• Nữ du khách nước ngoài nhận xét, bữa ăn hết 2,2 triệu đồng cho 10 món tại nhà hàng sao Michelin là bữa ăn đắt đỏ nhất ở TP.HCM.

    Mới đây, phóng viên Jennifer Johnston của tờ New Zealand Herald đã thực hiện chuyến du hành mùa xuân ở châu Á kéo dài 17 ngày trên du thuyền. Đặc biệt, trong ngày thứ 15, con tàu chầm chậm xuôi dòng sông Sài Gòn và cuối cùng cập bến TP.HCM. Du khách có hai đêm tại thành phố đông dân nhất Việt Nam và tha hồ khám phá ẩm thực ở nơi này.

    Jennifer được gợi ý dùng bữa tối tại Anan Saigon, nhà hàng một sao Michelin duy nhất tại TPHCM trong cẩm nang Michelin Guide năm 2023. Ngay cái tên Anan đã khiến Jennifer thích thú vì biết ý nghĩa của nó chính là "ăn" trong tiếng Việt.

    nha hang anan 1
    Nhà hàng một sao Michelin nằm giữa khu Chợ Cũ, TPHCM

    "Vào một buổi sớm, du thuyền của chúng tôi chầm chậm xuôi dòng rồi cuối cùng cập bến ở TPHCM. Trước khi xuống tàu, tôi cùng Argot, một người bạn đồng hành đã thảo luận chuyện dùng bữa tại một nhà hàng duy nhất đạt sao Michelin tại thành phố này. Đây cũng là nhà hàng lọt trong danh sách 50 nhà hàng tốt nhất châu Á vào năm 2021 và 2023", Jennifer hào hứng cho biết.

    Đặc biệt, khi nghe câu chuyện về đầu bếp Peter Cường mở ra nhà hàng này ra sao, Jennifer bắt ngay chuyến taxi đến Chợ Cũ trên đường Tôn Thất Đạm.

    Peter từ bỏ công việc tại ngân hàng ở Mỹ và theo đuổi tình yêu, niềm đam mê ẩm thực của mình. Anh học nấu ăn kiểu Pháp tại trường dạy nấu ăn Le Cordon Bleu ở Paris. Sau khi làm việc tại các nhà hàng ở nước ngoài và điều hành hai nhà hàng ở Hồng Kông, Peter trở lại Việt Nam vào năm 2017.

    nha hang anan 1
    Đầu bếp Peter Cường - chủ nhà hàng Ăn ăn Sài Gòn

    Ký ức tuổi thơ của anh được bao quanh bởi thức ăn. Mẹ anh có một tiệm mì nhỏ trong phòng khách và những sáng tạo của anh được lấy cảm hứng từ mẹ và nền văn hóa ẩm thực đường phố sôi động của Việt Nam. Đồng thời bổ sung thêm các kỹ thuật ẩm thực Pháp từ khóa đào tạo Le Cordon Bleu.

    Xuống xe, nữ du khách đặt chân lên một vỉa hè mấp mô, rác vương vãi. Một con mèo màu gừng chạy vụt qua, trốn dưới một trong những quầy hàng nghiêng ngả trong chợ. Ngay khi cô đang tự hỏi nhà hàng được gắn sao Michelin này ở đâu, bạn đồng hành của Jennifer ồ lên và chỉ về phía một tấm biển gắn đèn neon vàng trên tòa nhà 6 tầng vừa cao vừa hẹp. Và họ bước qua con phố nhốn nháo để tiến vào nhà hàng.

    nha hang anan 1
    Một ổ bánh mì "Michelin" ở Anan

    Tại đây, 2 vị khách quyết định chọn thực đơn đặc biệt của đầu bếp với 10 món. Khi người phục vụ mỉm cười, lặng lẽ đặt từng đĩa đồ ăn trước mặt, vị khách New Zealand chỉ mải tập trung vào cách trình bày hiện đại của đầu bếp. Với cô, mỗi món giống như một tác phẩm nghệ thuật.

    "Hương vị thật tuyệt vời", nữ du khách bày tỏ.

    Họ còn được đích thân đầu bếp Peter Cường Franklin ghé thăm bàn, hướng dẫn cách thưởng thức món bún chả Bourdain. Đây là món thứ 5 trong thực đơn 10 món.

    "Đây là phiên bản 'ăn một miếng, uống một ly' của món bún chả nổi tiếng của chúng tôi. Hãy ăn hết một lần, và khi bạn nhai, tất cả hương vị sẽ lan tỏa", ông mô tả.

    nha hang anan 1
    Miếng bún chả này có vị của thịt heo, tỏi, dưa góp, rau thơm..., theo lời giới thiệu của đầu bếp.

    Khác với món bún chả thường thấy ở các cửa tiệm bình dân, món cao cấp phục vụ tại nhà hàng gồm rau thơm, nem rán, bún, dưa góp và miếng chả nướng. Tất cả được trình bày trên một chiếc đĩa, để khách chỉ cần ăn một lần.

    "Món này chỉ ăn một miếng duy nhất. Khi nhai, tất cả hương vị kết cấu sẽ được giải phóng", vị đầu bếp gốc Việt giải thích.

    Cũng trong cuộc gặp gỡ, đầu bếp Peter Cường Franklin cho biết: "Anan là nhà hàng Việt Nam hiện đại nhưng đồng thời cũng có nền tảng lịch sử và truyền thống. Mọi người thường hỏi tại sao tôi chọn mở Anan ở khu chợ địa phương thay vì khách sạn 5 sao. Bởi chợ là nơi cung cấp các nguyên liệu tươi ngon của địa phương nhưng cũng là nguồn cảm hứng cho ẩm thực ở Anan", ông giải thích.

    "Khi ẩm thực và xã hội hiện đại hóa, chúng ta không được đánh mất nền văn hóa truyền thống của mình. Nguồn gốc lịch sử sâu sắc của chợ chợ Cũ nhắc nhở tôi và nhóm của mình phải chế biến những món ăn đích thực mà mọi người thích ăn, bám sát cuộc sống thực và quan trọng nhất là đừng quên cội nguồn của mình", ông nói thêm.

    nha hang anan 1
    Bữa ăn gồm chả cá Hà Nội (trên, phải), bún chả Bourdain (trên, trái), bánh nhúng kèm trứng cá muối Caviar (dưới, trái), và bánh mì mini tại nhà hàng

    Vào tháng 11/2023, Peter cũng mở Pot Au Pho ở tầng 3 phía trên Anan. Điều này báo trước nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để nâng món phở, món ăn dân tộc của Việt Nam, lên một tầm cao mới. Đó cũng là lời tri ân đến quán bún truyền thống của mẹ anh ở Đà Lạt xưa kia.

    Sau khi lần lượt thưởng thức hết tất cả món ăn trong thực đơn 10 món, mỗi vị khách chi trả khoảng 2,2 triệu đồng (150 đôla New Zealand).

    "Đây là bữa ăn đắt nhất của chúng tôi ở TPHCM tại nhà hàng gắn sao Michelin. Nhưng với tôi, bữa ăn này lại rất rẻ bởi xứng đáng với những trải nghiệm vượt ngoài mong đợi", cây bút của New Zealan Heard nhận xét.

