Kiến bay trỗi dậy ở Anh trong nắng nóng 40°C

Những đội quân kiến bay lên tới hàng triệu con đang gây thêm căng thẳng cho người dân Anh trong đợt nắng nóng như thiêu đốt.

kien bay 1
Kiến bay bám vào lớp kính của một tòa nhà. Ảnh: Mirror

Hiện tượng được gọi là "ngày kiến bay" xuất hiện khi dịch vụ thời tiết Met Office đưa ra cảnh báo đỏ về nắng nóng gay gắt vào hôm 18 và 19/7, khi mức nhiệt có thể tăng cao tới 40°C ở nhiều thành phố và thị trấn của Vương quốc Anh.

Ngày kiến bay là một sự kiện hàng năm, thường diễn ra vào tháng 7 hoặc tháng 8. Tiết trời nóng ẩm kích thích những côn trùng có cánh đồng loạt bay lên khỏi mặt đất để giao phối, tạo thành nhóm lớn lên tới hàng nghìn đến hàng triệu con.

Sự kiện bầy đàn này bắt đầu khi kiến chúa chui ra khỏi tổ và bay lên không trung. Những con đực nhỏ hơn sẽ cất cánh theo và vây quanh kiến chúa. Sau khi giao phối, kiến chúa tiếp đất, rụng cánh và tìm kiếm thuộc địa mới để đẻ trứng.

Ngày kiến bay có thể kéo dài từ hai đến ba hôm và thu hút nhiều loài săn mồi như chim, đặc biệt là mòng biển. Khung cảnh hỗn loạn còn gây ra không ít phiền toái cho người dân địa phương.

kien bay 1
Nắng nóng kích thích kiến bay rời tổ để giao phối. Ảnh: R A Kearton

"Tôi phải trốn trong nhà vì có quá nhiều kiến bay bên ngoài. Tôi không thích kiến và không muốn chúng dính vào tóc của mình", tài khoản @lucymh44 chia sẻ trên Twitter.

Ngày kiến bay có xu hướng xuất hiện sớm hơn ở khu vực thành thị. Nguyên nhân có thể là do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, khiến nhiệt độ ở các thành phố nóng hơn đáng kể so với khu vực nông thôn.

Hầu hết số kiến này thuộc loài kiến Lasius niger, theo Hội Sinh vật học Hoàng gia Anh (RSB). Cuộc "xâm lược" hàng năm của chúng gây nhiều phiền toái nhưng lại rất giá trị đối với hệ sinh thái. Hoạt động của kiến giúp tăng lượng nước và oxy chạm tới rễ cây, thậm chí có thể cải thiện độ màu mỡ của đất và giúp kiểm soát sâu bệnh gây hại.

Thế giới đã ấm lên khoảng 1,1 độ C kể từ khi thời đại công nghiệp bắt đầu và nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng nếu các nước không cắt giảm mạnh lượng khí thải carbon. Nhiệt độ tăng là một dấu hiệu của biến đổi khí hậu và ở Anh, mỗi năm có thêm 2.000 người chết do sóng nhiệt, theo Lo, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Bristol nói trên tờ New York Times.

VnExpress (Theo Daily Star/Mirror)