu (Passport) và thị thực (Visa) là hai loại giấy tờ thông hành cần thiết để đi lại giữa các quốc gia. Miễn thị thực là việc một quốc gia cho phép người nước ngoài nhập cảnh và lưu trú trên lãnh thổ của quốc gia đó trong một khoảng thời gian nhất định mà không cần phải làm các thủ tục visa hoặc đóng các lệ phí liên quan đến visa.

    Với cuốn hộ chiếu Việt Nam, công dân VN có thể đến những quốc gia và vùng lãnh thổ sau đây mà không cần xin Visa:

    mien visa cho cong dan VN

    Hộ chiếu còn hạn bao lâu mới được xuất cảnh?

    Căn cứ quy định tại Điều 33 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 như sau:

    1. Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

    - Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên;

    - Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;

    - Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.

    2. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.

    Như vậy, hiện nay, công dân Việt Nam muốn xuất cảnh phải đáp ứng các điều kiện nêu trên. Trong đó, hộ chiếu Việt Nam phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên.

    Những trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh?

    Căn cứ Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 có quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh như sau:

    Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm:

    1. Đầu tiên, bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

    2. Tiếp theo, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

    3. Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

    4. Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

    5. Bên cạnh đó, người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

    6. Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

    7. Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

    8. Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh.

    9. Ngoài ra, người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

  • Trong bảng xếp hạng "Những cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới 2024", Việt Nam đứng thứ 87, tụt 5 bậc so với lần gần nhất.

    Theo bảng xếp hạng Những cuốn hộ chiếu quyền lực nhất 2024 - Henley Passport Index do công ty tư vấn cư trú và quốc tịch toàn cầu Henley & Partners công bố ngày 10/1, Việt Nam đứng vị trí thứ 87 trên tổng 104 bậc, giảm 5 bậc so với lần xếp hạng gần nhất hồi tháng 7/2023. Dù vậy, số quốc gia, vùng lãnh thổ công dân Việt Nam được phép nhập cảnh không cần visa hoặc xin visa cửa khẩu không thay đổi, vẫn 55 điểm.

    ho chieu quyen luc tiep 1
    Mẫu hộ chiếu phổ thông mới của Việt Nam, bìa màu xanh lá được chuyển sang xanh tím. Ảnh:& Phạm Dự

    Có 6 hộ chiếu được xếp hạng "quyền lực nhất" gồm hai cái tên quen thuộc Nhật Bản, Singapore và 4 nước châu Âu Italy, Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Công dân đến từ 6 nước này có thể nhập cảnh mà không cần visa hoặc chỉ cần xin visa cửa khẩu tại 194 quốc gia, vùng lãnh thổ - con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi Henley Passport Index bắt đầu công bố bảng xếp hạng 19 năm trước.

    Bảng xếp hạng mới cũng cho thấy sự "nổi dậy đầy thắng lợi của châu Âu" khi nhiều cái tên xuất hiện ở vị trí top 2, 3, 4 hơn những năm trước. Phần Lan và Thụy Điển đồng hạng hai với Hàn Quốc. Áo, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan đứng thứ ba. Bỉ, Luxembourg, Na Uy, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh đứng ở vị trí thứ 4, trong khi Hy Lạp, Malta và Thụy Sĩ ở vị trí thứ 5.

    UAE là quốc gia có chỉ số tăng cao nhất trong 10 năm qua. Năm 2014, 77 quốc gia, vùng lãnh thổ chấp nhận miễn visa hoặc cấp visa cửa khẩu cho công dân UAE. Năm 2024, con số này là 183 điểm đến và đưa UAE lên vị trí top 11 những cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới.

    ho chieu quyen luc tiep 1

    Bảng xếp hạng của Henley & Partners lấy dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, cơ sở dữ liệu thông tin du lịch lớn, chính xác và được công bố hàng năm từ 2005. Mỗi năm, công ty công bố bảng xếp hạng hai lần vào đầu quý I và III.