    Điều này nhận được sự tán đồng của người bạn đồng hành cùng Jennifer. Cô cho rằng bữa ăn là "sự kết hợp hoàn hảo giữa Đông và Tây. Mỗi món ăn mang tới cảm giác thú vị ở tầm cao mới khiến thực khách bất ngờ".

    Được biết, nhà hàng đã trở thành điểm đến quen thuộc với nhiều vị khách nước ngoài muốn trải nghiệm ẩm thực Việt theo kiểu biến tấu cao cấp.

    nha hang anan 1
    Món chả cá Hà Nội phục vụ tại nhà hàng

    Trước đó, anh Joshua Zukas, một du khách người Mỹ từng chia sẻ trải nghiệm ăn phở bò giá 2,4 triệu đồng tại đây. Khác với những bát phở bình dân thường thấy trên đường phố, với mức giá 100 USD, thực khách được thưởng thức 2 ly mojito, 2 quả cầu phở phân tử, 2 miếng bánh mì Việt Nam và một tô phở.

    Chỉ riêng món phở được đựng trong chiếc bát sâu lòng với 6 loại thịt bò khác nhau gồm cả tủy bò và xúc xích tự làm, hòa quyện trong phần nước dùng đậm đà. Ngoài ra, thực khách còn được phục vụ thêm bò Wagyu sống.

    Dù thưởng thức tô phở đắt tiền với nhiều trải nghiệm mới lạ, nhưng vị khách Mỹ vẫn bày tỏ niềm yêu thích với bát phở truyền thống của người Việt.

    Kênh 14 (Theo New Zealand Herald)

  • Ở bất cứ đâu, khi hai chữ 'banh mi' bật lên thì biết ngay người ta đang nói đến ổ bánh mì Việt Nam. Đó là món ăn mà người nước ngoài muốn thưởng thức thì phải nói bằng tiếng Việt.

    banh mi oxford 1
    Người Việt ăn bánh mì quanh năm suốt tháng không chán, hoa hậu H'Hen Niê (trong ảnh) cũng không ngoại lệ - Ảnh: DUYÊN PHAN

    Người Việt ăn cơm ăn xôi, văn minh Việt Nam là văn minh ngàn năm lúa gạo. Trước đó, chúng ta không ăn bánh mì.

    Bánh mì theo chân người Pháp đến Sài Gòn, xuống Nam Kỳ lục tỉnh, ra miền Bắc rồi "phải lòng" cả dân tộc này. Giờ đây không ở đâu mà không có bánh mì.

    Ngày 24-3, vừa hay kỷ niệm 13 năm "banh mi" đi vàoT ừ điển Oxford như một danh từ riêng, để chỉ bánh mì Việt Nam và chỉ có Việt Nam mới có loại bánh này.

    Mã vạch văn hóa

    Dù có nguồn gốc châu Âu nhưng bánh mì Việt Nam khác lắm ổ bánh mì nơi khai sinh ra nó.

    Đó là lý do mà khi nói về bánh mì kẹp thịt của người Việt, người nước ngoài dùng chữ "Vietnamese sandwich" vẫn thấy có gì đó... sai sai nên mới có hai chữ "banh mi" được bổ sung vào từ điển Oxford, bên cạnh baguette, sandwich...

    Chiếc bánh mì kẹp thịt Việt Nam nổi tiếng, The Guardian không ngại ngần gọi đây là "loại sandwich ngon nhất thế giới".

    Không phải ở Rome, Copenhagen hay New York, mà trên các đường phố của Việt Nam. Các bảng xếp hạng những món ăn đường phố ngon nhất, bánh mì chẳng bao giờ vắng mặt.

    Hay ho chưa? Từ một món ăn từng bị các cụ đồ, tiêu biểu là cụ Nguyễn Đình Chiểu - trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - chê:

    "Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ" - xem bánh mì, rượu chát là những thứ văn hóa ngoại lai.

    Giờ bánh mì trở thành một nét văn hóa ẩm thực Việt và đi ra thế giới với danh từ riêng "banh mi". "Banh mi" cùng với "pho" (phở), "ao dai" (áo dài) trong Oxford đã trở thành "mã vạch văn hóa" của người Việt.

    banh mi oxford 1
    Ngoài bánh mì kẹp truyền thống, thế giới bánh mì Việt Nam phong phú và tinh vi một cách thú vị, trong ảnh là bánh mì xíu mại - Ảnh: DUYÊN PHAN

    Bánh mì kẹp thịt truyền thống chưa là gì

    Bánh mì là một sản phẩm của tiếp biến văn hóa. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng hồi năm 2018 có nói: "Chính tiếp biến văn hóa làm cho cơ cấu văn hóa trưởng thành, đa dạng và phong phú hơn".

    Có thể giai đoạn đầu tiếp biến văn hóa là cục u bướu, làm ta khó chịu. Song lịch sử sau đó đã chứng minh nó ghép vào cơ thể ta một cách hoàn hảo.

    Ổ bánh mì phương Tây "đột nhập" và "đại náo" ẩm thực Việt để rồi điềm nhiên, thẳng thớm "đi ngược" ra thế giới với bao thú vị và mời gọi.

    Như thể ăn một ổ bánh mì, mời bạn đến với Việt Nam - nơi chẳng phải là quê hương của bánh mì nhưng tới đây, bạn sẽ được thưởng thức loại bánh mì ngon nhất thế giới.

    Thế nhưng cái hay ở chỗ ta Việt hóa nó theo căn tính của mình. Cái chất "tùy nghi", "nhập gia tùy tục" thấy rõ. Có gì dùng nấy, có gì ăn nấy, tiện cái gì dùng cái đó...

    banh mi oxford 1
    Trong ổ bánh mì là cả một thế giới nhân sinh quan của người Việt; có pate, có thịt, có chả lụa, có cả nước sốt và rau thơm - Ảnh: DUYÊN PHAN

    Bánh mì truyền thống của người Việt thường kẹp pa tê, thịt xíu hoặc thịt quay, chả lụa cùng rau thơm, dưa chuột... rồi rắc thêm một ít muối tiêu hoặc rưới một ít nước xốt đậm đà. Ai thích thì có thể thêm ớt xắt mỏng rải lên.

    Nhưng ổ bánh mì kẹp thịt truyền thống nói ở trên đã là chi.

    Nếu không biết, người nước ngoài dễ bị "tẩu hỏa nhập ma" khi khám phá thế giới bánh mì Việt Nam. Nó phong phú và "đa ngôn" một cách tinh vi.

    Đến bánh mì truyền thống ở ba miền Bắc, Trung, Nam cũng không hoàn toàn giống nhau. Bởi vậy, ở Sài Gòn vẫn thấy những biển hiệu bánh mì Hà Nội và ngược lại ở Hà Nội vẫn thấy bán bánh mì Sài Gòn.

    Còn bánh mì miền Trung, tiêu biểu như Đà Nẵng hay Hội An, bánh mì có phần nhân đậm đà hơn, ăn kèm với rau răm.

    banh mi oxford 1
    Nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam, phải ăn bánh mì cho bằng được - Ảnh: QUANG ĐỊNH

    Mỗi vùng lại có kiểu bánh mì đặc trưng riêng nữa. Chẳng hạn ở Nha Trang, người ta hay ăn bánh mì kẹp chả cá... Cũng không nhất thiết phải kẹp thịt, có nơi kẹp trứng rán và pa tê. Vẫn ngon như thường.

