• 29 người Việt được nhóm buôn người đưa sang Anh bằng tàu cá rồi lên xe tải bỏ trốn nhưng bị bắt, công tố viên cho biết hôm 9/10. 

    Chiếc tàu cá chở nhóm người Việt xuất phát từ Roscoff, tây bắc nước Pháp trên một tàu cá do hai nghi phạm Frank Walling và Glen Bennett điều khiển cập cảng Newlyn, hạt Cornwall, Anh vào sáng 12/4, công tố viên Don Tait thuật lại hành trình vượt biên của 29 người Việt tại phiên xét xử ở tòa án cấp cao thành phố Truro, Anh hôm 9/10.

    Nhóm người Việt gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em sau đó đi bộ vào bờ theo một cầu phao rồi di chuyển lên thùng sau của một chiếc xe tải trắng do nghi phạm Keith Plummer điều khiển. Jon Ransom, nghi phạm thứ tư trong vụ việc, lái một ôtô đi theo sau.

    Cảnh sát kiểm tra tàu cá chở 29 người Việt nhập cư trái phép ở cảng Newlyn, hạt Cornwall, Anh hôm 12/4. Ảnh: Cornwall Live

    Các công nhân làm việc tại cảng rất ngạc nhiên trước sự xuất hiện của nhóm người này nên đã gọi điện báo cảnh sát.

    Sau khi nhận được tin báo, cảnh sát đã điều động một trực thăng và các ôtô chặn hai chiếc xe trên đường cao tốc M5 cách đó 160 km. Plummer và Ransom bị bắt ngay tại chỗ, trong khi Walling và Bennett bị bắt ở một quán cafe khi đang ăn sáng.

    Nhóm người Việt bị cảnh sát phát hiện trên thùng xe tải sau khi bỏ trốn khỏi tàu cá hôm 12/4. Ảnh: Cornwall Live

    Trong tuyên bố được đọc trước tòa, Dale Frisk, nhân viên chợ cá Newlyn, cho biết anh đã nhìn thấy những người Việt nhảy ra khỏi tàu và hướng về chiếc xe tải đang chờ sẵn. Frederick Bates, một nhân chứng khác tại cảng, cho hay sự việc xảy ra vào 7h sáng và những người mà anh nhìn thấy "tương đối trẻ".

    Công tố viên Tait đã cho bồi thẩm đoàn xem các bức ảnh của con tàu chở nhóm người Việt với thân tàu hoen ố, nội thất chật chội, bẩn thỉu. Trên tàu có những lon đậu và mỳ tôm, bồn rửa mặt nhem nhuốc và một toilet bị tắc.

    Ông Tait cho biết khi bị cảnh sát thẩm vấn, Ransom khai "lan man và không rõ ràng". Nghi phạm này bác bỏ cáo buộc hỗ trợ nhập cư trái phép vào một nước thuộc Liên minh châu Âu theo Luật Di trú 1971, trong khi ba đồng phạm đã nhận tội. Phiên xét xử vẫn đang tiếp diễn.

    Theo VnExpress

  • Xa gia đình 20 năm là ngần ấy ngày tháng bôn ba kiếm sống khắp châu Âu, với đầy nước mắt, sự cay đắng, tủi nhục, anh Nguyễn Anh Hùng mới có cơ hội trở về nước. Ngày về, tóc anh đã ngả màu, cha thì ốm yếu, mẹ đã không còn nhận ra con nữa.

    (Ảnh minh họa)

    "Canh bạc đổi đời" trả giá 20 năm

    Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm khép mình trên phố Nguyễn Lương Bằng (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương), người đàn ông mới hơn 40 tuổi, mái tóc đã ngả hoa râm vẫn đang thở dài chua xót vì mình đã đánh một "canh bạc" trắng tay và mất đi 20 năm cuộc đời.

    Cách đây hơn 20 năm, anh Hùng sang Đông Đức (cũ) tìm kiếm hy vọng đổi đời. "Miền đất hứa" khi chưa đến, sao mà lung linh thế. Khi bức tường Berlin sụp đổ, anh Hùng không trốn sang Tây Đức như những người lao động khác mà quyết định về nước. Khi trở về, thấy đất nước còn nghèo, anh không biết làm nghề gì để có thu nhập. Chán cảnh nằm dài ở nhà, anh đành quay trở lại "miền đất hứa". Nhưng với những biến động chính trị phức tạp của Đông Âu lúc bấy giờ, chuyến đi của anh đầy nhọc nhằn, gian truân đến mức một người đã từng thông thạo tiếng Đức, biết về một số ngõ ngách của các nước Đông Âu như anh phải bất ngờ đến cay đắng.

    Anh Hùng kể: "Tháng 7/1992, tôi quyết định gom góp tiền của người nhà và bạn bè rồi bay sang Tiệp Khắc (cũ) để vượt biên quay trở lại Đức. Thời kỳ đó, tình hình của quốc gia này vô cùng phức tạp. Bức tường Berlin được phá bỏ nhưng người Đức của hai miền vẫn chưa thực sự là một. Khi đặt chân lên Thủ đô Praha (thủ đô của nước cộng hoà Séc bây giờ), anh cùng hơn 20 người Việt khác bị giữ lại sân bay, không  xuất cảnh được. Lúc đó, ba người lao động Việt Nam đã tìm cách trốn chạy trong đêm. Tuy nhiên, sáng hôm sau, cảnh sát sở tại lần theo dấu chân và bắt lại hai người, chỉ một người thoát được. Trong lúc căng thẳng ấy, đoàn lại xin mua vé máy bay, để bay sang thành phố Bratislava (thủ đô của nước cộng hòa Slovakia hiện nay), mong tìm được cơ hội xuất cảnh. Thế nhưng, ở đây, chúng tôi cũng không thể tiếp tục cuộc hành trình đến "miền đất hứa" được và phải nhận lệnh trục xuất về nước".

    Trên đường trở về, đoàn của anh Hùng nghỉ lại Băng Cốc (Thái Lan), sau đó tiếp tục bay từ đó về Việt Nam. Tại đây, anh Hùng gặp một người đàn ông Canada gốc Việt. Người này nói với anh rằng, nếu trốn thoát sang được Canada, anh có thể yên tâm, không bị trục xuất. "Một lần nữa, cơ hội về "miền đất hứa" lại nhen nhóm trong tôi. Tôi bàn với người bạn cùng quê trốn vào khoang chứa đồ trong chuyến bay về Toronto (Canada). Sau khi hai chúng tôi trốn được qua các chặng kiểm soát an ninh, chúng tôi tưởng chừng sẽ nằm yên vị sang đến Canada, nhưng sau đó lại bị cảnh sát phát hiện" - anh Hùng nói. Thế là sau một tuần từ Nội Bài (Hà Nội, Việt Nam) ra đi, vào một đêm trăng sáng của tháng mưa ngâu, anh Hùng lại quay về gõ cửa nhà trước sự ngỡ ngàng của người thân. Chuyến đi không thành, mang theo sự tiếc nuối, hụt hẫng... của anh Hùng và người thân.

    Ở nhà được năm tháng, anh Hùng lại khăn gói lên đường, tiếp tục hành trình đi tìm giấc mộng đổi đời. Tháng 2/1993, anh bay sang Nga để tìm đường vượt biên quay trở lại Đức. Khi sang đến Matxcova (thủ đô của nước Nga), anh gặp lại người bạn tên Quyết. Quyết ngỏ ý mời anh ở Nga làm ăn. Nhưng thấy thu nhập ở Nga rất thấp, anh Hùng lại nuôi ý định tìm "thiên đường" mới. Sau ba tháng ở lại Nga, anh Hùng lâm vào cảnh không một xu dính túi, anh phải sống vật vờ như một cái xác không hồn.

