• Quốc gia có thể trở thành nơi con người không thể sinh sống vào cuối thế kỷ này, nếu mực nước biển dâng khoảng 18-59 cm.

    Quốc đảo Maldives nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp và khung cảnh ấm áp. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Ngoại giao Abdulla Shahid, quốc gia nhỏ nhất châu Á đang đối mặt với nguy cơ chìm hoàn toàn dưới sóng biển vì tác động của biến đổi khí hậu.

    Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, vào năm 2050, 80% dân số trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Đồng thời, các nhà khoa học dự đoán mực nước biển có thể tăng thêm 1,1m vào năm 2100. Nếu những dự đoán này thành hiện thực, toàn bộ quốc đảo nổi tiếng này sẽ bị nhấn chìm.

    Maldives chim dan 1
    Quốc đảo Maldives. Ảnh: The Hindu Business Line

    Là một quần đảo gồm các hòn đảo và đảo san hô nằm ở vùng trũng thấp, nhiều khu vực của Maldives đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao. Nhiều nghiên cứu và dự đoán cho thấy phần lớn quốc gia sẽ không thể ở được trong thế kỷ XXI.

    Một triệu năm trước khi loài khủng long biến mất, mảng kiến tạo Ấn Độ trôi dạt về phía Bắc, tạo thành một vết nứt trên lớp vỏ Trái đất, từ đó hình thành các đỉnh núi lửa. Theo thời gian, các đỉnh núi bị xói mòn để tạo thành các đảo san hô của Maldives.

    Toàn bộ diện tích đất liền của quốc gia này chỉ là 298km2 nằm trong 90.649km2 đại dương, với rất ít hòn đảo lớn hơn 1,2km2. Đất và biển đan xen với nhau là chất liệu tạo nên bản sắc của Maldives, nhưng kết cấu này có tính lưu động cao. Bản thân các hòn đảo có tính chất phù du: bãi cát ở ngay trên nền san hô, chúng phát triển và co lại, trồi lên và sụt xuống tùy thuộc vào dòng hải lưu và trầm tích cát.

    Bộ trưởng Bộ Môi trường Biến đổi khí hậu và Công nghệ Maldives, Aminath Shauna, cho biết hiện 90% hòn đảo tại nước này ghi nhận những báo cáo về lũ lụt, 97% bờ biển bị xói mòn và 64% bị xói mòn hàng loạt.

    Maldives chim dan 1
    Toàn bộ diện tích đất liền của quốc gia này chỉ là 298km2 nằm trong 90.649km2 đại dương, với rất ít hòn đảo lớn hơn 1,2km2.

    Hầu hết các hòn đảo, bao gồm cả Thủ đô Malé đều chỉ cao khoảng 160cm so với mực nước biển. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cảnh báo, Maldives có thể trở thành nơi con người không thể sinh sống vào cuối thế kỷ này, nếu mực nước biển dâng khoảng 18-59cm.

    Vào năm 2020, một nghiên cứu kéo dài ba năm tại Đại học Plymouth (Anh) đã phát hiện rằng khi thủy triều di chuyển trầm tích để tạo ra độ cao cao hơn, các đảo Maldives không có người ở có thể thích nghi hơn với mực nước biển dâng cao và giữ cho một số đảo ở trong tình trạng có thể sinh sống được.

    Cách Maldives “vùng vẫy” để tự cứu chính mình

    Giờ đây, khi tốc độ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, quốc gia nhỏ bé này đang cố gắng “câu giờ” với hy vọng rằng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ giảm lượng khí thải carbon trước khi Maldives không thể tránh khỏi sự sụp đổ.

    Quần đảo này đã đánh cược tương lai của mình - cùng với một khoản tiền đáng kể từ ngân sách quốc gia vào việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo trên cao có thể là nơi sinh sống của phần lớn dân số gần 555.000 người. Trong khi đó, một công ty thiết kế của Hà Lan có kế hoạch xây dựng 5.000 ngôi nhà nổi trên đầm lầy để sinh sống.

    Đây có vẻ là những biện pháp cực đoan, nhưng thực sự Maldives không còn nhiều thời gian. Như Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih đã nói với các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc vào mùa thu năm 2021 ở Scotland: “Sự khác biệt giữa 1,5 độ và 2 độ C là bản án tử hình đối với Maldives”.

    Cách đây hơn một thập kỷ, khi mới nhậm chức, cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed từng cho rằng, người dân nước này có thể trở thành những "người tị nạn môi trường" đầu tiên trên thế giới, khi phải chuyển đến sinh sống ở một quốc gia khác, trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

    Thành phố nhân tạo đang được gấp rút xây dựng mang tên Hulhumalé, mang nghĩa là "Hy vọng" trong tiếng địa phương. Nó có độ cao gần 2m so với mực nước biển.

    Maldives chim dan 1
    Quần đảo đang gấp rút xây dựng Thành phố nhân tạo mang tên Hulhumalé

    Hòn đảo nhân tạo được tạo ra từ cát được bơm từ đáy biển. Cư dân từ khắp Maldives đang dần được di dời đến các tòa nhà cao tầng để thoát khỏi tình trạng nước biển dâng cao. Hòn đảo sinh đôi thứ hai cũng đang được xây dựng tương tự.

    “Hai phần ba dân số có thể sinh sống trên hai hòn đảo chính này”, Ismail Shan Rasheed, chiến lược gia quy hoạch tại Tập đoàn Phát triển Hulhumale cho biết.

    Theo nhiều cách, Hulhumalé là một đô thị giống như trong các tựa game như SimCity. Nó có đầy đủ công viên và căn hộ, nhà thờ Hồi giáo và cửa hàng, sân trượt băng và vỉa hè, trường học và đường xá, tất cả đều đã được xây dựng ở nơi giống như một thị trấn ven biển ngăn nắp được nối với thủ đô Malé vào năm 2018 bằng một cây cầu dài hàng dặm.

    Theo Ngân hàng Thế giới (WB), du lịch chiếm gần 30% nền kinh tế Maldives. Với 80% diện tích của Maldives cao hơn mực nước biển chưa tới 1m, các bức tường chắn biển có thể giữ các đảo khỏi sóng và gió, tuy nhiên không thể bảo đảm chúng có thể duy trì sức hút đối với du khách quốc tế như trước đây.

    Theo nguoiquansat

  • Năm 2023 là năm nóng kỷ lục thứ hai ở Anh, Cơ quan Khí tượng Anh (Met Office) cho biết trong dữ liệu tạm thời được công bố hôm 2/1.

    Nhiệt độ trung bình là 9,97°C trên khắp Vương quốc Anh vào năm 2023, chỉ đứng sau năm 2022, năm có nhiệt độ trung bình là 10,03°C. Cả xứ Wales và Bắc Ireland đều có những năm ấm áp nhất được ghi nhận.

    Nhà khoa học cấp cao của Met Office Mike Kendon cho biết: "Các quan sát về khí hậu ở Anh rất rõ ràng. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến các kỷ lục nhiệt độ của Anh trong thời gian dài".

    2023 nong ky luc
    (Ảnh: Sky News)

    Ông nói thêm: "Trong khi khí hậu nước ta vẫn thay đổi, với những giai đoạn thời tiết lạnh và ẩm ướt, những gì chúng ta quan sát được trong vài thập kỷ gần đây cho thấy, số lượng kỷ lục nhiệt độ cao đang tăng lên.

    Chúng tôi tin rằng hình thái thời tiết này sẽ tiếp tục diễn ra, khi khí hậu ở Anh tiếp tục thay đổi trong những năm tới liên quan tới biến đổi khí hậu do con người gây ra".

    Tại Anh, 8 trong số 12 tháng trong năm 2023 nóng hơn mức trung bình và tháng 6 trong cùng năm cũng là tháng nóng kỷ lục.

    Ngoài việc ấm hơn nhiều so với mức trung bình, năm 2023 còn ẩm ướt hơn mức thông thường ở hầu hết các khu vực tại Anh, ngoại trừ miền Tây Scotland.

    Khi bầu không khí tiếp tục ấm lên, người Anh có thể sẽ có mùa đông ấm hơn và ẩm ướt hơn, cũng như mùa hè nóng và khô hơn.

    Thời tiết giông bão bất ổn trong tuần qua là do hệ thống áp thấp, cuối tuần sẽ nhường chỗ cho áp suất cao hơn, mang đến kiểu thời tiết lạnh và khô hơn.

    Trên góc độ toàn cầu, năm 2023 được coi là năm nóng nhất hành tinh trong 125.000 năm, theo số liệu tạm thời do Tổ chức Khí tượng Thế giới thuộc Liên hợp quốc công bố vào tháng 11/2023.

    Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus trước đây cho biết, nóng trên toàn cầu là do biến đổi khí hậu và hình thái thời tiết El Nino có tác động gây nóng hơn đến thời tiết trên thế giới.

    Theo VTV

  • National Trust kêu gọi Chính phủ Anh hành động để bảo vệ hàng trăm danh thắng lịch sử, các tòa nhà, sông ngòi, vùng nông thôn và nhiều bờ biển của nước này đang bị đe dọa bởi rủi ro khí hậu.

    bien doi khi hau 1
    Hơn 2 triệu bảng Anh đã được chi để sửa chữa hai đê chắn sóng ở cảng Mullion Cove ở Cornwall. (Ảnh: Yahoo News)

    National Trust - Quỹ Từ thiện Bảo tồn Thiên thiên nhiên của Anh, cảnh báo rằng biến đổi khí hậu đang gây ra mối đe dọa đáng kể đối với hơn các di tích lịch sử, các tòa nhà, bờ biển, sông ngòi và vùng nông thôn của Xứ sở Sương mù.

    Trong một báo cáo, Tổ chức từ thiện bảo tồn thiên nhiên lớn nhất châu Âu này cho biết nước Anh đang phải gánh chịu hậu quả trực tiếp từ các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng thường xuyên hơn như hạn hán, mưa lớn và cháy rừng.

    National Trust đã lập "bản đồ nguy hiểm" để giúp xác định rủi ro đối với các địa điểm bị tác động của biến đổi khí hậu theo "kịch bản trường hợp xấu nhất."

    Khi “bản đồ nguy hiểm” được lập vào năm 2021, người ta ước tính rằng số lượng các địa điểm phải đối mặt với mối đe dọa ở mức độ cao, từ các vấn đề như xói mòn bờ biển, nắng nóng cực độ và lũ lụt, có thể tăng từ 5% lên 17% trong 40 năm tới.

    Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất được công bố ngày 20/11, National Trust ước tính rằng có tới 71% những khu vực mà quỹ này bảo vệ có nguy cơ gặp nguy hiểm về khí hậu ở mức trung bình hoặc cao vào năm 2060.

    Hiện, Quỹ Từ thiện Bảo tồn Thiên nhiên của Anh đang bảo vệ tới 250.000ha đất, hơn 1.255km đường bờ biển cùng 220 vườn hoa và các công viên. Trong số này, có 28.500 tòa nhà lịch sử, 250.000ha đất và 780 dặm bờ biển bị đe dọa.

    bien doi khi hau 1
    Lũ lụt tại Công viên Charlecote ở Warwickshire đe dọa tòa nhà lớn được xây dựng từ thế kỷ 16. (Ảnh: PA)

    Chỉ riêng hai cơn bão Babet và Ciaran đổ bộ vào nước Anh vào tháng 10 và đầu tháng 11, với lượng mưa như trút, đã khiến nhiều danh lam thắng cảnh của nước này bị tàn phá.

    Việc chi hàng triệu bảng Anh để sửa chữa và bảo vệ một số địa điểm là lựa chọn khó khăn của National Trust bởi kinh phí quá lớn và liên tục mà không mấy khả quan.

    National Trust đã chi hơn 2 triệu bảng để gia cố hai đê chắn sóng tại bến cảng Mullion Cove ở Cornwall; đầu tư 3,3 triệu bảng để đảm bảm mái nhà và máng xối của biệt thự Tudor Coughton Court ở hạt Warwickshire có thể chống đỡ với lượng mưa lớn.

    Một trong những địa danh nổi tiếng của nước Anh là Pháo đài Dinas Dinlle ở xứ Wales đang có nguy cơ rơi xuống biển. Pháo đài bí ẩn này, được cho là có từ thời đồ sắt, xây dựng từ năm 800 trước Công nguyên, nằm trên một vách đá ven biển đang từ từ sụp đổ bởi sự xâm thực.

    Lượng mưa lớn trong những năm gần đây đã cuốn trôi các thành lũy ở phía Tây pháo đài ra biển. Trước khi pháo đài hoàn toàn biến mất, các chuyên gia hiện đã nỗ lực làm việc nhằm lưu giữ lại hình ảnh của pháo đài bằng mô hình kỹ thuật số 3D.

    bien doi khi hau 1
    Pháo đài Dinas Dinlle trên bờ biển xứ Wales sắp biến mất. (Ảnh: Cherish)

    Giám đốc Tài nguyên Thiên nhiên của National Trust, ông Patrick Begg nhấn mạnh rằng điều này đòi hỏi cần chú ý khẩn cấp. Ông cũng kêu gọi các đối tác và các chính quyền địa phương trên khắp cả nước sát cánh cùng National Trust, đồng thời nỗ lực hành động mạnh hơn nữa để ứng phó với các thách thức hiện nay.

    Ông Begg kêu gọi cần bảo vệ hàng trăm danh thắng lịch sử, các tòa nhà, sông ngòi, vùng nông thôn và một số bờ biển được yêu thích nhất cả nước; nhấn mạnh rằng đây là nghĩa vụ nghiêm túc và việc thích ứng với biến đổi khí hậu là điều cần thiết.

    National Trust đã công bố một báo cáo, trong đó nêu rõ công việc mà tổ chức này đang thực hiện để thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Một số kế hoạch của Quỹ bao gồm làm việc với các chủ đất để tìm cách khôi phục vùng đất than bùn, trồng cây, hoặc uốn khúc lại các dòng sông nhằm làm giảm tốc độ dòng chảy của nước từ các sườn đồi. Các vườn hoa trong tương lai cũng sẽ được làm mái che để thích ứng với các hình thái thời tiết thay đổi.

    National Trust cũng khuyến nghị ban hành đạo luật có khả năng phục hồi trước tác động của khí hậu. Theo tổ chức này, đạo luật đó có thể tạo ra các mục tiêu quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đặt ra nghĩa vụ bắt buộc đối với các cơ quan công quyền để đặt khía cạnh thích ứng làm yếu tố then chốt trong việc ra quyết định.

