Vì sao người Việt Nam vẫn sang Ba Lan?

Cách đây khoảng 10 năm, Ba Lan quả là một miền đất hứa cho người Việt nhập cư.

Sau nhiều biến đổi ở Đông Âu, đặc biệt sau cuộc thay đổi thể chế chính trị thành công ở Ba Lan, rồi khi quốc gia này được gia nhập NATO và Liên Âu, ở đây quả thực có rất nhiều phát triển vượt bậc trong mọi khía cạnh, không chỉ về chính trị mà cả kinh tế và xã hội.

Cuộc sống của người dân Ba Lan ngày càng được cải thiện, thu nhập trung bình và mức sống ngày càng cao, mặc dù vẫn chưa thể so sánh được với các quốc gia Tây Âu. Ngay từ những năm 90, có thể nói là cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã phát triển một cách cực kỳ nhanh chóng.

Trước đó, ở quốc gia này mỗi năm chỉ có vài chục sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập. Ba Lan không nhận công nhân Việt Nam vào các nhà máy làm việc hay đi học nghề. 

Chỉ có một đoàn nhân viên (toàn nữ) duy nhất, khoảng vài chục người sang với danh nghĩa là học nghề, nhưng thực ra là để làm việc trong nhà máy dệt may ở Lodz, miền Trung Ba Lan.

Khi được tự do ở lại quốc gia này, những người này cùng nhiều người Việt Nam khác đã bắt đầu chọn nước Ba Lan của một thời đại mới là nơi sinh sống của mình từ những năm đó.

Rồi khi ở Ba Lan có một khu buôn bán lớn nhất Đông Âu, gọi là chợ trời Sân Vận động Mười Năm (Stadion Dziesieciolecia), thì con số người Việt sang Ba Lan sinh sống lên tới vài chục ngàn người.

Không có số thống kê cụ thể, vì ở những thời trước, chuyện quản lý hộ khẩu và giấy tờ cư trú của chính quyền Ba Lan đối với người nước ngoài nói chung và người Việt nói riêng vẫn chưa bị kiểm soát chặt chẽ như hiện nay.

Người ta thường nhắc đến con số 50 ngàn, 70 ngàn và thậm chí có nguồn báo chí còn đưa tin là có khoảng 100 ngàn người Việt sinh sống ở Ba Lan. Hiện nay tổng số người Việt sinh sống ở Ba Lan cũng chỉ còn khoảng 30 ngàn người, khi đã có những nghiên cứu tính toán khá cụ thể.

Hơn 10 ngàn người vẫn được Sở Ngoại kiều cấp lý thẻ cư trú (ngắn hạn hay dài hạn), khoảng 5 ngàn người đã được cấp quốc tịch Ba Lan, vài ngàn người sử dụng giấy tờ do các quốc gia khác trong Khối Schengen cấp (nhưng được sinh sống ở Ba Lan) và vài ngàn người vẫn chưa có thẻ cư trú ở Ba Lan, tức là vẫn đang sinh sống bất hợp pháp ở quốc gia này.

Sở dĩ có sự thay đổi là vì ở Ba Lan đã không còn khu chợ trời lớn nhất kia, mà đã xây dựng được một vài khu trung tâm thương mại, bởi vì người Việt ở Ba Lan chỉ có nguồn thu nhập chính là buôn bán hàng vải và giày dép.

Một số người Việt khác kinh doanh nghề ẩm thực. Gần đây mới bắt đầu xuất hiện nghề nail. Chính quyền Ba Lan cũng ngày càng thắt chặt những chính sách đối với người nước ngoài, thường xuyên kiểm tra chuyện hợp pháp hóa cư trú và chuyện làm ăn thuế má ở những khu có nhiều người nước ngoài lao động.

