• Tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng, ở Mỹ, bạn phải thật giàu hoặc thật nghèo, vì thu nhập của bạn chính là yếu tố quyết định mức bảo hiểm sức khỏe bạn có được.

    Năm nay, thu nhập của tôi tăng lên, cho nên những bảo hiểm cũ của tôi không còn nữa. Trước đây, khi vợ tôi mới qua thì bảo hiểm còn được nhà nước lo vì nó dành cho những người có thu nhập thấp.

    Tôi có tìm hiểu các gói bảo hiểm. Gói bảo hiểm Medical yêu cầu hai vợ chồng phải có thu nhập dưới 21.000 USD/ năm, mà muốn đủ điều kiện chuyển sang Obamacare thì phải có mức thu nhập dưới 31.000 USD/ năm.

    Và nếu, mức thu nhập của vợ chồng bạn trên 31.000 đô la một năm, bạn sẽ phải mua một gói bảo hiểm khác, và nó tương đối đắt đỏ, khoảng 450 USD/ tháng.

    o my phai that giau

    Điều này làm bản thân tôi vô cùng hoang mang. Khoảng một thời gian dài tôi sống trên đất Mỹ này được Nhà nước lo bảo hiểm vì thuộc tầng lớp thu nhập thấp (low-income). Bên cạnh đó, tôi còn được tham gia gói Medicare vì chăm sóc cho người già, cái gì cũng miễn phí nên chưa bao giờ phải đối mặt với khoản chi trả bảo hiểm cao như thế này.

    Bắt đầu bước vào cuộc sống của một người bình thường, bạn sẽ phải đau đầu nhiều lắm. Riêng khám bác sĩ bạn cũng phải tốn 75 USD/ lần, hay chỉ gặp chuyên gia xét bệnh thôi bạn cũng sẽ phải chi khoảng 105 USD cho một lần gặp mặt.

    Sinh hoạt bên Mỹ vất vả lắm. Ví dụ cuối năm bạn đi khai thuế 10.000 đô la, tùy thuộc vào điều kiện chi trả gia đình (nuôi thêm vợ con hoặc chỉ phải nuôi bản thân), bạn có thể sẽ được nhận lại hoặc phải trả thêm một khoản tiền vào số thuế đó.

    Mà luật khi khai thuế sẽ phạt nếu bạn không có bảo hiểm, cho nên, tôi bắt buộc phải đi mua bảo hiểm bất đắc dĩ.

    Đối với người giàu, họ thừa sức chi trả bảo hiểm cho họ, còn với nghười nghèo, bảo hiểm của họ đã được Nhà nước lo.

    Những điều này làm tôi nhớ lại lời khuyên của những người đi trước: Khi bạn ở Mỹ, bạn phải giàu thật giàu hoặc nghèo thật nghèo, chứ cứ lỡ cỡ là chết!

    Nguồn: Youtube Thang Truong

  • Sau khi họ bị bắt, bên trong chợ, hàng cá, hàng thịt không có ai phục vụ.

    Ở quận hạt của tôi đã xảy ra một chuyện như sau. Chả là có một khu chợ của người Hàn Quốc ở Mỹ bán rất nhiều thực phẩm và hàng gia dụng với giá rất rẻ, khiến cho các siêu thị khác của người gốc Á ế hàng.

    Một hôm, Lực lượng thực thi luật di trú Mỹ (ICE) đột kích vào khu chợ đó, bắt đi rất nhiều các nhân viên bốc vác, dọn dẹp, những người làm cá, xẻ thịt, tất cả đều là người nhập cư bất hợp pháp.

    Ít hôm sau tôi đi ngang chợ, thấy một toán nhân viên mới đang được "training" trong bãi đậu xe. Còn bên trong chợ, hàng cá, hàng thịt không có ai phục vụ, giá cả cũng tăng cái vù.

    Đó cũng là những gì sẽ diễn ra ở Mỹ nếu các chiến dịch trục xuất quy mô lớn được tiến hành. Các cơ sở thuê người nhập cư bất hợp pháp, đa phần là các nông trại, các nhà thầu xây dựng, các cơ sở cung cấp dịch vụ làm vườn, quét dọn... sẽ là mục tiêu, và họ chắc chắn sẽ không để yên cho chính phủ bắt nhân viên.

    sieu thi o my
    Một siêu thị ở Mỹ.

    Nếu công ty nào bị mất nhân viên thì coi như sẽ khó khăn, vì các công việc đó rất khó thuê được những người có giấy tờ đàng hoàng. Giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng, còn việc người dân Mỹ chịu được bao lâu thì hạ hồi phân giải.

    Khi nội các bắt đầu hình thành, ông Trump đồng thời bắt đầu đưa ra những tuyên bố về chính sách mà ông sẽ thực thi. Những chính sách này liệu có đem lại kết quả như mong muốn không?

    Về vấn đề đối nội của nước Mỹ, hai vấn đề nổi bật mà ông Trump thường đưa ra tuyên bố nhất là việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp và tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu.

    Tính khả thi của hai chính sách này khác nhau nhưng kết quả có lẽ sẽ giống nhau.

    Đối với việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, những ai có chút hiểu biết về kinh tế Mỹ đều thấy rằng mọi chuyện rất không khả thi. Không phải là chuyện cần bao nhiêu nhân viên hành pháp để bắt người nhập cư bất hợp pháp, hay là trục xuất họ về đâu, mà kế hoạch này sẽ tan tành mây khói với sự chống đối của các chủ sử dụng lao động.

    Vì sao vậy? Thực tế hành pháp không đơn giản. Để bắt được một người nhập cư bất hợp pháp thì trước hết bạn phải biết họ ở đâu. Gõ cửa từng nhà để hỏi giấy tờ thì quá mất thời gian.

    Chặn đường để hỏi giấy tờ cũng không được, vì trên đường có bao nhiêu người, chặn lại thì khả năng bắt được người không có giấy tờ rất thấp. Đó là chưa kể là làm sao để biết người đó có giấy tờ hợp pháp hay không? Chả lẽ lại bắt mọi người ra đường phải cầm theo hộ chiếu, thẻ xanh, visa ư?

    Các chiến dịch bắt các di dân bất hợp pháp quy mô "lớn", tức là trên hai người, chỉ "thành công" ở một địa điểm duy nhất: nơi làm việc. Nơi làm việc là nơi mà người sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ di trú của người mà họ thuê, và chuyện những người không có giấy tờ làm việc ở đâu thì ai cũng biết

    Việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu thì dễ hơn vì không cần một lực lượng hành pháp lớn. Hàng hóa tới cửa khẩu thì phải đưa tiền thuế ra, vấn đề chỉ là bao nhiêu thôi. Hậu quả thì ai cũng biết ngay, đó là giá cả hàng hóa ở trong nước Mỹ sẽ tăng cao ngay lập tức.

    Chính vì những hiệu ứng tức thì này mà ai cũng cảm thấy thắc mắc về chuyện ông Trump có làm thật hay không. Câu trả lời có lẽ nằm ở chỗ liệu các nước bị áp thuế sẽ làm gì để bớt được phần thuế mà hàng hóa nước mình sẽ gánh.

    Với Canada và Mexico, hai nước này có thể thỏa mãn các yêu cầu mà ông Trump đưa ra về hợp tác ở biên giới để giảm tình trạng buôn ma túy và nhập cư bất hợp pháp qua biên giới Mỹ để đổi lấy tỷ lệ thuế thấp hơn.

    Trung Quốc là phía sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, bởi vì ông Trump chưa đưa ra yêu sách gì, và khả năng là ông Trump sẽ không có yêu sách gì với Trung Quốc. Mục tiêu của ông Trump là dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và đánh thuế vào hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc là biện pháp để thúc đẩy quá trình này.

    Ở bên ngoài nước Mỹ, ai hơn ai thiệt vì những chính sách thuế của ông Trump thì rõ ràng hơn. Các nước sẽ được lợi là điểm đến tiềm năng của quá trình dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

    Các nước Đông Nam Á vì vậy đang tăng cường đón làn sóng đầu tư mới. Ngay cả những doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam và các nước láng giềng cũng có khả năng được lợi nếu nắm bắt được cơ hội sản xuất những mặt hàng gia dụng nhỏ với số lượng cao.

    Ông Trump chỉ có bốn năm nắm quyền nữa thôi, và đây cũng là cửa sổ cơ hội hiếm có đối với những ai có tham vọng tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất hàng tiêu dùng cho người Mỹ.

    Tác giả: Luật sư Khanh Huỳnh / VnExpress

  • Chị đang lo toan mọi thứ cho đứa con đầu sang Australia du học, từ chuẩn bị tài chính, gửi gắm người quen ở Australia, cho tới tìm đơn vị trung gian uy tín để lo thủ tục giấy tờ.

    "Thời buổi này có tiền cũng khó du học", chị nói với tôi, không giấu mong muốn là con chị khi tốt nghiệp, có công việc tốt, được định cư lâu dài.

    Cũng như tính toán của chị, 80% du học sinh Việt Nam diện tự túc tìm cách ở lại nước ngoài vì thu nhập cao, đãi ngộ tốt - theo thống kê mới đây của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

    Có thể nói, ngoài vấn đề trau dồi kiến thức, định cư là một động cơ lớn của du học sinh. Trong số các nước nói tiếng Anh, Mỹ, Anh, Australia và Canada là bốn điểm đến yêu thích nhất của học sinh Việt Nam.

    Nhưng tôi cho rằng, mục tiêu tìm đường ở lại sẽ ngày một thách thức hơn.

    Kể từ năm 2024, lĩnh vực giáo dục quốc tế đã có những chuyển biến lớn, khi nhiều nước đứng đầu về xuất khẩu giáo dục, bao gồm bốn nước nêu trên, bắt đầu triển khai những thay đổi đáng kể về chính sách, ảnh hưởng lớn đến cơ hội du học cũng như định cư.

    Thay đổi đáng kể nhất có lẽ là ở Canada. Chính phủ nước này năm 2024 chỉ cấp 360.000 giấy phép du học, giảm 35% so với năm 2023. Cho đến năm 2026, mỗi năm số giấy phép du học sẽ giảm thêm 10% so với 2024. Yêu cầu chứng minh tài chính kể từ năm 2024 cũng tăng gấp đôi: du học sinh phải có tối thiểu 20.635 CAD, tương ứng 75% ngưỡng thu nhập thấp của Canada. Giấy phép làm việc sau khi tốt nghiệp cũng bị hạn chế: chỉ sinh viên tốt nghiệp đại học mới được cấp giấy phép ba năm. Vợ/chồng của sinh viên thạc sĩ trong những chương trình đào tạo dưới 16 tháng sẽ không được làm việc.

    du hoc sinh du

    Australia cũng đang triển khai những thay đổi lớn cho phù hợp với Chiến lược di trú ban hành năm 2023. Từ năm 2025, Australia dự định giới hạn số lượng du học sinh đăng ký mới ở mức 270.000 mỗi năm, ưu tiên các trường đại học công lập và trường nghề. Mức chứng minh tài chính từ tháng 5/2024 cũng tăng từ 24.505 lên 29.710 AUD cho người đứng tên chính trong hồ sơ du học, tương đương 75% mức lương tối thiểu của Australia. Bên cạnh đó, nhiều thay đổi cũng được áp dụng liên quan đến trình độ tiếng Anh, độ tuổi, nơi nộp visa, giấy phép làm việc sau tốt nghiệp. Một thống kê cho thấy từ tháng 10/2023 đến tháng 8/2024, số lượng visa Australia cấp cho du học sinh Việt Nam giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.

    Anh cũng không đứng ngoài xu thế chung. Kể từ năm 2024, chỉ nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ và Thạc sĩ mới có thể đem theo người phụ thuộc. Mức lương tối thiểu để được cấp visa làm việc dài hạn tăng đến 50%, từ 26.200 lên 38.700 bảng Anh. Chính phủ Anh tăng mức chứng minh tài chính cho những người muốn xin visa cho vợ/chồng, từ 18.600 lên 29.000 bảng Anh.

    Những thay đổi này là nhằm giải quyết một số vấn đề dài hạn, có tác động tiêu cực đến cộng đồng và người dân. Một báo cáo cho thấy kể từ năm 2010, trong khi khả năng tiếp nhận sinh viên quốc tế của các trường đại học tăng không đáng kể, số lượng sinh viên nhập học tăng gấp 4 lần, khiến chất lượng giáo dục đi xuống, gây quá tải lên hệ thống quản lý di trú và tạo điều kiện cho những hoạt động sai trái liên quan việc cấp đơn nhập học và xin visa. Chính phủ các nước này cũng cho rằng số lượng du học sinh quá lớn đang tạo áp lực không nhỏ lên quỹ nhà cửa, y tế và cơ sở hạ tầng, đòi hỏi phải có biện pháp hạn chế.

    Canada đặt mục tiêu đến năm 2026 số cư dân tạm trú giảm từ 6,5% xuống còn 5% dân số. Australia cũng đặt mục tiêu giảm một nửa mức nhập cư ròng, từ 528.000 người năm 2023 xuống còn 260.000 năm 2025. Tác động của sinh viên quốc tế đến cuộc khủng hoảng nhà cửa ở Australia là một vấn đề gây tranh cãi lớn. 80% sinh viên quốc tế thuê nhà của tư nhân vì thiếu ký túc xá, khiến khủng hoảng nhà thuê càng thêm trầm trọng, dù một nghiên cứu cũng chỉ ra là sinh viên quốc tế chỉ chiếm 4% thị trường nhà thuê ở Australia.

    Những thay đổi về chính sách visa cho sinh viên đi kèm với thay đổi về chính sách nhập cư. Ví dụ, ngoài việc áp dụng mức trần là 185.000 suất thường trú vào năm 2025, Australia sẽ thay đổi cách tính điểm cho hồ sơ xin visa thường trú, điều chỉnh độ tuổi, trình độ tiếng Anh, kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, mức lương cũng như những ngành mà Australia cần.

    Cần phải lưu ý một điểm là chính quyền Trump từ năm 2025 nhiều khả năng sẽ tăng cường các biện pháp hạn chế nhập cư. Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, tỉ lệ từ chối visa H-1B (visa cho người tay nghề cao) trung bình là 18% (so với 3,2% dưới thời Biden). Mỹ sẽ tiếp tục thắt chặt việc cấp các hạng mục visa cho sinh viên, hướng đến việc ưu tiên cấp thẻ thường trú cho những ngành khoa học kỹ thuật.

    Nhìn rộng ra, các nước phát triển đều điều chỉnh chính sách nhập cư theo hướng cân bằng giữa việc giải quyết việc thiếu hụt lao động (đặc biệt là lao động tay nghề cao) với việc giải quyết những áp lực nội địa, như khủng hoảng nhà ở, chi phí sinh hoạt, quản lý dân số và tăng cường gắn kết xã hội.

    Vậy đâu là lựa chọn cho du học sinh Việt Nam?

    Nếu mục tiêu du học chỉ là trau dồi kiến thức, có những lựa chọn chất lượng mà chi phí thấp hơn nhóm bốn nước hàng đầu. Ở châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan là những điểm đến nhiều du học sinh Việt Nam lựa chọn. Hiện có 73.000 du học sinh Việt ở Hàn Quốc, 49.000 ở Nhật và 24.000 ở Đài Loan. Ở châu Âu, Đức là một điểm đến đáng lưu ý, sinh viên quốc tế có thể theo học miễn phí.

    Du học tại chỗ cũng ngày càng phổ biến ở Việt Nam, khi nhiều trường đại học quốc tế mở các chương trình liên kết đào tạo. Khi tham gia những chương trình này, sinh viên cũng có cơ hội được học tập ở nước ngoài một thời gian.