    National Trust cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ nhiệm vào Văn phòng Nội các một bộ trưởng chuyên phụ trách về thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Theo Vietnamplus

  • Một ngôi làng từng được xem là 'thiên đường' cho đến khi biến đổi khí hậu thay đổi tất cả.

    Giống như gần 700 cư dân khác đến với ngôi làng Fairbourne, ông Stuart Eves, 26 năm về trước, đã lựa chọn ngôi làng ven biển ở phía bắc xứ Wales này là nơi sinh sống lý tưởng. Ông say mê nhịp sống yên bình, chậm rãi nơi làng quê nhỏ bé nép mình giữa những ngọn núi hiểm trở và bờ biển Ailen.

    lang Fairbourne wales 1
    Ngôi làng Fairbourne ở hạt Gwynedd, xứ Waleskhi nhìn từ trên cao. Ảnh: AP

    Ông Eves, 72 tuổi, người đã dành một khoảng thời gian dài sống tại ngôi làng ven biển này chia sẻ: “Fairbourne có biển, có núi, đây chính là một thiên đường dưới mặt đất”.

    Biến cố với ngôi làng Fairbourne

    Mọi thứ đều yên bình cho đến năm 2014, khi các nhà chức trách xác định, Fairbourne chính là cộng đồng ven biển đầu tiên ở Anh có nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao, hệ quả từ biến đổi khí hậu.

    Dự đoán mực nước biển dâng cao nhanh hơn cùng cơn bão cực đoan và thường xuyên hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu, chính phủ cho biết, chỉ có thể bảo vệ ngôi làng trong 40 năm nữa. Đến năm 2054, việc sống ở làng Fairbourne sẽ không còn an toàn và ổn định nữa.

    lang Fairbourne wales 1
    Mực nước biển trong tương lai sẽ có thể nhấn chìm ngôi làng. Ảnh: AP

    Các nhà chức trách xứ Wales đã thông báo với dân làng về quá trình được gọi là “tái tổ chức có quản lý” - thực chất là để di dời họ ra khỏi khu vực nguy hiểm và bỏ mặc ngôi làng cho nước biển xâm lấn.

    Chỉ sau một đêm, giá nhà ở làng Fairbourne rơi khủng khiếp. Cư dân nơi đây được mệnh danh là “những người tị nạn khí hậu” đầu tiên của Vương quốc Anh. Nhiều người đã bị sốc và tức giận khi nhiều hãng thông tấn tuyên bố toàn bộ ngôi làng của họ sẽ “ngừng hoạt động”. Bảy năm trôi qua, hầu hết các câu hỏi về tương lai của ngôi làng Fairbourne vẫn chưa được giải đáp.

    “Họ đã phá hủy ngôi làng, và bây giờ điều cần làm là phải cố gắng phục hồi lại cuộc sống trước kia cho người dân nơi đây”, ông Eves, người giữ chức vụ chủ tịch hội đồng cộng đồng địa phương cho biết. “Nếu muốn chúng tôi chuyển ra khỏi Fairbourne vào năm 2054, chính phủ sẽ phải cung cấp chỗ ở mới cho người dân”.

    lang Fairbourne wales 1
    Ông Stuart Eves, người đã dành phần lớn thời gian cuộc đời để sinh sống ở làng Fairbourne. Ảnh: AP.

    Không một ai muốn rời đi. Nhiều người lớn tuổi đã nghỉ hưu, cũng có những gia đình trẻ đang nuôi dạy thế hệ tiếp theo tại ngôi làng ven biển này. Người dân địa phương tự hào về cộng đồng gắn bó chặt chẽ của họ.

    Và mặc dù trung tâm ngôi làng chỉ bao gồm một cửa hàng tạp hóa, một cửa hàng đồ ăn nhanh và một vài nhà hàng, nhưng bãi biển đầy sỏi và những chuyến tàu hơi nước luôn thu hút lượng lớn đám đông nhộn nhịp vào mùa hè.

    Ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu

    Natural Resources Wales, tổ chức do chính phủ tài trợ chịu trách nhiệm bảo vệ bãi biển ở Fairbourne lo ngại, ngôi làng đặc biệt dễ tổn thương vì phải đối mặt với nhiều nguy cơ về lũ lụt.

    Được xây dựng vào những năm 1850 trên một đầm lầy ngập mặn thấp, Fairbourne hiện đã nằm dưới mực nước biển khi thủy triều lên.

    Khi có bão, mực nước thủy triều thậm chí còn cao hơn 1,5 mét (5 feet) so với mực nước biển tại ngôi làng.

    lang Fairbourne wales 1
    Làng Fairbourne dễ chịu tổn thương vì phải đối mặt với nhiều nguy cơ về lũ lụt. Ảnh: AP.

    Các nhà khoa học cho biết mực nước biển ở Anh đã tăng khoảng 10 cm (4 inch) chỉ trong thế kỷ qua.

    Tùy thuộc vào mức phát thải khí nhà kính và hành động từ phía các chính phủ thực hiện, mức tăng dự đoán sẽ lên đến 70 cm, thậm chí 1 mét vào năm 2100.

    Làng Fairbourne nằm ở cửa một cửa sông, điều này càng gia tăng thêm nguy cơ lũ quét từ con sông chảy phía sau này.

    Các quan chức đã phải chi hàng triệu bảng Anh để củng cố một bức tường dài gần 2 dặm để phòng thủ thủy triều.

    lang Fairbourne wales 1
    Hàng phòng vệ trị giá hàng triệu bảng Anh để ngăn thủy triều ở làng Fairbourne, hạt Gwynedd, xứ Wales. Ảnh: AP.

    Những tác động của biến đổi khí hậu mà các nhà đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow, Scotland đang nỗ lực để giảm thiểu đã trở thành hiện thực ở nơi đây.

    Catrin Wager, thành viên Hội đồng Gwynedd, nhấn mạnh, Fairbourne có thể là ngôi làng ven biển đầu tiên của xứ Wales được chỉ định là không thể sinh sống do biến đổi khí hậu, nhưng chắc chắn đây sẽ không phải là ngôi làng duy nhất.

    Theo Ủy ban Biến đổi Khí hậu, một cơ quan tư vấn độc lập được thành lập theo Luật Biến đổi khí hậu, trên toàn Vương quốc Anh, nửa triệu bất động sản sẽ có nguy cơ bị nước biển nhấm chìm - và con số rủi ro đó sẽ tăng lên 1,5 triệu vào cuối những năm 2080.

    Cuối cùng, “những quyết định khó khăn” cần được đưa ra đối với nhiều khu định cư ven biển với số lượng cư dân lớn tuổi và nghèo hơn. Bên cạnh đó, các quan chức cần chuẩn bị cho người dân di chuyển vào đất liền.

    lang Fairbourne wales 1
    Nhà ga Fairbourne, phía sau là nhà thờ St Cynon. Ảnh: AP

    Ngôi làng sẽ không bị bỏ lại

    Ở Fairbourne, nhiều cư dân cảm thấy họ đã bị loại ra một cách bất công, và không tin rằng có một khung thời gian rõ ràng về mức độ nhanh chóng của mực nước biển sẽ tăng lên đủ để đe dọa ngôi nhà của họ.

    Việc sơ tán sẽ diễn ra khi nào và như thế nào? Liệu họ có được bồi thường không, và nếu có thì phải là bao nhiêu?

    Không có câu trả lời. Phó trưởng làng, ông Ruth Hansford cho biết nhiều cư dân đã phải chịu “mệt mỏi về tinh thần” vì nhiều năm sống bấp bênh và chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Những người khác chỉ đơn giản là quyết định tiếp tục cuộc sống của họ.

    Becky Offland và chồng gần đây đã nhận hợp đồng cho thuê khách sạn Glan Y Mor, đi ngược lại lời cảnh báo về việc đầu tư vào tương lai của ngôi làng. Họ hy vọng hoạt động kinh doanh này sẽ mang lại nhiều du khách hơn và hỗ trợ tài chính cho Fairbourne.

    “Nơi này giống như một đại gia đình. Đó không chỉ còn là một ngôi làng, đó là một gia đình và tất cả chúng tôi sẽ chiến đấu bảo vệ Fairbourne”.

    Chủ cửa hàng Fairbourne Chippy, ông Alan Jones, 64 tuổi cho biết, ông không có kế hoạch đi đâu cả. Ông khẳng định: “Cho đến khi nước biển thực sự tràn vào, cho đến khi chúng tôi không thể sinh sống được nữa thì chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục ở lại Fairbourne”.

    lang Fairbourne wales 1
    Ông Alan Jones, chủ sở hữu của Fairbourne Chippy ở làng Fairbourne. Ảnh: AP.

    Theo Đại Đoàn Kết

  • Ngày 13-10, trang tin Sky (Anh) dẫn cảnh báo của các nhà khoa học nước này cho biết, mực nước biển dâng cao có thể làm xói mòn bờ biển, đe dọa hàng triệu ngôi nhà, thậm chí xóa sổ một số ngôi làng ven biển của đảo quốc sương mù.

    bang tan
    Ngôi làng Fairbourne được dự báo không thể ở được kể từ năm 2050 do nước biển dâng.

    Theo đó, có khoảng 1,5 triệu ngôi nhà ở Anh sẽ đối mặt với nguy cơ lũ lụt, thậm chí biến mất do mực nước biển dâng cao, chủ yếu do băng ở Bắc Cực tan chảy.

    Những ngôi làng nằm ở ven biển trũng thấp, như làng Fairbourne ở xứ Wales, thậm chí bị nhấn chìm và sẽ không thể ở được từ năm 2050. Người dân tại đây thực tế đã được kêu gọi nên rời đi, để khu vực này có thể được tháo dỡ biến thành một đầm lầy.

    Nhiều quan điểm cũng cho rằng, trong bối cảnh nhiều rủi ro, London cần cân nhắc nâng cấp các công trình "phòng thủ" nước biển dâng, trong đó có hàng rào biển Thames vốn được thiết kế để bảo vệ thủ đô nước Anh khỏi lũ lụt.

    Các nhà khoa học cũng cho biết, đã thông báo với Tiểu ban nghiên cứu vùng cực của Ủy ban đánh giá môi trường Anh rằng, mức phát thải nhà kính hiện nay đủ để làm ấm bầu khí quyển gây ra mực nước biển dâng trên toàn cầu từ 17,5mm đến 52,4mm vào năm 2100, và bất kỳ sự gia tăng nhiệt độ nào lúc này đều sẽ khiến vấn đề trở nên trầm trọng.

    Những lo ngại của giới khoa học Anh diễn ra trong bối cảnh nhiệt độ Bắc Cực đang tăng nhanh gấp bốn lần so với mức trung bình toàn cầu.

    Bên cạnh việc làm mực nước biển dâng, lượng băng suy giảm có thể làm mất ổn định dòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương, còn được gọi là hoàn lưu đảo ngược kinh tuyến Đại Tây Dương (Amoc).

    Điều này có thể tác động nghiêm trọng tới khí hậu toàn cầu, trong đó sẽ khiến Vương quốc Anh có mùa đông lạnh hơn cả Nga và Canada. Hiện tượng này cũng khiến các vùng nhiệt đới nóng hơn bao giờ hết. Một số nhà khoa học lo ngại điều này có thể xảy ra ngay trong thế kỷ tới.

    Theo Hanoimoi

  • Thủ tướng Rishi Sunak đã giảm bớt các cam kết của Anh trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu khi cho rằng, chúng đã áp đặt 'những chi phí không thể chấp nhận được' đối với người dân.

    Tuyên bố của nhà lãnh đạo Anh đã gặp không ít ý kiến phản đối của các nhóm hoạt động vì môi trường, các chính trị gia đối lập và phần lớn ngành công nghiệp quốc gia này.

    ung pho bien doi khi hau
    Một điểm sạc xe điện gần Braintree, Essex (Vương quốc Anh).

    Khi mà các hộ gia đình của Anh đang phải chi trả mức phí năng lượng quá cao, Thủ tướng R.Sunak đã trì hoãn lệnh cấm ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel, đồng thời thay đổi hệ thống sưởi trong nhà.

    Ông R.Sunak cho biết, phải thay đổi chính sách vì các chính phủ trước đây đã hành động quá nhanh trong việc đặt ra các mục tiêu về mức phát thải ròng bằng 0, mà không duy trì được sự ủng hộ từ phía công chúng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Anh vẫn cam kết với mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

    Các nhà phân tích cho rằng, việc Chính phủ Anh điều chỉnh một số mục tiêu về khí hậu trước cuộc bầu cử sắp diễn ra phản ánh một thách thức mà các quốc gia khác có thể phải đối mặt, đó là chi phí các công ty và người tiêu dùng phải gánh chịu tăng ngay trong thập kỷ này.

    Nước Anh từng đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào năm 2021, dẫn đầu G7 khi nói đến việc cắt giảm khí thải làm trái đất nóng lên (giảm 49% lượng khí thải từ năm 1990 đến năm 2022), trong đó cắt giảm than là động lực lớn nhất.

    Nhưng theo báo cáo tiến độ mới đây của Ủy ban Biến đổi khí hậu gửi Quốc hội, để đạt được các mục tiêu, Anh phải tăng gấp bốn lần mức giảm phát thải hằng năm ngoài lĩnh vực cung cấp điện vào năm 2030.

    Ủy ban Biến đổi khí hậu ước tính, để đáp ứng mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, "xứ sở Sương mù" sẽ cần đầu tư thêm 61 tỷ USD mỗi năm.

    Thư ký nội vụ của Thủ tướng Anh, ông Suella Braverman, nói với BBC rằng Chính phủ đảng Bảo thủ "sẽ không cứu hành tinh này bằng cách làm phá sản người dân Anh”.

    Đảng Bảo thủ của Thủ tướng R.Sunak đứng sau phe đối lập - đảng Lao động trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử dự kiến vào năm tới. Do đó, chiến lược của ông chủ số 10 phố Downing là loại bỏ các chính sách cắt giảm khí thải và "gây chiến" với các nhà hoạt động khí hậu, nhằm thu hút các cử tri cho đảng Bảo thủ.

