• Vậy tại một đất nước có hàng trăm tỷ phú, điều này có ảnh hưởng gì đến xã hội nước này?

    Nhưng nhắc đến Thuỵ Sĩ cũng là nhắc đến tiền. Tại quốc gia này, cứ 80.000 người thì có 1 tỷ phú. Tỷ lệ này biến Thuỵ Sĩ thành khu vực có mật độ tỷ phú nhiều thứ ba thế giới. Xếp trước Thuỵ Sĩ là Luxembourg và Hồng Kông (Trung Quốc).

    Dân cư Thuỵ Sĩ cũng nằm trong số những người giàu nhất thế giới. Bình quân tài sản ròng của người dân nước này là 700.000 USD (khoảng 17 tỷ VNĐ), vượt cả Mỹ và Hồng Kông. Điều này khiến Thuỵ Sĩ nổi bật trên một số thước đo tài chính quan trọng.

    Tỷ lệ phân bổ thu nhập tại Thuỵ Sĩ vẫn tương đối ổn định trong nhiều thập kỷ nay, ít bất bình đẳng hơn nhiều quốc gia khác. Nói như vậy không phải là Thuỵ Sĩ không có người nghèo và cả những người siêu giàu. Và sự chênh lệch đó tất nhiên không hề nhỏ.

    Vậy điều gì khiến Thụy Sĩ trở thành nơi hấp dẫn nhất thế giới trong mắt giới siêu giàu. Sự giàu có tột độ đó ảnh hưởng như thế nào đến những người còn lại trong xã hội Thụy Sĩ?

    thuy sy giau co
    Nghĩ đến Thuỵ Sĩ, chúng ta có thể nhớ ngay đến pho mát hảo hạng, sôcôla sang trọng và những ngọn núi phủ tuyết.

    Tính đến năm 2022, Thụy Sĩ là nơi sinh sống của khoảng 110 tỷ phú với tổng tài sản là 338 tỷ USD. Con số này cao hơn nhiều so với các điểm nóng siêu giàu khác như Ả Rập Xê Út, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

    Trong số những cư dân giàu có nhất đất nước có người đồng sở hữu Chanel - Gerard Wertheimer, người thừa kế của nhà sáng lập chuỗi cửa hàng nội thất Ikea - Ingvar Kamprad và những người sáng lập công ty chăm sóc sức khỏe khổng lồ Roche.

    Thụy Sĩ được coi là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định nhất, nổi tiếng về quan điểm trung lập. Điều đó có nghĩa là những người giàu có thể an tâm rằng tài sản của họ sẽ được an toàn trước mọi thay đổi về chính sách và lãnh đạo.

    Đất nước này cũng có hệ thống thuế hấp dẫn, với mức thuế thấp cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh cho Thụy Sĩ so với các quốc gia khác. Và vấn đề thuế là điều những người giàu có cực kỳ quan tâm. Vì họ không kiếm tiền từ lao động. Thu nhập của họ đến từ lợi nhuận hoặc lãi vốn từ các công ty họ sở hữu.

    Thụy Sĩ không đánh thuế lãi vốn, điều này hấp dẫn các tỷ phú, triệu phú. Người Thụy Sĩ sẽ không bị đánh thuế vào lợi nhuận họ kiếm được khi bán một tài sản tăng giá trị. Trong khi đó, Thụy Sĩ đánh thuế tài sản nhưng ở mức tương đối thấp, từ 0,1% đến 1,1% tài sản ròng của một cá nhân. Các bang sẽ có những quyết định khác nhau về mức thuế này.

    Thụy Sĩ cũng được hưởng lợi từ đồng franc Thụy Sĩ mạnh, giúp giảm chi phí hàng hóa và dịch vụ nước ngoài, đồng thời tăng giá xuất khẩu của Thụy Sĩ. Đồng tiền của đất nước này đã mạnh dần trong những thập kỷ gần đây, đạt mức ngang bằng với đồng euro. Tỷ giá với đồng USD cũng được giữ ổn định. Như vậy, người Thụy Sĩ không cần lo lắng về việc tiền mất giá.

    Đất nước này cũng được coi là điểm đến kinh doanh hàng đầu với các lĩnh vực dịch vụ tài chính, dược phẩm và hóa chất đẳng cấp thế giới.

    Đây cũng là nơi đặt trụ sở của các tổ chức lớn như Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nơi quy tụ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu tới sự kiện thường niên tại Davos. 

