• Mấy năm gần đây, nhiều vùng quê nghèo ở Quảng Trị, vốn chẳng mấy phát triển về công nghệ thông tin, lại liên tục ồn ào vì những cậu trai tưởng như ngoan hiền bỗng bị công an về tận bắt giữ vì lừa đảo qua mạng.

    hacker quang tri 1
    Rất nhiều người bị kẻ gian tạo các website giả mạo chiếm tài khoản Facebook. ẢNH: SHUTTERSTOCK

    Số tiền lừa đảo cũng vượt xa sự tưởng tượng của dân làng, những người vốn chỉ kiếm đủ ăn qua hạt lúa, củ khoai, bởi nó lên tới tiền tỉ.

    Từ “cháu của ông chú Viettel” đến lừa đảo tiền tỉ

    Còn nhớ những năm 2014, 2015, trên mạng xã hội rộ lên chiêu lừa đảo “cháu của ông chú Viettel” khiến nhiều người sập bẫy vì thông tin mơ hồ rằng có “người nhà trong nội bộ Viettel” hoặc một số nhà mạng khác và hướng dẫn người truy cập thực hiện các thao tác để nhận được những khoản tiền khuyến mãi “khủng”.

    Và bất ngờ thay, một trong những nơi “khởi nguồn” cho trò lừa đình đám ấy lại là… Quảng Trị. Bởi ngày 8.1.2015, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP.Hà Nội, đã bắt tạm giam thanh niên lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn tự nhận có “ông chú Viettel” quê Quảng Trị là Đỗ Văn Dũng (khi đó mới 20 tuổi, ngụ H.Vĩnh Linh).

    hacker quang tri 1
    Một nhóm lừa đảo còn trong tuổi học sinh ở TX.Quảng Trị bị công an bắt giữ vào năm 2014. ẢNH: THANH LỘC

    Dũng đã lập ra các trang web napthe3s.com và thecao3s.com rồi đăng các thông tin về việc nạp thẻ cào điện thoại qua trang web này sẽ nhận được tiền gấp 10 lần giá trị thẻ nạp, tất nhiên không quên tự nhận là “cháu của ông chú Viettel”. Làng nhàng vậy nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Dũng đã chiếm đoạt tới 30 triệu đồng của nhiều người…

    Nhưng số tiền lừa đảo đó đến nay trở nên quá nhỏ với hàng loạt vụ lừa đảo khác mà một số thanh niên Quảng Trị thực hiện sau này.

    Gần đây và cũng là vụ “kinh điển” nhất, vào ngày 1.6, Công an tỉnh Bắc Ninh đã vào tận Quảng Trị bắt giữ nam sinh lớp 12 Cao Xuân Thái (sinh năm 2002, ở Bích La Đông, xã Triệu Thành, H.Triệu Phong), kẻ cầm đầu nhóm lập trình, tạo các website giả mạo chiếm tài khoản Facebook rồi lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng của hơn 100 người. Sáu bị can khác cùng bị khởi tố: Lê Viết Quý (26 tuổi), Cao Đăng Nhu (25 tuổi, cùng ngụ tỉnh Quảng Trị); Trịnh Minh Vương (30 tuổi), Nguyễn Văn Điền (23 tuổi), Lê Hữu Quý (27 tuổi) và Trịnh Hà Sơn Bình (34 tuổi, cùng ngụ Thừa Thiên-Huế).

    Cho đến nay, dân làng Bích La Đông, nơi Thái sinh ra, lớn lên, vẫn chưa hết choáng váng với số tiền mà Thái cùng đồng phạm chiếm đoạt, vì có giá trị bằng hàng trăm vụ lúa của cả thôn!

    Lập thành băng nhóm, lừa từ trong nước ra nước ngoài

    Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Quảng Trị), chỉ trong 3 năm trở lại đây lực lượng công an địa phương này đã phá hàng chục đường dây lừa đảo qua mạng tại địa phương, bắt giữ hàng chục thanh thiếu niên liên quan. Đó là chưa tính các vụ án riêng biệt do Bộ Công an hoặc công an các địa phương khác chủ động vào Quảng Trị bắt người.

    Điểm qua các thành phần đã sa lưới, hầu hết là nam sinh, tuổi đời còn rất nhỏ (từ 14 - 25 tuổi), từ học sinh phổ thông cho đến sinh viên cao đẳng, đại học. Trong đó không chỉ có những thành phần ăn chơi lêu lổng mà còn có cả... “con ngoan, trò giỏi” và hầu hết đều “khởi nghiệp” lừa đảo qua mạng chỉ vì mê game, muốn vài cái card, nhưng về sau quen mùi rồi thực hiện những cú lừa lớn. Hai địa phương được cho là “vùng nóng” của vấn nạn thanh niên tham gia lừa đảo qua mạng tại Quảng Trị là TX.Quảng Trị và H.Triệu Phong. Tại đây, lớp trước bị bắt lại xuất hiện lớp sau. Thậm chí, các hacker trẻ này còn thành lập những băng nhóm, tự mày mò “chuyển giao công nghệ” cho nhau...

    Ngày 29.5, Công an TX.Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) đã ra “hốt trọn ổ” nhóm lừa đảo, bắt giữ 6 nghi phạm gồm Phan Văn Linh, Nguyễn Văn Phương Nam, Nguyễn Trương Gia Huy (cùng 18 tuổi), Đỗ Trần Huyền Linh (35 tuổi), Nguyễn Trần Anh Quân (đều trú TX.Quảng Trị) và Nguyễn Xuân Tứ (25 tuổi, trú H.Triệu Phong, Quảng Trị). Nhóm này chuyên lập các tài khoản Facebook ảo, với danh nghĩa mua bán hàng online, nhưng qua đó sẽ đánh cắp thông tin cá nhân và mã OTP ngân hàng của nạn nhân để chiếm đoạt tiền. Một trong số các nạn nhân là chủ shop áo quần L.H (ở TX.Hương Trà), sau khi nhấp vào đường link do nhóm ngày gửi qua tin nhắn, yêu cầu truy cập và làm theo hướng dẫn để nhận tiền, đã mất 75 triệu đồng.

    hacker quang tri 1
    Ba thiếu niên quê Quảng Trị vừa bị Công an TX.Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) bắt giữ do lừa đảo qua mạng.

    Lừa trong nước chưa đủ, các nhóm hacker trẻ ở Quảng Trị còn lập mưu hack tài khoản của người Việt ở nước ngoài, để chiếm đoạt số tiền “khủng”. Vụ việc mà Công an H.Như Xuân (Thanh Hóa) khám phá vào cuối tháng 2.2020 là một điển hình; đã bắt giữ Lê Quang Nam (25 tuổi), Lê Đình Hưng (24 tuổi), Trần Minh Tịnh (26 tuổi, đều ở H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra cho thấy 3 thanh niên này câu kết với nhau để hack các tài khoản Facebook của trang cộng đồng người Việt tại Nhật Bản và Singapore bằng cách dò mật khẩu hoặc lập Facebook giả mạo có giao diện giống trang thật.

    Thông qua tài khoản giả mạo này, các nghi phạm đánh cắp mật khẩu, thông tin cá nhân, lịch sử trò chuyện của những người truy cập vào, sau đó mạo danh là chủ nhân của Facebook bị hack, gửi tin nhắn cho người thân của họ tại VN để vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại hoặc nhắn gửi tiền sang nước ngoài để đóng học phí, mua nhà, mua xe. Vì nhầm tưởng các nghi phạm là người thân của mình, rất nhiều người đã gửi tiền vào tài khoản ngân hàng do các nghi phạm đưa ra. Bằng thủ đoạn này, từ đầu tháng 1.2020 đến khi bị bắt, 3 thanh niên này đã lừa đảo hàng trăm người với tổng số tiền chiếm đoạt gần 4 tỉ đồng.

    “Trẻ, liều mạng và có chút tài vặt về công nghệ, sống vật vờ trên không gian mạng... là đặc điểm chung của những đối tượng này. Đối phó với loại tội phạm... ít ồn ào, trên không gian mạng rộng lớn, chưa bao giờ là điều đơn giản”, thiếu tá Trần Lê Hải, Phó phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Trị, nhận định.

    Theo Thanh Niên

  • EasyJet ngày 19.5 công bố đã phải chịu một cuộc tấn công mạng lớn từ một nguồn rất tinh vi.

    CNBC đưa tin, hãng hàng không EasyJet ở Vương quốc Anh, trong thời gian tạm dừng các đội bay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đã bị truy cập trái phép vào các hệ thống đang đóng cửa của họ.

    Một cuộc điều tra của hãng hàng không này tiết lộ rằng 9 triệu khách hàng có địa chỉ email và chi tiết di chuyển đã bị truy cập, trong khi 2.208 khách hàng bị lộ thẻ tín dụng. Các khách hàng bị ảnh hưởng sẽ được liên lạc vào ngày 26.5, EasyJet cho biết. 

    easyjet bi tan cong mang

    Theo Reuters, nhóm tin tặc này bị nghi đến từ Trung Quốc, đã nhắm mục tiêu vào các hãng hàng không trong mấy tháng gần đây.

    Giám đốc điều hành EasyJet, Johan Lundgren, cho biết trong một tuyên bố rằng công ty rất coi trọng vấn đề an ninh mạng cho các hệ thống của mình, tuy nhiên, "mối đe dọa ngày càng tăng lên khi những kẻ tấn công mạng cũng ngày càng tinh vi hơn".