    Thủ tướng R.Sunak đã đưa ra một quan điểm trung lập, nhấn mạnh rằng các kế hoạch của ông sẽ giúp nước Anh đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhưng các kế hoạch trước đó là không công bằng đối với người dân Anh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

    Giá khí đốt toàn cầu tăng vọt vào năm ngoái sau cuộc xung đột Nga - Ukraine mặc dù đã giảm trong những tháng gần đây nhưng hóa đơn năng lượng trung bình của mỗi hộ gia đình ở Anh vẫn ở mức cao. Cơ sở hạ tầng sạc điện tụt hậu so với những gì cần thiết cho phát triển xe điện và mục tiêu lắp đặt khoảng 600.000 máy bơm nhiệt vào năm 2028 có vẻ xa vời do thiếu kỹ sư lành nghề (chỉ có 72.000 chiếc được lắp đặt vào năm 2022).

    Ông R.Sunak cũng phủ nhận việc Anh từ bỏ trách nhiệm quốc tế của mình. Ngược lại, Anh sẽ thực thi các cam kết tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Paris và Glasgow, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.

    Nhiều nhà phân tích cho rằng, trì hoãn các khoản đầu tư để đưa mức phát thải ròng bằng 0 có thể có lợi về mặt chính trị khi sắp diễn ra bầu cử.

    Nhưng theo Chris Hewett, người đứng đầu Hiệp hội Thương mại năng lượng mặt trời Vương quốc Anh, các động thái này sẽ là một “đánh giá sai lầm về kinh tế ở quy mô lịch sử”, khi các doanh nghiệp ở Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ đang chạy đua để dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện.

    Về lâu dài, Giám đốc chính sách và truyền thông Viện Nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu và môi trường (Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London) Bob Ward cho rằng, việc làm suy yếu các chính sách về khí hậu của Vương quốc Anh có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế do làm suy yếu đầu tư trong và ngoài nước vào một loạt lĩnh vực đang phát triển cũng như triển khai các công nghệ sạch như máy bơm nhiệt và xe điện; và nó có thể khiến các hộ gia đình ở Anh nghèo hơn vì họ phải tiếp tục đối mặt với giá nhiên liệu hóa thạch biến động.

    Theo Hanoimoi

  • Giám đốc Cơ quan Môi trường Anh (EA) cảnh báo, một số cộng đồng ven biển ở Anh sẽ "chắc chắn" phải rời bỏ nhà cửa khi biến đổi khí hậu ăn mòn bờ biển nơi họ sinh sống.

    Ông James Bevan, Giám đốc điều hành của EA, nói rằng, biến đổi khí hậu đồng nghĩa "một số cộng đồng của chúng tôi không thể ở lại nơi họ đang sinh sống".

    Ông Bevan phát biểu tại Hội nghị về lũ lụt và bờ biển ở Telford vào ngày 7/6/2022: "Trong khi chúng ta có thể trở lại an toàn và tái xây dựng tốt hơn sau khi lũ lụt diễn ra trên các con sông, không có sự trở lại đối với đất đai mà xói mòn bờ biển đã lấy đi, hoặc mực nước biển dâng cao đã khiến đất đai thường xuyên hoặc vĩnh viễn bị nước biển nuốt chửng ".

    Theo ông Bevan, còn "quá sớm để xác định thời gian cụ thể những cộng đồng nào có khả năng sẽ phải di dời", nhưng ngôi làng Fairbourne ở xứ Wales đã được thông báo rằng họ sẽ phải dời đi vì Hội đồng Gywnedd không thể duy trì việc phòng chống lũ lụt vô thời hạn.

    Trong khi đó, vùng đất thấp Fens ở miền Đông nước Anh, chiếm 7% sản lượng nông nghiệp của quốc gia này, đã nằm dưới mực nước biển một phần.

    Ông Bevan trấn an rằng "không ai bị buộc phải rời khỏi nhà trái ý muốn của họ", nhưng "chúng ta cần bắt đầu cuộc trò chuyện về tất cả những điều này ngay từ bây giờ".

    bien doi khi hau o anh
    (Ảnh: Wales News Service)

    Ông Jim Hall, giáo sư về rủi ro khí hậu và môi trường tại Đại học Oxford, kêu gọi "các cuộc trò chuyện trung thực" trong các cộng đồng ven biển về tương lai và cách tiếp cận chiến lược để quản lý bờ biển bền vững.

    Theo Lộ trình chiến lược quản lý Rủi ro xói mòn bờ biển và lũ lụt của EA , đến năm 2026, cứ sáu người ở Anh thì có một người gặp rủi ro do mưa hoặc lũ lụt ven biển . Và một triệu người dự kiến ​​sẽ phải hứng chịu lũ lụt ven biển hàng năm vào cuối thế kỷ 21 này.

    Ông Bevan cảnh báo: "Mức độ nghiêm trọng của những trận lũ lụt này ngày càng trở nên tồi tệ hơn và đây chính là những dự đoán của các nhà khoa học".

    Các nhà nghiên cứu cảnh báo, mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao ở một số khu vực nằm ngoài khả năng thích ứng của chúng ta.

    Một báo cáo gần đây của IPCC (nhóm các nhà khoa học khí hậu quốc tế của Liên Hợp Quốc) dự đoán, thiệt hại do lũ lụt ven biển ở châu Âu sẽ tăng ít nhất 10 lần vào cuối thế kỷ này, thậm chí còn hơn thế nếu chúng ta không thay đổi cách sống.

    EA đang hướng tới việc cải thiện các đánh giá và lập bản đồ về rủi ro lũ lụt, cũng như thông tin về các quyết định đầu tư. 150 triệu Bảng Anh được đầu tư vào 25 dự án sáng tạo mới nhằm giải quyết mối đe dọa của lũ lụt và biến đổi khí hậu ở khu vực ven biển.

    Theo Soha

  • Mốc đen xuất hiện bao phủ hầu hết các bức tường và trần nhà trong ngôi nhà dường như đã từng xuất hiện ở Yorkshire, Anh.

    Ngôi nhà £175,000 khiến ai bước vào cũng phát sợ...

    Trên thị trường bất động sản của Anh, nhiều người đã không khỏi bất ngờ trước một ngôi nhà trị giá 175.000 bảng Anh trên thị trường. Điều đáng chú ý là ngôi nhà này đã quá cũ và gần như không còn nguyên vẹn.

    Những người chứng kiến cảnh tượng bên trong đều bày tỏ sự lo lắng sau khi nhìn thấy tình trạng của ngôi nhà hai phòng ngủ ở Yorkshire, Anh.

    Một bức ảnh chụp phòng tắm cho thấy những bức tường bị mốc đen, trong khi nhà bếp ở tầng dưới có nấm mốc trắng và đen ở khắp nơi - bao gồm cả xung quanh tủ lạnh và máy giặt. Khu vực sinh hoạt không có ván sàn và có một lỗ hổng lớn trên tường cạnh cửa sổ là nơi mọc nấm.

    nha day nam moc gia re 1
    Mốc đen có thể được nhìn thấy bao phủ gần như tất cả các bức tường của phòng tắm trong ngôi nhà ở Yorkshire hiện đang được rao bán.

    nha day nam moc gia re 1
    Nấm mốc cũng bao phủ các bức tường của nhà bếp - đặc biệt là bên cạnh tủ lạnh và máy giặt.

    nha day nam moc gia re 1
    Có thể thấy nấm mốc tập trung chủ yếu ở góc mái của phòng ngủ.

    nha day nam moc gia re 1
    Tuy nhiên, ngôi nhà này vẫn được tung ra thị trường với giá chào bán là 175.000 bảng.

    Các đại lý bất động sản Churchills mô tả ngôi nhà "cần một số cải tiến". Công ty cho biết thêm: "Ngôi nhà hai phòng ngủ ở giữa sân thượng, cần được cải thiện một số chi tiết, nằm ở vị trí dân cư nổi tiếng và thuận tiện, gần trung tâm thành phố York, bệnh viện và Đại học York St John".

    Nếu mua ngôi nhà, bạn sẽ sở hữu tổ ấm có hành lang lối vào, sảnh khách, phòng ăn, nhà bếp, phòng nghỉ ở tầng một, hai phòng ngủ đôi và một phòng tắm. Ngoài ra, phía bên ngoài và đằng sau còn có sân với những bức tường xây bằng gạch.

    nha day nam moc gia re 1
    Những người duyệt nhà đã bị sốc khi họ thấy tình trạng của ngôi nhà được chào bán

    Giá bất động sản tăng chóng mặt

    Theo Sky News, giá nhà trung bình của Vương quốc Anh đã tăng gần gấp đôi so với tiền lương của người lao động trung bình trong 50 năm qua. Một ví dụ đơn giản, một ngôi nhà trung bình có giá 4.200 bảng Anh vào năm 1971 sẽ có giá cao gấp 58 lần ở năm 2021.

    Có ý kiến cho rằng nếu những người trẻ tuổi từ bỏ những thói quen "xa xỉ", họ sẽ có thể bỏ ra một khoản tiền đủ để đặt cọc. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính họ sẽ phải tiết kiệm 450 năm thì mới có thể chi trả cho một ngôi nhà.

    Scott Taylor-Barr, chuyên gia đến từ Carl Summers Financial Services, cho biết: "Thực tế là giá trung bình cao hơn 20% so với 2 năm trước là điều không tưởng. Lãi suất tăng và chi phí sinh hoạt tăng vẫn chưa tác động đến thị trường bất động sản.

    Sau 2 năm COVID, một số người quyết định chuyển ra khỏi trung tâm thành phố hoặc tìm kiếm các bất động sản lớn hơn. Các đại lý bất động sản gọi đây là 'cuộc đua giành không gian'.

    Bên cạnh đó, thị trường cũng tiếp tục thiếu những ngôi nhà mới, đặc biệt là những ngôi nhà có giá cả phải chăng. Một yếu tố khác, tất nhiên, là loại nhà mà người mua mới muốn sở hữu thường cũng là những bất động sản đáng mơ ước đối với các nhà đầu tư, có nghĩa là có sự cạnh tranh làm tăng giá".

    Nhiều người mang tiền đi mua nhà ở nơi khác thay vì ở lại Anh

    Năm 2021, siêu sao toàn cầu Adele đã thừa nhận rằng giá bất động sản ở quê nhà ở London khiến cô gặp nhiều khó khăn. Adele đã tiết lộ rằng cô ấy chuyển đến Los Angeles vì cô ấy "không đủ khả năng" để mua bất động sản ở London. Adele nói: "Loại nhà mà tôi có ở LA, tôi không bao giờ có thể mua được ở London. Giá của ngôi nhà đó lên đến hàng trăm triệu bảng, tôi không có nhiều tiền như vậy".

    Trả lời phỏng vấn đầu tiên sau 5 năm, nữ ca sĩ đã thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình về giá bất động sản ở quê hương. Nói về quyết định chuyển nơi ở, nữ ca sĩ tiết lộ cô muốn nâng cao chất lượng cuộc sống. Adele nói: "Phần lớn thời gian của tôi ở trong ô tô hoặc bên trong một tòa nhà. Tôi muốn có không khí trong lành và ở một nơi nào đó tôi có thể nhìn thấy bầu trời".

    Câu chuyện của Adele đã phản ánh một phần thực tế giá bất động sản ở Anh. Theo Rightmove, cổng thông tin bất động sản và trang web bất động sản lớn nhất của Vương quốc Anh, giá chào bán trung bình của một ngôi nhà ở Anh đã tăng liên tục trong 3 tháng.

    Tương tự Adele, Paul Mappley và Yip Ward cũng gặp khó khăn trong việc mua nhà. Vào tháng 4 năm 2021, họ đã mua ngôi làng lịch sử La Bussière, Normandy, Pháp với giá €14.000. Hai người hồ hởi chia sẻ cảm nhận khi lần đầu tiên được sở hữu nhiều bất động sản như vậy, trong khi không có nổi một căn hộ studio ở Anh.

    Soha (nguồn: The Guardian, Daily Mail, Yahoo)

  • Thành phố Oxford, Anh đã thông qua chính sách gây tranh cãi về việc áp hạn chế đi lại cá nhân của người dân để chống biến đổi khí hậu.

    Theo hệ thống “bộ lọc giao thông” do Hội đồng hạt Oxfordshire phê duyệt tuần trước, thành phố Oxford sẽ được chia thành 6 “khu dân cư 15 phút”. Mỗi khu đều có đầy đủ các tiện ích cần thiết, chỉ cần đi 15 phút là tới. Các cư dân được yêu cầu đăng ký xe hơi để chính quyền theo dõi việc ra vào các khu dân cư này bằng một mạng lưới camera.

    oxfordshire
    Oxfordshire. Ảnh: BBC

    Các cư dân được phép di chuyển không giới hạn trong khu vực sinh sống của mình, nhưng để lái xe qua hệ thống “bộ lọc” đến các khu dân cư khác, họ phải xin giấy phép. Ngay cả khi đó, họ chỉ được cấp quyền đến các khu vực khác trung bình 2 ngày mỗi tuần. Những người vượt quá sự phân bổ đi lại này sẽ bị phạt.

    Đài RT đưa tin, chính sách trên đang gây xôn xao dư luận và bị các nhà hoạt động xã hội lên án là bước đầu tiên hướng tới việc “phong tỏa vì khí hậu”. 

    Hàng nghìn cư dân cũng bày tỏ lo ngại về hệ thống bộ lọc giao thông, vốn từng bị bác bỏ dưới một cái tên khác. Khoảng 1.800 người đã ký vào một bản kiến nghị phản đối chính sách vì lo nó sẽ làm gia tăng sự tắc nghẽn.

    Tuy nhiên, Zuhura Plummer, Giám đốc chiến dịch “Các khu phố Oxfordshire đáng sống” tuyên bố, sáng kiến này sẽ “cứu sống các sinh mạng và làm cho thành phố của chúng ta dễ chịu hơn bây giờ và vì các thế hệ tương lai”.

    Bà Plummer trích dẫn một phân tích dự báo, sau khi triển khai chính sách mới, lưu lượng giao thông sẽ giảm hơn 35%, số trường hợp thương vong vì tai nạn giao thông cũng giảm 9%, trong khi thời gian di chuyển của xe buýt sẽ nhanh hơn 15% và ô nhiễm không khí giảm tới 91%.

