• Ngay từ cuối tháng 1, không ít nhà đầu tư sẵn tài chính đã chủ động gom đất giá cắt lỗ sau nhiều tháng thị trường bất động sản trầm lắng.

    Nhà đầu tư đi gom đất

    Sau thời gian dài tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Hùng ở Thanh Xuân (Hà Nội) vừa xuống tiền mua lô đất 180m2 thổ cư ở xã Tân Xã, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Anh Hùng tự tin cho rằng mình đã mua được giá hời, bởi lô đất này có vị trí trong khu dân cư đông đúc, gần khu công nghệ Hòa Lạc, khá thuận lợi cho việc kinh doanh nhưng chỉ có giá 2,7 tỷ đồng, tương đương 15 triệu đồng/m2.

    "Tôi đã có thời gian khá dài để theo dõi diễn biến thị trường đất nền khu vực huyện Thạch Thất. Mức giá tôi chốt mua trên đã thấp hơn 4-5 triệu đồng/m2 so với thời điểm đầu năm 2022", anh Hùng nói.

    Tương tự anh Hùng, không ít nhà đầu tư có kinh nghiệm đang sẵn sàng xuống tiền để mua bất động sản. Trong đó, sản phẩm bất động sản giảm giá, cắt lỗ được quan tâm đầu tiên.

    Anh Phạm Văn Nguyên - một nhà đầu tư ở Hà Nội - cho biết, từ nhiều tháng nay, cả nhóm đầu tư của anh đã tập trung nghiên cứu và theo sát thị trường bất động sản ven đô. Trong đó, họ theo dõi rất kỹ biến động về giá bất động sản ở các phân khúc đất nền, biệt thự và liền kề trong các khu đô thị huyện Hoài Đức, Quốc Oai.

    "Giá bất động sản đã lập đỉnh ở thời điểm đầu năm 2022 và liên tục giảm giá trong những tháng gần đây. Với kinh nghiệm đầu tư, tôi nghĩ rằng, đây là cơ hội đầu tư tốt", anh Nguyên nhận định.

    het tet nha dau tu ruc rich gom dat
    Nhà đầu tư rục rịch đi "gom đất" sau thời gian thị trường trầm lắng (Ảnh minh họa: Hà Phong).

    Chia sẻ về thị trường bất động sản, anh Trần Văn Nghiêm - một chủ văn phòng môi giới bất động sản ở khu vực An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, khoảng thời gian từ tháng 6 đến cuối năm 2022, giao dịch nhà liền kề, biệt thự tại khu vực này gần như "đóng băng". Cá biệt, không ít chủ nhà đã bán giá cắt lỗ từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng nhưng vẫn không có khách mua.

    Tuy nhiên, theo anh Nghiêm, bước sang đầu năm 2023, xu hướng giảm giá, bán cắt lỗ vẫn diễn ra. Nhưng thị trường bắt đầu có giao dịch chuyển nhượng.

    "Một số nhà đầu tư sẵn tài chính bắt đầu lựa chọn xuống tiền mua các căn liền kề giá thấp hơn năm 2022. Đây cũng là những nhà đầu tư có kinh nghiệm đầu tư và theo dõi rất sát thị trường", anh Nghiêm cho hay.

    Cũng theo anh Nghiêm, ngoài việc bất động sản đang giảm giá, nguyên nhân khiến nhà đầu tư xuống tiền thời điểm này là nguồn tiền vay từ ngân hàng cũng dễ hơn so với năm 2022.

    Cũng theo chia sẻ của một môi giới bán nhà đất ở Hà Nội, giá đất nền tại các huyện ven trung tâm Thủ đô thời gian cuối năm 2021 và đầu năm 2021 liên tục lập đỉnh. Giá đất một số khu vực gần khu công nghệ cao Hòa Lạc, có vị trí kinh doanh tốt đã được đẩy cao tới 19-23 triệu đồng/m2.

    Tuy nhiên, môi giới trên cũng thừa nhận, hiện tại, giá đất khu vực nói trên đang có xu hướng giảm, có tình trạng cắt lỗ, giảm sâu của các chủ đất đang chịu áp lực đi vay. 

    Giá đất nền được điều chỉnh

    Theo báo cáo thị trường bất động sản 2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường địa ốc năm qua khá ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch. Nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm).

    Đặc biệt, thị trường bất động sản năm 2022 có cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, đầu tư; thiếu vắng các sản phẩm nhà ở phù hợp với túi tiền của số đông người dân.

    Về tỷ lệ tiêu thụ, toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV/2022, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%.

    Dữ liệu của VARS cũng cho thấy, giá bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền được điều chỉnh về giá trị thực, gần như nguyên trạng so với thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn "sốt đất". Tuy nhiên, phân khúc nhà ở, đặc biệt là căn hộ chung cư không nằm trong xu hướng giảm giá bán. Một phần do nhu cầu ở loại hình nhà ở này luôn hiện hữu và tăng không ngừng cùng quá trình đô thị hóa.

    Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, thị trường bất động sản năm nay sẽ còn nhiều áp lực do kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chịu các tác động từ yếu tố bên ngoài. Song, cơ hội để thị trường phục hồi vẫn có. "Khoảng cuối quý II năm nay, các giao dịch sẽ xuất hiện nhịp nhàng trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn", ông Đính nhận định. 

    Theo Dân Trí

  • Năm 2013, chị gái tôi tốt nghiệp đại học và muốn du học, cha mẹ tôi đành bán gấp miếng đất ở vùng ven Sài Gòn để xoay xở.

    Cha mẹ tôi thường bảo "chỉ có con người mới tạo ra của cải, còn của cải cũng chẳng tạo ra con người". Đầu tư học hành cho con cái có lợi gấp trăm ngàn lần cho chúng thật nhiều tiền.

    Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ, cha mẹ tôi đều là nông dân. Cha mẹ tôi nuôi hai đứa con học hết đại học mà chẳng phải bán một công ruộng nào.

    ban dat cho con du hoc
    Ảnh minh họa: Bloomberg

    Đời cha mẹ tôi chỉ duy nhất một lần bán đất vì con cái. Tôi còn nhớ khoảng năm 2010, cha mẹ tôi vừa nuôi hai con gái học đại học, vừa mua một miếng đất vùng ven trên Sài Gòn để dự định sau khi ra trường thì cất nhà cho con gái lập nghiệp.

    Khoảng năm 2013, chị gái tôi ra trường rồi mong muốn đi du học, cha mẹ tôi đành bán miếng đất đó để xoay sở tiền bạc. Vì bán gấp nên bị giá ép giá và lỗ hết 50 triệu so với giá mua.

    Nhiều năm sau, chị gái đi làm gửi tiền về, mua nhà ở quê cho cha mẹ hết 600 triệu, còn dư một ít cha mẹ mua vài công ruộng. Sau đó, chị gái tôi lập gia đình rồi mua nhà trả góp định cư ở nước ngoài.

    Còn tôi, tuy bất tài hơn nhưng bây giờ cuộc sống cũng ổn định có nhà trên Sài Gòn và vài công ruộng (mua chung với chị gái). Nếu cha mẹ tôi khăng khăng giữ miếng đất đó đợi tăng giá thì chị em tôi đã không có một cuộc sống tốt như hôm nay.

    Bài liên quan: Bán lô đất quê 6 tỷ đầu tư cho con du học, 5 năm sau, lô đất tăng gấp 3, người mẹ tuyên bố: "Tôi không bao giờ hối hận"

    Mảnh đất năm xưa bán được 6 tỷ để đầu tư cho con đi du học giờ đã tăng lên tới 17,5 tỷ đồng. Thu nhập 5 năm qua của những đứa con chưa hoà được vốn nhưng người phụ nữ đến từ Nam Định thừa nhận, chưa bao giờ hối hận về quyết định của chính mình.

    5 năm trước, gia đình bà N. (Nam Định) thuộc diện có thu nhập kinh tế trung bình. Từ khi kết hôn đến sinh con, vợ chồng bà chỉ kinh doanh buôn bán bằng nhiều nghề khác nhau để duy trì cuộc sống và nuôi 2 đứa con. Từ bán hàng ngoài chợ, mở quán ăn đến xây nhà nghỉ cho thuê. Bà N. xác định, dù vợ chồng chỉ buôn bán, không dư dả của ăn của để nhưng bà vẫn hy vọng và mong muốn cho 2 đứa con được học hành đầy đủ.

    Đến năm 2015, 2 đứa con bà N. nhận được cơ hội sang Thuỵ Điển du học và làm việc. Suy tính, nếu như không đầu tư con học thì cả đời này, gia đình bà cũng chỉ quanh quẩn với đất quê, lam lũ với công việc buôn bán. Bà không muốn những đứa con theo nghiệp buôn bán như vợ chồng bà.

    Thời điểm đó, bà đã quyết định bán căn nhà nghỉ để dành tiền cho con đi học. Lô đất của gia đình bà có diện tích hơn 200m2, mặt tiền 17m. Trên lô đất đã có nhà nghỉ 5 tầng, đầy đủ nội thất. Số tiền mà bà bán được là 6 tỷ đồng.

    Cầm 6 tỷ đồng trong tay, bà N. trả một phần cho khoản nợ nhiều năm kéo dài. Số tiền hơn 5 tỷ đồng bà dành 1/5 để mua lô đất gần 300m2 trong làng, xây căn nhà nhỏ và nhà thờ gia tiên.

    Số tiền còn lại, bà dành cho 2 đứa con đi du học và lập nghiệp tại Thuỵ Điển. Đến thời điểm hiện tại, bà N. cho biết, với cơn sốt đất xuất hiện, lô đất trước đây của gia đình bà nằm trên trục đường lớn hiện tại đã được giao dịch với giá hơn 17 tỷ đồng.

    "17,5 tỷ đồng đối với tôi rất lớn. Nói thật, đến bây giờ con tôi đi học và ra nước ngoài đi làm chưa bù lại đủ số vốn mà tôi đầu tư cho con. Nhưng tôi không bao giờ hối hận", bà N. cho hay.

    Theo quan điểm của bà N. đầu tư cho con cái là việc đầu tư vào tương lai. "Giờ tôi thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Không quá giàu có nhưng con tôi đều đã có công việc ổn định ở nước ngoài. Các cháu chín chắn, trưởng thành và thương bố mẹ. Nếu 5 năm trước, tôi không bán nhà đất cho con đi học thì giờ tôi đã có hơn 17 tỷ đồng. Đúng là một số tiền lớn. Nhưng tôi nghĩ, nếu con cái không có học hành tử tế, không công việc ổn định, không thương bố mẹ thì 17 tỷ cũng nhanh tan như gió. Thế nên tôi không hối hận vì quyết định thời điểm đó của mình dù bây giờ họ hàng xung quanh còn tiếc vì thời đó bán đi mảnh đất này".