    Tháng 5/1993, anh "bắt sóng" được với một đường dây vượt biên sang Đức. Đó là hình thức vượt biên bằng thùng xe công-ten-nơ để trốn biên phòng. Anh đang chuẩn bị cho chuyến đi thì bỗng nghe tin xảy ra vụ việc hoang mang: 37 người vượt biên theo hình thức ngồi trong thùng xe tải bị chết ngạt. Thông tin ấy đã khiến anh sợ hãi, không dám vượt biên bằng hình thức này nữa. Đến cuối tháng 5/1993, anh mới tìm được một đường dây khác, đó là sang Đức bằng hình thức công vụ. Anh khoác lên mình bộ comple và xách vali lịch sự như một người công vụ. Bằng hình thức cải trang này, anh đã vượt biên trót lọt vào nước Đức. Anh Hùng gọi những cuộc hành trình tìm cơ hội đổi đời ở trời Tây ấy là một canh bạc. Trong canh bạc đó, anh Hùng đã phải trả cái giá bằng 20 năm cuộc đời.

    "Đời tôi chỉ là con số 0 tròn trĩnh"

    Ngừng câu chuyện lại chốc lát, anh Hùng đi lấy cho chúng tôi xem những bức ảnh còn lưu lại kỷ niệm về những tháng ngày cơ cực kiếm sống bên châu Âu. Mỗi bức ảnh ở một miền xa lạ, dường như đều in đậm trong ký ức anh về những ngày tha hương đầy máu và nước mắt.

    Đưa tôi xem một bức ảnh đã bị phủ màu ố lốm đốm, anh Hùng ngậm ngùi cho biết: "Đó là bức ảnh tôi chụp cách đây đã hơn 20 năm. Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, để kiếm sống ở trời Tây, người lao động phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Tại Đức, tôi đã lặn lội ở khắp nơi, khi ở thành phố, lúc dạt về các huyện lẻ để buôn thuốc lá. Bán thuốc lá ở Đức bị coi là buôn lậu. Không những phải đối mặt với các cuộc truy quét của cảnh sát địa phương mà còn phải đối mặt với những cuộc "chiến ngầm" của dân trong nghề, hòng giành giật thị trường. Thế lực ngầm này sẵn sàng chặn đường, giết người rồi ném xác vào rừng để cướp hàng".

    Làm ăn bên Đức được gần ba năm, anh "dính" phải một cuộc ẩu đả, chém giết thanh trừng lẫn nhau của các phe nhóm buôn lậu, khiến anh phải nằm im bất động. Đó là quãng thời gian đói khổ, sống cầm hơi qua ngày. Nhận thấy không thể sống bằng nghề buôn lậu này, anh đã quyết định chuyển nghề khác. Năm 1997, anh cùng một nhóm buôn lậu thuốc lá trước đó, tìm cách vượt biên sang Ba Lan. Tại Ba Lan, anh hành nghề buôn bán quần áo trong sân vận động. Năm 2002, anh gặp phải kẻ xấu, lừa lấy hết tài sản, vốn liếng tích cóp từ bao năm. Chán cảnh đời lênh đênh trong vô định, anh lại muốn về Việt Nam, nhưng kẹt nỗi không có giấy tờ hợp pháp, vậy là anh vẫn phải sống chui lủi, luôn đề phòng và chạy trốn lực lượng an ninh. Biệt danh "Hùng Ngẫn" của anh cũng có từ hồi đó.

    Cuộc sống chui lủi của anh Hùng chỉ thực sự chấm dứt khi những người lao động ở nước ngoài được định cư hợp pháp tại Ba Lan. Đó là năm 2012, nhờ có chính sách làm giấy tờ nhân đạo của Chính phủ Ba Lan, anh Hùng đã có giấy tờ, công nhận được định cư tại nước này. Cầm tờ giấy trên tay, anh mừng rơi nước mắt. Lúc này, anh mới cảm nhận được cuộc sống đàng hoàng của một người sau bao năm sống chui lủi. Anh quyết định về thăm quê.

    Kể đến đây, giọng anh Hùng nghẹn lại: "Nhanh thật, thấm thoắt thế mà đã 20 năm, tôi không ăn tết ở nhà. Cha già mái tóc đã bạc phơ, người mẹ còm cõi đã hoàn toàn mất trí nhớ, bà không còn nhận ra tôi nữa. Tôi cảm thấy mình có lỗi với bố mẹ, phận làm con mà chưa làm tròn nghĩa vụ. Có lẽ lần này tôi sẽ ở lại Việt Nam, không đi nữa". Anh Hùng ngao ngán tâm sự: "20 năm lăn lội ở xứ người, giờ đây cuộc đời tôi vẫn chỉ là con số 0 trõn trĩnh, không sự nghiệp, không tiền bạc, không vợ con... Nếu như ngày đó, tôi không đi nước ngoài mà chịu khó tu chí làm ăn tại Việt Nam thì có lẽ cuộc sống đã khấm khá hơn. Đằng này, tôi lại mạo hiểm, đánh đổi cả tuổi trẻ của mình bằng những chuyến đi thất bại".

    Khi được hỏi dự định của mình trong tương lai, anh Hùng nhìn ra bên ngoài khoảng không, đôi mắt đăm chiêu trong vô định, tiếng thở dài khe khẽ: "Tôi cũng muốn có một gia đình nhỏ để làm lại từ đầu, nhưng nhìn lại, tuổi giờ đã xế chiều. Thôi thì đến đâu hay đến đó vậy!"…

    Không ở đâu bằng quê hương mình

    Ngồi nói chuyện với anh Hùng mới thấy những cảnh đời vượt biên tìm "miền đất hứa" thấm đẫm những cơ cực, tủi nhục như thế nào. Cuộc sống mưu sinh ở đâu vốn cũng vất vả, nhưng ở phía bên kia chân trời còn nghiệt ngã hơn rất nhiều. Vì thế, nếu có điều kiện lập nghiệp ngay trên quê hương mình, theo anh Hùng, vẫn là lý tưởng nhất.

  • Một phụ nữ và một em bé nằm trong số 32 người di cư được giải cứu trên eo biển Anh.

    Bốn chiếc thuyền bơm hơi nhỏ đã bị các tàu của Lực lượng Biên phòng chặn lại và kéo đến cảng Dover vào sáng thứ Ba (27/8). Một số hình ảnh được ghi lại cho thấy khi chiếc thuyền thứ ba được kéo vào, một người phụ nữ đang bế một em bé đã bước lên bờ.

    Bài liên quan: Người di cư chết đuối trên đường bơi tới Anh

    Người phụ nữ và đứa trẻ, cùng với những người khác trong nhóm, được đưa đến một cơ sở của Bộ Nội vụ.

    Người di cư trên hai trong số những chiếc thuyền được hộ tống vào bờ vào lúc khoảng 8 giờ sáng, theo sau là chiếc thuyền còn lại. Những người di cư tự nhận là công dân Iraq và Iran.

    Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: "Vượt qua eo biển trên một chiếc thuyền nhỏ đem lại rủi ro rất lớn.

    "Bọn tội phạm thực hiện việc này là những kẻ tàn nhẫn và chúng không quan tâm đến mạng sống của người khác.

    "Chúng tôi có trong tay tàu tuần tra của Lực lượng Biên phòng và nhiều thiết bị bao gồm máy bay không người lái, camera quan sát và ống nhòm nhìn được vào ban đêm. Tất cả được sử dụng để xác định và ngăn chặn hoạt động nguy hiểm và bất hợp pháp này.

    "Bộ trưởng Bộ Nội vụ đang thảo luận với chính quyền Pháp về vấn đề này và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ ở tất cả các cấp với Pháp."

    Lực lượng bảo vệ bờ biển Dover xác nhận họ được gọi để hỗ trợ một hoạt động của Lực lượng Biên phòng, nhưng từ chối bình luận thêm.

    Vụ việc mới nhất này tiếp nối làn sóng những người di cư cố gắng di chuyển từ Pháp đến Vương quốc Anh trên những chiếc thuyền nhỏ.

    Trả lời về vụ việc mới nhất, nghị sĩ Dover và Deal, ông Charlie Elphicke nói: "Chuyện này sẽ chỉ kết thúc khi những người di cư và những kẻ buôn người đều hiểu rằng việc vượt biển sẽ không thành công."

    Ông kêu gọi chính quyền Pháp "hãy nắm bắt và ngăn chặn mọi người rời khỏi Pháp - trước khi có một thảm kịch khác xảy ra trên eo biển".

