• Nước Anh hôm 19/7 đã ghi nhận ngày nóng nhất từ ​​trước đến nay, với mức nhiệt vượt quá 40 độ C. Các nhà khoa học cho biết họ sốc trước kỷ lục này.

    Cơ quan Khí tượng Anh (Met) cho biết nhiệt độ kỷ lục mới là 40,3 độ C, được ghi nhận ở Coningsby, miền Trung nước Anh. 34 địa điểm khác trên toàn quốc có nhiệt độ vượt quá kỷ lục trước đó là 38,7 độ C được ghi nhận vào năm 2019, theo Guardian.

    Nhà nghiên cứu Stephen Belcher tại Met cho biết ông không mong đợi sẽ thấy nhiệt độ như vậy ở Anh trong sự nghiệp của mình.

    “Nghiên cứu được thực hiện ở đây tại Met cho thấy Anh gần như không thể trải qua nhiệt độ 40 độ C nếu khí hậu không bị gây gián đoạn, nhưng biến đổi khí hậu do khí nhà kính đã làm cho mức nhiệt khắc nghiệt này xảy ra”, ông Belcher nói.

    nang 40 do o Anh
    Nhiệt độ trong 2 ngày 18 và 19/7 ở Anh. Ảnh: WeatherBell.

    Các nhà nghiên cứu cũng ngày càng lo ngại những đợt nắng nóng cực đoan ở châu Âu sẽ diễn ra nhanh hơn so với các mô hình nghiên cứu, dự báo cuộc khủng hoảng khí hậu ở châu Âu có thể còn tồi tệ hơn.

    “Tôi thấy thật sốc khi khí hậu đã đạt đến nhiệt độ này vào ngày hôm nay vào năm 2022, phá vỡ kỷ lục trước đó vào năm 2019”, giáo sư Peter Stott, tại Met, cho biết.

    Tiến sĩ Friederike Otto tại Đại học Hoàng gia London cho biết 40 độ C “cực kỳ khó xảy ra hoặc hầu như không thể xảy ra nếu không có sự biến đổi khí hậu do con người gây ra”.

    "Dù vẫn còn hiếm, nhưng 40 độ C hiện đã trở thành hiện thực của mùa hè ở Anh”, bà nói thêm.

    “Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy đợt nắng nóng này, cũng như đang thúc đẩy mọi đợt nắng nóng hiện nay. Phát thải khí nhà kính, từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than, khí đốt và dầu, đang làm cho các đợt nhiệt nóng hơn, kéo dài hơn và xảy ra thường xuyên hơn”, giáo sư nhấn mạnh.

    "Ngay cả với tư cách là một nhà khoa học khí hậu nghiên cứu những thứ này, điều này thật đáng sợ”, giáo sư Hannah Cloke, tại Đại học Reading, bổ sung.

    Theo Zing

  • Một nhóm người biểu tình đã đập vỡ cửa sổ trụ sở công ty truyền thông News UK - đơn vị xuất bản tờ Sun và Times tại Anh - do bức xúc về cách các tờ báo này đưa tin về nắng nóng.

    Vụ việc xảy ra sáng sớm 19/7 tại trụ sở của News UK - công ty được sở hữu bởi ông trùm truyền thông Rupert Murdoch - gần ga tàu London Bridge, thủ đô London, Anh, Guardian đưa tin.

    Những người biểu tình thuộc nhóm vận động khí hậu Extinction Rebellion đã phá vỡ các cửa kính và dán các tờ rơi có dòng chữ “Hãy nói sự thật” và “40 độ đồng nghĩa với cái chết” gần nơi các nhà báo thường đi qua.

    toa soan bao anh bi dap pha
    Các thành viên Extinction Rebellion biểu tình trước trụ sở News UK. Ảnh: Extinction Rebellion.

    “Thay vì cảnh báo độc giả về nguy cơ đang gia tăng từ nắng nóng khi tình trạng biến đổi khí hậu trầm trọng hơn, tờ Sun lựa chọn đưa hình ảnh phụ nữ mặc áo tắm, những người đi chơi ở bãi biển và trẻ con hạnh phúc bên que kem lên trang nhất”, một người phát ngôn của Extinction Rebellion nói.

    Bên cạnh đó, trang nhất của Daily Express - tờ báo được xuất bản bởi Reach, công ty đối thủ của News UK - cũng bị Extinction Rebellion chỉ trích vì dòng tít “Đây không phải dấu chấm hết của thế giới. Cứ bình tĩnh và tiếp tục…”.