    VnExpress (theo Henley Global)

  • Các quốc gia châu Á như Nhật Bản và Singapore đã thống trị vị trí số 1 về hộ chiếu quyền lực nhất thế giới trong suốt 5 năm qua, nhưng giờ đây vị trí hàng đầu ấy đã có sự xuất hiện của các "gương mặt" mới.

    ho chieu quyen luc

    Theo CNN đưa tin, công dân của Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Singapore và Tây Ban Nha có thể được miễn thị thực hoặc cấp thị thực ngay tại cửa khẩu khi nhập cảnh 194 điểm đến (nước và vùng lãnh thổ) trên khắp thế giới. Đây là con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi Chỉ số Hộ chiếu Henley (bảng xếp hạng "quyền tự do đi lại mà không cần thị thực") bắt đầu theo dõi các quyền tự do đi lại toàn cầu trong 19 năm qua. Chỉ số này được tạo ra bởi công ty tư vấn cư trú và quốc tịch toàn cầu Henley & Partners có trụ sở tại London, sử dụng dữ liệu độc quyền từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).

    Các quốc gia châu Á như Nhật Bản và Singapore đã thống trị vị trí số 1 trong suốt 5 năm qua, nhưng top 5 mới là sự trỗi dậy đầy thắng lợi của châu Âu. Phần Lan và Thụy Điển đồng hạng với Hàn Quốc ở vị trí thứ 2, có thể dễ dàng tiếp cận 193 điểm đến. Trong khi Áo, Đan Mạch, Ireland và Hà Lan đứng thứ 3 với 192 điểm đến.

    Tiếp đó, Bỉ, Luxembourg, Na Uy, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh đứng ở vị trí thứ 4; còn Hy Lạp, Malta và Thụy Sĩ ở vị trí thứ 5.

    Australia và New Zealand đã cải thiện thứ hạng của mình, hiện hai quốc gia này đứng ở vị trí thứ 6 cùng với Séc và Ba Lan. Trong khi đó, Mỹ, Canada và Hungary đồng hạng ở vị trí thứ 7, được miễn thị thực tới 188 điểm đến.

    Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vẫn là quốc gia có chỉ số miễn thị thực tăng cao nhất trong thập kỷ qua. Kể từ năm 2014, khu vực này bổ sung thêm 106 điểm đến vào danh sách miễn thị thực và giành được vị trí thứ 11 trong năm nay.

    Christian H. Kaelin, chủ tịch của Henley & Partners và là người tạo ra chỉ số hộ chiếu, cho biết: "Số lượng điểm đến trung bình mà du khách có thể được miễn thị thực đã tăng gần gấp đôi từ 58 điểm vào năm 2006 lên 111 điểm vào năm 2024. Tuy nhiên, các quốc gia được xếp hạng hàng đầu hiện có thể đi du lịch đến 166 điểm đến miễn thị thực. Con số nhiều hơn đáng kinh ngạc so với Afghanistan - quốc gia nằm ở cuối bảng xếp hạng với chỉ 28 quốc gia không cần thị thực".

    Xếp hạng hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2024

    - Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Singapore, Tây Ban Nha (194 điểm đến)

    - Phần Lan, Hàn Quốc, Thụy Điển (193 điểm đến)

    - Áo, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan (192 điểm đến)

    - Bỉ, Luxembourg, Na Uy, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh (193 điểm đến)

    - Hy Lạp, Malta, Thụy Sĩ (190 điểm đến)

    - Australia, Cộng hòa Séc, New Zealand, Ba Lan (189 điểm đến)

    - Canada, Hungary, Mỹ (188 điểm đến)

    - Estonia, Lithuania (187 điểm đến)

    - Latvia, Slovakia, Slovenia (186 điểm đến)

    - Iceland (185 điểm đến)

    Theo Afamily

  • Lực lượng Biên phòng sắp thử nghiệm những cánh cổng công nghệ mới tại sân bay. Với công nghệ nhận diện khuôn mặt tiên tiến, những khách du lịch đến Anh sẽ không cần xuất trình hộ chiếu nữa. 

    Ông Phil Douglas, giám đốc Lực lượng Biên phòng UK cho biết, những cánh cổng công nghệ tại sân bay sẽ áp dụng phương pháp nhận diện khuôn mặt đối với khách du dịch đến Vương quốc Anh. Mục đích của công nghệ này là nhằm giảm các loại giấy tờ hành chính. 