    Theo VnExpress / Kênh 14

     

  • Thấy giá đất địa phương được cò "bơm thổi", tôi khuyên ngăn nhưng người anh họ nhất quyết vay hơn tỷ đồng để mua một mảnh.

    Anh họ tôi lên Sài Gòn làm việc đã lâu, nhờ tôi dọ hỏi mua đất nền dự án, nhưng tôi khuyên thật lòng nên mua đất ở mặt tiền đường lộ, có thể mắc hơn nhưng dễ làm ăn và bán lại.

    Anh họ tôi mua cái nhà cấp bốn ở mặt tiền, giá rất mềm do người bán cũng là chỗ bà con, nhưng cũng mất hết gần hai tỷ đồng. Do chỉ có tiền mặt tầm một tỷ, nên anh đã thế chấp nhà và đất để vay thêm một tỷ đồng. Bây giờ mỗi tháng phải trả lãi lẫn gốc hơn 18 triệu đồng.

    Hồi mới mua đất, anh nhẩm tính một hai năm sau bán ra sẽ lời tầm 300-400 triệu đồng rồi lấy vốn đầu tư làm ăn tiếp. Vậy mà đến bây giờ, sau khi đất nguội lạnh, kêu bán thì chẳng ai mua.

    dat que mat gia

    Dân địa phương không mua, người ở nơi khác tới xem, nghe giá thì họ chê mắc. Kêu bán mãi mà chưa được, anh cho một người khác thuê làm quán ăn với giá 5 triệu đồng một tháng. Rõ ràng, tiền thuê không đủ bù tiền lãi đi vay ngân hàng, nếu tính luôn khấu hao căn nhà cấp bốn thì lỗ chắc.

    Nhiều người mua đất chỗ tôi cũng rơi vào tình trạng giống như vậy. Tôi không biết nên cười hay tội nghiệp cho họ, bởi lúc mình khuyên thật lòng thì chẳng ai nghe.

    Tôi làm môi giới ký gửi mua bán đất ở địa phương mà nhiều người vẫn gọi là "cò". Ở địa phương tôi, vùng ven một thị trấn thuộc tỉnh gần TP HCM, người dân thường ký gửi hay có nhu cầu mua đất vườn, đất ruộng mà thôi, nhu cầu về đất nền để ở thực sự rất ít.

    Một lý do quan trọng là gia đình nào hầu như cũng có vài trăm mét vuông đất thổ cư, con cái ra riêng thì cứ cắt cho rồi xây nhà ở. Dân địa phương không có nhu cầu về đất nền, vậy ai có nhu cầu? Đó chính là những người đầu tư lướt sóng từ thành phố, tỉnh khác đổ về.

    Từ trước dịch Covid-19, tình hình mua bán đất ở chỗ tôi bỗng nhộn nhịp hẳn. Suốt những đợt dịch bùng phát, rồi sau khi dịch tạm lắng nhiều người vẫn có nhu cầu tìm mua. Tình hình chỉ tạm lắng trong thời gian đầu năm tới nay.

    Nhiều người hỏi tôi làm cò vậy chớ có để dành lô đất nào không vì họ thấy đất sốt bán có lời mắc ham. Tôi trả lời: "Tôi làm cò kiếm tiền hoa hồng, nhà đã có, đây cũng chỉ là việc thứ hai nên không có nhu cầu mạo hiểm lướt sóng".

    Vậy mà nhiều người không tin, hoặc tin thì chê tôi không thức thời. Tôi nói vậy cho tôi mượn tiền không tính lãi thì tôi mua để đó, chứ vay ngân hàng tôi oải lắm. Nghe tôi nói vậy thì họ im re chứ không nói gì thêm.

    Cái chính yếu là tôi thấy rõ đất quê tôi được bơm thổi như bong bóng bởi thực sự xung quanh không có tiện ích hay công ăn việc làm gì để tạo thu nhập cho nhiều người.

    Tôi thấy dân mình quan tâm đất, nhưng thường quy tiền mua ra vàng, và cái chính là giá cả được định rất cảm tính. Ví dụ ông A kêu tôi bán giùm miếng vườn, trước đó ông sẽ dọ những người đã bán được với giá bao nhiêu tiền. Thế rồi từ đó ông kêu mắc hơn một chút để người mua trả giá xuống là vừa.

    Đối với đất nền cũng vậy. Cộng với "cò" từ các công ty bất động sản bơm thổi, giá cả nhảy lung tung mà rất ít phụ thuộc vào kinh tế, hạ tầng, đời sống của cư dân địa phương...

    Hễ cứ nghe môi giới ca về tiềm năng có khu công nghiệp, lên thị trấn... là nhiều người lướt sóng sẽ xuống tiền mua, vay tiền cũng phải mua vì nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội làm giàu.

    Tôi mới vừa nghe người chủ quán ăn thuê chỗ của anh họ tôi than là buôn bán ế ẩm, không đủ trả tiền nhà. Nếu ông ấy mà trả mặt bằng, thì ai sẽ là người thuê giá 5 triệu tiếp theo đây?

    Theo VnExpress

  • Tôi 36 tuổi vẫn âm thầm ở trọ vì không muốn phải sống, ngủ trong căn nhà mà áp lực nợ nần quá nhiều.

    Cuối năm 2019, dự án tâm huyết ấp ủ bấy lâu đã thành hiện thực, tôi thành lập một công ty truyền thông và tự điều hành. Tôi trả lương cho mình và đồng đội hàng tháng dù khoản lương còn bé nhỏ. Việc ưu tiên nhất lúc này là luôn mở rộng các mối quan hệ tốt để vừa phục vụ cho công việc truyền thông mình yêu thích và song song phát triển công việc kinh doanh.

    ap u mua nha sai gon

    Tôi 36 tuổi, 12 năm ra trường vẫn âm thầm ở nhà thuê cho tới khi cảm thấy tài chính của mình thực sự "khỏe" mới quyết định mua nhà Sài Gòn vì không muốn sống – ngủ trong căn nhà mà áp lực nợ nần quá nhiều. Thỉnh thoảng về quê, đi café cuối tuần bạn bè, người thân hỏi thăm "ở Sài Gòn có nhà riêng hay đang nhà thuê?", tôi đều mạnh dạn trả lời: "Cháu/ em/ bạn thuê căn phòng ở Quận 3, khoảng 40 m2 ở mấy năm qua vì nhà Sài Gòn mua khó lắm".

    Chia sẻ này tôi muốn nhắn gửi thông điệp nhỏ với mọi người, đặc biệt những bạn có suy nghĩ, hoàn cảnh như tôi. Đi mua nhà, bạn có 3 đồng, chọn mua 10 đồng rồi trả góp 15-20 năm thì nên suy nghĩ lại, dễ mất ngủ triền miên lắm. Mượn tiền của người thân, bạn bè cũng là việc cần cân nhắc vì họ còn phải lo cho gia đình và cuộc sống riêng, vì thế đừng vội. Lối nghĩ "phải mua mới có, chờ đủ khi nào mới mua được" trong trường hợp này có thể chưa đúng lắm vì dễ lâm vào cảnh nợ nần không kiểm soát.

    Tôi thấy nhiều người mua nhà đất, chung cư mà ngưỡng mộ, cũng mong ước có được tổ ấm riêng như thế. Nhưng thực sự xuất phát điểm từ quê nghèo lên Sài Gòn học tập và làm việc nên hai vợ chồng tôi xác định tự đi lên bằng chính đôi bàn tay và sức lao động tự thân, cần có thời gian. Tôi động viên vợ "trong 12 triệu dân ở thành phố này, đất không nhiều nhưng chẳng lẽ vợ chồng mình không mua được một căn nhà để ở, sớm muộn gì cũng thực hiện được dù lớn hay nhỏ, cứ yên tâm và tin tưởng".

    Thời điểm hai năm trước, khi tiết kiệm được ít vốn trong tay nhưng không thể mua được nhà ở Sài Gòn, tôi tìm mua một miếng đất 400 m2 ở ngoại thành để đầu tư. Hơn một năm sau, tôi rao bán và lời gần gấp đôi. Thời gian đó, hai vợ chồng vừa làm công sở, vừa kinh doanh riêng, trừ các khoản chi phí sinh hoạt, chúng tôi tiết kiệm thêm được gần 400 triệu đồng nữa. Đầu năm 2020, chúng tôi bắt đầu hành trình tìm nhà ở Sài Gòn.

    Tôi chọn mua khi trong tay có 3/4 số tiền của căn nhà, 1/4 còn lại tôi "làm bạn" với ngân hàng. Đầu tiên, tôi tính toán đến tổng thu nhập của gia đình, các khoản chi ra mỗi tháng như: thuê nhà, ăn uống sinh hoạt, tiền học con cái, du lịch mỗi năm một lần, chi phí khác..., số tiền dư còn lại có thể trả ngân hàng được bao nhiêu mỗi tháng và tính luôn cả sự rủi ro tài chính như: thất nghiệp, dịch bệnh không đi làm được, hoặc các chi phí phát sinh khác thì mình sẽ "trụ" được bao nhiêu tháng mà không phải lo lắng...?

    Khi những phép tính hình thành ở trạng thái "đèn xanh", thấy tài chính của mình ở mức an toàn và tôi chọn mua một căn chung cư ở An Phú - Quận 2 vào tháng 5/2020. Suy cho cùng, so với bạn bè, em út có thể tôi chậm hơn nhưng bản tính tự lập, không muốn phụ thuộc ai nên tôi đi từng bước một và cuối cùng chạm đến ước mơ có căn nhà thành phố.

    Nhân đây, tôi rất biết ơn và cảm ơn rất nhiều đối tác, mối quan hệ của mình, họ đã yêu thương và tin tưởng để trao từng cơ hội nhỏ giúp tôi thực hiện được ước mơ lớn. Một điều quan trọng là siêng năng, cần cù sẽ giúp bạn sớm thực hiện được kế hoạch an cư ở Sài Gòn. Sài Gòn luôn đón nhận người chịu thương, chịu khó nhưng đừng quên "chơi đẹp, sống đẹp" với những người ở Sài Gòn. Tôi yêu Sài Gòn – quê hương thứ hai của tôi.

    Theo VnExpress

  • Hơn 10 năm sống và làm việc tại Hà Nội, Phi biết rằng mình đã phải lòng thành phố này và sẽ ổn định cuộc sống ở đây. "Chỉ trong vòng một buổi sáng Chủ Nhật, mình đã đi xem mấy chục căn hộ của một dự án S, rồi chốt mua luôn trong ngày hôm ấy".

    35 tuoi mua can ho 1
    Hình ảnh phòng ngủ trong căn hộ của Phi.

    Hơn 10 năm sống và làm việc tại Hà Nội, Phi biết rằng mình đã phải lòng thành phố này và sẽ ổn định cuộc sống ở đây.