    Lĩnh vực ngân hàng của Thụy Sĩ cũng nổi tiếng trong thế kỷ 20 với tính bảo mật, khiến nơi đây trở thành địa điểm đặc biệt lý tưởng đối với những người giàu có muốn lưu trữ tiền mặt.

    Hệ thống ngân hàng đã được giám sát kỹ lưỡng sau cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu và một số vụ phá sản ngân hàng lớn của Thụy Sĩ. Ngành này đã phải thanh lọc hoạt động của mình và yêu cầu sự minh bạch cao hơn, vì quy định quốc tế ngày càng khắt khe hơn.

    Vậy tại một đất nước có quá nhiều tỷ phú, điều này có ảnh hưởng gì đến xã hội nước này?

    Chắc chắn là tại Thụy Sĩ có tồn tại khoảng cách giàu nghèo. Tuy nhiên, mặc cho những chênh lệch đó, Thụy Sĩ vẫn tiếp tục được xếp hạng cao về mức sống và sự hòa hợp xã hội. Điều này có được là nhờ chính sách xã hội và luật lao động đảm bảo mức sống tốt cho cả những người có thu nhập thấp. Thị trường lao động và hệ thống giáo dục của Thụy Sĩ đã hoạt động rất tốt trong một thời gian dài.

    Yếu tố then chốt giúp xã hội ổn định là ngay cả những người không kiếm được nhiều tiền vẫn có thể sống tốt.

    Kênh 14 (tham khảo CNBC)

  • an tu 1
    Kelly Louise Smith-May, 39 tuổi, mô tả tình trạng của mình là sống không bằng chết. Ảnh: GoFundMe

    Một người mẹ 4 con đang cố gắng quyên góp £10,000 để đi đến một trung tâm an tử ở Thụy Sỹ. Bệnh Covid kéo dài khiến cô đau đớn suốt ngày đêm và không thể chăm sóc con cái. 

    Kelly Louise Smith-May, 39 tuổi, ở Chipping Sodbury (Gloucestershire), nhiễm Covid vào tháng 12/2021. Bác sĩ chẩn đoán cô mắc bệnh Covid kéo dài với các triệu chứng mệt mỏi mãn tính. 

    Chồng của cô là anh Stuart May đã phải bỏ việc để chăm sóc vợ. "Tôi không còn lựa chọn nào khác là phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc vợ toàn thời gian", anh nói.

    "Chúng tôi từng có một gia đình hạnh phúc, nhưng đó là khi Kelly còn khỏe mạnh. Vợ tôi muốn chăm sóc các con. Nhưng 18 tháng qua cô ấy chỉ có thể nằm trên giường. Tôi gội đầu cho cô ấy 1 tháng 1 lần và phải xoay người cô ấy lại. Cô ấy rất đau đớn".

    "Trợ tử là lựa chọn dễ chịu nhất với Kelly vì cô ấy đã từ bỏ mọi hy vọng. Cô ấy có 1 người bạn, cũng đã đến Thụy Sỹ để được an tử vì quá đau đớn. Kelly cũng muốn như vậy, cô ấy muốn kết thúc trong yên bình. Đó là mong muốn của cô ấy. Ai cũng có quyền được chết một cách trang nghiêm", anh nói. 

    Kelly đã không thể rời giường từ tháng 6/2022. Trang GoFundMe đã quyên góp được 1/2 số tiền mục tiêu £10,000. Bạn có thể quyên góp tại đây https://www.gofundme.com/f/peace-for-kelly-smithmay.

    Cặp đôi cũng đã tìm hiểu các quy định pháp lý về việc một công dân Anh rời khỏi đất nước để an tử ở Thụy Sỹ. Theo luật Anh, giúp một người tự sát là hành vi phạm tội và có thể bị tù đến 14 năm. 

    Bài liên quan: Thụy Sĩ cấp phép 'hộp an tử' đầu tiên trên thế giới

    An tử là việc chấm dứt cuộc sống của một người một cách có chủ ý, thường là những bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa, theo cách ít hoặc không đau đớn vì những lợi ích của người đó. An tử được xem là hợp pháp tại Thụy Sĩ. Khoảng 1.300 người dân ở quốc gia châu Âu này đã sử dụng biện pháp an tử trong năm 2020.

    Thông thường, sinh mạng của các bệnh nhân sẽ kết thúc thông qua việc nạp chất natri pentobarbital lỏng vào cơ thể, khiến họ trở nên hôn mê sâu trước khi qua đời.