    Ông Lundgren cho biết EasyJet sẽ khuyến cáo các khách hàng bị ảnh hưởng phải tăng cường cảnh giác, đặc biệt là nếu họ nhận được email đáng ngờ. Hãng hàng không cho biết khách hàng nên thận trọng hơn khi nhận được bất kỳ ý định liên lạc nào đến từ EasyJet.

    "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào việc bảo vệ khách hàng, hệ thống và dữ liệu. Chúng tôi xin lỗi những khách hàng đã bị ảnh hưởng bởi sự cố này", ông Lundgren nói.

    EasyJet cho biết họ đang làm việc với Trung tâm An ninh mạng Quốc gia và Văn phòng Ủy ban Thông tin - cơ quan quản lý dữ liệu của Vương quốc Anh.

    Hồi tháng Ba, một trung tâm nghiên cứu vaccine ở Anh cũng bị tin tặc tấn công. 

    Theo Forbes, Trung tâm Nghiên cứu dược phẩm Hammersmith ở Anh trong quá trình thử nghiệm vaccine Covid-19 đã bị tin tặc tấn công. Nhóm tội phạm dùng loại mã độc tên gọi Maze để đánh cắp dữ liệu, sau đó tuồn thông tin lên Internet đòi tiền chuộc. Đáng nói, nhóm tin tặc này nằm trong số những băng đảng tội phạm mạng trước đó tuyên bố sẽ không tấn công các tổ chức y tế trong mùa dịch Covid-19.

    Theo Sky News 

  • Giới chức Anh thông báo tin tặc từ các nước đối địch đang gia tăng hoạt động tấn công mạng nhằm đánh cắp nghiên cứu của Anh về dịch Covid-19.

    tin tac covid
    Tin tặc bị cho là đang tìm cách đánh cắp nghiên cứu của Anh về Covid-19. Ảnh: REUTERS

    Trung tâm An ninh mạng quốc gia Anh (NCSC) vừa thông báo các nước đối dịch đang tìm cách tấn công mạng các cơ sở nghiên cứu khoa học và các trường đại học Anh nhằm đánh cắp nghiên cứu liên quan đến dịch Covid-19 như phát triển vắc xin, thuốc điều trị, công cụ xét nghiệm.

    Tờ The Guardian ngày 3.5 dẫn lời một phát ngôn viên NCSC cho biết hoạt động tấn công mạng này đang gia tăng và coi đây là hành động đáng lên án.

    Giới chuyên gia cho biết chưa có cuộc tấn công nào thành công tính đến nay và đối tượng xâm nhập được cho là các nước như Iran, Trung Quốc hay Nga.

    Hồi năm 2017, Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) bị tin tặc tấn công mạng đòi tiền chuộc bằng mã độc WannaCry, khiến hàng chục ngàn máy tính bị ảnh hưởng.

    Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đầu tháng 5 vừa ký chỉ thị yêu cầu cơ quan tình báo GCHQ tiếp cận và giám sát cơ sở hạ tầng mạng của NHS.

    Hồi cuối tháng 4, CNN dẫn lời quan chức Mỹ tiết lộ hoạt động tấn công mạng nhắm vào các bệnh viện, phòng thí nghiệm, công ty dược hay các cơ quan quản lý y tế của Mỹ đang gia tăng trong đợt dịch Covid-19.

    Quan chức này nói rằng xét về quy mô của cuộc tấn công thì thủ phạm chỉ có thể từ Trung Quốc hoặc Nga.

    CNN còn dẫn lời lãnh đạo đơn vị an ninh thuộc Bộ Tư pháp Mỹ John Demers tuyên bố cơ quan này đang đặc biệt lo ngại về nguy cơ tin tặc tấn công các cơ sở t tế, trung tâm nghiên cứu của Mỹ để đánh cắp nghiên cứu về Covid-19.

    Theo Guardian

  • Một gia đình người Mỹ giật mình khi nhận được hóa đơn thanh toán 13.470 USD cho nửa giờ lên mạng trong chuyến du lịch tới Việt Nam vừa qua.

    Một gia đình đến từ San Jose, Mỹ, thường xuyên có chuyến du lịch tới Việt Nam mỗi năm. Năm nay, họ tiếp tục trở lại Việt Nam và có khoảng thời gian đáng nhớ tại đây.

    Nhưng khi trở về, điều không ngờ nhất đang chờ đón họ tại nhà – một tờ hóa đơn do T-Mobie gửi tới yêu cầu khách hàng cần thanh toán hơn 13.000 USD (hơn 300 triệu đồng) phí dữ liệu di động.

    Gia đình người Mỹ giật mình khi nhận được hóa đơn dữ liệu di động lên tới hơn 300 triệu đồng.

    Điều này khiến gia đình cô Chung rất sốc. “Chúng tôi không sử dụng điện thoại và luôn để nó ở chế độ máy bay, làm sao điều này xảy ra được? Tôi gần như muốn ngất. Nó thậm chí còn tốn hơn cả một chuyến đi vừa rồi”, cô Chung lên tiếng.

    Được biết, trước khi về Việt Nam, cả gia đình cô Chung thống nhất sẽ để điện thoại ở chế độ máy bay nhằm tránh phí chuyển vùng (data roaming). Tuy nhiên cậu con trai Nicholas Chung lại chơi game trên iPhone trong suốt chuyến bay về Việt Nam. Mặc dù vậy, cậu bé vẫn khẳng định chỉ chơi trò game offline trong vòng khoảng 30 phút.

    Quá bất ngờ trước hóa đơn phải trả, Nicholas Chung đã liên lạc với T-Mobie. Người đại diện của hãng cho biết, có thể cậu đã tải cả một bộ phim, bài hát hay một thứ gì đó, tuy nhiên, Nicholas phủ nhận. “Cháu rất sợ hãi vì số tiền hơn 13.000 USD quá lớn. Cháu không làm gì cả”.

    Cuối cùng, sau những lần nói chuyện, nhà mạng này đã giảm hóa đơn từ 13.470 USD xuống 3.800 USD. Tuy nhiên, gia đình cô Chung vẫn cho rằng, bất cứ khoản chi phí nào phải trả cũng không công bằng. Hiện gia đình vẫn đang tiếp tục làm việc với hãng để xin giảm hóa đơn.

    Mới đây, một gia đình người Úc cũng gặp chung cảnh hoạn nạn tương tự. Sau chuyến đi Bali từ đầu tháng 6, Craig Piper tá hỏa khi xem hóa đơn điện thoại hơn 20.600 USD, vì các dịch vụ mạng mà con gái sử dụng khi du lịch nước ngoài như xem video và chơi game trực tuyến.

    Piper yêu cầu nhà mạng chuyển vùng quốc tế cho máy tính bảng và điện thoại của hai vợ chồng khi họ đi Bali nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, nhà mạng chỉ thực hiện yêu cầu với hai chiếc smartphone, thiếu máy tính bảng. Do vậy khi ở Bali, con gái của họ vẫn thoải mái dùng Internet mà không biết lưu lượng đang bị tính phí cao.

    Piper cho biết, vợ chồng anh rất bối rối với khoản phí điện thoại quá lớn. Sau khi làm việc với nhà mạng, nam du khách đã được hủy khoản nợ trên do lỗi không phải từ phía họ. Nhiều người cho biết họ cũng từng gặp sự cố tương tự khi đi du lịch nước ngoài. Một số cho rằng gia đình Piper rất may mắn vì đã chủ động chuyển dịch vụ trước với nhà mạng.

    Gia đình du khách Australia phải trả hóa đơn lên đến hơn 20.600 USD vì con xem video và chơi game trực tuyến.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Tốc độ trung bình của mạng 5G tại Anh là khoảng 200 Mbps, nhanh gấp 10 lần so với tốc độ 4G hiện tại. Trong khi đó, tốc độ tối đa có thể lên tới 980 Mbps.

    Nhà mạng nhà mạng EE của Anh vừa khai trương mạng di động 5G đầu tiên tại quốc gia này. Vùng phủ của 5G tại Anh sẽ gói gọn trong một số khu vực tại các thành phố lớn như London, Edinburgh, Cardift, Belfast, Birmingham và Manchester. Với vùng phủ sóng khá hạn chế, EE đang tập trung vào những khu vực có đông khách du lịch.

    Theo TheVerge, dù mới chỉ là thử nghiệm bước đầu, tốc độ trung bình mà kết nối 5G mang lại nhanh gấp 10 lần so với công nghệ 4G.

    Tốc độ trung bình của kết nối 5G tại Anh. 

    Thử nghiệm cho thấy tốc độ trung bình của kết nối 5G tại Anh là 200 Mbps. Con số này chỉ là 25 Mbps với kết nối 4G ở cùng một vị trí tương tự. Tốc độ cao nhất mà TheVerge ghi nhận trong quá trình dùng thử dịch vụ 5G tại Anh là 980 Mbps.

    Nếu như 200 Mbps là tốc độ trung bình ngoài trời của kết nối 5G tại Anh, khi vào trong nhà, tốc độ giảm xuống còn khoảng 60 Mbps.

    Điểm yếu của công nghệ 5G khi thử nghiệm tại Anh là tốc độ đường lên vẫn còn hạn chế. Tốc độ đường lên của 5G tại Anh hiện là 33 Mbps, chỉ tương đương với tốc độ 4G. Trong khi đó, nhà mạng EE từng hứa hẹn tốc độ tải lên của 5G sẽ được duy trì trong khoảng từ 100-150 Mbps.

    Dù chưa có chuẩn chung, công nghệ 5G đang được ráo riết thử nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới. 

    Lợi ích thiết thực nhất trong ngày đầu mạng 5G hoạt động tại Anh là người dùng có thể xem những đoạn video clip với độ phân giải 1.440p HDR.