    "Cũng cần phải có sự giám sát 24/7 từ phía bờ biển Pháp – có vậy, tàu thuyền mới được phát hiện, chặn và đưa trở lại nơi an toàn", nghị sĩ nói thêm.

    Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel đã cho các quan chức 72 giờ để đưa ra một kế hoạch khẩn cấp nhằm giải quyết vấn đề này trước các cuộc đàm phán song phương với người đồng cấp Pháp vào thứ Năm.

    Các lựa chọn bao gồm gửi thêm các quan chức của Lực lượng Biên phòng tới Pháp, tăng cường các biện pháp công nghệ để phát hiện người di cư hoặc gửi thêm tàu ​​thuyền tới tuần tra khu vực eo biển.

    Vào thứ Sáu, ông Boris Johnson đã cảnh báo những người di cư bất hợp pháp rằng họ sẽ bị gửi trở lại nếu cố tình mạo hiểm vượt eo biển Anh.

    "Nếu bạn đến đây bất hợp pháp, bạn trở thành người nhập cư bất hợp pháp và luật pháp sẽ đối xử với bạn như vậy", ông nói.

    Bài liên quan: Người di cư chết đuối trên đường bơi tới Anh

    VietHome (Theo Sky News)

  • Câu chuyện về năm người chạy khỏi đất nước quê hương mình và tìm được nơi chốn an toàn ở xứ Wales đã được kể lại tại một triển lãm thực tế ảo ở Cardiff.

    Hạnh Trần là một trong hàng ngàn người Việt Nam đã vượt biên bằng thuyền sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam giành lại quyền kiểm soát miền Nam từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Dưới đây là câu chuyện về chuyến đi tìm nơi trú ngụ của người đàn ông tha hương.

    Khi Hạnh Trần lội qua bùn sâu ở cửa sông để lên một chiếc thuyền đang chờ trong một đêm tối tháng 7 năm 1979, ông không thể tưởng tượng được những thử thách mà bản thân sắp phải đương đầu.

    Ông là một trong số 800.000 người đã bước chân lên những chiếc thuyền đủ kích cỡ để chạy trốn khỏi một đất nước bị tàn phá bởi nhiều năm xung đột và bất ổn. Họ được biết đến với tên gọi ‘thuyền nhân Việt Nam.’

    Khi Quân đội Nhân dân Việt Nam hành quân vào Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975, một số người cảm thấy hoang mang về sự thay đổi chính quyền, nhưng ông Hạnh thì nghĩ rằng mình biết rõ điều gì đang chờ đợi bởi cha ông đã rời khỏi miền Bắc nhiều năm trước.

    Vì sợ hãi, ông Hạnh và một trong những anh em của mình đã chạy trốn rồi quyết định rời khỏi đất nước.

    Ông cùng em trai bị nhồi nhét vào một chiếc thuyền dài 11 mét với 86 người khác. Hạnh bị say sóng dữ dội và trải qua hai ngày đầu trong cơn quay cuồng. Khi ông thấy đỡ hơn, chiếc thuyền giờ đã ở trong vùng biển bao la không có đất liền xung quanh. Sau đó, bốn chiếc thuyền lớn hơn xuất hiện khiến mọi người đều reo hò mừng vui.

    "Mọi người đều rất hạnh phúc, vì chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ giải cứu chúng tôi", ông nói. Nhưng không.

    Ông Hạnh Trần và cuộc vượt biên hãi hùng cách đây 40 năm.

    Những chiếc thuyền đó được chỉ huy bởi cướp biển Thái Lan. Chúng bao vây thuyền tị nạn, chĩa súng vào những con người kinh hoàng trên chiếc thuyền nhỏ. Những thanh niên trẻ như Hạnh bị tách ra khỏi những người khác. Nhẫn cưới của ông đã bị cướp, và ông bắt đầu lo sợ điều tồi tệ nhất.

    "Đó là khoảnh khắc đáng sợ nhất trong cuộc đời tôi. Khi họ chia cắt chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ giết chúng tôi - không nghi ngờ gì về điều đó", ông nói.

    Tuy nhiên, những tên cướp biển đã không giết họ. Chúng cướp bóc của thuyền nhân nhưng vẫn cho phép họ tiếp tục cuộc hành trình. Đêm đó, những người tị nạn nhận ra những kẻ cầm súng có kế hoạch dành cho mình.

    Khoảng nửa đêm, họ thấy ánh đèn ở phía trước. Càng đến gần, họ dần nhận ra đó là những con tàu cướp biển đang chờ họ. Sau này, Hạnh được nghe nhiều câu chuyện về những người bị giết hoặc bị bắt cóc, và tin rằng những tên cướp biển sẽ tấn công một lần nữa trong bóng tối.

    Những người khốn khổ không nghĩ rằng họ có thể sống sót vào đến đất liền.

    "Mọi người trên thuyền đều im lặng và chúng tôi tắt đèn và động cơ. Ngay sau khi chúng tôi làm điều đó, ánh đèn phía trước bắt đầu soi rọi. Chúng biết rằng bọn tôi đã nhận ra chúng là ai và chúng tiến hành lùng sục chúng tôi."

    Họ đã xoay sở để trốn những tên cướp biển trong bóng đêm, và ngày hôm sau, đất liền Malaysia hiện ra, cùng với hai chiếc thuyền quân sự, những người trên thuyền ngay lập tức nổ súng cảnh cáo.

    "Chúng tôi càng đến gần họ, họ càng bắn nhiều hơn", Hạnh nhớ lại. "Vì vậy, chúng tôi quay thuyền chạy vòng quanh."

    Bị Malaysia từ chối, hy vọng cứu rỗi tiếp theo xuất hiện dưới hình thức một giàn khoan dầu. Khi thuyền đến gần công trình giữa biển này, một số người trên thuyền đã thảo luận về việc cố tình đánh chìm thuyền của mình ​​và buộc các công nhân giàn khoan dầu phải cứu họ.

    Kế hoạch đã bị hủy bỏ, nhưng được đề xuất một lần nữa vào ngày hôm sau, khi họ đến gần Singapore, con đường bị chặn bởi những chiếc thuyền quân sự và máy bay trực thăng. Hải quân Singapore đã kéo chiếc thuyền tị nạn ra khỏi đất liền trong bảy giờ để đảm bảo họ không thể quay lại.

    Thiên nhiên sau đó cũng quay lưng lại với những người tị nạn khi một cơn bão khổng lồ biến đại dương thành một khối nước đục ngầu dữ tợn.

    Hạnh nhớ lại: "Trong cơn bão, nước cao hơn thuyền bốn mét, và rồi chỉ phút sau, thuyền sẽ bị đẩy lên cao trên đỉnh sóng.

    "Mọi người đều nghĩ đó là dấu chấm hết. Tôi nghĩ đến vợ và con gái mới chỉ tám tháng tuổi. Tôi đã cầu Chúa và nói Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Khi tôi lên boong thuyền, tôi nghe thấy mọi người cũng đang cầu nguyện."

    Nhưng rồi cơn bão cũng qua đi. Không ai rơi xuống biển, và thậm chí còn có cá heo bơi bên cạnh chúng tôi. Đó là một khoảnh khắc vui vẻ ngắn ngủi.

    "Chúng tôi đã đến gần Indonesia," Hạnh nói. "Hai chiếc tàu rất lớn tiến về phía chúng tôi và bắt đầu nổ súng. Bạn có thể thấy những viên đạn rơi xuống nước và nghe thấy chúng bay sượt qua đầu."

    Ông Hạnh Trần hạnh phúc khi gia đình mình đã thoát khỏi cửa tử.

    Bị từ chối một lần nữa, lần này Hạnh và đồng đội của mình gặp may mắn khi dòng nước đưa họ tới một hòn đảo hoang vắng gần đó.

    "Chúng tôi đã rất, rất hạnh phúc khi đến được đất liền", Hạnh nói. "Chiếc thuyền đã bị tàn phá nên không ai có thể buộc chúng tôi quay trở lại."

    Khi chủ sở hữu của hòn đảo đến vào mười ngày sau đó để thu hoạch dừa, người này đã liên lạc với đất liền và hành trình của Hạnh đến với cuộc sống mới ở Anh bắt đầu.

