• Các nhà chế biến thủy hải sản lớn nhất Vương quốc Anh đe dọa ngừng thu mua cá ở đông bắc Đại Tây Dương nếu tình trạng đánh bắt quá mức vẫn tiếp diễn.

    Quyết định này được đưa ra nhằm khiến Vương quốc Anh và các nước trong Liên minh châu Âu EU đi tới nhất trí về cách quản lý quần thể cá trong tháng này.

    Đánh bắt quá mức

    Các nhà chế biến hải sản hàng đầu Vương quốc Anh đang kêu gọi chính quyền có những hành động khẩn cấp để quản lý bền vững hơn các quần thể cá trích, cá thu và cá tuyết xanh. The Young's Seafood, Tesco, Co-op, Princes, Aldi, Asda, Waitrose, Marks & Spencer cùng các nhà bán lẻ và các nhà cung cấp khác hợp tác với nhau để đưa ra lời kêu gọi hành động này. 

    Trong một số năm nay, hoạt động đánh bắt cá của các nhà nước ở khu vực Đông Bắc Đại Tây Dương không hề tuân thủ các giới hạn đánh bắt theo kiến nghị của các nhà khoa học. Sau nhiều năm trôi qua, điều này đã dẫn đến một loạt sự suy giảm số lượng quần thể của những sinh vật này. Kể từ năm 2015, số lượng cá đánh bắt vượt quá giới hạn cho phép tới hơn 4,8 triệu tấn.

    Sự cố này khiến nhiều công ty đánh cá mất chứng nhận bền vững từ Hội đồng Quản lý Hàng hải (Marine Stewardship Council).

    Theo Young's Seafood, tỷ lệ đánh bắt giữa các quốc gia ven biển như Na Uy, Iceland, Nga và Quần đảo Faroe đang khiến số lượng của các quần thể cá có giá trị bị đe dọa, buộc một số doanh nghiệp bắt đầu phải lên tiếng vì vấn đề này.

    danh bat ca qua muc
    Đánh bắt quá mức là một vấn đề trên toàn EU. Ảnh minh họa: DW.

    Tổng số lần bắt được cấp phép

    Các quốc gia đánh bắt cá sẽ tham gia vào một cuộc họp ở London trong tuần này, để đi đến một thỏa thuận về quản lý nguồn cung chung đối với cá trích, cá thu và cá tuyết xanh. 

    Những hãng chế biến thủy sản hàng đầu thúc giục các quốc gia không nên tập trung vào lợi ích bản thân mà hãy đồng lòng về giải pháp phát triển bền vững. "Cần có một cách tiếp cận khoa học và áp dụng các kế hoạch quản lý dài hạn để giải quyết cuộc khủng hoảng sụt giảm số lượng cá đang ngày càng tăng", lời kêu gọi nhấn mạnh.

    Trong một tuyên bố, Công ty Young's Seafood cho biết: "Young's Seafood tin rằng việc đơn phương thiết lập tỷ lệ phần trăm hạn ngạch đánh bắt gây ra rủi ro không thể chấp nhận được đối với ngành đánh bắt cá nói chung. Công ty cho rằng các quốc gia ven biển liên quan đến nghề cá này nên ủng hộ việc đảm bảo một thỏa thuận về tổng sản lượng đánh bắt cho phép theo tư vấn của Hội đồng Quốc tế về Khai thác Biển [International Council for the Exploration of the Sea - ICES] và phấn đấu đạt được một thỏa thuận quản lý dài hạn dựa trên cơ sở khoa học”.

    Young là thành viên sáng lập của Nhóm vận động cá thu Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Pelagic Advocacy Group  - Napa), một nhóm quan hệ đối tác gồm 50 nhà bán lẻ và nhà cung cấp với sức mua tổng hợp gần 250 tỷ euro (210 tỷ bảng Anh), được thành lập sau khi chứng nhận Marine Stewardship Council cho cá thu bị thu hồi vào năm 2019.

    Khủng hoảng khí hậu và sự phân bố của quần thể cá

    Trong năm nay, ở Đông Bắc Đại Tây Dương, hạn ngạch đối với cá thu tăng thêm 41%, hạn ngạch của cá trích Atlanto-Scandian tăng thêm 35% và hạn ngạch của cá tuyết xanh tăng thêm 25%, cao hơn mức giới hạn khoa học khuyến cáo.