    Trong tương lai, việc triển khai 5G sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng truyền hình trực tuyến, game trực tuyến và cả các trò chơi sử dụng công nghệ thực tế ảoi tăng cường. Lợi ích thiết thực nhất của công nghệ này là giúp tất cả mọi đồ vật quanh chúng ta đều có khả năng kết nối Internet.

    5G được phủ sóng tại Anh ở tần số 6Hz, điều này có lợi cho diện tích vùng phủ nhưng lại không thể hiện được hết khả năng của công nhệ kết nối 5G. Tần số cao hơn giúp mang tới bằng thông lớn hơn, tuy vậy vùng phủ sóng cũng vì thế mà trở nên bé lại.

    Một thách thức khác đối với mạng 5G tại Anh là giá bán của dịch vụ này. Theo đó, giá 5G của EE sẽ bắt đầu với mức tối thiếu là 68 USD (1,6 triệu đồng)/tháng với 10GB dữ liệu. Mức cước này tăng lên 93 USD (2,2 triệu đồng)/tháng cho gói dữ liệu 120GB.

    Theo TheVerge, gói dữ liệu 120GB tưởng là nhiều nhưng thực tế có thể dùng hết chỉ trong vài phút nhờ khả năng kết nối với tốc độ rất nhanh của công nghệ 5G.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Tự hào khi có thể tự sản xuất những con chip di động mạnh nhất thế giới nhưng Huawei vừa bị đối tác ARM chấm dứt kinh doanh. Huawei sẽ không thể dùng kiến trúc chip từ ARM nữa.

    Theo BBC, hãng thiết kế cấu trúc chip ARM có trụ sở tại Anh đã thông báo nội bộ về việc đình chỉ kinh doanh với Huawei. Đây là động thái của ARM nhằm hưởng ứng các lệnh hạn chế thương mại do Mỹ đặt ra.

    BBC cho biết ARM đã yêu cầu các nhân viên tạm dừng tất cả các hợp đồng đang hoạt động, các điều khoản hỗ trợ và bất kỳ cam kết nào trong chờ xử lý với Huawei và các công ty con có trong danh sách đen của chính phủ Mỹ.

    Chip Kirin của Huawei được sản xuất nhờ sơ đồ do ARM thiết kế. Ảnh: TechAR.

    Mặc dù, công ty có trụ sở tại Anh nhưng ARM vẫn có nhiều công nghệ từ Mỹ. Như vậy, động thái này của ARM cho thấy chính sách cấm vận của chính quyền Donald Trump đã vượt ra khỏi phạm vi nước Mỹ. Trước đó, công ty sản xuất chip Infineon Technologies của Đức cũng ngưng giao các lô hàng đến Huawei.

    Những năm gần đây, Huawei gặt hái được thành công khi liên tục tung ra dòng chipset có hiệu năng tương đương với Qualcomm. Thậm chí họ còn là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới làm ra SoC di động trên tiến trình 7 nm.

    Những thành công trên là nhờ vào sự hợp tác giữa Huawei và ARM. Mới đây nhất, Huawei ra mắt con chip Kirin 980, vi xử lý mạnh mẽ nhất của hãng được trang bị trên Huawei P30 Pro, Mate 20 Pro và Honor 20 Pro. 

    Việc đình chỉ kinh doanh với Huawei của ARM khiến tương lai của hãng điện thoại Trung Quốc đen tối hơn bao giờ hết. Từ sau lệnh cấm này, Huawei sẽ không thể sản xuất bất kỳ con chip nào trên cấu trúc ARM nữa. Họ phải tái thiết kế lại con chip và việc này khá mất thời gian lẫn nguồn lực.

    Như vậy, Huawei sẽ khó có thể làm được smartphone khi cả hệ điều hành và con chip đều không được cấp phép.

    ARM có tên trước đây là Advanced RISC Machine. ARM Holdings phát triển kiến trúc và cấp phép cho các công ty khác sản xuất chip xử lý ‍bao gồm các SoC và các mô-đun hệ thống (SoM) kết hợp bộ nhớ, giao diện, radio. Ngoài ra, ARM cũng có thể thiết kế các lõi thực hiện tập lệnh và cấp phép cho hãng khác sử dụng.

    “Đây giống như một cú knock out dành cho Huawei. Nó ảnh hưởng lớn đến khả năng sản xuất chip ARM của Huawei”, một chuyên gia phân tích kỹ thuật giấu tên nói với BBC.

    Viethome (theo Tri Thức Trực Tuyến)

  • Việc ngừng hợp tác của Google có thể khiến người dùng điện thoại Huawei điêu đứng, vì không truy cập được Google, Gmail, YouTube... cũng như dịch vụ hệ điều hành Android. 

    Hãng tin Reuters ngày 20-5 (giờ Việt Nam) dẫn lời một nguồn tin độc quyền cho biết Google phải tạm ngưng kinh doanh với Huawei.

    "Huawei sẽ chỉ được sử dụng các phiên bản công khai của Android, và không có quyền truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ độc quyền của Google nữa", nguồn tin này nói.

    Cũng theo nguồn tin trên, Google tạm ngưng hợp tác với Huawei ở các sản phẩm này vì hãng công nghệ Mỹ cho rằng nó "đòi hỏi chuyển giao sản phẩm phần cứng và phần mềm".

    Trang tin công nghệ The Verge phân tích rằng Huawei hiện bị hạn chế sử dụng Dự án mã nguồn mở Android (AOSP). Điện thoại Huawei vốn dĩ chỉ có thể sử dụng bản cập nhật bảo mật cho Android nếu được tiếp cận AOSP.

    Điều này dẫn tới việc những người đang dùng điện thoại Huawei trên thế giới, trong đó có Việt Nam, sẽ không thể truy cập các ứng dụng trên Android. 

    Đây trước hết sẽ là cú đấm mạnh vào tham vọng doanh số trên toàn cầu của Huawei, cho dù người dùng nội địa Trung Quốc không nhất thiết và cũng bị hạn chế khi sử dụng Google, YouTube từ lâu.

    Khi được hỏi về vấn đề này, một người phát ngôn của Google cho rằng công ty chỉ "tuân thủ chỉ đạo và xem xét những điểm liên quan" mà không đưa ra thêm chi tiết nào.

    Reuters khẳng định điện thoại Huawei bên ngoài Trung Quốc sẽ lập tức mất quyền tiếp cận các bản cập nhật trong hệ thống hoạt động của Android. Các phiên bản Huawei trong tương lai chạy trên nền Android cũng sẽ không được truy cập vào những dịch vụ phổ biến như cửa hàng ứng dụng Google Play Store, thư điện tử Gmail hay ứng dụng video YouTube.

    Động thái của Google được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Huawei bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, trong đó hạn chế các công ty Mỹ bán sản phẩm cho Huawei.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Vụ cáo buộc các thiết bị viễn thông của Huawei có thể bị chính phủ Trung Quốc sử dụng làm phần mềm gián điệp tưởng chừng sẽ chỉ là vấn đề nhức nhối đối với chính công ty này và chính phủ Trung Quốc, nhưng có vẻ như nó còn khiến các nước phương Tây “đau đầu” hơn. Lý do rất đơn giản, bởi vì các nước phương Tây đang ngày càng bị phụ thuộc vào các thiết bị do Trung Quốc sản xuất.

    Trong những năm đầu của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ở Trung Quốc, Vương quốc Anh đã tự an ủi rằng Trung Quốc chỉ có thể phát triển ngành sản xuất chi phí thấp. Ảnh: The Guardian

    5G là thế hệ mạng mới nhất và nó đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác, Vương quốc Anh đang loay hoay tìm kết quả cho câu hỏi có nên tiếp tục để công ty viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia vào việc xây dựng mạng 5G của Anh hay không, liệu rằng Huawei có phải là một mối đe dọa an ninh hay không? Vấn đề nằm ở chỗ tại sao một cường quốc tư bản chiếm ưu thế trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai với những lợi thế vượt trội về công nghệ lại cần có sự hỗ trợ từ một nền kinh tế mới nổi để xây dựng một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng quốc gia?

    Đây thực sự là một dấu hiệu đáng lo ngại không chỉ cho Anh mà còn là sự báo động chung cho nhiều quốc gia tư bản phương Tây khác. Nó cho thấy lực lượng sản suất của Anh đang bị suy giảm. Trong lĩnh vực công nghệ, Huawei đang trở thành một tên tuổi lớn trong khi Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển đã quá trở nên mờ nhạt.

    Trong những năm đầu tiên của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ở Trung Quốc, Vương quốc Anh đã an ủi rằng “chỉ có những ngành sản xuất chi phí thấp đang di cư về phía đông” (ý nói Trung Quốc). Những sản phẩm thông minh, cao cấp chỉ có những nước phát triển như Anh mới có thể làm ra được. Người Trung Quốc chỉ có thể tạo ra những thứ đồ chơi và quần áo rẻ tiền.

    Sự cố Huawei đã phá tan niềm tự hào của người phương Tây. Có một sự thật phũ phàng hiện nay đó là Trung Quốc – một quốc gia mà người ta chỉ nghĩ đến hàng giả và những thứ rẻ tiền lại đang ở vị trí tiên phong khi liên tục tạo ra những bước đột phá về công nghệ. Trong khi đó, châu Âu đang bị mắc kẹt khi hài lòng với việc trở thành một nhà máy lắp ráp cho hàng tiêu dùng phương Tây. Trung Quốc hiện đang dẫn đầu trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo và năng lượng mặt trời.