    Nếu định cư là mục tiêu sau cùng, thì rõ ràng con đường du học rồi nhập cư không còn là một đường thẳng. Du học sinh cần phải suy nghĩ dài hạn và áp dụng nhiều chiến thuật cùng lúc. Chẳng hạn, du học ở một nước dễ nhập học hơn, tích lũy chuyên môn và kinh nghiệm sau khi tốt nghiệp rồi tìm việc làm ở một nước có cơ hội định cư cao hơn. Hoặc là, nếu đã xác định nước muốn định cư, thì cần chọn những ngành học, bậc học được ưu tiên, tích lũy kinh nghiệm làm việc và nâng cao khả năng ngôn ngữ. Một số nước có những chương trình ưu tiên định cư ở những khu vực xa trung tâm. Australia duy trì một danh sách những ngành đang thiếu hụt nhân lực, tùy theo từng bang và lãnh thổ. Nhưng danh sách này thay đổi liên tục nên du học sinh cũng cần phải theo dõi sát.

    Tóm lại, tuy đóng góp của sinh viên quốc tế vẫn được coi trọng, hầu hết các nước phải thay đổi chính sách giáo dục quốc tế và nhập cư để cân bằng với những vấn đề nội địa. Nghĩa là về lâu về dài, đi đã khó, ở lại càng khó hơn. Du học sinh cần chuẩn bị cả tâm lý lẫn chiến lược dài hạn.

    Lâm Vũ / VnExpress

  • Adam Crapser được đưa từ Hàn Quốc sang Mỹ vào năm 4 tuổi nhưng bố mẹ nuôi không làm thủ tục nhập tịch cho anh, khiến anh bị trục xuất sau 37 năm sống ở Mỹ.

    Adam Crapser sinh ra ở Hàn Quốc, được một gia đình ở Michigan nhận nuôi năm 1979 khi lên 4 tuổi. Crapser bị cha mẹ nuôi bỏ rơi vào những năm 1980.

    Cậu bé sau đó chuyển qua lại nhiều nhà nuôi dưỡng tình thương, trước khi được một cặp vợ chồng khác nhận nuôi năm 1989. Trong suốt những năm này, không ai làm thủ tục nhập tịch cho Crapser.

    Năm 1992, khi Crapser 17 tuổi, cặp vợ chồng nói trên bị kết tội ngược đãi, bạo hành con nuôi. Crapser có các tiền án trộm cắp, tấn công, tàng trữ vũ khí trong khi phải vật lộn với cảm giác xa cách với nơi mà anh kỳ vọng "là nhà".

    "Tôi lớn lên mà không tiếp xúc với người gốc Hàn. Tất cả những gì tôi biết là văn hóa Mỹ, không biết gì về ngôn ngữ, phong tục, văn hóa, lịch sử Hàn Quốc. Cha mẹ nuôi cố tình không cho tôi tiếp xúc những thứ này", Crapser nói.

    Vượt qua quá khứ bất hảo, anh mở một tiệm cắt tóc, một cửa hàng vải bọc đồ nội thất và kết hôn với người Mỹ gốc Việt Anh Nguyen. Hai vợ chồng và hai con sống tại Vancouver, Washington.

    Năm 2012, Crapser nộp đơn xin gia hạn thẻ xanh đã hết hạn, nhưng các quan chức di trú cho biết các tiền án thời trẻ của anh bị coi là vi phạm tư cách thường trú nhân. 4 năm sau, Crapser thua kiện, bị trục xuất về Hàn Quốc và bị cấm quay lại Mỹ trong 10 năm.

    bi truc xuat khoi my 1
    Adam Crapser cùng vợ và hai con tại nhà riêng ở Mỹ năm 2016. Ảnh: CNN

    "Các quan chức di trú nói tôi phạm nhiều sai lầm, dính líu nhiều rắc rối ở Mỹ. Tôi thừa nhận điều đó, nhưng tôi đã gắng hết sức để có thể sống ở nước này khi không có người thân, không đồng hương nào xung quanh", Crapser, hiện 49 tuổi, nói.

    Luật sư của Crapser cho biết các tiền án không phản ánh đầy đủ thực tế rằng Crapser liên tục bị bạo hành, bỏ rơi thời niên thiếu, nhấn mạnh mức độ dễ bị tổn thương của con nuôi quốc tế.

    Sau khi bị trục xuất và cấm đến Mỹ trong 10 năm, Crapser theo đuổi nhiều con đường pháp lý để được đoàn tụ với các con. Anh đã không được gặp con gái 10 tuổi từ năm 2017. Anh có thể nộp đơn xin miễn trừ trong hai năm, nhưng không rõ quá trình xét duyệt tốn bao lâu, trong khi việc cố gắng quay lại Mỹ có thể dẫn đến lệnh cấm suốt đời.

    "Quả là ác mộng. Tôi bị kẹt ở nơi sinh ra mà tôi còn không biết ngôn ngữ. Tôi đã thử nhiều cách để quay lại Mỹ sớm hơn nhưng không thành. Còn các con tôi nữa, chúng xứng đáng có một gia đình. Tôi muốn ở bên nuôi nấng các con, cho chúng cuộc sống mà tôi không có", Crapser nói.

    bi truc xuat khoi my 1
    Adam Crapser tại Tòa thượng thẩm Seoul ngày 23/10. Ảnh: CNN

    Năm 2019, Crapser đi vào lịch sử khi là con nuôi đầu tiên kiện chính phủ Hàn Quốc và cơ quan điều phối quá trình nhận nuôi Holt Children's Services. Anh yêu cầu bồi thường, lập luận quy trình nhận con nuôi sai sót đã làm đảo lộn cuộc sống của mình.

    Holt Children's Services không trả lời các yêu cầu bình luận. Trong khi đó, Holt International thừa nhận có những trường hợp nhận nuôi không đúng nguyên tắc vào những năm 1980, lưu ý Holt Children's Services đã tách khỏi tổ chức mẹ vào năm 1977.

    Năm 2023, tòa án ở Hàn Quốc ra phán quyết Holt Children's Services phải bồi thường cho Crapser 72.300 USD do không thông báo cho cha mẹ nuôi ở Mỹ về các bước cần thiết để đảm bảo quốc tịch cho con.

    Tòa án Quận Trung tâm Seoul sau đó bác các khiếu nại bổ sung của Crapser, cho rằng chính phủ không có trách nhiệm trong sự việc. Crapser và Holt đều đệ đơn kháng cáo, trong đó Holt khẳng định họ không có nghĩa vụ pháp lý phải đảm bảo quốc tịch cho Crapser.

    Tòa thượng thẩm Seoul sẽ ra phán quyết ngày 8/1/2025.

    bi truc xuat khoi my 1
    Adam Crapser tại Seoul, Hàn Quốc hồi năm 2019. Ảnh: AP

    Trong khi đó, tại Mỹ, một dự luật có thể cấp cho Crapser quốc tịch vẫn đình trệ tại quốc hội.

    Dự luật tên Đạo luật Quốc tịch của Con nuôi năm 2024, có thể lập tức cấp quyền công dân cho con nuôi quốc tế, vá lỗ hổng của Đạo luật Quốc tịch Trẻ em năm 2000, trong đó loại trừ những con nuôi trên 18 tuổi. Khi luật này được thông qua, Crapser đã 25 tuổi nên không được cấp quốc tịch.

    Dự luật đã được chuyển đến Ủy ban Tư pháp của lưỡng viện Mỹ, nhưng gần như không có khả năng tiến triển trong thời gian còn lại của quốc hội Mỹ khóa 118, kết thúc vào tháng 1/2025, khi Mỹ đang tổ chức bầu cử tổng thống.

    "Chúng tôi hy vọng dự luật cực kỳ cần thiết này sẽ được thông qua trong khóa mới để thành luật", nghị sĩ Dân chủ Adam Smith, người đồng bảo trợ dự luật, nói.

    "Hàng chục nghìn con nuôi quốc tế như Crapser rơi vào thế bấp bênh vì không có quốc tịch do luật hiện hành. Quốc hội cần vá lỗ hổng này", nghị sĩ Cộng hòa Don Bacon, một quan chức khác bảo trợ dự luật và là cha của hai con nuôi, nói.

    VnExpress (Theo CNN, AP, AFP)

  • Hàng nghìn trẻ em nước ngoài đã được đưa đến Mỹ cho các gia đình nhận nuôi, nhưng thời điểm đó nhiều trẻ không rõ quốc tịch, hiện tại họ có nguy cơ bị trục xuất.

    Một số người được nhận nuôi đang sống ẩn náu, lo sợ rằng việc báo cho chính phủ có thể khiến họ bị trục xuất. Trong khi đó, một số đã bị trục xuất.

    Để hỗ trợ họ, một dự luật đã được đệ trình lên Quốc hội nhưng vẫn chưa được thông qua. Những người ủng hộ dự luật cho rằng cái nhìn cực đoan về vấn đề nhập cư đã ngăn cản mọi nỗ lực mở rộng quyền công dân cho mọi người, ngay cả những người được nhận nuôi hợp pháp là con của cha mẹ người Mỹ.

    Họ rất lo sợ về những gì có thể xảy ra nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử vì ông đã cam kết sẽ tiến hành các cuộc truy quét người nhập cư và trại giam giữ quy mô lớn.

    truc xuat tre em my
    Quần áo của một trẻ được nhận nuôi từ Hàn Quốc khi mới 5 tháng tuổi. Ảnh: AP

    Hệ thống nhận con nuôi liên quốc gia bắt nguồn từ việc các gia đình Mỹ rất cần con, sau ảnh hưởng của các biện pháp tránh thai và những thay đổi trong xã hội. Rất nhiều con nuôi đến từ Hàn Quốc, quốc gia khi đó đang chịu gánh nặng thoát khỏi tình trạng người dân phải nuôi quá nhiều miệng ăn.

    Các cơ quan nhận con nuôi đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu cấp thiết về trẻ sơ sinh ở Mỹ. Nhưng có rất ít biện pháp đảm bảo rằng cha mẹ có khả năng chăm sóc chúng và chúng có được quyền công dân.

    Việc nhận con nuôi nước ngoài đã được thực hiện theo một hệ thống cho việc nhận con nuôi trong nước. Tòa án tiểu bang cấp cho trẻ em giấy khai sinh mới có ghi tên cha mẹ nuôi, với mục đích trao cho chúng tất cả các đặc quyền của con đẻ.

    Nhưng tòa án bang không có quyền kiểm soát nhập cư. Sau quá trình nhận con nuôi tốn kém và kéo dài, cha mẹ có nghĩa vụ phải nhập tịch cho con nuôi, nhưng một số người không bao giờ làm vậy.

    Năm 2000, Quốc hội Mỹ thừa nhận tình trạng pháp lý lấp lửng này của những người được nhận nuôi, và đã thông qua Đạo luật Quyền công dân trẻ em, tự động trao quyền công dân cho những trẻ được nhận nuôi.

    Nhưng đạo luật chỉ đơn giản hóa quy trình cho cha mẹ nuôi, không phải để giúp những người được nhận nuôi, và do đó chỉ áp dụng cho những người dưới 18 tuổi. Tất cả những sinh trước ngày 27/2/1983 đều không được đưa vào. Ước tính khoảng 15.000 đến 75.000 người không có quyền công dân.

    Không có cơ chế chính phủ nào cho những người được nhận nuôi biết mình đã được đảm bảo quyền công dân hay chưa. Họ thường tình cờ phát hiện ra điều đó khi nộp đơn xin hộ chiếu hoặc phúc lợi. Một phụ nữ lớn tuổi đã biết điều đó khi bà bị từ chối An sinh xã hội mà bà đã đóng góp cả đời. Nếu họ hỏi chính quyền về tình trạng của mình, họ có nguy cơ bị báo cho chính quyền rằng họ đang ở đây bất hợp pháp.

    Nếu chưa được đảm bảo quyền công dân Mỹ, người được nhận nuôi có thể không tìm được việc làm hoặc giấy phép lái xe, và một số không đủ điều kiện hưởng các phúc lợi của chính phủ như hỗ trợ tài chính và An sinh xã hội.

    Một phụ nữ tên Joy Alessi được nhận nuôi từ Hàn Quốc khi mới 7 tháng tuổi vào năm 1967. Khi trưởng thành, bà biết rằng cha mẹ chưa bao giờ nhập tịch cho bà và bà đã sống ẩn dật trong nhiều thập kỷ. Cuối cùng, bà được nhập tịch vào năm 2019 ở tuổi 52. Bà nói rằng mình đã bị tước đi tất cả những năm tháng mà công dân Mỹ coi là điều hiển nhiên, như các khoản vay giáo dục.

    Leah Elmquist đã phục vụ trong Hải quân Mỹ trong một thập kỷ, nhưng cô không phải là công dân. Cô được nhận nuôi từ Hàn Quốc khi còn là một đứa trẻ vào năm 1983, chỉ quá 6 tháng tuổi để được hưởng quyền công dân theo luật năm 2000. Cuối cùng, cô đã được nhập tịch sau quá trình khổ sở với vấn đề nhập cư, bao gồm cả việc phải làm bài kiểm tra về quyền công dân.

    Theo Congluan

  • Mình tới sống ở Quận Cam được khoảng 5 năm vì nghĩ thời tiết đẹp và vui. Khí hậu ở đây đẹp nhưng cũng không giống như thiên đường mà trước kia mình nghĩ. Mùa hè khoảng tháng 8-9 cũng rất nóng, mùa đông tuy không có tuyết nhưng cũng khá lạnh, thỉnh thoảng cũng có mưa và gió rất lớn có thể đổ cây cối. Nói chung, thời tiết đẹp và ôn hòa hơn so với các tiểu bang khác, nhưng đổi lại, sống cũng khá hồi hộp vì sợ động đất.

    Người Việt Nam rất đông và sinh hoạt cũng hơi bê bối, lộn xộn, có chút chút giống Việt Nam, từ ăn mặc cho tới mọi sinh hoạt hàng ngày. Đường xá local ở đây chật hẹp và dơ bẩn hơn các tiểu bang khác, rác khá là nhiều, và nhiều nơi có mùi ống cống. Đường dây điện nhiều nơi chưa chôn được xuống đất mà vẫn dùng cột điện chằng chịt khắp nơi. Freeway thì rất lớn nhưng kẹt xe khủng khiếp. Bờ biển khá dài và cảnh đẹp, nhưng nước lạnh quanh năm, gần như không thể tắm được. Các dịch vụ bãi biển và nhà vệ sinh rất kém và dơ bẩn khủng khiếp nếu so với các bãi biển ở tiểu bang khác.

    Parking trong các khu thương mại rất nhỏ hẹp, nhất là khu thương mại Việt Nam. Chợ búa tuy bán đủ thứ, giá khá rẻ nhưng rất chật hẹp, dơ bẩn và luôn đông đúc. Nhà hàng Việt Nam nhiều, rẻ và ngon, nhưng vệ sinh chắc không thể bằng các tiểu bang khác. Công việc làm của người Việt có vẻ khó khăn và chủ người Việt đối xử với nhân viên còn giống Việt Nam. Làm ăn kinh doanh thì chắc chắn cạnh tranh rất cao, tuy nhiên lương ở đây nhận cao hơn các tiểu bang khác.

    quan cam 1
    Asian Garden Mall – hay còn gọi là Phước Lộc Thọ biểu tượng của người Việt tại Mỹ

    Giá nhà thì rất cao, không chỉ ở những thành phố tốt mà hầu như khắp nơi trong Quận Cam. Nhà thì rất cũ, xấu, ẩm mốc, dơ bẩn nhưng cũng có giá tiền triệu. Người bán nhà theo kiểu có sao bán vậy, không thèm dọn dẹp hay sửa chữa gì trước khi bán. Ngoài mấy thành phố giàu có như Newport Beach, Irvine, Laguna Beach … thì các tiêu chuẩn sống khá giống với các tiểu bang khác, còn lại thì đều trong tình cảnh kể trên. Nhà ở đây đa số không trưng bày hoặc trang hoàng như các tiểu bang khác, mà đa số người dân sống xuềnh xoàng.