    Tuy nhiên, Tiến sĩ Philip Nitschke, nhà phát triển hộp an tử Sarco, khẳng định sẽ giúp khách hàng của mình đạt được mục đích nhanh chóng và êm ái mà không cần sử dụng thuốc.

    mo hinh hop an tu
    Mô hình "hộp an tử".

    Cụ thể, chiếc hộp kín Sarco sẽ được bơm đầy khí ni-tơ, do đó làm giảm nhanh chóng nồng độ oxy và khiến người bên trong tử vong vì thiếu oxy. Người sử dụng sẽ cảm thấy hơi choáng váng, thậm chí là một chút hưng phấn nhẹ trước khi mất nhận thức. Trả lời phỏng vấn trang SwissInfo hôm 4/12/2021, ông Nitshke khẳng định nhờ phương pháp này, cái chết sẽ xảy ra trong vòng 30 giây mà không cảm giác nghẹt thở hay hoảng sợ.

    Cỗ máy này được kích hoạt từ bên trong và người nằm trong hộp an tử có thể tự bấm nút quyết định mà không cần đến sự hỗ trợ của người khác. Chiếc hộp này rất dễ di chuyển nên có thể vận chuyển đến bất kỳ địa điểm nào theo lựa chọn của người bệnh.

    Theo ông Philip Nitschke, việc thẩm định tính hợp pháp của công nghệ an tử trên đã được hoàn thiện vào năm 2021 mà không gặp trở ngại nào. 

    Trong đoạn clip giới thiệu năm 2020, ông Nitschke dự định sẽ không thu phí sử dụng công nghệ này. Ông cũng sẽ công khai bản in của Sarco trên mạng Internet để ý tưởng này được nhân rộng khắp thế giới.

    Viethome (theo Metro)

  • Sáng kiến nghe rất hấp dẫn nhưng điều kỳ lạ là 80% cử tri bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở quốc gia này lại phản đối và từ chối nhận tiền.

    chu cap tien cho dan 1
    Theo sáng kiến trên, mỗi người trưởng thành ở Thụy Sĩ sẽ nhận khoản thu nhập vô điều kiện là 70 triệu đồng/tháng, bất chấp tình trạng việc làm của họ ra sao. (Trong ảnh là các thành viên ủy ban sáng kiến phụ trách chiến dịch vận động. Nguồn: abc.net.au)

    Không đi làm vẫn được hưởng 70 triệu đồng/tháng

    Năm 2016, một ủy ban sáng kiến tại Thụy Sĩ đã khiến người dân nước này bất ngờ khi đưa ra đề xuất chu cấp thu nhập cơ bản vô điều kiện cho người dân để thay thế các khoản phúc lợi khác.

    Theo sáng kiến trên, mỗi người trưởng thành ở Thụy Sĩ sẽ nhận khoản thu nhập vô điều kiện là 2.500 franc Thụy Sĩ mỗi tháng (tương đương gần 70 triệu đồng/tháng), trong khi mức dành cho trẻ em dưới 18 tuổi là 625 franc (gần 17 triệu đồng).

    Đáng nói, mức chu cấp này dành cho tất cả mọi người, dù họ đang có công việc hay không. Mục đích của sáng kiến là nhằm chống đói nghèo và bất bình đẳng xã hội, từ đó đảm bảo "một cuộc sống đàng hoàng" cho người dân.

    Chính phủ Thụy Sĩ sau đó đã quyết định tổ chức một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý để xem họ có nên thông qua sáng kiến này hay không.

    Theo tờ New York Times, Thụy Sĩ là quốc gia đầu tiên trên thế giới bỏ phiếu về kế hoạch chu cấp thu nhập cơ bản như vậy. Một số quốc gia khác không bỏ phiếu mà đã tiến hành luôn các chương trình thử nghiệm.

    Mô hình dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ cho phép công dân thu thập chữ ký để yêu cầu chính phủ tổ chức trưng cầu dân ý quốc gia về một đề xuất nhất định. Quy định này đã đưa Thụy Sĩ trở thành một "phòng thí nghiệm" cho những thay đổi tiên phong về kinh tế và xã hội.

    Phần Lan khi ấy cũng chuẩn bị tiến hành một chương trình thí điểm kéo dài 2 năm dành cho khoảng 10.000 người trưởng thành, trong đó mỗi người sẽ nhận được khoản trợ cấp hàng tháng là 550 euro (hơn 14 triệu đồng). Nếu thành công, cuộc thử nghiệm này sẽ trở thành kế hoạch cấp quốc gia.