    Tiến sĩ Tom Pickerell, một nhà sinh vật biển của Nhóm vận động cá thu Bắc Đại Tây Dương Napa, cho biết: “Chúng ta đang đánh bắt quá nhiều mỗi năm. Chúng ta vẫn chưa đạt đến điểm mà bị gọi là đánh bắt quá mức, nhưng chúng ta sẽ sớm tiến tới ngưỡng đó nếu không có gì thay đổi".

    Vấn đề biến đổi khí hậu gây ra sự điều chỉnh trong phân bố số lượng quần thể cá, và mỗi chính phủ đã đơn phương áp đặt hạn ngạch đánh bắt riêng để bảo vệ lợi ích của chính mình.

    Rupert Howes, Giám đốc điều hành của Hội đồng Quản lý Hàng hải MSC cho biết: “Vấn đề đáng báo động nhất là trữ lượng cá đang giảm sút. Kết quả là các công ty chế biến hải sản bị tước chứng nhận MSC. Thị trường ngày càng bày tỏ quan điểm rằng vấn đề này phải được xử lý".

    Nông Nghiệp (theo NatureWorldNews)

  • Chính phủ Pháp tiếp tục cảnh báo chính quyền Anh và đảo Jersey do Anh quản lý sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt từ Pháp và Liên minh châu Âu (EU) nếu không cấp đủ giấy phép đánh bắt cá theo yêu cầu cho ngư dân Pháp trước ngày 30/10 tới.

    Hội đồng Bộ trưởng Pháp đã đề xuất 4 kịch bản trả đũa nếu nước Anh và đảo Jersey không cấp đủ giấy phép đánh cá cho ngư dân Pháp trong vòng 10 ngày tới.

    Sau thời hạn trên, kể từ ngày 1/11, các tàu cá của Anh sẽ bị hạn chế đi vào các cảng biển của Pháp. Trên đường bộ, Pháp cũng sẽ gia tăng các biện pháp bảo hộ, tăng thuế quan đối với hàng hoá của Anh xuất khẩu vào thị trường Pháp và châu Âu qua đường hầm dưới eo biển Manche.

    Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực tài chính và nghiên cứu cũng sẽ được xem xét. Đối với đảo Jersey do Anh quản lý, Pháp sẽ giảm sản lượng điện cung cấp, đồng thời tăng giá điện bán cho hòn đảo này.

    Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal tiếp tục đưa ra chì trích nhắm tới Chính phủ Anh: “Chính sách mà Chính phủ Anh thực hiện là không thể chấp nhận được bởi chúng không tôn trọng điều khoản đã ký trong khuôn khổ thoả thuận hậu Brexit. Trong khi đó, Pháp luôn nỗ lực, đáp ứng và chấp nhận các yêu cầu được đưa ra”.

    phap va anh tranh chap danh bat ca
    Các tàu các Pháp mất quyền tiếp cận một số vùng biển tập trung phản đối ở ngoài khơi đảo Jersey thuộc eo biển Manche hồi tháng 5. (Nguồn: AP)

    Vấn đề đánh bắt cá tại các vùng biển của Anh là một trong những hồ sơ nhạy cảm, gây căng thẳng và tốn nhiều công sức nhất của cả Anh và EU trong quá trình đàm phán thoả thuận hậu Brexit.

    Từ nhiều tháng qua, một số nước EU, đặc biệt là Pháp, liên tiếp chỉ trích Anh đã vi phạm điều khoản về nghề cá trong thỏa thuận Brexit, khi mới chỉ cấp khoảng 200 giấy phép, trong khi con số đề nghị từ phía các ngư dân Pháp là 430 đơn.

    Pháp cho biết, sẽ vận động Uỷ ban châu Âu (EC) ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà nước này đề xuất. Tuy vậy, nhiều quan chức trong chính phủ Pháp thừa nhận, cần cân nhắc mức độ trả đũa phù hợp nhằm tránh làm tổn thương hơn nữa mối quan hệ giữa Anh và EU vốn đã xấu đi nhiều kể từ sau Brexit.

    Trước đó (ngày 13/10), trong một động thái hạ nhiệt, Ủy ban châu Âu thông báo sẽ nới lỏng phần lớn việc kiểm tra hàng hóa từ Anh đến tỉnh Bắc Ailen, nhưng cũng cho biết đã chuẩn bị kịch bản tồi tệ nhất là Anh hủy bỏ điều khoản Bắc Ailen trong thỏa thuận Brexit./.

