• Hơn 3 tháng kể từ thảm kịch, những mảnh vỡ cuối cùng của con tàu lặn Titan đã được trục vớt lên từ Đại Tây Dương.

    Tờ NY Post đưa tin, các quan chức cho biết vào hôm 10/10 rằng những mảnh ghép cuối cùng của tàu lặn Titan, con tàu gặp tai nạn thảm khốc trong hành trình thám hiểm xác tàu Titanic, đã được trục vớt hoàn toàn.

    Bên cạnh những tấm kim loại ở thân của con tàu Titan, phần hài cốt được cho là "của con người" cũng được tìm thấy và cho thấy mức độ tàn phá khủng khiếp tác động lên con tàu này khi vụ nổ xảy ra.

    no tau ngam titan 1
    Những mảnh vỡ cuối cùng và phần hài thi thể còn lại của nạn nhân vụ nổ tàu Titan đã được trục vớt

    Trước đó, các kỹ sư an toàn hàng hải của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ (USCG) cũng đã trục vớt một số phần của tàu Titan bao gồm cả phần đầu bằng titan còn nguyên vẹn của con tàu dài khoảng 6 mét này. Trong khi đó, các hiện vật khác được tìm thấy cách xác tàu Titanic khoảng 487 mét, nơi con tàu lặn thám hiểm phát nổ vào ngày 18/6 vừa qua.

    USCG cho biết trong một tuyên bố: "Những hài cốt được cho là thuộc về những nạn nhân xấu số trên con tàu đã được thu hồi cẩn thận từ bên trong các mảnh vỡ của Titan và được vận chuyển để các chuyên gia y tế Hoa Kỳ phân tích" .

    Được biết, với các mảnh vỡ và phần hài cốt thu thập được, các quan chức sẽ điều tra các bằng chứng và công bố trước phiên điều trần công khai về thảm kịch.

    Tàu lặn Titan là tàu lặn thám hiểm xác tàu Titanic được phát triển bởi công ty OceanGate. Trong buổi thám hiểm xác tàu vào ngày 18/06/2023, con tàu Titan đã bất ngờ gặp sự cố và được cho là đã phát nổ chỉ sau 1 giờ 45 phút lặn xuống biển, khi nó đạt đến độ sâu khoảng 3.600 mét.

    no tau ngam titan 1
    5 nạn nhân của vụ tai nạn nổ tàu ngầm

    Vào thời điểm vụ nổ xảy ra, trên tàu lặn Titan có 5 người bao gồm Giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush (61 tuổi), chuyên gia về Titanic người Pháp Paul-Henri Nargeolet (77 tuổi), tỷ phú người Anh Hamish Harding (58 tuổi), doanh nhân nổi tiếng người Pakistan Shahzada Dawood (48 tuổi) và con trai ông Sulaiman Dawood (19 tuổi). Cả 5 người này sau đó được xác định đã thiệt mạng vào thời điểm con tàu phát nổ.

    Thông tin cho biết, tỷ phú Harding, doanh nhân Dawood và con trai ông đã trả tới 250.000 USD ( khoảng 6,1 tỷ đồng) mỗi người để được tham gia chuyến thám hiểm này.

    Kênh 14 (theo NY Post)

  • Các nạn nhân của thảm kịch tàu lặn Titan được yêu cầu không uống cà phê vào buổi sáng chuyến thám hiểm định mệnh. Các nhà thám hiểm được khuyên tải về bài hát yêu thích để nghe qua loa bluetooth trên tàu ngầm, trừ nhạc country.

    Theo thông tin mới, những hành khách trên tàu ngầm Titan xấu số đã dành những giây phút cuối cùng để nghe nhạc trong bóng tối. Đồng thời bức ảnh cuối cùng của hai cha con tỷ phú Pakistan có mặt trên con tàu định mệnh cũng được tiết lộ.

    Những tình tiết mới về chuyến thám hiểm Titanic thảm họa của tàu lặn Titan ngày 18/6 đã được tiết lộ trên New York Times. Các nhà thám hiểm đã chuẩn bị những gì cho chuyến đi xuống lòng đại dương dự kiến kéo dài 12 giờ đồng hồ?

    nan nhan tau lan titan 1
    Hình ảnh cuối cùng của hai cha con Shahzada và Suleman Dawood trước khi bước chân lên tàu lặn Titan.

    Cả 5 nhà thám hiểm đều đã thiệt mạng trong thảm kịch tàu lặn Titan phát nổ trong khi khám phá xác tàu Titanic dưới đáy biển.

    5 hành khách trên tàu lặn Titan ngoài người trực tiếp lái tàu Stockon Rush (CEO của OceanGate, công ty tổ chức tour tham quan xác tàu Titanic) còn có tỷ phú Hamish Harding, hoa tiêu tàu ngầm người Pháp Paul-Henri Nargeolet cùng hai cha con Shahzada và Suleman Dawood.

    Hiện tại, các nhà chức trách đang điều tra vụ nổ tàu lặn Titan với manh mối từ các mảnh vỡ của Titan đã được trục vớt lên từ đáy biển, bên trong có chứa thi thể được cho là của người.

    Bức ảnh cuối cùng của tỷ phú Shahzada Dawood cùng cậu con trai 19 tuổi Suleman đã được công bố. Họ cùng chụp chung với nhau bức hình cuối cùng trên tàu mẹ Polar Prince, mặc áo phao và áo chống thấm nước.

    Bà Christine Dawood, vợ của ông Shahzada và mẹ của Suleman kể lại rằng hai cha con cũng được đưa cho bộ đồ phi hành gia của OceanGate, quần dài không thấm nước, ủng có mũi thép và mũ bảo hiểm để mặc vào.

    Hai cha con Dawood suýt nữa đã không tham gia chuyến thám hiểm sau khi chuyến bay đầu tiên từ Toronto tới thị trấn St John's ở Newfoundland (Canada) bị hoãn và chuyến bay đặt lại cũng bị chậm trễ.

    Trước đó, gia đình tỷ phú Pakistan từng gặp vợ chồng Stockon Rush trong một quán cà phê gần ga Waterloo vào tháng 2 năm nay. Gia đình Dawood đã thảo luận về thiết kế và tính an toàn của tàu lặn Titan cùng Stockon Rush.

    Nhiều ngày trước khi thảm kịch xảy ra, những nhà thám hiểm đã tham dự nhiều cuộc họp và thuyết trình về tính an toàn của tàu lặn Titan trên tàu mẹ Polar Prince - một tàu phá băng cũ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Canada được đóng vào năm 1959.

    5 người tham gia thám hiểm xác tàu Titanic được yêu cầu ăn chế độ ăn ít dư lượng (nghĩa là chế độ ăn ít bã, ít chất xơ) vào ngày trước chuyến đi, đồng thời không uống cà phê vào buổi sáng khởi hành.

    CEO Stockon Rush cũng bảo những người đồng hành hãy tải những bài hát yêu thích để nghe qua loa Bluetooth, trừ nhạc country.

    Ông cũng nhắc nhở những hành khách trên tàu Titan đi tất và đội mũ bởi càng lặn xuống sâu, nhiệt độ sẽ càng lạnh.

    Cả 5 nhà thám hiểm cũng cần lưu ý tránh để bàn chân bị ướt do hơi nước ngưng tụ trên sàn tàu.

    nan nhan tau lan titan 1
    Các mảnh vỡ của tàu lặn Titan dưới đáy biển được trục vớt và đưa về đất liền.

    Trong suốt chuyến tham quan xuống đáy biển, các nhà thám hiểm sẽ chỉ nhìn thấy các sinh vật biển phát quang sinh học qua cửa sổ 21 inch trên đường xuống xác tàu Titanic, vì đèn pha đã tắt cho đến khi tàu ngầm chạm đáy biển để tiết kiệm pin.

    Ông Rush- người lái tàu thường ngồi ở phía sau, cách xa cửa sổ tàu lặn Titan. Những người khác ngồi quay lưng vào những bức tường cong của con tàu.

    Theo New York Times, tàu lặn thường hạ xuống với tốc độ khoảng 25m mỗi phút, vì vậy những người trên tàu không cảm giác tàu chuyển động.

    4 lần lặn đầu tiên của OceanGate trong năm nay đã không đến được xác tàu Titanic. Có nhiều lo ngại về an toàn mà các chuyên gia đã cảnh báo từ lâu. Trong một sứ mệnh của tàu lặn Titan vào năm 2021, các thủy thủ đã phải di chuyển từ bên này sang bên kia bên trong con tàu để tránh cho tàu nổi lại lên mặt nước.

    Theo Suckhoedoisong

  • Dù đã "nằm xuống" dưới đáy Đại Tây Dương hơn 111 năm qua, nhưng xác tàu Titanic vẫn mang lại giá trị thương mại khi không ít du khách giàu có sẵn lòng trả nhiều tiền để có cơ hội "nhìn nó thoáng qua".

    Xác tàu Titanic "không được ngủ yên"

    Đã hơn 1 thế kỷ trôi qua kể từ ngày Titanic vĩnh viễn ngủ yên trong lòng Đại Tây Dương ở độ sâu hơn 3.800m, người ta vẫn không thôi nhắc về "con tàu định mệnh".

    Ngày 10/4/1912, chuyến khởi hành đầu tiên xuất phát từ cảng Southampton (Anh), dự kiến tới New York (Mỹ), giới thượng lưu khi ấy phải bỏ ra rất nhiều tiền cho một vé ở khoang hạng nhất.

    xac tau titanic thu hut 1
    Tàu Titanic chuẩn bị rời cảng vào ngày 10/4/1912 (Ảnh: News).

    Tuy nhiên chỉ 4 ngày sau khi khởi hành, Titanic đã gặp nạn. Sau khi đâm vào tảng băng trôi, chỉ chưa đầy 3 tiếng sau, con tàu huyền thoại chìm xuống biển, cách hòn đảo Newfoundland ở Canada khoảng 600km.

    Do thiếu xuồng cứu sinh và không có kinh nghiệm trong cứu hộ khẩn cấp nên chỉ khoảng 700 người được cứu sống. Hầu hết trong số họ là phụ nữ và trẻ em. Vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 hành khách và thủy thủ đoàn.

    Hơn một trăm năm qua, giấc mơ khám phá con tàu huyền thoại ở cự ly gần nhất luôn là điều rất nhiều người mong mỏi.

    Ngày nay, đa phần công chúng chỉ có thể thỏa mãn trí tò mò bằng cách ghé thăm các viện bảo tàng, triển lãm, ngắm nhìn những bộ sưu tập liên quan tới xác tàu đặt ở nhiều nơi trên thế giới. Chỉ số ít trong số họ đủ tiền chi trả cho chuyến đi mạo hiểm lặn xuống biển sâu để ngắm nhìn "cái xác" trực tiếp.

    xac tau titanic thu hut 1
    Cảnh đắm tàu Titanic được Hollywood dựng lại trong bộ phim năm 1997 (Ảnh: News).

    Mặc dù Titanic bị đắm năm 1912, nhưng mãi tới năm 1985, nhà hải dương học Robert Ballard dẫn đầu đoàn thám hiểm mới phát hiện ra "nơi an nghỉ" của nó. 

    Tháng 7/1986, ông đã đặt một tấm biển lên tàu với nội dung yêu cầu "không làm xáo trộn hiện trường", thể hiện sự tôn trọng và tưởng nhớ hơn 1.500 nạn nhân đã nằm lại vĩnh viễn.

    Tuy nhiên điều này không xảy ra. Thay vào đó lại nổi lên cuộc cạnh tranh xem bên nào được phép trục vớt các cổ vật từ con tàu. Một phần là sự nỗ lực bảo tồn những món đồ tạo tác, nhưng phần lớn là việc kiếm nguồn lợi nhuận khổng lồ.