    Tại Hà Lan, một nhóm các thành phố đã thử nghiệm dự án thí điểm tương tự. Trong khi đó, tại Mỹ, ý tưởng về thu nhập đảm bảo cho người dân được một số đảng viên Đảng Dân chủ thúc đẩy, coi đó như giải pháp thay thế hiệu quả hơn cho các chương trình phúc lợi của chính phủ.

    Sáng kiến "bất khả thi"

    Trái với kỳ vọng của những người đề xuất sáng kiến tại Thụy Sĩ, kết quả trưng cầu cho thấy có tới 77% cử tri bỏ phiếu đã bác bỏ ý tưởng này.

    Những người phản đối cho rằng đề xuất đó sẽ làm chệch hướng mô hình kinh tế của đất nước. Các nhà phê bình lên tiếng cảnh báo về chi phí cao ngất ngưởng và chính phủ Thụy Sĩ sẽ phải đối mặt nếu sáng kiến được thông qua, kéo theo đó là nguy cơ người dân bỏ việc hàng loạt, gây bất lợi cho nền kinh tế.

    Nhiều công ty sẽ chuyển hoạt động ra nước ngoài, trong khi việc làm bí mật sẽ tăng lên. Đáng nói, sáng kiến trên còn có thể áp dụng với những người nước ngoài sống tại Thụy Sĩ. Do đó, nó làm dấy lên lo ngại rằng, nhiều người từ nước ngoài, vốn không có đảm bảo về thu nhập cơ bản, sẽ nhập cư vào Thụy Sĩ.

    chu cap tien cho dan 1
    Chỉ 23% cử tri đi bỏ phiếu ở Thụy Sĩ đồng ý với sáng kiến thu nhập cơ bản, 77% cử tri phản đối đề xuất này. Nguồn: New York Times

    Những người ủng hộ thì cho rằng mọi người vốn dĩ đều có mong muốn làm việc hiệu quả và thu nhập cơ bản này sẽ giúp họ linh hoạt hơn trong việc lựa chọn các công việc/hoạt động mà họ thấy giá trị nhất.

    Sau Thế chiến II, khái niệm về thu nhập đảm bảo đã được một số nhà kinh tế học, đi đầu là Milton Friedman, quảng bá như một cách phân phối lại thu nhập. Ông Friedman cho rằng chính sách này sẽ hiệu quả hơn so với những bộ máy điều hành đang tổ chức hàng chục chương trình riêng lẻ để giúp đỡ người nghèo.

    Tuy nhiên, cuộc thảo luận ở Thụy Sĩ, và một số nơi khác trên thế giới, không chỉ dừng ở việc phân phối lại của cải, mà còn về chủ đề: Các xã hội hiện đại có thể tiếp tục tạo ra việc làm trong khi thúc đẩy những tiến bộ công nghệ như robot làm việc trong các nhà máy và xe tải không người lái hay không.

    Những người ủng hộ sáng kiến thu nhập cơ bản thậm chí đã sử dụng robot trên đường phố để cảnh báo mọi người về những gì mà một xã hội thất nghiệp trong tương lai sẽ mang tới.

    Bình luận về sáng kiến mới ở Thụy Sĩ, tờ Economic Times (Ấn Độ) cho rằng đó là một kế hoạch "nghe có vẻ hay" nhưng gần như không giúp quốc gia vượt qua ngưỡng nghèo. Ngoài ra, nó sẽ không khuyến khích việc làm và gây ra tình trạng thiếu hụt kỹ năng cho người dân.

    Năm 2021, 5 năm sau khi các cử tri tại Thụy Sĩ bác bỏ ý tưởng về thu nhập cơ bản vô điều kiện, các nhà vận động một lần nữa đã đưa ra sáng kiến tương tự. Tuy nhiên, họ có vẻ vẫn chưa gặt hái được thành công.

    Theo Kênh 14

  • Dưới đây là bài chia sẻ của bạn Thảo Brinkschulte đăng trên nhóm Du lịch Khám phá châu Âu:

    "Thấy các bạn đi Thụy Sĩ nhiều quá mình kể lại với các bạn vài cú sốc văn hoá mình gặp ở Thụy Sỹ. Ở Đức lâu rồi và toàn đi du lịch loanh quanh Tây Ban Nha, Hà Lan, Áo, Pháp... nên mình rất chủ quan cứ ngỡ Đức, Áo, Thụy Sỹ là anh em một nhà không chuẩn bị gì cả. Đại loại vác ba lô lên là đi thôi.

    du lich thuy sy
    Geneva, Thụy Sỹ

    Sốc 1:Xuống sân bay Geneva toàn thấy tiếng Pháp: ôi người ta nói tiếng Pháp à, sao bảo tiếng Đức là quốc ngữ? Tuy thế nếu mặt dày nói tiếng Đức thì mấy câu đơn giản bồi bàn vẫn hiểu, nhưng họ vẫn chày cối nói tiếng Pháp trả lời mình.