    Giữa thế kỷ XX, nền công nghiệp Anh bước vào giai đoạn đỉnh cao với điện toán, động phản lực hay radar. Vương quốc Anh duy trì sự hiện diện toàn cầu trong ngành hàng không vũ trụ và dược phẩm là do dựa vào nhà nước - dưới hình thức của Bộ Quốc phòng và NHS, một hệ thống chăm sóc sức khỏe.

    Có rất nhiều lý do để lý giải cho sự suy giảm của ngành sản xuất ở Anh. Thứ nhất, đó là kết quả của sự tự mãn. Ngành công nghiệp của Anh, trong nhiều năm sau chiến tranh đã phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nội địa. Trong khi Đức và Nhật Bản buộc phải hiện đại hóa chính mình do sự tàn phá gây ra bởi thất bại quân sự thì các công ty Anh đã ỷ lại vào “vòng nguyệt quế” của họ. Thứ hai, do tỷ giá hối đoái. Đồng bảng đã bị định giá quá cao, điều này tốt cho nhập khẩu nhưng không tốt cho xuất khẩu. Nó khiến cho nước Anh khó lòng cạnh tranh với các đối thủ vì giá cao.

    Biểu đồ cán cân thanh toán BOP của Vương quốc Anh. Ảnh: The Guardian

    Việc biến Anh trở thành một trung tâm tiền tệ toàn cầu lại đẫn đến hai hậu quả tai hại khác: Nó đã làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn bởi các cuộc khủng hoảng tài chính, như đã được chứng minh sau vụ sụp đổ ngân hàng năm 2008. Ngoài ra, nó còn gây sự mất cân bằng trong xã hội Anh khi tập trung sự giàu có ở một góc của đất nước.

    Trước sự phát triển như vũ bão của một nền công nghệ mới nổi ở phương Đông, có lẽ các quốc gia phương Tây nên xem xét cẩn thận lại chiến lược phát triển của chính mình nếu không muốn bị phụ thuộc và tụt hậu.

    Viethome (theo Viettimes)

  • Hàng trăm khách hàng của Santander đã báo cáo sự cố trên ứng dụng của ngân hàng vào sáng nay (29/3) - mặc dù ngân hàng cho biết sự cố này hiện đã được khắc phục.

    Người dùng phàn nàn về việc tài khoản của họ bị khóa -  đúng vào ngày trả lương trên khắp Vương quốc Anh – trong đó trang web Down Detector thông báo có 244 người bị ảnh hưởng.

    Các khách hàng của Santander ở London dường như bị ảnh hưởng nhiều nhất, theo Down Detector, mặc dù sự cố có lẽ đã lan rộng trên khắp cả nước. Ngân hàng cho biết sự cố chỉ ảnh hưởng đến một "số lượng nhỏ" khách hàng dùng ứng dụng di động truy cập nền tảng thông qua một máy chủ bị hỏng.

    Down Detector cho hay 60% các vấn đề được báo cáo liên quan đến ứng dụng ngân hàng di động, với 33% liên quan đến giao dịch ngân hàng internet và 6% nằm ở thẻ thanh toán.

    Một người dùng đã đăng trên Twitter vào sáng nay: "@santanderukhelp ứng dụng Santander trên iPhone vẫn bị sập! Khi nào thì nó sẽ được sửa?"

    Một người khác viết: "@Santander LẠI có sự cố à ??? Nghiêm túc tự hỏi tại sao tôi lại đi giao dịch với ngân hàng này, lại một lần nữa không thể truy cập vào ngân hàng trực tuyến của tôi."

    Trong khi đó, một khách hàng khác nói thêm: “Dường như Santander UK đang gặp vài sự cố. Ứng dụng di động đã sập vào sáng nay.”

    Những người khác cho biết chỉ có thể đăng nhập để rồi thấy tiền lương của họ vẫn chưa được trả như mong đợi.

    Một khách hàng của Santander nói: "Có vấn đề ở đây, đây cũng là ngày nhận lương của tôi và nó không hiển thị trên tài khoản của tôi."

    Santander phát biểu rằng có một sự cố với ứng dụng ngân hàng trực tuyến của mình nhưng vấn đề hiện đã được giải quyết. Phát ngôn viên cho biết: “Một số ít khách hàng sẽ gặp phải sự cố khi đăng nhập vào ứng dụng di động của chúng tôi vào sáng sớm hôm nay do vấn đề kỹ thuật. "Chúng tôi xin lỗi vì bất kỳ sự bất tiện nào mà khách hàng gặp phải. Sự cố hiện đã được giải quyết và ứng dụng vẫn hoạt động như bình thường.”

    Santander không phải là ngân hàng duy nhất bị chỉ trích. Mới tháng trước, ứng dụng và ngân hàng internet của Lloyds Bank đã ngừng hoạt động khiến khách hàng gặp khó khăn trong việc truy cập tài khoản.

    Nhưng tin tức ngày hôm nay sẽ là cú đòn nữa giáng xuống khách hàng của Santander khi ngân hàng tuyên bố sẽ đóng cửa 140 chi nhánh trong năm nay khiến 1,270 người có nguy cơ mất việc.

    Vào năm 2018, ngân hàng tiết lộ một sự thay đổi lớn đối với quy định thanh toán để giúp ngăn chặn các vụ lừa đảo thanh toán.

    VietHome (Theo The Sun)

  • Sau sự cố nghiêm trọng, Facebook lại đối mặt với việc 2 Giám đốc sản phẩm trụ cột của công ty nghỉ việc. Đáng kể nhất trong số đó là Chris Cox, một trong những nhân viên lâu năm nhất Facebook, người đã giúp xây dựng nên nhiều sản phẩm cốt lõi của công ty.

    Sau khi khắc phục được sự cố mất kết nối dịch vụ, đến lượt đội ngũ lãnh đạo của Facebook lại trải qua một chấn động ghê gớm. Vào thứ Năm vừa qua, CEO Mark Zuckerberg thông báo Chris Cox – giám đốc điều hành lâu năm của Facebook, người gần đây đang làm giám đốc sản phẩm – sẽ rời đi, giữa lúc công ty đang bị bủa vây bởi hàng loạt vụ bê bối và các cáo buộc pháp lý liên quan.

    Chris Cox (trái) và Chris Daniels sẽ đồng thời rời đi trong lúc Facebook dính liên hoàn phốt.

    Ngoài ra, Chris Daniels, người đứng đầu WhatsApp, cũng sẽ rời đi. Thông tin này đến chỉ một thời gian ngắn sau khi Facebook cho biết về một thay đổi đáng kể trong chiến lược của mình, tập trung hơn vào "tính riêng tư."

    Các thay đổi khác trong đội ngũ lãnh đạo cũng đang diễn ra. Will Cathcart, cựu lãnh đạo cho ứng dụng cốt lõi của Facebook, cũng đang chuyển sang WhatsApp để đảm nhiệm vị trí cũ của Daniel. Trong khi đó, Fidji Simo đang trở thành người đứng đầu ứng dụng Facebook.

    Tuy nhiên, vị trí giám đốc sản phẩm của Chris Cox dường như không có ai thay thế. Thay vào đó, giờ đây những người đứng đầu các ứng dụng khác nhau của công ty – Facebook, WhatsApp, Messenger và Instagram – sẽ báo cáo trực tiếp cho Zuckerberg, càng củng cố thêm vị trí của CEO khi Facebook đang chuẩn bị thực hiện một dự án đầy tham vọng nhằm hợp nhất một phần các ứng dụng này.

    Từ lâu đã bị chỉ trích về các vi phạm liên quan đến bảo mật và dữ liệu người dùng, Facebook đang muốn tập trung hơn vào bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng. Thay đổi này cũng được Zuckerberg nhắc đến trong thông báo về việc ra đi của hai giám đốc điều hành.

    "Đây là một thay đổi quan trọng khi chúng tôi bắt đầu chương mới cho sự nghiệp xây dựng một nền tảng xã hội hướng đến sự riêng tư trong tương lai. Tôi vô cùng biết ơn mọi thứ mà Chris Cox và Chris Daniels đã làm ở đây, và tôi mong được làm việc với Will và Fidji trong vai trò mới của họ, cũng như những người có trách nhiệm trong việc đạt được tầm nhìn này."

    Tham gia vào năm 2005, Cox là một trong những nhân viên đầu tiên của Facebook, và đã giúp xây dựng các sản phẩm cốt lõi cho công ty, bao gồm cả News Feed. Cho đến nay, ông là lãnh đạo cao cấp nhất của công ty ra đi. Trong thông báo của mình, Zuckerberg cho biết, Cox đã lên kế hoạch rời đi từ vài năm nay, nhưng vẫn ở lại để giúp chống đỡ với các bê bối và khủng hoảng liên tiếp của Facebook

    Viethome (theo Genk)

  • Những ngày qua liên tục chứng kiến dịch vụ của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới gặp sự cố. Sau khi Gmail và Drive của Google gặp lỗi, đến lượt Facebook gặp sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử và không lâu sau đó, hàng loạt dịch vụ của Apple cũng bị “sập” trên toàn cầu.

    Sau khi Facebook và Google liên tục gặp sự cố với các dịch vụ của mình, có vẻ như Apple cũng “không chịu thua kém” khi hàng loạt dịch vụ của hãng cũng gặp sự cố khiến người dùng không thể sử dụng được.

