• Dù có một luật nhất định để hạn chế ma túy, Ba Lan vẫn là quốc gia có quy định lỏng lẻo về việc sử dụng cần sa. DW dự đoán quốc gia này sẽ mở cửa cần sa trong tương lai.

    "Tôi đã chờ rất lâu để được hút thuốc hợp pháp", Piotr cười toe toét nói với DW, cho biết tại Ba Lan tồn tại 2 loại cần sa: chính thức và không chính thức.

    Trong một cuộc thăm dò năm 2020 được thực hiện cho Cục Phòng chống Ma túy Quốc gia, 7,8% người Ba Lan dưới 34 tuổi cho biết họ đã tiêu thụ cần sa ít nhất một lần trong 12 tháng qua. Con số này có thể cao hơn nếu xét trường hợp nhiều người sử dụng cần sa bất hợp pháp tại Ba Lan.

    ba lan can sa
    Nhiều người trưởng thành tại Ba Lan sử dụng cần sa ít nhất một lần trong 12 tháng qua. Ảnh: Nur Photo.

    Piotr được một người bạn giới thiệu đến một trong số các phòng khám ở Ba Lan chuyên sử dụng cần sa y tế. Trong đơn khám bệnh trực tuyến của mình, anh đã cố tình nói quá triệu chứng của mình lên bao gồm đau đầu, đau nửa đầu, đau lưng, mất ngủ, căng thẳng liên quan đến công việc. Thực tế, anh chỉ bị đau đầu nhẹ.

    Sau khi điền vào phiếu khám bệnh trực tuyến, Piotr được gặp bác sĩ và nghe hướng dẫn sử dụng cần sa y tế. Theo đó, anh được hướng dẫn dùng vape hóa hơi cần sa ở nhiệt độ cụ thể để giải phóng các chất có lợi cho sức khỏe thay vì các chất gây ung thư.

    Tuy nhiên, sau khi nhận 10 g cần sa từ tiệm thuốc, anh đã hút nó như để thư giãn thay vì trị bệnh. Người đàn ông này thậm chí còn cho hay đây là "loại thuốc tốt nhất so với tất cả loại thuốc anh từng mua".

    Quản lý cần sa không chặt

    Từ năm 2000, Ba Lan là một trong những quốc gia có luật ma túy gay gắt nhất châu Âu. Cá nhân nào sở hữu cần sa đều có nguy cơ bị bắt giữ, truy tố và kết án.

    Dữ liệu của cảnh sát Ba Lan công bố vào năm 2018 cho thấy 89% trong số tất cả các vụ án ma túy được xử lý là tàng trữ ở mức độ thấp. Phân tích sâu hơn, Giáo sư Tội phạm học Krzysztof Krajewski từ ĐH Jagiellonen (Ba Lan) cho hay 79% trong số tất cả các vụ bắt giữ là do sở hữu dưới 3 g cần sa. Từ khi siết chặt luật ma hồi năm 2000 đến nay, các thẩm phán Ba Lan cũng đã đưa ra một triệu bản án tội tàng trữ ma túy.

    Theo DW, cảnh sát Ba Lan không tập trung vào việc bắt giữ những kẻ buôn bán hoặc triệt phá các băng nhóm tội phạm mà tập trung nhiều hơn vào việc truy lùng những người mua cần sa bất hợp pháp cho mục đích cá nhân.

    Từ năm 2017, việc phân phối và sử dụng cần sa cho mục đích y tế đã trở thành hợp pháp ở Ba Lan. Đến năm 2021, các bác sĩ trên khắp Ba Lan đã kê khoảng 3.000 đơn thuốc cần sa/tháng.

    Tuy nhiên, theo ông Andrzej Dolecki, Chủ tịch của phong trào Free Hemp, một trong những tổ chức lâu đời nhất tại Ba Lan đấu tranh cho sự hợp pháp hóa cần sa, số lượng cần sa y tế được phân bổ cho bệnh nhân thực sự cần là khó có thể tính toán do "quy định đối với cần sa y tế rất tự do".

    Ở Đức và Cộng hòa Czech, để được nhận cần sa y tế, bệnh nhân phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Tuy nhiên, Ba Lan không quy định rõ ràng danh mục bệnh tật; giới hạn tuổi bệnh nhân, liều lượng cần sa cũng như mục đích sử dụng chúng.

    "Kết quả là người ta có thể kê cần sa cho một đứa trẻ bị đau răng tại Ba Lan. Điều này là hợp pháp", ông Dolecki nói.

    Tuy nhiên, theo một tìm kiếm nhanh trên Internet, các bác sĩ tại Ba Lan có xem xét các yếu tố tâm lý cũng như tuổi tác trước khi kê đơn cần sa y tế.

    Cần sa sẽ phổ biến tại Ba Lan?

    Hình ảnh về cần sa đã thực sự thay đổi trong nhiều năm. Các sản phẩm dầu, kem và trà chiết xuất từ cây gai dầu tự nhiên ngày một phổ biến hơn. Những chế phẩm này có hàm lượng THC rất thấp và rất giàu cannabidiol (CBD). Được đóng gói trong các hộp nhỏ, những chế phẩm này thường chỉ được bán tại hiệu thuốc thay vì một cửa hàng thương mại.

    Sở hữu cần sa để tiêu dùng cá nhân cũng nhận được sự ủng hộ của đa số công dân Ba Lan. Trong hai cuộc thăm dò lớn trên toàn quốc vào năm 2020, khoảng 60% công dân cho biết họ ủng hộ việc hợp pháp hóa cần sa.

    Quốc hội Ba Lan cũng đã thành lập một nhóm làm việc để hợp pháp hóa cần sa. Nhóm này đang soạn thảo luật cần sa tương tự với luật hiện hành tại Đức, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, luật này khó được thông qua nhưng tình hình có thể thay đổi sau bầu cử quốc hội năm 2024.

    Theo người đề xuất hợp pháp hóa Andrzej Dolecki, điều quan trọng nhất mà các nhà lãnh đạo Ba Lan cần hiểu được là sự phụ thuộc và tiêu thụ quá mức cần sa liên quan đến "sức khỏe xã hội" chứ không phải là vấn đề "hình sự".

    Theo Zing

  • Quốc gia thành viên EU được mệnh danh là "người nghèo của châu Âu" được dự báo sẽ có thu nhập đầu người cao hơn Vương quốc Anh vào cuối thập niên này.

    thu do warsaw ba lan
    Một góc thủ đô Warsaw của Ba Lan về đêm.

    Đài Sputnik dẫn lời tỷ phú nổi tiếng người Anh Guy Hands mới đây tuyên bố rằng Brexit đã đẩy Anh vào tình trạng tương tự như “suy giảm tuổi già” và đảo quốc sương mù sẽ bị các nước châu Âu khác bỏ xa trong tương lai không xa.

    Ông Hands, Chủ tịch Terra Firma (công ty cổ phần tư nhân hàng đầu châu Âu), đã đưa ra nhận xét trên qua một kênh podcast của Anh vào ngày 19/5. Ông Hands dự đoán rằng vào năm 2030, Anh sẽ bị Ba Lan vượt qua về sự giàu có. Hiện tại, khi được điều chỉnh theo sức mua tương đương, tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người của Ba Lan là 28.200 bảng so với 35.000 bảng của Vương quốc Anh.

    “Tôi nhìn vào nước Anh và thấy rằng, vào năm 2030, Ba Lan sẽ mạnh hơn chúng ta", ông Hands dự đoán và nói thêm: "Vào năm 2040, chúng ta sẽ là người nghèo ở châu Âu".

    Chuyên gia Hands cho rằng Anh lẽ ra không bao giờ nên rời Liên minh châu Âu (EU) trong sự kiện Brexit, đồng thời phàn nàn rằng các chính trị gia Anh không nói gì về khả năng quay trở lại.

    Vị tỷ phú cho biết Brexit đã đẩy Anh trở lại những năm 1970, thời điểm đất nước đầy rối ren với nạn lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao, mất điện thường xuyên, cộng với những cuộc đình công liên tiếp.

    Tuy nhiên, ông Hands cũng nhận thấy một số lợi ích của Brexit và nói rằng Anh nên tận dụng cơ hội này để cải cách luật lao động “cực kỳ phức tạp” của mình. Ông tuyên bố luật này là một “cơn ác mộng” so với các nước châu Âu khác.

    “Hiện tại, Anh chỉ có hai lựa chọn nếu muốn cạnh tranh trên trường thế giới. Hoặc họ phá bỏ phần lớn những gì mà các đảng chính trị đã dành 30 năm để xây dựng, hoặc quay trở lại châu Âu", chuyên gia Hands bình luận.

    Ông cũng phàn nàn rằng kể từ khi Anh rời EU, nước này vẫn “không mất đi bộ máy quan liêu đó, mà còn tăng lên”.

    Tuyên bố của ông Hands phản ánh các dự báo gần đây của Công đảng, cho rằng Ba Lan sẽ vượt qua Anh về sự thịnh vượng kinh tế vào năm 2030, và Hungary và Romania cũng sẽ vượt qua London vào năm 2040.

    Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng Anh, bày tỏ: “Tôi không thoải mái với điều đó, không thoải mái với quỹ đạo mà Anh sẽ sớm bị Ba Lan vượt qua".

    Theo tờ Telegraph, sau khi "Bức màn sắt" sụp đổ, Ba Lan là quốc gia thuộc Liên Xô cũ đầu tiên khôi phục thị trường tự do. Tuy nhiên, vào năm 1989, người dân Ba Lan có GDP bình quân đầu người chỉ bằng 1/10 so với người Đức.

    Ba thập kỷ tăng trưởng ổn định đã tạo nên một điều kỳ diệu. Khoảng cách kinh tế đã được thu hẹp đáng kể. Được điều chỉnh theo sức mua tương đương, GDP bình quân đầu người ở Ba Lan hiện là 28.200 bảng so với 35.000 bảng ở Anh, 34.200 bảng ở Pháp và 39.800 bảng ở Đức. Với tốc độ quỹ đạo hiện tại, Ba Lan sẽ vượt qua Anh vào năm 2030 - theo bài viết đăng hồi đầu tháng 5 trên tờ Telegraph (Anh).

    Tờ báo cho rằng, Ba Lan đang trên đà trở nên giàu có hơn Anh vào năm 2030 nhờ phép màu kinh tế. Đất nước này đã trở thành một điểm nóng cho các ngành công nghiệp hướng tới tương lai như sản xuất pin và công nghệ.

    Warsaw đang sử dụng sức mạnh kinh tế này để biến đất nước thành một lực lượng chiến đấu mạnh mẽ. Kế hoạch của Warsaw là tăng gấp đôi quy mô quân đội lên 300.000 binh sĩ, được trang bị những vũ khí mới nhất của phương Tây.