    Sốc 2: Quên mang thuốc tiêu sữa mà đồ ăn ở đây toàn sữa, vào đại một nhà thuốc hỏi mua 1 lọ, họ bảo 50CHF - ồ hóa ra ở đây không tiêu tiền euro à.

    Trả tiền xong quay ra hỏi ủa chồng ơi 50CHF là 5euro à? Hoá ra nó là 50euro ạ. Lọ thuốc đắt gấp 10 lần ở Đức.

    Sốc 3: Tung tẩy nửa ngày thì điện thoại tự nhiên báo tin "đã nạp tiền, cám ơn quý khách" hoá ra đã tiêu hết 70euro tiền roaming. Hoá ra Thụy Sỹ không chỉ khác tiền, khác ngôn ngữ mà cả internet họ cũng dùng internet khác nữa. Ủa đây có phải châu Âu nữa không?

    Sốc 4: Đi ăn lệch giờ nên hàng quán đóng cửa hết, chỉ có đồ ăn nhẹ. Tới giờ mình vẫn không hiểu tầm trưa chiều thì ăn gì ở đâu cho no.

    Sốc 5: mọi người cứ bảo Thụy Sỹ thanh bình văn minh lắm nhưng lúc mình lạc đường quẹo ngang qua nhà ga lại thấy cảnh sát chạy huỳnh huỵch ghè cổ một anh xuống đất rồi còng tay lại. Ở châu Âu 20 năm thấy cảnh này 2 lần thì 1 lần ở Geneva thơ mộng, đúng là chuyến du lịch đáng nhớ luôn.

    Tuy thế mình vẫn thích đi lần nữa, lần sau quay lại mình sẽ sắm quả sim roaming với mang theo một tập CHF tiêu cho biết. Đùa chứ 3 ngày mình ở Geneva mà chưa biết tờ tiền Thụy Sĩ nhìn như nào vì toàn dùng thẻ".

    Cre: Thảo Brinkschulte / Du lịch Khám phá châu Âu

  • Một nữ sinh 19 tuổi ở Hà Nội chi hơn 157 tỷ đồng để mua trọn số cổ phần chưa phân phối hết của Cienco4 trong đợt chào bán vừa qua, nhờ đó Cienco4 nâng vốn thành công lên 3.371 tỷ đồng.

    Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (mã chứng khoán trên UPCoM: C4G) mới đây báo cáo kết quả đợt chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó tăng vốn điều lệ lên 3.371 tỷ đồng.

    Theo đó, trong khoảng thời gian 7/4-28/4, công ty chào bán thành công hơn 96,6 triệu cổ phiếu trong số gần 112,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương hơn 86% số lượng chào bán.

    Lượng cổ phiếu còn lại (hơn 15,7 triệu đơn vị tương đương gần 14% số lượng chào bán) được công ty này bán cho nhà đầu tư Nguyễn Thị Thảo trong ngày 9/5. Với giá chào bán tương đương mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tính ra nhà đầu tư này đã chi 157 tỷ đồng để sở hữu 15,7 triệu cổ phiếu C4G, nâng tỷ lệ sở hữu tại Cienco4 từ 0% lên 4,66% vốn điều lệ. Sau khi mua, Nguyễn Thị Thảo suýt thành cổ đông lớn của công ty. Hiện tại, theo quy định, cá nhân sở hữu từ 5% vốn điều lệ mới trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp.

    mua co phieu
    Thông tin về cá nhân mua hơn 15,7 triệu cổ phiếu C4G để sở hữu 4,66% vốn điều lệ Cienco4 (Ảnh chụp màn hình).

    Dữ liệu về số căn cước cá nhân được cung cấp thể hiện nhà đầu tư này sinh năm 2004 (tức mới 19 tuổi) đang là sinh viên tại một trường đại học ở Hà Nội. Tuy nhiên, qua báo cáo quản trị công ty năm 2022 của Cienco4 thì nhà đầu tư này không nằm trong danh sách những người liên quan (người nhà) của người nội bộ tại Cienco4. Người có số căn cước công dân này không có mã số thuế cá nhân.