    Khi Hạnh đi về phía tây, ông nhận được tin vui rằng những người còn lại trong gia đình ông đã đến Singapore sau khi đi khỏi Việt Nam.

    Vào tháng 4 năm 1980, Hạnh đoàn tụ cùng gia đình tại một trung tâm tị nạn ở Hastings, Kent. Vì các gia đình Việt Nam thích ở cùng nhau, Hạnh, chín anh chị em và bố mẹ ông đã được cấp một ngôi nhà lớn ở Newport, miền nam xứ Wales.

    "Lần đầu tiên nhìn thấy Newport, tôi cảm thấy như mình đang ở vùng nông thôn", Hạnh nói. "Thật là xanh tươi, đáng yêu và yên bình.

    "Lúc đó nơi đây chưa phát triển nhiều nên nó giống như một thị trấn nhỏ. Mọi người rất tốt và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Mặc dù có rào cản ngôn ngữ, bạn luôn nhận được sự giúp đỡ ngay khi bạn rời khỏi nhà."

    Anh chị em của ông dần di chuyển đến sống ở những vùng khác nhưng ông Hạnh là người ở lại lâu nhất.

    Hiện ông sống ở London, là một phần của cộng đồng người Việt, nơi ông tiếp tục được sống lại những câu chuyện về cuộc hành trình trên đại dương 40 năm trước.

    Hình ảnh này khiến bao nhiêu con người phải rơi lệ.

    Viethome (Theo BBC)

  • Magdalena Gomez Gregorio, 11 tuổi, vừa khóc vừa cầu xin cơ quan di trú Mỹ trả tự do cho bố mẹ. 

    Bé Magdalena Gomez Gregorio khóc xin chính quyền thả bố mẹ. Video: Guardian

    "Chính quyền xin hãy thể hiện chút thương xót", Gregorio mếu máo nói, lấy tay gạt nước mắt. "Hãy trả tự do cho bố mẹ cháu".

    Gregorio nằm trong số những trẻ em rơi vào cảnh bơ vơ sau khi bố mẹ bị bắt trong cuộc truy quét những người nhập cư không giấy tờ của cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) ở thành phố Forest, bang Mississippi hôm 8/8. Cuộc truy quét diễn ra ở 7 nhà máy chế biến thực phẩm và gần 680 công nhân đã bị bắt với cáo buộc cư trú Mỹ trái phép.

    Sau giờ học, Gregorio và những đứa trẻ khác được những người hàng xóm đưa đến một trung tâm thể thao cộng đồng để chăm sóc. Nhiều em cũng ôm mặt khóc vì bố mẹ bị bắt.

    "Cháu cần có bố mẹ", Gregorio nói. "Bố cháu không làm gì cả, ông ấy không phải là tội phạm".

    Hai bé trai khóc vì bố mẹ bị bắt tại trung tâm thể thao cộng đồng ở thành phố Forest, bang Mississippi. Ảnh: WJTV

    Christina Peralta, một phụ huynh có con học cùng trường với Gregorio, cho biết bố của cô bé làm việc tại nhà máy chế biến gà. "Anh ấy là người tốt. Anh ấy đã ở đây lâu rồi và không có tiền án tiền sự gì", cô nói.

    Peralta cũng là mẹ đỡ đầu của hai đứa trẻ có mẹ ruột bị bắt. Cô cảm thấy bất lực khi nhìn những cậu bé lo lắng vì không biết khi nào sẽ gặp lại mẹ mình. 

    "Thằng bé nói mẹ đi rồi, rằng nó rất thất vọng về Trump, nó chỉ muốn mẹ trở về", Peralta kể. "Bọn trẻ khóc suốt ngày từ lúc đi học về".

    Giám đốc trung tâm thể thao và các lãnh đạo cộng đồng đã giúp những đứa trẻ có chỗ ngủ, nhiều nhà hảo tâm cũng ủng hộ thực phẩm đồng thời bày tỏ sẵn lòng đưa các em tới trường vào ngày mai.

    Khoảng 300 người nhập cư bị bắt đã được thả, tuy nhiên ít nhất 377 người vẫn còn bị ICE giam giữ, theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ.

    Chiến dịch truy quét người nhập cư trái phép được ICE thực hiện theo lệnh của Tổng thống Trump từ tháng 6, sau khi quốc hội không đưa ra được giải pháp nào để giảm thiểu làn sóng vượt biên vào Mỹ. Ước tính có 10,5 triệu người nhập cư trái phép đang sống ở Mỹ và hơn 2.000 người đang nằm trong diện truy quét của ICE.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Người phụ nữ Guatemala ôm mặt khóc nức nở, tay ôm đứa con trai 6 tuổi đang nhìn chằm chằm vào binh sĩ ngăn họ vào Mỹ.

    Perez ôm con trai khóc, cầu xin binh sĩ Mexico cho vượt biên vào Mỹ hôm 22/7. Ảnh: Reuters

    Phóng viên Jose Luis Gonzalez của Reuters chiều 22/7 đang đi vòng quanh bờ sông Rio Grande ngăn cách biên giới Mỹ và Mexico thì thấy một nhóm người di cư, bao gồm Lety Perez và con trai, trên con đường bụi bặm nhìn ra bờ sông. Họ đã vượt qua chặng đường hơn 2.400 km từ Guatemala đến thành phố biên giới Ciudad Juarez này.

    Một binh sĩ Vệ binh Quốc gia Mexico bước tới chặn họ lại. Người phụ nữ cầu xin binh sĩ để mẹ con họ sang lãnh thổ Mỹ. Cô muốn vượt biên để có tương lai tốt hơn cho con trai Anthony Diaz.

    Binh sĩ Mexico mặc trang phục dã chiến, mang súng trường trên vai, nói rằng anh chỉ làm theo mệnh lệnh. Perez ngã khụy xuống, một tay che mặt khóc nức nở, một tay ôm đứa con trai 6 tuổi đang nhìn chằm chằm vào người lính. 

    "Khuôn mặt cô ấy là sự thu nhỏ những khổ đau của người di cư. Rất nhiều người phán xét người di cư, hỏi tại sao họ không ở lại đất nước, tại sao họ đến đây hoặc tại sao họ tới Mỹ. Mỗi người di cư đều có một câu chuyện", Gonzalez cho hay.

    Lợi dụng lúc người lính nhìn sang chỗ khác, Perez nắm tay con trai lẩn vào những bụi cây mọc ven sông. Họ nhanh chóng chạy qua bên kia sông và ra khỏi lãnh thổ Mexico. Tuy nhiên, hai mẹ con sau đó bị Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) bắt.

    Perez nắm tay con trai chạy vào bụi cây rậm bên sông và vượt biên vào Mỹ hôm 22/7. Ảnh: Reuters

    Bức ảnh ghi lại sự việc được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, trở thành tiêu điểm về vai trò của Vệ binh Quốc gia của Mexico trong việc ngăn dòng người di cư từ Trung Mỹ tìm cách vượt biên vào Mỹ. Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador thành lập Lực lượng Vệ binh Quốc gia để giảm tỷ lệ giết người cao kỷ lục tại quốc gia này, song gần 1/3 thành viên hiện được giao nhiệm vụ tuần tra biên giới để xoa dịu những yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

    Người lính không tỏ ra quyết liệt trong cuộc chạm trán kéo dài 9 phút với mẹ con Perez, nhưng anh vẫn bị người dùng mạng xã hội chỉ trích. Cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon cũng chia sẻ bức ảnh và nói rằng "thật đáng tiếc, Mexico không bao giờ nên chấp thuận yêu cầu này".

    Một cô bé 2 tuổi người Honduras khóc khi mẹ em bị truy lùng và bắt giữ gần biên giới Mỹ - Mexico hôm 12/6/2018, tại McAllen, bang Texas, Mỹ. Ảnh: Getty Images.

    Văn phòng Vệ binh Quốc gia và Tổng thống Lopez Obrador chưa đưa ra bình luận về sự việc. Lopez Obrador hồi tháng 6 nhấn mạnh Vệ binh Quốc gia không được lệnh bắt người di cư và việc trấn áp không được vi phạm nhân quyền.