    35 tuổi, Phi vẫn là một cô nàng 8X độc thân vui tính. Quê cô cách xa thủ đô, gia đình bố mẹ cũng không có gì khá giả, để bám trụ Hà Nội Phi phải đi thuê trọ suốt hơn 10 năm trời.

    Ròng rã chăm chỉ phát triển sự nghiệp, Phi đã tích góp cho bản thân một số tiền tiết kiệm với mục tiêu sẽ tậu cho riêng mình một căn nhà để ổn định cuộc sống.

    Phi quyết định chọn mua căn hộ chung cư thay vì mua nhà đất. "Chung cư an toàn hơn, được quy hoạch và có nhiều tiện ích. Hơn nữa, chi phí mua nhà chung cư phù hợp với điều kiện kinh tế hiện có của mình hơn là mua nhà đất", Phi bộc bạch.

    Theo Phi, căn hộ chung cư có an ninh tốt hơn, môi trường sống cũng an toàn hơn, không bị các vấn đề ẩm thấp, đường xá đi lại không phải ra vào ngõ ngách, thuận tiện hơn. Vì đã có dự định mua nhà trong nhiều năm nên Phi cũng đã bắt đầu tìm hiểu, theo dõi tin tức các dự án chung cư ở Hà Nội từ vài năm nay.

    Ở Hà Nội, Phi ít nhiều biết tên tuổi một số chủ đầu tư lớn, cô tự mình so sánh các dự án của Tập đoàn V. tại các khu vực khác ở Hà Nội, cùng nhiều dự án của các chủ đầu tư khác. Tham khảo thông tin từ bạn bè đã mua căn hộ các dự án, nhiều phản ánh về chất lượng căn hộ và ban quản lý khá tệ. Một số đồng nghiệp của cô đã mua căn hộ trong các dự án V. đều cho phản hồi khá tốt về chất lượng cũng như các tiện ích. Do đó, Phi đã nhắm đến một số dự án của đơn vị này trong khả năng của bản thân.

    Thời điểm đầu 2020, khi dịch Covid bắt đầu bùng phát, thị trường bất động sản nhà ở trở nên lao đao, nhiều dự án mở ra nhưng không mấy người mua. Các chủ đầu tư bắt đầu đưa ra nhiều chính sách khuyến mãi, nhiều ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng.

    Khi đó, chủ đầu tư dự án S. (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) tung chính sách siêu khủng miễn lãi nhằm hỗ trợ khách hàng dễ dàng sở hữu căn hộ trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Theo đó, khách hàng chỉ cần cần thanh toán 30% là đã có thể nhận nhà, toàn bộ 70% còn lại sẽ được hỗ trợ vay vốn và miễn lãi đến tháng 10/2022. Khi nắm được tin tức ưu đãi của dự án S., Phi đã không do dự mà liên hệ nhân viên tư vấn và lên lịch xem nhà.

    Tham khảo thông tin từ bạn bè và các diễn đàn, cũng như xem xét thực tế địa lí, Phi tin tưởng dự án khu đô thị này có vị trí tốt và phù hợp với nhu cầu cá nhân.

    Đó là một dự án nằm trên trục Đại lộ Thăng Long, khu vực này có giao thông kết nối thuận tiện nhanh chóng đến các khu vực khác trên Hà Nội, hạ tầng phát triển nhiều, đồng bộ, hội tụ nhiều giá trị gia tăng vượt trội như Trung tâm hành chính, văn hóa, Trung tâm hội nghị Quốc gia, sân vận động Mỹ Đình,… Trong tương lai, các tuyến Metro hiện đại và náo nhiệt cũng được quy hoạch qua đây. Hơn nữa, khu chung cư được bố trí công viên cây xanh, cảnh quang sinh thái khá mát mẻ.

    35 tuoi mua can ho 1
    Khu tiện ích của chung cư.

    "Chỉ trong vòng một buổi sáng Chủ Nhật, mình đã đi xem mấy chục căn hộ của dự án đó, rồi chốt mua luôn trong ngày hôm ấy", cô cho biết.

    Phi tự nhận bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xem nhà nên hầu như tầng nào cô cũng phải tận mắt lên xem thật chi tiết. Căn nằm góc hay ở giữa, ban công, hướng gió, hướng mặt trời,… Cô tự mình chụp hình lại chi tiết các căn đã đi xem và ghi chú rõ ràng để bản thân có thể nắm được thông tin chính xác.

    Sau một buổi sáng đi xem mấy chục căn hộ, Phi về phòng trọ, tự mình xem xét lại các hình ảnh, so sánh đối chiếu các thông tin có, và chốt mua luôn một căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 50m2 với giá trả góp là 1,5 tỷ đồng ngay ngày hôm đó.

    Căn hộ cô chọn là một căn hộ nằm ở tầng 8, thiết kế rộng thoáng, có hướng đón gió nên khá mát mẻ.

    “Tầng 8 vì số 8 may mắn", Phi cười nói. Cô quan điểm rằng số 8 được xem là con số của thành công và thịnh vượng. Cô cũng cảm thấy bản thân hợp với số này, nhiều lần gặp may với con số 8 này. Theo Phi, "không nên chọn tầng cao quá vì mưa bão dễ xảy ra tình trạng bị rung lắc, không an tâm".

    35 tuoi mua can ho 1
    Khu thang máy được trang trí khá đẹp vào dịp Giáng Sinh.

    Sau khi chốt mua ngay trong ngày xem, Phi thu xếp trả trước 30% tổng giá trị căn hộ và được chủ đầu tư miễn lãi 18 tháng. Vì đã có khoản tiết kiệm tích góp từ nhiều năm cho mục tích mua nhà, cô không gặp áp lực gì về mặt tài chính. Chưa kể, Phi đã phòng xa một khoản tiền để riêng dùng để trả tiền thuê nhà, trung bình mỗi tháng 6 triệu. Phi hiện có công việc tốt cùng thu nhập khá ổn định, số tiền để trả góp hàng tháng cho căn hộ đều nằm trong kế hoạch.

    Thông thường, người mua có thể nhận bàn giao căn hộ sớm từ 2-3 tuần nhưng vì công việc cá nhân khá bận rộn, phải thường xuyên đi công tác nên Phi không sắp xếp được thời gian để làm thủ tục nhận bàn giao nhà sớm. Sau 2 tháng kể từ ngày đặt cọc đầu tiên, Phi mới được chính thức hoàn thành các giấy tờ và nhận bàn giao căn hộ của mình.

    Căn nhà khi bàn giao là căn hộ mới, không có nội thất gì ngoài điều hòa. Phi cho rằng đó là một ưu điểm của căn hộ không nội thất, bởi cô có thể thiết kế và mua sắm các nội thất theo sở thích cá nhân mà không tốn nhiều thời gian di dời đồ đạc. Phi kể rằng cô đã chi thêm khoảng 120 triệu đồng cho việc chuẩn bị nội thất. Chi phí này khá thấp bởi Phi sống một mình nên thích mọi thứ đơn giản, không mua sắm quá nhiều dẫn đến lãng phí. Hơn nữa, một số bạn bè, đồng nghiệp khi hay tin Phi tậu được nhà mới, cũng đã gửi đến các món đồ nội thất làm quà tân gia khá phù hợp nên cô không phải mua sắm thêm quá nhiều.

    Sau một thời gian sống trong căn hộ mơ ước, Phi chia sẻ rằng cô cảm thấy bình yên, thoả mái hơn và tự tin hơn trong cuộc sống cũng như có động lực để làm việc nhiều hơn.

    “Mình phải chăm chỉ làm việc nhiều hơn và luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư làm ăn để gia tăng thu nhập, trả nợ nhà xong rồi mình còn muốn tậu thêm cái xe nữa”, Phi chia sẻ.

    Kể về kinh nghiệm mua căn hộ mà không gặp nhiều áp lực tài chính của bản thân, Phi cho rằng cô có mục tiêu cụ thể và lên kế hoạch tài chính rõ ràng. Trước khi có nhu cầu mua nhà thực sự thì cô đã tìm hiểu trước các thông tin cần thiết để có những kiến thức cơ bản cho về sau dễ ra quyết định và nắm được các cơ hội tốt hơn. Ngoài ra, Phi cũng may mắn lựa chọn được thời điểm thích hợp, có nhiều ưu đãi tốt.

    Theo Cafebiz

  • Nhiều dự án chung cư tại các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Long Biên… đang tăng giá nhanh. Một số dự án mới ra mắt và sắp bàn giao có giá ngang thậm chí cao hơn khu trung tâm.

    Anh Lê Hưng đang rao bán một căn hộ chung cư 71 m2 tại dự án The Terra An Hưng (Hà Đông) với giá 2,7 tỷ đồng. Dự kiến sau khi bán được, gia đình anh sẽ chuyển về quận Thanh Xuân, gần khu vực trung tâm hơn, cách nơi cũ khoảng 6 km, để 2 đứa con đi học thuận tiện.

    So sánh mức giá 2 khu vực, anh Hưng tính toán có thể đổi ngang hoặc chỉ phải bù thêm 200-300 triệu đồng cho căn hộ diện tích tương tự, dù gần hồ Hoàn Kiếm hơn tới 20 phút xe máy.

    chung cu vung ven ha noi dat do 1
    Giá nhiều dự án chung cư vùng ven tăng nhanh nhờ các dự án giao thông trọng điểm. Ảnh: Việt Linh.

    Chung cư xa trung tâm thiết lập mặt bằng giá mới

    Căn hộ chung cư tại dự án The Terra An Hưng (Hà Đông) đang được bán với giá trung bình khoảng 34-36 triệu đồng/m2. Hai năm trước, giá căn hộ tại đây dao động ở mức 23-25 triệu đồng/m2, tức chỉ bằng 70% hiện tại.

    Cũng tại Hà Đông, để sở hữu một căn hộ 3 phòng ngủ với diện tích 103 m2 tại dự án Roman Plaza, người mua phải trả khoảng 4,5 tỷ đồng, nhiều hơn 1 tỷ đồng so với 2 năm trước.

    Còn tại khu vực phía đông, một căn hộ 87 m2 thuộc dự án Berriver Long Biên đang được rao bán giá 3,2 tỷ đồng (37 triệu đồng/m2), tăng khoảng 15% so với mức trung bình năm 2021. Hay một căn hộ 50 m2 thuộc dự án Le Grand Jardin được rao bán giá 38 triệu đồng/m2, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.

    Không chỉ chứng kiến đà tăng giá tại những dự án cũ, giá một số dự án vừa ra mắt, sắp bàn giao tại các khu vực xa trung tâm cũng đang neo cao. Thậm chí, không ít dự án có mức giá ngang hoặc cao hơn khu vực nội đô.