    Ví dụ như công ty RMS Titanic đã thực hiện thành công 8 chuyến thám hiểm tới tàu Titanic, trục vớt được một phần cầu thang lớn của con tàu, bán đấu giá hơn 5.000 món cổ vật.

    "Mỏ vàng" béo bở để các công ty du lịch mạo hiểm khai thác

    Trong khi cuộc chiến giành quyền "thăm viếng" và trục vớt nổ ra, thì hoạt động lặn biển xem xác Titanic cũng tồn tại hơn 20 năm qua, tạo ra thị trường du lịch nhỏ nhưng siêu đắt đỏ.

    Nó được coi là mỏ vàng "béo bở" đúng nghĩa với ngành du lịch mạo hiểm.

    Năm 1998, công ty Deep Ocean Expeditions của Anh được xem là một trong những công ty đầu tiên bán vé cho du khách với giá 32.500 USD/người để xem "phần còn lại của tàu Titanic".

    Vào năm 2012, trưởng đoàn thám hiểm Rob McCallum cho biết công ty tổ chức chuyến tham quan cuối cùng sau khi đã xuống xác tàu 197 lần. Những chuyến đi cuối này diễn ra vào năm 2012 với giá 59.000 USD/khách. Mỗi tour nhận tối đa 20 khách.

    Tương tự, bắt đầu từ năm 2002, công ty du lịch Bluefish có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ), cũng điều hành chuyến lặn biển tiếp cận Titanic. 4 năm tiếp theo, công ty chỉ nhận 8 khách. Đến năm 2012, Bluefish đón khách trở lại với giá vé 59.680 USD/người.

    Một công ty khác là Blue Marble có trụ sở tại London bán vé với giá 105.129 USD/người vào năm 2019. Công ty này cũng bắt tay hợp tác với OceanGate Expeditions để tổ chức chuyến du lịch mạo hiểm.

    Sau đó, OceanGate Expeditions tiếp tục gia nhập "thị trường màu mỡ" này và có những chuyến đi thành công. Cho tới ngày 18/6 vừa qua, tàu Titan do công ty này vận hành, chở 5 người được xác nhận đã tử nạn trên đường tới xác Titanic.

    Bảo vệ con tàu 111 năm tuổi

    Các chuyên gia nhận định, những chuyến đi này đã tác động lớn tới Titanic khiến tốc độ xuống cấp của nó diễn ra nhanh hơn. Chưa đầy một thập kỷ sau khi xác tàu được tìm thấy, người ta nhận thấy sự hư hại nhanh chóng của nó. Năm 2019, một cuộc thám hiểm chỉ ra rằng, phần lớn con tàu đang bị sập.

    Ngay cả khi những tàu ngầm không chạm vào xác Titanic nhưng nó vẫn gây ra tác động khiến con tàu hỏng nặng thêm. Trước tình hình này, ông Charles Haas, Chủ tịch hiệp hội Titanic quốc tế, tuyên bố, đã tới lúc xem xét "chấm dứt mọi chuyến tham quan xác Titanic" sau thảm họa với tàu lặn Titan.

    Cũng theo ông Charles, tàu Titanic đã có thêm "5 nạn nhân" sau 111 năm bị chìm. Ông cũng bày tỏ lòng thương tiếc "vô hạn" với nhà thám hiểm người Pháp Paul-Henri Nargeolet và nhận định đây là vị chuyên gia có những hiểu biết và kinh nghiệm dày dặn về Titanic mà "không thể thay thế".

    Theo Dân Trí

  • Edward Cassano, Giám đốc điều hành công ty Pelagic, khóc khi nói chi tiết về nhiệm vụ giải cứu Titan - tàu ngầm chở 5 người khám phá xác Titanic bị nổ dưới đáy đại dương.

    Trong cuộc họp báo ở Buffalo, New York hôm 30/6, Edward Cassano, Giám đốc điều hành Pelagic - công ty sở hữu phương tiện điều khiển từ xa (ROV) - cho biết trải qua nhiều cảm xúc khi nhận được nhiệm vụ giải cứu Titan.

    "Trong toàn bộ quá trình, chúng tôi đặt trọng tâm vào thời gian khẩn cấp của cuộc giải cứu. Chúng tôi luôn ý thức về sự an toàn của tất cả những người bị mắc kẹt. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đến hiện trường và giải cứu những người trên tàu. Chúng tôi ước cuộc gọi không bao giờ đến, nhưng luôn sẵn sàng khi nó đến", Cassano nói và khóc trong cuộc họp báo.

    nhiem vu giai cuu tau titan 1
    Ông Edward Cassano, Giám đốc điều hành công ty Pelagic, trong cuộc họp báo ở New York hôm 30/6. Ảnh: Pelagic

    Tàu ngầm Titan do công ty OceanGate điều hành mất tích khi thám hiểm xác tàu Titanic dưới đáy biển Bắc Đại Tây Dương vào ngày 18/6. Cassano dẫn theo đội của mình bay đến Newfoundland, Canada ngay sau khi nhận được cuộc gọi chuẩn bị cho việc giải cứu Titan và những người trên tàu.

    "Chúng tôi cảm thấy mình sẽ phải đối mặt 4 kịch bản có thể xảy ra. Thứ chúng tôi muốn là Titan dưới đáy biển, phi hành đoàn còn nguyên vẹn, bình áp suất còn nguyên vẹn. Điều kiện này sẽ giúp tàu có thể di chuyển và nổi lên mặt nước. Những gì chúng tôi dự định làm là gắn một thiết bị vào tàu và kéo nó lên", Cassano nói về phương án lạc quan nhất.

    Tuy nhiên, Cassano nói khi đến nơi ông phát hiện Titan không gắn thiết bị theo dõi và không biết tàu ngầm này trôi đến vị trí nào dưới đáy biển sâu và tối tăm. "Chúng tôi đưa phương tiện điều khiển từ xa xuống độ sâu 3.000 m, ROV có thể thăm dò xung quanh. Chúng tôi luôn giữ hy vọng có thể tìm thấy Titan và giải cứu nó", Cassano nói thêm.

    Tuy nhiên, 4 ngày sau khi Titan mất tích, một ROV - được gọi là Odysseus 6K, có thể thực hiện nhiệm vụ trục vớt dưới đáy biển sâu - đã tìm thấy mảnh vỡ của tàu ngầm này dưới đáy đại dương, cách Titanic 500 m. "Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã liên hệ với các gia đình khi chúng tôi phát hiện ra mảnh vỡ. Từ ngày 22 đến 27/6, chúng tôi đã sử dụng khả năng của mình để tìm kiếm tất cả manh mối". ông Cassano nói.

    Khi được hỏi chuyện gì đã xảy ra với tàu ngầm Titan, Cassano nói: "Họ đã đẩy nó vượt quá tốc độ và độ sâu cho phép" dẫn đến vụ nổ. Tuy nhiên, Cassano không nói thời điểm chính xác xảy ra tai nạn thảm khốc khiến toàn bộ người trên tàu thiệt mạng. Trước đó, Hải quân Mỹ đã phát hiện một "sự bất thường" vào ngày 18/6, có khả năng là vụ nổ Titan.

    nhiem vu giai cuu tau titan 1
    Những mảnh vỡ tàu Titan được đưa lên bờ hôm 28/6. Ảnh: AP

    Cassano cho biết đội của ông cùng một công ty hỗ trợ khác là Deep Energy đã đưa các mảnh vỡ tàu Titan lên bờ. Quá trình này mất một tiếng rưỡi để lặn xuống, lấy mảnh vỡ và đưa nó trở lại. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Deep Energy thậm chí mất một tàu lặn điều khiển từ xa sau khi đưa nó xuống đáy biển. Pelagic hôm 28/6 cho biết họ đã hoàn thành các hoạt động tìm kiếm ngoài khơi.

    Khi được hỏi về chi phí cho nỗ lực giải cứu, Cassano không nói chi tiết nhưng khẳng định "rất nhiều". "Tôi nghĩ có rất nhiều điều để học hỏi. Chúng tôi rất tự hào về hiệu suất của hệ thống mình có. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trong tầm tay", Cassano nói.

    Cảnh sát biển Mỹ và Canada đang dẫn đầu cuộc điều tra về lý do tại sao chiếc tàu ngầm này phát nổ trong quá trình hạ thủy vào ngày 18/6. 5 người thiệt mạng là CEO Ocean Gate Stockton Rush, cha con tỷ phú Pakistan Shahzada Dawood và Suleman Dawood, tỷ phú Anh Hamish Harding và chuyên gia Titanic Paul-Henri Nargeolet.

    Ngôi Sao (Theo Mirror)

  • Mọi hoạt động tìm kiếm các bộ phận của tàu lặn Titan và 5 hành khách trên khoang hiện đã hoàn tất. Điều này đồng nghĩa với việc các phần thi thể còn lại của nạn nhân khó có khả năng được đưa lên mặt nước.

    phan con lai cua tau titan 1
    Ảnh: Daily Mail

    Theo Daily Mail, tàu lặn Titan tham quan xác tàu Titanic ở Bắc Đại Tây Dương bị nổ trong một thảm họa dưới biển sâu ngày 18/6, khiến toàn bộ những người có mặt trên tàu thiệt mạng. 

    Vụ tai nạn thảm khốc đã giết chết tỷ phú người Anh Hamish Harding, doanh nhân người Pakistan Shahzada Dawood và con trai Suleman 19 tuổi. Giám đốc điều hành của OceanGate - công ty sở hữu tàu lặn Titan, Stotkton Rush và cựu binh hải quân Pháp Paul Henri Nargeolet cũng thiệt mạng trong vụ tai nạn.

    phan con lai cua tau titan 1
    Stockton Rush (trái) và Paul Henri Nargeolet. Ảnh: Daily Mail.

    Công ty Dịch vụ Nghiên cứu Pelagic (PRS) sở hữu robot biển sâu Odysseus 6K tìm được các mảnh vỡ của tàu lặn Titan, hôm qua (29/6) xác nhận họ đã hoàn tất các hoạt động tìm kiếm. Thông báo có nghĩa là sẽ không còn hoạt động trục vớt nào nữa trừ khi một chiến dịch khác được khởi động. 

    Trước đó, Lực lượng Tuần duyên Mỹ ngày 28/6 thông báo, "những phần thi thể được cho là của con người" đã được tìm thấy bên trong những mảnh vỡ của tàu lặn Titan và các chuyên gia y tế sẽ phân tích nó. 

    phan con lai cua tau titan 1
    Cha con doanh nhân người Pakistan Shahzada Dawood và tỷ phú Hamish Harding.

    Tờ Daily Mail cho biết, hiện tuần duyên Mỹ chưa đề cập gì tới các cuộc tìm kiếm mới sau khi PRS rời đi. 

    Trong số xấp xỉ 10 tàu lặn tồn tại trên hành tinh và có khả năng lặn xuống độ sâu của xác tàu Titanic chỉ có duy nhất một tàu chưa nhận được giấy chứng nhận, đó là tàu lặn Titan của OceanGate. 

    Theo Vietnamnet

  • Động thái của tập đoàn Virgin Galactic đã khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ khi thảm kịch tàu lặn Titan mới chỉ xảy ra vào tuần trước.

    Thảm kịch nổ tàu lặn Titan xảy ra vào ngày 18/06 đã trở thành chủ đề bàn tán trên nhiều phương tiện truyền thông xã hội suốt tuần qua. Vụ tai nạn tàu lặn khiến 5 người thiệt mạng này dù thương tâm nhưng nó cũng cho thấy cái nhìn rõ nét hơn về mức độ nguy hiểm của những chuyến thám hiểm đắt đỏ được giới siêu giàu ưa chuộng.