    Sự cố xảy ra từ 10 giờ đêm ngày 14/3 (theo giờ Việt Nam), khiến hàng loạt các ứng dụng như iCloud Drive, Mail, Calendar, Notes, iWork... không thể sử dụng được. Sau hơn 4 tiếng, đến 2 giờ 30 sáng 15/3 (theo giờ Việt Nam), sự cố mới được khắc phục và người dùng có thể trở lại sử dụng các dịch vụ bình thường.

    Apple không cung cấp thông tin chi tiết về sự cố gặp phải, chỉ cho biết “một vài người dùng có thể không truy cập được các dịch vụ”. Theo một số trang công nghệ thì sự cố ảnh hưởng đến người dùng trên toàn cầu, thay vì “một vài người dùng” như Apple công bố. 

    Trước đó vào 9 giờ sáng ngày 13/3 (giờ Việt Nam), hai dịch vụ hộp thư Gmail và lưu trữ Drive của Google cũng gặp sự cố khiến nhiều người không thể truy cập được hoặc không mở được file đính kèm bên trong Gmail. Google sau đó xác nhận hai dịch vụ của mình bị lỗi và phải đến gần 13 giờ ngày 13/3 (theo giờ Việt Nam), sự cố đã dần được khắc phục và hai dịch vụ của Google trở lại hoạt động bình thường.

    Không lâu sau Google, đến 22 giờ ngày 13/3 (giờ Việt Nam), đến lượt Facebook gặp sự cố, khi người dùng không thể truy cập, đăng bài hoặc bình luận trên mạng xã hội này. Các ứng dụng khác của Facebook như Messenger, Instagram hay WhatsApp cũng chập chờn không ổn định.

    Facebook sau đó phải mất ít nhất 8 giờ đồng hồ để khôi phục lại các dịch vụ của hãng và mất gần 24 giờ đồng hồ mới phục hồi hoàn toàn. Đây là sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử của mạng xã hội này, cả về quy mô lẫn thời gian khắc phục. Việc ba hãng công nghệ lớn đồng loạt gặp sự cố về dịch vụ của mình khiến không ít người dùng đặt ra nghi vấn có chăng một vụ phá hoại có tổ chức của các tin tặc nhằm vào ba công ty này, hay đây đơn giản chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi cả ba gặp phải sự cố đồng thời?

    Viethome (Theo Dân Trí)

  • Hơn 14 giờ trôi qua, mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn đang hoạt động không ổn định. Trong khi người dùng vẫn có thể mở các nền tảng này và thực hiện một số thao tác, nhìn chung họ gặp khó khăn khi gửi tin nhắn Messenger, WhatsApp hay đăng thông tin, bình luận, nhất là không thể chia sẻ ảnh, video... lên Facebook, Instagram... Thậm chí cả dịch vụ thực tế ảo Oculus VR cũng gặp trục trặc.

    Theo công cụ DownDetector, hiện tượng bắt đầu diễn ra từ 23h ngày 13/3 ở nhiều nơi trên thế giới từ châu Mỹ, châu Âu tới châu Á. Sự cố lần này được đánh giá là kéo dài nhất và trên diện rộng nhất, khi đã hơn 14 giờ trôi qua nhưng nhiều người than phiền không thể sử dụng Facebook. Theo BBC, lần gần nhất Facebook bị "sập" với quy mô rộng toàn cầu và lâu như thế này đã là từ năm 2008, nhưng khi đó họ chỉ có 150 triệu thành viên, còn hiện số người dùng Facebook hàng tháng lên tới 2,3 tỷ.

    Trong khi đó, khi người dùng đăng nhập vào mạng xã hội sẽ nhận được thông báo Facebook đang bảo trì và nâng cấp cơ sở dữ liệu. Với lượng người dùng khổng lồ, lên đến 2,5 tỷ, Facebook không thể tiến hành nâng cấp trên toàn bộ các tài khoản cùng lúc, nên có thể người này khó truy cập nhưng những thành viên khác vẫn sử dụng mạng xã hội bình thường.

    Facebook bị điều tra hình sự liên quan tới các thỏa thuận cho phép Apple, Amazon và các công ty khác truy cập vào dữ liệu người dùng.

    Theo New York Times, Facebook đã thực hiện một thỏa thuận trong đó có điều khoản cho phép các nhà sản xuất thiết bị như Apple, Amazon và Microsoft tiếp cận dữ liệu người dùng cá nhân, gồm danh sách bạn bè, thông tin liên hệ và đôi khi cả tin nhắn riêng tư. Không phải lúc nào việc truy cập thông tin cũng có sự đồng ý của người dùng.

    Một bồi thẩm đoàn lớn ở New York đã tiến hành lập hồ sơ từ ít nhất hai nhà sản xuất thiết bị thông minh để thảo luận về những vấn đề pháp lý bí mật. Cả hai công ty này đã hợp tác với Facebook và có được quyền truy cập vào thông tin của hàng trăm triệu người dùng.

    "Chúng tôi đang phối hợp với nhà điều tra một cách nghiêm túc", một phát ngôn viên của Facebook nói với Business Insider. "Chúng tôi đã cung cấp lời khai công khai, trả lời các câu hỏi và cam kết sẽ tiếp tục làm như vậy".

    Tháng 12/2018, New York Times đưa tin Facebook đã để công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft truy cập tên tất cả bạn bè của người dùng mà chưa có sự đồng ý. Trong khi đó, mạng xã hội này cũng cho Amazon thu thập tên và thông tin liên hệ của một người cụ thể thông qua bạn bè, hay cho Yahoo xem luồng bài đăng của bạn bè gần đây. Các dịch vụ như Spotify hay Netflix thậm chí có thể đọc tin nhắn của hàng triệu tài khoản Facebook mỗi tháng.

    Trong bài giải thích trên blog sau đó, Facebook cho biết mối quan hệ đối tác này là cần thiết để kích hoạt một số tính năng xã hội nhất định trong các ứng dụng bên ngoài, như đăng nhập vào tài khoản Facebook từ điện thoại Windows hoặc chia sẻ bài hát Spotify mà người dùng đang nghe qua Facebook Messenger.

    "Để rõ ràng, không có thỏa thuận hay tính năng nào cho phép các công ty truy cập thông tin mà không có sự đồng ý của mọi người. Họ cũng không vi phạm thỏa thuận năm 2012 của chúng tôi với FTC", Facebook viết.

    Hầu hết các quan hệ đối tác này đã kết thúc trong vài năm qua.

    Thông tin điều tra hình sự xuất hiện trong lúc Facebook đang vật lộn để khôi phục hình ảnh của mình trước công chúng, sau một loạt scandal rò rỉ dữ liệu cá nhân của người dùng cũng như truyền bá thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

    Facebook đã phải đối mặt với nguy cơ nộp phạt hàng tỷ USD để giải quyết các cáo buộc về quyền riêng tư của Ủy ban Thương mại Liên bang và các cơ quan khác. Tuy nhiên, điều tra hình sự sẽ làm tình hình thêm phần căng thẳng.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Facebook vừa chặn đứng các âm mưu giả mạo tài khoản trực tuyến tại Anh và Romania trong khuôn khổ chiến dịch mới nhất nhằm sàng lọc nội dung sai sự thật được đăng tải trên mạng xã hội đình đám này.

    Biểu tượng Facebook tại trụ sở ở Menlo Park, bang California của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Theo phóng viên TTXVN tại London, chỉ riêng ở Anh, Facebook đã gỡ bỏ 137 tài khoản mạng xã hội này và tài khoản Instagram mạo danh, chứa nội dung kích động hận thù, chia rẽ xã hội.

    Số tài khoản bị "xóa sổ" tại Romania là 31 tài khoản xuyên tạc các thông tin địa phương và các vấn đề chính trị.

    Trong thông báo ngày 7/3, Facebook nêu rõ các hoạt động giả mạo tài khoản riêng rẽ tại hai quốc gia trên đã "nhái" nhận dạng của người dùng từ những tài khoản thật, sau đó tìm cách gieo rắc và lan truyền các phát ngôn thù hận cùng những bình luận gây chia rẽ.

    Phụ trách an ninh mạng của Facebook, ông Nathaniel Gleicher, xác nhận mạng xã hội này đang gỡ bỏ các trang tương tác và nhiều tài khoản dựa trên hành vi, mà không dựa vào nội dung đăng tải, đó là bởi trong những trường hợp này, các đối tượng đứng sau hoạt động truyền bá những phát ngôn thù địch thường "bắt tay" với một người hoặc nhóm người khác và sử dụng các tài khoản giả mạo hòng xuyên tạc sự thật.

    Các đối tượng thường sử dụng phương thức tương tự nhau bằng cách tạo ra mạng lưới các tài khoản nhằm đánh lạc hướng về việc họ là ai và họ đang làm những gì.

    Các trang tương tác, các nhóm người dùng và các tài khoản cá nhân có liên kết với nhau khi thường đăng tải thông tin địa phương, tin tức chính trị, trong đó có các chủ đề như nhập cư, tự do ngôn luận, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng tôn giáo...

    Chiến dịch gỡ bỏ những tài khoản giả mạo nói trên là động thái mới nhất của Facebook nhằm ngăn chặn các âm mưu định hướng dư luận theo cách tiêu cực tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. 

    VietHome (Theo VietNamPlus)

  • Các công ty truyền thông xã hội có thể bị cấm hoạt động ở Anh nếu không xóa những nội dung có hại.

    Đây là cảnh báo từ Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khi phát biểu trên chương trình Andrew Marr của hãng tin BBC.

    Ông Matt Hancock nói: "Nếu chúng ta nghĩ họ (mạng xã hội) cần phải làm những việc họ từ chối làm, thì chúng tôi có thể và chúng tôi phải ra luật."