    The Matrix One (quận Nam Từ Liêm) của MIK Group cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km nhưng đang bán giá 60-70 triệu đồng/m2. Trong số các dự án mới tại thủ đô, mức giá tại The Matrix One thuộc nhóm cao nhất, ngang với các dự án trung tâm như Lancaster Luminaire đường Láng hay Green Diamond 93 Láng Hạ, quận Đống Đa…

    Cùng với The Matrix One, Imperia Smart City cũng đang được giao dịch ở khoảng 52-55 triệu đồng/m2 tùy vị trí và diện tích. Mức giá này cao hơn cả Imperia Garden - một dự án căn hộ cao cấp khác của MIK Group ở quận Thanh Xuân, và tương đương dự án Imperia Sky Garden ở quận Hai Bà Trưng.

    Hai dự án của Masteries là Masteries Waterfront tại Gia Lâm và Materise West Heights tại Nam Từ Liêm cùng có giá bán trung bình khoảng 60 triệu đồng/m2. Cả 2 dự án ra mắt vào cuối năm 2020 và cùng đánh dấu hành trình Bắc tiến của thương hiệu Masteries.

    chung cu vung ven ha noi dat do 1
    Giá nhiều dự án chung cư vùng ven tăng nhanh nhờ các dự án giao thông trọng điểm. Ảnh: Việt Linh.

    Định nghĩa về trung tâm, nội thành đã thay đổi

    Xu hướng tăng giá của chung cư ngoại thành diễn ra mạnh nhất từ cuối 2020 tới nay. Theo lý giải của các đơn vị nghiên cứu thị trường, sự khan hiếm về nguồn cung căn hộ, tốc độ tăng giá của vật liệu xây dựng cùng sự thay đổi trong quan niệm sở hữu nhà ở của người dân đô thị đã tác động đến giá căn hộ tại Hà Nội, đặc biệt căn hộ tại các khu vực xa trung tâm.

    Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Batdongsan nhìn nhận dịch Covid-19 đã khiến một bộ phận người dân muốn dịch chuyển ra những khu vực xa trung tâm hơn, có môi trường sống xanh, thoáng và các dự án chung cư ngoại thành trở thành lựa chọn tối ưu.

    Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch dòng tiền từ phía Nam ra các tỉnh phía Bắc đã làm cho bất động sản Hà Nội tăng giá. Sự gia tăng liên tục của giá đất kéo theo giá chung cư tăng. “Nếu như giá đất tăng 20-30% mỗi năm thì giá căn hộ chung cư tăng trung bình 9-10% là bình thường và phù hợp quy luật thị trường”, ông Quốc Anh nói.

    Ngoài ra, chuyên gia Batdongsan cũng đánh giá sự khan hiếm về nguồn cung tại thị trường Hà Nội đang tỷ lệ nghịch với tốc độ đô thị hóa cũng như nhu cầu sở hữu nhà ở của người lao động. Với tốc độ đô thị hóa khoảng 51%, mỗi năm Hà Nội cần ít nhất 70.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động nhưng trong những năm gần đây, nguồn cung thấp dẫn đến lượng giao dịch mỗi quý chưa đến 5.000 lượt.

    Bình luận về giá chung cư xa trung tâm đang có xu hướng tăng giá nhanh, thậm chí vượt trung tâm, ông Quốc Anh cho rằng khái niệm về trung tâm đã dần thay đổi trong những năm trở lại đây. Nếu như cách đây 5-10 năm, người Hà Nội vẫn định nghĩa khu vực Hoàn Kiếm là vùng lõi thành phố và các quận lân cận như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Cầu Giấy là các quận trung tâm của thủ đô thì đến nay, quan niệm này đã thay đổi.

    “Hiện nay, khu vực nào có hạ tầng phát triển, kết nối thuận lợi và đủ tiện ích thì nơi đó là trung tâm. Nam Từ Liêm, Hà Đông… cũng có thể gọi là trung tâm nếu người dân tại đó cảm thấy hài lòng với chất lượng cuộc sống, tiện ích, chất lượng dịch vụ thỏa mãn nhu cầu sống”, ông nói.

    Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, chung cư tại các khu vực được cho là xa trung tâm như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh… liên tục tăng giá trong những năm gần đây xuất phát từ yếu tố hạ tầng. Nhiều dự án cao tốc, đường vành đai, các cây cầu vượt sông Hồng… được đầu tư xây dựng đã làm cho khả năng kết nối giữa các khu vực này với trung tâm ngày càng thuận lợi, qua đó khiến bất động sản tăng giá.

    Mặt khác, ông Nguyễn Văn Đính cũng nhìn nhận sự tăng giá không ngừng cũng xuất phát từ việc mua đi bán lại căn hộ trên thị trường trong bối cảnh nguồn cung thấp đã khiến cho giá chung cư vượt quá giá trị thực tế.

    Theo Zing

  • Sau nhiều đêm mất ngủ, vợ chồng chị Huyền vẫn quyết định mua một căn nhà ở Hà Nội khi trong túi chỉ có vỏn vẹn 400 triệu đồng.

    vo chong 3 con mua nha ha noi 1
    Chị Huyền đặt mục tiêu trả nợ lên hàng đầu thay vì mua sắm đồ đạc. (Ảnh: H. A).

    11 năm dành dụm được 400 triệu đồng

    Chị Đỗ Thị Thu Huyền (36 tuổi) cũng từng có những ngày tháng khổ sở thuê trọ. Tuy nhiên nhờ một chút liều lĩnh cộng với việc quyết tâm thắt chặt chi tiêu, vợ chồng chị đã sở hữu một căn nhà mặt đất với diện tích 48m2 ở xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, cách bến xe Nước Ngầm khoảng 5km.

    Chị Huyền là nhân viên truyền thông, còn chồng làm nhân viên kinh doanh của một công ty bánh kẹo. Chị quê ở Hưng Yên, còn chồng người Hà Tĩnh.

    Năm 2008, hai anh chị kết hôn sau ba năm hẹn hò, tìm hiểu. Gia đình đôi bên đều không có điều kiện nên anh chị xác định phải tự lực cánh sinh.

    vo chong 3 con mua nha ha noi 1
    Sau 11 năm thuê trọ, vợ chồng chị Huyền quyết định vay mượn thêm để mua nhà. (Ảnh: H. A)

    Ngay từ thời điểm kết hôn, cả hai đã đặt mục tiêu mua nhà Hà Nội nên luôn cân nhắc mỗi khoản chi tiêu. Thay vì thuê trọ ở các quận trung tâm, cả hai thuê một căn phòng nhỏ ở khu vực xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì).

    Công ty anh Toàn, chồng chị Huyền có trụ sở ở quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, vì là nhân viên kinh doanh nên lịch trình của anh không cố định. Anh thường đi khảo sát thị trường, làm việc với đối tác nên việc trọ ở một xã ngoại thành không khiến anh cảm thấy bất tiện.

    Chị Huyền cũng xin vào làm cho một công ty gần nơi trọ. Tuy nhiên, khi bé thứ ba ra đời, cuộc sống của hai vợ chồng càng thêm vất vả.

    Vốn là cử nhân Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, năm 2015, chị Huyền quyết định quay về Hưng Yên đi dạy học để có thêm sự trợ giúp từ bố mẹ đẻ. Chị Huyền đưa 3 con về quê cùng mình. Thời gian này, anh Toàn vẫn đi làm trên Hà Nội.

    "Lúc ấy tôi cũng nghĩ hay là về quê mua đất xây nhà vì ở Hà Nội mãi thì bao giờ mới có nhà riêng? Ba đứa con thì đang tuổi ăn tuổi học", chị Huyền chia sẻ.

    Tuy nhiên, được một thời gian, nhận thấy công việc của hai vợ chồng mỗi người một nơi sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Chồng ở xa, kinh tế khó quản lý, kế hoạch chi tiêu bị đảo lộn.

    Sau 3 năm gắn bó với nghề dạy học, chị Huyền trở lại Hà Nội để tìm cơ hội cho mình và cũng để ổn định cuộc sống gia đình. Lúc này hai vợ chồng chị tính đến chuyện mua nhà.

    vo chong 3 con mua nha ha noi 1
    Chị Huyền mong muốn các con có không gian riêng học tập, nghỉ ngơi. (Ảnh: H. A).

    "Lúc ấy, nghĩ đến cảnh nuôi 3 con ăn học ở mảnh đất thành thị là vô vàn khó khăn, tốn kém, vợ chồng tôi lo lắm. Nhưng rồi cả hai tự nhủ cũng phải liều, bởi có "an cư thì mới lạc nghiệp". Nếu chờ đủ tiền thì giá nhà đất sẽ tăng, chẳng biết bao giờ mà mua được", chị Huyền nói.

    Năm 2019, sau 11 năm kết hôn, hai vợ chồng chị dành dụm được 400 triệu đồng. Cả hai tất tưởi đi tìm nhà. Lúc đầu, họ nghĩ đến việc vay mượn, mua chung cư để có nhà ở luôn.

    Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, cả hai lại lựa chọn mua nhà đất. "Mua chung cư thì hàng tháng phải đóng tiền phí dịch vụ, cũng chẳng khác thuê nhà là bao nên chúng tôi quyết định mua nhà đất", chị Huyền cho hay.

    Phải liều và phải biết chịu khổ

    Bài toán lúc này đặt ra với họ là phải tính toán làm sao để mua được căn nhà hợp với túi tiền, sau khi mua thì phải lo được tiền trả nợ, tiền nuôi con ăn học…

    Trong túi có chỉ có vỏn vẹn 400 triệu đồng nhưng hỏi chỗ nào chủ đất cũng báo giá trên 1 tỷ đồng. Những miếng đất dưới 1 tỷ thì thường trong ngõ cụt, thế đất xấu, khó thiết kế, ngõ vào bé tý, tối tăm…

    "Lúc ấy, thu nhập của hai chúng tôi chỉ tròm trèm 20 triệu đồng. Trung bình mỗi người 10 triệu đồng/tháng. Tôi bàn lùi với chồng hay là thôi để một vài năm nữa chứ mua nhà rồi lấy tiền đâu mà sống? Nhưng khổ nỗi nhà 3 đứa con, các con đã lớn cũng phải có không gian riêng, không thể ở mãi cảnh hai đứa nhỏ nằm trên giường với mẹ, đứa lớn và bố nằm đệm dưới đất. Sau nhiều đêm mất ngủ, chúng tôi lại quyết tâm mua".

    Sau 3 tháng tìm hiểu qua bạn bè, đồng nghiệp, vợ chồng chị Huyền đã mua được căn nhà 48m2 với giá 1,1 tỷ đồng vào tháng 6/2019. Căn nhà ống có mặt tiền gần 5m, được chủ cũ xây thô 1 tầng.

    vo chong 3 con mua nha ha noi 1
    Chưa có điều kiện xây mới, chị Huyền sửa sang lại gác xép để tạo thành một phòng riêng. (Ảnh: H. A).