    Sau khi vụ nổ tàu lặn Titan này xảy ra chưa đầy 1 tuần, tập toàn Virgin Galatic thuộc sở hữu của tỷ phú nổi danh người Mỹ Richard Branson đã bất ngờ đăng tải một thông báo về chuyến thám hiểm không gian tiếp theo của họ.

    tham hiem khong gian 1
    Tỷ phú người Mỹ Richard Branson (Ảnh: Virgin Galatic)

    Được biết, chuyến bay vào không gian lần này, Virgin Galatic sẽ đưa ba hành khách từ Lực lượng Không quân Ý và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia vào không gian. Tổng cộng sẽ có khoảng 5 người thực hiện sứ mệnh này, trong đó có một phi hành gia và bốn phi công. Theo như những gì được Virgin Galatic công bố, chuyến bay vào vũ trụ này sẽ kéo dài 90 phút với mục đích "tiến hành một loạt các thí nghiệm khoa học dưới quỹ đạo".

    Đáng chú ý, Virgin Galactic cũng đang bán vé cho các chuyến thám hiểm, du hành vào không gian trong tương lai với giá 450.000 đô la (10 tỷ đồng)/vé. Thậm chí, họ còn khuyến khích các khách hàng tiềm năng "đặt trước" chỗ, theo một quảng cáo được tìm thấy trên trang web tập đoàn.

    tham hiem khong gian 1
    Tour thám hiểm không gian dự kiến sẽ có giá 450.000 USD/người (Ảnh: Virgin Galatic)

    Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, nó đã vấp phải làn sóng chỉ trích cực lớn đến từ những người sử dụng mạng xã hội. Đa phần, họ đều lên tiếng chỉ trích về hành động bất chấp của Virgin Galatic cũng như thể hiện sự lo lắng về mức độ an toàn của những chuyến thám hiểm đắt đỏ nhưng ẩn chứa nguy hiểm khôn lường này.

    Theo Insider, những lo ngại về an toàn của hình thức du lịch vũ trụ không phải là không có cơ sở khi trước đó, đã có nhiều trường hợp người thiệt mạng được ghi nhận. Vào tháng 11/2014, một thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng trong chuyến bay thử nghiệm của tàu nguyên mẫu Virgin Galactic khi nó bất ngờ phát nổ trên sa mạc Mojave .

    tham hiem khong gian 1
    (Ảnh: Reuters)

    tham hiem khong gian 1
    Phi thuyền của Virgin Galatic từng phát nổ trên không khiến phi công thiệt mạng vào năm 2014 (Ảnh: Getty)

    Tháng 4 vừa qua, chiếc tên lửa của SpaceX, công ty thuộc sở hữu của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, cũng đã biến thành một quả cầu lửa sau khi phát nổ trong quá trình phóng lên quỹ đạo. 

    Mặc cho những sự cố thương tâm nói trên, không gì có thể ngăn được giới siêu giàu tham gia vào những chuyến đi mạo hiểm tốn kém tiền bạc và nguy hiểm tính mạng này.

    Theo CafeBiz

  • Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ ngày 28/6 cho biết có khả năng họ tìm thấy thi thể nạn nhân từ đống đổ nát của tàu lặn Titan và đang đưa về Mỹ.

    Cuối ngày 28-6, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ thông báo thu hồi được các mảnh vỡ từ đáy biển, bao gồm cả những gì họ mô tả là thi thể của con người. Các chuyên gia pháp y sẽ phân tích những mảnh thi thể này.

    Tàu Canada Horizon Arctic mang theo phương tiện ngầm điều khiển từ xa (ROV) để tìm kiếm các mảnh vỡ của chiếc tàu lặn dưới đáy đại dương gần xác tàu Titan ic.

    Các mảnh vỡ từ tàu Titan nằm ở độ sâu khoảng 3.810 m và cách tàu Titanic khoảng 488 m dưới đáy Bắc Đại Tây Dương, theo hãng tin AP.

    Các bộ phận của tàu lặn Titan đã được dỡ xuống tại bến tàu ở cảng St. John, Newfoundland - Canada. Theo thông cáo, các mảnh vỡ được cho là thân, mũi tàu, bảng điều khiển, ván trượt hạ cánh của tàu lặn.

    manh vo tau titan dua vao bo 1
    Các mảnh vỡ của tàu lặn Titan được đưa tới cảng St. John, Newfoundland, Canada vào ngày 28-6. Ảnh: AP

    Đại úy Jason Neubauer - trưởng nhóm điều tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ - cho biết: "Tôi rất biết ơn sự hỗ trợ phối hợp quốc tế và liên ngành để trục vớt và bảo quản bằng chứng quan trọng này ở độ sâu và khoảng cách cực xa ngoài khơi. Bằng chứng sẽ cung cấp cho các nhà điều tra những chi tiết quan trọng về nguyên nhân của thảm kịch. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tìm hiểu các yếu tố dẫn đến tổn thất thảm khốc của Titan và giúp đảm bảo thảm kịch tương tự không xảy ra lần nữa".

    Trong khi đó, Pelagic Research, công ty Mỹ sở hữu robot điều khiển từ xa Odysseus được dùng trong quá trình tìm kiếm tàu Titan, thông báo hoạt động trục vớt của họ đã hoàn tất. Đại diện công ty Pelagic Research cho biết họ làm việc gần như không ngủ suốt 10 ngày.

    manh vo tau titan dua vao bo 1
    Mảnh vỡ tàu lặn Titan được trục vớt và đưa về cảng ở Canada, trong đó có thể có cả thi thể của nạn nhân. Ảnh: AP

    Tàu lặn Titan mất liên lạc từ ngày 18-6. Con tàu được cho là bị ép nát dưới đáy biển, khiến cả 5 người trên tàu thiệt mạng khi đang trong hành trình khám phá xác tàu đắm lịch sử Titanic.

    Việc trục vớt được các mảnh vỡ tàu lặn là một phần quan trọng của cuộc điều tra về lý do tại sao con tàu phát nổ.

    Giám đốc điều hành của công ty điều hành chuyến đi OceanGate Stockton Rush thiệt mạng cùng với 2 thành viên của một gia đình nổi tiếng người Pakistan là Shahzada Dawood và con trai Suleman Dawood, nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding, cùng chuyên gia về Titanic Paul-Henri Nargeolet.

    Công ty OceanGate cung cấp dịch vụ tham quan xác tàu Titanic với giá 250.000 USD/người. Vụ việc của tàu Titan đặt ra câu hỏi về sự an toàn của các hoạt động thăm dò tư nhân dưới đáy biển. Cảnh sát biển Mỹ cũng muốn sử dụng cuộc điều tra để cải thiện sự an toàn của tàu lặn.

    Theo Người Lao Động

  • Người phụ nữ mất chồng và con trai trong chiếc tàu ngầm thám hiểm Titanic cho biết đáng lẽ bà mới là người có mặt nhưng đã nhường chỗ cho con.

    vo ti phu pakistan titan 1
    Vợ tỷ phú Pakistan, nạn nhân thiệt mạng trong tàu ngầm thám hiểm Titanic, Christine Dawood. Ảnh: NY Post

    Christine Dawood, vợ tỷ phú Shahzada Dawood - nạn nhân xấu số trong tàu ngầm Titan - chia sẻ với truyền thông rằng bà đã trải qua 4 ngày đau đớn khi liên tục nhìn ra biển để ngóng chồng con trở về. Christine chỉ từ bỏ hy vọng sau 96 giờ, khi bà biết lượng oxy trong tàu đã cạn kiệt.

    Theo lời Christine, ban đầu bà dự định tham gia hành trình lặn biển cùng người chồng 48 tuổi. Tuy nhiên, vợ tỷ phú Pakistan sau đó lại thoái lui để nhường chỗ cho Suleman, người bị ám ảnh muốn lập kỷ lục giải rubik nhanh nhất dưới đại dương.

    vo ti phu pakistan titan 1
    Christine Dawood ngóng chờ tin chồng con từ tàu mẹ Polar Prince. Ảnh: Daniel William McKnight

    Christine ở lại tàu mẹ Polar Prince cùng con gái 17 tuổi Alina khi Titan lặn xuống biển vào đúng Ngày của Cha, 18/6. Người mẹ cho biết bà đang ăn bữa phụ thì nhận được tin báo "mất liên lạc" với tàu Titan. "Lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Và rồi mọi chuyện bắt đầu xấu đi", Christine nói. Đồng thời, bà cũng thừa nhận "không bình tĩnh nổi" khi phải đối mặt hai sự mất mát cùng lúc.

    Nhưng Christine nhận được an ủi từ những người có mặt trên tàu Polar Prince. Họ trấn an bà rằng việc mất liên lạc vẫn xảy ra thường xuyên. Christine nói thêm: "Tất cả chúng tôi đều nghĩ: 'Rồi họ sẽ xuất hiện thôi'. Chúng tôi liên tục nhìn ra mặt biển. Niềm hy vọng đó là thứ duy nhất giúp xoa dịu nỗi bất an trong lòng".

    vo ti phu pakistan titan 1
    Christine và chồng, tỷ phú Shahzada Dawood. Ảnh: FB

    Tuy nhiên, tất cả hy vọng của Christine tiêu tan khi đồng hồ đếm ngược vượt qua mốc 96 giờ - thời điểm Titan cạn kiệt không khí. "Đó là lúc tôi mất hy vọng. Và tôi thậm chí còn gửi một tin nhắn cho gia đình trên bờ. Tôi nói mình đang chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất", mẹ nạn nhân nhỏ tuổi nhất trên tàu Titan thừa nhận. Bất chấp sự suy sụp của mẹ, Alina vẫn nuôi hy vọng. Cô bé chỉ thực sự tuyệt vọng cho đến khi Cảnh sát biển thông báo tìm thấy các mảnh vỡ của tàu.

    Hai cha con Shahzada và Suleman Dawood đã thiệt mạng trong vụ nổ tàu cùng Giám đốc điều hành Titan Stockton Rush (61 tuổi), tỷ phú người Anh Hamish Harding (58 tuổi) và chuyên gia Titanic người Pháp Paul-Henri Nargeolet (77 tuổi).

    "Tôi nhớ họ. Tôi thực sự rất nhớ họ", Christine nghẹn ngào khi nói về chồng và con trai.

    vo ti phu pakistan titan 1
    Christine và con trai Suleman. Ảnh: FB

    Mặc dù bác ruột của Suleman trước đó nói rằng chàng trai 19 tuổi "sợ hãi" và miễn cưỡng thực hiện chuyến lặn định mệnh, Christine lại cho biết con trai buồn khi nghĩ rằng không được đi, bởi Suleman còn quá nhỏ khi gia đình đặt vé trước đại dịch. "Suleman đã rất thất vọng vì họ chỉ cho phép người trên 18 tuổi được đi. Đáng lẽ Shahzada và tôi sẽ đi cùng nhau khi đặt vé trước đại dịch. Nhưng khi lên lịch lại, tôi đã nhường suất cho Suleman vì thằng bé thực sự muốn đi", Christine giải thích.

    Nỗi đau khi biết rằng chính quyết định tráo đổi đó đã khiến con trai phải trả giá bằng mạng sống là điều khiến Christine không thể chịu nổi. Bà thậm chí còn không muốn nhắc đến nó. "Đừng nói đến chuyện đó", người vợ mất chồng và người mẹ mất con lắc đầu khi được phóng viên hỏi.

    Ngôi Sao (Theo NY Post)

  • Lew Palter - diễn viên đóng vai Isidor Straus ôm vợ đợi tàu chìm trong Titanic - qua đời ở tuổi 94 vì ung thư phổi.

    Hollywood Reporter đưa tin diễn viên Lew Palter qua đời ở tuổi 94 sau thời gian chống chọi bệnh ung thư phổi, tuổi già sức yếu. Thông tin trên được con gái ông là Catherine Palter xác nhận với truyền thông. Những phút cuối đời, ông được con cháu bên cạnh chăm sóc.