    Trước đó, Bộ trưởng Hancock đã kêu gọi các hãng truyền thông xã hội "thanh lọc" những nội dung có thể dẫn tới hành vi tự sát hoặc gây hại cho bản thân người dùng sau vụ một thiếu niên tự sát.

    Molly Russell, 14 tuổi, đã tự sát vào năm 2017 sau khi xem nội dung về tự tử trên mạng xã hội.

    Trả lời phỏng vấn BBC, cha cô bé nói rằng ông tin rằng Instagram đã giết con gái ông.

    Instagram đã phản ứng với cáo buộc trên và cho biết mạng này cộng tác với các nhóm chuyên gia, để tư vấn các vấn đề "phức tạp và nhiều sắc thái" về sức khỏe tâm thần và tự gây hại bản thân.

    Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock. (Nguồn: Getty Images) 

    Dựa trên lời khuyên của chuyên gia rằng chia sẻ câu chuyện và kết nối với những người khác có thể hữu ích để phục hồi, Instagram cho biết, họ "không xóa nội dung nhất định." "Thay vào đó (chúng tôi) cung cấp cho mọi người xem hoặc đăng bài viết, hỗ trợ nhắn tin hướng họ đến các nhóm có thể giúp đỡ."

    Nhưng Instagram cho biết thêm họ đang tiến hành đánh giá đầy đủ các chính sách và công nghệ của mình.

    Trước đó, Facebook, công ty sở hữu Instagram, đã đưa ra lời xin lỗi.

    Gã khổng lồ Internet cho biết nội dung đồ họa gây tác động đến người dùng khiến họ tự hại bản thân hoặc tự sát "không có chỗ trên nền tảng của chúng tôi."

    Paccorus, một tổ chức từ thiện hoạt động để ngăn chặn nạn tự tử ở thanh thiếu niên, cho biết họ đã liên lạc với khoảng 30 gia đình và các gia đình này đều tin rằng phương tiện truyền thông xã hội có một phần vai trò trong các vụ tự tử của con cái họ.

    Ông Hancock nói rằng ông "bàng hoàng" khi biết về cái chết của Molly và cảm thấy "vô cùng lo lắng để đảm bảo thanh thiếu niên được bảo vệ."

    Trong một bức thư gửi tới Twitter, Snapchat, Pinterest, Apple, Google và Facebook (sở hữu Instagram), Bộ trưởng Hancock đã "hoan nghênh" các bước kiểm soát nội dung gây hại đã được các công ty thực hiện nhưng cho rằng "cần nhiều hành động khẩn cấp hơn."

    Ông viết: "Thật kinh khủng khi vẫn dễ dàng truy cập nội dung này và tôi không nghi ngờ gì về tác hại mà những nội dung này có thể gây ra, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi." "Đã đến lúc các nhà cung cấp internet và phương tiện truyền thông xã hội đẩy mạnh và thanh lọc nội dung này một lần và mãi mãi."

    Ông nói thêm rằng chính phủ Anh đang biên soạn một Sách Trắng đề cập đến "tác hại trực tuyến" và cho biết sẽ xem xét nội dung về nạn tự tử và tự làm hại bản thân.

    Ông Hancock giải thích: "Rất nhiều phụ huynh cảm thấy bất lực trước truyền thông xã hội. Nhưng chúng tôi không bất lực. Cả chính phủ và các nhà cung cấp truyền thông xã hội đều có nghĩa vụ phải hành động."

    "Tôi muốn biến Vương quốc Anh thành nơi an toàn nhất để trực tuyến cho mọi người - và đảm bảo rằng không có gia đình nào phải chịu đựng sự dằn vặt như cha mẹ của Molly phải trải qua."

    Molly bị phát hiện đã chết trong phòng ngủ vào tháng 11/2017. Gia đình cô sau đó phát hiện ra rằng cô đã xem các tài liệu trên mạng xã hội liên quan đến lo lắng, trầm cảm, tự làm hại bản thân và tự tử. 

    VietHome (Theo TTXVN)

  • Martin Lewis quyết định từ bỏ vụ kiện quảng cáo không đúng sự thật chống lại Facebook sau khi công ty mạng xã hội này đồng ý quyên góp 3 triệu bảng cho Citizens Advice, chi trả chi phí kiện tụng và xây dựng công cụ mới để ngăn chặn quảng cáo rác.

    Nhà sáng lập Money Saving Expert từng tuyên bố sẽ kiện ông lớn Facebook vì làm tổn hại danh tiếng công ty của ông sau khi trên trang mạng xã hội này xuất hiện hơn 1,000 quảng cáo rác sử dụng tên tuổi và hình ảnh của ông để khiến người dùng rút hầu bao.

    Giờ đây, ông Lewis và Facebook vừa công bố một kế hoạch mới bao gồm việc xây dựng công cụ chuyên cảnh báo quảng cáo rác trên mạng xã hội.

    Ông Martin Lewis

    Số tiền Facebook quyên góp cho dự án chống quảng cáo rác Citizens Advice Scams Action (CASA) sẽ được sử dụng để hỗ trợ các nạn nhân của quảng cáo rác và đào tạo kiến thức kỹ năng để phát hiện loại hình lừa đảo này.

    Ông Lewis nói: “Tôi không muốn phải kiện tụng. Đó không phải là mục đích của tôi. Mục đích của tôi là cố gắng và giảm thiểu số lượng quảng cáo rác gây ảnh hưởng đến người dùng.”

    Ông Lewwis cũng kêu gọi các trang mạng cho phép quảng cáo khác noi gương Facebook khi ông chỉ ra Google và các trang web tương tự phải “ra mặt và chịu trách nhiệm” cho những quảng cáo rác xuất hiện trên cổng thông tin của họ.

    Facebook đã đồng ý quyên góp 2.5 triệu bảng tiền mặt trong vòng hai năm tới và 500,000 bảng dưới hình thức coupon quảng cáo trên Facebook trong vòng ba năm.

    Facebook cho biết công cụ mới dành riêng cho nước Anh của họ sẽ cho phép người dùng nhanh chóng báo cáo về các quảng cáo có dấu hiệu lừa đảo.

    Giám đốc khu vực Bắc Âu của Facebook, ông Steve Hatch, phát biểu: “Chúng tôi rất biết ơn ông Martin Lewis đã giúp chúng tôi chú ý tới vấn đề quan trọng này, cũng như sự hướng dẫn giúp đỡ của ông trong tám tháng qua.

    “Khoản quyên góp của chúng tôi dành cho Citizens Advice và việc kích hoạt công cụ báo cáo quảng cáo rác ở UK kèm theo một đội ngũ vận hành tinh nhuệ cho công cụ này là một phần trong cam kết của chúng tôi nhằm chống lại nạn lừa đảo và nhằm đảm bảo người dùng sẽ  được tiếp cận một cách minh bạch và kiểm soát được những quảng cáo mà họ thấy trên Facebook.

    VietHome (Theo Metro)

  • Báo Daily Telegraph đã đăng tải một bài viết trên trang nhất công khai xin lỗi Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump và nhất trí bồi thường cho bà vì “những tổn thất đáng kể” liên quan tới một bài viết mà báo này xuất bản hồi tuần trước. 

    Trong thư xin lỗi, báo Daily Telegraph đề cập đến bài viết mang tựa đề “The Mystery of Melania” (Sự bí ẩn của Melania”) được đang trên trang nhất tạp chí hôm thứ 7 tuần trước có chứa các thông tin sai lệch.

    Trong số các thông tin sai lệch có các khẳng định rằng bà Melania từng chật vật trong nghề người mẫu trước khi gặp chồng bà, Tổng thống Mỹ Donald Trump, và rằng bà đã khóc trong đêm bầu cử.

    Tờ báo thừa nhận rằng các thông tin trên đáng lẽ không nên được xuất bản. Tờ báo cũng cho biết sẽ trả các chi phí pháp lý cho Đệ nhất phu nhân Mỹ.

    Trong thư xin lỗi hôm nay, tờ báo thừa nhận rằng bà Melania từng là “một người mẫu chuyên nghiệp thành công bằng chính nỗ lực của bà trước khi gặp chồng và có được các công việc người mẫu mà không có sự trợ giúp của ông”.

    Bức thư cũng cho biết, bài báo đã thông tin sai khi nói rằng cha, mẹ và chị của bà Melania đã chuyển tới New York vào năm 2005 để sống trong các tòa nhà do ông trump sở hữu.

    Tờ báo nói thêm, cha của bà Melania không phải là “một người đáng sợ” và “không kiểm soát gia đinh” như bài báo trước đó viết.

    Ngoài ra, bức thư xin lỗi còn thừa nhận rằng, bà Melania đã không bỏ khóa học thiết kế và kiến trúc tại trường đại học vì các lý do liên quan tới việc hoàn thành một kỳ thi mà chỉ vì bà muốn theo đuổi một sự nghiệp thành công với tư cách là người mẫu chuyên nghiệp.

    Viethome (theo BBC)

  • Dính án giết người, mất đi cả thân phận... đó là những gì bạn có thể phải trải qua khi là nạn nhân của một vụ trộm danh tính.

    Khi thông tin cá nhân của bạn bị ai đó sử dụng với mục đích trục lợi mà không có sự cho phép, đó được gọi là "mất cắp danh tính". Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn cho rằng thông tin bị đánh cắp cũng không quá nghiêm trọng, miễn nó không liên quan đến thẻ tín dụng và tiền bạc là ổn. Có điều, sự thật thì việc bị đánh cắp danh tính có thể đáng sợ hơn bạn tưởng rất nhiều đấy.