    Chia sẻ về phương án tài chính lúc đó, chị Huyền cho biết, ngoài 400 triệu tích góp,  chị vay ngân hàng 500 triệu đồng, số còn lại là vay người thân, bạn bè mỗi người vài ba chục triệu đồng. Lãi suất ngân hàng năm đầu là 9%; bắt đầu từ năm thứ hai là 11%. Gia đình chị Huyền vay ngân hàng gói 10 năm, mỗi tháng trả cả gốc lãi khoảng 8 triệu đồng.

    Sau khi nhận nhà, hai vợ chồng chị Huyền phải bỏ ra 100 triệu đồng tu sửa, mua một số vật dụng mới có thể vào ở được. Chị chia tầng 1 thành ba khu: Phòng khách, một phòng ngủ nhỏ, sau cùng là khu bếp và vệ sinh. Vì kinh phí hạn hẹp chị không xây tầng 2 mà thiết kế một gác xép rộng khoảng 25m2. Nơi đây là sẽ là phòng ngủ và phòng học tập của các con. Đồ đạc trong nhà, chị Huyền sắm đủ dùng vì ưu tiên mục tiêu trả nợ trước tiên.

    Sau khi có được căn nhà nhỏ, vợ chồng chị Huyền càng thắt chặt chi tiêu để có thể vừa lo trả nợ, vừa nuôi con ăn học.

    Thu nhập trung bình của cả hai hiện tại khoảng 25 triệu đồng, đôi khi họ có thêm những khoản thưởng, phụ cấp (tuy nhiên khoản này không nhiều).

    Cả hai phân chia lương của vợ để trả nợ, còn lương của chồng thì lo ăn uống, đóng học cho con và tiền đám hiếu, đám hỉ.

    Tiền học của ba con chị Huyền hết khoảng 8 triệu đồng, các bé đều học trường công. Chị chỉ cho con học thêm duy nhất môn tiếng Anh, con gái lớn học thêm một vài môn tự nhiên khi lên cấp hai. 

    Ngoài ra, việc tụ tập ăn uống, đi chơi, mua sắm cũng được chị Huyền hạn chế. Để tiết kiệm, hàng ngày chị giới hạn tiền ăn chỉ khoảng 150.000 đồng/ngày cho gia đình 5 người (một tháng khoảng 4,5 triệu đồng).

    Chị thường mua thức ăn từ quê mang lên tích trữ trong tủ lạnh ăn dần.

    Chia sẻ về kinh nghiệm mua nhà, chị Huyền cho rằng: "Tôi nghĩ nếu chờ đủ tiền để mua nhà chắc khó lắm, giá nhà, đất thì ngày một tăng trong khi tiền lương thì có tăng như vậy đâu. Nhiều khi chúng ta phải liều, phải chấp nhận khó khăn để có cuộc sống ổn định hơn về sau".

    Chị Huyền cũng chia sẻ, đầu năm 2022, chị vay được của người quen 200 triệu đồng mức "lãi suất người nhà" chỉ 6,5% nên đã đem khoản này đi trả nợ ngân hàng. "Tôi chấp nhận chịu một ít tiền phạt. Người nhà vừa cho vay, vừa giúp đỡ nên chỉ lấy lãi chút ít. Nhờ vậy tôi cũng đỡ áp lực hơn.

    Hiện tại hai vợ chồng tôi còn nợ gần 400 triệu đồng nữa. Tôi hy vọng có thể trả hết trong ba năm tới. Lúc ấy, hai vợ chồng mới có thể kê cao gối ngủ được. Nhà tôi dù đơn sơ, đồ đạc còn chưa nhiều, nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm áp và an bình khi trở về bởi không còn phải chịu cảnh sống tạm bợ, chật chội trong các khu phòng trọ nữa", chị Huyền nói.

    *Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu

    Theo Dân trí

  • Mẹ vợ dặn mua nhà của người thân để họ chia tài sản không nên trả giá, nên tôi đã mua căn nhà rộng 110 m2 giá ba tỷ đồng.

    Là một người đầu tư bất động sản có thâm niên hàng chục năm, những giao dịch của tôi thường rất quyết đoán. Năm 2018 vợ chồng tôi mua lại căn nhà trên nền đất rộng 110m2 từ một người thân bên vợ với giá ba tỷ đồng. Chi phí giấy tờ chuyển nhượng vợ chồng tôi tự bỏ ra thêm.

    Trước khi lấy căn nhà này thì vợ chồng có xem một căn nhà khác và đồng ý mua với giá 2,7 tỷ. Pháp lý căn nhà này đã có sổ đầy đủ nhưng vẫn còn nợ tiền thuế gần 60 triệu, nên tôi đặt cọc đúng 60 triệu để họ mang nộp hoàn thành nghĩa vụ tài chính rồi mới chuyển nhượng được. Họ đi nộp rồi về báo lại cho tôi sau hai tuần sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng.

    mua ho can nha
    Ảnh minh họa

    Trong lúc chờ đợi thì mẹ vợ nói với vợ chồng tôi mua giúp cho người thân bên vợ căn nhà để họ giải quyết chia tài sản. Vì nể là người thân nên bà bảo họ nói giá ba tỷ thì trả đúng cho họ như vậy đừng có đòi giảm.

    Vợ chồng tôi xem nhà, đồng ý mua và hoàn tất thủ tục sang tên trong ngày, còn căn nhà lỡ đặt cọc 60 triệu không mua nữa. Khi mua xong, tôi đến dọn dẹp nhà cửa để cho thuê thì người hàng xóm nói căn nhà này cách đây ba tháng rao bán có 2,7 tỷ mà không bán được. Thôi thì mình đã đồng ý mua theo sự định giá của mình, nghe chi hàng xóm.

    Sau bốn năm khai thác được lợi nhuận cho thuê, bây giờ giá trị của cũng đã tăng gấp ba lần. Từ trước đến nay tôi mua chủ yếu để làm cơ sở hạ tầng kinh doanh và khai thác được lợi nhuận, chứ không phải mua đi bán lại kiếm chênh lệch. Vậy nên tôi không quan tâm đến việc nhà đất ở giá đỉnh hoặc đáy, đóng băng hay sốt đất.

    Một thương vụ khác, năm 2016 tôi dự tính bán 2.000 m2 đất loại trồng cây lâu năm với giá là bốn tỷ đồng. Nhưng môi giới dắt khách tới xem trả không được giá nên tôi không bán. Một chủ có miếng đất nằm phía sau đất của tôi cũng muốn mua, để mở rộng đường cho xe tải ra vào được thỏa mái hơn.

    Vì là hàng xóm nên tôi chỉ bớt cho 20 triệu chứ không thể giảm nhiều hơn, cuối cùng giao dịch không thành công và rồi tôi quyết định không bán nữa. Bây giờ những lô đất xung quanh họ bán với giá gấp 5 lần so với đây. Còn tôi vẫn không có ý định bán, vì cũng chẳng có nhu cầu tài chính để làm gì. Số đất này để lại cho con cái sau này nếu có nhu cầu sử dụng.

    Theo VnExpress

  • Lý luận cho rằng hiện nay nhu cầu mua bán nhà vẫn cao, chứng tỏ "sân khấu vẫn còn kịch hay", là một sai lầm.

    Giá nhà hiện tại ở Hà Nội và TP HCM hiện nay được đánh giá là quá khả năng của đại bộ phận người dân làm công ăn lương bình thường, chỉ số này vượt xa nhiều lần tại các thành phố có quy mô vừa ở Mỹ, châu Âu và Australia, nơi có đầy đủ cơ sở hạ tầng, tiện ích hàng ngày và cơ hội việc làm.

    do xo dau tu dat

    Không phủ nhận tâm lý muốn sở hữu nhà và an cư lạc nghiệp của người Việt Nam từ xưa đến nay. Tuy nhiên, yếu tố then chốt để thị trường bất động sản ở ta hoạt động tốt chính là do cơ chế và chính sách điều hành hoạt động mua bán nhà đất.

    Thực tế, thị trường hoạt động méo mó khi cơ chế chính sách lệch lạc, người người, nhà nhà, các doanh nghiệp đều đổ xô đầu cơ đất đai thay vì sản xuất, tạo ra giá trị và tăng nguồn đa dạng các phân khúc phục vụ nhu cầu thực. Do đầu cơ thổi giá đất hưởng chênh lệch cao và kiếm lợi nhuận nhanh hơn, nên những cá nhân có chút tiền dư đều bỏ vào đất đầu cơ đất.

    Khi giá đất quá cao, chi phí đầu vào tăng, thành phẩm sẽ tăng theo vượt quá khả năng chi trả của người dân, dẫn tới sản phẩm sẽ không bán được. Lúc này, nền kinh tế sẽ dễ gặp nguy hiểm.

    Trò đầu cơ giống như việc người ta truyền tay nhau viên than đang cháy đỏ. Khi mà sức nóng lan rộng sẽ kéo theo nhiều người cùng chơi, vì ai cũng có lợi khi xu hướng tăng lên bắt đầu. Do nó không tạo ra giá trị gì mà chỉ bơm thổi vào đó những thông tin về tiềm năng sẽ xảy ra trong tương lai, đồng thời bám theo các giá trị tiện ích của nhà nước hoặc chủ đầu tư dự án tạo ra, nên người ta tin rằng nó sẽ còn tăng mãi.

    Khi đạt đến ngưỡng nhất định mà giá trị không theo kịp thì hiển nhiên quả bóng ấy đã được thổi phồng quá đà. Với thị trường mà gần như cả nền kinh tế bị cuốn theo vòng xoáy đầu cơ thì hậu quả sẽ thật sự rất thảm hại.

    Lý luận cho rằng hiện nay nhu cầu mua bán nhà vẫn cao, chứng tỏ "sân khấu vẫn còn kịch hay", là một sai lầm. Bài ca muôn thuở của mấy người đầu cơ là người sinh ra chứ đất không có sinh được nên giá chỉ có tăng. Thực tế là quỹ đất đô thị hiện nay, nếu các cơ quan quản lý làm quy hoạch tốt, triệt tiệu loại gom hàng đầu cơ, thì không thiếu đất cho người dân với đủ các loại phân khúc phù hợp năng lực tài chính của họ.

    Nếu kiểm soát tốt đất đai, dòng tiền sẽ chảy vào sản xuất, nuôi trồng, thị trường vốn chứng khoán, khởi nghiệp... Khi kiếm tiền không còn dễ dàng với kiểu ăn xổi thì bắt buộc người ta phải nâng tầm tri thức, điều này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

    Thật bất công khi mọi người cứ bám vào đất mà chẳng tạo ra giá trị gì, trong khi những người tạo ra của cải cho xã hội bằng trí lực mồ hôi của họ lại chẳng thể mua nổi cái nhà. Vì vậy, đã qua cái thời mông muội gom đất thổi giá rồi, hãy tìm con đường làm giàu bằng việc tạo ra giá trị cho xã hội.

