Chiến dịch tiêm phòng thần tốc nhất lịch sử New York

Năm 1947, New York tiêm phòng cho 6 triệu dân chỉ trong một tháng, chặn đứng cơn sóng thảm khốc của đậu mùa.

Vào cuối tuần lễ Phục sinh, tháng 4/1947, thành phố New York náo nức trong bầu không khí chiến thắng. Những đau thương của Thế chiến Thứ hai đã lùi lại phía sau. New York, giống với phần còn lại của đất nước, trở nên mừng rỡ và hạnh phúc.

Tương lai nước Mỹ hứa hẹn những điều tuyệt vời. Máy ảnh Polaroid vừa được phát minh, TV đã trở nên thông dụng, những chiếc đài bán dẫn vẫn hoạt động.

Điều mà công chúng không ngờ tới, bệnh đậu mùa - thảm họa của nền văn minh, đã đột ngột tái xuất từ 5 tuần trước đó.

Ngày 1/3, Eugene Le Bar, doanh nhân 47 tuổi người Mỹ, từ Mexico City qua New York để đến Maine. Trên đường, ông cảm thấy mệt mỏi và phải thuê phòng khách sạn ở Midtown để nghỉ tạm.

Ngày 3/5, Le Bar nhập viện Bellevue, sốt 40,5 độ C, nổi mẩn đỏ trên mặt và hai tay. Ba ngày sau, ông được chuyển đến Bệnh viện truyền nhiễm Willard Parker. Các bác sĩ đã xem xét chẩn đoán nhưng không thu được kết quả. Bởi Le Bar có sẹo tiêm phòng, họ loại trừ khả năng ông mắc bệnh đậu mùa. Đến ngày 10/3, ông qua đời.

Không lâu sau, nhiều bệnh nhân tại Willard Parker bắt đầu có các triệu chứng tương tự. Đầu tiên là một em bé 22 tháng tuổi đến từ Bronx, tiếp theo là nam thanh niên 27 tuổi từ Harlem. Sau đó, một bé trai gần 2 tuổi cũng mắc bệnh.

Bác sĩ cho rằng họ bị thủy đậu, song bối rối vì vết phát ban khác hẳn với căn bệnh này.

Ngày 4/4, kết quả từ Phòng thí nghiệm Trường Y tế Quân đội Mỹ cho thấy tất cả đều bị đậu mùa - căn bệnh đã không còn xuất hiện ở New York kể từ trước Thế chiến. Giới chức y tế bắt đầu truy vết tiếp xúc và kết luận Eugene Le Bar là bệnh nhân số 0.

Đậu mùa lây lan qua dịch thể khi ho, hắt hơi hoặc chạm vào vết mẩn. Phát ban xuất hiện sớm, bao phủ khắp cơ thể, sau tiến triển thành mụn mủ. Tỷ lệ tử vong là khoảng ba trên 10 bệnh nhân. Những người sống sót thường bị sẹo sâu, mù lòa hoặc cả hai.

chien dich vaccine than toc 1
Người dân New York xếp hàng tiêm phòng đậu mùa bên ngoài Bệnh viện Morrisania, ngày 14/4/1947. Ảnh: NY Times

"Trong danh sách các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đậu mùa nằm ở top 5. Nó thực sự kinh khủng, làm biến dạng hoặc giết chết bất cứ ai mắc phải", giáo sư Charles DiMaggio, Trường Y Grossman, Đại học New York, cho biết.

Nhờ một loại vaccine phát triển vào cuối những năm 1700 và tinh chế trong những thập kỷ sau đó, đậu mùa cuối cùng cũng được kiểm soát.

Năm 1947, hầu hết người dân New York đã tiêm phòng đậu mùa. Họ được thông báo sẽ có miễn dịch trọn đời. Song không điều gì chắc chắn. Trong một số trường hợp, vaccine không hiệu quả. Ở những người khác, khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian. Ông Le Bar là minh chứng cho điều đó.

Tiến sĩ Israel Weinstein, Ủy viên Y tế New York vừa nhậm chức 10 tháng trước, phải đưa ra một quyết định khó khăn. Là bác sĩ, nhà khoa học từng sống qua dịch đậu mùa năm 1900, ông biết rằng chỉ cần một người mắc bệnh, ngay cả trong cộng đồng đã tiêm chủng, đợt bùng phát sẽ rất tàn khốc.

Tiến sĩ Howard Markel, giám đốc Trung tâm Lịch sử Y học tại Đại học Michigan, cho biết: "Hãy thử tưởng tượng, trong buổi diễu hành lễ Phục sinh, tất cả mọi người chen chúc nhau trên Đại lộ số 5. Họ đều cổ vũ, cầu nguyện và có khả năng ho hoặc hắt hơi. Thế là bạn nhiễm đậu mùa. Đây là cơn ác mộng về sức khỏe cộng đồng".