    Theo số liệu của Mỹ, người di cư tới biên giới phía nam nước này đã giảm 1/3 trong tháng 6, còn khoảng 100.000 người, sau khi Mexico triển khai 21.000 lính Vệ binh Quốc gia tới biên giới, phần lớn được rút ra từ quân đội.

    Người phát ngôn CBP cho biết họ chưa thể xác định nơi ở hiện tại của Perez và con trai dựa trên các thông tin Reuters cung cấp. Tình huống của Perez và con trai sẽ được xử lý tại một trạm biên phòng và sau đó họ được giao cho Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan, hoặc bị tạm giữ để chờ phiên tòa xét xử tội nhập cư trái phép.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Ước mơ tới Mỹ để đoàn tụ với cha của cô bé Gurupreet Kaur đã nằm lại vĩnh viễn trên sa mạc Arizona, khi hai mẹ con bị bọn buôn người bỏ rơi.

    Di ảnh của bé Gurupreet Kaur trong phòng khách gia đình. Ảnh: CNN

    Tại một cửa hàng tạp hoá nhỏ trên con đường dẫn đến ngôi làng miền bắc Ấn Độ, mọi người đều biết đến câu chuyện thương tâm của gia đình bé gái 6 tuổi thiệt mạng khi cùng mẹ tìm đường vượt biên vào Mỹ. Đó là Gurupreet, cô bé bỏ mạng trên sa mạc Arizona, Mỹ hôm 12/6.

    Đã một tháng kể từ khi lực lượng biên phòng Mỹ tìm thấy thi thể Gurupreet Kaur ở phía bắc biên giới Mỹ - Mexico, hàng trăm người dân vẫn kéo đến cầu nguyện tại ngôi đền nhỏ Sikh, bày tỏ thương tiếc với cuộc đời ngắn ngủi của bé.

    Tuy nhiên đối với gia đình Gurupreet, dù thời gian trôi qua lâu thế nào, nỗi đau vẫn nguyên vẹn như ngày hôm qua.

    "Chúng tôi rất đau đớn", Gurmeet Singh, 70 tuổi, ông nội của bé Gurupreet, nói với phóng viên CNN trong phòng khách ngôi nhà nơi bé từng sống. "Mất một đứa trẻ không phải là điều dễ dàng với bất kỳ ai. Nhưng điều này thật quá đau lòng."

    Bên cạnh là bà nội Surinder Kaur đang ôm chặt di ảnh Gurupreet vào lòng và thẫn thờ nhìn xuống đất. Surinder nói bà đã ngất đi khi nghe tin về cái chết của cháu gái. "Khi tỉnh lại, tôi liên tục gọi tên con bé", Surinder nói. "Tôi muốn gặp con bé lần cuối."

    Một đoạn tường biên giới tại bang Arizona, gần nơi bé Gurupreet thiệt mạng. Ảnh: CNN

    Cha của Gurupreet rời Hasanpur tới Mỹ vài tháng sau khi bé được sinh ra. Anh hiện sống ở New York trong thời gian chờ tòa án nhập cư Mỹ xem xét đơn xin tị nạn.

    Trong suốt nhiều năm, đoàn tụ với cha luôn là ước mơ lớn nhất của Gurupreet. Cô bé luôn nói với gia đình ở Ấn Độ rằng muốn gặp lại cha nhiều như thế nào. Hai mẹ con Gurupreet sau đó lên kế hoạch tới New York để đoàn tụ gia đình.

    Tuy nhiên, các quan chức di trú cho biết quyết định này đã dẫn tới bước ngoặt bi thảm, khi hai mẹ con bị những kẻ buôn người đưa tới Mexico và dẫn họ theo con đường hẻo lánh để vượt biên vào Mỹ trong một ngày nắng nóng, nhiệt độ lên đến đỉnh điểm.

    Hai mẹ con Gurupreet cùng ba người Ấn Độ nữa trưa 11/6 bị những kẻ buôn người bỏ rơi ở giữa hoang mạc, cách khu dân cư Lukeville khoảng 27 km về phía tây. Giữa hoang mạc, người mẹ và một phụ nữ khác đi tìm nước, để con gái lại cho mẹ con một phụ nữ thứ ba trông nom.

    Sáng 12/6, người mẹ gặp lực lượng biên phòng Mỹ và làm ký hiệu cho biết bà bị lạc con gái cùng hai người nữa. "Họ không thể nhìn thấy nhau thêm một lần nào nữa", đặc vụ Pete Bidegain thuộc lực lượng biên phòng Mỹ tại khu vực Tucson, nói.

    4 tiếng sau, đội tuần tra biên phòng tìm thấy bé gái ở nơi cách biên giới 1,6 km. Cô bé lúc đó đã tử vong vì khát và sốc nhiệt.

    Các quan chức Mỹ đổ lỗi cho những kẻ buôn người đã gây nên cái chết cho bé, trong khi những người ủng hộ quyền nhập cư cáo buộc chính sách của chính phủ Mỹ quá hà khắc, buộc người di cư phải chọn những con đường nguy hiểm.

    Theo báo cáo năm 2017 từ Trung tâm nghiên cứu Pew, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington chuyên cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, dư luận và xu hướng nhân khẩu học, Ấn Độ là nơi có lượng người di cư lớn nhất thế giới. Báo cáo ghi nhận cứ 20 người di cư trên thế giới thì có một người đến từ Ấn Độ.

    Những đứa trẻ đáng thương trên hành trình tị nạn.

    Các chuyên gia nói rằng dòng người di cư từ Ấn Độ chủ yếu do vấn đề kinh tế. Một báo cáo từ Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm cho thấy những người di cư trẻ tuổi ở quốc gia này lo ngại về triển vọng việc làm trong nước nên có xu hướng tìm kiếm việc lương cao ở nước ngoài. Thống kê của Biên phòng Mỹ cũng cho thấy sự gia tăng trong dòng người di cư Ấn Độ không giấy tờ tại biên giới Mỹ - Mexico trong những năm gần đây.

    Trong tuyên bố được Liên minh người Sikh có trụ sở tại New York đưa ra tháng trước, cha mẹ Gurupreet cho biết họ đến Mỹ để tìm kiếm sự an toàn.

    "Chúng tôi muốn một cuộc sống an toàn hơn và tốt hơn cho con gái của mình. Xin tị nạn tại Mỹ là một quyết định khó khăn. Chúng tôi tin rằng mọi phụ huynh, bất kể nguồn gốc, màu da hay tín ngưỡng, đều hiểu rằng không có người cha người mẹ nào đặt con mình vào nguy hiểm trừ khi họ đã tuyệt vọng và đó là cách duy nhất", tuyên bố có đoạn.

    Ông bà của Gurupreet cho biết họ không rõ hai mẹ con đã tìm đường tới Mỹ như thế nào và tại sao họ lại quyết định vượt biên qua ngả Mexico. Nhưng họ biết rõ con trai và con dâu mình đang tuyệt vọng, hy vọng rằng chính phủ Mỹ sẽ cho họ có cơ hội ở lại.

    Gurmeet nói rằng gia đình ông đã sống ở đây hơn 70 năm, trong căn nhà gạch hai tầng nội thất đầy đủ được xây dựng và tu sửa qua nhiều thế hệ. Họ canh tác nông nghiệp trên khu đất của mình và thường thuê người thu hoạch khi đến vụ mùa.

    Khi Gurmeet trò chuyện với phóng viên CNN, một thành viên khác trong gia đình bước vào phòng khách, bế theo em họ 6 tháng tuổi của Gurupreet.

    "Chúng tôi đã nuôi nấng Gurupreet giống như đứa bé này, trên chính vòng tay mình," ông Gurmeet bật khóc. "Bây giờ con bé đã đi xa. Mọi thứ kết thúc thật rồi."

    Viethome (theo VnExpress)

  • Khi các nhà chức trách phát hiện, người cha đã chết còn cậu bé 10 tuổi đang hấp hối. Cậu nằm dưới đất trong vòng tay cha, quần áo và giày dính đầy bùn đất. Theo CNN, cổ đứa trẻ có vết cắt dài khoảng 7 cm.