    Vì vậy, chúng ta phải sớm thay đổi luật đất đai, tạo cơ chế chính sách linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ tình trạng đầu cơ đất thông qua sắc thuế, nền kinh tế sẽ lành mạnh và hiệu quả hơn, giá nhà đất sẽ về đúng thực tế.

    Ở đây, nhà nước không hạn chế quyền mua và sử dụng tài sản đất đai của người dân, thậm chí khuyến khích người dân mua càng nhiều càng tốt, miễn là nó phải tạo ra được giá trị, chứ không phải đua nhau gom đất vào rồi ngồi chờ hoặc thổi giá lên và bảo rằng đó là đầu tư.

    Cơ quan quản lý nên đánh thuế lũy tiến từ bất động sản thứ hai và tăng dần với các tài sản kế tiếp. Nếu người dân chắc chắn mang lại giá trị vượt trội so với chi phí và thuế thì đương nhiên việc đầu tư của họ sẽ được khuyến khích.

    Theo VnExpress

  • Mua 400 m2 đất nông nghiệp huyện Bình Chánh năm 2015 với giá 1 tỷ đồng, đầu năm nay ông Hàn bán được 4,3 tỷ đồng, lãi 3,3 tỷ.

    Nhà đầu tư này chia sẻ, cách đây 7 năm, mua lô đất nông nghiệp này trong hoàn cảnh bất ngờ không hẹn trước khi tình cờ một người bạn làm ăn chung cần tiền bán gấp. Ông Hàn kể, đồng ý mua vì vị trí đất nằm dọc bờ đê, khá vuông vức, pháp lý sổ đỏ hoàn chỉnh. Tuy chỉ là thửa trung bình (diện tích dưới 1.000 m2), lại có lối đi bằng đường đất nhưng về sau xã làm đường xi măng, kết nối vào đất thuận tiện hơn, nhờ đó mới được giá cao hơn.

    dat nong nghiep loi tien ty
    Đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi, ngoại thành TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

    "Cò đất chào giá tăng liên tục kể từ năm 2016 đến năm 2021. Đầu năm nay, tôi mới bán lúc giá đang đi ngang. Nếu tiếp tục giữ đất đến khi Bình Chánh lên quận, giá có thể tăng cao hơn nữa", ông Hàn nói và nêu lý do bán lô đất nông nghiệp này vì cần tiền mở rộng đất đầu tư trang trại mô hình vườn ao chuồng tại Long An.

    Lãi bạc tỷ từ đất nông nghiệp như ông Hàn không phải là hiếm. Bà Mỹ, một nhà đầu tư bất động sản liền thổ có 15 năm kinh nghiệm cho hay, năm 2012, bà mua 1.000 m2 đất nông nghiệp tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi với giá 1,3 tỷ đồng, đã có sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Đầu quý II, bà Mỹ bán lô đất giá 5,5 tỷ đồng, trừ đi thuế, phí, khấu hao làm hàng rào, nâng nền, lãi 4 tỷ đồng, lợi nhuận trên giá vốn gấp 4,2 lần.

    "Nếu tôi giữ đất, lên thổ cư một phần, còn lại trồng cây, xây nhà vườn có thể bán được giá cao hơn nhưng không có thời gian và nhân sự để chạy pháp lý nên chọn cách nhanh gọn là bán chốt lời", bà Mỹ nói.

    Trường hợp của ông Đô hiện ngụ quận 10, TP HCM thậm chí còn ghi nhận mức lãi đột biến gấp chục lần khi đầu tư đất nông nghiệp tỉnh giáp ranh Sài Gòn. Năm 2007, ông Đô mua 2.000 m2 đất nông nghiệp tại Bàu Cạn, Long Thành, tỉnh Đồng Nai với giá gần 200 triệu đồng. Hiện nay giá đất khu này cùng diện tích có giá bán 2,2-2,5 tỷ đồng, tức tăng gấp 11-12,5 lần so với 15 năm trước, song ông Đô vẫn giữ đất chờ sân bay, chưa bán vội.

    Ông Triều, môi giới bất động sản từ năm 2005 đến nay xác nhận, tính đến tháng 8/2022, giá đất nông nghiệp ở nhiều huyện ngoại ô TP HCM vẫn còn mức khá thấp, dao động trong ngưỡng trung bình 2-5 triệu đồng một m2 và ngưỡng cao 5-7 triệu đồng một m2. Nếu dịch chuyển ra các tỉnh giáp ranh với Sài Gòn, đất nông nghiệp nhiều nơi vẫn có giá trên dưới 1 triệu đồng một m2.

    Theo ông Triều, đặc điểm của các giao dịch đất nông nghiệp là lô lớn, diện tích nhỏ từ 400-500 m2 trở lên đến hàng nghìn m2 và không có lô 70-100 m2 như đất thổ cư. "Tuy giá bán chỉ vài triệu đồng một m2, loại đất này đã đội giá trung bình 3-5 lần và cao nhất 5-8 lần so với một thập niên trước. Những nhà đầu tư đã mua đất nông nghiệp 3-5 năm trở lên đều có lãi lớn", ông Triều nhận xét.

    Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát xác nhận hiện tượng lãi tiền tỷ từ đầu tư đất nông nghiệp khá phổ biến ở cả TP HCM lẫn các tỉnh giáp ranh.

    Ông Nam giải thích, giá đất nông nghiệp (không phải là đất ở) luôn thấp hơn rất nhiều so với đất thổ cư trong khi biên lợi nhuận lại cao nên trở thành vùng trũng được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng rót vốn.

    Ông Nam phân tích, tại huyện ven TP HCM và cả tỉnh lân cận Sài Gòn, giá đất nông nghiệp chỉ bằng 10-17% đất thổ cư, thậm chí khoảng cách bước giá có thể rẻ hơn mức này. Tại nhiều địa phương, đất nông nghiệp giá khoảng 1 triệu đồng một m2 trong khi đất thổ cư 10 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng một m2. Khi thị trường có biến động về giá, đất thổ cư tăng 15-20%, đất nông nghiệp có thể tăng giá 25-30% trở lên hoặc cao hơn.

    Tổng giám đốc Công ty đầu tư bất động sản Wowhome Tạ Trung Kiên cũng nhận xét hầu hết các trường hợp nhà đầu tư mua đất nông nghiệp giữ trong dài hạn 5-10 năm hoặc lâu hơn chắc chắc có cơ hội lãi kép.

    Ông Kiên phân tích, với việc đầu tư vào đất nông nghiệp biên lợi nhuận có thể đạt 20-25% một năm. Nếu đầu tư đúng loại đất có thể chuyển đổi lên thổ cư, hoặc địa phương có thông tin quy hoạch tích cực, biên lợi nhuận có thể đạt 30-40% một năm.

    Theo ông này, xét trong dài hạn, cơ hội tăng giá theo thập niên của đất nông nghiệp có thể nhân 3 hoặc nhân 5 lần giá trị, thậm chí cao hơn. Ngược lại, nếu chỉ nắm giữ đất này ngắn hạn trong 6-12 tháng, rất khó tối ưu lợi nhuận, đồng nghĩa với biên lợi nhuận sẽ thấp hơn mức trung bình.

    Tuy nhiên, bên cạnh ưu thế lãi lớn trên giá vốn, đầu tư đất nông nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Mạc Hoài Nam chỉ ra ba rủi ro lớn. Thứ nhất là đất nông nghiệp thường có diện tích lớn, chôn vốn lâu. Vì vậy, khi đầu tư đất nông nghiệp thời gian chờ xác định có thể lên đến 3-5 năm hoặc dài hơn, chỉ phù hợp với dòng tiền nhàn rỗi, không nên dùng đòn bẩy tài chính.

    Thứ hai nếu mua phải đất nông nghiệp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở (đất thổ cư), chủ đất có thể gặp khó khăn trong việc chuyển nhượng hoặc chỉ bán được giá thấp. Cuối cùng là mua đất nông nghiệp để đón sóng đầu tư, ăn theo quy hoạch nhưng nếu quy hoạch đô thị vùng bị treo, chậm triển khai hoặc bị điều chỉnh, nhà đầu tư có thể đối mặt với kịch bản xấu là bán không ai mua.

    Theo VnExpress

  • Cầm 1,5 tỉ đồng đi đầu tư BĐS, anh V. “chắc như đinh đóng cột” sẽ lời khoảng 40% sau một năm. Thế nhưng, ngay lần đầu đem tiền đi đầu tư đất nền, anh V. đã lỗ gần nửa tỉ đồng.

    Được bạn bè rủ đi đầu tư đất vì thấy nhiều người phất lên từ việc mua bán đầu tư BĐS. Có được khoản tiết kiệm 1 tỉ đồng do buôn bán quán ăn, anh V. quyết tâm đem tiền đi đầu tư đất, mong làm giàu nhanh từ đất đai.

    nha dau tu F1

    Thấy nhiều bạn bè khi đầu tư đất nền lẻ hoặc đất vườn mức lời khoảng 30-50% trong vòng một năm, anh V. cũng "chắc như đinh đóng cột" lần làm ăn này của mình sẽ chắc thắng. Khoảng tháng 10/2019, anh V. bỏ ra 1.5 tỉ đồng để mua nền đất diện tích 90m2 tại giáp Tp.HCM, tức từ 1 tỉ đồng từ tiết kiệm và vay thêm 500 triệu đồng (thế chấp miếng đất mua). Mua xong, anh V. trông ngày trông đêm để chốt lời miếng đất. Khoảng tháng 12/2019 đất khu vực này có dấu hiệu rục rịch tăng, nhà đầu tư săn lùng đất, miếng đất anh V. mua tăng lên khoảng 70 triệu đồng (trong vòng 2 tháng kể từ thời điểm mua vào). Anh V. mừng thầm, với đà này đất của anh phải tăng gần gấp đôi trong vòng 1 năm. Nghĩ vậy, anh V. ngồi chờ đợi giá đất lên, canh thời điểm chốt lời (dự tính sẽ bán trong vòng 1 năm đầu tư).

    Không như dự tính, đến đầu năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, khu vực anh V. đầu tư đất vốn sôi động bỗng trở nên im ắng. Giá đất có dấu hiệu chững lại khi dịch xuất hiện. Anh V. bắt đầu tỏ ra lo lắng với thương vụ đầu tư đầu tiên của mình. Do vướng 500 triệu đồng vay ngân hàng, vẫn trả lãi -gốc hàng tháng nên nỗi lo lắng của anh V. càng tăng lên.