    Nhà ở đây chi phí bảo trì cũng khá cao vì ẩm mốc và mối mọt. Các dịch vụ cho cư dân từ chính phủ cho tới trường học khá kém vì quá đông người. Thuế sale tax và xăng rất cao, chưa kể thuế thu nhập tiểu bang. Đi chợ mua đồ, bạn sẽ phải trả tiền recycle cho chai nước bạn uống, và cả cái bao plastic đựng đồ cũng phải mua. Costco luôn chật cứng, đông người chen chúc, và cây xăng luôn có hàng trăm chiếc xe chen nhau xếp hàng đổ xăng để được giảm giá một vài đồng mỗi lần đổ.

    An ninh trong nhiều khu đông người Việt ở khá kém, hay bị đập xe hoặc bị cắt ống pô. Nhiều khu phố phải tranh nhau chỗ đậu xe bên đường vì nhiều người phải cho share phòng hoặc xây thêm ADU cho thuê để tăng thu nhập do chi phí đắt đỏ. Bên cạnh một số đông người Việt sống ở đây lâu, mua nhà đã lâu hoặc có nghề nghiệp ổn định và dường như có tài sản lớn nhờ giá nhà tăng cao, rất nhiều người Việt phải share phòng hoặc thuê nhà. Cuộc sống của họ có vẻ khá tạm bợ và căng thẳng vì chi phí đắt đỏ, điều này trái ngược hoàn toàn với người Việt ở các tiểu bang khác, nơi đa số sở hữu nhà riêng và tiền bạc khá thoải mái.

    Người Việt ở đây khá bảo thủ, luôn nghĩ Cali cái gì cũng nhất, luôn nghĩ Mỹ trắng ở các tiểu bang khác là kỳ thị, lạnh lẽo, nóng bức hoặc buồn chán. Có rất nhiều người dọn đi tiểu bang khác làm ăn, nhưng cũng có rất nhiều người thà chọn sống trong những căn phòng thuê tạm bợ hay những khu nhà ở đông người, điều kiện sống chật chội và lộn xộn, vẫn bám trụ nơi đây.

    quan cam 1
    Bãi biển Laguna Beach – một trong những khu biển có giá bất động sản đắt đỏ nhất nước Mỹ

    Mỹ trắng và các sắc dân Mễ, Trung Đông ở Quận Cam hành xử cũng lộn xộn và kỳ thị hơn rất nhiều ở các tiểu bang khác. Dịch vụ công sở khá hách dịch và không thân thiện như các tiểu bang khác. Các sắc dân khác nhau khá tách biệt và kỳ thị, học sinh trong các trường người Mễ chơi với Mễ, người Việt chơi với Việt theo nhóm, chứ học sinh không hòa đồng và không quan tâm tới sắc tộc như ở các tiểu bang khác. Hầu hết các chợ đều có nhân viên an ninh kiểm tra receipt của khách hàng vì sợ ăn cắp đồ, điều mà không bao giờ thấy ở tiểu bang khác. Rất nhiều cửa hàng khóa nhà vệ sinh, khách hàng phải xin chìa khóa hoặc mật mã.

    Mình rất thích thời tiết và cảm giác nhộn nhịp, cây trái và bông hoa ở đây rất đẹp, nhiều chỗ vui chơi và giải trí. Nhưng nếu ở lâu thì chơi miết, ngắm miết cũng thấy bình thường và chán. Dịch vụ sửa xe hay nhà cửa rất nhanh và nhiều, hư gì gần như không phải đợi. Bác sĩ, nha sĩ rất đông và cạnh tranh, các dịch vụ y tế, văn phòng bác sĩ tuy dơ bẩn hơn các tiểu bang khác nhưng nhanh và tiện lợi.

    Xa tiểu bang lạnh, tôi nhớ cái gì? Tôi nhớ làm ăn ở tiểu bang lạnh kiếm tiền quá dễ dàng với Mỹ trắng, tôi nhớ những người Mỹ thật dễ thương và họ rất thích, tôn trọng người Việt Nam, nhất là phụ nữ Việt Nam. Tôi nhớ các dịch vụ công cộng rất chuyên nghiệp, lịch sự và tuyệt vời. Tôi nhớ bà giáo của con tôi luôn mỉm cười gọi tôi là Mr. Nguyen. Tôi nhớ nhà cửa sạch sẽ, sang trọng, trang hoàng, đường xá rộng rãi, mọi nơi đều rất sạch sẽ. Cuộc sống không căng thẳng, rất thoải mái về tiền bạc. Người Việt thân thiện và quý nhau hơn rất nhiều.

    quan cam 1
    Nam California là một trong những nơi lộn xộn và mất an ninh vì tình trạng người vô gia cư

    Nhớ tới tiểu bang lạnh, tôi sợ cái gì?: Tôi sợ cái lạnh và sự buồn tẻ, nhưng nghĩ lại thì nếu bạn bận rộn với công việc quay cuồng thì không có thời gian mà buồn. Chưa kể internet, YouTube, các dịch vụ vận chuyển, shipping nhanh chóng,… có lẽ sẽ làm cho bạn cảm giác tốt hơn rất nhiều trước kia.

    Xa Quận Cam, tôi sẽ nhớ cái gì?: Tôi sẽ nhớ nhất là thời tiết và sự vui nhộn. Tôi nhớ cây trái, bông hoa. Tôi không nhớ đồ ăn vì các tiểu bang khác cũng tràn ngập đồ ăn và nhà hàng Tây, Tàu, Mỹ, Việt đủ cả, chưa kể YouTube dạy nấu không thiếu thứ gì. Các dịch vụ shipping next day xuyên bang, mua kem còn ship được tới nhà nên ăn uống không phải là vấn đề. Tôi nhớ các dịch vụ sửa chữa và y tế nhanh chóng.

    Nhớ tới Quận Cam, tôi sợ cái gì?: Tôi sợ giá nhà và chi phí xăng, hàng hóa đắt đỏ, đầu óc luôn căng thẳng quay cuồng vì tiền. Tôi sợ sự chật hẹp, lộn xộn và dơ bẩn nơi đây. Tôi sợ các dịch vụ công chất lượng kém nơi đây.

    Lẽ tất nhiên, bất cứ nơi nào bạn có công việc làm ổn định, nhà cửa và bạn bè người thân đầy đủ thì đa số chúng ta chọn nơi đó là nhà rồi.

    Ai nên ở quận Cam?

    Nếu tôi là một người thật giàu có, không quan tâm tới tiền, thì có lẽ Quận Cam sẽ là một trong những nơi tôi sẽ lựa chọn, vì đơn giản tôi vẫn thích khí hậu và sự nhộn nhịp. Tôi cũng quen với lối sống Việt Nam nên có thể chọn một thành phố tốt ở Quận Cam để sống. Nếu tôi là đại gia từ Việt Nam qua Mỹ, không quan tâm tới tiền, thì Quận Cam sẽ là nơi tôi lựa chọn vì có nhiều thứ giống Việt Nam.

    Nếu tôi là người già nghỉ hưu, không biết tiếng Anh nhiều, thì tôi sẽ chọn Quận Cam, vì khí hậu dễ chịu hơn các tiểu bang khác, và các dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận tiện cũng làm tôi đỡ nhớ Việt Nam.

    Ai Không nên ở quận Cam?

    Tôi sẽ không tới sống ở Quận Cam nếu tôi đang sống thoải mái và ổn định ở tiểu bang khác, có bạn bè, người thân ở nơi tôi đang sống. Tôi sẽ không tới Quận Cam chỉ vì tôi ham vui hoặc muốn thử cái mới, vì đơn giản tôi sẽ chán sau một thời gian.

    Tôi sẽ không tới Quận Cam để tìm giấc mơ Mỹ vì nó không khác Sài Gòn là mấy.

    Tôi sẽ bỏ Quận Cam đi tiểu bang khác nếu sau thời gian thử sức mà không thấy phù hợp, vì cơ hội ở 50 tiểu bang trên nước Mỹ là rất lớn. Đặc biệt là người Mỹ trắng cực kỳ sống theo luật, phóng khoáng và thoải mái xài tiền, nên cơ hội là rất lớn.

    Tôi sẽ bỏ Quận Cam đi tiểu bang khác nếu tôi không thể mua được nhà ở. Hãy đi và thử sức, nước Mỹ rộng lớn, rất nhiều cơ hội. Thật đáng tiếc cho những người chỉ quanh quẩn ở Quận Cam hoặc nghe mọi người hù dọa và luôn coi cái gì cũng nhất ở Cali.

    Tất nhiên là cuộc sống ở Quận Cam vui và tiện lợi, thời tiết đẹp, nhưng cuộc sống ở các tiểu bang khác giờ cũng rất đầy đủ, chợ búa và đồ Việt, thời tiết cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì cuộc sống hiện đại ở Mỹ, chỗ nào cũng có máy nóng, máy lạnh, một bước ra xe. Cái giá phải trả cho ở Quận Cam là quá đắt so với cái có được, làm chất lượng cuộc sống giảm đáng kể.

    Trên đây là suy nghĩ cá nhân của người sống ở cả hai nơi để mọi người tham khảo thêm đa chiều để lựa chọn. Bài này mình viết cách đây 3 năm (năm 2021), dựa trên cảm xúc cá nhân của người mới đến quận Cam. Sau nhiều năm sống ở tiểu bang lạnh, mình thấy cảm xúc đó có thể không hoàn toàn chính xác. Giờ đọc lại, mình ngạc nhiên về cảm xúc của người mới đến quận Cam. Dù đúng hay sai, mình vẫn muốn chia sẻ để mọi người hiểu cảm nhận của người ngoài. Dù có thể bị chỉ trích, mình mong rằng nhiều góc nhìn sẽ làm cuộc sống tốt đẹp hơn.”

    Theo Kevin Le – Nhà Cửa Mỹ

  • Biến động kinh tế và chi phí sinh hoạt ngày càng cao đang đẩy "giấc mơ Mỹ" xa khỏi tầm tay của nhiều người dân nước này.

    "Giấc mơ Mỹ" điển hình của người Mỹ là sở hữu một căn nhà, xây dựng gia đình và có cuộc sống tương đối an nhàn khi về hưu. Nhưng hiện tại, rất ít người tin rằng họ có thể đạt được điều đó một cách dễ dàng.

    Cuộc thăm dò do Wall Street Journal/NORC thực hiện hồi tháng 7 với 1.502 người trưởng thành ở Mỹ cho thấy khoảng cách rõ rệt giữa ước mơ và suy nghĩ thực tế của người dân. Xu hướng này nhất quán giữa các giới tính và đảng phái, nhưng đúng hơn với thế hệ trẻ, những người mà mục tiêu sở hữu nhà đang trở nên ngoài tầm với, phải đối mặt chi phí sinh hoạt tăng cao và áp lực từ khoản nợ sinh viên.

    giac mo my 1
    Richard Thomas và con trai trong ngôi nhà của họ ở Mount Vernon, New York. Ảnh: WSJ

    89% số người được hỏi cho biết việc có một ngôi nhà là thiết yếu hoặc quan trọng đối với tầm nhìn tương lai của họ, song chỉ 10% nói rằng mua nhà là dễ dàng.

    95-96% số người được hỏi nói tài chính ổn định hay cuộc sống về hưu thoải mái là điều thiết yếu hoặc quan trọng, nhưng chỉ 8-9% cho rằng họ có thể dễ dàng đạt được những mục tiêu này.

    12 năm trước, khi các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo Công cộng hỏi 2.501 người rằng liệu giấc mơ Mỹ "có còn thực tế không", hơn 1/2 trả lời "có". Khi báo Wall Street Journal đưa ra câu hỏi tương tự vào tháng 7, tỷ lệ giảm xuống còn khoảng 1/3.

    "Những khía cạnh quan trọng của giấc mơ Mỹ dường như nằm ngoài tầm với theo cách chưa từng có ở các thế hệ trước", Emerson Sprick, nhà kinh tế từ Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, trụ sở tại Washington, nói.

    Sprick chỉ ra đà suy giảm lương hưu liên tục trong khu vực tư nhân và tình trạng chi phí sở hữu nhà tăng là hai trong số những thay đổi kinh tế lớn nhất thập kỷ qua.

    Marquell Washington, 22 tuổi, vẫn nhớ các giáo viên tiểu học trước kia luôn khuyên anh rằng điểm học tập cao và tấm bằng đại học sẽ là chiếc vé giúp anh thoát khỏi khu phố bất ổn ở Chicago, nơi "ngày nào cũng nghe tiếng súng".

    "Em sẽ có một công việc tốt và một ngôi nhà có cổng trước" là lời hứa hẹn anh thường được nghe.

    Washington là người đầu tiên trong gia đình học đại học, nhưng đã bỏ ngang vào năm thứ ba, sau khi ba người bạn thân của anh bị sát hại chỉ trong vài tháng.

    Anh hiện kiếm được khoảng 30.000 USD một năm khi làm việc bán thời gian cho tổ chức phi lợi nhuận phát triển thanh thiếu niên My Block, My Hood, My City. Washington cho biết anh không đủ khả năng chuyển ra khỏi căn hộ của mẹ, nơi anh lớn lên, chứ chưa nói đến việc trả khoản nợ 10.000 USD để chuyển bảng điểm từ đại học cũ tới một ngôi trường gần nhà hơn. Chàng trai trẻ nói anh không từ bỏ giấc mơ Mỹ, nhưng thấy nó không dễ dàng như anh nghĩ.

    "Họ không nói cho bạn biết để đạt được giấc mơ Mỹ khó khăn như thế nào", Washington cho hay. "Bạn phải tự học điều đó".

    Theo giới chuyên gia, đà chuyển dịch kinh tế đã suy giảm trong những thập kỷ gần đây. Khái niệm trên dùng để chỉ khả năng cải thiện tình trạng kinh tế của một cá nhân, gia đình hay một số nhóm người, thường được đo bằng thu nhập.

    Nghiên cứu của giáo sư kinh tế Nathaniel Hendren thuộc Viện Công nghệ Massachusetts và nhà kinh tế Raj Chetty thuộc Đại học Harvard chỉ ra rằng 90% người sinh vào những năm 1940 có cuộc sống khá giả hơn cha mẹ họ, nhưng chỉ một nửa số người sinh vào những năm 1980 đạt được điều này.

    Hendren cho biết nhóm trẻ hơn dường như cũng ở trong tình trạng tương tự, dựa trên mức tăng trưởng thu nhập trung bình.

    "Việc bạn có kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ mình hay không vẫn còn là một ẩn số, nhưng khả năng chuyển dịch kinh tế có thể đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào đầu những năm 2020", ông nói.

    Chetty nhìn vào giấc mơ Mỹ thông qua đánh giá việc một người xuất thân từ gia đình nghèo sẽ gặp khó khăn như thế nào để leo lên tầng lớp trung lưu. Đối với người Mỹ da trắng nói riêng, mục tiêu đó đã trở nên thách thức hơn đáng kể trong 15 năm qua, ông cho biết.

    "Mọi người có lý khi cảm thấy giấc mơ Mỹ ngày càng khó đạt được hơn, xét cả về cơ hội thành công hơn cha mẹ mình và cơ hội thoát khỏi đói nghèo", ông nhấn mạnh.

    Richard Thomas và Cherish Celetti tin chắc rằng họ đã thực hiện được giấc mơ Mỹ của riêng mình khi mua căn hộ 5 phòng ngủ ở Mount Vernon, New York, với giá 612.000 USD vào năm 2017.

    "Có vẻ như mọi thứ đã đi đúng hướng", Celetti, luật sư 42 tuổi lớn lên trong gia đình nghèo khó với 9 anh chị em, nói.

    Việc mua ngôi nhà đầu tiên giúp các con của Thomas và Celetti có phòng ngủ riêng, điều hai người từng ao ước khi còn nhỏ. Họ thậm chí vẫn còn phòng để đón mẹ của Celetti và em gái cô tới sống cùng.

    Mỗi tháng họ phải trả góp cho ngân hàng 5.400 USD, trong đó có 689 USD bảo hiểm tài sản thế chấp tư nhân. Khoản tiền này khá lớn, nhưng họ vẫn trang trải được dựa vào mức lương của Celetti và lương của chồng cô lúc bấy giờ là thị trưởng thị trấn.