    1. Lộ thông tin hộ chiếu, bà mẹ trẻ bỗng dưng dính án giết người

    Đó là những gì xảy ra với Nicole McCabe - một phụ nữ người Úc. Theo ABC đưa tin vào năm 2010, McCabe - đang mang thai 6 tháng và đang sống ở Israel - bỗng phát hiện ra mình bị truy nã với tội danh giết người. Cô nhận được tin thông qua đài radio. Bản tin cho biết có 3 người Úc đứng sau vụ ám sát lãnh đạo lực lượng kháng chiến Hồi giáo tại Dubai, và một trong đó là McCabe.

    Hộ chiếu của Nicole McCabe.

    Sau khi điều tra thì hóa ra McCabe và 2 người Úc kia là nạn nhân của tội phạm ăn cắp danh tính, mà ở đây là thông tin hộ chiếu. Theo đó, McCabe đang trong quá trình xử lý để làm hộ chiếu, thì kẻ gian đã lợi dụng điều đó, lấy thông tin của cô để tạo ra một cuốn hộ chiếu giả. May mắn là ảnh trên cuốn hộ chiếu giả kia không phải của McCabe, nên mọi chuyện cũng được làm sáng tỏ sau đó.

    2. Bị tước đoạt thân phận vì một kẻ "ngáo đá"

    Helen Anderson là một y tá đã về hưu. Tháng 10/2011, bà Helen có chuyến bay đi thăm con gái bị ốm của mình, giao lại ngôi nhà cho cháu gái là Samantha với lời dặn: không để bạn bè đến đây.

    Tuy nhiên khi quay trở lại thì không chỉ Samantha đang ở nhà, mà còn có Alice Lipski - bạn của cô. Theo lời Samantha, Alice mới chia tay bạn trai và xin ở lại vài ngày. Helen không vừa ý, nhưng chỉ yêu cầu Alice phải rời đi trước cuối tuần và không có thắc mắc gì nữa. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Alice là kẻ nghiện ma túy đá, đồng thời cũng là một tên trộm danh tính hết sức chuyên nghiệp.

    Alice nhắm vào hòm thư, và qua các hóa đơn cô ả đã nắm được toàn bộ thông tin cá nhân của Helen. Từ đây, Alice mạo danh Helen để rút sạch tiền ra khỏi tài khoản, đồng thời mở một thẻ tín dụng mới. Ranh ma hơn, cô ả đăng ký dịch vụ theo dõi để nhìn được lịch sử tín dụng trước kia của Helen, báo mất các thẻ tín dụng đã ngưng hoạt động để nhận thẻ mới kèm tên truy cập và mật khẩu.

    Và rồi sau đó, Helen mất quyền kiểm soát toàn bộ các tài khoản ngân hàng của mình mà không hay biết gì, vì mọi thông báo đã được yêu cầu chuyển đến địa chỉ của Alice. Phải mất vài tuần Helen mới nhận ra điều khác thường, khi các hóa đơn không còn gửi về nữa.

    Vài tháng sau đó, bà nhận được nhiều cuộc gọi từ các tổ chức tín dụng vì các giao dịch bất thường - đánh bạc, thay lốp xe, mua sắm quần áo... Tổng cộng trong 6 tháng, hơn $30.000 đã ra đi dưới danh nghĩa của bà. Trái ngang hơn, Helen còn rơi vào tình cảnh "Như người nước ngoài trong chính đất nước của mình," - trích lời bà khi trả lời phỏng vấn với trang Rd.

    Khi công ty tín dụng hỏi về tên truy cập và mật khẩu, Helen dĩ nhiên không thể trả lời đúng. Những gì bà có thể làm là đến tận nơi, trình ra bằng lái xe, và bắt đầu một rắc rối còn lớn hơn. Một cách cực kỳ chuyên nghiệp, Alice đã khiến cho mọi thông tin cá nhân của Helen lưu tại ngân hàng bị thay đổi. Bà phải cãi nhau hàng giờ về những thông tin tưởng như rất hiển nhiên về chính mình, như... công việc cũ, địa chỉ nhà, thậm chí cả tên mẹ đỡ đầu của Helen cũng bị thay đổi.

    "Tôi chẳng thể chứng minh tôi là ai. Tôi có cảm giác như mình không còn là một con người nữa." Hay nói cách khác, danh tính của Helen đã bị tước đoạt - ít nhất là tại các ngân hàng của bà.

    Sau này Alice cũng bị bắt, nhưng chỉ vì cô ả vô tình để quên túi xách của mình tại một cửa hàng quần áo. Bên trong đó là một chiếc máy tính và... hơn 10 bằng lái với những cái tên khác nhau, đều là ảnh của ả. Theo bản cáo trạng, Alice và đồng bọn đã khoắng gần 1 triệu đô chỉ nhờ vào việc ăn cắp danh tính của người khác.

    *Tên nạn nhân và thủ phạm đã được thay đổi.

    3. Bị chính mẹ đẻ trộm danh tính, đến khi bà chết mới phát hiện ra

    Câu chuyện xảy ra với Axton Betz-Hamilton vào năm 2014 (theo ABC News). Axton khi ấy biết rằng mình là nạn nhân của một vụ trộm thông tin cá nhân, nhưng không tài nào biết được ai là thủ phạm. Cô chỉ biết cha mẹ mình 20 năm trước cũng là nạn nhân của một vụ trộm danh tính, nên cô giả định rằng thông tin của mình cũng bị tiếp cận từ khi đó.

    Trong vòng 20 năm, kẻ gian đã sử dụng số an sinh xã hội của Axton để rút hơn 4,000 USD, cùng một khoản nợ trong thẻ tín dụng lên tới cả trăm ngàn dollar. Khỏi phải nói cũng biết nó gây hậu quả đến rất nhiều vấn đề trong cuộc sống của cô.

    Năm 19 tuổi là lần đầu tiên cô nhận ra mình là nạn nhân, khi công ty vận chuyển yêu cầu cô phải đặt cọc $100 chỉ vì lịch sử tín dụng xấu. Sau này, cô phải trả góp ô tô với lãi suất cao hơn gần gấp đôi so với người bình thường, lãi bảo hiểm, tiền điện, truyền hình cáp... cũng cao hơn. Cô sau đó cũng thông báo cho cảnh sát, nhưng không nhận được sự giúp đỡ.

    Axton cứ sống trong uất ức như vậy, cho đến khi mẹ cô qua đời vào năm 2013. Lúc này, sự thật mới bắt đầu sáng tỏ. Cha của Axton tìm được một chiếc hộp cũ chứa toàn bộ sao kê tín dụng dưới tên của con gái mình, nhưng chủ thẻ lại là bà vợ quá cố. Cảm thấy không thể tin nổi, 2 người lục lại đống đồ cũ và tìm ra các bằng chứng không thể chối cãi, về việc mẹ cô chính là thủ phạm. Hóa ra, bà đã lấy danh tính của cả chồng lẫn con mình, và lấy cắp của ông ngoại thêm $1.500.

    4. Nhân viên sở thuế vụ trốn thuế nhờ trộm danh tính

    Nakeisha Hall là một nhân viên của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS), với vai trò trợ giúp các nạn nhân bị trộm danh tính để gian lận thuế. Thế nên có nằm mơ cũng chẳng ai ngờ rằng một nhân viên mẫn cán của sở lại lợi dụng điều này để thêm một lần nữa lấy cắp thông tin của chính khách hàng. Trong giai đoạn 2008-2011, Nakeisha lợi dụng máy tính của sở để có được tên, ngày tháng năm sinh và số an sinh xã hội của rất nhiều người. Từ đây, ả ta trục lợi nhờ gian lận hoàn thuế và các yêu cầu hoàn tiền trên thẻ ghi nợ. Ở thời điểm bị bắt, tổng cộng Nakeisha đã lấy được $400.000 và bị kết án 9 năm tù giam.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Đại học Oxford vừa đình chỉ toàn bộ các khoản hỗ trợ nghiên cứu mới và tài trợ mới từ Huawei Technologies, hãng viễn thông Trung Quốc đứng giữa nhiều lùm xùm về an ninh quốc gia và đánh cắp tài sản trí tuệ.

    Theo South China Morning Post, trong email gửi nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học máy tính, trường đại học danh tiếng của Anh cho biết Ủy ban Xem xét Quyên góp, một phần của Hội đồng Thư ký trường đại học, vừa ra quyết định trên hồi tuần trước. Oxford tạm ngừng tư cách nhà tài trợ nghiên cứu của Huawei.

    “Quyết định này sẽ được ủy ban xem xét lại sau 3-6 tháng và không ảnh hưởng đến các khoản đóng góp hoặc dự án nghiên cứu hiện đã được đồng ý và ký kết, hoặc hiện được tiến hành”, emai viết. Không rõ liệu email này có được gửi cho sinh viên ở nhiều khoa khác hay không, song những người nhận email vẫn có thể tiếp tục liên lạc với Huawei.

    “Nếu bạn tiếp xúc với bất cứ ai từ Huawei, xin lưu ý rằng quyết định này không ngăn bạn duy trì mối quan hệ với họ nhưng chúng tôi khuyên bạn không nên thảo luận về thông tin bí mật hoặc thông tin quyền sở hữu”, email viết thêm.

    Huawei đang là mục tiêu của nhiều động thái giám sát gắt gao tại Mỹ. Mỹ còn tìm cách dẫn độ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu về nước vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt mà nước này áp đặt lên Iran. Công ty cũng bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại từ các đối tác Mỹ, trong đó có T-Mobile.

    Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS kiêm thành viên danh dự của St Antony’s College thuộc Oxford cho rằng quyết định của ủy ban trường không liên quan đến các cuộc điều tra mà Mỹ nhằm vào Huawei, cũng không liên quan đến chính sách mà chính phủ Mỹ nhắm vào hãng này.

    “Ủy ban có kết luận độc lập dựa trên những bằng chứng sẵn có. Các trường đại học không muốn thêm doanh nghiệp nào vào danh sách đen quyên góp. Với nhiều đại học nghiên cứu lớn ở Anh, trong đó có Oxford, quyết định ngừng nhận tài trợ phải có bằng chứng mạnh mẽ rằng làm như thế không sai”, ông Tsang giải thích.

    Ngay sau khi bà Mạnh bị bắt ở Canada hồi tháng 12.2018, giới lập pháp Anh thúc giục các trường đại học nước này “đặc biệt cẩn thận” khi nhận tiền hỗ trợ từ Huawei. Huawei đối mặt với hàng loạt lo ngại quốc tế vì nhiều cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Hầu hết mọi người không biết rằng, các mạng xã hội thu thập thông tin cá nhân của người dùng, vì thế ngay cả những chia sẻ tưởng như vô hại, cũng có thể làm hại bạn. Brightside đã tìm ra 10 điều bạn không nên chia sẻ trên mạng xã hội.

    1. Vị trí của bạn

    Điện thoại thông minh có thể định vị vị trí của bạn ở bất kỳ nơi nào. Nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi. Nếu không muốn gặp phiền toái, bạn có thể tắt chức năng định vị đi.

    2. Chia sẻ ảnh liên tục trong kỳ nghỉ

    Chia sẻ ảnh trong khi đang đi du lịch cũng tai hại như bật định vị, bởi có thể những người có ý định xấu sẽ đột nhập vào nhà bạn trong khi bạn vắng nhà. Lời khuyên là nếu thực sự muốn chia sẻ ảnh đi chơi, thì khi kết thúc hành trình mới làm điều này.

    3. Quà tặng đắt tiền

    Một nghiên cứu cho thấy nếu bạn cứ hay khoe của trên mạng xã hội thì độ an toàn cho bạn giảm xuống. Nhiều người sẽ nảy sinh lòng tham, ý đồ xấu với bạn. Cũng sẽ có người thấy ghen tỵ, hoặc phiền phức vì hành động này của bạn.

    4. Điều riêng tư trong mối quan hệ

    Bất cứ điều gì xảy ra giữa bạn và người yêu cũng không nên bày ra trước bàn dân thiên hạ. Đừng viết về những điều xảy ra trong phòng ngủ lên mạng, đừng chia sẻ những riêng tư giữa bạn và người ấy.

    5. Ảnh hôn

    Có thể bạn đang yêu nên bạn thấy việc chia sẻ tình yêu của mình không vấn đề gì. Song những người thân của bạn sẽ không thích. Bạn bè trên mạng thì thấy việc đó chẳng hay ho gì. Các chuyên gia mối quan hệ cho rằng, những người thích chia sẻ tình yêu lên mạng xã hội có cảm giác không an toàn trong mối quan hệ và nghi ngờ đối tác.

    6. Các ý kiến phản đối

    Thậm chí ngay cả khi những lời nói của bạn chỉ đùa, bạn cũng phải cẩn thận bởi những lời của bạn có thể mang yếu tố xúc phạm, kéo theo sau đó là hệ lụy bạn không thể tưởng được. Vì thế hãy tránh việc nêu ý kiến cá nhân về tôn giáo, chính trị, phân biệt giới tính... lên mạng.

    7. Ảnh chụp ở những nơi linh thiêng

    Khá nhiều bạn trẻ mắc phải lỗi này, khi chụp ảnh tươi cười ở đám ma, nghĩa trang, nhà thờ hoặc những khu vực tôn giáo.

    8. Chia sẻ thứ trái với đạo đức, pháp luật

    Bạn tự hào khoe các bức ảnh phá vỡ quy tắc, như uống rượu khi lái xe, selfie khi đang lái xe trên đường cao tốc, có vũ khí, tiền giả... bạn có thể bị bắt. 

    Một băng nhóm cần sa người Việt ở Anh từng bị bắt vì khoe ảnh con chơi với xấp tiền trên mạng xã hội. Ảnh: Lancashire Telegraph.

    9. Phàn nàn về công việc, đồng nghiệp

    Cho dù bạn không kết bạn với sếp hay chặn một đồng nghiệp nào đó thì cũng đừng phàn nàn về họ lên mạng. Những chuyện như thế chẳng hay ho gì, nó có thể khiến bạn bị sa thải. Nếu bạn bức xúc thì xả nó ra trong những cuộc nói chuyện trực tiếp sẽ tốt hơn.

    10. Giấy tờ cá nhân

    Đôi khi bạn choáng ngợp trước các mốc quan trọng như khi được bằng lái, mua được ngôi nhà và muốn chia sẻ với mọi người ngay lập tức. Nhưng đừng quên khi tiết lộ trên mạng, bạn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, bởi các dữ liệu cá nhân của bạn có thể bị đánh cắp. Vì thế tránh đăng các giấy tờ liên quan đến hộ chiếu, vé máy bay, bằng lái...

    Số điện thoại cũng đừng đăng tải.

    Cũng như vậy, không đăng hình ảnh các loại thẻ ngân hàng của bạn, giao dịch, bởi hacker có thể dễ dàng truy cập vào tài khoản của bạn.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Theo Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) ở Canberra, hàng chục nhà khoa học và kỹ sư có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc đã phải che giấu sự thật này để nộp đơn du học.

    ASPI cho rằng, mối quan hệ cộng tác giữa các trường đại học ở 5 nước thuộc nhóm "Ngũ nhãn" là khăng khít nhất, tạo nên một liên minh tình báo bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ. Và điều đáng nói ở đây là cả 5 quốc gia này đều xem Trung Quốc là “đối thủ tình báo lớn của họ”.

    Đấy cũng chính là lí do nhiều trường đại học ở 5 quốc gia nói trên có chung mối quan ngại về việc liệu khi chấp nhận để các nhà khoa học Trung Quốc sang theo học có tạo cơ hội cho họ thực hiện hoạt động tình báo hoặc ăn cắp bản quyền trí tuệ hay không.

    Nghiên cứu của ASPI cho thấy, từ năm 2007, khoảng 2.500 nhà khoa học quân sự được quân đội Trung Quốc tài trợ đã đi du học. ASPI cho rằng, việc các nhà khoa học quân sự Trung Quốc được chấp nhận theo học ở các trường đại học quốc tế đôi khi đến từ cái bẫy tài chính mà Trung Quốc đưa ra. Đấy chính là lí do số lượng các ấn phẩm cộng tác chung giữa các trường đại học quốc tế và các nhà khoa học của quân đội Trung Quốc đang tăng đều. Đáng nói những ấn phẩm này lại liên quan tới hàng loạt lĩnh vực nhạy cảm như mật mã, công nghệ tự lái và công nghệ hàng hải.

    Theo đó, quân đội Trung Quốc đã cố tình che giấu mối quan hệ giữa các du học sinh và quân đội nước nhà để đưa họ ra nước ngoài học tập và nghiên cứu. ASPI cho rằng, đây hoàn toàn trái với hoạt động trao đổi liên quân diễn ra một cách minh bạch giữa Trung Quốc và nhiều nước.

    Cũng theo ASPI, các sinh viên được cử ra nước ngoài thường chủ động làm sai hồ sơ khi tìm cách giấu giếm mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Chẳng hạn như đưa ra tên giả của một viện nghiên cứu hoặc thay đổi tên của các viện nghiên cứu đang tồn tại. Được biết, các viện nghiên cứu dù không tồn tại nhưng thường được du học sinh Trung Quốc ghi trong hồ sơ nhiều nhất là Viện Công nghệ và Khoa học Thông tin Trịnh Châu.

    Chỉ một viện này nhưng đã có hơn 1.300 tác giả ghi tên trong các cuốn sách đồng xuất bản với một loạt trường đại học quốc tế. Trong số này có hơn 20 cá nhân đã sử dụng Viện Công nghệ và Khoa học Thông tin Trịnh Châu để che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, trong đó 17 người đã tới Australia.

    Được biết, chính quyền Na Uy đã trục xuất 1 nhà khoa học Trung Quốc cùng người thầy hướng dẫn vào năm 2015 với những bằng chứng cáo buộc 2 người này tiến hành công trình nghiên cứu ở Đại học Agde để phục vụ phát triển tên lửa hành trình siêu thanh. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã nhanh chóng phản đối việc Na Uy trục xuất nhà khoa học Hu. Sự việc diễn ra đúng thời điểm mối quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy bị đóng băng hoàn toàn sau khi ông Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2010.

    Viện ASPI còn tiết lộ, từ năm 2007 có khoảng 500 nhà khoa học có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc đã được cử sang Anh và Mỹ, khoảng 300 người sang Australia và Canada cùng hơn 100 cá nhân sang Đức và Singapore. Được biết, trong số các trường đại học quốc tế thì Đại học Công Nghệ Nanyang của Singapore là có mối quan hệ thân thiết nhất với quân đội Trung Quốc trong việc xuất bản các cuốn sách đồng tác giả. Tiếp sau là Đại học New South Wales (UNSW) của Australia và Đại học Southampton ở Anh. Ngoài ra, vào năm ngoái một đại học khác của Úc là Đại học Công nghệ Sydney cũng đã thiết lập quan hệ đối tác nghiên cứu với một công ty quốc phòng Trung Quốc.

    Viethome (theo Baouc)