    Hình ảnh hai cha con di cư được phát hiện nằm bất tỉnh bên vệ đường với vết cứa trên cổ ở bang Veracruz, Mexico, một lần nữa gây chấn động về vấn đề di cư.

    Hai cha con di cư bị cắt cổ vứt bên vệ đường ở bang Veracruz, Mexico . Ảnh: CNN.

    Hình ảnh của hai cha con ở Mexico gợi nhớ đến cha con di cư chết úp mặt ở biên giới Mỹ - Mexico gây rúng động hồi cuối tháng 6, kết cục bi thảm mà nhiều người di cư Trung Mỹ gặp phải trong lúc tìm đường sang Mỹ.

    Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền bang Morelos, ông Raúl Hernández, hai cha con bị cắt cổ là người di cư từ Guatemala.

    Đứa trẻ 10 tuổi tên là Cristian và người cha đã chết là Rudy, 37 tuổi. Cả hai rời bỏ quê hương vào ngày 28/5, lên đường mang theo "giấc mơ Mỹ". Đồng hành cùng họ là chú và em họ của Cristian.

    Hai anh em đã thuê một kẻ buôn lậu ở Guatemala để đưa 4 người đến Mỹ, nhưng tên này đã bỏ rơi họ ở Mexico, nơi họ bị bắt cóc, theo ông Hernández.

    Hiện cậu bé Cristian được điều trị tâm lý và y tế ở Mexico.

    Bộ trưởng Nội vụ bang Morelos, ông Pablo Ojeda Cardenas, cho biết những kẻ bắt cóc là thành viên của băng đảng ma túy Los Zetas. Những người này bị nghi đã gọi cho người thân của các nạn nhân ở Mỹ để đòi số tiền chuộc 12.000 USD. Gia đình có thể đã gửi đi 8.000 USD nhưng không nhận được phản hồi từ những kẻ bắt cóc.

    Vài ngày sau, vào ngày 6/7, Cristian và cha được tìm thấy trên một con đường đất ở bang Morelos. Họ đã bị bỏ lại cho đến chết. Cổ của cả hai bị rạch nhưng đứa trẻ vẫn thở.

    "Em đã trải qua phẫu thuật và sức khỏe đang hồi phục tốt", Bộ Ngoại giao Guatemala nói về tình trạng của Cristian. 

    Các nhà chức trách nói rằng chú và người anh em họ của Cristian đã trốn thoát, và hiện cũng được chính quyền Mexico chăm sóc.

    Theo CNN, những người di cư qua Mexico thường trở thành nạn nhân của các tội ác từ trộm cắp, tống tiền đến hãm hiếp và giết người.

    Bài liên quan: Tìm cách vượt biên, bố và con gái 2 tuổi chết đuối giữa dòng

    Viethome (theo Zing)

  • Hình ảnh hai cha con di cư được phát hiện nằm bất tỉnh bên vệ đường với vết cứa trên cổ ở bang Veracruz, Mexico, một lần nữa gây chấn động về vấn đề di cư.

    Khi các nhà chức trách phát hiện, người cha đã chết còn cậu bé 10 tuổi đang hấp hối. Cậu nằm dưới đất trong vòng tay cha, quần áo và giày dính đầy bùn đất. Theo CNN, cổ đứa trẻ có vết cắt dài khoảng 7 cm.

    Hai cha con di cư bị cắt cổ vứt bên vệ đường ở bang Veracruz, Mexico . Ảnh: CNN.

    Hình ảnh của hai cha con ở Mexico gợi nhớ đến cha con di cư chết úp mặt ở biên giới Mỹ - Mexico gây rúng động hồi cuối tháng 6, kết cục bi thảm mà nhiều người di cư Trung Mỹ gặp phải trong lúc tìm đường sang Mỹ.

    Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền bang Morelos, ông Raúl Hernández, hai cha con bị cắt cổ là người di cư từ Guatemala.

    Đứa trẻ 10 tuổi tên là Cristian và người cha đã chết là Rudy, 37 tuổi. Cả hai rời bỏ quê hương vào ngày 28/5, lên đường mang theo "giấc mơ Mỹ". Đồng hành cùng họ là chú và em họ của Cristian.

    Hai anh em đã thuê một kẻ buôn lậu ở Guatemala để đưa 4 người đến Mỹ, nhưng tên này đã bỏ rơi họ ở Mexico, nơi họ bị bắt cóc, theo ông Hernández.

    Hiện cậu bé Cristian được điều trị tâm lý và y tế ở Mexico.

    Bộ trưởng Nội vụ bang Morelos, ông Pablo Ojeda Cardenas, cho biết những kẻ bắt cóc là thành viên của băng đảng ma túy Los Zetas. Những người này bị nghi đã gọi cho người thân của các nạn nhân ở Mỹ để đòi số tiền chuộc 12.000 USD. Gia đình có thể đã gửi đi 8.000 USD nhưng không nhận được phản hồi từ những kẻ bắt cóc.

    Vài ngày sau, vào ngày 6/7, Cristian và cha được tìm thấy trên một con đường đất ở bang Morelos. Họ đã bị bỏ lại cho đến chết. Cổ của cả hai bị rạch nhưng đứa trẻ vẫn thở.

    "Em đã trải qua phẫu thuật và sức khỏe đang hồi phục tốt", Bộ Ngoại giao Guatemala nói về tình trạng của Cristian. 

    Các nhà chức trách nói rằng chú và người anh em họ của Cristian đã trốn thoát, và hiện cũng được chính quyền Mexico chăm sóc.

    Theo CNN, những người di cư qua Mexico thường trở thành nạn nhân của các tội ác từ trộm cắp, tống tiền đến hãm hiếp và giết người.

    Bài liên quan: Tìm cách vượt biên, bố và con gái 2 tuổi chết đuối giữa dòng

    Viethome (theo Zing)

  • Sông Rio Grande, nơi cướp đi mạng sống của hai cha con người El Salvador, là rào cản cuối cùng để người di cư đặt chân lên đất Mỹ.

    Người di cư El Salvador băng qua sông Rio Grande từ Piedras Negras, Mexico hôm 19/2. Ảnh: Reuters.

    Hình ảnh hai cha con người El Salvador chết đuối khi vượt sông Rio Grande hôm 23/6 đã gây chấn động dư luận thế giới. Nhưng họ chỉ là hai trong số hàng chục người chết đuối trong năm nay khi tìm đường vượt biên trái phép vào "thiên đường Mỹ". 

    Dưới ánh mặt trời bỏng rát rọi xuống vùng biên giới Mỹ, một gia đình 5 người đang ở giữa sông, vật lộn chống lại dòng nước xoáy có thể cuốn trôi bất cứ lúc nào. Đó có vẻ là bố mẹ và ba đứa con đang mạo hiểm mạng sống băng qua con sông Rio Grande ngăn cách biên giới Mexico và bang Texas, Mỹ.

    Người cha nắm chặt balô màu đen trên tay, hành lý duy nhất của gia đình. Trên lưng, anh cõng một bé trai mặc áo phông sọc 7 sắc cầu vồng. Bé gái nằm trên lưng người phụ nữ, tay ôm chặt cổ mẹ. 

    Đứa trẻ thứ ba lớn hơn và cao hơn, mặc áo phông đỏ, đi giữa hai người lớn. Nước ngập tới ngực em, trong lúc cậu bé nắm chặt tay bố mẹ. Em vật lộn để đứng thẳng người, nhưng nước dâng cao và chảy xiết, khiến cha mẹ chật vật để con không bị ngã.

    Gia đình họ băng qua con sông biên giới hôm 23/6, cố gắng tới Eagle Pass, một thị trấn biên giới nhỏ ở Texas, phía đông San Antonio. Bờ bên kia của Rio Grande nằm cách thị trấn nhỏ bé Piras Negras của Mexico khoảng 36 mét.

    Xuôi vài km về phía đông là nơi cha con bé gái El Salvador chết đuối, trong lúc người mẹ đang chờ ở Matamoros, bờ bên kia sông thuộc Mexico. 