    Ba Lan đang chi khoảng 10 tỷ đô la cho các hệ thống pháo HIMARS do Mỹ sản xuất và đang hoạt động ở Ukraine. Ngoài ra, nước này đang trang bị phi đội máy bay F-35 Lightning II và 116 xe tăng Abrams, thay thế các máy bay chiến đấu MiG và xe tăng T-72 từ thời Liên Xô đang được chuyển giao cho Ukraine.

    Tất cả phần cứng quân sự này đều có giá cao. Ba Lan đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 4% GDP trong năm nay, từ mức 2,5% vào năm ngoái. Điều này đưa mức chi tiêu quốc phòng của Warsaw trở thành một trong những mức lớn nhất ở NATO.

    Nó cũng có nghĩa Ba Lan có thể sớm sở hữu khả năng chiến đấu trên bộ lớn nhất và tốt nhất trong tất cả các thành viên châu Âu của NATO. Ngay cả Pháp, chỉ với khoảng 200.000 quân thường trực, cũng có thể sớm bị Ba Lan vượt qua.

    Theo Báo Tin Tức

  • Hơn 100 tấn vàng Ba Lan gửi sang Anh từ thời Thế chiến II đã được bàn giao lại cho quốc gia Đông Âu trong một nhiệm vụ tuyệt mật.

    Ba Lan đã lấy lại 100 tấn vàng trị giá 5,2 tỷ USD từ London, Anh trong một nhiệm vụ vận tải bí mật có sự tham gia của máy bay, trực thăng, xe tải công nghệ cao và lực lượng an ninh đặc biệt.

    Theo Dailymail, tổng cộng 8 chuyến bay vào ban đêm đã được thực hiện từ một sân bay bí mật ở London trong vài tháng qua. Khoảng 8.000 thỏi vàng nặng 100 tấn đã được đưa tới một vài địa điểm tại Ba Lan.

    Các thỏi vàng của Ba Lan (Ảnh: GS4)
    Máy bay vận chuyển vàng (Ảnh: GS4)

    Dự trữ vàng của quốc gia Đông Âu đã được đặt ở Ngân hàng Anh trong hàng thập niên qua. Nó được đưa ra khỏi Ba Lan từ hồi Thế chiến II vì lo ngại số tài sản quý giá này có thể rơi vào tay Phát xít Đức.

    Tuy nhiên, chính phủ Ba Lan đang bắt đầu quá trình thu vàng về để giúp đất nước phát triển mạnh mẽ hơn. 

    Công ty an ninh GS4 là bên thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vàng. Đây được mô tả là một trong những vụ chuyển vàng có quy mô lớn nhất thế giới giữa các ngân hàng.

    Một phát ngôn viên của GS4 nói rằng, lượt vàng cuối cùng từ Anh đã được chuyển vào ngày 22/11. Các xe tải đã mang 20 thùng vàng thỏi từ một cơ sở tại tây bắc London tới sân bay lân cận dưới sự hộ tống của cảnh sát và có trực thăng theo dõi phía bên trên.

    Sau khi tới sân bay, các thỏi vàng được đưa vào một chiếc máy bay vận tải Boeing 737 và bay tới các địa điểm ở Ba Lan. Số vàng này sau đó được một lực lượng cảnh sát tinh nhuệ nhận bàn giao và được đưa vào các xe tải bọc thép để đưa tới kho lưu trữ thuộc ngân hàng quốc gia Ba Lan tại các địa điểm không tiết lộ.

    Tại đây, quá trình kiểm đếm diễn ra nhằm đảm bảo vàng không bị mất trong quá trình vận chuyển.

    Các thỏi vàng của Ba Lan (Ảnh: GS4)
    Vàng được ràng chặt trên máy bay. (Ảnh: GS4)

    Giám đốc điều hành GS4 cho biết: “Nhiệm vụ này tuyệt mật, cực kỳ quan trọng và đã được thực hiện suôn sẻ”.

    Hồi tuần trước, phía ngân hàng Ba Lan xác nhận rằng quá trình chuyển vàng đã hoàn tất và số vàng đang được bảo quản an toàn tại Warsaw.

    Theo Bloomberg, tính đến ngày 31/10, Ba Lan có 121,9 tỷ USD ngân sách dự trữ chính thức, bao gồm cả vàng.  

    Vụ vận chuyển đã sử dụng hàng loạt các thiết bị cao cấp và nhân lực tinh nhuệ (Ảnh: GS4)

    Theo Dân Trí

  • Tại CH Czech và Ba Lan, những quốc gia có chính sách cứng rắn về người nhập cư, cộng đồng người Việt vẫn phát triển mạnh mẽ và được đánh giá cao.

    Trung tâm thương mại Sapa nổi tiếng của người Việt tại Prague. Ảnh chụp màn hình Fin Nomads

    Vấn đề người tị nạn và nhập cư, đặc biệt là từ Syria, đang là một trong những thách thức lớn nhất về an ninh và xã hội đối với châu Âu. Nhiều thành viên EU quyết liệt phản đối các chính sách của khối về tiếp nhận thêm người nhập cư và tị nạn.

    Trong đó, các chính phủ cánh hữu và trung hữu tại Ba Lan và CH Czech đưa ra một số biện pháp cứng rắn, còn cư dân sở tại cũng có cái nhìn không thiện cảm đối với người nhập cư, theo tờ The Economist. Trong bối cảnh này, riêng cộng đồng người Việt vẫn phát triển thịnh vượng, có nhiều đóng góp cho nước sở tại.

    Ba Lan và CH Czech là những quốc gia có tỷ lệ người Việt sinh sống cao nhất châu Âu. Ước tính hiện có khoảng 40.000 - 50.000 người Việt tại Ba Lan. Con số này ở CH Czech là gần 65.000 người mang quốc tịch Việt và hơn 25.000 người CH Czech gốc Việt, theo ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người VN tại châu Âu, đồng thời là Chủ tịch danh dự của Hội Người VN tại CH Czech.

    Đặc biệt, từ tháng 7.2013, chính phủ CH Czech đã công nhận cộng đồng người VN là dân tộc thiểu số thứ 14 của nước này. Trả lời Thanh Niên, ông Thắng nhận định đây là sự ghi nhận về năng lực hội nhập và những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt với xã hội sở tại.

    Tại cả hai quốc gia, người Việt đều hội nhập tốt, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát huy mối quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc VN - CH Czech và VN - Ba Lan.

    Phần lớn người Việt ban đầu do gặp rào cản ngôn ngữ nên làm các công việc như buôn bán hàng thực phẩm, mỹ phẩm, giày dép và hàng may mặc… Một số người năng động đã mở các trung tâm thương mại hoặc thiết lập các chuỗi bán buôn, bán lẻ.

    Không ít người đã gặt hái thành công lớn như doanh nhân Tào Ngọc Tú, đến Ba Lan từ thời sinh viên. Ông hiện là chủ một công ty chuyên nhập khẩu gia vị châu Á vào Ba Lan và có tên trong danh sách những người giàu nhất ở nước này. Doanh nhân Nguyễn Thái Ngọc là chủ Sportisimo, công ty bán đồ thể thao lớn nhất CH Czech với hơn 100 cửa hàng tại nước này và nhiều quốc gia khác ở châu Âu.

    Bên cạnh thế hệ người Việt nhập cư đầu tiên trong thập niên 1980, thế hệ thứ hai tại hai nước cũng hội nhập và phát triển tốt, với nhiều người trở thành luật sư, giáo sư, bác sĩ… Cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt là sự xuất hiện của những ngôi chùa và trung tâm văn hóa mang đậm nét Việt. Phở và chả giò là các món ăn đang rất được ưa chuộng ở Warsaw và Prague.

    Nhờ những thành quả này, người dân địa phương cũng có thái độ cởi mở đối với cộng đồng người Việt hơn so với những người nhập cư khác, theo The Economist.

    Trong cuộc bầu cử năm ngoái, cử tri CH Czech tiếp tục bầu cho Tổng thống Milos Zeman, người có quan điểm nghi ngại đối với người nhập cư. Kết quả thăm dò dư luận của Tổ chức nghiên cứu Pew, có trụ sở tại Mỹ, cũng cho thấy gần một nửa số người được hỏi ở nước này cho rằng nên hạn chế người nhập cư. Tuy nhiên trong nhiều bài phát biểu, Tổng thống Zeman thường đánh giá cao sự hội nhập của cộng đồng người Việt vào xã hội Czech và cho rằng đây là mẫu mực của sự hội nhập giữa hai nền văn hóa khác nhau.

    Nhiều người Việt sống ở CH Czech và Ba Lan cũng cho biết theo thời gian, người dân hai nước này đã xem họ là nhóm người nhập cư “an toàn”. Chị Anh Tuyet Nguyen, một chủ quán cà phê ở Prague, kể chị thường nghe nhiều người dân bản địa nói rằng người Việt “chăm chỉ”, để so sánh với các nhóm nhập cư khác bị họ cho là “đang ăn bám nhà nước”.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Đạo diễn trẻ Lê Bình Giang trong một buổi giao lưu, khi được hỏi về cảm giác lần đầu đến Ba Lan, đã trả lời là mới chỉ trong vòng mấy ngày có mặt tại Ba Lan thôi mà đã gặp hiện tượng kỳ thị, phân biệt chủng tộc.

    Đạo diễn trẻ hỏi lại người dẫn buổi giao lưu và khán giả: "Phải chăng người Ba Lan không ưa thích người châu Á?"

    Người dịch, một cô gái Việt Nam thế hệ hai, đã bỏ mất phần hai của câu về sự phân biệt chủng tộc.

    Nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên một người Việt nói về vấn đề kỳ thị trên một diễn đàn công cộng nằm bên ngoài những diễn đàn, hội thảo, hội nghị do các tổ chức phi chính phủ của Ba Lan tổ chức.

    Nhiều người Việt Nam ở Ba Lan đi lên từ nghề buôn bán quần áo.

    Gia tăng và lan sang cả người Việt

    Hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nước ngoài, nhất là từ Phi châu, gốc Ả Rập, đạo Hồi tại Ba Lan là có và càng ngày càng gia tăng. 

    Tại các thành phố lớn như thủ đô Warszawa hay Kraków, điều này thường xuyên diễn ra, và đối với những người di dân nói trên hiện tượng này xuất hiện nhiều dưới dạng bạo lực.

    Hiện nay Ba Lan có chính phủ cánh hữu, thiên về dân tộc chủ nghĩa và họ dường như coi thường vấn đề này, không dứt khoát lên án, loại trừ.

    Theo nhiều chính trị gia đối lập thì chính phủ của Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) còn khuyến khích tinh thần bài ngoại.

    Nhiều chính trị gia cánh hữu đã công khai bài ngoại, và đổ cho người di dân mang tới Ba Lan 'nguy cơ truyền bệnh' và những tệ nạn xã hội, là nguyên nhân của những hành xử tiêu cực.

