Gặp những người Sơn Thành, Yên Thành ở Ba Lan

Sơn Thành là xã có nhiều người đi nước ngoài vào tốp đầu của huyện Yên Thành và tỉnh Nghệ An, trong đó có khá nhiều người Sơn Thành hiện đang làm ăn, sinh sống tại Ba Lan. 

"Đây Sơn Thành - đó cũng Sơn Thành"

Đến khu quần thể thương mại Á Châu Wolka Kosowska, Vác-sa-va, nơi có khoảng 7,000 người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống, tôi bước vào quán “Phở Hà Nội” gần Trung tâm thương mại ASG để thưởng thức chút hương vị quê hương.

Cô chủ quán người Bắc bắt chuyện: “Anh từ nơi khác tới à?”, “Vâng!”, “Nghe tiếng anh hình như cũng người Yên Thành?”, “Đúng rồi chị ạ!”. Cô chủ quán thủng thẳng tiếp lời: “Ở đây toàn người Yên Thành, nhất là xã Sơn Thành đấy anh!”. Tôi nhìn cô chủ quán mỉm cười. Một cảm giác khấp khởi thú vị lan tỏa, khiến bát phở tái như vừa được “nêm” thêm vị ngọt.

Tôi bước vào dãy A, Hala 1 của Trung tâm ASG, nơi được xem là khu vực bán buôn sầm uất nhất ở đây. Vừa vào cửa, tôi nhận ra vợ chồng anh Tùng, chị Thùy quê ở Sơn Thành. Họ đang rất bận rộn với khách hàng, nhưng thấy tôi liền niềm nở ra đón. Anh Tùng cho biết, hiện có khoảng trên 600 người Sơn Thành đang làm ăn, sinh sống tại Ba Lan.

Anh Thắng, em trai anh Tùng, dẫn tôi ra hành lang trung tâm, chỉ tay giới thiệu: "Gian này của người Sơn Thành, đối diện kia cũng dân Sơn Thành. Phía giữa và cuối dãy này là các gian hàng của gia đình nhà chị Toàn - anh Quý, chị Nhàn - anh Hữu con ông Thân ở Sơn Thành. Chắc anh biết cả đấy! Trong đây còn có nhiều gian hàng mà vợ hoặc chồng là người xã Sơn Thành như nhà Thanh - Mỹ, nhà Nam - Đức,…”.

viethome nguoi nghe an o Ba Lan 1Một quầy hàng của anh Tùng, người Sơn Thành trong Trung tâm thương mại ASG, Vác-Sa-Va, Ba Lan. Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn

Chiều hôm ấy, anh Cao Xuân Phương, một thanh niên quê Sơn Thành dẫn tôi đi tham quan những gian hàng lớn của anh trong các Trung tâm thương mại EACC và “Chợ đêm” Polskie. Sau đó, mời tôi về thăm căn biệt thự mà vợ chồng anh vừa mua ở ngoại ô Vác-sa-va. Hôm sau, vợ chồng chị Toàn - anh Quý người Sơn Thành gọi mời tôi tới dự buổi liên hoan mừng cậu con trai nhận được học bổng sang Mỹ du học...

viethome nguoi nghe an o Ba Lan 2Một quầy bán hàng độc quyền các loại mũ của người Sơn Thành tại Vác-Sa-Va. Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn

Nhìn chung, người Sơn Thành ở Ba Lan khá đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong làm ăn, cũng như cuộc sống. Họ chủ yếu kinh doanh hàng thời trang, dày dép hoặc mở tiệm nails. Một số người sang sau hoặc chưa có điều kiện thì đi làm đầu bếp hoặc làm phụ ở các quán của người Việt. Đời sống của họ sau gần 20 năm bươn chải, đa phần đã dần đi vào ổn định trên quê hương thứ hai.

Nông thôn mới nhờ kiều hối và đôi điều trăn trở

Một số liệu thống kê từ năm 2012 cho thấy, xã Sơn Thành có khoảng 3,300 người trong độ tuổi lao động thì có gần 1,800 người đã đi lao động nước ngoài. Trong đó, đa phần là người đi lao động “chui” sang các nước Châu Âu, mà rất nhiều người là di cư hẳn. Đây là một điều đáng mừng, nhưng cũng có khía cạnh đáng trăn trở.