    Không dừng ở bánh mì kẹp thịt, giờ đây người Việt lại nhanh nhạy vô đối khi cho ra những ổ bánh mì thuần chay với đậu phụ, nấm, pa tê chay, xốt chay hoặc vỏ bưởi lên men...

    Điều này rất được lòng các thực khách có xu hướng ăn thuần chay. Thêm một lần nữa bánh mì Việt Nam lại ghi điểm.

    Cứ thế, nó chu du khắp thế giới đa giác quan và mùi vị, từ châu Á tới châu Âu, sang cả Mỹ, mang đến một "cảnh sắc Việt Nam" qua con đường dạ dày.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Trong danh sách 45 món ăn được xem là "tệ nhất" của Việt Nam, chuyên trang ẩm thực Taste Atlas cho rằng món bánh đậu xanh của Hải Dương xếp vị trí đầu bảng.

    Trong bài viết mới đăng tải trên chuyên trang ẩm thực Taste Atlas có trụ sở ở thành phố Sofia (Bulgaria) có đăng tải danh sách 45 món ăn Việt Nam được đánh giá là "tệ nhất". Tuy nhiên, bảng xếp hạng này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

    Cụ thể, theo các chuyên gia của Taste Atlas, bánh đậu xanh Hải Dương đứng ở vị trí đầu bảng trong những món ăn kém ngon.

    mon ngon viet nam 1
    Bánh đậu xanh Hải Dương từ lâu trở thành thức quà ngon của người Việt (Ảnh: Mạng xã hội). 

    "Món bánh tráng miệng của Việt Nam có nguồn gốc từ Hải Dương, được làm từ nguyên liệu gồm đậu xanh, dầu thực vật hoặc mỡ lợn, đường và hương liệu để tạo ra chiếc bánh có kết cấu mịn giống kẹo mềm.

    Người ta tin rằng món bánh xuất hiện lần đầu vào những năm 1920. Kể từ đó, đây là món bánh ngọt được người địa phương yêu thích và nổi tiếng khắp cả nước. Theo truyền thống, người ta sẽ thưởng thức bánh đậu xanh cùng tách trà mạn hoặc trà sen", nội dung bài viết chia sẻ.

    Món bánh này chỉ được chấm 2,8 trên 5 sao nên trở thành món kém ngon trong Top "45 món tệ nhất ở Việt Nam". Tuy nhiên, điều này gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn ẩm thực tại Việt Nam.

    Nhiều người cho rằng bánh đậu xanh Hải Dương từ lâu đã trở thành thức quà ngon chinh phục cả thực khách trong và ngoài nước. Còn nhận định ngon hay dở lại phụ thuộc vào khẩu vị của từng người, không có thang điểm nào đánh giá tuyệt đối.

    mon ngon viet nam 1
    Nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo không nên ăn món tiết canh sống (Ảnh: Taste Atlas).

    Đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng là tiết canh. Với nhiều khách quốc tế, món ăn này được xem là nỗi ác mộng.

    "Món tiết canh với màu đỏ đặc trưng được chế biến từ tiết động vật tươi hãm với chút nước mắm. Sau đó, người đầu bếp sẽ băm nhỏ phần nội tạng của con vật để làm nhân. Sau khi rót nước tiết vào nhân, để một lúc bát tiết canh sẽ đông lại. Phía trên, món ăn được trang trí với lạc rang giã nhỏ, chút rau thơm", bài viết mô tả.

    Được biết, cách chế biến làm món tiết canh rất phổ biến trong ẩm thực người Việt, đặc biệt là các tỉnh thành phía Bắc nhưng chưa từng thấy trong nền ẩm thực nào khác trên thế giới.

    Tuy nhiên, trong tiết có thể chứa rất nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại cho con người, nên các chuyên gia y tế nhiều lần lên tiếng khuyến cáo không nên ăn tiết canh sống.

    mon ngon viet nam 1
    Món bún đậu mắm tôm được nhiều người yêu thích (Ảnh: MẮM).

    Món ăn tiếp theo có mặt trong danh sách là bún đậu mắm tôm. Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ bởi đây vốn là món ăn giản dị được lòng nhiều khách Việt và cả thực khách nước ngoài. Thậm chí, một quán bún đậu mắm tôm bán ở New York (Mỹ) từng được tờ báo địa phương xếp trong nhóm "Các quán ăn Việt ngon nhất tại Mỹ".

    Ngoài ra, một số món ăn phổ biến khác của Việt Nam cũng trong danh sách và gây tranh cãi như bún mắm, cháo lòng, chè chuối, nem chua, bún chả cá, cá kho tộ, quẩy...

    "Không biết chuyên trang này có xếp lộn không. Trừ món tiết canh có thể chấp nhận được, còn những món khác đều là món ngon của người Việt. Tôi không đồng tình với bảng xếp hạng này", tài khoản có tên Nguyên Dương nêu ý kiến.

    Được biết, đây không phải lần đầu Taste Atlas có bài viết nhận xét về các món ăn trong ẩm thực Việt. Trước đó ngày 15/2, chuyên trang này có bài bình chọn bò nhúng dấm nằm trong 50 món ăn ngon nhất Đông Nam Á năm 2023.

    Cũng theo chuyên trang này, bảng xếp hạng dựa trên tiêu chí đánh giá của người dùng với mục đích quảng bá món ăn địa phương và không nên coi là kết luận duy nhất về các món ăn.  

    Taste Atlas hiện kết nối với 9.000 nhà hàng trên khắp thế giới, chia sẻ hơn 10.000 món ăn với độc giả toàn cầu. Đây là những kết quả đánh giá từ nghiên cứu của các chuyên gia, đầu bếp thế giới.

    Hình ảnh các món bị chê:

    mon ngon viet nam 4

    mon ngon viet nam 4

    mon ngon viet nam 4

    mon ngon viet nam 4

    mon ngon viet nam 4

    Theo Dân Trí

  • Trở lại Việt Nam lần thứ 4, ban nhạc huyền thoại 911 không giấu nổi sự thích thú khi được thưởng thức nhiều món ngon ở Thủ đô như bún chả, bánh cuốn, bánh xèo, kem Tràng Tiền…

    Trở lại Việt Nam hồi đầu tháng 9 trong khuôn khổ Lễ hội Vương quốc Anh tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội), nhóm nhạc nổi tiếng 911 tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi dạo hồ Hoàn Kiếm, thăm phố cổ và thưởng thức nhiều món ăn đường phố, đặc sản ở Thủ đô.

    nhom 911 den vietnam 1
    Họ thích thú khi được thưởng thức nhiều món ngon, đặc sản Hà Nội như bún chả, bánh cuốn, bánh xèo,... (Ảnh chụp màn hình)

    nhom 911 den vietnam 1
    Các thành viên ban nhạc huyền thoại 911 tranh thủ đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, ăn kem Tràng Tiền,... trong thời gian lưu diễn ở Hà Nội (Ảnh chụp màn hình)

    Đây là lần thứ 4 đến Việt Nam biểu diễn song các thành viên trong ban nhạc huyền thoại của xứ sở sương mù đều không giấu nổi sự thích thú, ấn tượng trước văn hóa ẩm thực, phong cảnh thiên nhiên và sự hiếu khách của người dân địa phương.