    Họ cho rằng hạn chế nhập cư, nhất là người dân từ các nền văn hóa và tôn giáo khác, là để đảm bảo cho nền an ninh quốc gia, cho an toàn cho người dân và cho sự thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân Ba Lan.

    Một yếu tố nữa có tác dụng mạnh cho vấn đề này là truyền thông quốc gia, Đài truyền hình TVP và đài phát thanh PR nằm hoàn toàn trong tay đảng cầm quyền và hoàn toàn thực hiện các chính sách của cánh hữu dân tộc chủ nghĩa.

    Có thể nhận thấy, tuy không phải thật sự rõ nét, có những yếu tố "bài Việt" trong chương trình của đài truyền hình quốc gia Ba Lan. Những tin tức, những phóng sự nhấn mạnh đến tính tiêu cực của cộng đồng người Việt, ngay cả trong thế hệ thứ hai, đã được phát sóng trong năm nay.

    Song song với vấn đề phân biệt và kỳ thị các xu hướng phát-xít và dân tộc chủ nghĩa khá phổ biến và gia tăng tại Ba Lan, nhất là trong giới trẻ.

    Đầu năm nay một phóng sự đặc biệt của các nhà báo Ba Lan của đài truyền hình tư nhân TVN đã đưa các hình ảnh các cuộc gặp gỡ của các nhóm tân Nazi Ba Lan, tôn thờ Adolf Hitler và cùng các nhóm tân Nazi của Đức hô lớn "Sieg Heil!".

    Người nước ngoài gốc Á châu, Đông Nam Á, người Việt Nam gặp phải kỳ thị và phân biệt chủng tộc thường dưới dạng nhẹ hơn là chỉ qua cử chỉ và lời nói. Chính vì vậy các trường hợp này ít xuất hiện trên truyền thông Ba Lan và trong cộng đồng người Việt thường có khái niệm nhẫn nhục và chấp nhận, hoặc tự vệ bằng cách trả thù vặt… sau lưng.

    Nhân làn sóng các bình luận mang tính kỳ thị, phân biệt chủng tộc nổ ra khi một sinh viên Ba Lan gốc Việt, Ola Nguyễn Minh Tâm, đạt danh hiệu Vua đầu bếp của cuộc thi MasterChef Ba Lan.

    Trang web của đài TVN tổ chức ra cuộc thi đã phải xóa bỏ nhiều bình luận của người xem truyền hình Ba Lan không chỉ đả kích các ứng viên Việt Nam và Romania, mà còn cho rằng cuộc thi không nên để một cô gái gốc Việt chiến thắng.

    Cô gái Việt chiến thắng Masterchef Ba Lan.

    Đây là dịp cộng đồng Việt Nam tại đây có cơ hội bàn về vấn đề này.

    Không phải là nhà xã hội học cũng có thể nhận thấy rằng hiện tượng xuất hiện nhiều hay ít phụ thuộc vào môi trường làm việc, môi trường sống và những yếu tố cá nhân của mỗi một người.

    Đối với người Việt thế hệ thứ nhất tại Ba Lan, nhất là những người mới sang, không biết tiếng Ba Lan không biết nhiều về văn hóa và xã hội Ba Lan thì "không hiểu, không biết, nhẫn nhục và chấp nhận" là phản ứng thường xuyên và phổ biến.

    Nhưng tệ hơn là nhiều thanh thiếu niên Ba Lan, ngay cả trong nhà trường, có xu hướng kỳ thị phân biệt với các bạn đồng lứa gốc Việt Nam của mình. Việc gọi các bạn Việt Nam bằng từ miệt thị, hoặc nói bóng gió về màu da, màu tóc được nhiều gia đình ghi nhận qua lời kể của con em họ.

    Như đã nói ở trên hiện tượng có xu thế gia tăng và được nhiều chính trị gia, chính khách chấp nhận như là để bảo vệ cho tính thuần chủng của dân tộc Ba Lan, tính yêu nước và chủ nghĩa dân tộc của mình.

    Nếu kỳ thị và phân biệt chủng tộc không có ý nghĩa đặc biệt với người Việt trưởng thành, thế hệ thứ nhất, thì hiện tượng này trong nhà trường và xã hội đối với các cháu thanh thiếu niên gốc Việt lại là một vấn đề nghiêm trọng mà cả chính quyền Ba Lan và cộng đồng người Việt vẫn chưa những phương pháp đối phó, phản ứng thích hợp.

    Người Việt có những hạn chế cố hữu

    Những hạn chế trong cộng đồng Việt Nam cũng tạo thuận lợi cho sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc.

    Người Việt có mặt tại Ba Lan đáng kể từ sau năm 1989, ngoài thế hệ sinh viên nghiên cứu sinh và gia đình họ, xuất hiện những người sang Ba Lan trực tiếp từ Việt Nam và từ các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa khác.

    Thông cảm, thương hại, đồng cảm hoặc miễn cưỡng chấp nhận là tình cảm chung của người Ba Lan trong vòng hai chục năm sau khi họ dành lại tự do và dân chủ cho người Việt.

    Về nghề nghiệp, người Việt có mặt chủ yếu trong ngành buôn bán và ẩm thực, nơi họ phải tiếp xúc hàng ngày với người bình dân Ba Lan, và va chạm trong giao tiếp liên quan đến tiền bạc, chất lượng hàng hóa, dịch vụ là đương nhiên.

    Gần 30 năm sau Hội nghị Bàn tròn năm 1989, thay đổi thể chế từ xã hội chủ nghĩa sang dân chủ, cộng đồng người Việt tại Ba Lan cũng như tại các nước hậu cộng sản, đã phát triển mạnh và có nhiều thay đổi, có những gương mặt tươi sáng của thế hệ thứ hai.

    Nhưng trong nhiều khía cạnh thì nhiều thành viên của cộng đồng này thật sự đã dậm chân tại chỗ.

     

    Trong số họ luôn có những nhóm mới sang, luôn có đại đa số không biết và không muốn biết tiếng nói và văn hóa của nước sở tại.

    Cũng luôn có những nhóm chỉ muốn nhanh chóng làm giàu - bất chấp pháp luật - để quay về Việt Nam sinh sống.

    Luôn có những người sẵn sàng giết chó tại đây để làm thịt vì thịt bò, thịt lợn… quá thừa mứa và nhàm chán.

    Và nếu không thể giết thịt tại chỗ, họ sẵn sàng nhập khẩu trong vali sau mỗi một lần về Việt Nam.

    "Nhập gia tùy tục" chỉ là những khẩu hiệu suông như vô vàn các khẩu hiệu khác từ Việt Nam.

     

    Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, ông Ngô Văn Tưởng, cựu sinh viên du học Ba Lan và hiện sống tại Warsaw.

    Viethome (theo BBC)

  • Cách đây khoảng 10 năm, Ba Lan quả là một miền đất hứa cho người Việt nhập cư.

    Sau nhiều biến đổi ở Đông Âu, đặc biệt sau cuộc thay đổi thể chế chính trị thành công ở Ba Lan, rồi khi quốc gia này được gia nhập NATO và Liên Âu, ở đây quả thực có rất nhiều phát triển vượt bậc trong mọi khía cạnh, không chỉ về chính trị mà cả kinh tế và xã hội.

    Cuộc sống của người dân Ba Lan ngày càng được cải thiện, thu nhập trung bình và mức sống ngày càng cao, mặc dù vẫn chưa thể so sánh được với các quốc gia Tây Âu. Ngay từ những năm 90, có thể nói là cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã phát triển một cách cực kỳ nhanh chóng.

    Trước đó, ở quốc gia này mỗi năm chỉ có vài chục sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập. Ba Lan không nhận công nhân Việt Nam vào các nhà máy làm việc hay đi học nghề. 

    Chỉ có một đoàn nhân viên (toàn nữ) duy nhất, khoảng vài chục người sang với danh nghĩa là học nghề, nhưng thực ra là để làm việc trong nhà máy dệt may ở Lodz, miền Trung Ba Lan.

    Khi được tự do ở lại quốc gia này, những người này cùng nhiều người Việt Nam khác đã bắt đầu chọn nước Ba Lan của một thời đại mới là nơi sinh sống của mình từ những năm đó.

    Rồi khi ở Ba Lan có một khu buôn bán lớn nhất Đông Âu, gọi là chợ trời Sân Vận động Mười Năm (Stadion Dziesieciolecia), thì con số người Việt sang Ba Lan sinh sống lên tới vài chục ngàn người.

    Không có số thống kê cụ thể, vì ở những thời trước, chuyện quản lý hộ khẩu và giấy tờ cư trú của chính quyền Ba Lan đối với người nước ngoài nói chung và người Việt nói riêng vẫn chưa bị kiểm soát chặt chẽ như hiện nay.

    Người ta thường nhắc đến con số 50 ngàn, 70 ngàn và thậm chí có nguồn báo chí còn đưa tin là có khoảng 100 ngàn người Việt sinh sống ở Ba Lan. Hiện nay tổng số người Việt sinh sống ở Ba Lan cũng chỉ còn khoảng 30 ngàn người, khi đã có những nghiên cứu tính toán khá cụ thể.

    Hơn 10 ngàn người vẫn được Sở Ngoại kiều cấp lý thẻ cư trú (ngắn hạn hay dài hạn), khoảng 5 ngàn người đã được cấp quốc tịch Ba Lan, vài ngàn người sử dụng giấy tờ do các quốc gia khác trong Khối Schengen cấp (nhưng được sinh sống ở Ba Lan) và vài ngàn người vẫn chưa có thẻ cư trú ở Ba Lan, tức là vẫn đang sinh sống bất hợp pháp ở quốc gia này.

    Sở dĩ có sự thay đổi là vì ở Ba Lan đã không còn khu chợ trời lớn nhất kia, mà đã xây dựng được một vài khu trung tâm thương mại, bởi vì người Việt ở Ba Lan chỉ có nguồn thu nhập chính là buôn bán hàng vải và giày dép.

    Một số người Việt khác kinh doanh nghề ẩm thực. Gần đây mới bắt đầu xuất hiện nghề nail. Chính quyền Ba Lan cũng ngày càng thắt chặt những chính sách đối với người nước ngoài, thường xuyên kiểm tra chuyện hợp pháp hóa cư trú và chuyện làm ăn thuế má ở những khu có nhiều người nước ngoài lao động.

    Ngoài ra người Trung Quốc cũng dần dần chiếm lĩnh được thị trường buôn bán ở Ba Lan. Nghe nói họ đoàn kết với nhau, làm ăn với quy mô lớn, lâu dài và ổn định hơn. Nhu cầu về hàng hóa buôn bán ở những khu trung tâm thương mại của người Việt thì ngày càng giảm.

