• Từ ngày 20/5, tất cả người lớn ở Anh sẽ tự động được coi là người hiến tạng, trừ khi họ từ chối theo thay đổi luật mới.

    Một hệ thống mới hiện đang có hiệu lực, theo đó tất cả những người trên 18 tuổi không thuộc bất kỳ nhóm được loại trừ nào sẽ được coi là đã đồng ý hiến tặng nội tạng của họ khi qua đời.

    Mọi người vẫn có thể quyết định không hiến tặng, và cần có sự đồng ý của gia đình để lấy nội tạng.

    Một luật tương tự đã được đưa ra ở Wales vào năm 2015, trong khi Scotland sẽ áp dụng kế hoạch tương tự vào mùa thu năm 2020. Bắc Ireland vẫn sử dụng hệ thống tự nguyện tham gia.

    NHS tuyên bố sự thay đổi này sẽ giúp cứu sống hàng triệu người, nhưng bộ trưởng Y tế Anh, Lord Bethall, cho biết dù luật có hiệu lực từ ngày 20/4, nó có thể chưa đi vào thực tế "do những hạn chế COVID-19".

    Số ca cấy ghép được thực hiện ở Anh đã giảm đáng kể do đại dịch coronavirus, chỉ 99 ca phẫu thuật được thực hiện vào tháng 4 so với 244 vào tháng 3, số liệu của NHS Blood and Transplant (NHSBT) cho thấy.

    Luật mới được biết đến với tên gọi luật Max và Keira, sau khi một cậu bé được cứu sống khi nhận được trái tim của một cô bé chín tuổi.

    skynews organ donation organ donor 4994612

    Keira Ball đã cứu bốn mạng người, bao gồm cả Max Johnson, cũng chín tuổi, khi nội tạng của cô bé được hiến tặng sau khi em qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi vào năm 2017.

    Hy vọng luật mới sẽ giúp tăng thêm 700 ca cấy ghép mỗi năm vào năm 2023 và tạo động lực cho các cuộc thảo luận liên quan đến việc hiến tạng.

    Faizan Awan, ở Blackburn, là một trong số hàng ngàn người ở Anh đang chờ cấy ghép và đã nằm trong danh sách này được hai năm rưỡi.

    Người đàn ông 33 tuổi này đang chờ ca phẫu thuật ghép thận thứ ba. Trước đó, anh đã được ghép thận lần đầu khi còn là một đứa trẻ nhưng thất bại, một lần khác khi anh còn là một thiếu niên.

    Anh nói: "Đối với nhiều người như tôi, đang chờ đợi được ghép tạng, việc thay đổi luật là một dấu hiệu của hy vọng và việc cấy ghép sẽ thay đổi đáng kể cuộc sống của tôi theo nhiều cách."

    Anh Awan nói rằng anh cần một ca người hiến phù hợp "gần như tuyệt đối" sau hai lần thất bại trước đó, điều đó có nghĩa là có khả năng đó sẽ phải là một người nào đó từ cộng đồng châu Á.

    Những người có nguồn gốc da đen, châu Á và dân tộc thiểu số (BAME) gần như không được ưu tiên trong danh sách đăng ký nội tạng, và anh Awan đang kêu gọi mọi người đánh giá các yếu tố tôn giáo và sắc tộc ảnh hưởng đến việc hiến tặng như thế nào.

    Anthony Clarkson, giám đốc hiến và ghép mô tại NHSBT, nói thêm rằng mọi người nên hiểu họ vẫn được phép lựa chọn có nên hiến tạng hay không và gia đình vẫn sẽ được tư vấn. Bên cạnh đó, đức tin và nền tảng văn hóa sẽ tiếp tục được tôn trọng.

    Bài liên quan: Một số người Việt ở Anh không biết mình phải hiến tạng khi qua đời

    VietHome (Theo Sky News)

  • Trung tâm hiến tạng tại một trường đại học ở Paris đã tạm thời đóng cửa để chính phủ điều tra.

    Hàng ngàn thi thể bị để trong tình trạng phân hủy, mất vệ sinh tại Trung tâm hiến tạng tại Đại học Paris-Descartes.

    Một số xác và các bộ phận cơ thể đã được cho là đã bị bán cho các công ty tư nhân, theo như cáo buộc.

    Tờ L'Express của Pháp là hãng tin đầu tiên tiết lộ sự việc này vào hôm thứ Ba.

    Một cuộc điều tra của tờ báo cho biết hàng chục thi thể được lưu giữ trong tình trạng "khỏa thân, phân hủy, chất đống trên những chiếc xe cáng, mắt mở trừng trừng".

    Tờ báo mô tả trung tâm là "một ngôi mộ tập thể ở giữa lòng Paris".

    Trường đại học đã ghi nhận về cuộc điều tra và xin lỗi gia đình của những người hiến tặng xác.