Ngoài ra người Trung Quốc cũng dần dần chiếm lĩnh được thị trường buôn bán ở Ba Lan. Nghe nói họ đoàn kết với nhau, làm ăn với quy mô lớn, lâu dài và ổn định hơn. Nhu cầu về hàng hóa buôn bán ở những khu trung tâm thương mại của người Việt thì ngày càng giảm.

Tình hình mưu sinh làm ăn để phục vụ cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, do vậy đã có nhiều người Việt trở về quê hương Việt Nam sinh sống, hoặc đi tiếp sang các quốc gia Phương Tây khác để tìm miền đất hứa mới cho mình, cũng y như người Ba Lan (từ xưa tới nay người dân Ba Lan rời bỏ quê hương đi ra nước ngoài sinh sống vẫn khá đông, mà chưa thấy mấy ai hồi hương).

Chính quyền Ba Lan đã có 3 lần thoáng mở luật cư trú, tạo điều kiện cho những người nước ngoài có cơ hội hợp pháp hóa cư trú, cụ thể là họ đưa ra chính sách khoan hồng gọi là "cấp thẻ nhân đạo" (ân xá) cho những người đang sinh sống ở Ba Lan bất hợp pháp. 

Lần đầu là năm 2003 và lần thứ 3 là năm 2012. Hiện nay khó mà hy vọng là Ba Lan sẽ cho ra bộ luật nhân đạo thêm một lần nữa, bởi vì người ta không muốn có quá nhiều người dân Ấn Độ, Pakistan hay đặc biệt là những người theo đạo Hồi sang Ba Lan xin giấy tờ cư trú, nhân dịp có những lần khoan hồng như vậy.

Tuy nhiên, do nền kinh tế đang phát triển mạnh, Ba Lan lại đang cần thêm rất nhiều nhân công. Người Ukraine đã và đang chuyển sang Ba Lan làm việc với số lượng đông đảo. Những chính sách xin/cấp giấy phép lao động (tương đương với việc cấp quyền cư trú) ở Ba Lan cũng có phần thoáng mở hơn.

Gần đây có một số lượng khá đông người Việt lại sang Ba Lan xin giấy tờ cư trú. Những người có visa Schengen được vào Ba Lan tự do, nếu xin được việc làm ở một công ty nào đó thì những người này được quốc gia này cấp cho giấy phép lao động và thẻ cư trú từ 1 đến 3 năm.

Sau 5 năm làm việc đàng hoàng, có đóng thuế và bảo hiểm đầy đủ và liên tục, người nước ngoài được cấp thẻ cư trú lâu dài, gọi là thẻ định cư.

Nhân dịp này có một số người Việt có lẽ chỉ sang Ba Lan để xin cấp thẻ cư trú, rồi lại trở về các nước khác sinh sống. Bởi vì nguồn thu nhập ở Ba Lan vẫn chưa thể so sánh được với các quốc gia Tây Âu.

Một số khác có lẽ chỉ muốn kiếm cho mình tấm thẻ cư trú ở Châu Âu, kiếm được visa du lịch Schengen, rồi sang Ba Lan xin cấp thẻ cư trú "để dành", chứ thực ra hiện nay vẫn đang còn có công việc, tức là đang sinh sống ở Việt Nam.

Nhưng thời gian chờ đợi ra được tấm thể cư trú ngày càng dài, lên đến vài tháng, vì người ta xem xét hồ sơ ngày càng kỹ hơn, xem người nộp đơn có nhu cầu sinh sống thực sự ở Ba Lan hay không. 

Ngoài ra Cục Biên phòng Ba Lan vẫn thường xuyên đi kiểm tra những nơi làm việc của người nước ngoài. Trong giấy phép lao động của người nước ngoài có thể ghi là người này có vị trí công việc là "chuyên viên bán hàng", vậy mà khi kiểm tra thì phát hiện ra là người nước ngoài đó đang làm việc trong tiệm sơn cắt móng tay.

