'Người đẻ chứ đất không đẻ - chỉ là bài ca của cò đất'

Lý luận cho rằng hiện nay nhu cầu mua bán nhà vẫn cao, chứng tỏ "sân khấu vẫn còn kịch hay", là một sai lầm.

Giá nhà hiện tại ở Hà Nội và TP HCM hiện nay được đánh giá là quá khả năng của đại bộ phận người dân làm công ăn lương bình thường, chỉ số này vượt xa nhiều lần tại các thành phố có quy mô vừa ở Mỹ, châu Âu và Australia, nơi có đầy đủ cơ sở hạ tầng, tiện ích hàng ngày và cơ hội việc làm.

do xo dau tu dat

Không phủ nhận tâm lý muốn sở hữu nhà và an cư lạc nghiệp của người Việt Nam từ xưa đến nay. Tuy nhiên, yếu tố then chốt để thị trường bất động sản ở ta hoạt động tốt chính là do cơ chế và chính sách điều hành hoạt động mua bán nhà đất.

Thực tế, thị trường hoạt động méo mó khi cơ chế chính sách lệch lạc, người người, nhà nhà, các doanh nghiệp đều đổ xô đầu cơ đất đai thay vì sản xuất, tạo ra giá trị và tăng nguồn đa dạng các phân khúc phục vụ nhu cầu thực. Do đầu cơ thổi giá đất hưởng chênh lệch cao và kiếm lợi nhuận nhanh hơn, nên những cá nhân có chút tiền dư đều bỏ vào đất đầu cơ đất.

Khi giá đất quá cao, chi phí đầu vào tăng, thành phẩm sẽ tăng theo vượt quá khả năng chi trả của người dân, dẫn tới sản phẩm sẽ không bán được. Lúc này, nền kinh tế sẽ dễ gặp nguy hiểm.

Trò đầu cơ giống như việc người ta truyền tay nhau viên than đang cháy đỏ. Khi mà sức nóng lan rộng sẽ kéo theo nhiều người cùng chơi, vì ai cũng có lợi khi xu hướng tăng lên bắt đầu. Do nó không tạo ra giá trị gì mà chỉ bơm thổi vào đó những thông tin về tiềm năng sẽ xảy ra trong tương lai, đồng thời bám theo các giá trị tiện ích của nhà nước hoặc chủ đầu tư dự án tạo ra, nên người ta tin rằng nó sẽ còn tăng mãi.

Khi đạt đến ngưỡng nhất định mà giá trị không theo kịp thì hiển nhiên quả bóng ấy đã được thổi phồng quá đà. Với thị trường mà gần như cả nền kinh tế bị cuốn theo vòng xoáy đầu cơ thì hậu quả sẽ thật sự rất thảm hại.

Lý luận cho rằng hiện nay nhu cầu mua bán nhà vẫn cao, chứng tỏ "sân khấu vẫn còn kịch hay", là một sai lầm. Bài ca muôn thuở của mấy người đầu cơ là người sinh ra chứ đất không có sinh được nên giá chỉ có tăng. Thực tế là quỹ đất đô thị hiện nay, nếu các cơ quan quản lý làm quy hoạch tốt, triệt tiệu loại gom hàng đầu cơ, thì không thiếu đất cho người dân với đủ các loại phân khúc phù hợp năng lực tài chính của họ.

Nếu kiểm soát tốt đất đai, dòng tiền sẽ chảy vào sản xuất, nuôi trồng, thị trường vốn chứng khoán, khởi nghiệp... Khi kiếm tiền không còn dễ dàng với kiểu ăn xổi thì bắt buộc người ta phải nâng tầm tri thức, điều này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Thật bất công khi mọi người cứ bám vào đất mà chẳng tạo ra giá trị gì, trong khi những người tạo ra của cải cho xã hội bằng trí lực mồ hôi của họ lại chẳng thể mua nổi cái nhà. Vì vậy, đã qua cái thời mông muội gom đất thổi giá rồi, hãy tìm con đường làm giàu bằng việc tạo ra giá trị cho xã hội.

Vì vậy, chúng ta phải sớm thay đổi luật đất đai, tạo cơ chế chính sách linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ tình trạng đầu cơ đất thông qua sắc thuế, nền kinh tế sẽ lành mạnh và hiệu quả hơn, giá nhà đất sẽ về đúng thực tế.

Ở đây, nhà nước không hạn chế quyền mua và sử dụng tài sản đất đai của người dân, thậm chí khuyến khích người dân mua càng nhiều càng tốt, miễn là nó phải tạo ra được giá trị, chứ không phải đua nhau gom đất vào rồi ngồi chờ hoặc thổi giá lên và bảo rằng đó là đầu tư.

Cơ quan quản lý nên đánh thuế lũy tiến từ bất động sản thứ hai và tăng dần với các tài sản kế tiếp. Nếu người dân chắc chắn mang lại giá trị vượt trội so với chi phí và thuế thì đương nhiên việc đầu tư của họ sẽ được khuyến khích.

Theo VnExpress