Các hãng chế biến của Anh dọa ngừng thu mua cá từ EU

Các nhà chế biến thủy hải sản lớn nhất Vương quốc Anh đe dọa ngừng thu mua cá ở đông bắc Đại Tây Dương nếu tình trạng đánh bắt quá mức vẫn tiếp diễn.

Quyết định này được đưa ra nhằm khiến Vương quốc Anh và các nước trong Liên minh châu Âu EU đi tới nhất trí về cách quản lý quần thể cá trong tháng này.

Đánh bắt quá mức

Các nhà chế biến hải sản hàng đầu Vương quốc Anh đang kêu gọi chính quyền có những hành động khẩn cấp để quản lý bền vững hơn các quần thể cá trích, cá thu và cá tuyết xanh. The Young's Seafood, Tesco, Co-op, Princes, Aldi, Asda, Waitrose, Marks & Spencer cùng các nhà bán lẻ và các nhà cung cấp khác hợp tác với nhau để đưa ra lời kêu gọi hành động này. 

Trong một số năm nay, hoạt động đánh bắt cá của các nhà nước ở khu vực Đông Bắc Đại Tây Dương không hề tuân thủ các giới hạn đánh bắt theo kiến nghị của các nhà khoa học. Sau nhiều năm trôi qua, điều này đã dẫn đến một loạt sự suy giảm số lượng quần thể của những sinh vật này. Kể từ năm 2015, số lượng cá đánh bắt vượt quá giới hạn cho phép tới hơn 4,8 triệu tấn.

Sự cố này khiến nhiều công ty đánh cá mất chứng nhận bền vững từ Hội đồng Quản lý Hàng hải (Marine Stewardship Council).

Theo Young's Seafood, tỷ lệ đánh bắt giữa các quốc gia ven biển như Na Uy, Iceland, Nga và Quần đảo Faroe đang khiến số lượng của các quần thể cá có giá trị bị đe dọa, buộc một số doanh nghiệp bắt đầu phải lên tiếng vì vấn đề này.

danh bat ca qua muc
Đánh bắt quá mức là một vấn đề trên toàn EU. Ảnh minh họa: DW.

Tổng số lần bắt được cấp phép

Các quốc gia đánh bắt cá sẽ tham gia vào một cuộc họp ở London trong tuần này, để đi đến một thỏa thuận về quản lý nguồn cung chung đối với cá trích, cá thu và cá tuyết xanh. 

Những hãng chế biến thủy sản hàng đầu thúc giục các quốc gia không nên tập trung vào lợi ích bản thân mà hãy đồng lòng về giải pháp phát triển bền vững. "Cần có một cách tiếp cận khoa học và áp dụng các kế hoạch quản lý dài hạn để giải quyết cuộc khủng hoảng sụt giảm số lượng cá đang ngày càng tăng", lời kêu gọi nhấn mạnh.

Trong một tuyên bố, Công ty Young's Seafood cho biết: "Young's Seafood tin rằng việc đơn phương thiết lập tỷ lệ phần trăm hạn ngạch đánh bắt gây ra rủi ro không thể chấp nhận được đối với ngành đánh bắt cá nói chung. Công ty cho rằng các quốc gia ven biển liên quan đến nghề cá này nên ủng hộ việc đảm bảo một thỏa thuận về tổng sản lượng đánh bắt cho phép theo tư vấn của Hội đồng Quốc tế về Khai thác Biển [International Council for the Exploration of the Sea - ICES] và phấn đấu đạt được một thỏa thuận quản lý dài hạn dựa trên cơ sở khoa học”.

Young là thành viên sáng lập của Nhóm vận động cá thu Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Pelagic Advocacy Group  - Napa), một nhóm quan hệ đối tác gồm 50 nhà bán lẻ và nhà cung cấp với sức mua tổng hợp gần 250 tỷ euro (210 tỷ bảng Anh), được thành lập sau khi chứng nhận Marine Stewardship Council cho cá thu bị thu hồi vào năm 2019.

Khủng hoảng khí hậu và sự phân bố của quần thể cá

Trong năm nay, ở Đông Bắc Đại Tây Dương, hạn ngạch đối với cá thu tăng thêm 41%, hạn ngạch của cá trích Atlanto-Scandian tăng thêm 35% và hạn ngạch của cá tuyết xanh tăng thêm 25%, cao hơn mức giới hạn khoa học khuyến cáo.

Tiến sĩ Tom Pickerell, một nhà sinh vật biển của Nhóm vận động cá thu Bắc Đại Tây Dương Napa, cho biết: “Chúng ta đang đánh bắt quá nhiều mỗi năm. Chúng ta vẫn chưa đạt đến điểm mà bị gọi là đánh bắt quá mức, nhưng chúng ta sẽ sớm tiến tới ngưỡng đó nếu không có gì thay đổi".

Vấn đề biến đổi khí hậu gây ra sự điều chỉnh trong phân bố số lượng quần thể cá, và mỗi chính phủ đã đơn phương áp đặt hạn ngạch đánh bắt riêng để bảo vệ lợi ích của chính mình.

Rupert Howes, Giám đốc điều hành của Hội đồng Quản lý Hàng hải MSC cho biết: “Vấn đề đáng báo động nhất là trữ lượng cá đang giảm sút. Kết quả là các công ty chế biến hải sản bị tước chứng nhận MSC. Thị trường ngày càng bày tỏ quan điểm rằng vấn đề này phải được xử lý".

Nông Nghiệp (theo NatureWorldNews)