    Thành phố cũng sẽ được hưởng lợi về mặt tài chính, vì bất kỳ tài xế nào bị bắt quả tang đi qua hệ thống bộ lọc mà không được cấp quyền miễn trừ hoặc có giấy phép sẽ bị phạt 70 Bảng (hơn 85 USD) cho mỗi lần vi phạm. Các nhà quy hoạch kỳ vọng thành phố có thể kiếm được tới 1,1 triệu Bảng mỗi năm từ tiền phạt.

    Theo Vietnamnet

  • Trên đường phố nước Anh, tiếng lá khô giòn tan dưới chân và những tán cây rực đỏ có thể khiến nhiều người tưởng rằng mùa thu đến sớm.

    Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự thay đổi này là bất thường. Thời tiết nắng nóng, khô hạn và thiếu nước trầm trọng tại Anh đang đẩy thực vật vào chế độ sinh tồn.

    Tình trạng khắc nghiệt khiến cây cối “căng thẳng”, lá rụng hoặc thay đổi màu sắc. Người ta lo ngại rằng một số cây có thể chết vì không đủ nước, theo BBC.

    “Lá vàng và lá rụng sớm đều là những dấu hiệu cho thấy cây cối bị căng thẳng và đang dần ngừng hoạt động”, Leigh Hunt, cố vấn làm vườn cấp cao tại Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia Anh, cho biết.

    Trong suốt mùa hè, nước Anh phải đối mặt với lượng mưa thấp kỷ lục và nhiệt độ vượt mốc 40 độ C. Điều này đã dẫn đến nhiều vụ cháy rừng, hạn hán và lệnh cấm tưới cây, đồng thời có tác động bất lợi đến thiên nhiên.

    mua thu gia o anh 1
    Cây chết trong công viên London. Ảnh: BBC.

    Cây cối “hoang mang”

    “Chúng mang vẻ ngoài như thể chúng ta đã ở trong mùa thu. Nhưng thời gian ban ngày quá dài để mùa thu tự nhiên bắt đầu. Về mặt sinh lý, thực vật không phản ứng với điều kiện mùa thu thực sự, do đó chúng ta gọi đây là mùa thu giả”, ông Hunt nói.

    Thiệt hại đối với cây cối ở các vùng nông thôn nước Anh là một trong những điều tồi tệ nhất mà ông Hunt từng chứng kiến trong suốt 45 năm qua.

    Những cây cổ thụ có thể chịu được hạn hán thông qua hệ thống rễ sâu và rộng. Tuy nhiên, những cây trẻ hơn, đặc biệt được trồng trên đất nghèo chất dinh dưỡng ở rìa đường, sẽ khô héo và chết.

    Những cây chỉ mất một vài chiếc lá vàng sẽ phục hồi nếu có lượng mưa cần thiết. Tuy nhiên, khi cây không thể hấp thụ đủ lượng nước đã bị mất trong quá trình thoát hơi nước trên lá, chúng sẽ rất khó để hồi phục trở lại.

    Để đối mặt với điều kiện khắc nghiệt như vậy, cây có thể phản ứng bằng cách tạo ra nhiều hạt giống hơn nhằm đảm bảo sự tồn tại trong tương lai.

    mua thu gia o anh 1
    Lá rụng tại London. Ảnh: BBC.

    “Nếu có nhiều mưa, chúng ta thậm chí có thể chứng kiến ‘mùa xuân thứ hai’ với nhiều cây non phát triển thêm”, ông Hunt nhận định.

    Những ảnh hưởng của thời tiết còn xuất hiện ở các loại quả mọng. Woodland Trust, tổ chức ghi nhận những thay đổi theo mùa, đã nhận được báo cáo về tình trạng quả mâm xôi chín sớm nhất từ trước đến nay.

    “Trái cây và các loại hạt đang chín nhanh hơn bao giờ hết. Điều này có thể gây ra thảm họa đối với động vật hoang dã. Sức nóng kỷ lục mà nước Anh vừa trải qua đã mang lại một số sự kiện đầu mùa thu”, Fritha West, nhà nghiên cứu của Woodland Trust, cho biết.

    “Chúng tôi cũng ghi nhận kỷ lục mâm xôi đen chín sớm nhất từ trước đến nay tại miền nam nước Anh. Táo gai và quả thanh lương trà cũng đang chín sớm ở một số vùng, nơi đồng thời ghi nhận lá thay màu sớm. Cả nhiệt độ khắc nghiệt và thiếu nước đều có thể khiến cây rụng lá sớm hơn chúng ta mong đợi”, cô nói thêm.

    Tác động đến hệ sinh thái

    Rất khó để dự đoán hậu quả lâu dài của hạn hán. Các chuyên gia sinh thái cho rằng những đồng cỏ khô cằn và đất cứng như đá ở phần lớn miền nam nước Anh sẽ có tác động lớn đến động vật hoang dã.

    Tác động của hạn hán đối với khu vực xung quanh và trên các con sông có thể kéo dài trong nhiều năm tới.

    Trong những đợt nắng nóng, tảo phát triển nhanh hơn so với thông thường, đe dọa nghiêm trọng đến thảm thực vật ở những vùng đất ngập nước. Chúng sinh trưởng trên bề mặt nước, không cho phép ánh sáng Mặt Trời tiếp cận phía dưới.

    mua thu gia o anh 1
    Rễ cây cổ thụ lộ ra do mực nước thấp tại hồ Colliford. Ảnh: BBC.

    Mực nước sông thấp làm giảm môi trường sống của cá, động vật lưỡng cư và động vật không xương sống. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ hệ sinh thái.

    “Những loài thực vật này cung cấp môi trường sống quan trọng cho côn trùng và cá. Sự biến mất của chúng khỏi hệ sinh thái sẽ gây ra những thay đổi lớn trong chuỗi thức ăn”, Mike Bowes, tiến sĩ thuộc Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh, cho biết.

    “Có thể mất vài năm để thực vật phục hồi trên những dòng sông bị ảnh hưởng bởi hạn hán”, ông khẳng định.

    Theo Zing

  • Các hồ chứa của Anh đang ở mức thấp nhất so với bất kỳ tháng 7 nào được ghi nhận kể từ năm 1995, chỉ ở mức 65% dung tích.

    Cơ quan Môi trường Anh (EA) hiện đã xếp loại mực nước ở hầu hết các hồ chứa tại nước này là ở mức "thấp" sau khi trữ lượng nước giảm mạnh và tình trạng hạn hán được ban bố ở 8 khu vực tại Anh.

    Sau tháng 7 khô hạn nhất kể từ năm 1935, các hồ chứa mà Cơ quan Môi trường Anh giám sát đều ghi nhận mực nước giảm. Mực nước thấp nhất được ghi nhận tại hồ chứa Colliford ở Cornwall với dung tích chỉ đạt 43%, tiếp theo là Stithians gần đó với 44%, và Thung lũng Derwent ở Derbyshire 45%.

    nuoc anh han han nghiem trong 1
    Mực nước xuống thấp tại các hồ chứa Colliford (trái), Hanningfield (trên cùng bên phải) và Ardingly (dưới cùng bên phải). (Ảnh: Sky News)

    Nhóm các hồ chứa trên khắp Pennines, miền Bắc nước Anh chỉ còn 49% dung tích vào tháng 7, cùng mức với Wimbleball ở Somerset.

    Mực nước trên khắp các hồ chứa của Anh đã giảm đều đặn từ 90% dung tích vào cuối tháng 4 xuống 85% vào tháng 5, 78% vào tháng 6 và hiện là 65% vào cuối tháng 7.

    Mực nước giảm nhiều nhất được ghi nhận tại Ardingly ở West Sussex và Hanningfield ở Essex, cả hai đều trải qua mức giảm hơn 1/5, mức lớn nhất từng được ghi nhận.

    Chỉ có một số hồ chứa vẫn được xếp hạng là bình thường gồm Abberton ở Essex, với dung tích 77%, Haweswater và Thirlmere ở Cumbria 60%, nhóm Lower Lee ở Hertfordshire và Bắc London là 88%, và Teesdale ở mức 72%.

    Với lượng mưa rất ít trong những tháng gần đây, mực nước sông hồ, lưu lượng nước ngầm đều giảm mạnh.

    Mực nước sông trong tháng 7 được xếp vào dạng "đặc biệt thấp" ở hơn 1/4 địa điểm ở Anh.

    Tháng 7, 13 con sông do Cơ quan Môi trường Anh giám sát có lượng nước chảy qua ít nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được thống kê. Ví dụ, mức nước chảy qua Great Ouse ở Norfolk đã giảm xuống chỉ còn 5% trên mức trung bình dài hạn.

    Kể từ ngày 12/8, tình trạng hạn hán đã được công bố trên khắp miền Nam, Tây Nam, miền Trung và miền Đông nước Anh, với các lệnh cấm sử dụng vòi rồng hiện đang được áp dụng đối với bốn khu vực đang trong tình trạng thiếu nước khá nghiêm trọng.

    nuoc anh han han nghiem trong 1
    (Ảnh: Sky News)

    nuoc anh han han nghiem trong 1
    (Ảnh: Sky News)

    nuoc anh han han nghiem trong 1
    (Ảnh: Sky News)

    nuoc anh han han nghiem trong 1
    (Ảnh: Sky News)

    nuoc anh han han nghiem trong 1
    (Ảnh: Sky News)

    Theo VTV

  • anh cam dung voi xit
    Nhiều nơi ở UK đã áp dụng lệnh cấm dùng vòi xịt kể từ ngày 5 tháng 8. Đây là một luật cấm tạm thời. Những tuần tới lệnh cấm này có thể được mở rộng ra nhiều nơi. Ảnh: Mint Images/Getty

    Kể từ ngày 5 tháng 8, lệnh cấm dùng vòi xịt (hosepipe ban) đã bắt đầu có hiệu lực ở một số vùng thuộc miền nam England. Quy định cấm lãng phí nước đã được áp dụng ở Hampshire, Isle of Wight từ lúc 5h chiều. Thêm một triệu khách hàng ở Kent và Sussex cũng sẽ đối mặt lệnh cấm kể từ ngày 12 tháng 8.

    Theo lệnh cấm này, người Anh không được dùng vòi xịt để tưới cây, xả nước đầy hồ bơi và hồ bơi di động của trẻ em. Bạn cũng không được dùng vòi xịt để rửa xe, rửa tường, cửa số, lối đi hay sân nhà. 

    Dùng vòi xịt hoặc hệ thống phun sprinkler sẽ gây tốn nước hơn nhiều so với bình tưới nước (watering can). Động thái này của chính phủ nhằm giải quyết tình trạng lãng phí nước, chẳng hạn xả nước đầy hồ bơi là một hoạt động lãng phí nước. Bất cứ ai vi phạm sẽ bị phạt lên tới £1,000.

    Lệnh này có tên chính thức là Temporary Use Ban, sắp được mở rộng ở nhiều khu vực trên toàn Vương quốc Anh nhằm đối phó với tình trạng khô hạn. Nước Anh vừa trải qua nửa năm đầu khô hạn nhất kể từ năm 1976, theo báo cáo của Met Office. 

    Một cuộc họp khẩn cấp vừa được Bộ Môi Trường tiến hành. Hiện England đã được xếp vào dạng ''thời tiết khô hạn kéo dài'', đây là giai đoạn đầu của tình trạng hạn hán. 

    Các khu vực khác ở UK, bao gồm London, cũng sắp bị áp dụng lệnh cấm, khi mà thời tiết khô hạn không có dấu hiệu suy giảm. Met Office cảnh báo lượng mưa hiện tại không đáng kể và hầu như không giúp ích gì cho các vùng khô hạn ở England. Nhiệt độ sẽ tăng trở lại trên 30 độ C trong tuần tới.

    Công ty cấp nước Thames Water cảnh báo London sẽ sớm phải áp dụng lệnh cấm vòi xịt, vì các hồ chứa nước đang cạn sâu hơn mức bình thường. Nếu như lượng mưa ở UK không tăng trong những tháng tới, nước Anh sẽ phải áp dụng nhiều biện pháp cũng như lệnh cấm khác để tiết kiệm nước.

    Mạch nước ngầm cũng đã xuống thấp dưới mức trung bình lần đầu tiên trong năm nay. Làn sóng nhiệt và thời tiết oi bức đã khiến nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao, cao nhất trong vòng 25 năm qua.

    Người đại diện của Thames Water nói với tờ Evening Standard: ''Chúng tôi đã làm việc 24/7, trong điều kiện nóng không thể tin được, nhằm đảm bảo đủ nước cho khách hàng, đảm bảo hệ thống cung ứng của chúng tôi hoạt động hết công suất. Đôi lúc nhu cầu nước vượt quá khả năng cung ứng của chúng tôi, vì thế chúng tôi khuyến khích khách hàng sử dụng tiết kiệm nước, để ai cũng có nước dùng''.

    Thames Water đã bước vào giai đoạn khô hạn từ hồi tháng 5. Lệnh cấm sử dụng vòi xịt sẽ kéo dài hay kết thúc sớm, tùy thuộc vào lượng nước mà người dân tiêu thụ. Lượng nước tiết kiệm được sẽ giúp các hồ chứa không bị cạn nước quá nhanh, và tạo thời gian để các dòng sông mang nước về lấp đầy hồ chứa''.

    Cỏ đang mọc nhanh trở lại sau một thời gian khô hạn, do đó việc tưới cỏ là không cần thiết. Bạn có thể tưới cây bằng nước dư thừa trong sinh hoạt gia đình. Dưới đây là một số mẹo tiết kiệm nước:

    - Tắm vòi sen thay vì tắm bồn, tắt vòi khi không dùng.

    - Tích trữ nước từ các ly nước uống dở, nước luộc rau để nguội, dùng nước này để tưới vườn.

    - Khi mở vòi và chờ nước nóng, bạn nên dùng thau hoặc xô để hứng nước lạnh. Dùng nước này để tưới cây, dội toilet hoặc tích trữ trong các lu vại (water butt).

    - Tắt vòi nước khi đang đánh răng hoặc rửa mặt, chỉ mở vòi khi cần.

    - Không nhất thiết phải giật toilet sau mỗi lần đi tiểu.

    Viethome (theo MyLondon)

     

  • Sau khi hứng chịu mùa Hè khắc nghiệt nhất trong năm 2022, với hàng loạt cơn sóng nhiệt phá vỡ kỷ lục nhiều năm, các quốc gia trên thế giới tiếp tục đối mặt với thảm họa mới: Hạn hán.