    Tình hình mưu sinh làm ăn để phục vụ cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, do vậy đã có nhiều người Việt trở về quê hương Việt Nam sinh sống, hoặc đi tiếp sang các quốc gia Phương Tây khác để tìm miền đất hứa mới cho mình, cũng y như người Ba Lan (từ xưa tới nay người dân Ba Lan rời bỏ quê hương đi ra nước ngoài sinh sống vẫn khá đông, mà chưa thấy mấy ai hồi hương).

    Chính quyền Ba Lan đã có 3 lần thoáng mở luật cư trú, tạo điều kiện cho những người nước ngoài có cơ hội hợp pháp hóa cư trú, cụ thể là họ đưa ra chính sách khoan hồng gọi là "cấp thẻ nhân đạo" (ân xá) cho những người đang sinh sống ở Ba Lan bất hợp pháp. 

    Lần đầu là năm 2003 và lần thứ 3 là năm 2012. Hiện nay khó mà hy vọng là Ba Lan sẽ cho ra bộ luật nhân đạo thêm một lần nữa, bởi vì người ta không muốn có quá nhiều người dân Ấn Độ, Pakistan hay đặc biệt là những người theo đạo Hồi sang Ba Lan xin giấy tờ cư trú, nhân dịp có những lần khoan hồng như vậy.

    Tuy nhiên, do nền kinh tế đang phát triển mạnh, Ba Lan lại đang cần thêm rất nhiều nhân công. Người Ukraine đã và đang chuyển sang Ba Lan làm việc với số lượng đông đảo. Những chính sách xin/cấp giấy phép lao động (tương đương với việc cấp quyền cư trú) ở Ba Lan cũng có phần thoáng mở hơn.

    Gần đây có một số lượng khá đông người Việt lại sang Ba Lan xin giấy tờ cư trú. Những người có visa Schengen được vào Ba Lan tự do, nếu xin được việc làm ở một công ty nào đó thì những người này được quốc gia này cấp cho giấy phép lao động và thẻ cư trú từ 1 đến 3 năm.

    Sau 5 năm làm việc đàng hoàng, có đóng thuế và bảo hiểm đầy đủ và liên tục, người nước ngoài được cấp thẻ cư trú lâu dài, gọi là thẻ định cư.

    Nhân dịp này có một số người Việt có lẽ chỉ sang Ba Lan để xin cấp thẻ cư trú, rồi lại trở về các nước khác sinh sống. Bởi vì nguồn thu nhập ở Ba Lan vẫn chưa thể so sánh được với các quốc gia Tây Âu.

    Một số khác có lẽ chỉ muốn kiếm cho mình tấm thẻ cư trú ở Châu Âu, kiếm được visa du lịch Schengen, rồi sang Ba Lan xin cấp thẻ cư trú "để dành", chứ thực ra hiện nay vẫn đang còn có công việc, tức là đang sinh sống ở Việt Nam.

    Nhưng thời gian chờ đợi ra được tấm thể cư trú ngày càng dài, lên đến vài tháng, vì người ta xem xét hồ sơ ngày càng kỹ hơn, xem người nộp đơn có nhu cầu sinh sống thực sự ở Ba Lan hay không. 

    Ngoài ra Cục Biên phòng Ba Lan vẫn thường xuyên đi kiểm tra những nơi làm việc của người nước ngoài. Trong giấy phép lao động của người nước ngoài có thể ghi là người này có vị trí công việc là "chuyên viên bán hàng", vậy mà khi kiểm tra thì phát hiện ra là người nước ngoài đó đang làm việc trong tiệm sơn cắt móng tay.

    Do vậy, quyết định cho phép lao động và cư trú có thể bị thu hồi, vì làm việc không đúng mục đích ghi trong giấy phép. Ngoài ra nhà chức trách còn phát hiện ra là có một số người nước ngoài sử dụng visa giả trong hộ chiếu, rồi nộp đơn xin thẻ cư trú ở Ba Lan.

    Do vậy, có lẽ trong thời gian tới, chuyện xin được tấm thẻ cư trú ở Ba Lan lại sẽ không hề đơn giản.

    Bởi vì theo Bộ luật về người nước ngoài của Ba Lan, người ta không thể chấp nhận những người xin cư trú mà đã có những hành vi gian trá trong các loại giấy tờ nộp kèm theo đơn và có gian trá nói dối khi bị phỏng vấn.

    Vậy là Ba Lan vẫn không hề dễ dàng trong vấn đề nhập cư. Lực lượng Biên phòng Ba Lan vẫn làm việc rất tích cực. Khi phát hiện ra những người nhập biên trái phép từ phía Đông, họ thường tìm mọi cách trả lại ngay sang quốc gia bên kia biên giới.

    Khi bắt giữ được người nước ngoài chưa có thẻ cư trú ở trong nội địa Ba Lan, người ta đưa những người này vào trại có canh gác, rồi tìm cách ép quốc gia xuất xứ nhận những người này hồi hương. 

    Thu nhập của người lao động ở Ba Lan ngày càng khá dần, nhưng không hề cao, do vậy khi những người Việt mới sang Ba Lan làm ăn thường gặp nhiều khó khăn, vì rào cản ngôn ngữ. Mà thường thì tay nghề của người Việt cũng không cao, nên khó xin được việc làm theo đúng nghề nghiệp.

    Đây là lý do đa số chỉ có cách là đi làm thuê cho những người Việt đã sinh sống nhiều năm ở Ba Lan, vì họ đã lập công ty buôn bán tư nhân riêng.

    Nhiều người Việt trước đây đã có thu nhập khá tốt, cuộc sống đã ổn định, đã đầu tư mua được nhiều bất động sản, do vậy hiện nay họ không còn nhu cầu phải tiếp tục bươn chải trong chuyện nhập hàng hay là trực tiếp đi buôn bán nữa.

    Có thể nói là nhiều người đã thành đạt, hiện nay có thời gian hưởng thụ những đồng tiền mình kiếm được, tích cực đi du lịch hay tham gia thể thao, bóng đá, tennis, golf, khi chuyện buôn bán đã không còn dễ dàng như xưa. 

    Có thêm một số người Việt sang Ba Lan xin cư trú, nhưng thỉnh thoảng vẫn có người bỏ sang nước khác sinh sống, do vậy có thể nói là con số khoảng 30 ngàn người Việt sinh sống ở Ba Lan sẽ không thay đổi trong một thời gian dài sắp tới.

    Có điều đáng nhấn mạnh là cộng đồng người Việt ở Ba Lan khá thuần, chăm chỉ làm ăn, không gây nhiều phiền hà cho chính quyền nước sở tại, trẻ em chăm chỉ học hành, đạt nhiều thành tích.

    Chính quyền Ba Lan chưa bao giờ kêu ca là tỷ lệ tội phạm của cộng đồng này là một con số đáng quan ngại. Do vậy vấn đề người ta có gây khó khăn cho người Việt khi xin giấy phép cư trú hay không, cũng phụ thuộc vào chính người Việt.

    Người Ba Lan sẽ xem xét kỹ là người Việt có nhu cầu thực sự sang lao động và sinh sống ở Ba Lan hay không, tức là cộng đồng này có mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và xã hội Ba Lan trong tương lai hay không.

    Bài thể hiện quan điểm của tác giả Ngô Hoàng Minh , một phiên dịch viên tuyên thê làm việc cho Bộ Tư pháp Ba Lan. Ông sang Ba Lan du học từ 1980, tốt nghiệp ngành lập trình, khoa Tin học Đại học Bách khoa Wroclaw và hiện định cư ở Warsaw.

    Viethome (theo BBC)

  • Báo Gazeta Wrocławska (Ba Lan) ngày 20-10-2012 đưa tin “Người Việt đã mua cung điện Wroclaw”. Bài báo cho biết cung điện Schaffgotsch, thường được biết tới với tên gọi “Pałacyk”, là một trong những di tích lớn nhất trước chiến tranh ở thành phố Wroclaw.

    Cung điện - biệt thự Schaffgotsch. Ảnh: Song Quyên

    Cung điện - biệt thự Schaffgotsch của một người thuộc dòng họ Hans Ulrich von Schaffgotsch được xây dựng vào những năm 1890. Trên cơ sở một tòa nhà có từ năm 1862, công trình được thiết kế và mở rộng trở thành một cung điện theo phong cách Phục hưng, với một tháp chính, nhiều cửa sổ hình vòm và cửa sổ tầng áp mái... Mặt tiền được ốp gạch đỏ với các chi tiết bằng đá sa thạch trắng, phía sau cung điện có một sân trong nối với một khu vườn rộng thiết kế theo phong cách Anh.

    Chủ nhân - người xây dựng cung điện đã qua đời năm 1915. Sau đó công trình trở thành tài sản của thành phố Wrocław. Trong hai cuộc chiến tranh, tòa nhà bị hư hại, thành phố đã sửa chữa, trùng tu và dùng làm trụ sở hiệp hội sinh viên...

    Năm 1972, một đám cháy xảy ra ở đây. Sau đó tòa nhà lại được cải tạo trong một thời gian dài và hoàn thành vào năm 1975, tiếp đó được sử dụng cho các mục đích văn hóa khác nhau (vũ trường, quán ăn, quán rượu, một số dịch vụ và giải trí, thậm chí có cả rạp chiếu phim)... Đến năm 2012, tài sản này được bán cho một công ty của người Việt. 

    Mặt trước của cung điện Wroclaw (Ảnh: Song Quyên)

    Lời hứa của người chủ mới

    Trong một dịp đến Ba Lan, tôi gặp được anh chị T. - đôi vợ chồng đã mua lại cung điện Schaffgotsch. Họ sống ở Ba Lan từ lâu. Biết tôi quan tâm đến việc bảo tồn di sản đô thị, anh chị đã mời tôi đến thăm thành phố Wrocław - nơi có cung điện này.

    Wrocław là thủ phủ tỉnh Dolnośląskie ở tây nam Ba Lan, nằm bên sông Odra, với khoảng 1 triệu dân. Nơi này từng chịu ảnh hưởng văn hóa của người Bohemia, người Áo và người Phổ - điều đã tạo nên những nét đặc sắc của thành phố, nhất là trong kiến trúc. Là một thành phố du lịch nhưng Wrocław có nhịp sống yên bình nên được người Ba Lan và khách du lịch rất yêu thích.

    Cung điện Schaffgotsch nằm trên một con đường nhỏ yên tĩnh, sát trung tâm thành phố. Khuôn viên trước kia có hai mặt tiền: phía cổng chính là đường phố, phía sau là một khu vườn lớn, ngày nay trở thành một công viên của thành phố. Sau hai lần trùng tu, cung điện vẫn giữ được phần lớn kiến trúc như ban đầu.

    Sân trước và sân trong còn nguyên những viên đá lát từ cuối thế kỷ 19. Sảnh chính và cầu thang, những hành lang, từng tầng và các phòng ở mỗi tầng về cơ bản đã được trả lại cấu trúc ban đầu, sau một thời gian dài cũng bị cơi nới, chia nhỏ cho những nhu cầu khác nhau.