    Đây không phải lần đầu tiên Extinction Rebellion tổ chức biểu tình bên ngoài trụ sở của News UK. Hồi năm 2020, họ từng ngăn các tờ báo của công ty truyền thông này - bao gồm Times và Sun - xuất bản.

    Các tờ báo sở hữu bởi gia đình Rupert Murdoch từng nhiều lần bị chỉ trích vì không xem trọng đúng mức, thậm chí là hoài nghi về vấn đề biến đổi khí hậu. Những ý kiến phản đối đến từ cả ông James Murdoch, con trai ông Rupert.

    Theo ông Caspar Hughes, một người biểu tình trong nhóm Extinction Rebellion, quyền lực của một nhóm nhỏ tờ báo cánh hữu đang gây ra tác động tiêu cực đến chính sách khí hậu của Anh.

    “Các kênh truyền thông được sở hữu bởi giới tỷ phú là trở ngại lớn nhất ngăn chính phủ, giới doanh nghiệp và xã hội phản ứng một cách hợp lý trước các cuộc khủng hoảng khí hậu và sinh thái”, ông nói.

    Theo Zing

  • Những đội quân kiến bay lên tới hàng triệu con đang gây thêm căng thẳng cho người dân Anh trong đợt nắng nóng như thiêu đốt.

    kien bay 1
    Kiến bay bám vào lớp kính của một tòa nhà. Ảnh: Mirror

    Hiện tượng được gọi là "ngày kiến bay" xuất hiện khi dịch vụ thời tiết Met Office đưa ra cảnh báo đỏ về nắng nóng gay gắt vào hôm 18 và 19/7, khi mức nhiệt có thể tăng cao tới 40°C ở nhiều thành phố và thị trấn của Vương quốc Anh.

    Ngày kiến bay là một sự kiện hàng năm, thường diễn ra vào tháng 7 hoặc tháng 8. Tiết trời nóng ẩm kích thích những côn trùng có cánh đồng loạt bay lên khỏi mặt đất để giao phối, tạo thành nhóm lớn lên tới hàng nghìn đến hàng triệu con.

    Sự kiện bầy đàn này bắt đầu khi kiến chúa chui ra khỏi tổ và bay lên không trung. Những con đực nhỏ hơn sẽ cất cánh theo và vây quanh kiến chúa. Sau khi giao phối, kiến chúa tiếp đất, rụng cánh và tìm kiếm thuộc địa mới để đẻ trứng.

    Ngày kiến bay có thể kéo dài từ hai đến ba hôm và thu hút nhiều loài săn mồi như chim, đặc biệt là mòng biển. Khung cảnh hỗn loạn còn gây ra không ít phiền toái cho người dân địa phương.

    kien bay 1
    Nắng nóng kích thích kiến bay rời tổ để giao phối. Ảnh: R A Kearton

    "Tôi phải trốn trong nhà vì có quá nhiều kiến bay bên ngoài. Tôi không thích kiến và không muốn chúng dính vào tóc của mình", tài khoản @lucymh44 chia sẻ trên Twitter.

    Ngày kiến bay có xu hướng xuất hiện sớm hơn ở khu vực thành thị. Nguyên nhân có thể là do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, khiến nhiệt độ ở các thành phố nóng hơn đáng kể so với khu vực nông thôn.

    Hầu hết số kiến này thuộc loài kiến Lasius niger, theo Hội Sinh vật học Hoàng gia Anh (RSB). Cuộc "xâm lược" hàng năm của chúng gây nhiều phiền toái nhưng lại rất giá trị đối với hệ sinh thái. Hoạt động của kiến giúp tăng lượng nước và oxy chạm tới rễ cây, thậm chí có thể cải thiện độ màu mỡ của đất và giúp kiểm soát sâu bệnh gây hại.

    Thế giới đã ấm lên khoảng 1,1 độ C kể từ khi thời đại công nghiệp bắt đầu và nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng nếu các nước không cắt giảm mạnh lượng khí thải carbon. Nhiệt độ tăng là một dấu hiệu của biến đổi khí hậu và ở Anh, mỗi năm có thêm 2.000 người chết do sóng nhiệt, theo Lo, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Bristol nói trên tờ New York Times.