    Nhiều người di cư chịu chung số phận với họ khi băng qua dòng sông nước chảy xiết này. Một số người may mắn hơn, trong đó có những em bé mới chập chững biết đi, được lực lượng tuần tra biên phòng kéo từ nước lên và hồi sức cấp cứu.

    Gia đình đang lội giữa sông dường như gặp nguy hiểm và không thể đi tiếp, dù đã tới gần hơn phía bờ bên kia, nơi được coi là "miền đất hứa" với hàng triệu người nghèo đói ở Trung Mỹ. Nếu quay lại, cơ quan di trú Mexico chắc chắn sẽ trục xuất họ về nước. Cách duy nhất là tiến về phía trước, cố gắng xin tị nạn ở Mỹ.

    Nhưng khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn người dân qua biên giới xin tị nạn, nhiều người mắc kẹt ở Mexico đã tìm đến những biện pháp tuyệt vọng.

    Sự tuyệt vọng ấy thể hiện rất rõ với gia đình 5 người, khi cậu bé lớn nhất vô cùng sợ hãi, còn người bố nắm chặt tay con, cố gắng kéo cả gia đình tiến lên. Ba lính biên phòng Mỹ ở phía Texas đang quan sát họ và nói chuyện nhưng không có hành động nào.

    Thời gian trôi qua, họ đã ngâm mình dưới nước hơn một giờ. Lính biên phòng Mỹ lên thuyền, hướng về phía 5 người, hướng dẫn họ di chuyển về một cù lao nhỏ trên sông, sau đó đưa trẻ con và người lớn lên thuyền.

    Một xe tải của chính phủ đang đợi. Lính biên phòng đưa 5 người lên xe, đi về trạm tuần tra biên giới Eagle Pass, nơi họ có thể bị giam tới khi được phép xin tị nạn, dù quá trình này mất vài tháng tới vài năm.

    Lực lượng biên phòng Mỹ giải cứu người di cư trên sông Rio Grande hôm 19/2. Ảnh: Reuters.

    Phía bên kia bờ sông, tại Piedras Negras, một nhóm người di cư theo dõi toàn bộ quá trình. Elodio Vergara Martínez cho biết anh vừa từ nhà thờ về, đốt tay trắng bệch vì cầm chặt quyển Sách Mặc môn, thể hiện rõ vẻ căng thẳng khi chứng kiến nỗi đau của một gia đình chia ly vì cái chết.

    "Mỗi lần đi nhà thờ, tôi luôn đi bộ dọc bờ sông. Tôi hay nhìn xem có cá sấu không, nhưng chưa từng thấy. Tôi nghĩ rằng gia đình kia đã rất may mắn", Martínez nói. "Các sĩ quan biên phòng Mỹ nên giải cứu họ sớm hơn. Họ chỉ đang cố làm cho gia đình kia đau khổ thêm".

    Claudio Bres Garza, thị trưởng Piedras Negras, cả đời sống ở đây. Ông cho biết gần đây lượng người di cư qua Mexico cao chưa từng có, đặc biệt là các gia đình đến từ Trung Mỹ. 

    "Tôi đã nhìn thấy ảnh hai bố con chết đuối sáng nay. Hơn 8 trẻ em đã chết đuối ở con sông này năm nay, thật kinh khủng", ông nói.

    Số lượng nhân viên thực thi pháp luật Mexico tăng lên trong những ngày gần đây, khi Trump yêu cầu chính quyền Mexico ngăn chặn người di cư vượt biên. Hơn 200 cảnh sát liên bang Mexico đã tới Piras Negras thứ bảy tuần trước, tăng cường cho lực lượng vệ binh quốc gia và cán bộ nhập cư. Họ đi tuần quanh con sông và kiểm tra giấy tờ của người dân suốt ngày đêm.

    Sáng chủ nhật, gia đình Sánchez Reyes gồm 8 người di cư từ El Salvador đã tới nơi trú ẩn do các nữ tu dòng Công giáo ở Piras Negras điều hành. Reyes cho biết họ có một tiệm bánh ở El Salvador, nhưng các băng đảng bắt đầu tống tiền, cuối cùng lấy nhà và chiếm cửa tiệm, buộc họ phải chạy trốn sau khi một cháu gái trong nhà bị giết.

    "Chúng tôi có thể ở lại Mexico, chúng tôi muốn tìm việc làm ở đây", Flor Sánchez Reyes nói.

    Cuối ngày hôm đó, gia đình Sasnchez rời khỏi nơi trú ẩn để "đi dạo và tắm sông" sau chuyến xe dài 6 giờ từ nội địa Mexico. Khi tới gần con sông, các nhân viên nhập cư Mexico ngăn lại, hỏi giấy tờ, sau đó bắt giam họ.

    "Nếu nhân viên nhập cư bắt được họ ở bên bờ sông thì chắc chắn họ sẽ bị trục xuất", Isabel Turcios, một nữ tu phụ trách khu lưu trú Casa del Migrante cho hay.

    Sĩ quan cảnh sát liên bang Mexico làm việc theo ca trực 12 tiếng dưới ánh nắng gay gắt, không có bóng râm, rất ít nước uống và thức ăn. "Chúng tôi được yêu cầu nhận dạng mọi người, đặc biệt là những cá nhân trông giống người nước ngoài", một sĩ quan giấu tên cho biết. "Hôm qua, chúng tôi gặp một người Mỹ say rượu mà không có visa hợp lệ. Chúng tôi đưa anh ta tới trại giam người nhập cư và anh ta sẽ bị trục xuất".

    Một người khác cho biết "chúng tôi hiểu rằng mình đang làm việc của lính biên phòng Mỹ và nó khiến tôi rất buồn. Chúng tôi đã trở thành bức tường của Trump, nhưng chúng tôi có thể làm được gì khác? Chúng tôi buộc phải tuân lệnh".

    Claudia Hernández, một cảnh sát địa phương, cho biết những người di cư lén lút tới bờ sông khi lực lượng an ninh đổi gác, thường vào khoảng 20h, lúc ai cũng mệt mỏi. 

    "Đó là lúc họ chạy trốn tới bờ sông. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy họ chạy nhanh thế nào. Chúng tôi không thể đuổi theo xuống sông vì quá nguy hiểm", cô nói.

    "Con sông này cực kỳ nguy hiểm, nhưng những người không phải dân ở đây không biết điều đó. Tôi lớn lên dọc bờ Rio Grande, thậm chí không dám xuống nước bơi hay tắm. Sông chảy xiết, rất nhiều xoáy có thể kéo ta xuống bất kỳ lúc nào. Tôi đã đứng gác ở đây hai tháng qua và rất buồn khi thấy nhiều cha mẹ mạo hiểm mạng sống của mình và con cái. Chuyện này xảy ra suốt", cô nói thêm.

    Thành phố Pideras Gegras bên bờ sông Rio Grande đoạn ngăn cách biên giới Mexico - Mỹ. Ảnh: World Atlas.

    Trong khi đó, Ángel Díaz, một người Nicaragua di cư, đã qua sông cùng 6 người nhà, bao gồm cô con gái mới sinh của anh vào cuối ngày chủ nhật. Gia đình họ từng nói sẽ ở lại trại dành cho người di cư ở Piedras Negras, nhưng cuối cùng lại biến mất ở phía bờ sông. Nhiều giờ sau, họ nhắn tin báo lại rằng đã vượt sông an toàn và đặt chân tới Eagle Pass.

    "Không ai ngăn chúng tôi khi xuống sông. Chúng tôi thay quần áo ướt, đợi rất lâu bên bờ. Chúng tôi muốn bị lính biên phòng phát hiện", Diaz nói. "Nhưng chẳng thấy xe tải nào của họ, vì vậy chúng tôi quyết định đi bộ tới Eagle Pass".

    Họ tìm thấy một nhà nghỉ và tá túc ở đó nhờ lòng thương của người chủ, ông cho phép họ trả tiền trọ bằng đồng peso của Mexico.

    "Chúng tôi đang tìm xem có thể làm được gì", Díaz nói. "Chúng tôi nên ra đầu thú hay tiếp tục đi. Chúng tôi không có tiền, vì thế rất khó ra khỏi Eagle Pass. Chúng tôi sẽ sớm ra quyết định. Tôi nghĩ tốt hơn nên đến đồn biên phòng đầu thú".