    Anh V. sốt sắng để bán nhanh miếng đất vì sợ mất khoản lời 70 triệu đồng đã tăng trước đó. Anh tìm môi giới để gửi lại nền đất bán. Tuy nhiên, do thị trường trầm lắng nên việc ra hàng gặp khó khăn. Đến tháng 7 đợt dịch Covid-19 lần 2 lại xuất hiện khiến anh V. như "ngồi trên đống lửa" vì không bán được đất, trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả. Việc đất đai khiến anh đâu đầu, kèm việc kinh doanh không mấy thuận lợi vì dịch, có thời điểm anh V. bị stress. Do dịch nên việc buôn bán quán hàng của anh V. chật vật, hâm hụt vô tiền mặt bằng, trong khi tiền tiết kiệm rút hết bỏ vào đất, khiến anh V. chới với.

    Vì cần tiền để duy trì, cầm cự việc kinh doanh nên anh V. chỉ muốn bán thật nhanh mảnh đất "đầu đời" của mình, lấy tiền trang trải công việc. Đến tháng 8/2020, môi giới gọi điện cho anh V. có khách đầu tư hỏi mua miếng đất của anh với giá 1,1 tỉ đồng (tức giảm 400 triệu đồng so với giá mua vào). Anh V. ngã ngửa nhưng vì đang ở thế bí, đất đai, tiền nong khiến anh đau đầu nên anh V. quyết định bán lỗ để thu tiền về lo cho việc kinh doanh.

    "Lúc đó, tôi không nghĩ được gì cả, kiểu giống như bị dồn vào thế bí ấy, chứ ai lại dại đi bán lỗ đến nửa tỉ đồng miếng đất. Có lẽ mình không có duyên với việc đầu tư đất đai, không gặp đúng thời, lại thêm gánh nặng tài chính nên đành chấp nhận mất tiền", anh V. tâm sự.

    Theo anh V., do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc đầu tư của anh cũng không suôn sẻ như kì vọng. Còn nếu có tài chính dày thì sẽ vẫn chờ đợi được đất lên giá. Nếu để được đến thời điểm này thì cũng đã tăng được vài trăm triệu, nhưng vì vốn mỏng nên anh không giữ được đất, khiến việc đầu tư trở thành gánh nặng.

    Theo các chuyên gia, nếu nhà đầu tư có vốn mỏng, đón sóng một thị trường nào đó thì chỉ nên vào lướt sóng, rồi canh thị trường để chốt lời, rút ra sớm. Vốn mỏng mà đầu tư dài hạn (vay thêm ngân hàng) thì đất nền không phải là sân chơi phù hợp, mà căn hộ hình thành trong tương lai, đóng theo giai đoạn sẽ thích hợp hơn.

    Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyên các nhà đầu tư cá nhân có vốn mỏng không nên chạy theo cơn sốt, không mua vào lúc giá lên đỉnh, rất dễ gặp rủi ro sau đó.

    Theo Infonet

  • Có những bạn trẻ làm kế toán, lương chưa được hai con số, ấy vậy mà suốt ngày ngồi suy nghĩ, trăn trở 'bao giờ mua được nhà thành phố?'.

    Ngày nay, tôi thấy nhiều bạn trẻ than thở "giá nhà đất quá cao, không thể nào mua nổi nhà thành phố". Cá nhân tôi cho rằng Nếu không là những hành vi vi phạm pháp luật, thì việc tăng giá bất động sản là chuyện hết sức bình thường. Thị trường có người bán, người mua, giá nhà đất cũng sẽ thay đổi liên tục theo quy luật thị trường. Không thể lấy nhu cầu cá nhân, nhất là lý do không thể thanh toán được để làm căn cứ bảo giá nhà đất quá cao, hay đất đai không tạo ra giá trị, chờ đợi bong bóng sẽ vỡ.

    shutterstock 1158213718 965 579 940

    Mọi người quên một điều rằng bản thân bạn có thể không giàu lên, nhưng nhiều người khác cạnh bạn đang giàu lên nhanh chóng. Ngày nay, tôi thấy có những bạn trẻ 9x đã thu nhập hàng trăm triệu đồng một tháng khi trở thành chuyên gia cứng, thậm chí có người kiếm cả tỷ đồng mỗi tháng vì kinh doanh thành công. Thế nên, giá nhà đất tăng là tăng theo thu nhập của những người như vậy, chứ đâu phải do các bạn mãi ở mức lương 10 triệu đồng mà đòi hỏi bất động sản không được tăng giá. Đó là chưa kể tới nhu cầu đầu tư vẫn luôn mạnh mẽ kéo giá nhà đất liên tục tăng lên.

    Có người mất 20, 30 năm mới mua được căn nhà của mình. Vấn đề là giá nhà ngày càng cao, thì thu nhập của bạn cũng phải tăng nhanh hơn, phải lao ra xã hội để kiếm tiền, đầu tư cho trình độ chuyên môn hay bỏ vốn làm ăn. Có vậy bạn mới đủ sức bắt kịp giá nhà để mua. Chứ bạn vẫn muốn làm công việc ổn định ngày tám tiếng, mà lại đòi có nhà để an cư lạc nghiệp thì có quá mơ mộng không? Lương 15 triệu đồng mà muốn có nhà Hà Nội hay Sài Gòn thì đúng là chuyện không tưởng, đi ngược lại quy luật cung - cầu.

    Tôi quen những bạn trẻ làm kế toán, lương chưa được hai con số, ấy vậy mà suốt ngày ngồi suy nghĩ, trăn trở "bao giờ mua được nhà thành phố?". Tôi khuyên những bạn như vậy nên dành thời gian học tiếng Anh, học về thuế, học nghiệp vụ kế toán tổng hợp, tin học... Cố gắng nâng cao chuyên môn, hoặc nhận thêm việc về làm, hay kiếm việc gì đó làm thêm như gia sư, kinh doanh... vậy mới mong nâng cao được thu nhập của bản thân để đủ tiền mua nhà.

    Nhưng các bạn ấy chỉ đáp một câu nhẹ nhàng: "Đi làm cả ngày rồi, tối với cuối tuần phải để thời gian nghỉ ngơi chứ". Nghe vậy tôi chỉ biết cười trừ, nghĩ bụng: "Vậy thì có 40 năm nữa cũng không mua nổi nhà Hà Nội, Sài Gòn". Nếu do sức khỏe, học vấn kém là một nhẽ, đằng này, khi bạn còn trẻ, còn khỏe, được học hành bài bản không biết phấn đấu kiếm tiền để mua được nhà, đó là do chính bản thân các bạn mà thôi, đừng đổ tại giá nhà đất quá cao.

    Năm 2012, tôi mua một mảnh đất tại thành phố thuộc tỉnh, giá 800 triệu đồng. Bỏ 200 triệu đồng xây dựng xong, tôi cho thuê tạm, mỗi tháng tiền thuê chỉ được vài triệu đồng. Thế nhưng, căn nhà ấy bây giờ nếu tôi bán lại chắc được khoảng bảy tỷ đồng. Nếu ngày ấy tôi chần chừ, ngại đầu tư, chỉ ngồi than thở thì liệu có được như bây giờ không?

    Năm 2019, tôi có trong tay một tỷ đồng, và quyết định vay thêm ngân hàng 700 triệu đồng, cộng thêm vay mượn từ họ hàng và bạn bè thêm 400 triệu nữa. Số tiền gom được, tôi đem mua một căn chung cư ở Hà Đông, giá 1,9 tỷ đồng, làm nội thất thêm 200 triệu nữa. Bây giờ, căn bên cạnh có người rao bán gần ba tỷ đồng. Bản thân tôi cũng đã trả được hết món nợ 400 triệu đồng của mọi người và 200 triệu đồng cho ngân hàng.

    Từ khi có nhà, gia đình tôi sinh hoạt cũng thuận tiện hơn rất nhiều, vun vén cho tổ ấm, nhất là đợt dịch vừa qua. Ông bà cũng thuận tiện khi lên thăm con cháu, khám chữa bệnh... Thế nên, quan trọng nhất là vợ chồng cùng có ý thức tiết kiệm, cố gắng năng động hơn trong công việc chính và làm thêm để tăng thu nhập hết mức có thể.

    Chẳng có quốc gia nào giá nhà ở thủ đô hay các thành phố lớn rẻ cả. Mọi người đừng hy vọng giá nhà ở Hà Nội, TP HCM sẽ giảm để mua. Thời gian đó, có lẽ nên tìm cách tăng thu nhập và tiết kiệm, hoặc tìm nơi nào thuê trọ ổn định và lâu dài. Ở thành phố lớn mà tổng thu nhập cả gia đình chưa được 30 triệu đồng, thì còn phải tích lũy thêm. Nhiều người bảo "an cư rồi mới lạc nghiệp", nhưng khi bản thân chưa có, thì rõ ràng phải "lạc nghiệp" trước đã. Khi bạn đạt thu nhập tầm 50 triệu đồng thì đương nhiên cơ hội mua được nhà sẽ rất rộng mở.

    Chắc chắn với tình hình lạm phát thì giá bất động sản ở Việt Nam sẽ ngày càng tăng, nhất là phân khúc trung - cao cấp, vì xu hướng đón đầu những người giàu mới. Nhiều người thu nhập thấp trong xã hội chưa có nhà, nhưng cũng phải thấy rằng rất nhiều người nhanh chóng giàu lên sau một thời gian đi làm. Nếu không có tiền mua nhà, tốt nhất bạn nên thuê nhà, hoặc về quê sống, chứ không thể bắt giá nhà thấp đi được.

    Còn muốn mua nhà, bạn buộc phải làm nhiều hơn, tìm kiếm cơ hội mới để tăng thu nhập và tiết kiệm tăng nhanh hơn giá nhà thôi. Đó là kinh tế thị trường, cung và cầu, chứ không liên quan tới nhu cầu ăn ở của mọi người.

    Theo VnExpress

  • Sáng đặt cọc đất, chiều bán lại kiếm lời 70 triệu đồng, trong men say chiến thắng, sếp tôi bất chấp, lao theo cuộc chơi buôn đất làm giàu.

    Tôi có người sếp, lúc đang thịnh vượng, sở hữu gần 30 căn nhà và đất nền các loại. Khá nhiều trong số đó được ông mua bằng vốn vay ngân hàng (khoảng 50%). Nhưng năm 2006-2007 là thời điểm cực thịnh của thị trường bất động sản. Khi ấy, có lúc, sếp mới đặt cọc mua đất buổi sáng, mà đến chiều đã bán lại được cho người khác, kiếm lời 50-70 triệu đồng trong nháy mắt.

    vo mong lam giau

    Bán xong, tiền lời được bao nhiêu, sếp lại hùn vốn vay để "ôm" thêm mảnh đất khác. Vòng lặp ấy cứ tiếp diễn liên tục, khiến số tiền bỏ ra để đầu tư đất cũng ngày một phình to. Ông quả quyết với chúng tôi rằng, sang năm 2008, giá nhà đất sẽ còn tăng mạnh hơn năm nay.