    Trong một thông báo trên trang web của mình (bằng tiếng Pháp), trường đại học thừa nhận trung tâm đã không đáp ứng được "yêu cầu của xã hội về tôn trọng phẩm giá".

    "Đại học Paris-Descartes mong muốn xin lỗi các gia đình về chuyện này. Trường đại học mong muốn làm rõ và tái khẳng định cam kết đầy đủ của mình với phẩm giá của những người hiến xác và gia đình của họ."

    Liên minh Y học Tự do Pháp (UFML) cho biết sẽ nộp đơn khiếu nại. Chủ tịch Jerome Marty nói với đài franceinfo rằng chuyện này đã khiến ngành Y mang tiếng xấu.

    Đại học Paris-Descartes bị cáo buộc để xác chết và các bộ phận cơ thể thối rữa trong phòng đầy chuột.

    Tờ báo đã phát hiện thấy gì?

    Trong hơn một thập kỷ, hàng ngàn thi thể được hiến tặng cho mục đích nghiên cứu được cho là được lưu trữ trong điều kiện tồi tệ và được bán cho mục đích phi đạo đức.

    Một số thi thể được xếp chồng lên nhau "không có chút tôn trọng nào", tờ báo cho biết. Một số thi thể thậm chí đã bị chuột gặm.

    Một số thi thể được cho là bị tàn phá nặng nề đến mức chúng phải được thiêu hủy mà không được mổ xẻ.

    Trong một số trường hợp, các thi thể được cho là bị đem bán cho các công ty tư nhân với mục đích không phù hợp, chẳng hạn như kiểm tra tai nạn xe hơi. Toàn bộ cơ thể có thể được bán với giá 900 euro, còn giá cho một chi là 400 euro, tờ báo cho biết.

    Tờ báo cho biết họ đã thấy những bức ảnh được chụp bên trong cơ sở này từ năm 2016.

    Những bức ảnh được lấy từ một tài liệu dài 27 trang được Giáo sư Richard Douard, chủ tịch của trung tâm từ năm 2014 đến 2017, trao cho Frederic Dardel, cựu chủ tịch của trường đại học.

    Đối mặt với những gì ông gọi là "sự chây ì của các cơ quan công quyền", ông Douard đã từ chức vào tháng 10 /017, tờ Le Figaro đưa tin.

    Đại học Paris-Descartes cho biết cơ sở này sẽ đóng cửa cho đến khi Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới của Pháp tiến hành điều tra.

    Cuộc điều tra sẽ "cho thấy thực tế của sự thật", trường đại học nói.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Jim Stauffer hiến xác mẹ cho một trung tâm nghiên cứu, nhưng không ngờ thi thể bà bị bán cho quân đội Mỹ để thử nghiệm trong các vụ nổ.

    Bà Doris Stauffer. Ảnh: CNN

    Jim Stauffer đang cùng một số gia đình khác đệ đơn kiện Trung tâm Nguồn lực Sinh học (BRC) có trụ sở tại bang Arizona, Mỹ vì sử dụng thi thể người thân của họ sai mục đích ban đầu. Stauffer hiến xác mẹ mình là bà Doris Stauffer cho trung tâm sau khi bà qua đời vì mắc chứng Alzheimer vào năm 2013.

    Ông hy vọng các nhà khoa học có thể sử dụng thi thể của bà để nghiên cứu về căn bệnh này. Một vài ngày sau, Stauffer nhận được một chiếc hộp chứa tro cốt của mẹ, nhưng không được thông báo thi thể của bà đã được sử dụng ra sao.

    Đến năm 2017, Stauffer phát hiện ra thi thể của bà Doris đã được bán cho quân đội Mỹ và được dùng trong một vụ thử bom nhờ một phóng sự điều tra của Reuters.

    Theo kết quả điều tra, ít nhất 20 thi thể được hiến cho BRC đã bị bán cho quân đội để sử dụng trong các vụ nổ thử nghiệm mà không được sự chấp thuận của người thân. Mỗi thi thể được BRC bán với giá gần 5.900 USD.

    Stauffer cho biết thi thể mẹ mình đã bị cột vào một chiếc ghế và một thiết bị nổ được kích hoạt ngay bên dưới để kiểm tra xem điều gì sẽ xảy ra với cơ thể con người khi phương tiện giao thông bị trúng bom cài vệ đường (IED).

    Một vụ thử nghiệm IED với xe thiết giáp của quân đội Mỹ. Ảnh: Wikipedia

    BRC hiện không còn hoạt động, sau khi bị Cục điều tra Liên bang Mỹ khám xét hồi năm 2014 vì bị tố cáo bán các thi thể được hiến tặng nhằm thu lời bất chính. Stephen Gore, người đứng đầu trung tâm, đã bị kết án năm 2015 và đang thi hành án tù treo.

    Viethome (theo VnExpress)