    Chính phủ hy vọng công nghệ mới sẽ giúp biên giới của chúng ta đuổi kịp tiêu chuẩn đã được áp dụng tại Dubai - đất nước này hiện áp dụng nhận diện khuôn mặt cho 50 quốc tịch. Dubai nói rằng các cổng thông minh ở sân bay của họ có thể giúp du khách hoàn tất mọi thủ tục nhập cảnh chỉ trong vòng 5 giây.

    cong nghe nhan dang khuon mat

    Động thái mới này của chính phủ nhằm chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn ở biên giới trong những năm gần đây do hệ thống công nghệ bất cập. Vào kì nghỉ May bank holiday năm 2023, khi hệ thống bị lỗi nâng cấp, hàng chục ngàn du khách đã phải xếp hàng suốt 4 tiếng tại sây bay để làm thủ tục.

    Ông Douglas cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với những chiếc cổng điện tử mà ông đã trải nghiệm khi đi tới Australia.

    Bộ Nội Vụ kỳ vọng giấy phép du lịch điện tử ETA (Electronic Travel Authorisation) sẽ áp dụng cho tất cả khách du lịch đến UK, những người không cần visa và chỉ ở ngắn ngày, bao gồm công dân châu Âu.

    Ông Douglas nói: "Chúng ta sẽ biết trước nhiều thông tin về họ, họ đã từng đến UK chưa, họ có tuân theo luật nhập cư không, họ đã từng vi phạm hệ thống nhập cư không. Nhiều du khách sẽ biết sớm liệu họ có đủ tiêu chuẩn lên máy bay đến UK không".

    Năm ngoái, các quan chức thuộc bộ phận Hộ Chiếu đã được thưởng 2.1 triệu bảng, bất chấp khối lượng hồ sơ xin cấp hộ chiếu khổng lồ tồn đọng. Tổng cộng 9,609 phần thưởng trị giá hơn 2.1 triệu bảng đã được phân phát, bất chấp 360,000 người phải chờ hơn 10 tuần mới nhận được hộ chiếu. Nhiều người đã mất cơ hội đi du lịch, thăm gia đình ở nước ngoài, mất việc làm cũng như không thể chứng minh nhân thân của mình.

    Viethome (theo Mirror)

  • Hộ chiếu Nhật Bản thuộc loại quyền lực hàng đầu thế giới, nhưng tương đối ít công dân nước này - chỉ khoảng 15% - tận dụng lợi thế, điều này khiến một hãng hàng không vào cuộc giải quyết vấn đề.

    Hộ chiếu Nhật Bản cho phép công dân nước này nhập cảnh mà không cần thị thực (visa) ở 192 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu, theo kết quả xếp hạng Henley Passport Index hồi tháng 7. Nhật Bản đã mất vị trí số 1 vào tay Singapore sau khi dẫn đầu bảng xếp hạng hộ chiếu quyền lực này trong 5 năm liên tiếp.

    Song Bloomberg cho hay, theo số liệu được cập nhật gần đây nhất của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, chỉ có 21,8 triệu hộ chiếu Nhật Bản hợp lệ được lưu hành vào cuối năm 2022. Dân số nước này hiện ở mức 123 triệu người, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc được trang Worldometer thu thập.

    Trong bối cảnh đó, Peach Aviation, hãng hàng không giá rẻ và là công ty con của tập đoàn ANA sở hữu hãng bay cùng tên tại Nhật, gần đây đã thực hiện chương trình tặng cho những người lần đầu làm hộ chiếu hoặc đổi hộ chiếu tại nước này số điểm thưởng trị giá 5.000 yen (khoảng 850.000 đồng) khi họ mua vé máy bay. Chiến dịch kéo dài đến hết ngày 22.12, theo Bloomberg.

    tin ho chieu nhat
    Hộ chiếu Nhật Bản

    Theo bà Miyabi Nanya, người làm việc về chiến lược tiếp thị tại Peach, công ty đang xem xét tiếp tục thực hiện chiến dịch này do nhu cầu lớn hơn dự đoán.

    Bà Nanya cũng cho biết, cho dù các hãng hàng không và các doanh nghiệp khác có khuyến khích công dân Nhật Bản đi nước ngoài đến mức nào chăng nữa, một trong các trở ngại luôn là việc họ "không có hộ chiếu khi cần dùng, cũng như phải mất thời gian và tiền bạc để làm hộ chiếu".