    Thời gian ở Hà Nội, nhóm nhạc 911 có cơ hội thưởng thức một số món ăn truyền thống như bún chả, bánh cuốn, bánh xèo… Trong đó, các thành viên tiết lộ đặc biệt yêu thích kem Tràng Tiền vị vani.

    Sau thời gian lưu diễn ở phía Bắc, nhóm nhạc 911 tiếp tục di chuyển đến TPHCM để tiếp tục biểu diễn trong khuôn khổ Lễ hội Vương quốc Anh.

    Trước đó, hồi đầu năm 2023, ban nhạc đến từ xứ sở sương mù cũng có dịp trở lại Việt Nam để thu âm và quay MV “I Do” cùng ca sĩ Đức Phúc. Chuyến đi này, các thành viên ở lại đây hai tuần nên dành nhiều thời gian thăm thú cảnh đẹp và trải nghiệm một số hoạt động thú vị ở Hạ Long và Phú Quốc.

    nhom 911 den vietnam 1
    Trải nghiệm đi du thuyền ở Hạ Long khiến nhóm nhạc huyền thoại 911 vô cùng ấn tượng (Ảnh: 911)

    Trong đó, nhóm nhạc huyền thoại này đặc biệt mê mẩn khung cảnh thiên nhiên “hư ảo, xinh đẹp và yên bình” ở vịnh Hạ Long. Tại đây, họ trải nghiệm đi du thuyền 1 ngày 1 đêm và thích thú khi được chèo kayak…

    Theo Vietnamnet

  • Rough Guides là một nhà xuất bản sách du lịch, tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới có trụ sở tại Anh. Rough Guides đánh giá ẩm thực Việt rất khác biệt, đáng nhớ và là các món ăn ngon nhất Đông Nam Á. Từ hàng quán vỉa hè đến các nhà hàng cao cấp, các món ngon Việt luôn xuất hiện với đủ hương vị chua cay mặn ngọt. Dưới đây là 9 món ăn mà du khách không thể bỏ qua khi đến Việt Nam:

    Gỏi cuốn

    goi cuon 1

    Món gỏi cuốn phổ biến ở miền Bắc là bánh tráng cuốn cùng các loại rau sống, thịt, tôm. Phiên bản gỏi cuốn miền Nam thường có thêm thịt xiên nướng, kèm chuối xanh, khế và chấm ăn với nước sốt đậu phộng. Trong nhiều nhà hàng Việt, gỏi cuốn được đem ra làm món khai vị trước món chính.

    Bánh mì

    goi cuon 1

    Là một trong những món ăn đường phố nổi tiếng nhất, bánh mì được Pháp du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ 19 từ loại bánh mì dài (baguette) sau đó người Việt sáng tạo thêm các loại nhân ăn kèm. Bánh mì Việt thường có nhân thịt (gà, bò, heo), pate, trứng chiên và một số rau dưa muối. Bánh mì không chỉ bán ở khắp Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như London, New York, Tokyo...

    Bánh xèo

    goi cuon 1

    Những chiếc bánh dẹt chiên giòn kẹp nhân tôm, thịt, rau giá, trứng... cuộn cùng bánh tráng và chấm mắm chua ngọt là bánh xèo (tiếng xèo xèo phát ra khi chiên bánh). Là món ăn chơi, bánh xèo được rất nhiều người Việt và cả du khách nước ngoài ưa thích. Tuy có nguồn gốc ở miền Trung và miền Nam, bánh xèo hiện phổ biến khắp nơi và rất dễ tìm ra hàng bánh ở cả ba miền.

    Bún chả

    goi cuon 1

    Bún chả, đặc biệt ở Hà Nội, là một món đặc sản mà du khách có thể thấy bán ở khắp các ngõ phố thủ đô. Thịt làm chả là thịt xiên, hoặc băm nhuyễn viên miếng để nướng trên bếp than, bún ăn kèm là bún gạo tươi và bún chả không thể thiếu nước dùng đã pha chế thêm đĩa rau sống. Có thể dùng để ăn bữa chính như bữa trưa, bún chả được nhiều người ví giống thịt viên hoặc hamburger nhưng Rough Guides nhận xét, bún chả là sự kết hợp hương vị khác hẳn.

    Phở

    goi cuon 1

    Nhắc đến ẩm thực Việt không thể bỏ qua món "quốc hồn quốc túy" là phở, có thể ăn bất kỳ thời điểm nào trong ngày nhưng phần lớn người Việt ăn vào bữa sáng. Nguồn gốc từ miền Bắc nhưng phở hiện đã là món ăn phổ biến toàn quốc. Phở cũng có nhiều loại để thực khách chọn như phở gà, phở bò (tái, chín, gầu...). Như các món khác, ăn phở cũng có đi kèm các gia vị tươi như chanh ớt, và một số loại rau sống.

    Chả cá

    goi cuon 1

    Chả cá xuất phát từ thủ đô Hà Nội, cũng là một trong những món ăn có tiếng của ẩm thực Hà Thành. Gọi là chả cá nhưng món ăn được chế biến từ cá cắt miếng chiên thơm với hành, ăn kèm bún rối, rau húng láng, lạc rang, và mắm tôm. Cá làm món này chủ yếu từ cá lăng, cá quả, cắt miếng và chiên trên chảo dầu ngay khi thực khách gọi đồ xong. Khi ăn vừa xem cá vừa thêm hành lá, thì là vào đảo, chín đều thì có thể gắp ra thưởng thức.

    Cao lầu

    goi cuon 1

    Cao lầu là đặc sản của phố cổ Hội An, là một tô lớn nấu từ cao lầu (sợi dai và dày hơn sợi phở), giá đỗ, thịt heo xá xíu, tóp mỡ, rau sống đi kèm bát nước súp. Đặc biệt muốn ăn cao lầu ngon du khách phải tìm tới Hội An. Từ quán sang trọng đến nơi bình dân như chợ ở xứ Quảng này, du khách sẽ cảm nhận được nét khác biệt của món ăn.

    Mì Quảng

    goi cuon 1

    Đúng như tên gọi mì Quảng là đặc sản xứ Quảng, phổ biến nhất ở thành phố biển Đà Nẵng. Món mì trước đây nếu chỉ có nhân tôm thịt, thì nay đã được biến tấu và sáng tạo với nhiều nguyên liệu khác như ếch, giò heo, sườn, bò, gà... Tương tự cao lầu, mì Quảng không chan nước, ăn kèm rau sống, lạc rang, bánh tráng (bánh đa) giòn.

    Cơm tấm

    goi cuon 1

    Đi trên đường phố Sài Gòn, thực khách sẽ thấy các hàng quán bán cơm tấm ở mọi nơi vì đây là món ăn đường phố có tiếng nhất và cũng dễ ăn nhất. Cơm tấm là một phần cơm (nấu từ gạo vỡ) ăn cùng thịt, sườn heo, trứng chiên, chả trứng hoặc cá, với rau dưa, nước chấm chua ngọt. Không chỉ người Việt ưa chuộng mà cả khách nước ngoài cũng mê mẩn món ăn này.