    Sau đợt chào bán, tổng số tiền mà Cienco4 thu được là gần 1.124 tỷ đồng. Cienco4 có 19.232 cổ đông (bao gồm 19.215 cá nhân và 17 tổ chức) trong đó 2 cổ đông lớn là Công ty cổ phần New Link với tỷ lệ sở hữu đạt 10,37% còn Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect nắm giữ 7,72% vốn.

    Trên thực tế, việc chào phát hành thêm cổ phiếu của Cienco4 cũng ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ sở hữu của các cổ phiếu hiện hữu. VNDirect mặc dù mua thêm 5,27 triệu cổ phiếu C4G (trong tổng số 10,4 triệu cổ phiếu được phép mua) nhưng tỷ lệ sở hữu vẫn bị giảm từ 9,24% xuống còn 7,72%.

    Cienco4 là đơn vị kế thừa truyền thống Cục Công trình I - Bộ Giao thông vận tải được thành lập ngày 27/12/1962 để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Trải qua hơn 50 năm, tập đoàn này đã nhiều lần được tổ chức lại với nhiều tên gọi khác nhau.

    Trong quý I, Cienco4 đạt 460 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 41 tỷ lãi sau thuế, tăng lần lượt 8% và 27% so với cùng kỳ năm 2022, thực hiện được 12% kế hoạch lợi nhuận năm. Công ty đặt kế hoạch doanh thu 4.500 tỷ đồng và lãi sau thuế trên 330 tỷ đồng trong năm 2023.

    Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu C4G đang giao dịch tương đối tích cực với chuỗi tăng liên tục 4 phiên liền. Đóng cửa phiên 12/5, mã này tăng 3,91% lên 13.300 đồng. Mức giá này của C4G đã tăng tới 139% so với trung tuần tháng 11/2022.

    Theo Dân Trí

  • nha guong thuy sy 1

    Ngôi nhà gương phản chiếu khung cảnh xung quanh, khiến nó giống như 'biến mất' vào không trung, gây ảo giác cho du khách.

    nha guong thuy sy 1

    Ngôi nhà gương mang tên Mirage Gstaad của nhà thiết kế Doug Aitken (người Mỹ) nằm tên đỉnh núi tuyết Gstaad thuộc dãy Alps ở Thụy Sĩ được mệnh danh là 'căn nhà trong suốt' hay 'căn nhà kính vạn hoa' bởi gần như toàn bộ mặt ngoài nhà làm bằng gương.

    nha guong thuy sy 1

    Những tấm gương phản chiếu khung cảnh xung quanh khiến ngôi nhà dường như 'biến mất' vào không gian, 'gây lú' cho khách tham quan.

    nha guong thuy sy 1

    Căn nhà một tầng được xây dựng theo chủ nghĩa thiết kế hiện đại, mang cảm hứng từ các công trình kiến trúc sư nổi tiếng Frank Lloyd Wright. Phần mái che cũng làm bằng gương.

    nha guong thuy sy 1

    Để lên khu vực này, du khách phải vượt qua một chặng đường leo núi khá dài. Nơi đây có phong cảnh bốn mùa lộng lẫy, mùa hè nắng đẹp, nhiều loại hoa dại trổ bông, mùa đông tuyết phủ trắng xóa.

    nha guong thuy sy 1

    Khung cảnh vùng núi Thụy Sĩ được 'nhân đôi' qua tấm gương phản chiếu của ngôi nhà Mirage Gstaad. Công trình này mở cửa miễn phí cho du khách.

    nha guong thuy sy 1

    Không chỉ bên ngoài, phía trong căn nhà cũng được lắp những mảnh gương có kích thước, hình dáng khác nhau, mang lại hiệu ứng thị giác sống động như kính vạn hoa.

    nha guong thuy sy 1

    Khá đông khách du lịch đã tới đây chiêm ngưỡng tác phẩm có một không hai này. Tuy nhiên, thiết kế trong suốt của căn nhà từng gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng đây có thể làm mối nguy hiểm cho động vật hoang dã và các loài chim khi không phân biệt được trước mặt có vật cản.

    nha guong thuy sy 1

    Tuy nhiên, nhà thiết kế phản hồi rằng, ông đã làm việc với hiệp hội bảo vệ chim hoang dã, sau đó cho lắp phần gờ màu đen ở mỗi tấm gương dày khoảng 3 cm để động vật có thể nhận biết.

    nha guong thuy sy 1

    Khung cảnh ấn tượng khi ngôi nhà gần như 'biến mất' giữa núi tuyết ở Gstaad. Công trình được xây dựng dưới dạng lắp ghép, không cố định. Nó từng được trưng bày ở Palm Springs (Mỹ) vào năm 2017, sau đó chuyển tới Detroit (Mỹ) năm 2018.

    nha guong thuy sy 1

    Căn nhà chuyển đến Thụy Sĩ từ năm 2019 và ở lại đây tới đầu năm nay. Nhà thiết kế chưa hé lộ địa điểm đặt chân tiếp theo của tác phẩm này.