    Hành trình phục hồi và trùng tu của cung điện này - theo lời người chủ sở hữu - đã bắt đầu ngay sau khi hoàn tất thủ tục mua bán. Khởi đầu là lời hứa của anh với chính quyền thành phố: “Công trình sẽ không bị đập phá hay thay đổi, mà sẽ được trùng tu, tôn tạo để trở về hình thức kiến trúc đẹp nhất của nó, dù nó được sử dụng với bất cứ chức năng nào”.

    Khi tôi hỏi vì sao anh dám hứa chắc như vậy khi mà chính anh lúc đó cũng chưa hề có khái niệm gì về trùng tu di sản văn hóa, và nguồn vốn cũng không phải là dư dả, T. vui vẻ nói: “Sống lâu ở Ba Lan, tôi hiểu rằng chính quyền và người dân đất nước này rất yêu quý và tôn trọng các di tích lịch sử. Họ miệt mài sửa chữa, trùng tu di tích từ thời này qua thời khác, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất, công tác bảo tồn di tích chưa bao giờ ngừng nghỉ.

    Sau chiến tranh, phần lớn thủ đô Warsaw bị phá hủy, vậy mà bây giờ chị thấy đấy, Warsaw đã “hồi sinh” gần như toàn bộ những công trình cổ, trở thành tài sản văn hóa và nguồn tài nguyên vô tận cho du lịch. Vì vậy, đối với tôi, bảo tồn công trình này là một việc cần làm”.

    Những họa tiết trang trí cột và mặt trước cung điện (Ảnh: Song Quyên)

    Một hành trình không 
dễ dàng

    Dù câu trả lời có vẻ đơn giản, nhưng quá trình đầu tư sửa chữa là một khối lượng công việc và chi phí tài chính lớn của chủ nhân mới, mà chưa thể thu lợi nhuận từ công trình. Bắt đầu từ việc cải tạo hệ thống hạ tầng của công trình đã xuống cấp nặng nề: hệ thống điện, nước, khí đốt, sưởi ấm, nhà vệ sinh, nước thải... Đụng đến đâu là phải làm mới đến đấy.

    Tiếp đó, nghiên cứu đánh giá tình trạng tổng thể và từng khu vực, từng bộ phận kiến trúc, thậm chí từng chi tiết trang trí. Anh T. được cơ quan quản lý di sản của Ba Lan nhiệt tình giúp đỡ để tìm hiểu về nguồn gốc và việc trùng tu tòa nhà. Cơ quan quản lý gửi hồ sơ cho anh, giới thiệu chuyên gia đến xem xét, khảo sát và đánh giá tình trạng công trình..., từ đó tư vấn phương án trùng tu hiệu quả nhất trên nguyên tắc bảo tồn tối đa, trùng tu với sự cẩn trọng và khoa học nhất có thể.

    Khi biết được xuất xứ vật liệu xây dựng, nhất là gạch lát nền, được sản xuất từ một nhà máy tại Đức, cơ quan quản lý di sản đã giới thiệu anh liên hệ với nhà máy đó. Sau khi người của nhà máy đến tận nơi khảo sát, nhà máy đã quyết định phục hồi cả một dây chuyền sản xuất loại gạch từ thế kỷ 19 để cung cấp cho anh. Khi tôi đến, phần lớn tầng trệt đã được lát những viên gạch mới sản xuất, nhưng nhìn kỹ mới nhận ra. Với những vật liệu khác cũng vậy.

    Khi leo lên tận tầng áp mái của cung điện, tôi nhìn thấy những cây cột, đà, xà... bằng gỗ lớn đã trải qua hơn 200 năm, từng đoạn bị hư hỏng, bị mục đã được thay thế một cách cẩn thận. Từ đó nhìn xuống sân trước sân sau vẫn còn những viên đá nhỏ lát đường cùng thời với xà ngang cột dọc... đồng bộ từ những chi tiết và cấu trúc bên trong.

    Rất nhiều phần trong cung điện đã bị mất, bị thay đổi hoặc hư hại nặng. (Ảnh: Song Quyên)

    Trong cung điện, khá nhiều thứ đã bị mất hoặc thay đổi so với ban đầu: hàng loạt tranh tường bị sơn phủ nhiều lớp, một số tác phẩm điêu khắc bị tháo dỡ hoặc xây che chắn lại, cầu thang bằng gỗ có lan can sắt uốn hoa văn đẹp đẽ nhưng phần trên đã bị cưa mất, thay thế bằng những thanh sắt xấu xí và đơn điệu, những chùm đèn pha lê cổ xưa biến mất... Nhiều phòng trong cung điện bị cơi nới, tranh, thảm, cửa hư hỏng nặng...

    Vài năm nay, anh T. đã trùng tu một phần trên lầu phía cánh trái của công trình, cho thuê làm văn phòng và cửa hàng dịch vụ với điều kiện: phải giữ nguyên trạng cấu trúc, thiết kế phù hợp với kiến trúc trang trí của tòa nhà. Những người thuê cũng rất tôn trọng và thực hiện đúng điều này, bởi họ hiểu rõ rằng việc một cửa hàng thương mại/dịch vụ ở trong một lâu đài đã được thêm một giá trị văn hóa “phi vật thể” quý giá bên cạnh giá trị kinh tế của nó.

    Việc trùng tu cung điện Schaffgotsch hiện vẫn tiếp tục. “Tôi còn trẻ, còn nhiều thời gian để thực hiện việc này một cách hoàn hảo. Sau đó, dù sử dụng nó như thế nào, chúng tôi cũng sẽ có được sự ưu đãi từ một số chính sách của chính quyền, trong đó có ưu đãi về thuế vì chúng tôi đã góp phần bảo tồn di sản văn hóa cho thành phố” - anh chị T. nói với tôi.

    Bỏ một nguồn vốn rất lớn cho một việc không thu lại “tiền tươi thóc thật” ngay nhưng họ không hề cảm thấy bất an. Thái độ đó chỉ có được trong môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh và minh bạch về luật pháp. Cùng với đó là sự hiểu biết và trân quý di sản của đất nước Ba Lan, nơi mà những người như vợ chồng anh T. đã coi là quê hương thứ hai.

    Toàn cảnh cung điện (Ảnh: wroclaw.fotopolska.eu)

    Những tương đồng thú vị

    Tuần trước, tôi được mời đến tham quan biệt thự Phương Nam ở đường Võ Văn Tần, quận 3, trước khi biệt thự này được tiến hành bảo tồn. Một điều trùng hợp là những người phụ trách dự án bảo tồn biệt thự này còn trẻ như vợ chồng anh T. ở Ba Lan.

    Tòa nhà Phương Nam (Ảnh: MC)

    Trò chuyện với họ, tôi tin rằng ở họ cũng có nhiệt huyết, tình cảm và sự hiểu biết về việc trùng tu di sản đô thị như thế. Niềm tin ấy đến từ chuyến thực địa khảo sát tòa nhà, trao đổi cùng người phụ trách dự án, biết được quy trình khảo sát để lên kế hoạch, phương án trùng tu công trình và dự kiến công việc tiếp theo sẽ được thực hiện khoa học, bài bản. Tài liệu về ngôi nhà và chủ nhân, kể cả lịch sử khu vực Chợ Đũi vào khoảng thời gian xây dựng công trình đã được thu thập tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia ở TP.HCM và tại Pháp.

    Việc tìm hiểu những lần chuyển đổi sở hữu, những “biến cố” trong cuộc đời những người từng làm chủ tòa nhà... được coi là cơ sở để tìm hiểu các niên đại sửa chữa công trình, so sánh đối chiếu để tìm ra những yếu tố “gốc” vì ngôi biệt thự đã trải qua gần trăm năm. Đặc biệt là tìm hiểu “triết lý” của thiết kế kiến trúc - ý tưởng chính của chủ nhân khi xây dựng tòa nhà, bởi đây là một điều kiện đặc biệt để có thể trùng tu thành công nếu phục dựng được “hồn vía” của công trình.

    Cảnh quan tự nhiên, bối cảnh xã hội, hoàn cảnh của chủ nhân, nền văn hóa mà chủ nhân thuộc về, lối sống, nhu cầu của chủ nhân và gia đình... là những cơ sở quan trọng để nảy sinh ý tưởng khi xây dựng công trình mới. Từ đó, kiến trúc sư sẽ cụ thể hóa bằng thiết kế theo nguyên tắc khoa học xây dựng và nghệ thuật kiến trúc, biến ý tưởng thành một tác phẩm “đúng là của chủ nhân”, đồng thời mang hơi thở thời đại.

    Muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đô thị, trước hết những di sản ấy phải được tồn tại và được tích hợp những giá trị vật chất và tinh thần. Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về việc thực hiện và kết quả việc trùng tu cung điện Wroclaw ở Ba Lan và bảo tồn biệt thự Phương Nam ở Việt Nam - hai công trình có niên đại gần nhau (cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20), hiện thuộc sở hữu tư nhân nhưng đều là di sản đô thị. Nhưng những khởi đầu từ ý tưởng bảo tồn, sự chuẩn bị hồ sơ, tài liệu nghiêm túc, khoa học cho việc trùng tu, sự đầu tư dài hơi và việc xác định “không thể thu lợi nhuận ngay và luôn” từ công trình chính là sự lựa chọn cần thiết và đáng trân trọng. ■

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Những người Việt đang bị tạm giam tại Ba Lan

    Liên quan đến vấn nạn buôn người, Ba Lan có thể được xem là một nơi quá cảnh của các đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp đến các quốc gia Tây Âu. Trong thời gian gần đây, số vụ nạn nhân buôn người bị bắt giữ ở biên giới nước này hầu hết là những người đến từ Việt Nam.

    Chúng tôi liên lạc được với một số nạn nhân của các tổ chức buôn người, hiện đang bị giữ tại các trại giam trên khắp lãnh thổ Ba Lan và được cho biết hầu như trại giam nào cũng có mặt của những người đến từ Việt Nam, ít thì vài người, nhiều thì vài chục người.

    Một trại giam tại Warszawa, Ba Lan.

    Những người Việt đang bị tạm giam tại hai trại Krosno Odrzanskie Guarded Centre for Aliens và Przemysl Deportation Arrest mà chúng tôi tiếp xúc được, chia sẻ họ phải chi trả số tiền 16 ngàn đô la Mỹ cho chuyến đi từ Việt Nam đến một quốc gia Tây Âu như Anh Quốc hay Đức chẳng hạn.

    Họ được chở trên những chiếc xe container hay các loại xe ô tô để vào và ra khỏi lãnh thổ của quốc gia Đông Âu Ba Lan. Nếu ai quyết định ở lại Ba Lan thì trả từ 12 đến 15 ngàn Mỹ kim.