    Nhật Bản luôn có tỷ lệ sở hữu hộ chiếu thấp, đặc biệt so với các nước khác. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tính đến năm 2023, 160 triệu người nắm giữ hộ chiếu Mỹ, tương đương gần một nửa dân số nước này. Ở Anh, 86,5% công dân có hộ chiếu.

    Theo bà Yoko Hayano, cố vấn trưởng tại công ty tư vấn và nghiên cứu du lịch JTB, một lý do khiến người Nhật không mặn mà sở hữu hộ chiếu là quốc đảo này có rất nhiều địa điểm du lịch thú vị, nên người dân có xu hướng lựa chọn du lịch trong nước thay vì du lịch nước ngoài. "Ở một mức độ nào đó, người dân cảm thấy hài lòng mà không cần phải đi nước ngoài", bà cho hay.

    Theo Hiệp hội các hãng lữ hành Nhật Bản, các vấn đề bao gồm chi phí cao hơn do lạm phát ở nước ngoài và đồng yen suy yếu, cũng như cuộc chiến ở Ukraine và tình trạng bất ổn trên thế giới, có thể làm giảm nhu cầu du lịch nước ngoài sau đại dịch Covid-19. Hiệp hội đã thực hiện một chiến dịch nhằm chi trả chi phí làm hộ chiếu cho đến hết tháng 9 và tin rằng sẽ cần nhiều biện pháp hơn để kích thích nhu cầu của người dân.

    Theo Thanh Niên

  • Phụ nữ đi du lịch một mình thường gặp nhiều khó khăn và tình hình còn tệ hơn nếu người này có trong tay một cuốn hộ chiếu 'không mạnh', của những quốc gia như Bangladesh

    ho chieu bangladesh 1
    Maliha Fairooz tại Petra, Jordan. (Nguồn: tbsnews)

    Maliha Fairooz là một phụ nữ Bangladesh rất yêu du lịch. Ký ức du lịch đầu tiên của cô là chuyến đi từ Bangladesh đến London (Anh) khi cô mới 4 tuổi.

    Cô nói: “Hầu hết trẻ con trên máy bay đều khóc lóc, nhưng tôi thì không. Tôi rất phấn khích. Tôi nhớ mình đã bay qua những đám mây, nhìn xuống bầu trời và nghĩ rằng mình là một con chim’.”

    Fairooz đã đi tới 102 quốc gia, đạt được một nửa mục tiêu đặt chân đến mọi đất nước trên thế giới. Điều đặc biệt nhất là cô đã đạt được thành tích này với tấm hộ chiếu Bangladesh, vốn được xếp thứ tám trong danh sách những hộ chiếu "tệ nhất" toàn cầu trong chỉ số Hộ chiếu Henley.

    Hộ chiếu Bangladesh chỉ được miễn thị thực nhập cảnh tới 40 quốc gia. Điều đó khiến công dân Bangladesh gặp khó khăn trong việc đi du lịch với nhiều thủ tục hành chính hơn.

    ho chieu bangladesh 1
    Maliha Fairooz tại Thụy Điển. (Nguồn: tbsnews)

    Ví dụ như trước khi Fairooz nộp đơn xin thị thực đến Kyrgyzstan, cô cần có thư mời của một công ty du lịch trong nước. Để nhận được thư mời này, cô lại cần phải mua một tour du lịch từ một đại lý tại Bangladesh. Sau đó, cô phải đợi từ 5 đến 6 tuần để được cấp thị thực.

    Năm 16 tuổi, Fairooz đã cùng mẹ rời Bangladesh và sống tại nhiều nơi trên thế giới, gồm Đông Phi và Vương quốc Anh. Hiện cô đang sống tại Berlin, Đức và làm việc cho một tổ chức phi chính phủ.

    Fairooz cho biết thách thức lớn nhất cô gặp phải khi đi du lịch là định kiến của mọi người, cho rằng người Bangladesh là dân nhập cư bất hợp pháp. Bên cạnh đó, người dân các nước có tấm hộ chiếu quyền lực hơn cũng thường giàu có hơn.

    Theo Fairooz, phụ nữ đi du lịch một mình vốn đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng điều này thậm chí còn tồi tệ hơn mỗi khi đi kèm một hộ chiếu "không mạnh.