Do vậy, quyết định cho phép lao động và cư trú có thể bị thu hồi, vì làm việc không đúng mục đích ghi trong giấy phép. Ngoài ra nhà chức trách còn phát hiện ra là có một số người nước ngoài sử dụng visa giả trong hộ chiếu, rồi nộp đơn xin thẻ cư trú ở Ba Lan.

Do vậy, có lẽ trong thời gian tới, chuyện xin được tấm thẻ cư trú ở Ba Lan lại sẽ không hề đơn giản.

Bởi vì theo Bộ luật về người nước ngoài của Ba Lan, người ta không thể chấp nhận những người xin cư trú mà đã có những hành vi gian trá trong các loại giấy tờ nộp kèm theo đơn và có gian trá nói dối khi bị phỏng vấn.

Vậy là Ba Lan vẫn không hề dễ dàng trong vấn đề nhập cư. Lực lượng Biên phòng Ba Lan vẫn làm việc rất tích cực. Khi phát hiện ra những người nhập biên trái phép từ phía Đông, họ thường tìm mọi cách trả lại ngay sang quốc gia bên kia biên giới.

Khi bắt giữ được người nước ngoài chưa có thẻ cư trú ở trong nội địa Ba Lan, người ta đưa những người này vào trại có canh gác, rồi tìm cách ép quốc gia xuất xứ nhận những người này hồi hương. 

Thu nhập của người lao động ở Ba Lan ngày càng khá dần, nhưng không hề cao, do vậy khi những người Việt mới sang Ba Lan làm ăn thường gặp nhiều khó khăn, vì rào cản ngôn ngữ. Mà thường thì tay nghề của người Việt cũng không cao, nên khó xin được việc làm theo đúng nghề nghiệp.

Đây là lý do đa số chỉ có cách là đi làm thuê cho những người Việt đã sinh sống nhiều năm ở Ba Lan, vì họ đã lập công ty buôn bán tư nhân riêng.

Nhiều người Việt trước đây đã có thu nhập khá tốt, cuộc sống đã ổn định, đã đầu tư mua được nhiều bất động sản, do vậy hiện nay họ không còn nhu cầu phải tiếp tục bươn chải trong chuyện nhập hàng hay là trực tiếp đi buôn bán nữa.

Có thể nói là nhiều người đã thành đạt, hiện nay có thời gian hưởng thụ những đồng tiền mình kiếm được, tích cực đi du lịch hay tham gia thể thao, bóng đá, tennis, golf, khi chuyện buôn bán đã không còn dễ dàng như xưa. 

Có thêm một số người Việt sang Ba Lan xin cư trú, nhưng thỉnh thoảng vẫn có người bỏ sang nước khác sinh sống, do vậy có thể nói là con số khoảng 30 ngàn người Việt sinh sống ở Ba Lan sẽ không thay đổi trong một thời gian dài sắp tới.

Có điều đáng nhấn mạnh là cộng đồng người Việt ở Ba Lan khá thuần, chăm chỉ làm ăn, không gây nhiều phiền hà cho chính quyền nước sở tại, trẻ em chăm chỉ học hành, đạt nhiều thành tích.

Chính quyền Ba Lan chưa bao giờ kêu ca là tỷ lệ tội phạm của cộng đồng này là một con số đáng quan ngại. Do vậy vấn đề người ta có gây khó khăn cho người Việt khi xin giấy phép cư trú hay không, cũng phụ thuộc vào chính người Việt.

Người Ba Lan sẽ xem xét kỹ là người Việt có nhu cầu thực sự sang lao động và sinh sống ở Ba Lan hay không, tức là cộng đồng này có mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và xã hội Ba Lan trong tương lai hay không.

Bài thể hiện quan điểm của tác giả Ngô Hoàng Minh , một phiên dịch viên tuyên thê làm việc cho Bộ Tư pháp Ba Lan. Ông sang Ba Lan du học từ 1980, tốt nghiệp ngành lập trình, khoa Tin học Đại học Bách khoa Wroclaw và hiện định cư ở Warsaw.

Viethome (theo BBC)