    VnExpress (theo Rough Guides)

  • Đây là tô phở đặc biệt bởi chứa những nguyên liệu khác lạ và giá gấp khoảng 50 lần một tô phở thông thường.

    Tờ báo nổi tiếng của kênh truyền hình Mỹ CNN vừa có bài viết liên quan đến tô phở dát vàng 4,1 triệu đồng bên trong tòa nhà Vinpear Landmark81 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Theo CNN, phở ở nơi này được thưởng thức kèm với sườn mềm cùng các nguyên liệu cao cấp như thịt bò Wagyu, gan ngỗng, nấm cục truffle và phủ lên trên một lớp vàng lá ăn được.

    Giá một tô vì thế cũng đáng kinh ngạc: 170 USD (4,1 triệu đồng). Và chỉ có năm tô được phục vụ hàng ngày.

    pho dat vang 1
    Các thành phần bên trong bát phở. Ảnh: Bích Phương

    "Phở là món ăn dân tộc của Việt Nam, được thưởng thức ở mọi nơi, mọi thời điểm trong ngày… và tôi muốn bày tỏ lòng tôn kính với phở bằng phiên bản mới sang trọng này", ông Lê Trung, bếp trưởng điều hành nhà hàng Oriental Pearl ở TP.HCM nói với CNN.

    Nhà hàng tọa lạc tại Vinpear Landmark81, nơi có Autograph Collection - khách sạn cao nhất cả nước.

    Ông Trung cho biết, mặc dù món phở đặc biệt sử dụng nguyên liệu nhập khẩu chất lượng cao nhưng vẫn nấu theo cách truyền thống: ninh nhẹ xương tủy, đuôi bò đậm đà, thịt gà và sườn ngắn ướp với các loại gia vị như quế và hoa hồi trong hai ngày, tạo ra "một hương vị phong phú, sâu sắc tuyệt vời".

    "Theo truyền thống, phở không được coi là món ăn hảo hạng, nhưng chúng tôi đã cố gắng nâng cao để khiến phiên bản này có hương vị đậm đà và hấp dẫn", ông Trung nói và cho biết, việc thêm vàng lá là để "nâng cao tính thẩm mỹ của món ăn…, để nó không đơn giản trông giống một tô phở thông thường".

    pho dat vang 1
    Đầu bếp Lê Trung đang chế biến món phở dát vàng. Ảnh: Suteera Chalermkarnchana

    Có thể khẳng định, phở là một trong những món ăn nổi tiếng nhất của Việt Nam, được ăn vào buổi sáng, buổi trưa và buổi tối; được phục vụ rộng rãi trên khắp đất nước tại các gia đình, quán ăn trên đường phố và nhà hàng.

    Phở được cả thế giới yêu thích. Về cơ bản nhất, món bao gồm bánh phở bằng gạo với nước dùng thịt bò hoặc đôi khi là gà, trang trí bằng rau thơm, thịt lát mỏng.

    pho dat vang 1
    Tô phở giá 4,1 triệu đồng. Ảnh: CNN

    Được phục vụ trong các con hẻm và góc phố ở các thành phố của Việt Nam, một tô phở thông thường có giá từ 1,50 USD đến 3 USD.

    Tuy nhiên, tô phở dát vàng của Oriental Pearl sẽ khiến bạn phải trả ít nhất gấp 50 lần.

    Đầu bếp Trung tin rằng món ăn của anh là tô phở hấp dẫn nhất thế giới. "Chúng tôi muốn nâng tầm ẩm thực cổ điển này lên một tầm cao mới về sự sang trọng và tinh tế, đồng thời vượt qua ranh giới của ẩm thực Việt Nam", ông nói.

    Tuy nhiên, đây không phải là tô phở đắt tiền duy nhất ở TP.HCM. Nhà hàng được gắn sao Michelin Anan Sài Gòn mang đến món phở cao cấp sử dụng các nguyên liệu độc đáo như trứng cá muối, rượu sake Nhật Bản, sứa và lát cá tầm - có giá 100 USD.

    pho dat vang 1
    Khay nguyên liệu làm nên bát phở tiền triệu. Ảnh: CNN

    pho dat vang 1
    Khi phục vụ, nhân viên nhà hàng sẽ lần lượt đặt thịt bò, gan ngỗng, bào lát nấm truffle và dát vàng cho bát phở ngay trước mặt khách. Ảnh: CNN

    Theo Thanh Niên

  • Một tấn vải u hồng Việt Nam (vải chín sớm) vừa được Công ty TT Meridian nhập khẩu vào Anh, trở thành lô vải xuất chính ngạch đầu tiên của Việt Nam đến Anh trong năm nay.

    vai u hong nhap khau anh quoc
    Vải u hồng với thương hiệu nhận diện cờ Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

    Ông Thái Trần, Giám đốc điều hành Công ty TT Meridian, doanh nghiệp chuyên phân phối vải thiều và nông sản Việt Nam tại Anh cho biết, năm nay, công ty lần đầu tiên nhập vải u hồng nhằm tận dụng lợi thế của giống vải này là chín sớm hơn vải thiều khoảng 1 tháng để cạnh tranh với vải Mexico và Trung Quốc hiện có bán tại thị trường Anh.

    Lô vải u hồng sẽ được phân phối cho các siêu thị châu Á và bản địa. Dự kiến, mỗi tuần công ty sẽ nhập từ 3-5 tấn vải sang Anh tùy theo nhu cầu tiêu thụ.

    Theo ông Thái, TT Meridian nhập khẩu vải u hồng trước khi vải Mexico và Trung Quốc được thu hoạch và nhập khẩu sang Anh nhằm khai thác thị thường sớm, tạo cơ hội để vải Việt Nam với chất lượng tốt, vị ngọt và thơm, tiếp cận và chinh phục người tiêu dùng tại Anh.

    Đặc biệt, sản phẩm vải u hồng phân phối tại thị trường Anh năm nay có bao bì mang hình ảnh cờ đỏ sao vàng Việt Nam nhằm giúp người tiêu dùng Anh nhận diện thương hiệu quốc gia, tạo ấn tượng trái vải là một đặc sản riêng của Việt Nam.

    Ông Thái chia sẻ: "Bắt đầu từ năm nay, TT Meridian sẽ sử dụng bao bì sản phẩm Việt Nam phân phối tại Anh với hình ảnh cờ đỏ sao vàng nhằm xây dựng và quảng bá thương hiệu Việt Nam như một nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn của thế giới, giúp người tiêu dùng dễ dàng và nhanh chóng nhận diện sản phẩm Việt Nam trên kệ hàng siêu thị tại Anh.

    Sáng kiến nhận diện thương hiệu Việt Nam qua hình ảnh cờ đỏ sao vàng là một trong những nỗ lực của TT Meridian và các đối tác tại Việt Nam, trong đó có Hợp tác xã Chế biến Hoa quả Kim Biên (Bắc Giang), nhằm đổi mới, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của thị trường cũng như thói quen và hành vi người tiêu dùng".

    Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng, một thách thức lớn đối với xuất khẩu vải Việt Nam sang Anh là việc bảo quản sản phẩm do đặc thù của trái vải phải tiêu thụ trong vòng 3 ngày kể từ lúc thu hoạch để đảm bảo độ tươi ngon, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần làm chủ công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

    So với sản phẩm nhập khẩu cùng loại cũng như các loại trái cây nhập khẩu khác, vải Việt Nam hiện có giá bán khá cao tại Anh (15 bảng/kg, tương đương 435,000 VND).

    Theo ông Cường, giá vải cao một phần do loại quả này phải vận chuyển bằng đường hàng không với cước phí 3-4 bảng/kg để đảm bảo độ tươi. Ông Cường cho rằng việc làm chủ công nghệ bảo quản sẽ cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu vận chuyển vải bằng đường biển, giúp giảm giá sản phẩm.

    Theo TTXVN

  • Không phải ngẫu nhiên mà 10 món ngon này lại được báo chí nước bạn dành nhiều lời khen đến thế. Bạn hãy thử xem mình đã được nếm thử bao nhiêu món trong danh sách nhé.

    Các món ăn của Việt Nam đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Năm 2022, các tờ báo của Mỹ và Canada đã liệt kê 10 món ngon nhất của Việt Nam. Dưới đây là danh sách các món ngon này do chuyên trang du lịch Travel Sense Asia đăng tải. Bạn hãy xem mình đã được nếm qua những món gì nhé.

    1. Phở bò

    Vào tháng 1/2022, hãng tin nổi tiếng của Mỹ CNN đã công bố 20 món có nước ngon nhất thế giới và phở bò của Việt Nam đã ưu ái đứng top trong bảng danh sách này, bên cạnh món mì bò Lan Châu của Trung Quốc và canh Tom yum của Thái Lan.

    Có nhiều loại phở, nhưng theo CNN, phở bò vẫn luôn là món ngon nhất. Phở bò có 2 kiểu: Phở chín và phở tái. Phở chín là các lát thịt đã được làm chín trong nước dùng, trong khi đó, với phở tái, các lát thịt sống được thái mỏng, nhúng qua nước dùng đang sôi sùng sục.

    Một bát phở bò ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh có giá dao động trong khoảng từ 30.000 VNĐ đến 80.000 VNĐ.

    2. Bánh bột lọc

    mon ngon viet nam 2

    Vào tháng 4/2022, bánh bột lọc lại tiếp tục được CNN cho vào danh sách những món ngon của Việt Nam mà du khách không nên bỏ qua khi tới mảnh đất hình chữ S. Đây cũng là một trong những món ăn nổi tiếng và mang đặc trưng rõ rệt nhất của kinh đô Huế.

    Bánh bột lọc được làm từ bột năng, bên trong nhân có tôm, thịt, mộc nhĩ, bên ngoài được bọc bằng lá chuối và hấp lên, khi chín chấm cùng nước mắm chua ngọt.

    3. Bánh cam

    mon ngon viet nam 2

    Vào tháng 5/2022, CNN tiếp tục nêu tên bánh cam của Việt Nam là một trong 30 món chiên ngon nhất trên thế giới. Nếu nghe tên, nhiều người sẽ không biết nó là món bánh gì, vì nhiều nơi ở Việt Nam gọi đây là bánh rán, nhưng vì nó được nặn tròn và khi rán lên trông rất giống quả cam, nên đã được gọi là bánh cam, chứ nguyên liệu của nó không liên quan đến quả cam.

    Bánh cam được làm từ bột gạo nếp, bên trong là nhân đậu xanh trộn đường, bên ngoài có rắc vừng, sau đó chiên ngập trong dầu.

    4. Bánh mì

    Cũng trong tháng 5/2022, bánh mì đã được CNN xếp vào danh sách 23 món bánh mì kẹp ngon nhất thế giới. Thực ra, từ năm 2011, từ điển Oxford của Anh đã chính thức công nhận từ "bánh mì" là một danh từ riêng và đưa vào trong từ điển này. Bánh mì có nhiều loại nhân, từ trứng, cho đến thịt bò, lợn hoặc gà, ăn kèm với rau thơm, ớt, nước sốt...

    Ở Việt Nam, bạn có thể mua bánh mì kẹp với giá khoảng 15.000 - 25.000 VNĐ/cái.

    5. Cà phê sữa đá

    Vào tháng 5/2022, tạp chí du lịch danh tiếng của Canada, The Travel đã xếp cà phê sữa đá của Việt Nam là một trong những món đồ uống ngon nhất thế giới.

    Cũng theo tờ The Travel, khi tới Việt Nam, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội nếm thử món cà phê trứng. Đúng như tên gọi của nó, ngoài cà phê thì món đồ uống này còn có đường, sữa đặc và lòng đỏ trứng được đánh tơi lên, hòa quyện vào nhau, tạo nên một hương vị vừa thơm ngon, ngọt bùi, beo béo vô cùng hấp dẫn.

    6. Chả rươi

    mon ngon viet nam 2

    Tháng 6/2022, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng của Hong Kong (tên tiếng Anh South China Morning Post) đã giới thiệu món chả rươi tới độc giả của mình.

    Với những người yêu ẩm thực của Việt Nam, chả rươi không còn xa lạ. Đây là món ăn chỉ có vào mùa rươi (đầu mùa đông, tầm từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch), được làm từ rươi, thịt nạc xay, trứng cùng một số gia vị như vỏ quýt, lá lốt... rồi rán vàng. Trong tiết trời se lạnh, được ăn miếng chả rươi thơm ngon nóng hổi chấm cùng nước chấm chua ngọt thì quả thật không còn gì bằng.

    7. Bún quậy

    mon ngon viet nam 2

    Một món ăn nữa của Việt Nam, là đặc sản của đảo ngọc Phú Quốc cũng vinh dự được tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng khen ngợi, đó chính là món bún quậy.

    Ngoài việc được làm từ các nguyên liệu hải sản tươi ngon của vùng biển này, như mực trứng, chả cá, chả tôm, điều làm nên sự độc đáo của món ăn này chính là quá trình làm bún và làm nước dùng rất đặc biệt. Từng sợi bún có màu trắng trong vô cùng hấp dẫn, từng miếng hải sản vừa giòn vừa ngọt cùng với nước dùng đậm vị sẽ giúp bạn ăn một lần là không thể quên.

    8. Cao lầu

    mon ngon viet nam 2

    Cũng nằm trong danh sách các món ngon của Việt Nam được Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng giới thiệu cho các du khách chính là cao lầu - đặc sản của Hội An, món ăn có đầy đủ tất cả các hương vị của ẩm thực đất Việt: Mặn, ngọt, chua, cay, đắng.

    Những sợi mì vàng óng được trộn cùng tôm, thịt lợn, rau sống và một chút nước dùng sẽ giúp bạn cảm nhận được nét tinh tế của ẩm thực nơi phố Hội.

    9. Bún cá

    mon ngon viet nam 2

    Nếu bạn muốn khám phá ẩm thực Việt Nam, hãy bắt đầu từ thủ đô Hà Nội và bắt đầu từ món bún cá.

    Đúng như tên gọi của nó, nguyên liệu chính của món ăn này chính là những miếng cá rán giòn tan. Bên cạnh đó, các yếu tố khác làm nên một tô bún cá thơm ngon còn có rau cần, thìa là và nước dùng hầm đậm vị thơm ngào ngạt được hầm từ xương lợn, xương cá, cà chua, hành, gừng.