    VnExpress (Theo Daily Star/Mirror)

  • Trang nhất ngày 19/7 của các tờ báo hàng đầu Anh ngập thông tin về đợt nắng nóng kỷ lục, nổi bật nhất là hình ảnh cảnh sát giúp lính canh bên ngoài Cung điện Buckingham uống nước.

     hoac gia 1

    Rất nhiều tờ báo sử dụng hình ảnh người lính trong chiếc mũ bearskin canh tại Cung điện Buckingham cho trang nhất xuất bản ngày 19/7 để minh họa tin tức về cái nóng bất thường ở Anh. Hôm 18/7, nhiệt độ ở phía tây London chạm mốc 37,4 độ C. Cao nhất trên toàn khu vực là Santon Downham, Suffolk với nhiệt độ 38,1. Nắng nóng ở Anh dự kiến tiếp diễn trong ngày 19/7.

     hoac gia 1

    Tờ Telegraph in đậm dòng chữ: "Mức cao kỷ lục, giao thông hỗn loạn, trường học đóng cửa... và thời tiết sẽ trở nên nóng hơn nữa". Một tin tức khác ở trang nhất dẫn lời bình luận của Thái tử Charles, trong đó nói rằng "những cam kết về Net Zero chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này, khi chúng ta đang chứng kiến nhiệt độ kỷ lục đáng báo động ở cả Anh và châu Âu".

     hoac gia 1

    iNews lựa chọn bản đồ nhiệt của Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Anh (Met Office) làm ảnh trên trang nhất, cùng với tuyên bố "Trái Đất đang gửi một lời cảnh báo".

     hoac gia 1

    The Sun chọn tấm ảnh chụp cận cảnh người lính canh gác đổ mồ hôi khi đội chiếc mũ bearskin. “Anh đang tan chảy”, tờ báo giật tít, với các tiêu đề phụ như "Kỷ lục 41 độ C trong ngày hôm nay".

     hoac gia 1

    Guardian tổng hợp một loạt hình ảnh người dân chịu đựng cảnh nóng như thiêu đốt từ khắp nơi như London, Cambridge hay Manchester. Tuy nhiên, dòng tiêu đề chính vẫn tập trung vào chủ đề chính trị: "(Thủ tướng Boris) Johnson bị cáo buộc 'bỏ bê' khi Anh ngập trong nắng nóng", đề cập tới việc ông vắng mặt trong các cuộc họp của Ủy ban Cobra (Rắn hổ mang) về tình trạng thời tiết cực đoan tại Anh.

     hoac gia 1

    Mirror lấy bức ảnh chụp người tắm nắng ở North Tyneside với các dòng chữ như "Ngày nóng kỷ lục như hôm nay sẽ còn tiếp diễn", cùng với dòng tóm tắt tình hình trên khắp Anh: "Trường học đóng cửa... đường ray méo mó... đường băng tan chảy".

     hoac gia 1

    Tờ The Times mở đầu với tin tức "Đường đua đảng Bảo thủ rộng mở" sau cuộc bỏ phiếu lãnh đạo mới nhất chứng kiến bà ​​Liz Truss thu hẹp khoảng cách với bà Penny Mordaunt. Tờ này cũng dẫn câu chuyện về thời tiết với tiêu đề "Sức nóng điên cuồng chặn các chuyến tàu và làm tan chảy đường băng".

     hoac gia 1

    Tờ Daily Mail cũng đề cập tới khủng hoảng nắng nóng, in hình ảnh của người lính canh cùng với Thái tử Charles, với dòng chữ ghi "Nhưng không quá nóng khi đội mũ bearskin... và Thái tử Charles thậm chí còn không cần cởi áo khoác và cà vạt".

     hoac gia 1

    Hình ảnh lính canh cần sự trợ giúp của một cảnh sát để uống nước lại một lần nữa xuất hiện trên trang nhất tờ Metro, cảnh báo "Hãy sẵn sàng cho... ngày nóng nhất từ trước tới nay", kèm dự báo nhiệt độ ở một số khu vực ngày 19/7 sẽ chạm mốc 41 độ C.

     hoac gia 1

    Tờ Financial Times cũng dùng hình ảnh người lính minh họa cho tin tức thời tiết, ghi rằng "Anh chuẩn bị cho cái nóng gay gắt hơn nữa".

    Theo Zing

  • bien doi khi 1

    Hậu quả kinh hoàng do sự biến đổi khí hậu không ngừng nghỉ dưới tác động của con người, dự kiến sẽ trở thành hiện thực vào cuối thập kỷ này và có thể khiến các thành phố lớn trên thế giới như New York, London và Paris không thể cư trú được nữa trong vòng 45 năm tới, theo một nghiên cứu mới.