    Hạn hán vốn trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều quốc gia châu Phi, châu Á, nay bắt đầu hoành hành rõ rệt hơn tại các nước châu Âu, châu Mỹ, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ... Cụ thể ra sao?

    ANH: ĐẦU NGUỒN SÔNG THAMES CẠN KIỆT, VÌ SAO?

    Đầu nguồn sông Thames đã cạn kiệt trong đợt hạn hán - Chuyên gia sông ngòi cho biết đây là lần đầu tiên họ chứng kiến điều này xảy ra!

    Điểm bắt đầu của sông Thames nổi tiếng của Anh đã khô cạn và di chuyển xuống hạ lưu, sau nhiều tuần ít mưa cùng một đợt nắng nóng vào tháng 7 phá vỡ kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại của Vương quốc Anh.

    Sông Thames thường bắt đầu từ thị trấn Cirencester của Anh, một phần của vùng nông thôn Cotswolds nhiều đồi và xanh, và chảy qua thủ đô London, rồi đổ ra Biển Bắc.

    Christine Colvin, một quan chức cấp cao của Tổ chức Rivers Trust, cho biết: "Những gì chúng ta đang thấy ở đầu nguồn của con sông Thames là biểu tượng cho tình hình mà chúng ta đang phải đối mặt trên khắp đất nước, ở cả hiện tại và trong tương lai.

    Việc chỉ nhìn thấy dòng sông Thames chảy 8km về phía hạ lưu là điều chưa từng có. Cuộc khủng hoảng khí hậu đang là vấn đề nổi cộm và sẽ dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn bao gồm hạn hán và sóng nhiệt. Điều này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các dòng sông".

    song thames can kiet 1
    Hình ảnh khô cạn đáng báo động ở nơi đầu nguồn của sông Thames ở London, hiện nay là ở Somerford Keynes thuộc hạt Gloucestershire của Anh. Ảnh: CNN

    song thames can kiet 1
    Một đoạn sông Thames khô cạn ở Kemble, Anh. Ảnh: CNN

    Sự thay đổi đầu nguồn của con sông Thames diễn ra khi các nhà chức trách ở Anh cảnh báo rằng quốc gia này có thể chính thức rơi vào tình trạng hạn hán vào một thời điểm nào đó trong tháng 8/2022.

    Miền Nam nước Anh đã ghi nhận tháng 7 (của năm 2022) khô hạn nhất kể từ năm 1836, với lượng mưa trung bình chỉ bằng 17%, theo văn phòng Met. Cả nước chỉ ghi nhận được 35% (khoảng 23 mm) lượng mưa trung bình trong tháng 7/2022.

    Một số công ty cấp nước đã công bố lệnh cấm sử dụng vòi rồng ở các vùng phía nam nước Anh.

    Văn phòng Met của Vương quốc Anh đã cảnh báo rằng nhiệt độ cao sẽ quay trở lại Anh vào tuần tới trong tháng 8/2022.

    HẠN HÁN NGHIÊM TRỌNG NHẤT TỪNG ĐƯỢC GHI NHẬN Ở PHÁP

    Đầu tháng 8/2022, AP trích lời Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cảnh báo rằng Pháp đang phải đối mặt với "đợt hạn hán nghiêm trọng nhất" từng được ghi nhận trong lịch sử; đồng thời tuyên bố kích hoạt một đơn vị chống khủng hoảng của chính phủ.

    Bà Borne cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản ngày 5/8 rằng nhiều khu vực ở Pháp đang trải qua một "tình huống lịch sử" khi đất nước phải chịu đựng đợt nắng nóng thứ ba trong mùa Hè 2022 này.

    "Đợt hạn hán đặc biệt mà chúng ta đang trải qua hiện đang làm mất đi nguồn nước của nhiều thành phố và là một thảm kịch đối với nông dân, hệ sinh thái và đa dạng sinh học của Pháp" - Thủ tướng Pháp nói.

    Dự báo thời tiết cho thấy nắng nóng, làm tăng lượng bốc hơi và nhu cầu nước, có thể tiếp tục trong 15 ngày tới ở Pháp. Điều này càng khiến tình hình trở nên đáng lo ngại hơn. Pháp hiện có 62 khu vực bị hạn chế sử dụng nước do không có mưa.

    song thames can kiet 1
    Đài phun nước ở quảng trường Concorde ở Paris, Pháp khô cạn vì châu Âu đang trải qua một đợt nắng nóng khắc nghiệt vào thứ Tư, ngày 3 tháng 8 năm 2022. Chính quyền khu vực của Paris cảnh báo người dân nên cảnh giác khi nhiệt độ tăng vọt lên 36 độ C. Ảnh AP / Francois Mori

    Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi sinh thái, ông Christophe Béchu, cho biết trong chuyến thăm đến miền Đông Nam nước Pháp rằng hơn 100 thành phố tự trị không thể cung cấp nước uống từ vòi nữa và cần phải được cung cấp bằng xe tải.

    Đơn vị xử lý khủng hoảng của chính phủ Pháp sẽ phụ trách theo dõi tình hình ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và phối hợp các biện pháp như mang nước uống đến một số nơi. Đơn vị cũng sẽ theo dõi tác động của hạn hán đối với sản xuất năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông và nông nghiệp của Pháp.

    Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Pháp EDF ngày 4/8 cho biết họ phải tạm thời cắt giảm sản lượng điện tại hai trong số các nhà máy hạt nhân sử dụng nước sông để làm mát các lò phản ứng. EDF cảnh báo rằng ít nhất một nhà máy nữa có thể bị ảnh hưởng trong những ngày tới do nhiệt độ cao ở sông Rhone.

    Sau đợt nắng nóng lớn năm 2003, cơ quan an toàn hạt nhân của Pháp, ASN, đã đặt giới hạn nhiệt độ ở 28 độ C cho các con sông, sau đó các nhà máy điện buộc phải giảm sản lượng để không làm cho nước ấm hơn và bảo quản môi trường. Các trường hợp ngoại lệ tạm thời cho phép một số nhà máy nâng giới hạn này lên một vài độ trong "các tình huống đặc biệt".

    Pháp dựa vào năng lượng hạt nhân cho khoảng 70% sản lượng điện, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

    MỘT NỬA NƯỚC MỸ BỊ HẠN HÁN HOÀNH HÀNH

    Nhiều vùng khắp nước Mỹ đang trải qua hạn hán vào đầu tháng 8/2022, và hàng triệu người đang bị hạn chế sử dụng nước.

    Theo báo cáo của Cơ quan Giám sát Hạn hán Mỹ đưa ra ngày 4/8/2022 thì hơn 50% lãnh thổ nước Mỹ rơi vào tình trạng khô hạn theo các mức độ khác nhau trong 4 tuần liên tiếp. Nguyên nhân là do sự kết hợp của nhiệt độ khắc nghiệt và lượng mưa thấp đang hút hơi ẩm của thực vật và đất.

    Trong khi miền Tây nước Mỹ và bang California vẫn chìm trong trận siêu hạn hán kéo dài nhiều năm, thì ở vùng Đông Bắc, một trận "hạn hán chớp nhoáng" nghiêm trọng - diễn ra nhanh chóng - đã tăng cường và mở rộng từ các tiểu bang Connecticut, Rhode Island và Massachusetts đến New Hampshire và Maine.

    song thames can kiet 1
    Bản đồ mới từ Cơ quan Giám sát Hạn hán Mỹ hiển thị các khu vực rộng lớn ở Tây, Tây Nam và Trung Mỹ với màu đỏ sẫm và đỏ tươi, thể hiện hạn hán đặc biệt và hạn hán cực đoan. Nguồn: Cơ quan Giám sát Hạn hán Mỹ / CNN

    Đầu năm 2022, các dấu hiệu của hạn hán đã bắt đầu trải rộng khắp Mỹ. Các quan chức tiểu bang California đã tiến hành đo lượng tuyết hàng năm vào ngày 1/4/2022 tại Trạm Phillips, ngay phía nam Hồ Tahoe, và chỉ tìm thấy lớp tuyết dày 6cm, nơi lẽ ra phải hàng mét.

    Một trận siêu hạn hán đang khiến các bang miền Tây ngày càng khô hạn hơn. Trong đó có một số hồ chứa quan trọng nhất của Mỹ, bao gồm cả Hồ Mead và Hồ Powell, đang cạn kiệt ở mức thấp lịch sử.

    Tình trạng khô hạn ngày càng nghiêm trọng đã khiến nguồn nước tại nhiều khu vực trở nên căng thẳng, và các quan chức đã cảnh báo người dân nên lưu ý đến việc sử dụng nước của họ.

    Biến đổi khí hậu và hoạt động của con người đang góp phần gây ra những đợt hạn hán ngày càng khốc liệt hơn. Nông dân chăm sóc cây trồng và vật nuôi đang gặp khó khăn, và các hạn chế sử dụng nước đang ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ.

    TQ (nguồn: CNN, AP, Gizmodo)

  • Những hình ảnh vệ tinh được chụp từ ngoài không gian bởi NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) cho thấy tác động của đợt nắng nóng mới nhất đã khiến nước Anh trở nên khô cằn và chuyển sang gam màu nâu so với cảnh quan phần lớn màu xanh hồi tháng 7/2021, theo tờ Daily Mail.

    Cụ thể, những thiệt hại do thời tiết nắng nóng chưa từng có đã được thể hiện rõ ràng trong các hình ảnh do NASA chụp lại. Người dẫn chương trình thời tiết kiêm nhà khí tượng học Dan Holley của đài BBC đã chia sẻ trực tuyến những hình ảnh này.

    bien doi khi hau chup tu ve tinh 1
    Ảnh vệ tinh chụp một khu vực ở Anh hồi năm 2021. (Nguồn: NASA)

    bien doi khi hau chup tu ve tinh 1
    Ảnh chụp sau khi Anh trải qua đợt nắng nóng mới đây. (Nguồn: NASA)

    Bức ảnh chỉ ra rằng khung cảnh xanh tươi rộng lớn của nước Anh đã bị biến đổi thành địa hình khô cằn sau khi trải qua đợt nắng nóng trong tuần vừa rồi.

    Nhiệt độ ở Anh đã tăng lên mức cao kỷ lục, lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mốc 40 độ C. Nhiệt độ cao nhất trong lịch sử là 40,3 độ C đã được ghi nhận tại Coningsby vào ngày 19/7, cao hơn tới 1,5 độ C so với kỷ lục trước đó là 38,7 độ C được ghi nhận vào năm 2019.

    Cái nóng như thiêu đốt đã khiến Cơ quan Khí tượng Anh (Met Office) đưa ra cảnh báo đỏ đầu tiên về nhiệt độ cực cao, có nghĩa là có đe dọa đến tính mạng. Các chuyên gia dự đoán hàng nghìn người có thể tử vong trong các sự cố liên quan đến nắng nóng. Nhiệt độ như thiêu đốt cũng đã làm bùng phát ​​hàng chục vụ cháy rừng trên khắp đất nước, tràn qua các vùng nông thôn của Anh.

    Đã xảy ra ít nhất 28 vụ cháy rừng ở Anh vào ngày nóng nhất trong năm (19/7). Hàng trăm lính cứu hỏa trên khắp nước Anh đã phải vất vả kiểm soát các trận cháy rừng đang hoành hành.

    Những cơn gió nóng trong thời tiết 40,3 độ C đã khiến một đám cháy kinh hoàng lan về phía làng Wennington. Bất chấp những nỗ lực hết mình của 100 nhân viên cứu hỏa, có tới 19 ngôi nhà ở Wennington đã bị thiêu rụi trong ngọn lửa. Một số gia đình sau đó cho biết họ đã mất tất cả trong vụ cháy rừng.

    Số vụ cháy rừng trên khắp đất nước đã khiến các nhân viên cứu hỏa đưa ra cảnh báo cho người dân rằng cháy rừng có thể sẽ bùng phát ba năm một lần.

    Ông Mike Kendon tại Met Office cho hay: “Nhiệt độ vào ngày 18/7 rất cao rồi lại tăng thêm từ 2 đến 4 độ C vào ngày 19/7, khiến ngày này nóng chưa từng có trong lịch sử Anh”.

    Theo Trithucvn

  • Nhiều ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong ngày nắng nóng nhất lịch sử Vương quốc Anh, người dân địa phương lo sợ đó chỉ là một dấu hiệu cho thấy những điều tồi tệ hơn sắp ập đến.

    Cái nóng oi bức không thể ngăn bà Eileen Hilton, 53 tuổi, chăm sóc làn da rám nắng của mình trong khu vườn phía sau nhà ở Dagenham, phía đông London, vào thứ ba tuần trước (19/7). Đó cũng là ngày Vương quốc Anh ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong lịch sử.

    Khi mặt trời chiếu xuống khu vườn nhà Hilton, mùi khói bao trùm không khí. Bà Hilton tưởng rằng hàng xóm của mình đang nhóm lửa. Tuy nhiên, những gì diễn ra tiếp theo còn tồi tệ hơn nhiều.

    "Cảnh sát có mặt ở khắp mọi nơi, đập cửa và la hét: ‘Ra ngoài ngày’'", bà Hilton nói về sự hỗn loạn sau đó.

    Đám cháy được cho là bùng phát từ một công viên, lan sang các ngôi nhà lân cận và tràn qua đường phố nơi bà Hilton sinh sống. Theo các quan chức địa phương, vụ hỏa hoạn đã phá hủy 14 ngôi nhà và làm hư hại thêm 6 ngôi nhà trong khu vực, biến khu phố này thành "nạn nhân" mới nhất dưới thời tiết khắc nghiệt ở London.

    Song đó chỉ là một trong số hàng trăm ngọn lửa bùng phát trên khắp London vào tuần trước. Thành phố này vốn không được trang bị để thích ứng với nhiệt độ cao và hiếm khi có hiện tượng cháy rừng.

    mat tat ca o london 1
    Xe hơi và nhà cửa bị thiêu rụi sau khi đám cháy tàn phá Dagenham hôm 19/7. Ảnh: CNN.

    Thời tiết cực đoan

    Các đám cháy quanh thủ đô đã phá hủy hàng chục cửa hàng và nhà ở. Đội cứu hỏa London mô tả thứ ba tuần trước (19/7) là ngày bận rộn nhất kể từ Thế chiến II, đồng thời tuyên bố rằng các vụ cháy là một ví dụ khác cho thấy "chúng ta đang ngày càng bị thách thức bởi thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu".