    10. Cháo vịt

    mon ngon viet nam 2

    Vào tháng 11/2022, Taste Atlas, chuyên trang được mệnh danh là "Bản đồ ẩm thực thế giới" đã liệt kê các món ngon và nổi tiếng của châu Á được làm từ vịt và món cháo vịt của Việt Nam đã vinh dự lọt vào danh sách này.

    Cháo vịt là một món ăn truyền thống của Việt Nam, được làm từ thịt vịt được nấu chín. Thành phần khác gồm nước mắm, gừng, hành lá, rau mùi, hạt tiêu đen và gạo. Món ăn này được thưởng thức vào những ngày đông lạnh thì sẽ càng thơm ngon đặc biệt.

    Kênh 14 (Theo TRAVELSENSE.ASIA)

  • Cà phê sữa đá Việt được vinh danh "ngon nhất thế giới" nhờ sự "hòa hợp" giữa hạt robusta và sữa đặc, theo chuyên gia.

    Với 4,6/5 điểm, cà phê sữa đá Việt Nam đồng hạng với ristretto của Italy trong vị trí đầu của danh sách 10 loại cà phê ngon nhất thế giới, theo bình chọn tháng 2 của Taste Atlas, website được mệnh danh bản đồ ẩm thực thế giới. Nhiều khách nước ngoài cũng dành lời khen, dù đa số thừa nhận "quá đậm, gây mất ngủ".

    ca phe sua da viet nam 1
    Ly cà phê Việt pha từ hạt robusta. Ảnh: Anh Tú

    Cà phê Việt Nam chủ yếu được pha từ hạt robusta. Dân sành cà phê gọi đây là loại hạt "thứ phẩm". Trên thế giới, hạt arabica được ưa chuộng hơn. Một số hãng đồ uống cho biết không dùng robusta vì "hương vị kém tinh tế".

    Phạm Việt Cường, chủ một quán cà phê ở Hà Nội, tốt nghiệp bằng Barista của SCA (Hiệp hội Cà phê Đặc sản Quốc tế) và từng làm việc trong lĩnh vực pha chế cà phê ở Anh, cho hay robusta là loại hạt được trồng và sử dụng nhiều tại Việt Nam. Loại này dễ trồng, chống sâu bệnh tốt, thích hợp với thổ nhưỡng. Với người châu Âu, cà phê sử dụng robusta là thuộc nhóm trung bình. Việt Nam có cả "fine robusta" - loại robusta chất lượng cao - nhưng ít quán sử dụng.

    Theo anh Cường, không phải hạt cà phê ngon hay đắt sẽ cho đồ uống ngon. "Hạt cà phê là yếu tố chính tạo nên sức hấp dẫn của đồ uống. Tuy nhiên, không cứ phải hạt ngon, đồ uống sẽ ngon. Điều quan trọng là sự phù hợp", anh Cường cho biết.

    Robusta là loại hạt phổ thông, dễ kết hợp - tiền đề để ra đời một ly cà phê hương vị tốt. Robusta có thể kết hợp với sữa đặc để tạo ra ly cà phê sữa đá nổi tiếng ở Việt Nam. Sau khi rang, robusta có hương vị kiểu đường cháy, hơi đắng. Khi kết hợp cùng sữa đặc, nó sẽ tạo ra sự cân bằng, nhờ đó dễ uống.

    Nếu dùng arabica, hạt sẽ có vị chua. Hương vị này kết hợp với sữa sẽ "không nịnh miệng như robusta". Hay hạt Panama geisha đắt nhất thế giới nhưng không thể dùng để pha với sữa. Người uống Panama geisha muốn tìm đến sự nguyên bản.

    ca phe sua da viet nam 1
    Anh Phạm Quốc Cường pha cà phê phin truyền thống. Ảnh: Anh Tú

    Anh Cường cho rằng robusta Việt Nam đang dần thay đổi hình ảnh trong mắt dân sành cà phê quốc tế. Tại World Barista Championship tháng 9/2022, Takayuki Ishitani, nhà vô địch Nhật Bản năm 2017 và 2019, đã sử dụng TR4 - loại robusta của Việt Nam. Điều này cho thấy vị thế của robusta đang có những bước biến chuyển tích cực, thay vì bị nhìn nhận là một loại hạt thứ cấp.

    Theo VnExpress

  • banh mi co ba manchester 1
    (Nhà hàng Banh Mi Cô Ba nằm trên phố Oxford Street, Manchester. Ảnh: Manchester Evening News)

    Đôi khi nhà hàng ngon nhất lại nằm ngay trước mắt mà bạn không để ý. Nhà hàng Banh Mi Cô Ba nằm ở vị trí rất đắc địa, tuy nhiên nó lại nằm gần tiệm Listo Burrito trên phố Oxford Street ở Manchester. Vì thế vào giờ ăn trưa, hàng dài người xếp hàng dọc con phố để mua bữa trưa ở Listo Burrito có thể vô tình khiến nhà hàng Việt Nam bị che lấp, bị chắn mất cửa ra vào.  

    Bánh burrito ở tiệm Listo Burrito khá ngon, nhưng các món ăn ở nhà hàng Việt Nam sát bên còn ngon hơn. Nhà hàng này chỉ vừa khai trương trước khi chính phủ ban hành lệnh phong tỏa vì dịch bệnh, do đó khi người dân quay lại văn phòng đi làm, họ có thể không nhận ra nó ở đó. 

    Nói như vậy không có nghĩa là tiệm vắng khách. Thực tế vào giờ trưa nhà hàng này khá bận rộn. Banh Mi Cô Ba, trong đó Cô Ba có nghĩa là "father"???, còn banh mi là món sandwich phổ biến ở Vietnam. 

    banh mi co ba manchester 1
    Món bún thịt nướng. Ảnh: Manchester Evening News

    Tốc độ phục vụ ở đây khá nhanh, khách vào và ra nhanh chóng, trên tay đã cầm những ổ bánh mình giòn với cà rốt và dưa muối chua, thịt lợn nướng và đậu phụ. Ngoài bánh mì, khách hàng còn thích ăn salad bún thịt nướng. Lẽ ra nhà hàng Việt này cũng nên có hàng dài người xếp hàng như cửa hàng kế bên.

    Bên trong và bên ngoài nhà hàng đều được thiết kế khá cơ bản và thoải mái. Thực đơn gấp có màu trắng và đỏ, giồng thực đơn ở cửa hàng đồ ăn nhanh Five Guys. Ở đây không có gì cầu kỳ, nhà hàng chỉ tập trung phục vụ các món ăn ngon đậm chất Việt Nam chứ không có chiêu trò gì thu hút.

    Một thực đơn được đặt ở quầy phục vụ, và chúng tôi ngồi xuống ghế dài. Cơm tấm (£8.50) được bồi bàn mang đến, đó là một đĩa "cơm hạt vỡ", làm từ gạo bị vỡ trong quá trình tách võ để tạo ra hạt gạo mềm. Bên trên được rắc muối tiêu và đậu phụ, cùng với tương ớt sriracha và salad, nước chấm nức mũi dùng để rưới lên đĩa cơm.