    Những nạn nhân không dám xưng danh vì có hăm dọa sẽ bị giết hại mà tổ chức buôn người đưa ra. Họ bảo không được khai báo bất cứ điều gì khi bị bắt, ngoại trừ câu nói duy nhất “Tôi muốn đến Ba Lan”.

    Hai nạn nhân cho RFA biết về quyết định và hành trình trở thành nạn nhân của bọn buôn người:

    Cô A: “Qua bạn bè bên kia thì người ta bảo sang đây làm ăn, sang có công việc thế này thế kia. Nghe vậy thì em đi. Em không biết rủi ro như vậy. Biết thế này thì chả đi làm gì.”

    Em B: “Em năm nay 26 tuổi. Đi đường rừng qua Ba Lan trên một chiếc xe container có 9 người. Sang tới biên giới Belarus thì em bị bắt ở tù 1 tháng 16 ngày. Ở đó khổ lắm. Nói chung ăn uống không bằng chó ăn.”

    Điều kiện giam giữ ở Ba Lan tốt

    Các nạn nhân này cũng cho biết điều kiện giam giữ ở Ba Lan tốt, ngày được ăn 3 bữa, được sử dụng điện thoại và internet. Họ đếm từng ngày trôi qua mà không biết số phận của mình sẽ về đâu? Tuy vậy, nỗi lo sợ của họ càng gia tăng khi được gặp đại diện của chính quyền Việt Nam.

    Lao động Việt Nam tại một khu chợ ở Ba Lan.

    Ông D: “Nghe nói chính quyền Việt Nam, A18 sang trục xuất về. Nói thật, sang tận đây làm ăn mà bị bắt gần năm trời mà giờ công an sang đây trục xuất về thì anh em cũng đang lo, không biết làm sao.”

    Anh C: “Họ vô dọa mình khai thật để về. Trong quá trình phỏng vấn, họ đe dọa khai thật, khai giả gì thì cũng bị bắt buộc về thôi. Nếu không khai thật thì về Việt Nam họ sẽ gây khó khăn cho mình.”

    Những người Việt đang bị bắt giữ ở các trại giam tại Ba Lan, họ là ai? Đó là một người cha còn rất trẻ, ra đi chưa kịp nhìn mặt đứa con gái đầu lòng chào đời. Đó là một người mẹ đã ly dị, đành gửi lại hai đứa con thơ nhờ ông bà trông giúp và còn rất nhiều hoàn cảnh khác nữa…

    Họ chấp nhận trở thành nạn nhân của đường dây buôn người với hy vọng tìm kiếm công ăn việc làm để nuôi sống gia đình và người thân ở Việt Nam dù trong thân phận sống bất hợp pháp nơi xứ người.

    Uớc vọng có thể phụ bán hàng, trông kho hàng hóa hay phụ bếp… tại các khu trung tâm thương mại giờ đây là điều gì đó không tưởng đối với họ. Và nếu bị buộc phải hồi hương, những người kém may mắn này cũng không biết làm thế nào để trả khoản nợ vay mười mấy ngàn đô la Mỹ cho chuyến đi định mệnh của cuộc đời họ.

    Viethome (theo rfa)

  • Nhờ có chương trình làm giấy tờ nhân đạo của nước Cộng hòa Ba Lan, hàng nghìn người Việt tha hương đã có thể làm ăn hợp pháp ở nước sở tại và đàng hoàng trở về quê hương sau nhiều năm cách xa biền biệt.

    Hàng chục nghìn người Việt từng sinh sống và định cư trên đất Ba Lan là hàng chục nghìn số phận khác nhau. Nhưng trong những người đã từng vượt biên trái phép, họ còn nguyên vẹn những ký ức kinh hoàng về cuộc hành trình tìm "miền đất hứa" thiếu hoa hồng, đầy những máu và nước mắt ấy. Họ đã từng chạm tới địa ngục của trần gian trong vạn dặm xa xôi ấy để tìm cơ hội đổi đời ở trời Tây.

    Lộ trình tủi nhục

    Cũng giống như những người Việt khác đã từng đi "xuất khẩu lao động chui" cách đây chục năm về trước, ông Phùng Đức Xuân (SN 1965, ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) có những ký ức buồn không thể quên về những ngày tháng tha hương tìm kiếm hy vọng đổi đời ở trời Tây.

    Năm 2005, ông Xuân gặp lại một người quen cũ đang sinh sống ở Ba Lan, hy vọng mong manh được đổi đời ở "miền đất hứa" lại nhen nhóm. Bị những lời đường mật của người đàn bà quen cũ khích lệ, ông Xuân đã đánh cược cả gia đình, tài sản và cuộc đời mình ở "miền đất hứa" Ba Lan. Trong căn phòng nhỏ, đặc quánh khói thuốc, quện với hơi người, ông Xuân trầm ngâm kể lại chuyến vượt biên hãi hùng của đời mình.

    Theo lộ trình đã thống nhất với người đàn bà quen ấy, ông Xuân sẽ đáp máy bay xuống thủ đô Matxcova của Nga, rồi tiếp tục vượt biên sang Ukraina và điểm dừng chân cuối cùng là Ba Lan. Để thực hiện hành trình đơn giản trên, ông Xuân đã mất gần hai năm. Ông được đi máy bay đến thủ đô nước Nga thật nhưng những hành trình sau đó là sự trốn chạy trong hoảng loạn đến kiệt sức.

    Ông Xuân kể: "Tôi phải di chuyển đến vùng biên giới giữa Nga và Ukraina. Tôi nằm chờ ba tháng trong một căn nhà nhỏ, ẩm thấp, hôi hám và bẩn thỉu. Sau đó, tôi và năm người Việt khác phải bỏ tiền thuê một người bản địa dẫn sang Ukraina. Đó là một chuyến đi bộ băng rừng, vượt suối và chỉ có thể đi vào ban đêm.

    Chúng tôi lầm lũi đi, đói khát từng cơn xé ruột, tinh thần thấp thỏm lo sợ bị phát hiện. Cuộc hành trình xuyên rừng được năm ngày thì chúng tôi bị bắt ở một con suối nhỏ trên đất Ukraina. Sau khi bị bắt, nhóm của tôi bị lực lượng biên phòng kiểm tra. Họ thu hết tiền bạc và tư trang trên người, sau đó dẫn đến chỉ huy. Họ giao chúng tôi cho một sĩ quan to cao lực lưỡng. Tiếp theo đó là những ngày tháng chúng tôi bị hành hạ về thể xác.

    Chúng tôi bị đánh đập dã man, bị hỏi rất nhiều về lý lịch, về hành trình đi - đến. Chúng tôi bị nhốt ở đó ba ngày trong cảnh đói, khát. Sau đó, họ chuyển chúng tôi tới trại tị nạn và ở trong đó sáu tháng".

    Nhóm người Việt vượt biên bị bắt tại Ba Lan.

    Sau khi được cứu ra khỏi trại tị nạn, ông Xuân vẫn tiếp tục cuộc hành trình sang Ba Lan. Chuyến đi tiếp theo cũng là một hành trình khốc liệt không kém. Ra khỏi trại tị nạn, ông và người đàn ông tên Vinh (quê Nam Định) phải nằm trong một cốp xe ô tô để di chuyển đến vùng biên Ukraina và Ba Lan. Chính trong chuyến đi này, người bạn đồng hành của ông đã bị giãn dây chằng vai, tàn phế suốt đời. Ông Vinh chưa tìm được "miền đất hứa" đã phải về nước sống trong nợ nần.

    Ở biên giới, ông Xuân được đưa tới sống tại một căn nhà cũ nát, nằm sâu trong rừng. Ba tháng sống ở đây đối với ông là "địa ngục trần gian". Ba tháng trong "địa ngục trần gian" cuối cùng cũng kết thúc, ông Xuân được người ta bố trí cho vượt biên sang Ba Lan cùng 12 người Việt khác.

    Ông Xuân kể: "Trong chuyến đi đêm ấy, có ba người phụ nữ trẻ, họ thường xuyên bị bọn người dẫn đường lôi vào trong rừng cưỡng hiếp. Nhìn thấy cảnh tượng ấy vừa thương lại vừa tức, nhưng lực bất tòng tâm, bởi đã chạm đến "cửa tử" thì con người ta phải tự cứu mình trước khi cứu người khác, đó là bản năng mất rồi".

    Cũng theo ông Xuân, trong chuyến vượt biên ấy, nhiều thời điểm không còn lương thực, đoàn của ông đã phải hái dâu dại để ăn, lấy lá me nhai lấy nước cầm hơi. Sau một tuần vượt biên trong cái lạnh thấu xương, cuối cùng đoàn của ông cũng đặt chân tới "miền đất hứa" - Ba Lan.

    Sau khi được đón từ vùng biên về thủ đô Vacsava, chiếc xe chở ông cùng 12 người khác bị cảnh sát Ba Lan bắt giữ. Ông Xuân tiếp tục phải "nghỉ ngơi" trong trại tị nạn thêm một năm nữa. Như vậy, sau gần hai năm rời quê nhà, nếm đủ mùi vị cay độc, cùng cực của kiếp người, ông Xuân mới được ra ngoài sinh sống và làm ăn ở "miền đất hứa" Ba Lan.

    Chưa đến "miền đất hứa" đã mất mạng

    Cho đến ngày nay, cộng đồng người Việt ở Ba Lan vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện cảm động, rơi nước mắt về những cuộc vượt biên sang Ba Lan tìm kiếm việc làm. Đó là câu chuyện của người đàn ông bán quần áo ở chợ vận động Mười Năm.

    Năm 2010, người đàn ông này đưa vợ con từ Việt Nam sang. Đến khúc sông giáp ranh giữa Ukraina và Ba Lan, người ta cho vợ và cô con gái bảy tuổi của ông đi trên chiếc thuyền phao. Bị biên phòng vùng biên phát hiện, mọi người chạy tán loạn, bỏ lại hai mẹ con chòng chành trên chiếc thuyền phao. Dòng sông tuy nhỏ nhưng nước chảy xiết đã cuốn chiếc thuyền va vào đá, cô con gái mất tích trong dòng nước dữ, người mẹ may mắn được một người đàn ông Ba Lan cứu giúp.

    Cứu được người mẹ này, người đàn ông Ba Lan đấy đã mất đi một chân. Chính vì vậy, người mẹ trẻ đã tình nguyện ở lại làm vợ vị ân nhân của mình. Người chồng chờ mãi không thấy vợ con sang, đã nhờ một du học sinh ở Ba Lan, thạo đường, thạo tiếng đi tìm giúp.

    Anh sinh viên này lặn lội ở vùng biên giới suốt một tuần mà không có tin tức gì. Về đến quán ăn, anh ta phát hiện ở đó có món đậu phụ. Anh hỏi dò la tin tức thì được người ta cho biết đó là món ăn do một người phụ nữ Việt Nam làm. Anh lần tìm mãi mới đến nhà chị, chị đành kể hết sự tình và nhờ anh sinh viên nói lại với chồng: "Anh về bảo chồng tôi, coi như tôi đã chết".