    Nhưng rồi sau đó, hóa đơn điện của họ đã tăng gấp đôi, lên hơn 2.000 USD, và giá thực phẩm, bảo hiểm cùng các hóa đơn khác cho gia đình 6 người cũng tăng vọt.

    Thomas phải từ chức thị trưởng và bị yêu cầu nộp phạt sau khi nhận tội đánh cắp 12.900 USD từ chiến dịch tranh cử của chính ông vào tháng 7/2017. Ông nói rằng chỉ chấp nhận thỏa thuận nhận tội vì không đủ khả năng tài chính để đấu tranh chống lại cáo buộc. Hiện Thomas làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng.

    Cả Thomas và Celetti đều hạ mức đóng góp cho quỹ hưu trí xuống gần bằng 0, hủy các kế hoạch nghỉ mát và điều chỉnh lại cách sử dụng điều hòa. Họ biết rằng bán ngôi nhà sẽ là lựa chọn tốt nhất do giá nhà đã tăng gấp đôi. Nhưng họ không biết sẽ đi đâu nếu rời bỏ nó.

    "Chúng tôi muốn nuôi dạy con cái tại đây, nhưng giấc mơ đó đang dần xa tầm với", Thomas nói. "Chúng tôi đã có được giấc mơ Mỹ. Bây giờ nó là ác mộng Mỹ vì cảm giác như đất nước đã hứa hẹn với chúng tôi rồi lại lấy đi mất".

    Nhiều người Mỹ đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu sở hữu nhà. Theo nghiên cứu của công ty dịch vụ bất động sản thương mại CBRE, tính đến cuối tháng 6, sở hữu một ngôi nhà đắt hơn 47% so với thuê nhà trong 12 tháng. Con số này thậm chí còn cao hơn nữa sau khi giá thuê tăng vọt, mặc dù công ty dự báo tình hình có thể cải thiện trong năm tới.

    Lily Roark, 28 tuổi, giáo viên tiểu học ở Louisville, bang Kentucky, cùng bạn gái đồng tính Jessica Holland mùa xuân năm ngoái tìm mua nhà. Với tổng thu nhập khoảng 100.000 USD một năm, Roark và Holland tin rằng 250.000 USD sẽ là số tiền vừa đủ để họ có căn nhà đầu tiên với một hoặc hai phòng ngủ.

    Vào đầu những năm 2000, bố của Roark từng mua căn nhà 8 phòng ngủ ở New Orleans chỉ với giá 160.000 USD. Nhưng giờ đây, Roark và Holland chỉ có thể tìm được những căn nhà xây thô với số tiền họ có.

    Họ vẫn muốn ưu tiên tiết kiệm tiền mua nhà, nhưng gánh nặng quá lớn khiến họ cảm thấy không thể tiếp tục thực hiện bất kỳ mục tiêu sống nào khác. Cả hai đều cho rằng thế hệ cha mẹ của họ dường như mua nhà, lập gia đình dễ dàng hơn nhiều, dù kiếm được ít hơn họ khi ở cùng độ tuổi.

    giac mo my 1
    Thomas cùng mẹ vợ và con trai dùng bữa tối tại nhà ở Mount Vernon, New York. Ảnh: WSJ

    "Chúng tôi đã làm đúng mọi thứ, sống tiết kiệm, học ở những trường tốt, tôi có bằng thạc sĩ, nhưng mọi thứ vẫn rất khó khăn", Holland cho hay.

    Tại Des Plaines, Illinois, Kevin Murphy, 31 tuổi, cho rằng ngay cả việc tìm kiếm một người bạn đời cũng khó khăn hơn trước đây vì việc hẹn hò đang trở nên ngày càng tốn kém. Không phải lúc nào Murphy cũng đủ khả năng chi trả cho tình phí và lo lắng rằng mình kém hấp dẫn hơn những người kiếm được trên 95.000 USD mỗi năm hay sở hữu một căn nhà.

    Trong cuộc thăm dò của Wall Street Journal/NORC, 62% số người được hỏi cho biết hôn nhân là điều cần thiết hoặc quan trọng đối với giấc mơ Mỹ của họ, nhưng chỉ có 47% tin rằng nó dễ dàng đạt được.

    "Với tôi, giấc mơ Mỹ dường như xa vời hơn bao giờ hết", Murphy, nhân viên tại một công ty năng lượng, nói. "Tôi sợ rằng đến 50 hay 60 tuổi mà không có gì thay đổi, đời tôi coi như xong".

    Murphy tương tác với những người Mỹ lớn tuổi gần như hàng ngày thông qua công việc phụ là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Jet City Coalition, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo trì nhà miễn phí cho người khó khăn.

    Theo anh, nỗi tuyệt vọng đang ngày càng lớn dần lên vì chi phí sinh hoạt tăng cao và vì mọi người có cảm giác rằng "mọi tính toán đều trở nên vô nghĩa".

    Murphy đặc biệt lo ngại về khoảng cách giàu nghèo, vốn vẫn gia tăng theo thời gian, theo bản phân tích dữ liệu khảo sát tài chính người tiêu dùng của tác giả Scott Winship từ Viện Doanh nghiệp Mỹ.

    Năm 1989, giá trị tài sản ròng điển hình của 10% hộ gia đình giàu nhất chỉ dưới 15 lần giá trị tài sản ròng trung bình chung của tất cả người Mỹ. Con số đó tăng lên gần 20 lần vào năm 2022, dù giá trị tài sản trung bình đã cao hơn gấp đôi so với năm 1989 ngay cả sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát, Winship lưu ý.

    Trong thời kỳ biến động của nền kinh tế Mỹ, một số người đã tận dụng tốt cơ hội lãi suất thấp để mua nhà, khiến khoảng cách giữa những người có thu nhập cao với phần còn lại hiện nay càng lớn hơn.

    "Tôi cảm thấy như những người đó đã phá hỏng mọi thứ với chúng tôi", Murphy nói. "Đây là điển hình giữa việc người thì có tất cả, những kẻ còn lại chẳng có gì".

    VnExpress (theo WSJ, AFP, Reuters)

  • Nhiều người Mỹ cho rằng sự an toàn cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn ở Nhật là lý do di chuyển của họ.

    dinh cu o nhat 1
    Gia đình cô Veronica Hanson thích sống ở Nhật vì sự an toàn - Ảnh: HANSON

    Ngày càng có nhiều người Mỹ muốn khám phá "cuộc đời mình" bên ngoài nước Mỹ, nơi họ có khả năng chi trả cho cuộc sống an toàn, chất lượng hơn. Và Nhật là một lựa chọn.

    Theo tạp chí Business Insider, số người Mỹ sống ở Nhật đã lên đến 60.804 người trong năm 2022.

    Đi tìm "vùng trời bình yên"

    Veronica Hanson, 37 tuổi, sống ở Lake Oswego, bang Oregon, đã rời khỏi Mỹ khi cô tin rằng đất nước này trở nên quá nguy hiểm đối với cô và các con.

    “Các con tôi phải thực hiện các cuộc tập bắn súng, và không khí trở nên ngột ngạt vì cháy rừng. Tôi muốn phát điên và nói rằng chúng ta không cần phải ở lại đây, đi thôi", Hanson nói với Insider.

    Hanson và gia đình nằm trong số 6.642 người Mỹ chuyển đến Nhật Bản vào năm 2022, theo Bộ Tư pháp nước này.

    dinh cu o nhat 1
    Hanson và các con đang vuốt ve một chú nai ở Nara, Nhật Bản - Ảnh: HANSON

    Mẹ Hanson là người Nhật và bà cho biết sẽ cùng rời Mỹ nếu họ tìm được cách sống ở Nhật Bản. Hanson cùng chồng và 2 con đến Nhật Bản vào tháng 3-2022.

    Với một ngôi nhà 3 phòng ngủ rộng 110m2, cô và chồng phải trả 600.000 yen, tương đương 4.321 USD/tháng.

    Cô cho biết nhiều chi phí ở Tokyo, chẳng hạn hàng tạp hóa, có thể ngang ở Mỹ, nhưng sự an toàn - ưu tiên số một của cô - là vô giá.

    Bệnh cũng không lo phá sản

    Alex Evans, 38 tuổi, cũng thích thú vì sự an toàn của Nhật. Anh cũng lo lắng về bạo lực súng đạn ở Mỹ và cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến con trai 5 tuổi của mình.

    "Tôi rất lo ngại về bạo lực súng đạn, thứ gần như không tồn tại ở Nhật Bản", Evans nói với Insider.

    Evans cùng vợ và con trai chuyển đến vùng nông thôn ở đảo Mukaishima, cách thành phố phía nam Hiroshima 100km, vào tháng 6-2022.

    Với ngôi nhà 3 phòng ngủ, Evans chỉ trả 65.000 yen/tháng. Anh nói nếu ở Hiroshima, tiền thuê nhà sẽ đắt hơn.

    dinh cu o nhat 1
    Evans thuê một chiếc xe đạp từ cửa hàng để đi dạo - Ảnh: ALEX EVANS

    Sở hữu một doanh nghiệp thông tin về y tế và từng là dược sĩ ở Mỹ, nên Evans nắm rõ thông tin chi tiết về hệ thống chăm sóc sức khỏe.

    “Chúng tôi có một thẻ bảo hiểm và chỉ cần đến tòa thị chính lấy nó”, anh nói. "Về cơ bản, bạn chỉ cần chứng minh là cư dân của thị trấn đó và được trao thẻ bảo hiểm".

    Kể lại cuộc tiểu phẫu để loại bỏ một khối u trên mặt, anh cho biết tất cả chỉ mất khoảng 45 phút và tốn khoảng 8.500 yen.

    "Từng làm dược sĩ ở Mỹ, nhưng tôi luôn cảm thấy chỉ cần một tai nạn xe hơi hoặc một cơn bệnh nặng là mình có thể phá sản", Evans nói.

    Yêu thích văn hóa và lòng hiếu khách

    Anne Sutherland-Smith sinh ra ở Úc nhưng đang sống với tư cách là một công dân Mỹ ở Austin, Texas. Tháng 5 năm nay, cô bắt đầu một chương mới ở Kyoto.

    dinh cu o nhat 1
    Sutherland-Smith và gia đình mặc kimono truyền thống ở Asakusa, Nhật Bản - Ảnh: ANNE SUTHERLAND

    Đang điều hành một trang web du lịch, Anne thuê một ngôi nhà truyền thống rộng 93m2, hai phòng ngủ với giá 200.000 yen/tháng - ít hơn một chút so với 2.500 USD mà cô phải trả cho một ngôi nhà 3 phòng ngủ ở Austin.

    “Quyết định rời Mỹ không phải là trốn chạy, mà là tìm kiếm. Nhật luôn mê hoặc tôi, với sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa cái cũ và cái mới, những sắc thái văn hóa sâu sắc và lòng tốt của người dân", cô nói.

    Tìm lại "linh hồn" của mình

    Bethany "Bitsii" Nakamura, 35 tuổi, bắt đầu quá trình chuyển đến Nhật Bản từ studio của cô ở thành phố Jersey, New Jersey, vào năm 2020. Nhưng do đại dịch, đến tháng 10-2021, cô mới đến được "vùng đất mới".

    Cô sống trong một ngôi nhà vốn bị bỏ hoang và mua được giá "rẻ như cho" ở một thị trấn nông thôn ven biển trên đảo Shikoku, cách Osaka khoảng 260km.

    dinh cu o nhat 1
    Nakamura di chuyển tới Nhật năm 2021 - Ảnh: NAKAMURA

    Là một nhà thiết kế nội thất ở Mỹ, nhưng khi mới đến Nhật, Nakamura đã dạy tiếng Anh.

    Hiện cô đang tập trung vào kênh YouTube của mình, nơi cô khám phá vùng nông thôn Nhật Bản. Đồng thời làm công việc thiết kế tự do.

    Theo Tuổi Trẻ

  • nguoi viet mac ket brazil 1
    Ảnh chụp ngày 23/8 cho thấy hành khách Ấn Độ và Việt Nam đang mắc kẹt tại sân bay quốc tế São Paulo Guarulhos (Brazil).

    Hàng trăm người di cư từ Việt Nam, Ấn Độ và Nepal mắc kẹt tại sân bay quốc tế São Paulo Guarulhos của Brazil trong nhiều tuần với điều kiện đáng báo động, theoReuters.

    Cơ quan Luật sư Công (Public Defender's Office) của Brazil cho biết một người di cư Ghana 39 tuổi đã chết cách đây khoảng hai tuần mà không rõ nguyên nhân. Cơ quan này không rõ liệu người này đã chết trong khi bị giữ lại tại sân bay hay trên đường đến bệnh viện.

    Tính đến ngày 23/8, ít nhất 666 người không có thị thực Brazil đang chờ nhập cảnh vào nước này tại sân bay São Paulo Guarulhos, theo lời người phát ngôn của Cơ quan Luật sư Công.

    Chính phủ Brazil ban hành những quy định mới có hiệu lực từ hôm nay 26/8 nhằm ngăn chặn dòng người nước ngoài dùng Brazil như một điểm dừng chân để di cư tới Mỹ và Canada.

    Theo đó, những du khách không có thị thực Brazil mà đang trên đường tới quốc gia khác phải tiếp tục hành trình của mình hoặc quay về quê nhà.

    Những người này đang bị giam giữ trong một khu vực hạn chế, nơi họ không thể tắm rửa được. Việc đi lại tại đây khó khăn, khiến họ vất vả trong việc kiếm thức ăn, nước uống. Nhiều trẻ em và thanh thiếu niên đang chịu đựng cái rét mùa đông (của Brazil) mà không có chăn mền.

    Cơ quan Luật sư Công cho rằng quyền con người của những người di cư này đang bị xâm phạm và sức khỏe của họ thì ngày càng yếu đi.

    Cơ quan này nói cần phải cải thiện khẩn cấp điều kiện cho những người này trong thời gian giải quyết vấn đề thị thực của họ.

    Cơ quan Luật sư Công cũng thúc giục các cơ quan có thẩm quyền khác tuân thủ luật pháp của Brazil dựa trên nguyên tắc nhân đạo để chấp nhận người tị nạn và không trục xuất họ về lại quê hương.

    Bộ An ninh Công cộng cho hay Brazil đang chứng kiến ​​sự bùng nổ lượng khách nước ngoài, đặc biệt là từ châu Á, hạ cánh tại Brazil để quá cảnh trên đường đến Bắc Mỹ.

    nguoi viet mac ket brazil 1
    Nhiều người di cư Việt Nam và Ấn Độ dùng Brazil làm điểm trung chuyển để đi lên Bắc Mỹ. Ảnh chụp tại sân bay São Paulo Guarulhos vào ngày 23/8.

    Để vào Brazil, họ nộp đơn xin tị nạn, nói rằng bị ngược đãi và đe dọa ở quê nhà. Tuy nhiên, họ lập tức rời Brazil và đi lên phía bắc ngay khi có thể, theo các báo cáo mà Reuterstìm hiểu.

    Bộ An ninh Công cộng khẳng định rằng giờ đây những hành khách đến São Paulo mà không có thị thực Brazil sẽ không được phép ở lại nước này.

    Theo Reuters, không rõ liệu các quy định mới sẽ áp dụng cho những người nhập cư đã có mặt tại sân bay São Paulo hay chỉ áp dụng cho những người đến sau khi các quy định bắt đầu có hiệu lực.

    Các chuyên gia về nhập cư lo ngại rằng các quy định được đề xuất trái ngược với Công ước Người tị nạn năm 1951 của Liên Hợp Quốc, trong đó Brazil đã kêu gọi các quốc gia tiếp nhận những người bị đe dọa ở quê nhà ngay cả khi họ không có giấy tờ.

    Trưởng cơ quan tị nạn của Brazil, Jean Uema, nói với Reutersrằng các quy định mới sẽ áp dụng cụ thể cho sân bay São Paulo Guarulhos và sẽ không làm thay đổi chính sách của Brazil đối với người xin tị nạn.