    Một trong những trải nghiệm khốn khổ nhất của Fairooz khi đi du lịch là bị giam giữ tại một sân bay ở quốc đảo Cape Verde.

    Mặc dù có đủ thị thực và giấy tờ cần thiết nhưng cô đã không được phép nhập cảnh sau khi hải quan xem hộ chiếu của cô. Cô bị yêu cầu quay trở lại Senegal, nơi vừa rời đi, nhưng lại không có thị thực để quay lại đó.

    “Lý do họ đưa ra là không ai đến Cape Verde chỉ để ở trong vòng 3 hoặc 4 ngày, mặc dù đây chỉ là một hòn đảo nhỏ,” cô nói.

    Sau 17 giờ bị giam giữ, cuối cùng Fairooz đã được thả sau khi mẹ cô, một người đang làm việc tại Liên hợp quốc, liên lạc với văn phòng Liên hợp quốc tại đó.

    Trải nghiệm bị giam giữ giữa các bức tường đã khiến cô không thể quên được, và đến giờ cô vẫn tiếp tục sợ mỗi khi ra đến sân bay.

    Tuy nhiên, những trải nghiệm tồi tệ này không ngăn cản được các kế hoạch du lịch của Fairooz, bởi cô tin rằng những trải nghiệm tích cực của mình sẽ nhiều hơn những trải nghiệm tiêu cực.

    Cô nói: “Vẫn còn rất nhiều người tốt trên thế giới này. Và tôi cảm thấy vinh dự có thể kết nối với rất nhiều người từ rất nhiều nơi.” Fairooz cũng cho biết cô đi du lịch khi cuộc sống quá bình lặng, hoặc để ngắt kết nối với thế giới.

    Một số người tiết kiệm tiền để mua nhà cửa, xe hơi, nhưng Fairooz thì không. Cô nói: “Tôi được trả lương cao hơn khi làm việc như một người nước ngoài. Vì vậy, tôi dành hầu hết số tiền đó để đi du lịch. Đó là điều tốt nhất tôi làm được.”

    Với những người muốn đi du lịch vòng quanh thế giới, cô khuyên họ hãy tìm một nơi để bắt đầu.

    “Đặt ra mục tiêu này là một điều khó khăn, bởi ngay từ đầu nó đã là một mục tiêu đáng sợ. Nhưng hãy bắt đầu từ điểm dễ dàng nhất. Đi du lịch một mình trong đất nước bạn. Đi du lịch đến các quốc gia lân cận, và sau đó bạn sẽ dần dần có đủ can đảm để làm được nhiều hơn nữa”, cô chia sẻ.

    Cô nói thêm: “Hãy kết nối với những người quan tâm đến bạn và những người cũng tin tưởng vào mục tiêu của bạn. Họ sẽ giúp bạn tiếp tục thực hiện hành trình”.

    Theo Vietnamplus

  • Ngày càng có nhiều đối tượng quan tâm tới 'hộ chiếu vàng' - một loại giấy tờ cư trú hợp pháp có thể mua được bằng tiền hoặc rất nhiều tiền.

    Thị trường 21,4 tỷ USD

    "Hộ chiếu vàng" là hộ chiếu được một quốc gia cấp để đổi lấy khoản đầu tư hoặc quyên góp lớn. Do đó, giới siêu giàu hiện nay có thể dễ dàng sở hữu loại giấy tờ nhiều đặc quyền này.

    Tuy nhiên, vì dễ sở hữu và nhiều đặc quyền nên "hộ chiếu vàng" đang trở thành công cụ thuận tiện của những đối tượng âm mưu trốn thuế, rửa tiền hoặc trốn án tù.

    Điển hình, Jho Low, người Malaysia - một trong những tội phạm bị truy nã gắt gao nhất thế giới có rất nhiều "hộ chiếu vàng".

    ho chieu vang 1

    Low đã được cấp hộ chiếu nhờ chi một khoản đầu tư lớn tại Saint Kitts và Nevis, một quốc đảo nhỏ bé ở Caribe vào năm 2011. Low cũng nắm trong tay hộ chiếu Malta và Síp.

    Theo Tiến sĩ Kristin Surak, Trường Kinh tế London, mỗi năm, khoảng 50.000 người có được quốc tịch thứ hai thông qua con đường này.