    Các chuyên gia đến từ Đại học Hawaii (Mỹ) phỏng đoán, Trái đất đang trên đà tiến tới "ngày tận thế" vì sự biến đổi khí hậu do chính con người tạo ra. Cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra khi hàng trăm triệu người tị nạn vượt biên trái phép ồ ạt để tránh những hậu quả nghiêm trọng của việc tăng nhiệt độ quá mức, khiến sự sống ở nhiều khu vực trên Trái đất bị tuyệt diệt.

    Và khi đồng hồ tận thế đang điểm, với các dấu hiệu thay đổi đầu tiên dự kiến xuất hiện vào cuối thập kỷ này, nhóm nghiên cứu tuyên bố, hiện đã quá muộn để đảo ngược viễn cảnh tồi tệ và con người cần phải chuẩn bị đương đầu với một thế giới có năm lạnh nhất thậm chí sẽ ấm hơn thời điểm nóng nhất trong lịch sử tồn tại đã có của chúng ta.

    Trong thực tế, nghiên cứu mới đăng tải trên website của tạp chí Nature nhận định, ngay cả khi con người huy động mọi nguồn lực để ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động thải khí gây hiệu ứng như hiện nay, sự biến đổi khí hậu cực điểm là không thể trạnh khỏi và chỉ có thể bị trì hoãn trong một thời gian nhất định.

    bien doi khi 1
    Bản đồ mô tả thời điểm các thành phố sẽ phải hứng chịu hậu quả của sự biến đổi khí hậu khắc nghiệt trong thời gian tới nếu chúng ta không kìm giữ khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngay hôm nay. (Ảnh: suaranasionalnews.com)

    Mọi thứ sẽ vẫn xảy ra theo lộ trình và thành phố New York dự kiến sẽ bắt đầu chứng kiến nền nhiệt mới, làm thay đổi đáng kể cuộc sống của con người vào năm 2047, Los Angeles vào năm 2048 và London vào năm 2056. Tuy nhiên, nếu khí thải gây hiệu ứng nhà kính độc hại được kìm giữ ổn định như hiện nay, New York sẽ có thể tránh được các thay đổi này cho mãi tới năm 2072 và London là mãi tới năm 2088.

    Nhà sinh vật học Camilo Mora, người đứng đầu nghiên cứu, tính toán rằng, vào năm 2043, 147 thành phố, tức là hơn một nửa số thành phố được xem xét, sẽ chuyển sáng chế độ nhiệt cao hơn mức kỷ lục ghi nhận trước đó của chúng.

    Nhóm của ông Mora đã có một cách tiếp cận khác biệt những nhà khoa học khí hậu hiện nay trong nghiên cứu các con số thống kê khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi hầu hết các chuyên gia khác tập trung vào khí hậu đang ấm nóng lên nhanh chóng ở vùng cực và những ảnh hưởng tới thiên nhiên hoang dã như gấu Bắc cực hay mực nước biển, nhóm của ông Mora lại quan tâm đến những tác động đối với con người, đặc biệt là tại vùng nhiệt đới, nơi cư trú của đa phần dân số thế giới và họ ít gây ra sự biến đổi khí hậu nhất.

    Ông Mora và các cộng sự tiên đoán, "tâm chấn" của sự nóng lên toàn cầu sẽ là các vùng nhiệt đới, nơi hứng chịu hậu quả chủ yếu của những thay đổi ban đầu, với nền nhiệt độ sẽ tăng lên đang kể ở khu vực Manokwari, Indonesia vào năm 2020. Nếu việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính bị ngăn chặn ngay hôm nay, Manokwari, vùng nằm ngay trên đường xích đạo, vẫn sẽ chứng kiến sự thay đổi nhiệt độ vào năm 2025.

    Theo nhóm nghiên cứu, đến năm 2050, khoảng 1 - 5 tỉ người sẽ phải cư trú ở những vùng có khí hậu biến đổi khắc nghiệt chưa từng thấy.

    Vietnamnet (theo Daily Mail)

  • lang Fairbourne sap bien mat 1
    Ngôi làng Fairbourne đang chịu ảnh hưởng lớn do nước biển dâng.

    Ngôi làng Fairbourne, phía Bắc xứ Wales, nước Anh có thể sẽ bị xoá sổ do sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

    Bev Wilkins bán nhà ở Kenilworth, Warks để chuyển đến Fairbourne 18 năm trước. Đó là một ngôi làng nhỏ với 450 hộ dân, nằm giữa Công viên Quốc gia Snowdonia và biển Ailen.