Tiến sĩ Weinstein không để lãng phí thời gian. Biết rằng tiêm phòng là cách duy nhất để đối phó với virus, ông đã hành động tức khắc.

2 giờ ngày 4/4, ông tổ chức một buổi họp báo, kêu gọi tất cả người dân New York tiêm phòng ngay lập tức, dù đã tiêm khi còn nhỏ. Ông nhấn mạnh cần chủng ngừa lại phòng trường hợp một số người mất khả năng miễn dịch.

Quyết định này ẩn chứa rủi ro. Thông báo có thể tạo ra sự hoảng loạn trong cộng đồng. Bên cạnh đó, vào năm 1947, vaccine không được thử nghiệm như ngày nay. Vaccine có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là ở người bị suy yếu miễn dịch hoặc viêm da cơ địa.

Theo David Oshinsky, tiến sĩ tại NYU Langone Health, ông Weinstein đã hành động phù hợp với kiến thức khoa học đương thời. Ông thực hiện nước đi đúng đắn, đó là tiêm chủng càng nhiều người càng tốt.

"Weinstein đã làm công việc của mình tốt nhất có thể. Nguy cơ đậu mùa lây lan và gây tử vong cao hơn rất nhiều so với rủi ro viêm não hoặc dị ứng vaccine", ông nhận định.

Trong các chương trình phát thanh hàng ngày, tiến sĩ Weinstein tập trung vào một thông điệp nhất quán. Ông nhấn mạnh vaccine miễn phí, "hoàn toàn không có lý do gì để bất cứ ai nằm ngoài vòng bảo vệ". Khắp đường phố New York tràn ngập áp phích cổ động ghi rõ: "Hãy tin tưởng! Hãy an toàn! Hãy tiêm chủng!".

"Điều đầu tiên ông ấy làm là thành thật với công chúng. Ông ấy nói rằng đậu mùa đã tràn đến thành phố, có khả năng sẽ lây lan và đây là một mầm bệnh cực kỳ nguy hiểm. Ông ấy khẳng định sẽ cung cấp đủ vaccine để bảo vệ người dân New York một cách hiệu quả", tiến sĩ Oshinsky kể lại.

Song kho dược phẩm dự trữ của thành phố không đủ đáp ứng nhu cầu của 7,8 triệu cư dân.

Hợp tác ăn ý với Thị trưởng William O'Dwyer, tiến sĩ Weinstein có được 250.000 liều vaccine từ kho cung cấp y tế hải quân ở Brooklyn, đảm bảo 780.000 liều khác từ các căn cứ quân sự ở California và Missouri. Ông mua thêm 2 triệu liều từ các nhà sản xuất tư nhân và tiếp tục đặt hàng sau đó.

Ông chỉ đạo phòng thí nghiệm của mình chuyển nguồn cung số lượng lớn thành liều đơn, bắt đầu chương trình truy vết để xác định vị trí những người từng tiếp xúc ca nhiễm và tiêm vaccine cho họ.

chien dich vaccine than toc 1
Học sinh trường St. Joan of Arc Parochial ở Jackson Heights, Queens, được tiêm phòng đậu mùa, tháng 4/1947. Ảnh: NY Daily News

Quá trình triển khai rất nhanh chóng và không phức tạp. Điều này khó có thể xảy ra ngày nay.

Tiến sĩ Irwin Redlener, giám đốc Sáng kiến Ứng phó và Nguồn lực Đại dịch tại Viện Trái đất của Đại học Columbia, cho biết: "Năm 1947, thành phố có thể đơn phương hành động, thay vì phải điều phối một cách phức tạp với thống đốc New York và chính quyền liên bang. Thành phố tự quyết định kế hoạch và triển khai ngay sau đó".

Lúc đầu, công chúng có vẻ thờ ơ. Ngày chủ nhật Phục sinh ấm áp và đầy nắng, hơn một triệu người New York đến tham dự buổi diễu hành. Cuối tuần đó, chỉ 527 yêu cầu tiêm vaccine.

Song vài ngày sau, khi có tin vợ của một trong 3 bệnh nhân đầu tiên chết vì đậu mùa, tâm lý người dân và cả thời tiết đều thay đổi. Họ xếp hàng nhiều giờ bên ngoài các bệnh viện công lập và tư nhân, đồn cảnh sát trong mưa lạnh, chờ đợi được tiêm phòng.

Đối với họ, vaccine không có gì mới. Nhiều người từng là binh lính trong Thế chiến Thứ hai. Họ đã được tiêm phòng hàng loạt mầm bệnh. Hơn nữa, phong trào bài vaccine khi ấy không tồn tại.

Theo tiến sĩ Oshinsky, sau thời kỳ bệnh bại liệt, người dân nhận thức tốt hơn nhiều về ảnh hưởng của bệnh truyền nhiễm.