    Các nhà khoa học khí hậu cho biết thời tiết mùa hè khắc nghiệt là một phần xu hướng trong toàn khu vực. Theo một nghiên cứu công bố vào đầu tháng 7, các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn trên khắp châu Âu trong 4 thập kỷ qua.

    Sự nóng lên toàn cầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhiệt độ trung bình đã tăng ít nhất 1,1 độ C kể từ cuối thế kỷ 19, do sự gia tăng lượng khí thải CO2 và khí nhà kính.

    Vào ngày 25/7, các cơ quan cứu hỏa đã thông báo về một sự cố lớn ở Surrey, quận phía tây nam London. Các quan chức địa phương cũng kêu gọi người dân hủy bỏ tiệc nướng.

    "Chúng tôi không thể đối phó với số lượng đám cháy bùng phát trên toàn thành phố do đợt nắng nóng mà chúng tôi đang trải qua", Thị trưởng London Sadiq Khan nói với Sky News.

    Khi các phóng viên CNN đến thăm Dagenham, nơi bà Hilton sinh sống, khung cảnh giống như một khu chiến sự. Những chiếc ôtô bị nóng chảy trơ khung kim loại, nhà cửa sập sệ, cửa sổ đen kịt, và thùng rác chỉ còn là những cục nhựa.

    Khoảng 200 cư dân đã được sơ tán khỏi khu vực này vào ngày 19/7, đưa đến các khách sạn và nơi trú ẩn khẩn cấp, Darren Rodwell, lãnh đạo quận Barking và Dagenham, nói với CNN.

    Tại công viên The Leys, khu vực được cho là điểm bùng phát đầu tiên, ông Rodwell nhìn ra cánh đồng màu tro bị đốt cháy, và cảnh báo rằng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.

    "Chúng tôi đã thấy lũ lụt hàng loạt trong hai năm qua, với khoảng 20 trận lũ trong một ngày, điều chưa từng có trước đây. Đó là sự nóng lên toàn cầu", ông nói. "Và chúng tôi vừa trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử, một lần nữa, có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu".

    Ông Rodwell lo ngại Barking và Dagenham không đủ khả năng thích ứng với những gì sắp xảy ra.

    “Chúng tôi luôn có thời tiết khá ôn hòa, dù vào mùa hè hay mùa đông, nhưng giờ đây chúng tôi cần chuẩn bị để đối mặt với nhiều điều kiện khắc nghiệt. Cơ sở hạ tầng ở quận này đã khoảng 100 năm tuổi. Chúng tôi cần đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng của thế kỷ 21", ông nói.

    Các tòa nhà ở Anh từ lâu được thiết kế để giữ nhiệt nhằm chống chọi với mùa đông lạnh giá. Nhưng khi mùa hè dần nóng hơn, một số ngôi nhà đang trở nên khó chịu hoặc thậm chí nguy hiểm. So với các thành phố như New York, các tòa nhà văn phòng và trung tâm công cộng ở London hiếm khi có hệ thống điều hòa.

    Lực lượng cứu hỏa Anh cũng cảnh báo về việc thiếu chuẩn bị trước tình trạng nhiệt độ tăng cao. Liên đoàn Cứu hỏa cho biết trong hơn một thập kỷ, sự thiếu hụt tài chính đã ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của cơ quan này.

    "Nhân viên cứu hỏa là tuyến đầu ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về khí hậu. Nhu cầu công việc ngày càng tăng, nhưng 11.500 lính cứu hỏa đã bị cắt giảm kể từ năm 2010”, cơ quan này cho biết.

    “Chúng tôi đã mất tất cả”

    Barking và Dagenham có nhiều không gian xanh hơn bất kỳ quận nào khác. Tuy nhiên, những bãi cỏ trải rộng đó đã trở thành mồi lửa trong đợt nắng nóng.

    Thời tiết khô, nóng vào tháng 7 đã gây ra nhiều đám cháy ở công viên The Leys. Zoya Shumanska, 32 tuổi, nói với CNN: "Đám cháy đã được kiểm soát” nhưng những gì xảy ra hôm 19/7 “hoàn toàn gây sốc".

    mat tat ca o london 1
    Nhà của Zoya Shumanska ở Dagenham đã bị thiêu rụi trong đám cháy. Ảnh: CNN

    Khi Lyuben Velov, chồng của Shumanska, về nhà vào ngày hôm đó, anh nhận thấy các con đường bị phong tỏa và khói lửa bốc lên từ công viên.

    "Tôi đi ra sau nhà, lớn tiếng nói với cảnh sát và lính cứu hỏa rằng con chó của tôi đang ở bên trong, và liệu họ có thể cứu nó không", Velvov nói và cho biết thêm không ai nghe thấy anh. Do đó, anh "quyết định tự nhảy vào".

    Velov cho biết hai lính cứu hỏa đã theo sau anh, vượt qua hàng rào và giúp anh phá cửa. "Nếu họ không giúp tôi, tôi đã không thể cứu con chó của chúng tôi. Tôi rất cảm ơn", anh nói.

    Shumanska nghe tin nhà của họ bị thiêu rụi khi đang chờ lên chuyến bay đến Bulgaria. Cú sốc khiến cô bỏ lại túi xách ở sân bay, nhưng sau đó cô đã lấy lại đồ đạc và cố gắng tiếp tục chuyến bay. Cô bật khóc khi lên máy bay.

    "Tôi yêu ngôi nhà này", Shumanska chia sẻ với đôi mắt ngấn lệ trong cuộc gọi video từ Bulgaria. "Chúng tôi mua nó khi tôi 21 tuổi, lúc đó, mọi người nói với tôi rằng 'bạn không thể mua một ngôi nhà vì họ sẽ không cho bạn thế chấp'".

    Bất chấp lời khuyên của những người khác, Shumanska và Velov đã mua ngôi nhà hai tầng khoảng một thập kỷ trước. "Ngôi nhà này là một thành tựu thực sự lớn đối với tôi, vì vậy, chúng tôi muốn xây dựng lại nó" với sự giúp đỡ từ công ty bảo hiểm, cô nói.

    Dù mất nhà, Shumanska và gia đình vẫn "cố gắng suy nghĩ tích cực". "Chúng tôi đã mất tất cả mọi thứ, nhưng chúng tôi vẫn an toàn, chúng tôi vẫn còn sống", cô chia sẻ.

    Zing (theo CNN)

  • Nhiều loài động vật đã trở thành nạn nhân của đợt siêu nắng nóng tại Anh. Hiện tượng này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều loài, làm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên.

    Gần đây, các trung tâm cứu hộ động vật nhận được vô số cuộc gọi đến, hiện tượng chim rơi từ trên trời và động vật trong các khu bảo tồn thiên nhiên chết khô do đợt nắng nóng nghiêm trọng ảnh hưởng.

    Thiệt hại lớn

    Các chuyên gia lo ngại rằng nhiệt độ cao kỷ lục có thể khiến số lượng côn trùng suy giảm, trong đó ong nghệ và bướm là những loài bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

    Nhím, chim non, cáo con và rắn cỏ bị mất nước là một số loài bị tổn thương được Hội Hoàng gia Bảo vệ động vật (RSPCA) cứu hộ, đồng nghĩa rằng mức độ thiệt hại trong điều kiện nhiệt độ 40 độ C là rất lớn.

    song nhiet anh huong den thien nhien 1
    Một con cú mất nước đang được chăm sóc tại một trung tâm chăm sóc động vật hoang dã ở Pháp. Ảnh: AFP.

    “Đường dây nóng của chúng tôi bận rộn hơn bình thường. Hôm 25/7, chúng tôi đã nhận được 7.186 cuộc gọi, gia tăng đột biến so với 4.416 cuộc gọi vào ngày 24/7”, Evie Button, phụ trách khoa học tại bộ phận động vật hoang dã tại RSPCA cho biết.

    Đã có nhiều báo cáo về những con chim bay rơi khỏi bầu trời ở London. Tổ chức Cứu hộ Động vật Hoang dã Oxfordshire gần Didcot cho biết họ không thể nhận thêm bất kỳ con vật nào nữa khi đợt nắng nóng xảy ra.

    Ông Button chia sẻ: "Thường thì bạn sẽ không trực tiếp nhìn thấy tác động của những hiện tượng như thế này vì bản chất của động vật hoang dã là trốn đi khi chúng bị bệnh hoặc bị thương. Chỉ khi chúng ở trong tình trạng rất tồi tệ, mọi người mới nhìn thấy và gọi cho cứu hộ".

    Trường hợp phức tạp nhất phải kể đến trận cháy rừng ở khu bảo tồn Wild Ken Hill ở Norfolk, nơi có 33 ha cây chà là cháy; tổ của chim cu gáy, chích châu châu và chích sậy đều bị thiêu rụi.

    Các chuyên gia nói rằng loài bò sát và lưỡng cư có thể chết cháy, còn hầu hết loài chim thoát nạn, trừ những loài làm tổ vào cuối mùa.

    Ông Dominic Buscall, quản lý dự án nhận xét: "Tôi thấy một số chim mẹ bay ngược vào đám cháy, có lẽ đó là bản năng mạnh mẽ của chúng. Tôi lo ngại tình trạng này sẽ tái diễn trong năm nay. Thời tiết rất khô, giờ mới chỉ là giữa tháng 7 nhưng không có dự báo mưa trong tuần này".

    Bắt đầu thay đổi hành vi

    Những điều đang diễn ra tại Anh chỉ là một phần của bức tranh lớn, khi các đợt nắng nóng xảy ra ngày càng nhiều do áp lực của khủng hoảng khí hậu. Châu Âu thời gian qua như bị thiêu đốt, hỏa hoạn đã xảy ra ở một số nước như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Pháp. Theo dự báo, các đợt nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên gấp 12 lần vào năm 2040 so với mức bình thường.

    Động vật trên khắp thế giới đang thay đổi hành vi để thích nghi với thời tiết. Nghiên cứu cho thấy gấu xám ở Alberta, Canada đang tìm thảm thực vật kín, có bóng râm để tránh nóng trong khi gấu nâu ở Hy Lạp hoạt động mạnh hơn vào ban đêm. "Những kẻ sống sót" sẽ là những loài động vật chịu được trận nắng nóng nhưng sẽ bị tác động tiêu cực như bệnh tật và giảm tăng trưởng.

    John Spicer, giáo sư về động vật biển tại Đại học Plymouth, cho biết khu vực thủy triều của cảng Plymouth, nơi kiếm ăn thường xuyên của cua ẩn sĩ và sò khi thủy triều xuống, đã thưa thớt hơn trong đợt nắng nóng. Những con cua còn ở lại đó trông chậm chạp, một số không phản ứng.

    Ông Spicer cho biết: “Động vật ở trong vùng triều tỏ ra rất ì ạch" . Ông quan sát thấy những con bọ nhảy cát phải chờ hết nóng thay vì tái tạo chất dinh dưỡng, và thi thoảng sẽ có đợt hàng trăm con chết khô.

    Ông nói thêm: “Nếu chúng sống sót sau áp lực nhiệt này, chúng có thể bị tổn thương hoặc nguồn năng lượng sẽ chuyển thành nguồn duy trì sức lực thay vì tăng trưởng và sinh sản".

    Ngay bên ngoài Plymouth, ba loài rong biển quen thuộc đã bị sức nóng ảnh hưởng. Giáo sư Spicer chia sẻ: “Những sinh vật sống cố định, không thể di chuyển thường bị tác động nhiều nhất, như con hà, trai, bọt biển hay hải quỳ".

    Đã có báo cáo về những con bướm lông tím quý hiếm liều mình từ ngọn cây sồi xuống ao để cấp thêm độ ẩm. Nước Anh lo ngại rằng đợt nắng nóng sẽ thiêu rụi những loài cây là thức ăn của côn trùng này, giết chết sâu bướm non, gây ra sự suy giảm nghiêm trọng ở một số loài.

    Dave Goulson, giáo sư sinh học tại Đại học Sussex, cho biết ong nghệ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng có kích thước lớn và có lớp lông xù để phù hợp sống trong môi trường mát mẻ. Ở nhiệt độ 40 độ C, chúng sẽ rất khó đi kiếm ăn.

    Giáo sư Goulson nói: “Chúng sẽ bị nóng và không thể bay. Điều này giống như việc bạn phải liên tục vỗ cánh 200 lần/giây trong khi mặc một chiếc áo khoác lông thú". Ong nghệ có dự trữ thức ăn trong tổ để tồn tại trong vài ngày, nhưng chúng sẽ chết nếu thời gian kéo dài thêm.

    Đối với một số loài ong nghệ Anh, rất khó để tồn tại khi nhiệt độ tăng thêm 2 độ C. Theo kịch bản tốt nhất, sẽ có 7 loài ong nghệ cơ bản được dự đoán không thể tồn tại ở nhiều vùng đất thấp tại Anh.

    Nhìn chung, bò sát và côn trùng là loài động vật thuộc nhóm nhiệt đới, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì chúng không thể kiểm soát thân nhiệt. Những loài sống ở các thành phố mà chịu hiệu ứng đảo nhiệt sẽ chịu nhiệt độ khắc nghiệt hơn.

    Giải pháp cuối cùng

    Nhà sinh thái học Natalie Pilakouta từ Đại học Aberdeen, cho biết: “Môi trường tự nhiên có nhiều cây cối, thảm thực vật và các vùng nước, sẽ tạo nhiều không khí mát mẻ và bóng râm". Vì vậy theo bà, chúng ta nên đặt máng ăn trong vườn, trạm cấp nước và bể nước để giúp động vật hoang dã vượt qua đợt nắng nóng.

    Ông Mike Morecroft, tác giả báo cáo của IPCC về Biến đổi khí hậu 2022, đề xuất các nhà bảo tồn nên tạo ra những cảnh quan có thể chịu được sóng nhiệt tốt hơn. Ông nói: “Điều chúng tôi rất quan tâm là cố gắng một cách thận trọng nhắm vào việc bảo tồn những nơi gọi là vùng biệt cư khỏi biến đổi khí hậu. Ngoài ra, những nơi gần bờ biển sẽ mát hơn, nên biển là vùng đệm cho sự dao động của nhiệt độ".