Năm 2015, xã Sơn Thành được tôn vinh tại Lễ biểu dương, tôn vinh các tập thể tiêu biểu cho phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới". Báo chí dùng nhiều mỹ từ như "Xã biệt thự", "Xã kiểu mẫu", "Xã tỷ phú",… để nói về Sơn Thành. Có được điều này, phải ghi nhận sự đột phá của chính những người dân Sơn Thành. Họ đã nỗ lực, đoàn kết, móc nối hỗ trợ lẫn nhau để đi nước ngoài, để vượt lên hoàn cảnh.

Chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện cho người dân ra đi và khéo léo vận dụng một phần nguồn kiều hối vào việc tu sửa, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhưng đánh giá một cách khách quan thì sự phồn vinh đó là dùng nguồn kiều hối để xây dựng, chứ chưa phải đã phát huy được nội lực được tiếp sức từ nguồn kiểu hối để tạo dựng. Cho nên trong câu chuyện này, cũng có những điều đáng bàn thêm, thay vì chỉ ca ngợi.

viethome nguoi nghe an o Ba Lan 3Căn biệt thự mới mua của anh Cao Xuân Phương - người Sơn Thành, ở vùng ngoại ô Ba Lan. Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn

Đa phần kiều hối gửi về được dùng cho mục đích mua đất ngay tại địa phương, xây nhà to, mua xe đẹp, ăn chơi, chưng diện,… chứ chưa hẳn được sử dụng hợp lý, được biến thành đồng vốn để sản xuất, kinh doanh... Trong khi, các gia đình người Sơn Thành ở Tây đã ổn định, hết mực chăm lo cho con cái học hành, thì nhiều thanh thiếu niên ở quê chỉ mải chơi, mong lớn lên để đi Tây đổi đời. Thậm chí nhiều con em ăn chơi sa đà, hư hỏng. Các em không biết rằng, dù lớn lên có đi Tây được thì việc học hành tử tế từ nhỏ sẽ càng hữu ích trên đất khách. Và đã chơi bời, lêu lổng từ lúc ở nhà, thì sang Tây càng khó tu chí làm ăn, càng dễ sa ngã.

Anh Nguyễn Trí Sáu, quê Sơn Thành, sống tại Vác-sa-va tâm sự: “Đất Sơn Thành ở quê nhưng đắt đỏ như đất Vinh. Kiều hối gửi về, nhà nhà đua nhau xây dựng thật to, cao, hoành tráng, nhưng rồi chẳng mấy ai về ở cả. Giờ di cư hết, nhà bỏ trống, muốn bán lỗ cũng khó bán. Mà đồng tiền kiếm được bên này có dễ dàng đâu! Cái giá phải trả cũng không hề rẻ”. Đây là một câu chuyện khá phổ biến ở Sơn Thành hiện nay.

Với bối cảnh hiện nay, xuất khẩu lao động là một lối đi đúng với nước ta. “Đi nước ngoài” đã giúp nhiều gia đình trở nên khấm khá, giúp xã Sơn Thành thay đổi diện mạo từ một xã nghèo trở nên khang trang, đẹp đẽ. Đó là điều rất đáng ghi nhận. Nhưng những mặt trái của nó cũng đã nảy sinh. Mong rằng, bà con Sơn Thành ở nước ngoài trao đổi rõ về sự vất vả, cực nhọc trong làm ăn ở Tây; sự thiếu thốn, thiệt thòi trong tình cảm và tinh thần của người xa quê, để người thân ở nhà hiểu rõ, tránh ngộ nhận.

Các cấp chính quyền và các bậc phụ huynh Sơn Thành cần nhìn nhận được những mặt trái ấy, để định hướng cho con em mình, cho hướng phát triển bền vững của địa phương. Chỉ như vậy, Sơn Thành mới thực sự xứng danh là địa phương kiểu mẫu của cả nước.

Nguyễn Thức Tuấn (Nghiên cứu sinh tại Ba Lan)

Viethome (theo Báo Nghệ An)