    Lew Palter tên thật là Leon Louis Palter, sinh năm 1928. Ông có xuất phát điểm là diễn viên sân khấu kịch, từng gia nhập Millbrook Playhouse ở Pennsylvania trong những năm 1960.

    Nam diễn viên sau đó lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, đóng trong các phim như The Virginian, Gunsmoke, Mission: Impossible, It Takes a Thief... Song, vai diễn trong Titanic mới thực sự giúp ông được nhiều khán giả quan tâm.

    nam dien vien titanic
    Lew Palter với cảnh quay ôm vợ trước cửa tử vì thảm họa chìm tàu trong Titanic

    Trong bộ phim của đạo diễn James Cameron, Palter đóng vai Isidor, chồng của quý bà Ida. Phân cảnh Isidor ôm vợ trước thảm họa đắm tàu nhấn chìm Titanic gây xúc động mạnh. Đây là phân cảnh dựa trên chuyện có thật của hai nhân vật đời thực Ida Straus và Isidor Straus.

    Theo Variety, ngoài diễn xuất, Lew Palter còn thành công trong việc giảng dạy. Ông là cố vấn diễn xuất tại Trường Sân khấu CalArts. Sau khi nghỉ hưu năm 2013, ông vẫn xuất hiện tại các hội thảo để truyền đạt kinh nghiệm giảng dạy.

    Đồng nghiệp, sinh viên và cả diễn viên thành danh từ Trường sân khấu CalArts đều nhớ đến sự nhiệt huyết của ông. Dean Travis Preston của CalArts nói sự tôn trọng của Palter với diễn viên trẻ khuyến khích họ quyết tâm theo nghề.

    "Lew tâm huyết với nghiệp diễn, truyền cảm hứng cho thế hệ học trò. Ông nuôi dưỡng sự tò mò, quan tâm, trí thông minh, hài hước trong mọi cảnh quay, vở kịch hay lớp học", Dean nói.

    Theo Tiền Phong

  • Tỷ phú người Anh Hamish Harding và thủy thủ người Pháp Paul-Henri Nargeolet đều đã xin tư vấn của chuyên gia liệu có nên lên tàu Titan.

    Tỷ phú người Anh Hamish Harding và thủy thủ, nhà hải dương học kỳ cựu người Pháp Paul-Henri Nargeolet nằm trong số 5 hành khách đã thiệt mạng một cách bi thảm khi chiếc tàu ngầm Titan nổ tung dưới đáy đại dương khi đang trên đường đi thám hiểm tàu Titanic huyền thoại. Mới đây, nhà thám hiểm đại dương Victor Vescovo - một người bạn chung của 2 hành khách đã trả lời phỏng vấn tiết lộ rằng họ đều đã có nhiều lo ngại về con tàu Titan trước chuyến đi.

    Vescovo cho biết hai hành khách đã hỏi ý kiến của ông về việc liệu họ có nên đi hay không và ông nói với họ rằng “Là tôi thì tôi sẽ không lên chiếc tàu ngầm đó”.

    Đáng tiếc là dù có những nghi ngại và lo lắng nhất định, Hamish Harding vẫn đặt chân lên con tàu xấu số vì khao khát được nhìn thấy xác tàu Titanic và mong ước được phiêu lưu, khám phá đại dương đã lấn át nỗi sợ.

    van len tau titan 1
    Tỷ phú người Anh Hamish Harding đã rất khao khát được tận mắt thấy xác tàu Titanic

    Trong khi đó, thủy thủ người Pháp Nargeolet, 77 tuổi, là một thợ lặn giàu kinh nghiệm và đã dẫn đầu hàng loạt cuộc thám hiểm đến xác tàu ngoài khơi bờ biển Newfoundland. Ông cũng là một chuyên gia về tàu Titanic khi đã thực hiện ít nhất 35 lần lặn đến địa điểm xác tàu. Vì vậy, Nargeolet đã lên đường với tinh thần không sợ hãi và luôn biết rất rõ cũng như sẵn sàng đối mặt với những rủi ro mình có thể gặp phải.

    van len tau titan 1
    Thủy thủ người Pháp Paul-Henri Nargeolet là một thợ lặn rất giàu kinh nghiệm

    Với tư cách là một chuyên gia, Victor Vescovo cũng đã lên án thiết kế của tàu Titan và cách công ty OceanGate cố chấp bỏ qua mọi khiếu nại của mọi người: “Phần lớn các nhà sản xuất tàu ngầm đều tuân thủ các giao thức và tiêu chuẩn và thử nghiệm an toàn cực kỳ nghiêm ngặt mà chúng tôi tuân theo như một tôn giáo. Nhưng OceanGate là một tàu lặn cố gắng đột phá và làm những điều thú vị, nhưng tôi luôn nghĩ họ đã đẩy ranh giới an toàn đi quá xa và điều đó đã được chứng minh bằng những gì đã xảy ra”.

    Ông Vescovo nói với Sky News: “Đã có nhiều cuộc thảo luận chung trong cộng đồng (thám hiểm đại dương) về những rủi ro thiết kế của chiếc tàu lặn mà họ đang thực hiện. Tất cả chúng tôi trong cộng đồng đều có những lo ngại và thật không may, những điều đó hóa ra lại là sự thật".

    Trước đó, Giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush đã bác bỏ các cảnh báo từ Rob McCallum - một chuyên gia thăm dò biển sâu hàng đầu rằng ông có khả năng khiến khách hàng của mình gặp rủi ro. Chuyên gia đã kêu gọi Rush - người đã thiệt mạng trên tàu Titan cùng với 4 người khác - ngừng sử dụng tàu ngầm cho đến khi một cơ quan độc lập đánh giá nó.

    Stockton Rush, một nhà sáng chế tự xưng, đã bác bỏ những lo ngại và giải thích rằng ông “cảm thấy mệt mỏi với những người trong ngành đang cố gắng sử dụng lý lẽ an toàn để ngăn chặn sự đổi mới”.

    5 hành khách bên trong Titan đã thiệt mạng ngay lập tức khi chiếc tàu lặn gặp phải một “vụ nổ thảm khốc” khi chỉ cách mũi xác tàu Titanic 500m. Danh sách hành khách bao gồm Harding, Nargeolet và Rush, cũng như doanh nhân người Pakistan Shahzada Dawood và cậu con trai 19 tuổi Suleman. Nhóm thám hiểm được cho là đã thiệt mạng vào sáng Chủ nhật, khi con tàu mất liên lạc với tàu mẹ MV Polar Prince 1 giờ 45 phút sau khi xuống nước.

    Theo phunuvietnam

  • Suốt 1 năm, Stockton Rush, người đồng sáng lập và điều hành OceanGate, cố gắng thuyết phục nhà đầu tư Jay Bloom ở Las Vegas mua cặp vé tàu lặn của công ty ông để cùng con trai trải nghiệm cảm giác khi thăm xác tàu Titanic dưới biển sâu.

    thoat chet tau titan
    Nhà đầu tư Jay Bloom (phải) và con trai từ chối thám hiểm tàu Titanic chỉ vài tuần trước khi chuyến đi của tàu Titan diễn ra. (Ảnh: CNN)

    Bloom đã bị hấp dẫn, ông cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 23/6. Từ khi còn nhỏ, con trai của ông, Sean, năm nay 20 tuổi, đã bị cuốn hút bởi câu chuyện về con tàu khổng lồ Titanic của Anh gặp nạn.

    Nhưng càng đọc nhiều về tàu lặn Titan, Bloom càng lo lắng về mức độ an toàn của nó. Vì vậy, Bloom kể rằng ông đã lịch sự từ chối cơ hội vào phút cuối với lý do bận việc khác.

    Cuối cùng, 2 ghế của Bloom và con trai ông được bán cho tỷ phú người Anh gốc Pakistan Shahzada Dawood và con trai Suleman.

    Bloom kể rằng ông đã mất đi một người bạn tốt - nam diễn viên Treat Williams - trong một vụ tai nạn xe máy cách đây chưa đầy 2 tuần. Bi kịch của tàu Titan càng nhắc nhở ông về điều thực sự quan trọng trong cuộc sống.

    “Mỗi lần nhìn ảnh của doanh nhân Pakistan và con trai 19 tuổi của ông ấy, tôi nghĩ tôi và con trai mình có thể đã rơi vào bi kịch như vậy, nhưng nhờ ơn Chúa”, Bloom nói.

    Ngày 22/6, sau khi lực lượng Tuần duyên Mỹ thông báo đã tìm thấy các mảnh của Titan dưới đáy đại dương, Bloom đăng một loạt tin nhắn trên Facebook giữa ông và Rush từ đầu năm nay, trong đó Rush bác bỏ quan điểm cho rằng chuyến đi rất nguy hiểm.

    "Dù rõ ràng có rủi ro, nhưng nó an toàn hơn nhiều so với bay trực thăng hoặc lặn biển", Rush viết trong một tin nhắn. Ông khẳng định không ai bị thương trên tàu ngầm phi quân sự trong 35 năm qua.

    Là người có bằng lái máy bay trực thăng tư nhân, Bloom không tin như vậy. Ông đặc biệt lo lắng về việc Stockton sử dụng các bộ phận thông thường để sử dụng trong Titan, như dùng cần điều khiển trò chơi điện tử để điều khiển con tàu, còn thân tàu bằng sợi carbon mới. Ông cũng sợ khi biết rằng hành khách không thể mở cửa tàu từ bên trong, kể cả trong trường hợp khẩn cấp.

    “Càng biết nhiều về những gì Stockton đang làm, tôi càng lo lắng hơn”, Bloom nói.

    Guillermo Söhnlein, người đồng sáng lập OceanGate với Rush vào năm 2009, cho biết Rush "nhận thức sâu sắc" về những nguy hiểm khi khám phá độ sâu của đại dương và "rất sợ rủi ro".

    Nhưng các câu hỏi về an toàn trong thiết kế của Titan đã được đặt ra từ năm 2018, bởi cả các chuyên gia trong ngành và một cựu lãnh đạo của công ty không khiến Rush lung lay niềm tin.

    "Đó là giấc mơ của ông ấy. Ông ấy là người tốt và tôi nghĩ ông ấy có ý tốt, nhưng ông ấy đã quá tin tưởng đến mức rơi vào nguy hiểm", Bloom nói.

    Tiền Phong (Nguồn: CNN)

  • Vụ nổ của con tàu ngầm Titan được chính thức xác định vào ngày 22/6 và làm dấy lên câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm về thảm họa này?

    Liên quan đến sự cố mất tích và nổ tàu lặn thám hiểm Titanic, có nhiều giả định được đưa ra cho rằng OceanGate Expeditions, công ty chủ quản vận hành tàu Titan, sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra với 5 hành khách - bao gồm cả Giám đốc điều hành của OceanGate Stockton Rush, người giữ vai trò hoa tiêu của tàu. Song các thủ tục pháp lý xung quanh Titan dường như đang làm phức tạp thêm tình hình.

    OceanGate là công ty chuyên nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ du lịch mạo hiểm dưới đại dương có trụ sở tại Washington. Công ty là chủ sở hữu của tàu lặn Titan mất tích khi đưa 5 hành khách đi tham quan xác tàu Titanic ở dưới đáy Đại Tây Dương.