"Họ đã chứng kiến nó và họ biết sợ. Nhưng họ cũng lạc quan rằng khoa học, y tế có thể giải quyết điều này. Vào năm 1947, người ta có niềm tin to lớn vào cộng đồng y tế, không giống ngày nay", ông nói.

Trước ống kính truyền thông, tiến sĩ Weinstein đã tiêm chủng cho Thị trưởng O'Dwyer. Tổng thống Harry Truman cũng vào cuộc. Ông xắn tay áo nhận vaccine ngày 21/4, trong chuyến thăm New York.

"Theo ngôn ngữ ngày nay, O'Dwyer và Truman là ‘người có tầm ảnh hưởng’. Họ có thể chuyển tải thông điệp quan trọng đến những người ủng hộ. Họ đáng tin cậy", Lisa Sherman, chủ tịch Ad Council, nhóm vận động phi lợi nhuận vì vaccine Covid-19, cho biết.

Phản ứng của cộng đồng tích cực đến nối thành phố phải tuyển hàng nghìn tình nguyện viên giúp tiêm chủng. Các nhân viên y tế có lúc đã tiêm tới 8 mũi vaccine mỗi phút.

Đến giữa tháng 4, kho dự trữ thành phố gần như cạn kiệt. Thị trưởng O'Dwyer triệu tập một cuộc họp khẩn với đại diện các hãng dược, gần như đe dọa họ phải tăng cường cung ứng, nếu không muốn bị công chúng quay lưng.

Chỉ trong 48 giờ sau, 1 triệu liều vaccine nữa có mặt.

Đầu tháng 5, 10 tuần sau khi bệnh nhân số 0 Eugene Le Bar đặt chân đến New York, tiến sĩ Weinstein thông báo nguy hiểm đã qua đi.

Cuối năm đó, ông báo cáo sự kiện này trên Tạp chí Y tế Công cộng Mỹ.

"Trong khoảng chưa đầy một tháng, 6.350.000 dân New York đã được chủng ngừa. Chưa bao giờ có nhiều người trong một thành phố được tiêm vaccine trong thời gian ngắn tới vậy", ông viết.

Kết quả, New York chỉ ghi nhận 12 ca nhiễm và 2 trường hợp tử vong vì đậu mùa.

Tiến sĩ Markel cho biết: "Những gì ông Weinstein làm vào năm 1947 vẫn được chúng tôi nghiên cứu và tham khảo. Thật khó tin là họ phát triển hậu cần, cung cấp vaccine, thiết lập không gian đủ lớn để mọi người xếp hàng, bổ sung nhân lực trong thời gian ngắn. Đó là nhờ công của Weinstein".

chien dich vaccine than toc 1
Tiến sĩ Israel Weinstein tiêm phòng cho một nhân viên của mình, tháng 4/1947. Ảnh: NY Times

Tiến sĩ DiMaggio nhận định đây là thành tựu y tế đáng chú ý, "một chiến thắng về sức khỏe cộng đồng".

Tiến sĩ Weinstein từ chức vào tháng 11/1947, 7 tháng sau những đóng góp của mình. Ông để lại một bản thảo kế hoạch ngăn ngừa căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Song giờ đây, trong đại dịch Covid-19, New York phải đối mặt với trở ngại về hậu cần. Các chuyên gia chỉ ra lỗ hổng hạ tầng y tế công cộng trên toàn quốc. Họ tin rằng thách thức lớn nhất không phải phân phối vaccine, mà là sự thiếu niềm tin của công chúng với chính phủ, khoa học và truyền thông.

Tiến sĩ Irwin Redlener nói: "Chúng ta đã học được rằng chính trị có thể làm tổn hại đến những sáng kiến y tế công cộng, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng. Sự trung thực và thông điệp thẳng thắn, rõ ràng là điều vô cùng cần thiết".

Năm 1947, tiến sĩ Weinstein chỉ sử dụng tiếng nói của mình thông qua đài phát thanh. Song thông điệp của ông được mọi người lắng nghe và tin tưởng.

"Hồi đó, truyền thông đơn giản hơn nhiều. Trong bối cảnh ngày nay, truyền thông có tính phân mảnh cao. Chúng ta tin vào những người có tầm ảnh hưởng nhỏ, cho đó là tiếng nói đáng tin cậy", bà Sherman nhận định.

Ngay cả khi New York đã bắt đầu triển khai tiêm phòng Covid-19 cho nhóm ưu tiên, các chuyên gia vẫn chưa chắc liệu thành phố có thể tiến gần đến thành công đạt được cách đây 73 năm hay không.

Tiến sĩ Redlener tin rằng New York sẽ gặp nhiều thử thách. Ông nói: "Gần như chắc chắn chúng ta khó có thể làm điều gì đó nhanh chóng và hiệu quả như vậy".

VnExpress (Theo NY Times)