    Theo hãng thông tấn AP, Brazil từ lâu đã là một quốc gia thân thiện với người tị nạn cho dù tư tưởng của các nhà lãnh đạo đất nước Mỹ Latin này có thay đổi ra sao chăng nữa

    Một báo cáo cho hay trong những trường hợp xin tị nạn được phân tích, 17% số người đã rời Brazil chỉ trong vòng 30 ngày. Đa phần trong đó đi qua bang Arce ở phía tây bắc Brazil, giáp với Peru.

    Một phóng sự điều tra của APvào tháng 7/2024 cho thấy có những người Việt Nam, Ấn Độ đang băng qua rừng Amazon để di cư tới Mỹ.

    Tuy nhiên, họ đã phải quay trở lại bang Acre sau khi Mỹ siết chặt các chính sách về biên giới.

    Một nguồn tin cảnh sát cấp cao nói với Reutershôm 22/8:

    “Họ xin tị nạn ở Brazil để tạo một đường lui an toàn. Nếu họ bị bắt tại biên giới Mỹ, họ sẽ bị gửi trở lại Brazil thay vì quốc gia của họ.”

    Theo BBC Tiếng Việt

  • nguoi viet brazil 1
    Những người nhập cư chủ yếu từ châu Á và châu Phi tại biên giới Mỹ-Mexico vào cuối năm 2023

    Brazil sẽ siết chặt các quy định nhập cảnh không cần thị thực từ ngày 26/8 sau khi nhiều người sử dụng quốc gia Nam Mỹ này như một điểm dừng chân trên đường di cư tới Mỹ và Canada.

    Chính phủ Brazil ra thông báo này vào ngày 21/8 giờ địa phương, theo Reuters.

    Bộ An ninh Công cộng Brazil tuyên bố bắt đầu từ ngày 26/8, những du khách không có thị thực Brazil mà đang trên đường tới quốc gia khác phải tiếp tục hành trình của mình hoặc quay về quê nhà.

    Bộ này cho biết Brazil đã chứng kiến ​​sự bùng nổ du khách nước ngoài, đặc biệt là từ châu Á, đến đất nước này với lý do quá cảnh để sau đó xin tị nạn.

    Vì sao lại ở Brazil?

    Theo Bộ An ninh Công cộng Brazil, tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 6/2024, hơn 8.300 yêu cầu xin tị nạn đã được trình lên sân bay quốc tế bận rộn nhất của Brazil - sân bay São Paulo Guarulhos.

    Hơn 70% những người nộp đơn mang quốc tịch Ấn Độ, Việt Nam và Nepal, điều mà Thư ký Tư pháp quốc gia Jean Uema cho là khác thường.

    Cảnh sát Brazil cho biết những người di cư này thường mua vé máy bay có điểm trung chuyển là sân bay São Paulo Guarulhos, sau đó không bay tiếp mà dừng lại tại đây để đi bộ lên phía bắc.

    nguoi viet brazil 1
    Người nhập cư ngủ lại bên trong sân bay São Paulo Guarulhos. Ảnh chụp vào tháng 5/2020

    Một nguồn tin cảnh sát cấp cao nói với Reuters:

    “Họ xin tị nạn ở Brazil để tạo một đường lui an toàn. Nếu họ bị bắt tại biên giới Mỹ, họ sẽ bị gửi trở lại Brazil thay vì quốc gia của họ.”

    "Có tới 99,59% số người xin tị nạn tại sân bay, tương đương khoảng 8.210 người, đã rời khỏi Brazil hoặc không ở đó thường xuyên," Reuters dẫn lại một trong những báo cáo của Bộ An ninh Công cộng Brazil.

    Sau các quy định mới, những du khách không có thị thực sẽ không được phép ở lại Brazil.

    Theo các báo cáo của cơ quan chức năng và nguồn tin cảnh sát mà Reuterscó được, các cuộc điều tra cho thấy những người xin tị nạn ở Brazil nói rằng họ bị đàn áp và đe dọa ở quê nhà.

    Các cuộc điều tra của cảnh sát chỉ ra sau khi được chấp nhận tị nạn tại Brazil, nhiều người đã di chuyển về phía bắc bằng đường bộ, với phần lớn trong đó băng qua khu vực Darien Gap đầy hiểm nguy - nơi kết nối Colombia và Panama - để đi tới Mỹ hoặc Canada.

    Một báo cáo cho hay trong những trường hợp xin tị nạn được phân tích, 17% số người đã rời Brazil chỉ trong vòng 30 ngày. Đa phần trong đó đi qua bang Arce ở phía tây bắc Brazil, giáp với Peru.

    Theo hãng thông tấn AP, Brazil từ lâu đã là một quốc gia thân thiện với người tị nạn, đặc biệt là đối với người Afghanistan trong những năm gần đây, cho dù tư tưởng của các nhà lãnh đạo đất nước Mỹ Latin này có thay đổi ra sao chăng nữa.

    Vào tháng 1/2023, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva quyết định đưa đất nước mình trở lại với Hiệp ước Toàn cầu về Di cư An toàn, Trật tự và Thường xuyên - một thỏa thuận liên chính phủ.

    Người Việt Nam vượt biên đến Mỹ bằng đường bộ

    Một phóng sự điều tra của APvào tháng 7/2024 cho thấy có những người Việt Nam đang băng qua rừng Amazon để di cư tới Mỹ.

    Tuy nhiên, họ đã phải quay trở lại bang Acre của Brazil sau khi Mỹ siết chặt các chính sách về biên giới.

    Một phóng sự vào đầu tháng 5/2024 của Đài Á châu Tự do (RFA) chỉ ra nhiều người Việt Nam chi khoảng 60.000 - 75.000 USD (1,5 tỷ - 1,9 tỷ VND) cho toàn bộ hành trình từ Việt Nam sang Mỹ bất hợp pháp bằng cách băng qua những khu vực nguy hiểm ở Nam Mỹ và Trung Mỹ.

    Khi được hỏi vì sao những người Việt này không bay trực tiếp đến Mexico mà phải mạo hiểm băng qua rừng rậm ở Nam Mỹ, đặc biệt là khu Darien Gap, Tiến sĩ - Luật sư di trú Vũ Tuấn Huy, Công ty First Consulting Group (Mỹ), trả lời BBC News Tiếng Việt vào tháng 3/2024:

    "Trước kia bay đến Mexico không khó, nhưng sau khi lượng người vượt biên vào Mỹ từ biên giới phía nam tăng đột biến, chính phủ Mỹ tạo áp lực lên Mexico, buộc nước này phải hạn chế và thắt chặt việc cấp thị thực cho những quốc gia 'nhạy cảm' như Việt Nam, Trung Quốc hoặc Philippines. Do đó, những người muốn vượt biên phải bay đến các nước Nam Mỹ miễn thị thực cho công dân Việt Nam hoặc dễ xin thị thực."

    Thống kê từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho năm tài khóa 2023 ghi nhận gần 3.300 người Việt Nam vượt biên giới phía nam của Mỹ, xếp thứ 26/102 quốc gia có người nhập cư Mỹ trái phép bằng đường biên giới với Mexico.

    Darien Gap là gì?

    nguoi viet brazil 1
    Những người di cư băng qua sông Tuquesa ở khu vực Darien Gap vào tháng 9/2023

    Darien Gap, một vùng rừng nhiệt đới rậm rạp, đóng vai trò như một rào chắn tự nhiên giữa Nam và Trung Mỹ. Ở đấy không có đường sá và có thể mất một tuần để đi bộ qua.

    Những người di cư qua đây phải đối mặt với nguy hiểm từ các băng nhóm tội phạm, những kẻ cướp bóc. Bên cạnh đó, thời tiết nóng ẩm và động vật hoang dã cũng là những mối đe dọa khác.

    Vì đây là khu vực có nhiều suối và sông, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người di cư.

    Bà Verónica Martínez từ Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) nói:

    "Họ bị thương, mất nước, dị ứng nghiêm trọng. Biến chứng thai kỳ (ở thai phụ) hoặc bệnh mãn tính cũng đe dọa họ. Nhiều người là nạn nhân của lạm dụng và bạo lực."

    Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hơn 30.000 trẻ em nằm trong số người di cư băng qua Darien Gap - chiếm khoảng 20%.

    Vào năm 2023, có khoảng 520.000 người đã thực hiện hành trình nguy hiểm bằng đường bộ, trong đó nhiều người phải trả tiền cho các băng nhóm tội phạm hoạt động ở khu vực này để được "bảo kê".

    UNICEF dự báo con số này trong năm nay có thể lên mức 800.000 người.

    Bắt đầu từ ngày 20/8, Panama sẽ trục xuất những người di cư bất hợp pháp tại nước này về lại quê hương họ bằng những chuyến bay do Mỹ tài trợ. Đây là nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư bất thường từ phía nam.

    Nhập cư cũng là một chủ đề nóng trong kỳ bầu cử Mỹ năm nay và tình trạng vượt biên vào Mỹ bằng đường Mexico đang được theo dõi sát sao.

    Việc trục xuất diễn ra chưa đầy hai tháng sau khi ông José Raúl Mulino tuyên thệ nhậm chức tổng thống Panama. Ông là người đã vận động tranh cử với lời hứa "đóng cửa" Darien Gap.

    Ông Mulino mô tả tình trạng ở Darien Gap là "đáng buồn".

    "Họ cũng là con người... Có những gia đình bị chia cách. Nhiều đứa trẻ chỉ mới năm, sáu tuổi nhưng có cha mẹ chết khi đang vượt biên. Chúng tôi thậm chí chẳng thể biết được họ là ai, tên họ là gì," tổng thống Panama nói.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Nhiều người nhập cư đang tìm hiểu về con đường trở thành công dân Mỹ thông qua một chương trình mới do chính quyền của Tổng thống Joe Biden đưa ra.

    Ông Miguel Aleman là một trong số đó. Ông được đưa đến Mỹ từ Mexico theo diện bất hợp pháp khi mới 4 tuổi, và hiện đã kết hôn với một công dân Mỹ và có 2 con.

    “Chúng tôi có một bé 2 tuổi và một bé 7 tuổi. Tôi thực sự không muốn rời khỏi Mỹ bởi vì tôi nghe đủ thứ chuyện, rằng phải mất 2 tuần, hoặc nhiều tháng, hay là nhiều năm, và trước mắt phải xa gia đình, điều đó thật đau lòng", ông Aleman chia sẻ.

    nhap tich moi cho vo chong
    Ông Miguel Aleman tham gia lớp học của chương trình Keeping Families Together. Ảnh: Reuters

    Chương trình có tên Keeping Families Together (tạm dịch: Giữ các gia đình bên nhau) sẽ cung cấp tư cách pháp nhân cho những cư dân Mỹ dài hạn đã nhập cảnh bất hợp pháp.

    Nếu không có chương trình này thì ông Aleman sẽ phải chuyển đến Mexico - có thể trong 10 năm hoặc lâu hơn - trước khi được phép quay trở lại nước Mỹ trong khi nộp đơn xin thường trú.

    Bà Sandy Benitez, luật sư điều hành của Liên minh vì quyền của người nhập cư nhân đạo, cho biết: “Sự thay đổi và giúp đỡ đặc biệt này sẽ mang lại lợi ích cho khá nhiều người".

    "Cách thức hoạt động là thành viên gia đình bạn có thể xin cho bạn, nhưng cuối cùng thì nếu trước đây bạn không nhập cảnh hợp pháp, bạn vẫn phải rời khỏi nước Mỹ thì mới được sắp xếp phỏng vấn. Và sau đó, bạn có thể quay lại Mỹ và nhận quyền cư trú của bạn. Chương trình này có tác dụng lược bỏ phần đó", bà cho biết thêm.

    Chương trình này sẽ dành cho khoảng 500.000 cặp vợ chồng đã sống ở Mỹ ít nhất 10 năm.

    Khoảng 50.000 trẻ em dưới 21 tuổi có cha mẹ là công dân Mỹ cũng sẽ đủ điều kiện.

    Tìm hiểu về chương trình Keeping Families Together tại đây https://www.uscis.gov/keepingfamiliestogether

    Theo Thanh Niên

  • 32.800 người Việt được cấp quốc tịch Mỹ năm 2023, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia có công dân nhập tịch Mỹ nhiều nhất.

    Báo cáo về số lượng công dân nước ngoài nhập tịch được Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) công bố gần đây cho thấy Mỹ cấp quốc tịch cho 878.000 người trong năm 2023, một trong những con số lớn nhất những năm gần đây.

    Trong đó, Việt Nam xếp thứ 6 với 32.800 người nhập tịch Mỹ. Con số này cao hơn 500 người so với năm 2022, phản ánh mối liên kết giữa hai nước và hai cộng đồng ngày càng tăng, theo USCIS.

    Quốc gia có công dân nhập tịch Mỹ nhiều nhất trong năm 2023 là Mexico với 111.500 người, tiếp theo là Ấn Độ với 59.100 người, và Philippines với 44.800 người.

    nhap tich my 1
    Khách lái ôtô nhận đồ ăn qua cửa sổ tại tiệm bánh mì Việt Nam ở Minnesota, năm 2022. Ảnh: Paul Pham

    Số liệu ghi nhận trong năm 2022 và 2023 chiếm gần 24% tổng số trường hợp nhập tịch trong thập kỷ qua tại Mỹ. USCIS đã chào đón hơn 7,7 triệu công dân nhập tịch trong thập kỷ qua.

    Theo mô tả trên website của USCIS, việc trở thành công dân Mỹ là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của một người nhập cư. Các ứng viên xin nhập tịch cần thể hiện mức độ tuân thủ các nguyên tắc thống nhất, ràng buộc để được hưởng quyền công dân Mỹ.

    nhap tich my 1
    10 quốc gia có công dân nhập tịch Mỹ nhiều nhất năm 2023. Đồ họa: USCIS

    Theo VnExpress

  • Tòa án ở Texas xử hai người nhập cư bất hợp pháp từ Venezuela, với cáo buộc sát hại bé gái 12 tuổi và ném thi thể xuống sông.

    Thi thể Jocelyn Nungaray, 12 tuổi, được tìm thấy tại một nhánh sông ở phía bắc thành phố Houston, bang Texas tuần trước. Cảnh sát sau đó bắt hai nghi phạm Johan Jose Martinez-Rangel, 22 tuổi, và Franklin Jose Pena Ramos, 26 tuổi, đều là người nhập cư từ Venezuela.

    Gia đình nạn nhân cho biết cô bé đã lẻn ra khỏi nhà vào đêm xảy ra vụ tấn công để đi gặp bạn trai. Theo báo cáo điều tra của cảnh sát, Martinez-Rangel và Ramos đã dụ dỗ cô bé đến bên dưới một cây cầu vắng người qua lại, trói và tấn công cô bé, trước khi bóp cổ đến chết.

    Trong phiên xử ngày 25/6/2024 tại tòa án liên bang hạt Harris, bang Texas, công tố viên cho biết nạn nhân Nungaray đã tìm cách chống trả hai kẻ tấn công. Đây có thể là lý do Martinez-Rangel có vết cắn và trầy xước ở cánh tay khi bị bắt.

    be gai 12 tuoi 1
    Jocelyn Nungaray, 12 tuổi, nạn nhân trong vụ án gây rúng động Houston. Ảnh: Fox Houston

    Martinez-Rangel và Ramos gặp nhau khi trên hành trình từ Venezuela vượt biên trái phép vào Mỹ, sau đó tái ngộ ở thành phố Houston, sống chung một căn hộ cùng tòa nhà với nạn nhân Nungaray.

    Hai người cùng dùng bữa tối tại một nhà hàng ở Houston hôm 16/6/2024. Sau khi rời nhà hàng, họ gặp Nungaray và nói chuyện với cô bé trong vài phút, rồi cả ba cùng vào một cửa hàng tiện lợi. Họ sau đó đi bộ về phía cây cầu, nơi Nungaray bị sát hại.

    Ramos khai với các nhà điều tra rằng Martinez-Rangel đã khống chế, trói, bóp cổ Jocelyn và đề nghị ném thi thể nạn nhân xuống sông để loại bỏ dấu vết ADN.