    Theo VOV

  • Anh ngày 28.10 đã triệu tập đại sứ Pháp tại London sau khi Pháp bắt giữ tàu cá Anh với cáo buộc đánh bắt trái phép, giữa lúc hai bên có tranh cãi về quyền đánh bắt ở eo biển Manche.

    cang thang nghe ca anh phap 1
    Tàu cá Anh Cornelis Gert Jan bị giới chức Pháp đưa về cảng của thành phố Le Havre, ngày 27.10, sau khi tàu bị bắt giữ với cáo buộc đánh bắt trái phép. Ảnh: REUTERS

    “Tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng Phụ trách châu Âu Wendy Morton triệu tập đại sứ Pháp ở Anh cho cuộc đối thoại vào ngày mai (29.10) để giải thích về những mối đe dọa bất cân đối và gây thất vọng đối với Anh và eo biển Manche” Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho hay hôm 28.10 (giờ Anh), theo Đài DW.

    Hôm 27.10, giới chức Pháp bắt giữ một tàu cá Anh, Cornelis Gert Jan, cùng thủy thủ đoàn với cáo buộc họ đánh bắt trái phép trong vùng biển của Pháp. Bộ trưởng Hàng hải Pháp Annick Girardin mô tả tình hình đang diễn ra “không phải là cuộc chiến tranh mà là một cuộc đấu tranh”.

    Trong khi đó, London gọi vụ Pháp bắt giữ tàu là “gây thất vọng và bất cân đối, và không phải là điều chúng tôi kỳ vọng từ một đồng minh và đối tác gần gũi”.

    cang thang nghe ca anh phap 1
    Tàu cá Pháp hồi tháng 5 đã kéo đến “phong tỏa” cảng Saint Helier trên đảo Jersey. Ảnh: AFP

    Những động thái trên diễn ra giữa lúc căng thẳng leo thang trong cuộc tranh cãi quyết liệt về giấy phép đánh bắt do Anh, Jersey và Pháp cấp. Đảo Jersey là hòn đảo tự trị, được Anh bảo vệ, nằm cách bờ biển Pháp khoảng 22,5 km.

    Trước đó, Pháp đã cáo buộc Anh tự ý đưa ra thêm quy định, yêu cầu tàu cá Pháp phải cung cấp thông tin về khu vực đánh bắt, thời gian đánh bắt và ngư cụ để được cấp phép hoạt động tại khu vực. Điều kiện này bị cho là không nằm trong thỏa thuận giữa Anh và Liên minh châu Âu khi London chính thức rời khỏi khối hồi đầu năm.

    Pháp cũng đã đe dọa áp dụng các biện pháp trả đũa như kiểm tra vệ sinh đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu nếu Anh không thay đổi. Pháp còn tái đe dọa cắt nguồn cung cấp điện cho đảo Jersey nếu chính quyền đảo này không bớt gay gắt. Dân số Jersey chỉ khoảng 108.000 người và 95% nguồn điện nhập từ Pháp thông qua hệ thống cáp ngầm.

    Ở Brussels, một phát ngôn viên EU cho hay một cuộc đối thoại sẽ được tổ chức với sự tham dự của phía Anh và Pháp để giải quyết tranh chấp nói trên, theo AFP.

    Thanh Niên (theo AFP)

  • Tất cả cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Anh vào lúc này là hậu quả tiếp nối của sự kiện Jersey vào tháng 5/2021.

    CẢNH BÁO ĐỎ CHO JERSEY

    Jersey - hòn đảo nhỏ nằm trong eo biển Manche ngăn cách Anh và Pháp, là một vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh bao gồm hai địa hạt riêng biệt: Guernsey và Jersey. Khu vực này có các cơ quan tự quản riêng, nhưng London chịu trách nhiệm bảo vệ quân sự.

    Cách đây không lâu, ngày 8/5/2021, Jersey, đã thu hút sự chú ý lớn của toàn bộ cộng đồng quốc tế, vì cả London và Paris cùng lúc điều động hai tàu chiến đến bờ biển của nó như một lý lẽ để giải quyết một tranh chấp kinh tế (thị trường đánh cá)…

    Lý do của việc sử dụng các phương pháp "văn minh" như vậy là hệ quả trực tiếp của quá trình "ly hôn" giữa Anh và EU mà một trong những vấn đề khó khăn nhất là quyền tiếp cận của ngư dân EU tới các vùng biển thuộc quyền của Anh.