    Khi chuyển đến vùng biển hoang vắng này, bà đã tưởng tượng ra một cuộc sống điền viên yên bình bên bãi biển hoang vắng với chú chó cưng Roxy của mình. Nhưng giờ đây ngôi làng nhỏ đang nằm mấp mé mặt nước biển.

    ‘Khi tôi chuyển đến đây, Hội đồng đã khuyến khích mọi người bằng cách không tính thuế đất. Nhưng giờ đây, giá trị căn nhà đã giảm đi một nửa và tôi cảm thấy bị mắc kẹt vì không thể chuyển về lại Kenilworth’, bà Bev nói.

    lang Fairbourne sap bien mat 1
    Bev Wilkins sống ngay sau con đê biển.

    Năm 2013, Hội đồng Gwynedd tuyên bố, họ không còn đủ khả năng để duy trì mạng lưới đê biển và kênh thoát nước. Và năm nay, khi nước lũ bắt đầu tràn vào làng Bev, giá nhà ở đây đã giảm mạnh, một phần vì sự thiếu rõ ràng trong các kế hoạch dài hạn từ Hội đồng.

    Mike Thrussell, một nhà báo về hưu nói rằng, căn nhà nơi ông đang ở cũng bị giảm 40% giá trị: ‘Chúng tôi có một cuộc họp ngay trước giáng sinh và rất nhiều người già đang hoang mang. Chúng tôi sẽ chuyển đi đâu? 99% dân làng không có khả năng để mua một ngôi nhà mới. Tôi cũng không thể’.

    Dân làng đã phải sống trong tình trạng mù mờ từ tháng 2/2014 khi mà chính quyền không có câu trả lời cho câu hỏi khi nào thì ngôi làng sẽ bị nhấn chìm – điều mà người dân muốn biết.

    ‘Tôi không thể để lại ngôi nhà cho con trai tôi. Nó chẳng có giá trị gì’, Mike - người đã sống ở Fairbourne 40 năm nói. '20 cộng đồng sống trên bờ biển xứ Wales sẽ bị ảnh hưởng và xa hơn sẽ là những ngôi làng trên khắp nước Anh’.

    lang Fairbourne sap bien mat 1
    Mike nói rằng, ông không thể mua một ngôi nhà mới để chuyển đi.

    Một báo cáo từ Ủy ban Biến đổi Khí hậu của Chính phủ Anh năm 2018 cho thấy gần 530.000 ngôi nhà có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi vấn đề nước biển dâng. Và dự kiến, tới năm 2080, có tới 1,5 triệu ngôi nhà sẽ bị ngập; 100.000 ngôi nhà trong tình trạng nguy hiểm khi bờ biển bị xói mòn.

    Tính tới hiện tại, 35 ngôi nhà ở làng Happisburgh và 18 ngồi nhà ở làng Hemsby đã biến mất.

    ‘Chúng tôi không muốn trở thành chuột bạch cho phần còn lại của đất nước’, Stuart Eves, 70 tuổi, trưởng làng Fairbourne nói. Stuart Eves rời Buckinghamshire 40 năm trước để tới Fairbourne điều hành một bãi xe tải. ‘Thật buồn. Đối với nhiều người, ngôi nhà là thứ duy nhất họ có thể để lại cho con cháu sau một đời làm việc vất vả’.

    Cư dân ở Fairbourne được coi là những người tị nạn đầu tiên do biến đổi khí hậu ở Vương quốc Anh. Nhưng Stuart không đồng tình với quan điểm đó, ông nói rằng, các chính trị gia cần tìm giải pháp tháo gỡ. ‘Hội đồng có thể mua lại các trang trại lớn đang được bán trên thị trường. Họ có thể điều hành chúng như những khu cắm trại cho tới khi các cộng đồng ven biển được sơ tán và sử dụng số tiền lãi để xây dựng những ngôi làng mới’.

    Nhưng sau tất cả, Stuart không hối tiếc. Ông nói: ‘Hầu hết chúng tôi vẫn phải tiếp tục làm việc. Dù sao, chúng tôi cũng thấy mình may mắn khi đã từng được sống ở một nơi như thế này’.

    lang Fairbourne sap bien mat 1
    Đê chắn sóng ở ngôi làng Fairbourne.

    Theo Vietnamnet