    "Nhưng đó chỉ là lời của người được cho là đồng phạm. Một khi có đủ bằng chứng, chúng tôi hy vọng sẽ biết chính xác hơn những gì đã xảy ra dưới cầu", trợ lý công tố viên khu vực Megan Long nói.

    be gai 12 tuoi 1
    Hai nghi phạm Johan Jose Martinez-Rangel (trái) và Franklin Jose Pena Ramos. Ảnh: Cảnh sát Houston

    Sau khi gây án, Martinez-Rangel nhắn tin cho chủ thầu xây dựng nơi anh ta làm việc, nói rằng mình cùng Ramos đã tiệc tùng thâu đêm và "khiến một người thiệt mạng", nên cần tiền để rời đi.

    Công tố viên cũng tìm thấy bằng chứng trên điện thoại của Martinez-Rangel cho thấy anh ta đang tìm cách rời Mỹ.

    Sau phiên xét xử đầu tiên, bà của Jocelyn hét lên: "Tên giết người, nhìn vào mặt tao đi!", khi Martinez-Rangel bị áp giải khỏi phòng xử án.

    Thẩm phán ấn định mức bảo lãnh 10 triệu USD đối với mỗi nghi phạm, cao gấp đôi mức công tố viên đề xuất.

    Theo công tố viên khu vực ở hạt Harris, Kim Ogg, cả hai bị buộc tội giết người, nhưng chưa đến mức lãnh án tử hình. Tuy nhiên, mức án có thể thay đổi nếu điều tra viên phát hiện thêm các tội như tấn công tình dục hoặc bắt cóc.

    "Có thể đã xảy ra một vụ tấn công tình dục, nhưng hai bị cáo đều không thừa nhận nên chúng tôi cần thêm bằng chứng", công tố viên Kim Ogg nói.

    Vụ án thu hút sự quan tâm của cả nước Mỹ, một phần vì nghi phạm là người nhập cư trái phép. Theo báo cáo hồi tháng 11/2023 của Viện Chính sách Di cư, gần 1/4 dân số ở Houston là người nhập cư và nhiều người trong số họ vẫn chưa có tư cách pháp nhân tại Mỹ.

    Dù Houston nằm cách xa biên giới phía nam, tỷ lệ người nhập cư trong dân số ở đây vượt xa toàn bang Texas, ở mức 17%. Trong khi đó, tỷ lệ dân nhập cư trên toàn nước Mỹ là 13,6%.

    Jocelyn là một trong nhiều nạn nhân trong các vụ bạo lực liên quan người nhập cư trái phép ở Mỹ.

    Hồi tháng 2, Laken Riley, 22 tuổi, nữ sinh viên ngành điều dưỡng Đại học bang Georgia, bị sát hại gần đường chạy bộ trong khuôn viên trường. Nghi phạm là Jose Antonio Ibarra, 26 tuổi, người nhập cư từ Venezuela. Ibarra từng bị bắt sau khi vượt biên tại Texas tháng 9/2022, nhưng được ân xá, trả tự do để chờ xử lý thêm, theo chính sách với người nhập cư của chính quyền Tổng thống Biden.

    Tháng 8/2023, Rachel Morin, 37 tuổi, bị cưỡng hiếp và sát hại khi đang chạy bộ ở bang Maryland. Nghi phạm là Victor Antonio Martinez Hernandez, 23 tuổi, người El Salvador, cũng nhập cư trái phép vào Mỹ.

    Trong vụ án của Jocelyn, Martinez-Rangel và Ramos từng bị biên phòng Mỹ bắt ngày 14/3 và 28/5, đều tại khu vực gần thành phố biên giới El Paso. Cả hai sau đó được trả tự do chờ ngày trình diện tòa và phải đeo vòng định vị ở cổ chân.

    Giới chức tháo vòng định vị với Martinez-Rangel hồi tháng 5, sau khi xác định người này không có tiền án. Ramos đã tự ý cắt bỏ vòng định vị khi giới chức tìm thấy thi thể Jocelyn. Hiện chưa rõ hai nghi phạm đến thành phố Houston, cách El Paso hơn 1.000 km, bằng cách nào.

    Nhà Trắng không đề cập đến tình trạng nhập cư của hai nghi phạm trong vụ án Jocelyn. "Bất cứ ai bị tuyên có tội trong vụ án gây sốc, ghê tởm này cần phải bị trừng trị, với bản án cao nhất theo pháp luật", theo phát ngôn viên Nhà Trắng.

    "Trái tim tôi đau nhói vì những nạn nhân, gia đình và thân nhân của họ", nghị sĩ Cộng hòa Mark E. Green, bang Tennessee, chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, cho biết. "Những thảm kịch này lẽ ra có thể tránh được".

    Nhà Trắng cuối tuần trước gửi lời chia buồn đến gia đình và người thân của nạn nhân Jocelyn Nungaray. Trong khi đó, phe Cộng hòa cùng những người phản đối nhập cư đã tận dụng cơ hội này để công kích Tổng thống Joe Biden trong vấn đề kiểm soát biên giới.

    "Chúng ta ghi nhận thêm một vụ giết người liên quan chính sách nhập cư của ông Biden. Tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn, và tất cả là lỗi của Biden gian trá", cựu tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 20/6. "Tôi mong chờ được gặp Biden trong cuộc tranh luận giả tạo ngày 27/6. Hãy để ông ta lý giải tại sao lại để hàng triệu người nhập cư trái phép vào đất nước".

    Thống đốc bang Texas Greg Abbott kêu gọi tòa tuyên án tử hình với hai nghi phạm, thêm rằng "Jocelyn sẽ vẫn còn sống nếu ông Biden thực thi luật nhập cư tại biên giới". Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz, bang Texas, có chung quan điểm.

    Các bang dọc biên giới phía nam Mỹ, trong đó có Texas, năm 2023 ghi nhận hơn 2,4 triệu người nhập cư, chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ. Số lượng người nhập cư trái phép bị bắt ở biên giới Mỹ - Mexico lên tới gần 250.000 hồi tháng 12/2023, mức cao chưa từng thấy.

    Cựu tổng thống Trump tiếp tục nhắc đến Jocelyn khi vận động tại Washington cuối tuần trước. "Những tên ác quỷ đó lẽ ra không bao giờ được xuất hiện ở đất nước chúng ta. Và nếu tôi là tổng thống, chúng sẽ không bao giờ vào Mỹ được", ông Trump nói.

    Ông Trump chọn lập trường cứng rắn với người nhập cư và tuyên bố nếu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ tái áp đặt chiến lược ngăn chặn, trục xuất để xử lý làn sóng di trú bất hợp pháp vào Mỹ. Khi đương nhiệm năm 2017-2021, ông Trump đã cho xây và hoàn thành một đoạn nhỏ bức tường biên giới với Mexico.

    Trong khi đó, ông Biden ngày 18/6 ca ngợi "những thiên thần" như y tá Javier Quiroz Castro, từng giúp điều trị bệnh nhân Covid-19 trong giai đoạn đỉnh dịch. Castro nhập cư trái phép vào Mỹ cùng bố mẹ khi ba tuổi và được ở lại theo chương trình hoãn trục xuất đối với người nhập cư trái phép chưa thành niên (DACA).

    "Cảm ơn vì những gì bạn đã làm để giúp chúng ta vượt qua đại dịch, cho đất nước chúng ta", ông Biden nói, thông báo một chương trình giúp Castro cùng những người nhập cư không giấy tờ khác, đã kết hôn với công dân Mỹ, có thể đăng ký cư trú hợp pháp dễ dàng hơn.

    Điều này cho thấy cách tiếp cận trái ngược nhau giữa hai ứng viên tổng thống với vấn đề đang được cử tri Mỹ ngày càng quan tâm trong mùa bầu cử. Kết quả khảo sát do NBC News thực hiện hồi tháng 4 cho thấy 22% cử tri đã đăng ký cho rằng nhập cư và an ninh biên giới là vấn đề quan trọng nhất Mỹ phải đối mặt.

    Các trợ lý cho biết hai ứng viên sẽ phản ánh rõ quan điểm của mình trong cuộc tranh luận trực tiếp do CNN tổ chức ngày 27/6 ở Atlanta, bang Georgia. Thăm dò do YouGov thực hiện đầu tháng 6 cho thấy 62% người tham gia không ủng hộ cách ông Biden giải quyết vấn đề nhập cư, chỉ 29% ủng hộ.

    Viethome (theo Washington Post, New York Post)

  • Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng những người nước ngoài tốt nghiệp đại học ở Mỹ nên được tự động cấp thẻ xanh để có thể ở lại quốc gia này.

    bau cho trump
    Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

    "Bạn tốt nghiệp một trường đại học, tôi nghĩ bạn nên tự động nhận được thẻ xanh như một phần trong bằng tốt nghiệp của mình để có thể ở lại đất nước này và điều đó bao gồm cả các trường cao đẳng cơ sở", ông Trump phát biểu ngày 20/6 trong một chương trình podcast.

    Thẻ xanh, còn được gọi là thẻ thường trú, cho phép các cá nhân sống và làm việc lâu dài tại Mỹ và là con đường dẫn đến quyền công dân.

    Ông Trump nói: "Bất kỳ ai tốt nghiệp trường đại học mà bạn học ở đó trong 2 năm hoặc 4 năm, nếu bạn tốt nghiệp hoặc có bằng tiến sĩ từ một trường đại học, bạn nên được ở lại đất nước này".

    Không rõ liệu ông Trump có đề cập đến tất cả người nước ngoài, bao gồm cả những người đến Mỹ bất hợp pháp hoặc ở lại quá hạn thị thực hay chỉ những người có thị thực sinh viên.

    Cũng chưa rõ liệu đây có phải là tín hiệu cho thấy nếu ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay, ông sẽ thay đổi chính sách như đề xuất bên trên hay không. 

    Karoline Leavitt, thư ký báo chí của ông Trump, ngày 21/6 nói đề xuất cấp thẻ xanh sẽ áp dụng với "những người tài năng nhất" và "phải trải qua quá trình sàng lọc nghiêm ngặt nhất trong lịch sử Mỹ" để loại trừ các yếu tố không phù hợp".

    Phía Biden cho rằng ông Trump "dối trá và xúc phạm người nhập cư" khi đề xuất cấp thẻ xanh cho du học sinh tốt nghiệp tại Mỹ

    "Nếu có cơ hội nhậm chức, ông ấy sẽ tìm cách chia rẽ các gia đình người nhập cư vì lợi ích chính trị của mình", Keven Munoz, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden, nói ngày 21/6, nhắc đến ông Donald Trump. "Những lời hứa suông của Trump là dối trá và xúc phạm, đặc biệt là với vô số người đã chịu thiệt hại vĩnh viễn trong nhiệm kỳ đầu của ông ấy".

    Ông Trump còn hứng chỉ trích từ phe bảo thủ. Một số nhà bình luận phe này mô tả đề xuất của cựu tổng thống là "tồi tệ" và Mỹ còn nhiều lao động lành nghề đang cần có việc làm tốt hơn. Jeremy Beck, phó chủ tịch tổ chức NumbersUSA chuyên kêu gọi siết hạn chế với người nhập cư, cáo buộc ông Trump đang biến các trường cao đẳng, đại học Mỹ thành "xưởng in thị thực".

    Steve Bannon, cựu cố vấn của ông Trump, cũng bác bỏ ý tưởng từ cựu tổng thống. Ông cho rằng các du học sinh nên "làm cho quê hương của họ vĩ đại trở lại" sau khi tốt nghiệp tại Mỹ.

    Những nhà vận động ủng hộ người nhập cư cũng không bị thuyết phục bởi đề xuất. "Tôi suýt bật cười bởi chính quyền của ông ấy từng thực hiện hàng loạt chính sách nhằm hạn chế thị thực sinh viên, khiến việc ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp trở nên khó khăn hơn", Aaron Reichlin-Melnick, giám đốc chính sách tại Hội đồng Nhập cư Mỹ, nói.

    Dân Trí (theo Reuters)

  • Số thành viên của các nhóm Amerexit hay I Want Out trên diễn đàn Reddit đã lên gần 3 triệu trong bối cảnh ngày càng nhiều người nhận ra cuộc sống ở Mỹ quá khó khăn.

    Amelia Basista và JP Stonestreet gọi năm 2015 là "năm địa ngục"- giọt nước tràn ly khiến họ phải chuyển đến Nam Mỹ.

    Năm đó, Stonestreet, 43 tuổi, phát hiện mắc chứng hẹp cột sống bẩm sinh, thoái hóa đĩa đệm. Anh phải thực hiện hai cuộc phẫu thuật và không thể đi làm. Vợ anh, Basista cũng nghỉ việc ở nhà chăm chồng. Thu nhập của họ giảm đáng kể trong khi phí bảo hiểm của Stonestreet lại tăng vọt.

    Họ nhận ra không đủ khả năng trả lãi vay ngân hàng mua nhà, trả góp ôtô và mọi chi phí khác. "Lối sống bình thường của người Mỹ không còn trong tầm tay chúng tôi nữa", anh nói.

    Họ bán nhà ở Denver nhưng không đủ trả hết nợ. Hai người lên kế hoạch rời bỏ nước Mỹ. Năm 2017, họ đến Cuenca, Ecuador và tiếp tục công việc cũ từ xa. Chi phí của hai người giảm 70%.

    Basista và Stonestreet là một phần của nhóm người Mỹ mới nổi, những người mệt mỏi vì chi phí sinh hoạt và tìm kiếm chất lượng sống tốt hơn ở các quốc gia khác. Họ đọc các chia sẻ kinh nghiệm trong các nhóm như AmerExit (Thoát khỏi nước Mỹ) có 57.000 thành viên và I Want Out (Tôi muốn ra đi) với 2 triệu thành viên trên diễn đàn Reddit. Họ tham khảo ý kiến của các nhà cung cấp dịch vụ chuyển địa điểm và trợ giúp đặc biệt có chi phí vài trăm đến vài nghìn USD mỗi lần và chỉ người khác cách ra đi từ kinh nghiệm của mình.

    Ở các nhóm này, khái niệm geoarbitrage (tiết kiệm bằng cách đến nơi rẻ hơn) và FIRE - viết tắt của cụm financial independence, retire early (độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) là mục tiêu và là câu thần chú.

    Một số người như Basista và Stonestreet xem rời Mỹ là bước đầu trong kế hoạch dài hạn sẽ kết thúc bằng việc nghỉ hưu ở nước ngoài. Những người khác theo đuổi lối sống du mục kỹ thuật số - một lối sống linh hoạt, vừa đi du lịch vừa có thêm thu nhập bằng cách làm việc từ xa.

    roi bo nuoc my
    Ảnh minh họa: IB

    Chưa có thống kê chính xác số người Mỹ chuyển ra nước ngoài, nhưng tính đến năm 2023, đã có gần 161 triệu hộ chiếu Mỹ được lưu hành, chiến gần một nửa tổng số người Mỹ. Trong khi đó, thời trước chỉ 10% người Mỹ có hộ chiếu. Bộ Ngoại giao nước này ước tính năm 2020 có tổng cộng 9 triệu người Mỹ sống ở nước ngoài, gồm công dân hai quốc tịch sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Trong khi năm 2010 con số ước tính chỉ là 5 triệu người.

    Một cuộc thăm dò gần đây của ĐH Monmouth, khoảng 33% người Mỹ cho biết muốn định cư ở quốc gia khác. Năm 1995, cũng trong khảo sát tương tự của Gallup, chỉ 12% nói vậy. Một cuộc khảo sát của InterNation năm 2023 với 12.000 người nước ngoài từ 172 quốc gia, cho thấy Mỹ là nước xuất xứ có tỷ lệ người nước ngoài lớn nhất.

    Những người đang chịu áp lực bởi hóa đơn đắt đỏ không ngạc nhiên với mong muốn ra nước ngoài sống. Cục Thống kê lao động Mỹ cho hay chi phí trung bình hàng tháng của một hộ gia đình ở Mỹ đã tăng từ 5.100 USD năm 2020 lên hơn 6.000 USD năm 2022. Trong khảo sát mới của hiệp hội Công nghệ tài chính, 61% công nhân Mỹ cho biết đang kiếm được đồng nào tiêu đồng đó.