    Việc tuân thủ luật an toàn quốc tế của công ty cũng là một vấn đề phức tạp và còn nhiều kẽ hở. Đáng nói, trước khi bắt đầu chuyến thám hiểm biển sâu “định mệnh” đầy nguy hiểm, OceanGate đã yêu cầu cả 5 hành khách của mình ký vào các tờ đơn miễn trừ trách nhiệm, kể cả trường hợp họ tử vong.

    kien tung su co tau titan
    Tất cả các hành khách trên tàu ngầm Titan được yêu cầu ký giấy miễn trừ trách nhiệm đối với Oceangate, trong đó có đề cập đến nguy cơ tử vong. (Ảnh: OCEANGATE)

    Salvatore Mercogliano, Phó giáo sư lịch sử hàng hải tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina cho biết, không giống như các loại tàu hay phương tiện hàng hải khác, chính quyền không kiểm soát những tàu lặn thám hiểm như Titan.

    “Những tàu ngầm như Titan không yêu cầu phải đăng ký tại một quốc gia nhất định, do đó nó sẽ tuân theo các luật cụ thể được điều chỉnh bởi các công ước quốc tế, chẳng hạn như Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) được ban hành sau vụ chìm tàu ​​Titanic", ông Mercogliano nói.

    Ông Mercogliano cho biết thêm, thông thường, các tàu lặn sẽ phải tuân thủ Đạo luật An toàn tàu chở khách ở Mỹ (1993), tuy nhiên tàu OceanGate lại là trường hợp ngoại lệ vì nó đang hoạt động ở vùng biển quốc tế.

    Tại Mỹ, một số cơ quan lặn như Cục Vận chuyển Hoa Kỳ có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giám sát phân loại tàu lặn - một quy trình đảm bảo với các chủ tàu, công ty bảo hiểm và cơ quan quản lý rằng các tàu được thiết kế, xây dựng và kiểm tra theo các tiêu chuẩn được chấp nhận. Theo Newsweek, nhiều tàu lặn của OceanGate được phân loại hợp lệ, tuy nhiên, Titan thì không.

    Theo sự thừa nhận của chính OceanGate, Titan quả thực không được phân loại. Công ty viết trên trang web của mình: "Khi OceanGate được thành lập, mục tiêu của chúng tôi là theo đuổi mức độ đổi mới hợp lý cao nhất trong thiết kế và vận hành tàu lặn có người lái. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là OceanGate đáp ứng các tiêu chuẩn mà ngành hàng hải áp dụng bởi sự đổi mới của chúng tôi nằm ngoài mô hình ngành hiện có".

    OceanGate sẽ bị kiện?

    Theo các chuyên gia pháp lý, gia đình các nạn nhân có thể sẽ gặp khó khăn trong việc kiện công ty do tất cả hành khách đi trên tàu đều được yêu cầu ký vào giấy miễn trừ, trong đó nêu rõ nguy cơ tử vong trong chuyến thám hiểm.

    Kenneth Abraham, giáo sư luật nổi tiếng tại Đại học Virginia (Mỹ) cho biết, các luật hàng hải liên bang sẽ quyết định liệu các miễn trừ có hợp lệ hay không. Tuy nhiên, ở hầu hết các tiểu bang tại Mỹ, việc miễn trừ sẽ có hiệu lực trong tình huống này và tùy thuộc vào cách diễn đạt của họ, việc miễn trừ cũng sẽ ràng buộc các gia đình.

    "Các miễn trừ có thể sẽ không áp dụng cho các nhà sản xuất tàu lặn. Các nhà sản xuất có thể sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm nếu họ gây ra bất kỳ trục trặc nào, mặc dù điều đó cũng phụ thuộc vào cách diễn đạt của họ”, ông Abraham cho hay.

    Luật sư về thương tích cá nhân của Los Angeles, Miguel Custodio, đồng sáng lập của Custodio và Dubey LLP, nói với Daily Mail rằng cách duy nhất để các gia đình có thể kiện OceanGate là họ phải chứng minh được vụ việc là kết quả của sự bất cẩn của một thành viên phi hành đoàn.

    Trong khi đó, luật sư Sherif Edmond El Dabe, một đối tác của El Dabe Ritter Trial Lawyers cho rằng "cơ hội để các thành viên gia đình của hành khách khởi kiện thành công OceanGate gần như bằng không bởi họ đã cố tình tham gia vào một hoạt động cực kỳ nguy hiểm và đồng ý chấp nhận rủi ro lớn".

    Theo các báo cáo, giấy miễn trừ có chữ ký của hành khách đề cập rõ ràng rằng con tàu đang "thử nghiệm", "không được phê duyệt hoặc chứng nhận bởi bất kỳ cơ quan quản lý nào và có thể dẫn đến thương tích về thể chất, chấn thương tinh thần hoặc tử vong".

    Tàu Titan của OceanGate có được bảo hiểm?

    Phó giáo sư Mercogliano nói rằng ông tò mò muốn biết công ty nào đã bảo hiểm cho OceanGate bởi “thông thường công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu một tổ chức tiến hành phân loại phương tiện để đảm bảo rằng tàu lặn đáp ứng tất cả các yêu cầu trước khi bảo hiểm cho họ".

    Ông nói thêm: “Câu hỏi về trách nhiệm pháp lý được đặt ra không chỉ đối với OceanGate mà còn đối với nhà điều hành tàu mẹ, Polar Prince, vì tàu đó được gắn cờ và có trụ sở tại Canada”.

    OceanGate hiện chưa chia sẻ công khai bất kỳ thông tin nào về công ty nào đang bảo hiểm cho mình.

    Dấu chấm hết cho một thương hiệu

    Andy Barr, một chuyên gia về thương hiệu và quan hệ công chúng tại 10Yetis.co.uk cho rằng, vụ nổ con tàu dẫn đến cái chết của cả 5 hành khách trên tàu báo hiệu “sự kết thúc của thương hiệu OceanGate”.

    "Quá nhiều điều trước đây được nhắc tới, thương hiệu này bị cáo buộc và cố tình bỏ qua nhiều vấn đề. Sau kết luận về vụ nổ cùng với tất cả các thông tin được tiết lộ từ trước đó, lựa chọn duy nhất của OceanGate là bán thương hiệu và tài sản của mình cho một công ty khác hoặc đổi thương hiệu hoàn toàn - dù việc này cực kỳ khó xảy ra và không thực tế” , bà Barr nhấn mạnh.

    Sự cố bi thảm của tàu lặn Titan sau bốn ngày mất tích sẽ có tác động cực kỳ lớn đến ngành công nghiệp thám hiểm biển sâu. Theo các chuyên gia, tất cả các công ty thám hiểm biển sâu hiện sẽ khẩn trương rà soát lại các quy trình của họ và đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo các kế hoạch truyền thông về khủng hoảng của họ.

    "Chúng ta phải nhớ rằng bản chất của hoạt động thám hiểm biển sâu tiềm ẩn rủi ro cố hữu tự nhiên, bởi vậy các công ty trong lĩnh vực này phải có trách nhiệm đảm bảo rằng họ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để đảm bảo an toàn của nhân viên và hành khách”, bà Andy Barr nói.

    Kênh 14 (NewsWeek)

  • Vụ nổ kinh hoàng đã khiến toàn bộ những người trên tàu lặn Titan đi thám hiểm xác tàu Titanic tử vong. Nếu không rút vào phút cuối, triệu phú người Anh Chris Brown đã nằm trong danh sách nạn nhân.

    thoat khoi tau titan
    Triệu phú người Anh Chris Brown may mắn không trở thành nạn nhân vụ nổ tàu Titan khi rút lui vào phút cuối. Ảnh: Instagram

    Cuộc tìm kiếm chiếc tàu lặn Titan bị mất tích ở Bắc Đại Tây Dương đã kết thúc vào hôm 23/6, sau khi một robot lặn không người lái phát hiện ra gần xác tàu Titanic các mảnh vỡ được xác nhận là từ con tàu bị mất tích.

    Theo Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG), toàn bộ 5 nạn nhân trên tàu lặn Titan đều đã thiệt mạng trong một sự cố dường như là “một vụ nổ khủng khiếp”. Ocean Gate - công ty sở hữu tàu lặn Titan – cũng xác nhận thông tin trên.

    Danh sách nạn nhân bao gồm tỉ phú và nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding, ông trùm kinh doanh gốc Pakistan Shahzada Dawood và cậu con trai 19 tuổi Suleman, nhà hải dương học người Pháp Paul-Henri Nargeolet và ông Stockton Rush, người sáng lập và giám đốc điều hành Ocean Gate.

    Thông tin nêu trên là đoạn kết đáng buồn dành cho nỗ lực cứu hộ quốc tế quy mô lớn nhằm tìm kiếm tàu lặn Titan sau khi nó bị mất tích vào hôm 18/6 trong chuyến tham quan xác tàu Titanic.

    Tuy nhiên, có một triệu phú người Anh tên là Chris Brown, bạn của tỷ phú Hamish Harding, đã thoát nạn khi rút lui khỏi cuộc thám hiểm vì lo ngại về an toàn.

    Chia sẻ với hãng tin Reuters, ông Brown cho biết bản thân đã trả tiền đặt cọc cho Ocean Gate, nhưng sau đó quyết định rút lui vì không hài lòng với việc đóng tàu Titan.

    Theo ông Brown, công ty đã từ chối lấy chứng nhận tàu Titan đạt chuẩn để lặn xuống độ sâu cần thiết. “Vậy có vấn đề gì với việc lấy giấy chứng nhận?”, ông Brown đặt nghi vấn và sau đó quyết định rút lui không tham gia vào sự án tham quan xác tàu Titanic nữa.

    Vào tháng 3/2018, Hiệp hội Công nghệ Hàng hải cũng gửi thư cho lãnh đạo công ty Ocean Gate bày tỏ quan ngại về “những hậu quả tiêu cực” tiềm ẩn đối với chuyến thám hiểm xác tàu Titanic.

    Nhưng cuối cùng, chuyến đi vẫn được thực hiện. Để được tận mắt ngắm xác tàu Titanic, mỗi du khách phải chi 250.000 USD cho Ocean Gate - theo mức giá công bố năm ngoái.

    Tàu Titan đã khởi hành vào hôm 18/6, với lượng oxy đủ cho 96 giờ, trong chuyến lặn dự kiến kéo dài 2 giờ tới xác tàu Titanic. Tuy nhiên, khoảng 1 giờ 45 phút sau khi lặn xuống đáy Đại Tây Dương, tàu Titan đã mất liên lạc hoàn toàn.

    Hy vọng cũng từng được thắp lên khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo máy bay P-8 của Canada tham gia tìm kiếm đã nghe thấy những tiếng va đập lặp đi lặp lại đều đặn 30 phút/lần. Hệ thống sonar được triển khai 4 giờ sau đó và vẫn nghe thấy những âm thanh này.

    Nhưng cuối cùng, điều kỳ diệu đã không xảy ra dù các đội cứu hộ từ một số quốc gia đã dành nhiều ngày để tìm kiếm hàng km2 bằng máy bay và tàu.

    Nói về nguyên nhân vụ tai nạn, Chuẩn Đô đốc Cảnh sát biển Mỹ, ông John Mauger, cho biết sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, mọi người thống nhất rằng “các mảnh vỡ phù hợp với sự cố mất buồng áp suất gây hậu quả thảm khốc".

    Liên quan tới vấn đề này, Giáo sư về robot hàng hải tại Đại học Sydney (Australia), ông Stefan B. Williams, cho biết sự cố của hệ thống áp suất sẽ gây ra hậu quả “giống như một quả bom nhỏ phát nổ”.

    Về phần mình, ông Josh Dean, một nhà báo đã có nhiều năm kinh nghiệm tìm hiểu và viết về thám hiểm biển sâu, cho rằng hành khách trên tàu lặn Titan thậm chí còn không có thời gian để biết rằng có một vụ nổ đang diễn ra.

    “Đó là một điều vô cùng bi thảm. Sự cố này thường được mô tả là xảy ra nhanh hơn tốc độ xử lý của não”, nhà báo Dean trả lời phỏng vấn tạp chí People.