    Ngôi Sao (Theo Hypebeast)

  • Bơi qua sông Rhine là một trong những hoạt động yêu thích của người dân Thụy Sĩ. Bên cạnh nhu cầu vận động, giải trí, nhiều người xem đây là hình thức đi lại giữa nhà và công sở.

    boi qua song ve nha 1
    Những người bơi lội ở sông Rhine đều mang theo chiếc túi hình con cá.

    Ôtô, xe buýt, tàu hỏa là những phương tiện đi lại phổ biến của hầu hết người dân trên thế giới. Tuy nhiên, với dân văn phòng sống ở thành phố Basel (Thụy Sĩ), bơi qua sông Rhine để về nhà cũng là một hình thức được nhiều người ưu ái.

    Để đồ đạc không bị ướt, họ gói tất cả vào một chiếc túi khô, nhảy xuống nước và tự thả nổi bản thân cùng hành lý.

    Nick, người dùng TikTok, đã chia sẻ khoảnh khắc này trên mạng xã hội và nhận được hàng trăm bình luận bày tỏ sự ngạc nhiên.

    “Bạn sẽ không tin điều này nhưng ở Thụy Sĩ, một số người thực sự đi về bằng đường sông. Họ tận dụng sức đẩy của dòng chảy để trôi đến đích. Bằng cách này, không chỉ tiết kiệm tiền, họ còn được tập thể dục, phơi nắng và tận hưởng một cuộc sống tươi đẹp”, Nick chú thích trong video.

    Hành động này khiến không ít khách du lịch khó hiểu nhưng cũng tạo nên sức hút cho thành phố Basel.

    “Bên cạnh những địa điểm đẹp như tranh vẽ, đây là điều yêu thích của tôi mỗi khi đến thăm Thụy Sĩ”, Alexa, blogger du lịch, nói trong một đoạn clip về chuyến đi của cô.

    boi qua song ve nha 1

    boi qua song ve nha 1
    Không ít người dân bơi qua sông để về nhà. Ảnh: Andreas Zimmermann, Markus Buehler.

    Alexa cho biết những người bơi qua sông đều chuẩn bị một túi khô gọi là “'wicklefisch”, có hình dạng của con cá để chứa đồ dùng cá nhân. Trước giờ đi làm và sau khi tan sở, người lớn, trẻ em, thậm chí những chú cún cũng tham gia tự thả trôi qua sông Rhine.

    Gần khu vực sông có những cabin nhỏ được xây dựng đặc biệt để làm phòng thay đồ. Ngoài ra, một số phòng tắm và nhà vệ sinh cũng mọc lên dọc theo tuyến đường nhằm phục vụ người dân.

    “Về cơ bản, mọi người vẫn có thể quay trở lại bất cứ nơi nào họ xuất phát. Một số người sử dụng nó như phương tiện di chuyển để đi từ điểm A đến điểm B”, cô nói thêm.

    Bên dưới đoạn clip của Nick và Alexa, nhiều người thể hiện sự nghi ngờ về độ an toàn của cách đi lại này.

    “Thật không thể tưởng tượng nổi. Giả sử họ đi làm với bạn bè và tất cả sống trong cùng một khu phố, mỗi lần đi đâu là cả nhóm lại nhảy xuống sông để bơi sang đích đến”, một người dùng TikTok bình luận.

    "Nghe như truyện cổ tích”, một người khác phản ứng tương tự.

    Tuy trông khá yên bình và tĩnh lặng, nhiều người dân địa phương lưu ý rằng Rhine là một con sông lớn, dòng chảy mạnh, những ai có ý định bơi qua đây đều phải tập thích nghi dưới nước trước khi thực hiện.

    “Đây có lẽ là một trong những điều thú vị và tuyệt vời nhất mà tôi từng làm khi đến châu Âu. Hãy bơi sang bên phải sông, vì thuyền phà đều sử dụng phần bên trái. Tuyệt đối không làm điều này nếu bạn đang cảm thấy buồn nôn, nôn nao và say rượu”, Desiree, một blogger du lịch người Na Uy, viết trên blog của mình.