    Theo kết quả của "thỏa thuận ly hôn", để đánh bắt cá ở phần này của eo biển Anh, các tàu của Pháp được cấp phép bởi chính quyền của đảo Jersey, nhưng lần này chỉ có 41 tàu của Pháp được cấp phép. Chính quyền Jersey giải thích điều này là "giấy phép được cấp phù hợp với các quy định của Anh-EU".

    cang thang chinh tri giua Anh va Phap su kien dao Jersey 3
    Chiến hạm HMS Tamar của Hải quân Hoàng gia Anh xuất hiện ở Jersey.

    Các quy định này yêu cầu lắp đặt Hệ thống Giám sát Tàu thuyền (VMS) trên tất cả các tàu để xác nhận rằng tàu đã đánh bắt trong khu vực. Rắc rối nằm ở chỗ, thiết bị như vậy (VMS) chỉ tàu đánh cá loại lớn mới lắp đặt được, cho nên, Anh-Jersey đã loại bỏ hơn 80% tàu đánh cá loại nhỏ của ngư dân Pháp vì không có VMS.

    Rõ ràng là điều này đã gây ra sự phẫn nộ trong các ngư dân Pháp và ban lãnh đạo EU đã vô cùng ngạc nhiên vì không có thỏa thuận nào về những điều "kỳ quặc" như vậy ở phía London. Ngư dân Pháp biểu tình, Bộ trưởng Hàng hải Pháp, bà Annick Girardin tuyên bố:

    "Về phần Jersey, tôi muốn nhắc các bạn rằng hòn đảo này, 95% nguồn năng lượng được cung cấp từ Pháp bởi một đường cáp dưới biển. Tôi sẽ rất tiếc khi phải nói đến điều đó, nhưng chúng tôi sẽ làm điều đó nếu chúng tôi phải làm…"

    Đáp lại, người Anh đã gửi hai tàu chiến đến bờ biển Jersey, và người Pháp cũng chẳng vừa, điều hai chiếc tàu chiến của họ đến khu vực… như nói trên.

    Đây là cách cư xử đàm phán quen thuộc của kiểu "thực dân Đế quốc" ngày xưa cho một đối tượng chiến lược thuộc "thế giới thứ ba" khi mâu thuẫn về lợi ích không thể dung hòa. Tuy nhiên, có điều khiến chúng ta ngạc nhiên thú vị là ở đây, đối tượng cùng là "thực dân Đế quốc" với nhau: Pháp – Anh.

    Thật ra việc Anh "ly hôn" với EU cũng giống như Mỹ xé bỏ các thỏa thuận đã ký với Liên XôNga trước đây như INF, "bầu trời mở"… đều theo một nguyên tắc: "Khi không có lợi ích, lợi thế, thì xé bỏ mọi thỏa thuận", thế thôi.

    Chấp nhận rời khỏi EU, Vương quốc Anh đã chọn một con đường phát triển độc lập gây dựng lại một Đế chế Anh một thời lừng lẫy. Những tham vọng như vậy cần phải được hỗ trợ bởi lực lượng quân sự, và người Anh đã và đang làm điều này…

    Họ tăng cường sức mạnh quân sự ở nước ngoài để sẵn sàng cho việc phân chia lại thị trường, thuộc địa. Đức quốc xã đã từng trước thế chiến 2 mà châu Âu đã là nạn nhân.

    Như vậy, về mặt khách quan, Vương quốc Anh đối lập với toàn bộ EU và không có gì ngạc nhiên khi EU cũng đang tìm cách đề phòng. Và, chẳng có gì khó hiểu khi dư luận Anh cho rằng "Đừng có chọc gậy vào "gấu Nga" mà bị "tát", kẻ thù chính của chúng ta (Anh) không phải là Nga mà là EU".

    cang thang chinh tri giua Anh va Phap su kien dao Jersey 3
    Chiến hạm HMS Tamar của Hải quân Hoàng gia Anh.

    PHÁP ''NỔ SÚNG'', ANH NẾM ĐÒN ĐAU

    Sự cố Jersey chỉ đơn giản là một triệu chứng của một căn bệnh thông thường. Rất nhiều bình luận của các chuyên gia coi "sự cố Jersey" có thể dẫn đến sự sụp đổ của nước Anh và cuộc chiến châu Âu… nhưng đã 5 tháng trôi qua thì sự cố có vẻ như lắng xuống. Bỗng nhiên…

    Chỉ vài ngày sau khi các nước EU lên kế hoạch đề phòng chiến tranh thương mại với Anh, quan hệ giữa Paris và London lại căng thẳng.