    Thế nhưng không may, mọi chuyện diễn biến theo hướng ít ai ngờ tới. Bước sang năm 2008, giá nhà đất bắt đầu chững lại, thị trường dần "đóng băng" khiến việc buôn bán trở nên vô cùng khó khăn. Thế nhưng, sếp vẫn đinh ninh rằng chuyện này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, rồi giá đất sẽ lại lên tiếp. Nghĩ vậy nên ông vẫn tiếp tục dồn tiền "ôm" thêm vài mảnh nữa, thậm chí còn đi vay bên ngoài để trả lãi ngân hàng trong thời gian chờ thị trường hồi phục.

    Nhưng một năm nữa lại trôi qua, tình hình vẫn chẳng mấy khả quan hơn. Bước sang năm 2009, giá đất còn xuống mạnh hơn nữa. Lúc này, thị trường bất động sản gần như tê liệt khiến Nhà nước phải tìm cách giải cứu bằng cách giảm 50% thuế giá trị gia tăng, nhưng hàng tồn của các doanh nghiệp vẫn còn cao chất ngất, huống chi là đầu tư thứ cấp.

    Quyết không nhận thua, sếp tôi vẫn kiên định bám trụ tới cùng. Nhưng đến năm 2011, ông chịu hết nổi vì không còn ai cho vay tiền trả lãi ngân hàng nữa. Cuối cùng ông buộc lòng phải bán dần đất cho chính những người đã cho ông vay tiền với giá rất rẻ mạt. Nếu không làm vậy thì tài sản của ông cũng bị ngân hàng phát mãi.

    Đến năm 2014, tài sản của ông gần như bằng "0". Ông bán nhà đang ở, đưa vợ con ra thuê phòng trọ mà vẫn còn nợ tới mấy tỷ đồng. Vậy là công cuộc buôn đất làm giàu của sếp chính thức khép lại. Nhưng giàu đâu chẳng thấy mà ông còn mất tất cả, trở về cảnh tay trắng, lại cõng thêm một đống nợ nần không biết đến bao giờ mới trả hết.

    Tóm lại, sau câu chuyện này, tôi chỉ muốn khuyên các bạn một điều rằng, nếu có tiền dư, không phải vay mượn thêm của ai khác thì bạn hãy nghĩ đến chuyện mua nhà đất để đầu tư tích trữ. Ít nhất, nếu giá không tăng hoặc thậm chí bị giảm, thì bạn cũng chỉ mất chút chi phí, cơ hội và tiền chênh lệch giá so với lúc mua mà thôi. Miếng đất căn hoặc căn nhà của bạn vẫn nằm đó chứ không mất đi đâu. Còn nếu ham lời, vay vốn đầu tư, trong 5 năm mà giá nhà đất không hồi phục, bạn sẽ mất tất cả.

    Theo VnExpress

  • toa nha 11 tang o ba dinh 2

    Theo KTS Phạm Thanh Tùng việc phá dỡ dãy nhà Pháp cổ 100 tuổi ở 61 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội xây cao ốc cao tới 11 tầng như “con quái vật về kiến trúc” trong khi xung quanh là kiến trúc vừa và nhỏ.

    Duyệt cao ốc 11 tầng sát nhà Quốc hội “đúng quy trình”

    Liên quan đến công trình số 61 Trần Phú đang bị phá dỡ để xây dựng dự án gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm, thông tin tại buổi họp báo mới đây, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội cho biết, xây dựng công trình khách sạn tại đây là phù hợp. Khu vực này không nằm trong danh mục bảo tồn của thành phố.

    Về vấn đề pháp lý, để một công trình từ chủ trương ra đến hiện trạng thì có nhiều bước, từ chủ trương, quy hoạch, giấy phép… gói ở trong chức năng nhiệm vụ của nhiều sở ngành. Tất cả các ngành đều căn cứ quy định của luật, của nhà nước, thành phố.

    toa nha 11 tang o ba dinh 2
    Quy mô xây dựng công trình mới trên khu đất 61 Trần Phú  là 11 tầng nổi và 6 tầng hầm, mật độ xây dựng 50%, tổng diện tích sàn nổi là 32.306,6m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,2m2 và chiều cao công trình là 42,9m

    Quy mô công trình cần thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, tương đồng với công trình Nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng tại khu đất đối diện (cao 11 tầng/44,6 m) để không làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc cảnh quan của khu trung tâm chính trị Ba Đình.

    Theo ông Kỳ Anh cơ sở pháp lý để đơn vị phê duyệt cho chủ đầu tư thực hiện dự án tại số 61 Trần Phú là việc triển khai quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình tỷ lệ 1/2.000. Quy hoạch này đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 2411 vào ngày 10/12/2013. 

    Theo quyết định này, khu đất ở 61 Trần Phú nằm trong phạm vi quy hoạch chung cho trung tâm chính trị Ba Đình và có định hướng di chuyển nhà máy ra khỏi khu trung tâm, xây dựng thành khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và chỗ đỗ xe; chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%.

    toa nha 11 tang o ba dinh 2
    "Xây một toà nhà mới rất dễ nhưng giữ được một di sản rất khó. Bởi cái đó tồn tại theo chiều dài lịch sử đô thị của thành phố” – KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam

    Ngày 25/1/2007, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phê duyệt tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng. Quy mô xây dựng công trình được phê duyệt là 11 tầng nổi và 6 tầng hầm, mật độ xây dựng 50%, tổng diện tích sàn nổi là 32.306,6m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,2m2 và chiều cao công trình là 42,9m.

    Nói về giá trị của công trình nhà xưởng 100 năm tại số 61 Trần Phú, Phó Giám đốc Sở QH-KT đưa ra quan điểm “vừa bảo tồn vừa phát triển”. Theo ông, đây là công trình công nghiệp từng được Pháp xây dựng năm 1925, kết cấu mái có hình răng cưa tương đối phổ biến và “không có gì đặc biệt”.

    "Công trình xây mới đã được xác định là tòa nhà đa chức năng 11 tầng, đưa vào khu vực này là phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố. Công trình được đánh giá nghiên cứu nghiêm túc và kiến trúc tương đối đẹp", ông Kỳ Anh nhận định.

    “Không gian Ba Đình phải rất được tôn trọng”

    Trao đổi với PV VietNamNet về công trình này, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, chúng ta ủng hộ thành phố là phải phát triển nhưng phát triển ở đây phải hài hoà không gian và phải giữ được Hà Nội có những di sản bởi đó là hồn cốt của một đô thị có quá khứ- hiện tại và tương lai. Riêng với không gian Ba Đình phải rất được tôn trọng, xung quanh là các kiến trúc vừa và nhỏ mang đặc trưng của Châu Âu, nước Pháp rất hài hoà.

    “Tại khu vực này, chúng ta đã có công trình mới như toà nhà nhà Quốc hội giờ thêm cao ốc này là rất lớn. Khu đất hơn 9.000m2 mà đưa lên công trình 11 tầng nổi, chiều cao 42,9m, qua phối cảnh công trình tôi cho rằng đó là con quái vật về kiến trúc có thể tạo nên sự phản cảm không hài hoà với không gian xung quanh. Tại sao lại duyệt xây cao ốc cao đến 11 tầng?” – ông Tùng nói. 

    toa nha 11 tang o ba dinh 2
    Phối cảnh công trình mới trên khu đất 61 Trần Phú

    Cũng theo ông Tùng, 4 dãy nhà 2 tầng mái ngói kiến trúc kiểu Pháp nằm ở 4 mặt tiền. Bên trong lõi là một nhà xưởng có mái hình răng cưa kết cấu kèo bê tông cốt thép. Đây là công trình công nghiệp đầu thế kỷ XX còn sót lại ở Hà Nội. Hơn nữa ở đây còn có bức phù điêu có giá trị về lịch sử với Thủ đô. Chúng ta đã phá đi mất những ít nhiều những công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch như như ngôi biệt thự cổ (nhóm 2) thuộc trạm phát sóng Bạch Mai tại số 10 ngõ 128C Đại La (quận Hai Bà Trưng) khi mở rộng đường Minh Khai. Bây giờ Hà Nội không còn nhiều những công trình như vậy nữa nên cần biết trân trọng và gìn giữ. 

    “Lẽ dĩ nhiên trong quá trình phát triển thì phải phá dỡ, xây dựng nhưng phải tìm một kiến trúc hài hoà với khu vực xung quanh đừng để trở thành 8B Lê Trực “phẩy” là rất nguy hiểm. Nếu quyết tâm làm ở đây tại sao không cải tạo 4 dãy nhà chạy trên 4 trục đường trở thành không gian công cộng. Trong lõi khu đất xây một toà nhà hiện đại và hài hoà với kiến trúc bên ngoài. Phải thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng di chuyển các nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội đô để làm không gian công cộng. Có thể công viên vườn trẻ… để phục vụ cho cộng đồng chứ không phải chất tải lên đô thị” – ông Tùng đặt vấn đề. 

    Vị Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cho hay, Hội không biết và không được hỏi lấy ý kiến quy hoạch, kiến trúc liên quan đến dự án này. Một số kiến trúc sư tên tuổi khác cũng cho hay không được lấy ý kiến.

    Trong khi đó, chuyên gia đặt vấn đề nếu căn cứ thời điểm phê duyệt dự án đúng quy định, quy trình. Nhưng dự án kéo dài không triển khai. Trong khi đó, Hà Nội đã công bố quy hoạch phân khu của khu trung tâm Ba Đình, trong đó có nhiều quy định mới, nội dung mới. Do vậy, dự án 61 Trần Phú cũng cần được xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp.

    Thực tế, Luật Quy hoạch đô thị ban hành năm 2009 quy định, khi quy hoạch thay đổi, các dự án chưa thực hiện mà không phù hợp với quy hoạch mới thì phải điều chỉnh cho phù hợp.

    Theo KTS Phạm Thanh Tùng, hãy tôn trọng văn hoá, tôn trọng lịch sử thì chúng ta có rất nhiều lời giải cho công trình. Công trình này cần thi tuyển kiến trúc, lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng, chuyên gia.

    Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội tiếp thu các ý kiến, công bố công khai

    Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, trong đó Bộ cho biết, theo Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Ðình, thành phố Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2411/QÐ-TTg ngày 10/12/2013, Nhà máy thiết bị bưu điện tại lô G1 (khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội) được di chuyển ra khỏi khu trung tâm. Tuy nhiên, Khu trung tâm chính trị Ba Ðình có tính chất là khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước, với mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị.

    Với lý do trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công; rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú, quận Ba Ðình, Hà Nội đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan Khu trung tâm chính trị Ba Ðình (nội dung này cũng đã được Bộ Xây dựng lưu ý tại Văn bản số 515/BXD-QHKT ngày 24/3/2016 gửi UBND thành phố Hà Nội).

    Bên cạnh đó, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.

    Theo Vietnamnet