    Trở lại Piedras Negras, nghĩa trang thành phố đầy những cây thánh giá gỗ thô sơ đánh dấu mộ phần của những người di cư không rõ danh tính chết đuối trên sông từ đầu năm.

    Cũng giống như người cha và con gái trong tấm ảnh úp mặt xuống lòng sông Rio Grande cách đó vài km về phía đông, không thể biết chính xác chuyện kinh khủng gì đã xảy ra và họ đã cầu nguyện điều gì trong những giây cuối cuộc đời.

    Bài liên quan: Tìm cách vượt biên, bố và con gái 2 tuổi chết đuối giữa dòng

    Số phận thi thể hai cha con chết đuối khi vượt biên và lời tâm sự của bà nội

    Cuộc sống quê nhà của hai cha con chết đuối trên dòng sông biên giới Mỹ

    Mỹ tranh cãi nảy lửa vì hình ảnh hai cha con tử nạn ở biên giới

    Viethome (theo VnExpress)

  • Martinez đặt con gái bên bờ sông phía Mỹ, quay lại đón vợ nhưng bé ngã xuống sông và anh tìm mọi cách để cứu con nhưng bị nước cuốn trôi.

    Xác của cha và con gái nhỏ dạt vào bờ.

    "Khi chúng tôi đến nơi, cô ấy đang la hét, gào khóc nói rằng dòng nước đã cuốn trôi con gái cô", Julia Le Duc, phóng viên tờ La Jornada ở thành phố Matamoros, Mexico, kể lại. Cô là người đã chụp bức ảnh hai cha con chết đuối trên sông Rio Grande giữa biên giới Mỹ - Mexico.

    Julia cho biết hôm 23/6, cảnh sát nhận được cuộc gọi khẩn cấp về một người phụ nữ đang tuyệt vọng bên bờ sông. Người phụ nữ ấy là Vanessa Avalos. Cô cùng chồng là Oscar Alberto Martinez, 26 tuổi, và con gái Valeria, hai tuổi, rời El Salvador đến Mexico hai tháng trước và muốn xin được tị nạn ở Mỹ.

    Gia đình họ đã xin được thị thực nhân đạo cho phép họ sống và làm việc tại Tapachula, phía nam Mexico trong một năm, song họ muốn thực hiện giấc mơ Mỹ nên đã bắt xe buýt tới biên giới.

    Họ đến nơi vào sáng 23/6 và đi thẳng đến cây cầu bắc qua sông Rio Grande, nối liền Mỹ và Mexico, để hỏi về quy trình xin tị nạn. Tuy nhiên, văn phòng di trú Mỹ hôm đó đóng cửa vì là cuối tuần và cũng có rất nhiều người đang xếp hàng trước họ.

    Vài tháng trước, khoảng 1.800 người chờ đợi ở Matamoros để phỏng vấn xin tị nạn. Con số hiện giảm xuống còn 300, nhưng chỉ có ba suất phỏng vấn mỗi tuần, đồng nghĩa với việc gia đình Martinez sẽ phải chờ đợi rất lâu.

    Khi họ đi bộ dọc cây cầu để quay lại Mexico, Martinez dừng lại, nhìn xuống dòng sông và nói: "Chúng ta sẽ vượt biên tại đây".

    Anh bơi qua sông trước cùng cô con gái nhỏ và để lại bé ở bờ phía Mỹ. Martinez quay lại đón vợ nhưng bé gái thấy cha rời đi nên chạy theo, chới với và ngã xuống sông. Martinez quay lại cứu con, nhưng dòng nước đã cuốn cả hai cha con đi.

    Những người chạy bộ, đi xe đạp bên bờ sông vào cuối tuần đã gọi điện cho cơ quan cứu hộ. Công tác tìm kiếm kéo dài đến hơn 23h hôm đó, nhưng nhà chức trách không phát hiện tung tích Martinez và con gái.

    Xuồng tuần tra của biên phòng Mỹ di chuyển trên sông Rio Grande, gần nơi hai bố con Martinez gặp nạn. Ảnh: AP.

    Sáng hôm sau, họ tiếp tục tìm kiếm và đến khoảng 10h15, lính cứu hỏa phát hiện hai thi thể. "Đó là khi tôi chụp bức ảnh", Julia nói. "Tôi là phóng viên theo chân cảnh sát đã nhiều năm, đã nhìn thấy rất nhiều thi thể và rất nhiều người chết đuối. Dòng chảy ở sông này rất mạnh. Bạn nghĩ nó nông nhưng thật ra có nhiều dòng chảy mạnh và xoáy nước".

    "Tôi tưởng mình đã chai lì, nhưng trước cảnh tượng này, tôi không thể kìm nén cảm xúc. Người cha đặt con gái vào trong áo để dòng nước không cuốn bé đi. Anh ấy chết khi đang cố cứu con mình", nữ phóng viên cho hay.

    Theo Julia, những gia đình này không có gì trong tay và họ đang mạo hiểm mọi thứ để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. "Có những gia đình tuyệt vọng, những con người tuyệt vọng làm những điều tuyệt vọng", Julia nói.

    Mẹ của Oscar ở El Salvador, bà Rosa Ramirez, đã nói chuyện với con dâu qua điện thoại sau thảm kịch. "Khi con bé rơi xuống nước, con trai tôi đã cố cứu con mình. Nhưng khi con trai tôi tìm được bé rồi, nó cũng bị cuốn đi và không thể thoát ra. Nó đặt con gái vào áo, và tôi cho rằng Oscar đã quyết định đi cùng con gái mình", bà Ramirez cho hay.

    Theo Ramirez, gia đình con trai bà rời bỏ quê hương vào ngày 3/4. "Tôi đã năn nỉ các con đừng đi, nhưng con trai tôi muốn kiếm tiền xây nhà. Chúng hy vọng sẽ ở đó vài năm và tiết kiệm đủ tiền để xây một ngôi nhà", bà nói.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Theo thông tin từ một quan chức di cư của Liên Hợp Quốc và hãng thông tấn nhà nước Tunisia, hàng chục người di cư đã bị chết đuối sau khi thuyền của họ bị lật trên biển Địa Trung Hải.

    Có tới 70 người có thể đã tử vong sau khi chiếc thuyền bị chìm, nhưng 16 người được cho là đã được giải cứu.

    Một quan chức của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ở Tunisia cho biết chiếc thuyền vận chuyển lậu người di cư này xuất phát từ Libya và nó đã gửi tín hiệu cấp cứu tại vùng biển quốc tế ngoài khơi thành phố ven biển Sfax của Tunisia. Các quan chức cho biết khoảng 60 đến 70 người đã chết đuối.

    Hãng thông tấn nhà nước TAP cho biết 70 người chết đuối khi thuyền chìm và một số tàu đánh cá đã giải cứu được 16 người.

    Quan chức IOM thông báo những người di cư hiện đang được chính quyền Tunisia thẩm vấn và chăm sóc. Quan chức này nói thêm trong số những người di cư có một số người mang quốc tịch Bangladesh và Morocco.

    Theo IOM, đây là vụ chìm thuyền di cư có thương vong cao nhất kể từ sự cố hồi tháng 1/2019 khi 117 người được báo cáo mất tích và được cho là đã chết. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh tổng số người di cư đến châu Âu đang có dấu hiệu giảm.

    Cho đến nay, 17.000 người di cư và người tị nạn đã vào châu Âu bằng đường biển, ít hơn khoảng 30% so với 24.000 người trong cùng kỳ năm ngoái, theo IOM.

    Được biết, 443 người đã chết trên các tuyến đường biển Địa Trung Hải tính đến thời điểm này trong năm, so với 620 người chết trong cùng kỳ năm 2018.

    Hải quân Libya tuyên bố họ đã giải cứu 213 người di cư châu Phi và Ả Rập ngoài khơi Địa Trung Hải trong tuần này. Những người này đã được bàn giao cho cảnh sát Libya sau khi nhận được viện trợ nhân đạo và y tế.

    VietHome (Theo Evening Standard)