    Paris kháng cáo một cách bài bản, về "vụ việc Jersey" với lý lẽ biện chứng, thuyết phục từ các giấy tờ đã ký… yêu cầu London phải giải quyết, nếu không, Anh sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt ở cấp độ châu Âu. Nhưng, London "phớt Ăngle", đã từ chối đồng ý hạn ngạch và cấp giấy phép đánh bắt hải sản cho ngư dân Pháp.

    Đến đây, sự chịu dựng của người Pháp đã cạn… Ngày 23/10/2021, Người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal thông báo rằng các nhà chức trách Pháp đang chuẩn bị một gói trừng phạt chống lại Vương quốc Anh.

    Đặc biệt chú ý là Bộ trưởng Hàng hải Pháp Annick Girardin tuyên bố ngắn gọn: "nếu bạn không mở cửa vùng biển của mình cho ngư dân của chúng tôi, chúng tôi sẽ tắt nguồn cung cấp điện qua cầu năng lượng". Chấm hết.

    Đừng có dại đùa với tuyên bố này. Để hiểu được mức độ nghiêm trọng của tuyên bố này, chúng ta cần hiểu nó nói về điều gì…

    Hiện tại, 2 bờ của eo biển Manche được nối với nhau bằng hai cây cầu điện: IFA-1 và IFA-2, với công suất lần lượt là 2.000 và 1.000 MW, được vận hành bởi liên doanh Interconnexion France - Angleterre (IFA). Vào ngày 15/9, IFA-1 bị sự cố, ngừng hoạt động, trùng với ngày Mỹ-Anh-Úc tuyên bố liên minh AUKUS.

    cang thang chinh tri giua Anh va Phap su kien dao Jersey 3
    Vũ khí năng lượng đang được Pháp sử dụng để "tấn công" Anh. Ảnh minh họa

    Ban đầu, dự kiến rằng tuyến cáp của IFA-1 chạy từ Merville-Franceville-Plage của Pháp đến Farham của Anh sẽ được sửa chữa kịp thời xong trong tháng 10, dòng chảy 2.000 megawatt sẽ hoạt động trở lại… nhưng vụ khủng hoảng AUKUS, Mỹ-Úc với sự ủng hộ của Anh, đã đâm một nhát dao và lưng người Pháp khiến cho vụ tai nạn tại cầu điện IFA-1 "trở nên nghiêm trọng"…

    IFA đã công bố IFA-1 sẽ đóng cầu dao thay vì vào tháng 10/2021 thì phải vào tháng 3/2022.

    Chính sự cố này, cùng với giá khí đốt kỷ lục, đã gây ra sự sụp đổ của hệ thống năng lượng Anh, buộc London phải đưa các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá vào để chống đỡ.

    Có thể nói đây là cú đáp trả đầu tiên vào Vương quốc Anh. Và, nếu ghép các sự kiện Jersey - AUKUS mà người Anh đã cư xử với người Pháp thì đây có lẽ là cú phản đòn rất hiểm, đầu tiên của Pháp vào Anh.

    Những sự kiện diễn ra trong những tháng gần đây đã cho thấy rõ ràng rằng nước Anh dễ bị tổn thương chính là tình trạng thiếu năng lượng và phụ thuộc vào nguồn cung cấp bên ngoài, riêng Pháp chiếm 80% trong tổng nguồn cung năng lượng điện cho Anh.

    Vì thế, đã đến lúc người Pháp hỏi người Anh trống không: hoặc là công việc cho ngư dân Pháp, hoặc đóng băng và mọi bóng đèn, đèn đường và bảng hiệu cửa hàng sẽ biến mất ở Anh.

    Diễn biến sự việc khiến chúng ta nhớ lại, mở màn cuộc chiến thế giới lần thứ 2 là Đế quốc nổ súng vào Đế quốc để giải quyết mâu thuẫn về thị trường, thuộc địa, lẫn nhau. Lịch sử liệu có lặp lại?

    Lịch sử thường lặp lại vì có nhiều kẻ không chịu học, nhưng những dự đoán về những điểm nóng mở màn cho một cuộc chiến tranh thế giới thì luôn sai, từ thế chiến I rồi đến thế chiến II vì nó thường đến trong những tình huống, khu vực, thời gian… không ai ngờ…

    Bài liên quan: Anh đã đâm sau lưng Pháp như thế nào?