    Theo Báo Tin Tức

  • Sinh viên 19 tuổi đã tham gia vào chuyến thám hiểm bi kịch để làm vui lòng cha mình trong Ngày của Cha.

    Doanh nhân người Pakistan Shahzada Dawood và con trai Suleman, 19 tuổi, là 2 trong số 5 nạn nhân thiệt mạng khi tàu lặn Titan của công ty OceanGate gặp một vụ nổ thảm khốc chỉ cách mũi tàu Titanic gần 500 mét. Đây là thông tin được Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ công bố sau vài ngày tìm kiếm con tàu lặn thám hiểm xác tàu Titanic mất tích.

    Sinh viên đại học Suleman là nạn nhân xấu số trẻ nhất trên tàu. Mới đây, Azmeh Dawood - bác ruột của cậu đã chia sẻ với NBC News rằng cháu trai của bà đã tâm sự với một người họ hàng rằng cậu vốn “không thích lắm” với ý tưởng xuống đáy biển thăm Titanic nhưng cuối cùng vẫn tham gia vì cảm thấy buộc phải làm hài lòng cha mình, người rất say mê vụ đắm tàu năm 1912. Dù khá sợ hãi và không hứng thú, nhưng cậu muốn cha vui và coi như đó là món quà nhân ngày của Cha.

    nan nhan nho tuoi tau ngam titan 1

    nan nhan nho tuoi tau ngam titan 1
    Hình ảnh 2 cha con tỷ phú Dawood

    Chị gái của tỷ phú Dawood, Phó Chủ tịch của Tập đoàn Engro, đã nói trong nước mắt: "Tôi cảm thấy không thể tin được. Đó là một tình huống không có thật. Tôi đang nghĩ đến Suleman, 19 tuổi, ở trong đó...".

    Azmeh, giống như những người thân của các nạn nhân khác cũng đã theo dõi cuộc tìm kiếm trong lo lắng suốt những ngày qua. Bà cho biết: "Tôi cảm thấy thật khó thở khi nghĩ về họ. Nó không giống bất kỳ trải nghiệm nào tôi từng có".

    Azmeh cho biết bà luôn cảm thấy gần gũi với cháu trai Suleman, người mà bà mô tả là "rất tốt bụng". Ông bà của Suleman, Hussain và Kulsum Dawood, cũng đã bày tỏ lòng thương nhớ đối với cháu trai và con trai của họ, mô tả sự ra đi của hai cha con là một "sự mất mát không thể tưởng tượng nổi".

    Được biết, gia đình Dawood đã tập trung trên mặt nước nơi con tàu được nhìn thấy lần cuối để theo dõi tình hình cứu hộ trong những ngày qua. Vợ của ông Dawood là Christine và con gái Alina đã có mặt tại địa điểm tìm kiếm và khăng khăng sẽ túc trực đợi ở đó “miễn là họ có thể”.

    nan nhan nho tuoi tau ngam titan 1
    Suleman chụp ảnh với mẹ, Christine, một nhà tâm lý học

    Một người thân gia đình khác cho biết: “Không rõ điều gì đã khiến ông Dawood muốn đi thăm tàu Titanic cùng con trai, nhưng ông ấy có niềm đam mê khám phá và tôi hiểu đây là việc đã được lên kế hoạch từ lâu”.

    Ông Shahzada Dawood và con trai là người thừa kế của triều đại kinh doanh Dawood và nằm trong số những người giàu nhất Pakistan. Họ là công dân Anh và sống ở Surbiton, Surrey. Suleman và em gái của cậu đều lớn lên ở London.

    nan nhan nho tuoi tau ngam titan 1
    Shahzada Dawood là một trong những doanh nhân giàu nhất Pakistan, nắm giữ đế chế tập đoàn Engro

    Suleman đang theo học tại Đại học Strathclyde ở Glasgow. Cậu là sinh viên chuyên ngành Kinh doanh và vừa hoàn thành năm học đại học đầu tiên. Một tuyên bố của gia đình vào đầu tuần đã mô tả Suleman là "người hâm mộ lớn của khoa học viễn tưởng và học hỏi những điều mới".

    Các nạn nhân khác trên con tàu lặn xấu số là Giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush, cựu chiến binh Hải quân Pháp Paul-Henri (PH) Nargeolet và tỷ phú người Anh Hamish Harding. Họ đã mất tích kể từ khi tàu ngầm Titan biến mất vào Chủ nhật. Các chuyên gia hiện nhận định rằng rất khó để có thể tìm kiếm thi thể của 5 nạn nhân.

    Kênh 14 (Nguồn: Daily Mail)

  • Đạo diễn bộ phim Titanic - James Cameron cho rằng có những điểm tương đồng nhất định giữa thảm hoạ tàu Titanic năm 1912 và vụ nổ tàu Titan của OceanGate.

    tau titanic titan 1
    Một phần xác tàu Titanic. Ảnh: Atlantic Productions/Magellam

    Đạo diễn James Cameron, người tự mình thực hiện 33 lần lặn xuống hiện trường con tàu Titanic dưới Đại Tây Dương, trong đó có 12 lần liên quan đến bộ phim Titanic đã có những chia sẻ với ABC News - liên quan đến vụ việc tàu lặn Titan phát nổ khi đang thám hiểm tàu Titanic.

    “Tôi nghĩ có một sự trớ trêu, gần như siêu thực ở đây. Đó là Titanic bị chìm vì thuyền trưởng đã cho nó chạy vào một cánh đồng băng lúc ban đêm. Đêm đó không trăng với tầm nhìn rất kém, thuyền trưởng đã nhiều lần được cảnh báo nguy hiểm.

    Chúng tôi cũng đang thấy sự tương đồng giữa hai vụ việc. Trước đó, đã có những cảnh báo được đưa ra về chiếc tàu ngầm không được chứng nhận, nó không mang lại hiệu quả. Cuối cùng, thảm kịch một lần nữa xảy ra ngay gần tàu Titanic”, Cameron vừa chia sẻ với ABC News.

    tau titanic titan 1
    Đạo diễn James Cameron nói về điểm tương đồng giữa vụ nổ tàu Titan và thảm kịch Titanic. Ảnh: ABC News

    James Cameron là đạo diễn của bộ phim ăn khách Titanic, tác phẩm kinh điển được công chiếu lần đầu tiên vào năm 1997. Ông là một trong những người có hiểu biết nhất định về việc tàu Titanic bị đắm vào năm 1912.

    Trong cuộc sống, Cameron là một nhà thám hiểm biển sâu giàu kinh nghiệm. Ông cũng từng lặn xuống rãnh Mariana, điểm sâu nhất trong các đại dương trên trái đất.

    Nói về những chuyến đi đến địa điểm tàu Titanic bị nhấn chìm, Cameron cho biết: “Bạn cảm nhận được thảm kịch và tôi nghĩ điều này đã hấp dẫn tôi đến đó. Đây cũng chính là lí do tại sao mọi người muốn đi, tự mình trải nghiệm. Họ cũng muốn được cảm nhận và ghi nhớ về sự kiện lịch sử năm 1912 này".

    Đạo diễn Cameron nhấn mạnh bài học về sự an toàn, câu chuyện về Titanic vẫn còn đó nhưng nhiều người đang vô tình bỏ qua.

    Theo ông, những sự kiện đau lòng có thể ngăn chặn được nhưng phải đến khi hậu quả xảy ra, mọi người mới bắt đầu để ý đến điều đó. Sự nguy hiểm khi thám hiểm biển sâu là rất lớn, tiềm ẩn những nguy cơ mà không ai có thể không lường trước được.

    Đạo diễn James Cameron gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân trên tàu ngầm Titan.

    Bản thân đạo diễn Cameron đã từng khuyến cáo mọi người trên tờ New York Times vào năm 2012, tức là cách đây hơn 11 năm.

    tau titanic titan 1
    Tàu Titan phát nổ khi đang thám hiểm tàu Titanic. Ảnh: OceanGate

    Liên quan đến vụ việc 5 người gặp nạn khi đi thám hiểm xác tàu Titanic ở Đại Tây Dương, đội cứu hộ đang tích cực tìm kiếm các nạn nhân.

    Chuẩn Đô đốc Cảnh sát biển Hoa Kỳ - John Mauger cho biết, các phương tiện điều khiển từ xa đã xác định được một vật thể của tàu lặn Titan cách mũi tàu đắm Titanic khoảng 500m.

    Công ty đứng sau chuyến đi – OceanGate đã đưa ra một thông báo chính thức: "Giờ đây, chúng tôi tin rằng Giám đốc điều hành Stockton Rush, Hamish Harding, Paul-Henri Nargeolet, Shahzada Dawood và con trai Suleman Dawood đã qua đời một cách đau buồn.

    Họ là những nhà thám hiểm thực thụ, những người có chung tinh thần phiêu lưu khác biệt và niềm đam mê sâu sắc với việc khám phá, bảo vệ các đại dương trên thế giới…”.

    Theo Lao Động

  • Vợ của Stockton Rush, CEO OceanGate và là người điều khiển tàu ngầm Titan mất tích, là hậu duệ của một cặp vợ chồng đã tử nạn trong vụ chìm tàu Titanic năm 1912.

    Vợ của CEO OceanGate là Wendy Rush, tên khai sinh là Wendy Hollings Weil. Cô kết hôn với kỹ sư và doanh nhân Stockton Rush năm 1986. Họ đã luôn ở bên nhau cho đến khi ông Stockton mất tích cùng con tàu ngầm trong chuyến lặn tham quan xác tàu Titanic vào ngày 18/6.

    wendy rush titan mat tich 1
    Bà Wendy Rush đã cùng chồng thực hiện ba chuyến thám hiểm xác tàu Titanic trong ba năm qua. (Ảnh: nypost)

    Theo The New York Times, Wendy là hậu duệ đời chút (tức là sau đời cháu, chắt) của Isidor Straus và Ida Straus, 2 trong số những người giàu có nhất đã lên con tàu Titanic xấu số từ hơn một thế kỷ trước.

    Ông bà cố của Wendy, Isidor và Ida Straus là những doanh nhân giàu có bậc nhất ở New York thời bấy giờ. Isidor là người đồng sở hữu chuỗi cửa hàng Macy’s nổi tiếng ở Mỹ với anh trai của mình. Cha của hai anh em, ông Lazarus Straus đã thuyết phục Rowland Hussey Macy – người sáng lập Macy’s cho phép mình và hai con trai mở bộ phận bán đồ sành sứ trong cửa hàng vào năm 1896 và họ trở nên vô cùng giàu có nhờ kinh doanh mặt hàng này.

    wendy rush titan mat tich 1
    Isador Straus, nhà đồng sáng lập Macy's và vợ Ida Straus là một trong những người giàu nhất có mặt trên tàu Titanic. (Ảnh: NYpost)

    Trong bộ phim Titanic phát hành năm 1997, cặp đôi Isidor và Ida Straus được nhớ đến vì tình cảm xúc động giữa hai người với phân cảnh hai vợ chồng là đang nằm ngủ trên giường khi nước dâng lên. Trong phim, khi tàu Titanic chìm dần ở Đại Tây Dương, bà Ida đã từ chối lên xuồng cứu đắm - vì lúc ấy người ta cố cứu phụ nữ và trẻ em trước - để ở lại trên con tàu đắm cùng chồng mình. Cặp vợ chồng này đã đứng cạnh nhau trên boong tàu Titanic cho đến khi nó chìm hẳn xuống nước.

    wendy rush titan mat tich 1
    Hình ảnh ông bà Straus được khắc họa trong phim "Titanic" năm 1997. (Ảnh: 20th Century Fox)

    Tuy nhiên, ngoài đời thực, cặp đôi này đều được mời ngồi trên một chiếc xuồng cứu sinh bởi Ida là phụ nữ, còn Isidor là cựu nghị sĩ nổi tiếng. Song, Isidor đã từ chối, nói rằng ông sẽ không đi cho đến khi tất cả phụ nữ và trẻ em được lên tàu cứu hộ, Ida sau đó cũng từ chối yêu cầu lên tàu cứu hộ để ở lại với người chồng 40 năm của mình.