    Một câu chuyện nữa cũng khiến nhiều người Việt phải tê tái, đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hoàn (quê Nghệ An). Năm 2005, chị Hoàn theo đường dây trốn ra nước ngoài trái phép, vượt biên sang Nga để vào Ba Lan. Trong chuyến đi khổ ải ấy, chị gặp phải sự kiểm soát chặt chẽ nên phải ở lại đất Ukraina gần nửa năm. Đến mùa đông, sự kiểm soát lỏng lẻo hơn, đoàn người mới thực hiện vượt biên.

    Mùa đông ở Đông Âu thường lạnh tới âm 20 - 30 độ, tuyết phủ kín lên các rừng thông, những con sông, con suối đều đóng băng. Những thành viên trong tốp vượt biên cứ lặng lẽ đi, mặc cho cái rét buốt ngấm vào da thịt. Là người phụ nữ đến từ miền đất gió Lào cát trắng, chị Hoàn hãi hùng trước cái lạnh buốt của tuyết, của băng, đôi chân chị dần dần mất hết cảm giác.

    Khi tốp người vượt biên bị bắt, bác sỹ ở trại tị nạn phát hiện ra chân trái của chị bị "đóng băng", họ buộc phải tháo khớp chân. Chị Hoàn đã trở về nước sau khi bỏ một chân ở miền đất xa lạ.

    Chui lủi ở"địa ngục trần gian"

    Do không thể liên lạc với gia đình, trong người không một xu dính túi, cả đoàn phải chịu cảnh sống vô cùng tủi nhục. Đó là ba tháng không tắm rửa, không được bước chân ra khỏi nhà, ho một tiếng to là có thể bị đánh đập.

    Việc ăn, được quy định: Ngày ăn cơm thì chỉ được ăn hai bát cơm không, đến một ngày ăn cháo và tiếp theo là một ngày nhịn đói. Ông Xuân vẫn nhớ như in, lần ấy, đói quá, ông cùng một người bạn đã mò ra khỏi nhà, nhổ cây bắp cái, nấu ăn, bị phát hiện, bọn chúng đã đổ hết đồ đó vào bồn cầu, đánh đập, chửi bới rất tàn nhẫn.

    Đặt chân tới Ba Lan là ước mơ của nhiều người, thế nhưng khi tới đây, họ mới biết mình lại phải đối mặt với một cuộc sống vô cùng khắc nghiệt.

    Viethome (theo Đời sống & Pháp luật)

  • Ở vùng Świeck (tỉnh Lubuskie) các nhân viên Cảnh sát Biên phòng đã bắt giữ ba người nhập cư trái phép và một người Ba Lan chở họ bằng ô tô đi Đức. 

    Những người nước ngoài này không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào và họ khẳng định họ là công dân Việt Nam - theo tin của bà Natalia Żabka làm việc ở Phân ban Cảnh sát Biên phòng Nadodrzański.

    viethome nhap cu trai phep

    Những người Việt này ngồi trên một xe hơi của hãng Opel mang biển đăng ký Ba Lan, lái xe là một người Ba Lan sống ở vùng Mazowsze, 28 tuổi. 

    Bà Żabka nói: "Với việc giúp người vượt biên trái phép, người này sẽ đối mặt với mức án đến ba năm tù". Bà nói thêm đây là một trường hợp tương tự tiếp theo trong năm nay. Lần nào cũng vậy, các công dân Việt ở vùng trung tâm của Ba Lan đều do các lái xe tỉnh Mazowieckie chở. 

    Các nhân viên Cảnh sát Biên phòng đang xác định nhân thân của số người bị bắt giữ, hoàn cảnh họ vào Ba Lan. Trong thời gian điều tra, họ bị giữ ở Trung tâm giam giữ người nước ngoài (Strzeżony Ośrodek dla Cudzoziemców). Số người này do vượt biên trái phép có thể bị mức án đến ba năm tù.

     Viethome (theo Quê Việt - fakty.interia.pl)

  • Hàng ngày trên trang UWAGA, một diễn đàn của cộng đồng người Việt tại Ba Lan, xuất hiện liên tục các câu hỏi như "Tôi có visa du lịch Pháp, đang sống ở Đức, đang học ở Hà Lan hoặc từ Việt Nam" và nay "muốn qua Ba Lan làm giấy tờ...thì thủ tục như thế nào?"

    Trong vài năm gần đây, có thể có cả ngàn người Việt Nam đã tìm cách để có được visa du lịch, thăm thân của một nước trong khối Schengen rồi từ đó qua Ba Lan chuyển sang thẻ cư trú dài hạn thông qua con đường lao động. Những người đang sinh sống, học tập ở các quốc gia Schengen nhưng gặp khó khăn trong việc ở lại, cũng tới Ba Lan với cùng một mục đích trên.

    Điểm đến của thường dân và quan chức

    Thậm chí, không ít quan chức dầu khí, ngân hàng, doanh nhân hay người có tên tuổi trong giới showbiz cũng tranh thủ làm thẻ ở Ba Lan để tiện bề đi lại. Họ cũng không loại trừ khả năng sang định cư hẳn khi có khó khăn hoặc biến động ở Việt Nam, theo một phiên dịch viên tuyên thệ làm dịch vụ giấy tờ cho hay.

    Về nguyên tắc, luật cư trú Ba Lan nói những người có visa, thậm chí chỉ 7 ngày, nhưng được một công ty tại Ba Lan ''nhận vào làm việc'' thì đều có cơ hội xin được thẻ tạm cư. Nhưng gần đây, do số lượng người đệ đơn quá lớn và những bất cập trong chính sách dành cho người nước ngoài dần lộ rõ, biên phòng Ba Lan đã tăng cường kiểm tra và hủy visa của một số trường hợp, khiến nhiều người Việt hoang mang, lo lắng.

    Thực tế câu chuyện thế nào?

    Theo thống kê được công bố mới đây, năm 2017 có 6,200 người Việt nộp giấy tờ xin thẻ lao động ở Ba Lan. Con số năm trước nữa khoảng vài ngàn. Như vậy, có thể ước tính rằng chỉ trong hai năm qua chừng 10.000 người Việt đã đệ đơn làm thẻ ở Ba Lan.

    viethome nguoi viet o Ba lan 3Một cửa khẩu phía Đông của Ba Lan với Ukraine có hàng dài người lao động nhập cảnh.

    Tấm thẻ lao động thường có giá trị ba năm và trong thời gian đó, nếu bạn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước Ba Lan thì được gia hạn thêm ba năm nữa. Sau lần thứ hai này, thẻ tạm cư mở ra cơ hội có thẻ định cư, tương đương với thẻ xanh ở Mỹ. Cùng với đó là cơ hội để vợ hoặc chồng 'ăn theo', bố mẹ, con cái qua chơi, rồi có thể ở lại.

    Cửa ngõ thuận tiện nhất EU

    Trong mấy năm qua, có thể nói, Ba Lan là quốc gia thuận tiện nhất, ưu ái nhất cho người Việt và một số sắc dân khác nhập cư. Có một câu hỏi đặt ra là, tại sao Ba Lan bỗng dưng 'dễ tính' như vậy?

    Hôm trước, một bạn trên diễn đàn UWAGA đưa ra một nhận xét ngây ngô là Ba Lan còn nghèo, họ cần 200 euro/tháng nên họ mới cho nhập cư như vậy. Bữa đó tôi không có mặt trên diễn đàn, nên không tiện có vài lời ''phản biện'', nay xin trả lời như sau.

    Thứ nhất, Ba Lan hiện là nền kinh tế lớn thứ 23 trên thế giới, tuy chưa thực sự giàu có như nhiều quốc gia Tây Âu, nhưng cũng đáng nể lắm rồi. Với đà tăng trưởng kinh tế hiện nay, không lâu nữa Ba Lan có thể lọt vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

    Thứ hai, 200 euro mà bạn nhắc đến là mức ZUS (bảo hiểm xã hội bắt buộc hàng tháng) mà người lao động phải nộp cho nhà nước. Đó là mức "bệ rạc" vào bậc nhất trong xã hội Ba Lan hiện nay. Người Ba Lan không "nuôi giấy tờ" như các bạn còn đóng các khoản tương đương 300, 400, 500 euro, thậm chí cả ngàn euro một tháng.

    viethome nguoi viet o Ba lan 5Hải quan Ba Lan kiểm tra giấy tờ của công dân Ukraine nhập cảnh.

    Nhưng vì sao dân Ba Lan phải đóng bảo hiểm nhiều như vậy? Vì ZUS tỉ lệ thuận với tiền lương hàng tháng, nếu lương cao, bảo hiểm xã hội sẽ nhiều hơn. Mức lương mà những người mới nhập cư khai báo để đảm bảo ra thẻ cư trú, thường là nửa ca, với đồng lương tối thiểu, chỉ đủ "ăn bánh mì, uống nước lã" và có người "tốt bụng" cho ở nhờ, hoặc cho thuê nhà với giá 25 euro/tháng.

    viethome nguoi viet o Ba lan 6

    Quầy hàng của người Việt trong khu thương mại ở Wolka Kosowska.

    viethome nguoi viet o Ba lan 2

    Tiệm bún Hòa Nhã trong khu buôn bán nhiều người Việt ở Wolka Kosowska.

    Không ít người 'cao tay' trong dịch vụ giấy tờ ở Ba Lan đã giúp cho các khách hàng có một tính toán kinh tế nhất, để sao vừa chi ít tiền nhất và vừa có được thẻ. Trong số họ có cả những sinh viên đi du học Ba Lan và sau đó ở lại và làm các loại dịch vụ giấy tờ nên nắm được vấn đề pháp luật. Nhưng bạn sẽ hỏi, 'Nếu tôi đóng góp ít như vậy, Ba Lan cần tôi làm gì?"

    Rất cần lao động

    Nước Ba Lan đang cần người nhập cư vì ít nhất hai lý do. Đầu tiên, Ba Lan thực sự đang thiếu hàng triệu lao động.

    viethome nguoi viet o Ba lan 4Làm nhà hàng là một nghề của nhiều người Việt tại Ba Lan.

    Quốc gia này buộc phải mở toang cánh cửa biên giới phía Đông để thu hút nguồn nhân lực rẻ từ các nước láng giềng. Trong vài năm gần đây, lực lượng này đã giúp thị trường lao động Ba Lan bổ sung cả triệu người, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và các công việc giản đơn khác.

    Chính sách mở cửa chủ yếu nhắm vào Ukraine, Lithuania, Nga, Belarus nhưng người Việt Nam, Trung Quốc và cả Sri Lanka, Bangladesh cũng được "ăn theo". Với bản tính nhanh nhạy và có đội ngũ làm dịch vụ ''xuất sắc'', người Việt đứng đầu bảng trong số các quốc gia ''ăn theo'' quy định này.