    Tác giả: Chuyên gia quân sự Lê Ngọc Thống

    Theo Soha (Doanh nghiệp & Tiếp Thị)

  • Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã hủy cuộc gặp với  người đồng cấp Anh Ben Wallace, động thái phản ứng đầu tiên của Pháp với Anh sau thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân ''lén lút'' giữa Mỹ, Anh và Úc.

    Bà Parly sẽ không gặp Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace, sau khi Mỹ và Anh đạt thỏa thuận chia sẻ công nghệ giúp Úc đóng 8 tàu ngầm hạt nhân.

    Theo nguồn tin mà Reuters thu thập được, bà Party đã trực tiếp đưa ra quyết định hủy cuộc gặp song phương. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định “London không có ý định cướp hợp đồng từ tay Pháp”.

    “Khi một đồng minh thân cận như Úc ngỏ ý muốn chúng tôi giúp đóng tàu ngầm hạt nhân, dĩ nhiên chúng tôi phải cân nhắc. Tôi hiểu sự thất vọng của Pháp”, ông Wallace nói.

    Pháp coi thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân này là “cú đâm sau lưng” vì 3 quốc gia đồng minh đã giữ kín hiệp ước liên minh mới, trong đó có việc đóng tàu ngầm mà không hề thông báo trước cho Pháp. Kết quả là Úc hủy hợp đồng ước tính trị giá hơn 40 tỉ USD với Pháp về việc đóng 12 tàu ngầm diesel-điện.

    Trong cơn giận dữ cuối tuần qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ra lệnh rút đại sứ Pháp tại Mỹ và Úc về nước. Đây là lần đầu tiên Pháp phản ứng như vậy với đồng minh.

    Quan hệ căng thẳng khiến Mỹ lên tiếng thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ tìm cách liên lạc sớm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp dự kiến diễn ra trong tuần này.

    Những lời cuối của đại sứ Pháp khi kéo vali rời Australia

    Đại sứ Pháp cho biết họ cảm thấy "bị lừa" trước thông báo này. “Chúng tôi phát hiện (qua báo chí) rằng chính phủ Australia đã cố tình giữ bí mật với chúng tôi cho đến phút cuối cùng”, Đại sứ Pháp Jean-Pierre Thebault tại Australia nói với ABC hôm 20/9. “Đây không phải là thái độ nên có của Australia đối với Pháp. Và có lẽ chúng tôi không phải là bạn của nhau”.

    Thủ tướng Australia Scott Morrison vào ngày 19/9 tiết lộ chính quyền của ông từng nêu quan ngại về thỏa thuận tàu ngầm với Paris nhiều tháng trước đó. Tuy nhiên, ông Thebault cho biết không có bất kỳ tín hiệu rõ ràng nào rằng hợp đồng sẽ kết thúc.

    “Đây là một âm mưu được thực hiện trong 18 tháng”, ông nói. “Trong khi chúng tôi triển khai chương trình (tàu ngầm) mà Pháp cam kết là bí mật quân sự được giữ kín nhất của họ, chúng tôi phát hiện ra nước này còn có một dự án khác, nhờ báo chí, một giờ trước khi họ công bố”. Đại sứ Jean-Pierre Thebault cho biết Pháp “cảm thấy bị lừa”.

    thoa thuan dong tau hat nhan
    Đại sứ Pháp Jean-Pierre Thebault kéo vali đến sân bay Sydney để rời Australia về nước. Ảnh: AP.

    Pháp đã hủy cuộc họp thượng đỉnh quốc phòng Anh - Pháp để phản đối việc Anh tham gia thỏa thuận AUKUS, cáo buộc London theo "chủ nghĩa cơ hội”.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 19/9 đã cố gắng giảm bớt rạn nứt ngoại giao với Paris và nói rằng “tình yêu với nước Pháp là không thể thay đổi".

    Phát biểu trước các nhà báo khi đáp chuyến bay tới New York, Mỹ, ông Johnson khẳng định Anh và Pháp có "mối quan hệ rất thân thiện", được ông mô tả là có "tầm quan trọng to lớn".

    Trước đó, Australia đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng hạm đội tàu ngầm thông thường với Pháp, để thay bằng chương trình đóng 8 tàu ngầm công nghệ hạt nhân với Mỹ và Anh trong quan hệ đối tác an ninh 3 bên AUKUS được công bố hôm 16/9.

    Theo Zing/Dân Việt