    Investment Migration Insider, một tạp chí chuyên về di cư, định giá thị trường "hộ chiếu vàng" thế giới trị giá khoảng 21,4 tỷ USD. Đến năm 2025, thị trường này dự kiến tạo ra doanh thu 100 tỷ USD cho các quốc gia được hưởng lợi từ nó.

    Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), hơn 100 quốc gia đang thực hiện một số chương trình cấp hộ chiếu để đổi lấy đầu tư/tài trợ. Phần lớn trong số này ràng buộc một số điều kiện nhất định, nhằm tránh tội phạm lợi dụng.

    Chẳng hạn như ở Canada, muốn được cấp hộ chiếu phải đầu tư từ 1,2 triệu đô la hoặc quyên góp từ 350.000 đô la. Song, họ sẽ phải đợi 5 năm trước khi có thể nhận được giấy tờ.

    ho chieu vang 1
    Thổ Nhĩ Kỳ đang là điểm đến “hot” đối với những người muốn sở hữu “hộ chiếu vàng”. Ảnh: AFP.

    Những "cái tên" được ưa thích

    Tuy nhiên, OECD đã cảnh báo ít nhất 14 quốc gia có các chương trình cấp quyền công dân và cư trú có nguy cơ cao khiến hiệp ước toàn cầu về ngăn chặn trốn thuế và rửa tiền không được tuân thủ đầy đủ.

    Phần lớn những cái tên trong số này là các quốc đảo Caribe: Antigua và Barbuda, Bahamas, Barbados, Dominica, Grenada, Saint Kitts và Nevis, và Saint Lucia. Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương, các lãnh thổ hải ngoại của Anh như Turks và Caico, Seychelles ở Đông Phi cũng nằm trong danh sách trên.

    Ngoài ra, còn có một số quốc gia lớn hơn như: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Síp và Malta.

    Những quốc gia nằm trong danh sách này của OECD đều đang có các chương trình cấp quyền công dân hoặc quyền cư trú dài hạn nhanh chóng và dễ dàng.

    Chỉ mất 3-4 tháng và số tiền quyên góp tối thiểu từ 100.000 USD là đã đủ để có được hộ chiếu ở Antigua và Barbuda, Dominica và Saint Lucia.

    Dễ dàng như vậy khiến những quốc gia trên là đối tượng yêu thích của những người trốn chạy truy tố hoặc đang tìm kiếm một nơi an toàn để tiếp tục hưởng lợi từ các hoạt động kinh doanh trái phép.

    Theo Interpol, các cơ quan quản lý chống rửa tiền và nhiều chính phủ đang gây áp lực để thắt chặt quản lý hoặc cấm hoàn toàn việc cấp "hộ chiếu vàng". Cho tới nay, họ đã đạt được một số thành công.

    Bulgaria đã chấm dứt chương trình cấp quốc tịch cho nhà đầu tư, trong khi Ireland và Bồ Đào Nha thông báo đang loại bỏ các chương trình "hộ chiếu vàng" từng rất phổ biến của mình.

    Tuy nhiên, việc cấm một số nước đóng chương trình "hộ chiếu vàng" cũng giống như việc bịt đầu này thì đầu khác hở ra. Ví dụ, Síp có thể dừng thực thi nhưng lại có quốc gia khác mở chương trình mới.

    Malta, một quốc gia thành viên EU khác, đã chiếm vị trí của Síp trong bảng xếp hạng những nơi dễ dàng nhất để sở hữu quốc tịch thứ hai, mặc dù yêu cầu chi phí cao hơn (từ 1,2 triệu euro).

    Ủy ban Châu Âu đã khởi kiện Malta ra Tòa án Công lý của EU. Tuy nhiên, ngay cả khi vụ kiện đó đang được tiến hành, các quốc gia khác như: Slovenia, Slovakia, Hungary và Áo vẫn đang tiếp tục các chương trình "hộ chiếu vàng" của riêng mình.

    Luật sư Michael Kosnitzky, từng giúp nhiều người giàu có sở hữu quyền công dân thứ hai, chia sẻ: "Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang là thị trường rất hot, chỉ yêu cầu đầu tư 400.000 USD, không yêu cầu thời gian lưu trú tối thiểu".

    Theo Baogiaothong