    Một trong các con gái của ông bà Straus là bà Minnie Straus. Bà Minnie kết hôn với Tiến sĩ Richard Weil năm 1905. Họ có con trai là Richard Weil Jr. Ông này lại có con trai là Tiến sĩ Richard Weil III. Ông Richard Weil III chính là cha của bà Wendy Rush. Như vậy là một lần nữa, người thân của bà Wendy có thể lại đã gặp nạn liên quan đến tàu Titanic.

    wendy rush titan mat tich 1
    Ông Stockton Rush, Giám đốc điều hành của OceanGate, là người điều khiển tàu ngầm Titan khi tàu mất tích vào ngày 18/6. (Ảnh: nypost)

    Bà Wendy Rush đã ba lần đến thăm xác tàu Titanic cùng công ty của chồng trong hai năm qua và hiện tại giữ chức vụ giám đốc truyền thông của OceanGate.

    Tiết lộ được đưa ra khi các thủy thủ đoàn đang tiếp tục công tác tìm kiếm chiếc tàu ngầm mất tích với chồng cô là người cầm lái. Ngoài Stockton Rush, chồng của Wendy, 4 thành viên còn lại trên tàu gồm có một nhà điều hành tàu ngầm người Pháp Paul-Henry Nargeolet, tỷ phú người Anh Hamish Harding, tỷ phú người Pakistan Shahzada Dawood và con trai Suleman Dawood.

    VTC (theo DailyMail)

  • Tuần duyên Mỹ cho biết các mảnh vỡ thu thập được cho thấy tàu lặn Titan đã bị "ép bẹp thảm khốc", khiến 5 người trên khoang thiệt mạng.

    Trong cuộc họp báo tại thành phố Boston, bang Massachusetts chiều 22/6 (rạng sáng 23/6 giờ Hà Nội), chuẩn đô đốc lực lượng tuần duyên Mỹ John Mauger cho biết phương tiện tự hành dưới nước triển khai từ tàu Canada phát hiện đám mảnh vỡ từ tàu lặn Titan cách mũi xác tàu Titanic khoảng 488 m, ở độ sâu gần 4.000 m ở Bắc Đại Tây Dương.

    Theo các quan chức, 5 mảnh vỡ chính của tàu lặn dài 6,7 m đã được tìm thấy trong đám mảnh vỡ còn sót lại sau khi tàu bị phân tách. "Những mảnh vỡ cho thấy một vụ ép bẹp thảm khốc đã xảy ra ở buồng áp suất", ông Mauger cho hay.

    Ngay trước cuộc họp báo của tuần duyên Mỹ, OceanGate, công ty vận hành tàu lặn Titan, ra tuyên bố nói rằng không ai sống sót, trong đó có người sáng lập và giám đốc điều hành công ty, Stockton Rush. Ông Rush là người vận hành tàu.

    tau lan titan bi ep bep 1
    Chuẩn đô đốc lực lượng tuần duyên Mỹ John Mauger tại cuộc họp báo ở thành phố Boston, bang Massachusetts ngày 22/6. Ảnh: Reuters

    Các hành khách còn lại là tỷ phú và nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding, 58 tuổi, doanh nhân gốc Pakistan Shahzada Dawood, 48 tuổi cùng con trai 19 tuổi, Suleman, đều là công dân Anh, và nhà hải dương học quốc tịch Pháp kiêm chuyên gia nổi tiếng về tàu Titanic Paul-Henri Nargeolet, 77 tuổi. Nargeolet đã đến thăm xác tàu hàng chục lần.

    "Họ là những nhà thám hiểm thực thụ, có chung tinh thần phiêu lưu và đam mê với khám phá, bảo vệ các đại dương trên thế giới. Trái tim chúng tôi hướng về họ và gia đình họ trong thời gian bi thương này", công ty cho hay.

    Chuẩn đô đốc Mauger cho hay còn quá sớm để biết chính xác thời điểm tàu Titan gặp nạn. Lực lượng tìm kiếm đã đặt các phao thủy âm dưới nước hơn ba ngày ở khu vực này mà không phát hiện bất kỳ tiếng động lớn, dữ dội nào có thể phát ra khi tàu lặn bị ép bẹp.

    Nhưng vị trí mảnh vỡ tương đối gần xác tàu Titanic và thời gian lần liên lạc cuối cùng với Titan dường như cho thấy sự cố xảy ra khi tàu chuẩn bị đáp xuống đáy biển hôm 18/6.

    Phao thủy âm thu được một số tiếng động trong các ngày 20, 21/6, làm dấy lên hy vọng tàu Titan còn nguyên vẹn và những người trên đó đang cố liên lạc bằng cách đập vào thân tàu. Tuy nhiên, phân tích cho thấy âm thanh có thể phát ra từ thứ gì khác.

    "Dường như không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa tiếng ồn và vị trí mảnh vỡ dưới đáy biển", ông Mauger nói.

    Theo ông, đội tìm kiếm cùng tàu sẽ sớm rời hiện trường sau chiến dịch đa quốc gia kéo dài 4 ngày, song các thiết bị tự hành tiếp tục thu thập bằng chứng dưới đáy biển. Hiện không rõ liệu có thể trục vớt các thi thể nạn nhân lên hay không, do tính chất của vụ tai nạn và điều kiện khắc nghiệt ở độ sâu đó.

    "Thay mặt Tuần duyên Mỹ và toàn bộ trung tâm chỉ huy tìm kiếm, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình", chuẩn đô đốc Mỹ nói thêm.

    tau lan titan bi ep bep 1
    Từ trái qua phải: Hamish Harding, Shahzada Dawood, Suleman Dawood, Paul-Henri Nargeolet và Stockton Rush, các nạn nhân trên tàu lặn Titan. Ảnh: CNN

    Tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức giấu tên nói rằng thiết bị giám sát âm thanh bí mật dưới nước của hải quân Mỹ ghi nhận một vụ ép bẹp tại thời điểm tàu Titan biến mất ở Đại Tây Dương. Thiết bị này được thiết kế để phát hiện tàu ngầm.

    "Hải quân Mỹ đã phân tích dữ liệu âm thanh và phát hiện sự bất thường, khớp với một vụ ép bẹp ở khu vực lân cận nơi tàu lặn Titan đang hoạt động khi mất liên lạc", quan chức này cho hay.

    Tàu lặn Titan mất tích ngày 18/6 khi đang chở 5 người thực hiện chuyến tham quan xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương, cách Newfoundland của Canada khoảng 600 km. Theo trang web của công ty, chuyến thám hiểm dưới đáy biển tới xác tàu Titanic được OceanGate thực hiện từ năm 2021, với giá 250.000 USD mỗi người.

    VnExpress (theo AFP, Reuters)

  • tau ngam choi game 1

    Chiếc tàu ngầm chở 5 người bị mất tích tại Đại Tây Dương hôm 19/6 vừa qua được điều khiển bằng tay cầm chơi game có giá chỉ 30 USD, làm dấy lên những lo ngại về tiêu chuẩn an toàn của chiếc tàu này.

    Ngày 19/6 vừa qua, tàu ngầm du lịch có tên Titan chở theo 5 người gồm 4 du khách và một người điều khiển, đã bị mất tích dưới Đại Tây Dương trong lúc đang lặn xuống biển để tham quan xác con tàu đắm Titanic nổi tiếng.

    Được biết, mỗi du khách phải chi trả 250.000 USD để mua vé tham quan trên chiếc tàu ngầm này.

    Tín hiệu cuối cùng từ tàu ngầm gửi về tàu điều khiển trên mặt biển cho thấy vị trí của nó cách quần đảo Cape Code (bang Massachusetts, Mỹ) khoảng 1.400km về hướng đông, trong vùng nước có độ sâu khoảng 4.000m.

    Các hoạt động tìm kiếm cứu nạn được tiến hành nhanh chóng ngay sau khi tàu ngầm bị mất tín hiệu. Lực lượng tuần duyên Mỹ và Canada đang gấp rút tìm kiếm con tàu mất tích, khi dưỡng khí trên tàu ước tính chỉ sử dụng được trong khoảng từ 70 đến 90 tiếng kể từ thời điểm tàu lặn xuống biển.

    Theo hãng tin Bloomberg, toàn bộ tàu ngầm được khóa chốt phía bên ngoài, do vậy ngay cả khi tàu nổi lên, những người ngồi trong tàu cũng không thể tự thoát ra nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài và sẽ bị chết ngạt trong khoang.

    tau ngam choi game 1
    Tàu ngầm du lịch Titan của công ty OceanGate mất tích khi đưa các du khách xuống tham quan xác tàu đắm Titanic nổi tiếng (Ảnh: OceanGate Expeditions).

    Khi thông tin về vụ mất tích tàu ngầm Titan được truyền thông đăng tải và lan truyền trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng đã nhớ lại một chi tiết đáng chú ý về con tàu này.

    Cụ thể, trong một phóng sự của đài truyền hình CBS News vào tháng 11/2022, phóng viên David Pogue đã có chuyến thám hiểm xác tàu đắm Titanic bằng tàu ngầm Titan.

    Trước khi bắt đầu chuyến đi, Stockton Rush - CEO của OceanGate, công ty sở hữu và vận hành tàu ngầm Titan - đã dẫn phóng viên David Pogue tham quan toàn bộ con tàu.

    Trong đoạn phóng sự của CBS News, Stockton Rush cho biết tàu ngầm Titan được thiết kế để điều khiển một cách đơn giản, như cách sử dụng thang máy với các tính năng lặn xuống và nổi lên. Nhiều thành phần trong tàu Titan được lắp đặt một cách ngẫu hứng và sử dụng những linh kiện có sẵn trên thị trường.

    tau ngam choi game 1
    Stockton Rush (phải) khoe với phóng viên David Pogue về tay cầm điều khiển của tàu ngầm Titan (Ảnh: CBS News)

    Đáng chú ý, Stockton Rush đã khoe với phóng viên David Pogue rằng chiếc tàu ngầm Titan được điều khiển bằng một tay cầm chơi game của Logitech. Chiếc tay cầm chơi game này được gắn thêm 2 cần điều khiển in bằng 3D, giúp người điều khiển sử dụng dễ dàng và thuận tiện hơn.

    "Chúng tôi chạy toàn bộ mọi thứ bằng bộ điều khiển trò chơi này", Stockton Rush nói với David Pogue trong chương trình phóng sự của CBS News.

    Tay cầm chơi game sử dụng trong tàu ngầm Titan là loại tay cầm Logitech F710, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2010. Đây là loại tay cầm chơi game không dây dành cho máy tính, kết nối thông qua Bluetooth bằng một bộ thu USB có tần số 2,4GHz.

    Mặc dù nghe có vẻ lỗi thời nhưng tay cầm F710 hiện vẫn được Logitech sản xuất và bán trên thị trường với giá khoảng 30 USD.

    tau ngam choi game 1
    Bên trong tàu ngầm Titan được lắp đặt nhiều linh kiện một cách ngẫu hứng mà không theo các tiêu chuẩn an toàn (Ảnh: CBS News).

    Không phải là lần đầu tiên tàu ngầm Titan bị mất tích

    Việc tàu ngầm Titan được trang bị bộ điều khiển bằng tay cầm chơi game và được gắn nhiều phụ kiện không đồng bộ cho thấy con tàu này có vấn đề về tiêu chuẩn an toàn, nhưng không hiểu sao tàu ngầm Titan vẫn được khai thác cho mục đích du lịch.