    Theo Zing

  • Chỉ sau vài giờ chia sẻ, đoạn video này đã nhận được lượng tương tác khủng từ cộng đồng mạng, nhiều người thậm chí phải thốt lên rằng: Thiên đường là đây chứ đâu!

    Từ xưa đến nay, Thuỵ Sĩ được biết đến là một trong những thiên đường du lịch nổi tiếng nhất châu Âu. Đến đây, bạn sẽ bắt gặp những ngôi làng yên bình lọt thỏm giữa nhiều ngọn núi phủ tuyết hùng vĩ, những dòng sông nên thơ với cảnh sắc tuyệt đẹp ở hai bên bờ. Chưa hết, quốc gia này còn sở hữu nền văn hoá độc đáo và đa dạng với rất nhiều ngôn ngữ và các tôn giáo khác nhau. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi đây luôn là điểm đến lí tưởng trên bản đồ du lịch thế giới.

    Mới đây, cư dân mạng vừa truyền tay nhau một đoạn clip dài chưa đến 30 giây có nội dung quay lại hình ảnh đẹp đến ngỡ ngàng của một chiếc hồ có tên là Brienz tại Thuỵ Sĩ. Chỉ sau vài giờ chia sẻ, đoạn video này đã nhận được lượng tương tác khủng từ cộng đồng mạng, nhiều người thậm chí phải thốt lên rằng: Thiên đường là đây chứ đâu!

    Bạn không nhìn nhầm đâu, đây là cảnh thực đấy. 

    Cụ thể, xuất hiện trong đoạn clip dài 24 giây là hình ảnh con đường dẫn đến chiếc hồ với làn nước xanh màu ngọc bích, nối liền với dãy núi mờ sương phía sau. Bạn không nhìn nhầm đâu, đó là hình ảnh thật của hồ Brienz đấy. Tính đến nay, đoạn video đã nhận được hơn 2,5 triệu lượt xem, hơn 100k lượt thích, 10k bình luận cùng gần 30k lượt chia sẻ. Chỉ cần nhìn qua những con số trên cũng đủ hiểu độ viral của clip này rồi!

    Lắm lúc, nhìn chiếc hồ có cảm tưởng như ai đã đổ mực màu xanh xuống ấy nhỉ?!

    Được bao bọc bởi các dãy núi xen kẽ những khu làng cổ, cảnh quan xung quanh hồ Brienz khiến du khách ấn tượng với những hình ảnh liền kề như sườn núi, rừng sâu, vùng nước màu ngọc lam. Với chiều dài 14km và độ sâu 250m, nguồn nước trong hồ được lấy từ nước từ sông Aar. Hồ Brienz được xem là nơi lí tưởng để bơi lội hoặc thực hiện những chuyến đi thuyền và chèo sojourns.

    Nhìn mát mắt quá

    Ngoài ra, bạn có thể đi dạo trong khuôn viên của khu vực đường mòn đi bộ, khám phá những làng nghề truyền thống hoặc bắt các chuyến tàu hơi nước cũ từ Brienz lên núi Brienzer Rothhorn gần đó.

    Thụy Sỹ nổi tiếng với những cảnh đẹp mê hồn.
    Nếu có thể giới thiệu một điểm đến mà bạn không thể bỏ lỡ ở Thụy Sĩ, đó sẽ là Interlaken. Thị trấn này nép mình giữa hồ Thun và hồ Brienz bên cạnh sông Aare và được bao quanh bởi những ngọn núi hùng vĩ. 
    Interlaken là nơi để thử các môn thể thao ngoài trời và khám phá thiên nhiên tốt nhất khi đi du lịch Thụy Sĩ.
    Du lịch bụi là cách bạn có thể trải nghiệm Interlaken. Nếu là người có xu hướng thích các trò mạo hiểm, bạn có thể lựa chọn nhảy dù, vượt thác, dù lượn, đi bè trên nước hoặc bất cứ trò chơi nào có thể giúp bạn giải phóng khả năng phiêu lưu của mình.
    Quốc gia này được Chúa ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những dòng sông êm đềm, những ngọn núi tuyết phủ và cảnh đẹp thiên đường của những vùng ngoại ô thanh bình nhất châu Âu.
    Nếu đang có plan ghé thăm đất nước Thuỵ Sĩ thì đừng bỏ lỡ địa điểm tuyệt đẹp có 1 không 2 này bạn nhé!

    Viethome (theo Helino)