    Việc kết hợp nước vào cảnh quan sẽ đem lại khả năng chống chịu nhiệt tốt trong mùa hè khô nóng và tích trữ nước trong trường hợp lũ lụt. Điều này sẽ giúp ngăn chặn cháy rừng và giảm tác động của hạn hán khi thời tiết nắng nóng cao vọt. Bởi vì hạn hán, nắng nóng và cháy rừng đều xảy ra cùng một lúc, thật khó để phân biệt tác động của từng loại.

    Tuy nhiên, cắt giảm khí nhà kính khẩn cấp mới là ưu tiên hàng đầu. Spicer cho biết các chiến lược giảm thiểu và thích ứng rất có ý nghĩa và mang lại niềm tin cho chúng ta, nhưng sẽ không ngăn cản được "vụ va chạm" sắp tới.

    “Tốc độ chúng ta va vào bức tường được xác định bởi lượng khí nhà kính thải ra. Vấn đề là cách chúng ta tránh vụ va chạm đó ra sao mà là chúng ta muốn di chuyển với tốc độ như thế nào. Cắt giảm khí nhà kính mới là điều nên làm, ngay cả khi phải đánh đổi", ông nói.

    Theo Zing

  • Việc bật điều hoà cả ngày giữa cái nắng nóng cao độ ở Vương quốc Anh lúc này có thể khiến các hộ gia đình phải “đau ví”.

    Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, người tiêu dùng ở Vương quốc Anh sẽ phải trả hơn 18 bảng Anh (tương đương 22 USD) nếu bật điều hoà suốt 24 tiếng.

    Và với một quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử trải qua mức nhiệt vượt ngưỡng 40 độ C, những khoản chi phí phụ trội này có thể xuất hiện thường xuyên hơn.

    Theo dữ liệu do Uswitch.com cung cấp, tiền điện trả cho một chiếc điều hòa không khí 2,7 kW đã tăng 45% trong 2 năm qua. Đối với loại quạt để bàn ít tốn điện hơn cũng có mức tăng tương tự kể từ năm 2020.

    dieu hoa nhiet do xa xi 1
    Số tiền phải trả khi sử dụng các thiết bị làm mát suốt 24 giờ qua các năm. Nguồn: Uswitch.com.

    Nắng nóng ập đến trong một thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với Vương quốc Anh. Một cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt đang siết chặt túi tiền của các hộ gia đình Anh. Trong khi đó, cuộc xung đột ở Ukraine khiến hoá đơn điện, gas tăng cao. Việc tăng cường sử dụng điều hoà để xua bớt cái nóng sẽ chỉ gây thêm áp lực cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

    Sarah Broomfield, chuyên gia tiết kiệm năng lượng tại Uswitch.com, cho biết: "Với giá năng lượng tăng vọt trong năm qua, các hộ gia đình phải chi nhiều tiền hơn trong việc làm mát".

    Tuy nhiên, chi phí đắt đỏ dường như không thể ngăn cản người dân Anh chi tiền mua các thiết bị làm mát. Tính đến ngày 15/7, Argos đã bán được hơn 2,420% số máy điều hòa không khí so với tuần trước đó.

    Doanh số bán hàng tại cửa hàng điện máy Robert Dyas cũng đã tăng vọt kể từ đầu đợt nắng nóng. Phát ngôn viên của công ty cho biết đại đa số khách mua trực tiếp tại cửa hàng vì họ muốn xua tan cơn nóng ngay lập tức.

    Nắng nóng chưa từng có làm đảo lộn cuộc sống tại Anh

    Ngày 18/7, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) lần đầu tiên ban hành cảnh báo "đỏ" để người dân đề phòng nắng nóng kinh hoàng trên khắp cả nước. Các chuyên gia khí hậu cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ làm gia tăng tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nhiều nghiên cứu cho thấy mức nhiệt trên 40 độ C của Anh hiện cao hơn gấp 10 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp.

    Cái nóng đang làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của người dân Vương quốc Anh. Các chuyến bay bị hoãn vì nhiệt độ cao khiến đường băng bị chảy nhựa. Các nhà vận hành đường sắt cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, do lo ngại sức nóng sẽ khiến đường ray giãn nở, gây ra hiện tượng cong vênh nguy hiểm.

    dieu hoa nhiet do xa xi 1
    Hầu hết các ngôi nhà ở Vương quốc Anh không có máy điều hòa nhiệt độ, điều này khiến người dân phải cố gắng giảm nhiệt bằng nhiều cách khác nhau. Ảnh: Gary Williams/Twitter.

    Để đối phó với nắng nóng chưa từng có, người dân Anh đã sáng tạo ra nhiều cách để giữ mát. Ông Gary Williams sống ở London tìm cách hạ nhiệt cho căn nhà của mình bằng cách dán giấy bạc vào cửa sổ. Ông cho biết chỉ cần trong nhà giảm đi vài độ thì cách gì ông cũng thử.

    Giống như hầu hết các ngôi nhà khác ở Anh, nhà của Williams không có điều hoà làm lạnh. Sau khi thấy hàng xóm dán giấy bạc ở cửa sổ và tìm hiểu trên mạng, ông quyết định thử nghiệm cách này. Nhưng đây không phải là giải pháp hoàn hảo.

    Bên cạnh việc dán giấy bạc lên cửa sổ, người dân Anh còn áp dụng nhiều cách để hạ nhiệt mà không dùng đến điều hoà, chẳng hạn như đóng cửa chớp, đặt chai nước lạnh trước quạt…

    Williams nói: "Thành phố của chúng tôi không được xây dựng để chịu mức nhiệt như thế này. Thành phố London được xây để sưởi ấm cho mùa đông lạnh giá. Về cơ bản, mùa thu có sương mù, còn mùa xuân và mùa hè thì ẩm ướt".

    Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ phải tìm ra cách tiếp cận hoàn toàn mới để đối phó với nắng nóng ở thành phố trong tương lai".

    Theo Trí Thức trẻ

  • Kiến trúc nhà cửa chống lạnh đặc trưng và không lắp điều hòa ở Anh khiến Thanh Tú cảm nhận rõ sự oi bức khi nắng nóng thiêu đốt châu Âu.

    "Tôi phải sắm thêm quạt, bởi ở Anh rất hiếm điều hòa, nếu dùng thì tiền điện chắc chắn cao ngất ngưởng", Thanh Tú, người Việt đã sinh sống 7 năm ở London, thủ đô Anh, nói với VnExpress về cảm nhận trong đợt nắng nóng kỷ lục đang tấn công nước này và nhiều quốc gia châu Âu.

    Cơ quan Khí tượng Anh hôm 19/7 ghi nhận nhiệt độ 40,2 độ C, mức cao nhất mọi thời đại ở nước này. Tình trạng nắng nóng diện rộng khiến phần lớn nước Anh và xứ Wales phải ban bố báo động đỏ. Một số tuyến đường sắt, đường bộ phải đóng cửa do thanh ray biến dạng, nhựa đường nóng chảy dưới nhiệt độ cao.

    noi kho khong dieu hoa 1
    Một người phụ nữ che chắn dưới nắng nóng ở cầu Millennium, London, Anh hôm 18/7. Ảnh: Reuters.

    Các công trình giao thông công cộng ở quốc gia ôn đới như Anh thường được thiết kế để chống chịu nhiệt độ tối đa 27 độ C vào mùa hè. Nhà cửa ở đây cũng được xây dựng với các vật liệu chủ yếu để chống lạnh vào mùa đông, nên cảm giác oi bức, bí bách trong những ngày nắng nóng càng trở nên rõ rệt, Thanh Tú nói.

    Các nước tây nam châu Âu đang phải hứng chịu đợt sóng nhiệt thứ hai của mùa hè, với sức nóng kỷ lục được mô tả như "hỏa ngục", gây ra cháy rừng diện rộng. Nhiều người dân bản địa tại các nước Anh, Pháp cho biết đây là lần đầu tiên trong đời họ chứng kiến đợt nắng nóng khốc liệt như vậy.

    "Nhiệt độ thủ đô Paris hôm nay hơn 40 độ C. Những năm trước, thời tiết vào buổi tối sẽ mát hơn, nhưng trời đêm hiện nay ở Paris cũng rất ngột ngạt", Marc, nhân viên văn phòng 27 tuổi sống tại Paris, Pháp, ngày 19/7 cho biết. "Rất khó ngủ với thời tiết như vậy, đặc biệt là khi điều hòa không phổ biến rộng rãi ở Pháp".

    Nước Pháp đang đối mặt với đợt nắng nóng cao điểm, khiến 15 khu vực được đặt trong tình trạng báo động nhiệt ở mức cao nhất. Marc cho hay hầu hết nhân viên công sở ở Paris phải làm việc mà không có điều hòa. "Nhiệt độ quá cao nên càng bật quạt điện càng nóng, như phun ra lửa, cực kỳ khó chịu", anh nói.

    Tình hình nghiêm trọng hơn ở Tây Ban Nha, khi sóng nhiệt kéo dài gây ra hàng loạt đám cháy rừng quy mô chưa từng có. "Như đổ thêm dầu vào lửa vậy. Cực kỳ nóng, đỉnh nhiệt có lúc chạm mức 50 độ C", Đức Thành, du học sinh Việt tại khu Callao, thủ đô Madrid, mô tả về thời tiết nơi mình đang sống.

    "Đáng sợ nhất là khi bước ra từ tàu điện ngầm, một người bạn đi cùng tôi đã ngất tại chỗ, phải nghỉ ngơi cả tiếng để hồi phục", Đức Thành kể. "Do sống ở nước ôn đới, người Tây Ban Nha cũng không có thói quen dùng điều hòa và thường sử dụng quạt máy, nên ở nhà hay ngoài đường đều rất nóng".

    Hơn 600 thành viên lực lượng ứng phó tình trạng khẩn cấp thuộc quân đội Tây Ban Nha đã được triển khai để giúp đỡ lực lượng cứu hỏa và kiểm lâm ứng phó với hàng chục vụ cháy rừng trên toàn quốc. Bộ Y tế nước này cảnh báo "nắng nóng gay gắt" có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

    Sam, 28 tuổi, sống ở Madrid, cho biết chưa bao giờ chứng kiến cháy rừng hoành hành diện rộng như vậy trên toàn quốc, khiến không khí càng trở nên nóng bức.

    "Gia đình tôi đã phải sắm điều hòa, thứ cực kỳ thiết thực trong những ngày này, song không thể phụ thuộc hoàn toàn vào nó vì giá điện hiện rất đắt đỏ", Sam nói. "Chúng tôi thường kéo rèm xuống để ngăn ánh nắng chiếu vào nhà, hạn chế bật đèn để tạo cảm giác mát mẻ hơn. Tôi còn đắp khăn ướt vào sau gáy để giải nhiệt".

    noi kho khong dieu hoa 1
    Người dân giải nhiệt tại đài phun nước ở Seville, Tây Ban Nha, ngày 12/7. Ảnh: AFP

    Nhiều người Việt sống ở châu Âu cho rằng đợt nắng nóng bất thường nay ảnh hưởng lớn tới dân bản địa do họ chưa kịp thích nghi với nhiệt độ tăng nhanh như vậy vào mùa hè. Với những người đã quen với thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam, đợt nắng nóng ở châu Âu vẫn "chưa là gì".

    Tại Paris, trong khi Marc, một người bản địa, cảm thấy khó chịu vì quá nóng cả ngày lẫn đêm, chị Quỳnh Anh cho rằng nhiệt độ buổi tối ở thủ đô Pháp vẫn "mát mẻ, có khi rét". Đức Thành cũng có chung cảm nhận, nói rằng có thể mở cửa sổ vào ban đêm ở Madrid để tận hưởng không khí mát hơn, dù ban ngày nắng như thiêu đốt.

    Tuy nhiên, cả người bản địa và Việt kiều ở châu Âu đều đồng tình rằng đây là hình thái thời tiết cực đoan bất thường, làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu.

    "Trước đây, mùa hè thường ngắn hơn mùa đông, song do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng ở Áo hiện nay bắt đầu từ tháng 4, kéo dài đến tháng 9 mới giảm", Đinh Thị Minh Châu, thạc sĩ khoa học chính trị tại thủ đô Vienna, cho biết.

    Chị Châu cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu này khiến các công trình ở Áo nói riêng và châu Âu nói chung, vốn sử dụng vật liệu truyền thống và kiến trúc phù hợp với các hệ thống sưởi, không thích ứng được với mô hình nắng nóng cực đoan.

    Giới khoa học nhận định các đợt sóng nhiệt đang xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. "Chúng tôi dự đoán sóng nhiệt sẽ nghiêm trọng hơn", Clare Nullis, phát ngôn viên Tổ chức Khí tượng Thế giới, cho biết trong cuộc họp báo ngày 12/7 ở Geneva. "Đi kèm nắng nóng là hạn hán. Nhiều vùng đất đang cực kỳ khô cằn".

    Các nhà nghiên cứu của Ủy ban châu Âu hôm 18/7 cho biết 46% lãnh thổ EU đã bị hạn hán ở mức cảnh báo và 10% ở mức báo động.

    Sam, sống tại Madrid, cho biết Tây Ban Nha nổi tiếng là đất nước "ấm áp và đầy nắng", nhưng tình trạng sóng nhiệt cực đoan diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn mỗi năm là điều không thể xem thường. "Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực lớn đến chúng ta, sẽ không có cách nào ngăn những đợt sóng nhiệt tương tự trong tương lai nếu không sớm có cách ứng phó", anh nói.

    Theo VnExpress

  • Đợt nắng nóng bất thường đang càn quét khắp châu Âu và Mỹ, với nhiệt độ có thể đạt tới 45-46 độ C ở một số nơi.

    Một đợt nắng nóng lịch sử đang thiêu đốt Tây Âu, khiến hàng trăm người ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thiệt mạng. Nhiệt độ tăng vọt lên 46 độ C trên bán đảo Iberia trong điều kiện khô cằn, gây ra cháy rừng và khiến hàng nghìn người phải di tản ở Pháp.

    Nhiệt kế đạt đỉnh 100 độ F (38 độ C) ở Anh vào ngày 18/7 và dự kiến ​tăng cao hơn vào ngày 19/7. Lần đầu tiên, Cơ quan Khí tượng của Anh đưa ra “cảnh báo đỏ” về nhiệt, mức cảnh báo cao nhất, kéo dài đến ngày 19/7, ở Birmingham, Oxford, Nottingham và London.

    ban do mo ta bien doi khi hau 1
    Chênh lệch nhiệt độ so với bình thường vào đầu ngày 19/7 (giờ quốc tế). Ảnh: WeatherBell.