    Đáng chú ý, sự cố xảy ra vào ngày 19/6 không phải là lần đầu tiên tàu ngầm Titan bị mất tích.

    Sau khi sự cố xảy ra, phóng viên David Pogue đã có một tiết lộ đầy bất ngờ trên trang Twitter của mình. Theo đó, phóng viên này cho biết vào mùa hè năm ngoái, chiếc tàu ngầm Titan cũng đã bị mất liên lạc với trạm điều khiển trong vài giờ.

    Khi đó, vào thời điểm tàu ngầm xảy ra sự cố mất liên lạc với tàu điều khiển trên mặt nước, David Pogue đang có mặt trên tàu điều khiển.

    May mắn tàu ngầm sau đó đã có thể liên lạc trở lại với tàu điều khiển và nổi lên an toàn. David Pogue không cho biết vào thời điểm tàu xảy ra sự cố có bao nhiêu người đang ngồi trong khoang.

    Quay trở lại với sự cố ngày 19/6, lực lượng cứu hộ đang áp dụng nhiều công nghệ hiện đại bao gồm máy bay săn tàu ngầm, hệ thống phao sonar (kỹ thuật sử dụng sự lan truyền âm thanh để xác định vị trí các vật thể dưới nước)… nhằm tìm kiếm vị trí của tàu ngầm bị mất tích, nhưng đến nay các nỗ lực tìm kiếm vẫn chưa có kết quả.

    Dân Trí (theo DTrends/AW)

  • Tỷ phú người Anh nằm trong số 5 hành khách mất tích trên con tàu ngầm Titan, khi đang thực hiện chuyến thám hiểm xác tàu Titanic ở khu vực Bắc Đại Tây Dương.

    Tàu ngầm mất tích khi thám hiểm xác Titanic

    ty phu nguoi anh mat tich kham pha tau titanic 1
    Hình ảnh tàu lặn Titan của OceanGate Expeditions. Ảnh: OceanGate Expeditions

    Tàu ngầm thám hiểm du lịch khám phá xác tàu Titanic đã mất tích ngoài khơi bờ biển Đông Nam Canada, theo công ty tư nhân điều hành con tàu và Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ.

    Công ty OceanGate Explorations cho biết trong một tuyên bố hôm 19/6 rằng họ đang "huy động tất cả các phương án" để giải cứu những người trên con tàu ngầm bị mất tích dưới biển, thông thường có năm người trên tàu. Tỷ phú người Anh Hamish Harding nằm trong số các hành khách đi trên tàu ngầm mất tích này, theo một bài đăng trên mạng xã hội của một người thân của ông Harding.

    Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết trên Twitter rằng tàu Polar Prince đang đậu trên mặt biển, đã bị mất liên lạc với chiếc tàu lặn khoảng một giờ 45 phút sau khi nó bắt đầu lặn về phía xác tàu Titanic vào sáng 18/6 (theo giờ địa phương).

    Các nhà chức trách Mỹ và Canada đã triển khai một chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn, bao gồm tìm kiếm trên không và trên biển, theo tuyên bố từ Lực lượng Bảo vệ bờ biển và Bộ Quốc phòng Canada.

    Công ty OceanGate Explorations cho biết: "Chúng tôi vô cùng biết ơn vì sự hỗ trợ rộng rãi mà chúng tôi đã nhận được từ một số cơ quan chính phủ và các công ty biển trong nỗ lực thiết lập lại liên lạc với tàu lặn".

    ty phu nguoi anh mat tich kham pha tau titanic 1
    Vị tỷ phú và nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding nằm trong số 5 hành khách mất tích trên con tàu ngầm Titan. Ảnh: Facebook/Hamish Harding.

    Con của tỷ phú Harding đã viết trên tài khoản Facebook rằng ông Harding đã "mất tích trên tàu ngầm" và mong rằng mọi người "hãy suy nghĩ và cầu nguyện" cho ông. Người này sau đó đã xóa bài đăng trên Facebook với lý do tôn trọng quyền riêng tư của gia đình.

    Bản thân ông Harding đã đăng trên Facebook một ngày trước đó rằng ông sẽ lên con tàu phụ. Không có bài viết nào từ ông Harding kể từ đó.

    Nhóm hành khách thám hiểm đã ra khơi vào ngày 16/6 và chuyến lặn đầu tiên được ấn định vào sáng 18/6, theo bài đăng của ông Harding.

    Theo trang web của OceanGate Explorations, các cuộc thám hiểm có chi phí 250.000 USD một người, bắt đầu ở St. John's, Newfoundland, trước khi đi khoảng 400 dặm (640 km) vào Đại Tây Dương đến địa điểm xác tàu Titanic nằm.

    Để tham quan xác tàu, hành khách đi vào bên trong Titan, chiếc tàu lặn dành cho 5 người, mất hai giờ để xuống độ sâu khoảng 12.500 feet (3.800 mét) tới xác tàu Titanic. Công ty thám hiểm cho biết, con tàu có hệ thống hỗ trợ sự sống cho tải trọng tiêu chuẩn cho năm người trong 96 giờ đồng hồ.

    Titanic, con tàu chở khách nổi tiếng của Anh, đã bị chìm vào năm 1912 trong chuyến đi đầu tiên sau khi va phải một tảng băng trôi, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng. Câu chuyện đã trở thành bất tử trong sách phi hư cấu và hư cấu cũng như qua bộ phim bom tấn Titanic vào năm 1997.

    Thông tin mới nhất về quá trình tìm kiếm tàu Titan

    ty phu nguoi anh mat tich kham pha tau titanic 1
    Máy bay P8, có trang bị cảm biến định vị bằng sóng âm, đã được huy động tham gia công tác tìm kiếm tàu Titan. Ảnh: Reuters.

    Tàu Polar Prince đã tiếp cận khu vực gần xác tàu Titanic ở Đại Tây Dương vào sáng 18/6. Một tuyên bố trên mạng xã hội Facebook của tỷ phú Hamish Harding, một trong 5 hành khách, cho biết quá trình lặn của tàu ngầm Titan bắt đầu vào lúc 4h (giờ địa phương).

    "Con tàu bắt đầu lặn vào sáng 18/6, Thủy thủ đoàn của tàu mẹ Polar Prince đã mất liên lạc với hành khách trên tàu Titan khoảng một giờ 45 phút sau khi quá trình này bắt đầu", lực lượng tuần duyên thành phố Boston - đang dẫn đầu chiến dịch tìm kiếm - thông tin trên mạng xã hội Twitter.

    Con tàu Titan được cho là đang cách bờ biển của bán đảo Cape Cod khoảng 1.450 km ở thời điểm mất liên lạc.

    Chuẩn đô đốc lực lượng tuần duyên Mỹ John Mauger vào hôm 19/6 (theo giờ địa phương) nhận định chiến dịch giải cứu gặp phải nhiều thách thức do đây là một khu vực cách xa bờ.

    Theo ông, chiến dịch tìm kiếm có hai khía cạnh chính. Đầu tiên là cuộc tìm kiếm trên mặt nước, trong trường hợp tàu Titan đã nổi lên nhưng bị mất liên lạc. Khía cạnh thứ 2 là cuộc tìm kiếm dưới lòng biển sử dụng công nghệ định vị sóng âm.

    Lực lượng tuần duyên Mỹ đã điều 2 máy bay C-130 Hercules tham gia chiến dịch tìm kiếm trên mặt biển. Trong khi đó, một chiếc C-130 của Canada và một máy bay trinh sát P8, được trang bị hệ thống định vị sóng âm, tiến hành tìm kiếm con tàu ở dưới lòng biển.

    Chuẩn đô đốc Mauger cho biết lực lượng cứu hộ sẽ cần thêm nhân lực có chuyên môn, bao gồm từ hải quân Mỹ, để giải cứu Titan nếu con tàu ngầm này được phát hiện ở dưới lòng biển và đang cầu cứu.

    Theo Bộ Quốc phòng Canada, ngoài chiếc máy bay C-130, tàu tuần duyên Kopit Hopson của nước này cũng đang hỗ trợ công tác tìm kiếm.

    Horizon Maritime, đồng sở hữu tàu Polar Prince, xác nhận với BBC rằng phương tiện này cùng một tàu thứ 2 có tên Horizon Arctic đã được điều đến địa điểm tàu Titan mất tích.

    Tại sao khó giải cứu?

    ty phu nguoi anh mat tich kham pha tau titanic 1
    Xác tàu Titanic. (Ảnh: CNN)

    Theo New York Times, nhiều vấn đề phức tạp có thể cản trở nỗ lực giải cứu năm người trên tàu lặn sâu Titan. Tàu ngầm này đã không quay về sau chuyến lặn hôm 18/6 tới khu vực xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương.

    Đối với bất kỳ hoạt động tìm kiếm và cứu hộ nào trên biển, điều kiện thời tiết, tình trạng thiếu ánh sáng vào ban đêm, trạng thái của biển và nhiệt độ nước đều có thể đóng vai trò quyết định liệu các thủy thủ gặp nạn có thể được tìm thấy và giải cứu hay không. Đối với việc cứu hộ dưới nước sâu, các yếu tố để thành công lại càng nhiều và khó khăn hơn.

    Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất cần giải quyết là tìm thấy Titan.

    Nhiều phương tiện dưới nước được trang bị một thiết bị âm thanh, thường được gọi là pinger, phát ra âm thanh mà lực lượng cứu hộ có thể phát hiện dưới nước. Nhưng không rõ Titan có thiết bị này hay không.

    Chiếc tàu lặn này được cho là đã mất liên lạc với tàu hỗ trợ sau 1 giờ 45 phút chuyến lặn bắt đầu. Các chuyến thông thường kéo dài 2 tiếng rưỡi. Có thể có vấn đề với thiết bị liên lạc của Titan, hoặc với hệ thống chấn lưu kiểm soát quá trình đi xuống và đi lên.

    Một mối nguy hiểm khác có thể xảy ra đối với con tàu là bị kẹt không thể nổi lên mặt nước.

    Nếu tàu lặn được tìm thấy ở dưới đáy, thì độ sâu quá lớn sẽ hạn chế các phương tiện cứu hộ.

    Titanic nằm ở độ sâu khoảng 4.267 m dưới bề mặt Bắc Đại Tây Dương, độ sâu mà con người chỉ có thể chạm tới khi ở trong các tàu lặn chuyên dụng giúp họ giữ ấm, khô ráo và cung cấp không khí.

    Khả năng giải cứu duy nhất sẽ đến từ một phương tiện không người lái - về cơ bản là một thiết bị không người lái dưới nước. Hải quân Mỹ có phương tiện cứu hộ tàu ngầm, mặc dù nó có thể đạt đến độ sâu chỉ khoảng 600 mét. Để thu hồi các vật thể dưới đáy biển ở vùng nước sâu hơn, hải quân dựa vào các phương tiện điều khiển từ xa như CURV-21. Việc đưa các phương tiện này đến địa điểm cần có thời gian.

    Theo trang web của OceanGate, công ty vận hành dịch vụ tàu lặn, Titan có thể giữ cho năm người bên trong sống sót trong khoảng 96 giờ. Với nhiều tàu lặn, không khí bên trong được tái chế - CO2 được loại bỏ và oxy được thêm vào - nhưng trong một khoảng thời gian đủ dài, tàu sẽ mất khả năng lọc CO2 và không khí bên trong sẽ không còn đủ duy trì sự sống.

    Ngoài ra, nếu tàu Titan hết pin và không còn khả năng chạy máy sưởi để giữ ấm, những người bên trong có thể bị hạ thân nhiệt và tình hình cuối cùng trở nên không thể cứu vãn.

    Theo giadinh