    Dù hưởng mức vật chất cao hơn phần lớn các quốc gia khác, nhưng Mỹ lại thấp hơn các nước phương Tây về một số chỉ số chất lượng cuộc sống: Người Mỹ làm việc nhiều hơn, đi nghỉ ít hơn, chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe và chết sớm hơn người dân ở các nền kinh tế có thu nhập cao khác.

    Những yếu tố này có thể giải thích tại sao một số người Mỹ lại chuyển đến các nước được coi có chi phí sinh hoạt thấp. Dữ liệu của công ty tuyển dụng toàn cầu Deel cho thấy Anh, Đức, Canada và Pháp nằm trong 7 điểm đến quốc tế hàng đầu với những người tìm việc ở Mỹ.

    Ở những nơi có dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân, dịch vụ chăm sóc trẻ em được chính phủ trợ cấp và các nền văn hóa khuyến khích sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn, giá trị của đồng USD có thể tăng thêm.

    Maliya Fale, 22 tuổi, ở Minneapolis, bang Minnesota là một người du mục kỹ thuật số và là nhà sáng tạo nội dung đã du lịch khắp Mỹ Latinh trong gần ba năm. Tháng 2 năm nay, cô rời Mỹ vĩnh viễn.

    Vào tháng 3, cô đến thị trấn ven biển Puerto Morelos, Mexico và đang lên kế hoạch cho tương lai. Cuộc sống ở nước ngoài mang đến sự linh hoạt mà nước Mỹ không thể có.

    Những người rời Mỹ theo con đường tương tự cho biết chưa bao giờ tiếc nuối quá khứ. Tháng 11/2015, nhà văn Cristina Johnson đã đóng gói ba vali và lên chuyến bay một chiều từ Pennsylvania tới Belize, một quốc gia Trung Mỹ.

    Nhà văn 53 tuổi bị khuyết tật nên khó kiếm sống ở Mỹ. Còn ở Belize, mọi chi phí hàng tháng của cô chỉ 250 USD. Ở đó, Johnson có thể xây nhà, tiết kiệm hàng nghìn USD, trong khi thu nhập khoảng 1.200 USD mỗi tháng nhờ viết quảng cáo tiếp thị nội dung.

    "Dù tiết kiệm được cả triệu đô cũng không đáng giá bằng tinh thần, tình cảm, thể chất tôi đã có được ở đây", cô nói.

    Công ty Hướng dẫn tái định cư Mexico của vợ chồng Mariana và Dustin Lange thành lập năm 2019 đón đầu xu hướng muốn rời Mỹ của nhiều người. Mariana cho biết công ty không truyền thông rằng mọi người "sống như những vị vua chỉ với rất ít tiền" bởi thực tế không phải vậy. Tuy nhiên, người rời Mỹ sẽ có chất lượng sống tốt hơn với cùng một số tiền, thậm chí ít hơn.

    Từ khi lệnh phong tỏa vì đại dịch bớt khắt khe, hoạt động kinh doanh của gia đình Lange bùng nổ.

    Mark Zoril, người sáng lập công ty hoạch định tài chính PlanVision có trụ sở tại Bắc Carolina, bắt đầu làm việc với khách hàng có nhu cầu ra nước ngoài cách đây 8 hoặc 9 năm. Doanh nghiệp giúp họ quản lý tài sản xuyên biên giới và tiết kiệm cho tương lai khi sống ở nước ngoài.

    Zoril cho biết hầu hết khách hàng của ông dự định ở lại nước ngoài vô thời hạn, phần lớn là do chi phí quay trở lại cao. Trung Mỹ, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là những điểm đến đặc biệt được ưa chuộng vì chi phí sinh hoạt tương đối thấp và khí hậu ôn hòa.

    Rời Mỹ không phải chỉ toàn ưu điểm. Chi phí sinh hoạt thấp hơn thường đi đôi với giảm thu nhập, có thể cản trở cơ hội trở về của một số người. Sự khác biệt về văn hóa và rào cản ngôn ngữ làm tăng thêm những phức tạp và nguy cơ xa lánh.

    Các điểm đến dành cho người nước ngoài khác cũng đặt ra những thách thức riêng. Trong bối cảnh bất ổn chính trị ở Ecuador, Stonestreet và Basista chuyển đến châu Âu sống theo kiểu "du lịch chậm" bán du mục.

    Tuy nhiên, họ không hối hận khi rời bỏ nước Mỹ. Điều hối tiếc duy nhất là đã không thực hiện điều đó sớm hơn.

    Trong vòng ba năm sau khi rời Mỹ, hai người trả hết 60.000 USD nợ tiêu dùng và tiết kiệm gấp đôi để nghỉ hưu. Khi còn sống ở quê hương mình, họ thậm chí không dám nghĩ mình có thể được nghỉ hưu.

    "Chúng ta cứ nghĩ mình có thể làm việc đến tận lúc sức cùng lực kiệt, nhưng cuộc đời này ngắn lắm. Chẳng biết ngày mai sẽ ra sao", Stonestreet nói.

    VnExpress (theo BI)

  • NGUỒN: JACK TRUONG RN, Nhóm: SAVE AND EARN IN AMERICA.

    Hôm nay xem lại hóa đơn viện phí dẫn mẹ em đi chụp mammogram hôm trước, phí lên đến hơn $1,500 mà bảo hiểm y tế trả hết, em không phải trả đồng nào, mới thấy việc có một bảo hiểm y tế tốt là rất quan trọng. Hy vọng bài viết dưới đây giúp mọi người hiểu thêm về cơ chế hoạt động của bảo hiểm y tế và có thể hiểu thêm về bảo hiểm mình đang có.

    "Bài viết này mình muốn đề cập tới vấn đề đi khám bệnh và những thuật ngữ thông dụng trong bảo hiểm y tế. Mình đang làm y tá khoa ung bướu, chuyên hóa trị, và có 7 năm kinh nghiệm. Đề tài này hơi phức tạp nên nếu có gì thiếu sót mong các bạn thông cảm.

    Trước tiên mình sẽ đề cập tới các thuật ngữ thông dụng mà bạn sẽ gặp khi dùng bảo hiểm y tế:

    bao hiem y te o my

    - Deductible: số tiền bạn phải trả trước khi bảo hiểm của bạn trả. Ví dụ insurance của bạn nói deductible là $500. Đi chữa bệnh chi phí tốn $5000 đi, thì bạn phải trả trước cái $500 đó rồi bảo hiểm mới trả phần còn lại

    - Coinsurance: số tiền bạn phải trả sau khi bảo hiểm trả, thường thì con số này dựa trên phần trăm. Ví dụ như trên, bảo hiểm nói là họ trả 80% tiền viện phí, thì bạn phải trả 20% của cái $5000, sau khi bạn đã trả $500 deductible

    - Out-of-pocket maximum/coinsurance limit: số tiền tối đa bạn phải trả. Mỗi plan nó quy định hạn mức khác nhau. Ví dụ insurance bạn nói là bạn phải trả tối đa cho họ là $8000. Nếu bạn mổ gì đó tốn $100k, thì sau khi deductible và bạn trả 20%, nếu con số đó vượt quá $8000 thì họ chỉ lấy tối đa của bạn $8000.

    - Copay: số tiền bạn trả cho bác sĩ mỗi lần bạn đi khám hay điều trị. Ví dụ như bạn đi khám phòng mạch thì ông bác sĩ sẽ lấy của bạn $30 mỗi lần trước khi tất cả các chi phí khác mình liệt kê ở trên.

    - Premium: số tiền bạn trả để mua gói bảo hiểm

    - Provider: người điều trị cho bạn. Người đó có thể là bác sĩ, bệnh viện, nurse practitioner, etc

    - Non-covered charges: những khoản phí mà bảo hiểm sẽ từ chối trả

    - Medicare: chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ cho người trên 65 tuổi

    - Medicaid:: chương trình bảo hiểm của chính phủ cho người có thu nhập thấp.

    - In-network/Out-of-network: mỗi bác sĩ sẽ nhận 1 dạng bảo hiểm nhất định, như Blue Cross Blue Shield, Aetna, etc. Ví dụ bạn có bảo hiểm BCBS thì bạn kiếm bác sĩ nhận BCBS đó gọi là in-network. Chi phí bạn trả sẽ thấp hơn vì bảo hiểm cover. Còn bạn có BCBS mà gặp bác sĩ nhận Aetna thì có thể bạn phải trả tiền nhiều hơn vì cái đó là không chung mạng lưới của họ.

    - PPO (Preferred Provider Organization): 1 dạng bảo hiểm thường gặp, đó là bạn sẽ được dùng nó để đi gặp 1 số bác sĩ in-network. Bảo hiểm PPO cũng cho phép bạn gặp bác sĩ out-of-network nhưng bạn sẽ phải trả tiền nhiều hơn.

    - HMO (Health Maintenance Organization): 1 dạng bảo hiểm khác. HMO có khi sẽ kêu bạn chọn 1 bác sĩ là chính, bạn chủ yếu đi gặp ông đó để khám bệnh. Có gì thì ổng sẽ đưa ra các bác sĩ khác chuyên môn và họ nhận HMO. Lợi thế là HMO trả tiền ít hơn, nhưng 1 khi đã vào HMO thì bạn chỉ được chọn bác sĩ in-network vì bạn đi out-of-network thì họ sẽ không trả tiền.

    -Pre-existing conditions: tức là những bệnh bạn đã có trước khi bạn mua bảo hiểm. Ví dụ bạn sinh ra mà bị type 1 diabete thì trước đây, các hãng bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm hoặc ép buộc bạn đóng tiền nhiều hơn vì họ biết chắc chi phí trị bệnh của bạn sẽ cao hơn người thường. Mà toàn bộ công ty bảo hiểm là for-profit. Họ đặt lợi nhuận lên hàng đầu nên sẽ tìm đủ cách để kiếm lời. Từ năm 2014 tổng thống Obama đã cấm chuyện đó, nên bây giờ các hãng bảo hiểm không được phép từ chối hoặc lấy tiền bạn nhiều hơn.

    - Vậy đây là 1 câu hỏi nhức nhối của nhiều người VN: liệu không có bảo hiểm thì đi bệnh viện được không. ĐƯỢC. Bạn sẽ phải trả tiền nhiều hơn, nhưng không có nghĩa là bệnh viện từ chối điều trị bạn. Ở bệnh viện thường có những người social worker. Họ chuyên giúp những bệnh nhân không có bảo hiểm hoặc thu nhập thấp tìm các nguồn hỗ trợ để trả tiền viện phí. Ở Mĩ này tiền viện phí là lý do số 1 gây ra phá sản. Nên vấn đề này là muôn thuở ai cũng biết. Các bệnh viện thường họ sẽ cho bạn payment plan nếu bạn không đóng tiền hết 1 lần được.

    - Cho nên nếu bạn hoặc người nhà bị gì đó như heart attack (đau tim), stroke (tai biến mạch máu não), gãy xương, etc, thì chuyện đầu tiên là gọi 911 để chở tới bệnh viện. Họ sẽ trị trước rồi tính tiền sau. Cùng lắm thì trả payment plan từ từ. Đừng vì cái đó mà không dám đi bệnh viện. Tiền có thể đi làm kiếm lại được, mạng chỉ có 1.

    - Universal/single payer health care. Đây là 1 đề tài rất được bàn cãi trong cả chục năm qua. Như mình nói ở trên, điểm yếu của y tế Mĩ là bảo hiểm rất rắc rối và đắt đỏ. Mua bảo hiểm xong rồi đi trị bệnh vẫn phải đóng tiền thêm. Chưa kể mỗi bác sĩ nhận bảo hiểm khác nhau, đi không đúng người thì bảo hiểm không trả.

    - Nhiều quốc gia khác như Canada, Úc, Anh, Đức dùng hình thức Universal/single payer tức là chính phủ sẽ hoạt động như insurance provider. Bạn trả thuế cao hơn, bù lại toàn bộ mọi thứ tiền viện phí chính phủ lo hết. Khỏi lo copay, coinsurance, deductible, hmo, ppo. Bạn cần đi khám và điều trị, bạn vào bệnh viện, xong họ làm việc với chính quyền, bạn trị xong rồi về.

    - Nhiều người nói là ở Mĩ bạn có tự do chọn bác sĩ. Bạn có biết sự tự do thật sự là ở đâu không? Đó là mình có thể đi tất cả các bệnh viện, tất cả các bác sĩ mà không phải lo in hay out network. Cái đó là thế mạnh của universal health care.

    - Và nhiều người lo là thuế tăng. Nói thật, tiền bảo hiểm đóng hàng tháng nó cao tới mức gần như là khoản thuế thứ 2 luôn rồi, nên tăng thuế thay vì đóng bảo hiểm thì cũng bù qua bù lại à.

    Edit: thêm về urgent và emergency care để bạn có thể phân biệt

    Urgent care: dành cho những bệnh nguy hiểm nếu để lâu (mấy ngày liền) không trị. Ví dụ như ói mửa, tiêu chảy này nọ. 1 cơn thì không tới nỗi, nhưng bị nhiều và liên tục thì có lý do và có thể dẫn tới mất nước. Nên đó là các trường hợp đi urgent care vì chi phí sẽ rẻ hơn. Urgent care là lúc bạn có thể tự đi tới gặp bác sĩ được.

    Emergency care: dành cho các trường hợp nguy hiểm tới tính mạng nếu không cứu kịp trong thời gian ngắn (vài tiếng). Ví dụ như heart attack, stroke, gãy xương, vết thương chảy máu liên tục. Đó là các trường hợp bạn phải gọi 911, không tự đi gặp bác sĩ. Chi phí đi emergency sẽ cao hơn nhưng bù lại họ sẽ cứu mạng của bạn.

    Nói về đề tài này thì nó dài lắm, tới mức viết sách còn được. Mình tạm dừng ở đây. Hy vọng bài viết của mình sẽ giúp giải đáp 1 số thắc mắc của các bạn về y tế và bảo hiểm ở Mĩ."

    NGUỒN: JACK TRUONG RN, Nhóm: SAVE AND EARN IN AMERICA.

  • Bạn tôi bỏ tiền cho con đi du học Mỹ gần chục năm, từ bậc cử nhân đến Tiến sĩ, nhưng vẫn không kiếm nổi việc làm để định cư.

    Đi du học là câu chuyện dài kỳ. Ở ta, hầu như ai cũng chỉ muốn nói cho tốt mà không dám nhìn nhận cái mục đích chính của vấn đề này: đó là đi học để mong được định cư ở nước ngoài. Ban đầu, lúc làm hồ sơ, các công ty tư vấn chỉ muốn làm sao cho ứng viên dễ được thu nhận vào trường nhất, để họ lấy phí, lấy hoa hồng... chứ không ai tư vấn chọn ngành nghề nào dễ tìm được việc làm nhất ở nước sở tại sau khi ra trường.

    Kết quả là nhiều người Việt nộp đơn vào các trường "vô danh" của ngước ngoài, chọn học những ngành "vô bổ" để dễ được trúng tuyển. Cuối cùng, khi học xong ra trường, phần lớn du học sinh không tìm được việc làm, rơi vào cảnh về không được mà ở lại cũng chẳng xong.

    Tôi biết có người bạn cho con du học tự túc bậc cử nhân, nhưng đến khi học xong ra trường không có ai thu nhận. Thế là họ lại bỏ tiền cho con học tiếp lên bậc Thạc sĩ để kéo dài thời gian. Đến khi có bằng cũng chẳng ăn thua, giờ họ lại đóng tiền cho con học tiếp lên bậc Tiến sĩ dù chẳng biết có nên cơm cháo gì không? Tính ra con họ đã ở Mỹ gần chục năm rồi nhưng "cậu ấm" ấy vẫn chưa thể tự lập, chẳng có công ăn việc làm ổn định. Mỗi kỳ nghỉ hè, mỗi dịp Tết, gia đình họ lại bỏ tiền mua vé máy bay cho đứa con về "ăn cơm mẹ nấu".

    hoc 10 nam khong the dinh cu

    Tôi cũng từng là một du học sinh với học bổng toàn phần: tiền vé máy bay, tiền trường, tiền sách vở, tiền tham quan, tiền chỗ ở và tiền bỏ túi đi chợ... đều được tài trợ. Cá nhân tôi thấy rằng được đi du học là cả một trời vinh dự, cả một thế giới hạnh phúc. Tôi đã được tiếp cận môi trường giáo dục tiên tiến từ phương pháp dạy - học, cho đến phương tiện học tập, nghiên cứu.