    Thứ hai, đây là quyết sách mang tính chiến lược của Ba Lan nhằm đối phó với sức ép từ EU. Nếu theo dõi thời sự bạn sẽ thấy Ba Lan trong những năm qua luôn từ chối nhận người nhập cư do Liên hiệp châu Âu phân bổ. Là một quốc gia thuần chủng và hơn 90% dân số theo Công Giáo, các đảng phái cánh hữu Ba Lan không muốn nhận người nhập cư từ các nước Hồi Giáo. Chuyện này gây ra nhiều tranh cãi, chia rẽ thậm chí xung đột trong khối EU và có thể khiến Ba Lan bị phạt tiền tỉ, nhưng chính phủ vẫn kiên quyết khước từ.

    Mở biên giới phía Đông, Ba Lan có cớ nói với EU rằng "đất nước chúng tôi đã nhận, đã cưu mang cả triệu người nhập cư rồi, các vị còn muốn gì nữa?"

    viethome nguoi viet o Ba lan 1Hàng ngàn người VN đã có mặt, làm ăn sinh sống tại Ba Lan.

    Nhưng cùng lúc, Ba Lan không cấm bất kỳ ai lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chui, luồn, lách làm lợi cho bản thân. Kẽ hở của luật nhập cư này đã giúp hàng ngàn người Việt có cơ hội vào Ba Lan rồi qua đó sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia khác ở EU. Bạn cứ việc thực hiện ước mơ của mình, nếu muốn; nhưng chớ nên nghĩ rằng, đất nước Ba Lan nghèo túng tới mức cần 200 euro đóng góp hàng tháng của bạn.

    Ngoài ra, cần phải nói thêm rằng, đóng bảo hiểm xã hội mang lại nhiều lợi ích cho bản thân người lao động cũng như cho con cái tới 26 tuổi và bố mẹ. Đây là trách nhiệm chung cho y tế công, cho trường học mà bạn nên nghĩ đến việc đóng góp. Nhiều người Việt, sau khi có thẻ ba năm đã mời bố mẹ qua Ba Lan, rồi tranh thủ khám chữa bệnh từ A tới Z. Và rất quan trọng nữa, bạn sẽ được hưởng lương hưu của Ba Lan từ khoản ZUS hàng tháng.

    Xin chia sẻ đôi hàng để giúp những người vừa sang hoặc sắp sang, hay có ý định sang Ba Lan có được cái nhìn chính xác hơn về quốc gia mà bạn có ý định ngụ cư. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Mạc Việt Hồng hiện sống và làm việc tại Warsaw, Ba Lan.

    Viethome (theo BBC Vietnamese)

  • Sơn Thành là xã có nhiều người đi nước ngoài vào tốp đầu của huyện Yên Thành và tỉnh Nghệ An, trong đó có khá nhiều người Sơn Thành hiện đang làm ăn, sinh sống tại Ba Lan. 

    "Đây Sơn Thành - đó cũng Sơn Thành"

    Đến khu quần thể thương mại Á Châu Wolka Kosowska, Vác-sa-va, nơi có khoảng 7,000 người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống, tôi bước vào quán “Phở Hà Nội” gần Trung tâm thương mại ASG để thưởng thức chút hương vị quê hương.

    Cô chủ quán người Bắc bắt chuyện: “Anh từ nơi khác tới à?”, “Vâng!”, “Nghe tiếng anh hình như cũng người Yên Thành?”, “Đúng rồi chị ạ!”. Cô chủ quán thủng thẳng tiếp lời: “Ở đây toàn người Yên Thành, nhất là xã Sơn Thành đấy anh!”. Tôi nhìn cô chủ quán mỉm cười. Một cảm giác khấp khởi thú vị lan tỏa, khiến bát phở tái như vừa được “nêm” thêm vị ngọt.

    Tôi bước vào dãy A, Hala 1 của Trung tâm ASG, nơi được xem là khu vực bán buôn sầm uất nhất ở đây. Vừa vào cửa, tôi nhận ra vợ chồng anh Tùng, chị Thùy quê ở Sơn Thành. Họ đang rất bận rộn với khách hàng, nhưng thấy tôi liền niềm nở ra đón. Anh Tùng cho biết, hiện có khoảng trên 600 người Sơn Thành đang làm ăn, sinh sống tại Ba Lan.

    Anh Thắng, em trai anh Tùng, dẫn tôi ra hành lang trung tâm, chỉ tay giới thiệu: "Gian này của người Sơn Thành, đối diện kia cũng dân Sơn Thành. Phía giữa và cuối dãy này là các gian hàng của gia đình nhà chị Toàn - anh Quý, chị Nhàn - anh Hữu con ông Thân ở Sơn Thành. Chắc anh biết cả đấy! Trong đây còn có nhiều gian hàng mà vợ hoặc chồng là người xã Sơn Thành như nhà Thanh - Mỹ, nhà Nam - Đức,…”.

    viethome nguoi nghe an o Ba Lan 1Một quầy hàng của anh Tùng, người Sơn Thành trong Trung tâm thương mại ASG, Vác-Sa-Va, Ba Lan. Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn

    Chiều hôm ấy, anh Cao Xuân Phương, một thanh niên quê Sơn Thành dẫn tôi đi tham quan những gian hàng lớn của anh trong các Trung tâm thương mại EACC và “Chợ đêm” Polskie. Sau đó, mời tôi về thăm căn biệt thự mà vợ chồng anh vừa mua ở ngoại ô Vác-sa-va. Hôm sau, vợ chồng chị Toàn - anh Quý người Sơn Thành gọi mời tôi tới dự buổi liên hoan mừng cậu con trai nhận được học bổng sang Mỹ du học...

    viethome nguoi nghe an o Ba Lan 2Một quầy bán hàng độc quyền các loại mũ của người Sơn Thành tại Vác-Sa-Va. Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn

    Nhìn chung, người Sơn Thành ở Ba Lan khá đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong làm ăn, cũng như cuộc sống. Họ chủ yếu kinh doanh hàng thời trang, dày dép hoặc mở tiệm nails. Một số người sang sau hoặc chưa có điều kiện thì đi làm đầu bếp hoặc làm phụ ở các quán của người Việt. Đời sống của họ sau gần 20 năm bươn chải, đa phần đã dần đi vào ổn định trên quê hương thứ hai.

    Nông thôn mới nhờ kiều hối và đôi điều trăn trở

    Một số liệu thống kê từ năm 2012 cho thấy, xã Sơn Thành có khoảng 3,300 người trong độ tuổi lao động thì có gần 1,800 người đã đi lao động nước ngoài. Trong đó, đa phần là người đi lao động “chui” sang các nước Châu Âu, mà rất nhiều người là di cư hẳn. Đây là một điều đáng mừng, nhưng cũng có khía cạnh đáng trăn trở.

    Năm 2015, xã Sơn Thành được tôn vinh tại Lễ biểu dương, tôn vinh các tập thể tiêu biểu cho phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới". Báo chí dùng nhiều mỹ từ như "Xã biệt thự", "Xã kiểu mẫu", "Xã tỷ phú",… để nói về Sơn Thành. Có được điều này, phải ghi nhận sự đột phá của chính những người dân Sơn Thành. Họ đã nỗ lực, đoàn kết, móc nối hỗ trợ lẫn nhau để đi nước ngoài, để vượt lên hoàn cảnh.

    Chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện cho người dân ra đi và khéo léo vận dụng một phần nguồn kiều hối vào việc tu sửa, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhưng đánh giá một cách khách quan thì sự phồn vinh đó là dùng nguồn kiều hối để xây dựng, chứ chưa phải đã phát huy được nội lực được tiếp sức từ nguồn kiểu hối để tạo dựng. Cho nên trong câu chuyện này, cũng có những điều đáng bàn thêm, thay vì chỉ ca ngợi.

    viethome nguoi nghe an o Ba Lan 3Căn biệt thự mới mua của anh Cao Xuân Phương - người Sơn Thành, ở vùng ngoại ô Ba Lan. Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn

    Đa phần kiều hối gửi về được dùng cho mục đích mua đất ngay tại địa phương, xây nhà to, mua xe đẹp, ăn chơi, chưng diện,… chứ chưa hẳn được sử dụng hợp lý, được biến thành đồng vốn để sản xuất, kinh doanh... Trong khi, các gia đình người Sơn Thành ở Tây đã ổn định, hết mực chăm lo cho con cái học hành, thì nhiều thanh thiếu niên ở quê chỉ mải chơi, mong lớn lên để đi Tây đổi đời. Thậm chí nhiều con em ăn chơi sa đà, hư hỏng. Các em không biết rằng, dù lớn lên có đi Tây được thì việc học hành tử tế từ nhỏ sẽ càng hữu ích trên đất khách. Và đã chơi bời, lêu lổng từ lúc ở nhà, thì sang Tây càng khó tu chí làm ăn, càng dễ sa ngã.

    Anh Nguyễn Trí Sáu, quê Sơn Thành, sống tại Vác-sa-va tâm sự: “Đất Sơn Thành ở quê nhưng đắt đỏ như đất Vinh. Kiều hối gửi về, nhà nhà đua nhau xây dựng thật to, cao, hoành tráng, nhưng rồi chẳng mấy ai về ở cả. Giờ di cư hết, nhà bỏ trống, muốn bán lỗ cũng khó bán. Mà đồng tiền kiếm được bên này có dễ dàng đâu! Cái giá phải trả cũng không hề rẻ”. Đây là một câu chuyện khá phổ biến ở Sơn Thành hiện nay.

    Với bối cảnh hiện nay, xuất khẩu lao động là một lối đi đúng với nước ta. “Đi nước ngoài” đã giúp nhiều gia đình trở nên khấm khá, giúp xã Sơn Thành thay đổi diện mạo từ một xã nghèo trở nên khang trang, đẹp đẽ. Đó là điều rất đáng ghi nhận. Nhưng những mặt trái của nó cũng đã nảy sinh. Mong rằng, bà con Sơn Thành ở nước ngoài trao đổi rõ về sự vất vả, cực nhọc trong làm ăn ở Tây; sự thiếu thốn, thiệt thòi trong tình cảm và tinh thần của người xa quê, để người thân ở nhà hiểu rõ, tránh ngộ nhận.

    Các cấp chính quyền và các bậc phụ huynh Sơn Thành cần nhìn nhận được những mặt trái ấy, để định hướng cho con em mình, cho hướng phát triển bền vững của địa phương. Chỉ như vậy, Sơn Thành mới thực sự xứng danh là địa phương kiểu mẫu của cả nước.

    Nguyễn Thức Tuấn (Nghiên cứu sinh tại Ba Lan)

    Viethome (theo Báo Nghệ An)