    Xứ Wales ghi nhận nhiệt độ kỷ lục vào ngày 18/9, và Anh có thể chứng kiến nhiệt độ lên tới 40 độ C trong ngày 19/7 (giờ địa phương).

    Cùng lúc đó, khắp nước Mỹ cũng đang bị một đợt sóng nhiệt càn quét, khiến nhiệt độ ở thành phố Salt Lake đạt kỷ lục vào hôm 17/7. Sức nóng ở Texas và Oklahoma dự kiến có thể lên tới 45 độ C trong ngày 19/7.

    Những đợt nắng nóng này được cho là một phần trong tần suất ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bất thường do biến đổi khí hậu gây ra.

    Các hoạt động của con người được cho là đang đẩy nhiệt lượng, vốn đã cao trong nhiều năm nay, lên mức kỷ lục, theo Washington Post.

    Dưới đây là một số bản đồ thời tiết minh họa nắng nóng cực đoan ở châu Âu và Mỹ, và bản chất lịch sử của chúng.

    Trời nóng hơn 20 độ C so với bình thường ở Anh

    ban do mo ta bien doi khi hau 1
    Ảnh: WeatherBell/Cơ quan Khí tượng Anh

    Nhiệt độ thường thấy trong một buổi chiều giữa tháng 7 ở Anh vào khoảng 20 độ C, nhưng nước này đã ghi nhận mức nhiệt lên tới 38 độ C và dự kiến còn tăng.

    Nhiệt độ tối đa được dự đoán ở Anh cho đến hết ngày 19/7 có thể đạt tới 40 độ C, phá vỡ kỷ lục 38,7 độ C trước đó ở Cambridge vào ngày 25/7/2019.

    Vào năm 2020, Cơ quan Khí tượng của Anh đã đưa ra dự báo rằng nhiệt độ như vậy sẽ trở nên phổ biến vào năm 2050 do biến đổi khí hậu.

    Nikos Christidis, một nhà khoa học khí hậu của Cơ quan Khí tượng Anh, cho biết: "Khả năng nhiệt độ vượt quá 40 độ C ở bất kỳ nơi nào trên nước Anh trong năm cũng đang tăng lên nhanh chóng. Ngay cả với cam kết hiện tại về cắt giảm khí thải, những hiện tượng cực đoan như vậy có thể diễn ra 15 năm một lần trong thế kỷ 21".

    Nhiệt độ trung bình cao chưa từng có

    Bản đồ bên dưới mô tả nhiệt lượng theo mô hình thời tiết châu Âu từ ngày 8/7 đến ngày 16/7. Bản đồ biểu thị sự biến nhiệt ở độ cao có áp suất khí quyển là 850 milibar, tức khoảng hơn 1 km so với mặt đất.

    Vùng nào có màu đỏ thẫm biểu thị "mức ghi nhận cao nhất". Nói cách khác, mô hình thời tiết này chưa bao giờ ghi nhận nhiệt độ cao đến mức trong tại cùng thời điểm trong một năm.

    ban do mo ta bien doi khi hau 1
    Đồ họa: PolarWX.com

    Một trong những đợt nắng nóng kinh hoàng nhất nước Anh xảy ra cách đây 46 năm. Dù không kéo dài bằng đợt nắng nóng năm 1976 với ​​15 ngày liên tiếp có nhiệt độ trên 32 độ C, đợt nóng năm nay được dự báo sẽ khốc liệt hơn. Nhiệt độ tối đa trong đợt nắng nóng năm 1976 là 35,9 độ C, trong khi con số đó năm nay được dự báo là 40 độ C.

    Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi xem xét đến mức độ nóng lên của khí hậu kể từ những năm 1970. Nhiệt độ trung bình ở Anh đã tăng lên hơn 0,5 độ C kể từ giữa thập niên 1970, theo Hiệp hội Hoàng gia.

    Bản đồ từ CoolWX.com bên dưới ghi nhận quan sát theo thời gian thực từ các trạm thời tiết ở Tây Âu và so sánh nó với dữ liệu lịch sử. Thời gian ghi nhận là từ khoảng 14h ngày 18/7 (giờ Anh). Mỗi chấm đỏ đánh dấu một thành phố phá kỷ lục mức nhiệt hàng ngày. Chấm màu tía đại diện cho một trạm thời tiết đang có hoặc phá vỡ nhiệt độ kỷ lục hàng tháng. Các chấm tròn màu đen có chữ “x” bên trong biểu thị vùng đạt hoặc vượt quá nhiệt độ cao nhất mọi thời đại.

    Một số vòng tròn đen có thể được nhìn thấy ở các vùng đông nam của nước Anh.

    Hôm 18/7, nhiệt độ ở xứ Wales đã tăng lên tới 37,1 độ C, mức cao nhất từng được ghi nhận. Con số 33 độ C ở Dublin đánh dấu nhiệt độ không khí cao nhất của Ireland trong thế kỷ 20 và 21.

    ban do mo ta bien doi khi hau 1

    Hàng loạt kỷ lục ở Mỹ

    Mức nhiệt từ 38 độ C trở lên hiếm khi xảy ra trên khắp nước Mỹ, từ cực nam giáp với Mexico cho đến biên giới phía bắc giáp Canada.

    Tuy nhiên, sức nóng vào ngày 18/7 đã đạt mức trên. Các vùng đồng bằng phía nam thậm chí được dự báo có thể chứng kiến mức nhiệt cao hơn trong ngày 19/7.

    Khoảng 40 triệu người ở 48 tiểu bang đang trong tình trạng cảnh báo về nắng nóng.

    ban do mo ta bien doi khi hau 1

    Nhiệt độ cao nhất lên tới 42,8 độ C được dự đoán ở vùng Dakota vào ngày 18/7, và ngày 19/3 có thể ghi nhận 44,4 độ C ở Thác Wichita, Texas. Mức nhiệt trên 38 độ C sẽ tiếp tục ít nhất cho đến hết tuần này.

    Nhiều kỷ lục đã được ghi nhận trên khắp nước Mỹ. Hôm 17/7, sức nóng ở thành phố Salt Lake đã leo lên 41,7 độ C, mức nhiệt cao nhất mọi thời đại ở thành phố này. Thành phố Dodge đạt 42,8 độ C trong cả hai ngày cuối tuần 16-17/7, nhiệt độ cao nhất từng được quan sát được trong mọi tháng 7. Ngay cả những vùng cận phía bắc hơn như Glasgow, mức nhiệt đã đạt 42,2 độ C vào ngày 18/7.

    Theo Zing

  • Ở một quốc gia vốn quen với thời tiết ôn đới, một đợt nắng nóng gay gắt đã tạo ra thách thức đối với cơ sở hạ tầng và khiến cuộc sống ở Anh bị tạm dừng.

    Tàu hỏa ở Anh đã chạy chậm lại rất nhiều. Các trường học và phòng khám đóng cửa. Bảo tàng Anh cũng đóng các phòng trưng bày của mình. Cung điện Buckingham đã hạn chế việc thay đổi lính canh, và chính phủ Anh kêu gọi người dân làm việc tại nhà.

    Vào ngày 18/7, nhiệt độ ở nhiều khu vực ở Anh đạt gần 38 độ C, trong khi Wales chứng kiến ngày nóng nhất từng được ghi nhận.

    Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà chức trách Anh phải ban hành “cảnh báo đỏ” về nắng nóng đối với hầu hết đất nước, theo New York Times. Nhiệt độ dao động quanh mức 37,5 độ C trên khắp London, cũng như miền Nam và vùng Midlands.

    nang nong o nuoc on doi 1
    Du khách đi ngang qua bảng cảnh báo về sự gián đoạn do nắng nóng khắc nghiệt tại ga Victoria ở London (Anh) hôm 18/7. Ảnh: AFP

    Không được thiết kế để chống chịu mức nhiệt khắc nghiệt

    Hầu hết tuyến tàu điện ngầm ở London đều không có điều hòa. Georgia McQuade, 22 tuổi, mang theo một chiếc vali nặng khi lên đường đến bến xe Victoria để trở về Paris.

    “Tàu điện ngầm ở London hiện giờ rất nóng. Nhưng tôi không muốn sử dụng Uber, vì việc sử dụng ôtô quá nhiều là nguyên nhân đầu tiên gây ra sức nóng này”, cô nói.

    Bên cạnh đó, cô dự kiến phải đối mặt với mức nhiệt thậm chí còn khắc nghiệt hơn ở Paris, vì một khối không khí nóng đã thiêu đốt Italy và Tây Ban Nha trong tuần qua, cũng như thổi bùng các đám cháy rừng ở Pháp và nhiều khu vực khác của châu Âu, trước khi tràn qua eo biển Manche.

    Ở những quốc gia quen thuộc hơn với nắng nóng, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được thiết kế để đối phó với mức nhiệt như vậy. Cơ thể con người cũng đã thích nghi hơn với cái nóng.

    Tuy nhiên, Anh lại là một quốc gia nổi tiếng với mây mù, mưa rào thường xuyên và có thời tiết ôn hòa. Ở đất nước này, những ngôi nhà được xây dựng để giữ ấm, và người dân cũng thích nghi theo cách tương tự.

    Một số chuyến tàu hỏa đã bị hủy bỏ, trong khi những chuyến khác giảm tốc độ vì sợ rằng đường ray có thể bị vênh. Sân bay Luton, phía bắc London, đã đóng cửa một thời gian ngắn sau khi nắng nóng gây ra "khiếm khuyết" trên đường băng, buộc các chuyến bay phải chuyển hướng.

    Ở London, các dây xích và bệ cầu Hammersmith trên sông Thames được bọc giấy bạc để che chắn khỏi ánh nắng Mặt Trời. Những đợt nắng nóng trước đây đã khiến các vết nứt trên sắt ngày càng rộng ra, làm dấy lên lo ngại rằng cây cầu có thể sụp đổ.

    Theo cơ quan cảnh sát London, một cậu bé 14 tuổi đã mất tích vào tối 18/7 và được cho là đã chết đuối khi bơi ở sông Thames, khi hàng nghìn người bất chấp cảnh báo và đổ xô đến nhiều vùng nước để trốn cái nóng.

    Bên cạnh đó, một phát ngôn viên cho biết Lực lượng Không quân Hoàng gia đã tạm dừng các chuyến bay ra vào căn cứ lớn nhất của họ như một biện pháp phòng ngừa, vì nhựa đường băng có thể đã tan chảy.

    Giới chức kêu gọi mọi người chỉ sử dụng phương tiện giao thông công cộng nếu cần thiết và làm việc tại nhà vào ngày 18-19/7. Tuy nhiên, rất ít ngôi nhà có điều hòa, buộc hàng triệu người phải lựa chọn giữa đường đi làm nóng nực hay làm việc tại ngôi nhà ngột ngạt.

    “Mối quan tâm trước mắt của chúng tôi là đưa đất nước vượt qua 36 giờ tới ở trạng thái tốt nhất có thể”, Kit Malthouse, Bộ trưởng Văn phòng Nội các, cho biết. Các nhà dự báo còn nhận định rằng ngày 19/7 sẽ còn nóng hơn nữa.

    Cách dân Anh đối phó với cái nóng

    Một số nhà phê bình cho rằng người Anh có thói quen phản ứng quá mức với thời tiết khắc nghiệt. Vào tháng 2, 9 công ty xe lửa đã hủy chuyến khi cơn bão Eunice ập vào đất nước với tuyết, mưa và gió mạnh. Máy bay, xe buýt và phà cũng gặp gián đoạn.

    Tuy nhiên, vào ngày 18/7, hầu hết người Anh đã đối phó với cái nóng theo nhiều cách, vốn được chứng minh theo thời gian.

    Các nhà bán lẻ ở Anh cho biết nhu cầu về quạt và điều hòa tăng vọt. Người phát ngôn của John Lewis, một trong những cửa hàng bách hóa lớn nhất nước Anh, hôm 17/7 cho biết doanh số bán quạt đã tăng hơn 250% trong tuần qua, so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán điều hòa không khí đã tăng hơn 525%.

    nang nong o nuoc on doi 1
    Người dân Anh đổ xô đến bãi biển để tránh nóng. Ảnh: New York Times.

    Có rất ít dữ liệu về số lượng ngôi nhà ở Anh có điều hòa không khí, nhưng trong ước tính tốt nhất, con số đó đạt gần 5%, theo một báo cáo năm 2021 từ Bộ Kinh doanh Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp.

    Giới chức cho biết bệnh viện và viện dưỡng lão là mối quan tâm đặc biệt, khi nhiều bệnh nhân lớn tuổi và nhóm người dễ bị tổn thương khác đang ở trong các tòa nhà không có điều hòa nhiệt độ. Các quan chức cũng kêu gọi không nên đóng cửa trường học vì điều này sẽ khiến trẻ em không được giám sát trong thời tiết nắng nóng.

    Mona Suleiman, 45 tuổi và bạn của bà - Zaina Al Amin, 40 tuổi - đang đợi xe buýt dưới ánh nắng chiều và chứng kiến nhiệt độ tăng dần đều.

    “Tôi không lo lắng về bản thân trong cái nóng này. Nhưng tôi lo lắng cho các con của mình”, bà Suleiman nói.

    Bà cho biết căn hộ của mình quá nóng. Mặc dù được khuyên nên giữ các con ở nhà nghỉ hè, bà quyết định gửi chúng đến trường vì nghĩ rằng ở đó có thể mát hơn.

    Những người khác ở London dường như ít bận tâm hơn, như bốn nghệ sĩ vẽ graffiti trên bức tường bên ngoài Trellick Tower, một tòa nhà chung cư cao tầng. “Không có gì đâu, anh bạn. Tôi sẽ lại đến đây vào ngày mai”, họ nói.

    Một số người London còn đi đến bãi biển để tránh cái nóng. Sam Darlaston và Imogen Duffin bắt chuyến tàu từ ga Victoria đến khu nghỉ mát ven biển Brighton. Cả hai quyết định nghỉ một ngày chỉ ngay trước thời điểm tàu khởi hành một tiếng.

    Anh Darlaston, một người dẫn chương trình, cho biết rất vui vì không phải quay lại trường quay ngột ngạt.

    Theo Zing