    Và kết quả, học xong tôi trở về nước, cảm thấy kiến thức, kỹ năng và phong cách sống của mình đã ở một mức độ khác. Dĩ nhiên tôi cũng có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn hẳn so với bạn bè ở trong nước.

    Đến khi con đến tuổi, tôi cũng đã tạo điều kiện cho con đi du học theo dạng tự túc. Thế nhưng, con tôi lại không thích học ở môi trường nước ngoài nên đã quyết định trở về nước ngay sau khi hoàn thành học phần đầu tiên. Bản thân tôi muốn con học hết bậc master, nhưng con tôi cũng từ chối tìm cách ở lại vì không muốn làm công dân hạng hai.

    Từ đó, tôi thấy rằng, với các thế hệ trẻ sau này, khi môi trường sống và học tập trong nước đang tốt dần lên, tiệm cận với thế giới, thì chưa chắc đi du học đã là một lựa chọn thông minh. Bản thân việc ra nước ngoài cũng chưa chắc đã là mong muốn của đứa trẻ mà chẳng qua là ước muốn của gia đình mà thôi. Du học, càng ngày càng là câu chuyện đầu tư của các bậc phụ huynh và mục tiêu nhắm đến là mong muốn tìm được công việc để định cư ở nước ngoài.Với mục tiêu đó nhưng chọn cách thức dễ dàng thì đầu tư lỗ là hiển nhiên.

    Theo VnExpress

  • Hành trình di chuyển từ bang California đến thành phố bang Texas đang trở thành tuyến di cư phổ biến nhất trong lòng nước Mỹ.

    don nha den texas
    Một người dân đang dọn nhà từ California về Texas - Ảnh: AP

    Theo thống kê của Điều tra dân số Mỹ, chỉ riêng năm 2021 có 111.000 người di cư từ California đến Texas, tăng 80% so với năm 2012. Trung bình mỗi ngày có 300 người rời California để đến Texas, tờ USA Today cho biết.

    Số người rời California để đến Texas đã tăng 36% từ năm 2016 đến năm 2021. Trong khi dòng di cư từ tất cả các bang khác đến Texas không thay đổi, chỉ tăng 0,1%, theo dữ liệu từ Khảo sát cộng đồng Mỹ ước tính.

    Giáo sư Rogelio Saenz, khoa nhân khẩu học tại Đại học Texas ở San Antonio, cho biết: “Giá nhà đất và chi phí sinh hoạt ở California cao là những lý do chính cho phong trào này".

    Theo ông Saenz, một cách để đánh giá những khó khăn trong việc mua nhà ở California hoặc Texas là tính tỉ lệ thu nhập hộ gia đình trung bình với giá trị nhà trung bình ở mỗi tiểu bang.

    Theo ước tính của đợt Khảo sát cộng đồng Mỹ năm 2021, ở California giá trị nhà ở là 7,63 USD/1 USD thu nhập hộ gia đình. Trong khi ở Texas, giá trị nhà chỉ 3,55 USD/1 USD thu nhập.

    Như vậy, giá trị trung bình của một ngôi nhà ở California cao hơn 2,15 lần so với ở Texas vào năm 2021.

    Ông nói chính tình hình trên sẽ duy trì dòng chảy đáng kể người dân California đến Texas trong những thập kỷ tới.

    Ngoài chi phí nhà ở thấp hơn, các yếu tố khiến Texas trở nên hấp dẫn đối với người dân California là chính sách miễn thuế thu nhập, chi phí sinh hoạt thấp hơn và cơ hội việc làm được hỗ trợ bởi lĩnh vực công nghệ và năng lượng.

    Các tiện ích nói chung cũng có giá thấp hơn ở Texas, thấp hơn khoảng 20% so với ở California.

    Về mặt kinh doanh, Texas đã tích cực theo đuổi một chiến lược kinh tế bao gồm việc tạo ra một môi trường thân thiện với doanh nghiệp, không chỉ giúp giữ chân doanh nghiệp mà còn thu hút các doanh nghiệp mới.

    Hơn 100 công ty đã chuyển trụ sở chính đến Texas kể từ năm 2020, với 40% trong số đó đến từ California.

    Ai chuyển đến Texas?

    Hầu hết những người chuyển từ California đến Texas đều thuộc thế hệ Millennials (thế hệ thiên niên kỷ, nhóm nhân khẩu học nằm giữa thế hệ X và thế hệ Z - sinh từ năm 1981 đến 1996), chiếm 46% trong số những người chuyển đến Texas.

    Thế hệ thiên niên kỷ chuyển đến Texas có thu nhập hộ gia đình trung bình 114.000 USD/năm, cao hơn 21% so với những gì thế hệ thiên niên kỷ mang về nhà ở cấp quốc gia (94.000 USD/năm).

    Theo Tuổi Trẻ

  • Bài viết của anh Doan Tran trên group Luật Di trú và Cuộc sống Mỹ, giúp những người lớn tuổi có thêm động lực khi qua Mỹ định cư:

    Nhân những ngày đầu năm mới, tôi chia sẻ 1 ít thông tin về việc làm của tôi là người thật việc thật về cuộc sống ở Mỹ để những ai trên 50 tuổi sắp qua Mỹ định cư nhưng còn do dự, băn khoăn không biết làm sao để xây dựng 1 cuộc sống mới khi tuổi đã bên kia sườn dốc.

    Có thể khẳng định 1 điều là đất nước Mỹ là nơi cho ta rất nhiều cơ hội để làm lại cuộc đời, từ người còn sức trẻ, khỏe đến người đã trên 50 miễn sao là bạn có TÍNH CẦN CÙ KHÔNG NGẠI GIAN KHÓ.

    chuc vo danh thanh cong

    Tôi qua Mỹ theo diện F4 (ace bảo lãnh) vào cuối năm 2014 khi đã trên 50. Ở Việt Nam tôi làm bằng đầu óc, ngồi trong văn phòng có máy điều hoà, ăn mặc lịch sự, thu nhập cũng không tồi (mỗi tháng trên 40 triệu vào thời điểm từ 2014 trở về trước). Tôi biết trước là khi qua Mỹ tôi sẽ vất vả hơn trong việc kiếm sống khi tuổi đã trên 50. Nhưng tôi không hề ngại chút nào.

    Nhờ biết tiếng Anh và có chút may mắn tôi đã được nhận vào làm công nhân cho 1 hãng Mỹ từ đầu năm 2015 với mức lương khởi điểm là 11$/hr. Đến nay sau 7 năm làm việc thì lương tôi đã được tăng lên 20$/hr.

    Xem hình cùi lương cuối năm 2021, các bạn thấy tôi có mức thu nhập cả năm (YTD) là 59.533.09$ - 1 mức thu nhập không tồi đối với 1 công nhân bình thường phải không? Bạn nào có mức thu nhập này thì theo luật hiện hành có thể bảo lãnh tài chính cho trên 8 người mà không cần nhờ ai co-sign rất phiền phức.

    Trong năm qua tôi đã đóng thuế thu nhập 13.381,32$. Đây là nghĩa vụ mà tôi nghĩ 1 khi chúng ta sống ở Mỹ thì nên vui vẻ chấp nhận thay vì tìm cách tránh. Nếu các bạn làm việc và đóng thuế nghiêm túc thì khi các bạn đến thời điểm được nộp đơn thi quốc tịch, tôi tin là các viên chức Sở Di Trú và Nhập Tịch Mỹ (USCIS) sẽ có thiện cảm khi cứu xét đơn của các bạn.

    Thực tế sau 5 năm sống ở Mỹ, tôi đi thi quốc tịch rất dễ. Viên chức phỏng vấn tôi không đầy 15 phút và không hề hỏi các câu hỏi về “WHAT MEAN” đánh đố người thi mà nhiều người Việt Nam đã gặp. Cũng có thể là tôi may mắn gặp viên chức dễ tính chăng…?

    Ngoài thuế thu nhập, lương mỗi 2 tuần của tôi còn bị trừ nhiều khoản khác như bảo hiểm y tế và đặc biệt là khoản đầu tư cho quỹ hưu trí. Các bạn xem các cột bên phải thì thấy trong năm tôi đầu tư 15% cho 2 khoản:

    - 401K: 2.962$ (5%)

    - ROTH 401K: 5.284$ (10%)

    Khoản 401K truyền thống thì khi rút ra sẽ bị trừ thuế 10%. Còn khoản sau thì không bị trừ thuế.

    Cũng vì đầu tư cho tương lai khi về hưu như vậy mà lương NET của tôi chỉ thực lãnh 36.000$ từ mức GROSS là trên 59.000$! (Hình 2).

    thu nhap o my
    Thu nhập thực nhận của anh Doan Tran

    Tôi cảm thấy bằng lòng với cuộc sống hiện tại dù thu nhập công nhân của tôi có thể không bằng các bạn làm nghề NAIL (cả nam lẫn nữ). Mỗi năm tôi có những phúc lợi xã hội khác và được nghỉ phép 3 tuần vẫn hưởng lương mỗi năm.

    HÃY QUÊN QUÁ KHỨ Ở VIỆT NAM KHI QUA MỸ SỐNG

    Dù quá khứ đó có huy hoàng hay thất bại chua cay hãy vất qua 1 bên. Hãy nhìn vào hiện tại với những thách thức, khó khăn có thể gặp trong bước đường xây dựng cuộc sống mới ở Mỹ.

    Nếu có bằng cấp và trình độ chuyên môn thì ráng nâng cao trình độ tiếng Anh để có thể kiếm 1 công việc làm văn phòng phù hợp, vừa khỏe thân mà thu nhập cao nữa. 1 khi thấy khả năng không thể thì có vô số công việc lao động chân tay để làm. Đơn giản “Không thể làm thầy thì làm thợ” Thế thôi!

    Thực tế LÀM THỢ ở Mỹ nhiều khi lại kiếm được nhiều tiền hơn LÀM THẦY! 

    Ở Mỹ làm thợ tuy có thể cực, cực nhiều hay cực ít (tùy nghề và tùy công việc) nhưng lại kiếm được nhiều/rất nhiều tiền so với làm thợ (công nhân) ở Việt Nam!

    Lương công nhân bình thường của tôi, 1 người lao động phổ thông, không cần đào tạo gì và tuổi đã cao vẫn có thể kiếm được $3600 cho 2 tuần. Nếu tính giá trị tương đương tiền Việt Nam thì khoảng 80 triệu. Người lao động chân tay ở Việt Nam tuy rất muốn làm cực để có tiền lo cho mình và gia đình con cái cũng không thể nào làm được.

    Về khoảng đầu tư vào quỹ 401k bài năm trước tôi viết thiếu 1 chi tiết là: công ty (ở Mỹ gọi là hãng) dùng tiền này mua cổ phiếu nên khi giá cổ phiếu tăng thì mình được tăng tiền lời và ngược lại. Đến tuổi nghỉ hưu mình sẽ rút ra số tiền kha khá hàng trăm ngàn $. 

    Trước khi qua Mỹ, tôi nghe công thức “CHỒNG LÀM HÃNG, VỢ LÀM NAIL” thì không lo khó khăn. Thực tế gia đình tôi hiện nay thấy đúng như vậy. Vào mùa hè thì thu nhập của vợ tôi dù chỉ mới vô nghề chỉ mấy tháng nhưng cũng đã tương đương của tôi hay có tháng còn hơn cả tôi! Vào mùa đông như hiện nay thì thu nhập của vợ tôi đã giảm 1/2 đến 2/3, nhưng bù lại thì tôi sắp xếp để làm overtime nhiều hơn tí những lúc công ty có việc nhiều.

    Do lạm phát, công ty tôi đã tăng tiền cho công nhân mới tuyển vào là $18/hr. Có a bạn Việt Nam mới vô làm 10 tháng nhưng giờ đã có mức lương là $20/hr.

    Vài dòng chia sẻ cho các bạn trên 50 chuẩn bị qua Mỹ làm lại cuộc đời mới có thêm động lực. Chúc tất cả các bạn luôn mạnh khỏe, bằng an, và mọi sự được như ý trong năm mới.

    Nguồn: Doan Tran / Group Luật Di trú và Cuộc sống Mỹ

  • Nhà tôi có một anh chị đằng xa định cư bên Mỹ, sống ở thủ phủ của dân Việt là Litte Sài Gòn và luôn tỏ vẻ thượng đẳng với chúng tôi. Anh chị ấy luôn ra rả rằng ở Mỹ sẽ được bao y tế, giáo dục, làm bao nhiêu chỉ lo tiêu xài và đi du lịch mà thôi.

    Ấy nhưng mà 3 năm 1 lần gia đình anh chị ấy về quê là mỗi lần đi khám tổng quát, đi làm răng, đi niềng răng cho con cái... Tôi có hỏi là tại sao nước Mỹ miễn phí mà anh chị không làm ở đó, anh chị ấy chỉ ậm ừ cười.

    Tôi qua Mỹ được vài lần và cũng đi ngang nước Mỹ trong 2 tuần. Với tư cách là một người chu du Canada - Mỹ, EU và Úc, tôi thấy người Việt không nên coi Mỹ là thiên đường. Tại Mỹ, đừng có nói là giáo dục, y tế free, không có đâu và cực kỳ đắt. Trừ khi chị có công ăn việc làm ổn định công ty, còn nếu làm công việc chân tay thì hãy cầu trời là đừng có ốm.

    Đừng có nghĩ Mỹ hào nhoáng mà ở Mỹ vẫn có la liệt người vô gia cư, nghiện ngập... và còn nát hơn bất cứ nơi nào ở Việt Nam. Tại Việt Nam, tôi đố các bạn tìm thấy khu nào tràn lan người vô gia cư đấy, nhưng ở Mỹ thì rất nhiều và cũng toàn là Mỹ trắng không đấy.

    nuoc my khong nhu mo

    Ngay tại đại lộ danh vọng, nghiện ngập và homesless, lừa đảo rất là nhiều, chúng nó mặc cái áo người nhện rồi gạ chụp ảnh rồi móc 30 - 40 đô, nếu không đưa sẽ bị đe dọa và tấn công. Các chị ở Hồ Con Rùa và Hồ Gươm bị lừa ư? Thì ở Mỹ cũng vậy mà thôi và thậm chí chúng nó còn tinh vi hơn. Ngay tại đại lộ danh vọng, tụi Mỹ vạch ra đái ngay ở ven đường đại lộ, nằm ngủ ngay ở ghế đá rất là nhiều.

    Nhiều anh chị sống ở Mỹ, cậy cái thẻ xanh rồi ra oai với chúng tôi. Nhưng sau đó các anh chị làm vất vả, ăn không dám ăn, uống không dám uống rồi gửi cái iPhone 8 cũ về cho tụi con nít. Xin thưa là giờ mà mang iPhone 8 về là chúng nó chê, rồi mang dăm ba cái đồ xách tay Mỹ về như nồi cơm điện, nồi chiên. Xin lỗi, chúng tôi đâu có cần mấy thứ này, ở VN rẻ bèo à.

    Nên tôi nghĩ rằng, sống ở đâu thì sống, thì cũng nên có cái nhìn đầy đủ về nơi đó. Cứ nhìn những hình ảnh hào nhoáng bên ngoài mà quên đi những giá trị bản địa nội tại. Và ở đâu thì cũng phải có làm mới có ăn chứ không bao giờ có chuyện trợ cấp ăn sẵn, như thế thì đã chẳng có homesless, chẳng có người vô gia cư.

    Nguồn: Duy Nguyễn