    Đậu phụ, không có hương vị gì, nhưng ăn khá giòn và ngon. Bạn có thể gọi thêm trứng chiên, chỉ tốn thêm 1 bảng.

    banh mi co ba manchester 1
    Gỏi cuốn (Ảnh: Manchester Evening News)

    Một phần bún salad (£9) bao gồm bún, thịt xiên nướng cay ngọt và nước sốt để rưới lên. Bạn nên cẩn thận với ớt, trông thì có vẻ không cay lắm nhưng thực sự rất cay.

    Gỏi cuốn (£4.20) gồm có bún, tôm hùm và thịt lợn. Bạn chấm với nước sốt đậu phộng đặc biệt, thực sự rất ngon.

    Hầu hết các món bánh mì có giá £6.50. Nếu không thích pate thì bạn bảo họ đừng cho vào. Chúng tôi mua ổ đắt nhất £8, gồm thịt lợn om và chả lụa.

    Chúng tôi chấm nhà hàng 5 sao, nhưng để hiểu hết ẩm thực Việt Nam bạn nên ăn thêm một tô phở từ "thực đơn đặc biệt". Phở bao gồm những lát thịt bò màu xám. Thịt dường như tan ra. Nước dùng rất thanh và êm dịu.

    banh mi co ba manchester 1
    Đậu phụ và bánh mì. Ảnh: Manchester Evening News

    Nước dùng này được ninh suốt 6 tiếng. Người đàn ông ngồi đối diện chúng tôi đang chăm chú ăn phở khi chúng tôi bước vào. Anh ta húp sùm sụp, mặt anh ta vùi vào tô phở. Rồi anh ta dừng lại một giây để lấy hơi như đang đi bơi, sau đó lại vục mặt vào tô phở húp cho đến khi cạn nước. Anh ta mất khoảng 3 phút để húp hết tô phở và không ngẩng mặt lấy một lần. Nếu không phải vì phở quá ngon thì tôi cũng không biết lý do là gì.

    Banh Mi Cô Ba không có danh tiếng và không nhộn nhịp bằng tiệm Listo Burrito kế bên. Nó cũng không có một thực đơn phức tạp hay nhân viên mặc quần áo đính logo nổi bật, càng không có hàng dài khách xếp hàng đến cuối phố. Nhưng Banh Mi Cô Ba chắc chắn là một nhà hàng Việt truyền thống, dễ ăn, rất ngon mà mọi người đều nên thử. 

    Địa chỉ: Banh Mi Cô Ba, 87 Oxford St, Manchester M1 6EG

    Viethome (Theo Ben Arnold / Manchester Evening News)

  • bun cha ha noi 1

    Món bún chả với công thức của bếp trưởng Đỗ Thị Hải Lý ở Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã vinh dự được đưa vào cuốn sách nấu ăn kỷ niệm Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

    Theo chia sẻ của Đại sứ quán Anh trên trang Facebook chính thức ngày 15-6, nhân kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, 70 đại sứ quán Anh trên toàn thế giới đã cùng sưu tầm những công thức món ăn được phục vụ trong các chuyến thăm của Hoàng gia Anh.

    bun cha ha noi 1
    Bếp trưởng Đỗ Thị Hải Lý bên cuốn sách dạy nấu ăn có món bún chả làm theo công thức của chị - Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN ANH

    "Bún chả là niềm tự hào của ẩm thực Hà Nội. Không người dân địa phương hay khách du lịch nào có thể cưỡng lại mùi hương của chả nướng khi đi ngang qua những hàng ăn trên phố", Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, giới thiệu về món ăn của Việt Nam trong quyển sách.

    Theo Đại sứ Gareth Ward, món bún chả sẽ ngon nhất khi được thưởng thức tại vỉa hè. Tuy nhiên, có lẽ vì quá thích hương vị của món ăn này, vị đại sứ Anh cũng đã vời đầu bếp đến làm món bún chả tại Hà Nội mỗi khi có sự kiện.

    Ông chia sẻ việc phục vụ món bún chả trong các dịp trên là nhằm "đem lại bầu không khí thoải mái cũng như hương vị ẩm thực đặc trưng của Hà Nội".

    bun cha ha noi 1
    Trang giới thiệu về món bún chả và công thức làm trong sách dạy nấu ăn kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh - Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN ANH

    Theo Đại sứ quán Anh, sách dạy nấu ăn kỷ niệm Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được mở bán với tất cả những ai quan tâm. Giá chưa khuyến mãi trên nền tảng Amazon là 30 bảng (giá khuyến mãi 24.45 bảng).

    Toàn bộ lợi nhuận từ việc bán sách sẽ được sử dụng để ủng hộ cho hai tổ chức từ thiện là Ủy thác Khối thịnh vượng chung của Nữ hoàng Elizabeth II và Quỹ từ thiện của Thân vương Xứ Wales, tức Thái tử Charles.

    bun cha ha noi 1
    Bạn có thể mua sách tại Amazon https://www.amazon.co.uk/Platinum-Jubilee-Cookbook-Majestys-representatives/dp/0993354068?

    Bài liên quan: 4 món ăn Việt được CNN bình chọn ngon nhất thế giới

    Bánh mì, bánh cam, phở bò và bánh bột lọc là những món ăn được các chuyên gia ẩm thực CNN nhắc đến trong danh sách và khuyến khích du khách nên thử trong năm 2022.

    Bánh cam

    CNN vừa công bố danh sách những món bánh rán ngon nhất thế giới và khuyến khích du khách dùng thử khi có dịp đi du lịch.

    Bánh cam là đại diện đến từ Việt Nam nằm trong danh sách này. Món bánh mang hình dáng tròn và màu sắc giống cam, nên được đặt tên theo loại quả này. Bánh được làm từ bột gạo nếp, nhân đậu xanh ngọt, phủ vừng rồi đem rán chín. Tại Tri Tôn, An Giang, người dân thường ăn bánh cam cùng bánh canh, thay quẩy.

    mon an viet tren CNN 1
    Tại Tri Tôn, thực khách thường được phục vụ một bát bánh cam cắt nhỏ khi ăn kèm với bánh canh. Ảnh: Cẩm Ly

    Bánh mì

    Hồi giữa tháng 5, CNN cũng nhắc đến bánh mì trong danh sách các món bánh kẹp ngon nhất thế giới. Báo Mỹ viết: "Một phần ẩm thực còn sót lại của thực dân Pháp, bánh mì baguette đã được người Việt Nam chế biến lại theo khẩu vị riêng của họ. Bạn có thể tìm thấy chúng ở mọi ngóc ngách của đất nước, trên các xe bán đồ ăn với giá từ 15.000 đồng".

    mon an viet tren CNN 1
    Năm 2021, SCMP xếp bánh mì vào danh sách những bữa sáng ngon nhất châu Á. Ảnh: Tâm Linh

    Bánh bột lọc

    Hồi tháng 4, bánh bột lọc là cái tên được nhắc đến khi CNN ca ngợi về ẩm thực Việt Nam. Đây là món ăn nổi tiếng và đặc trưng nhất của ẩm thực Huế. Cũng như các món bánh lọc kể trên, bánh lọc gói làm từ bột năng với nhân tôm rim và một miếng thịt mỡ để làm bánh thơm và béo hơn.

    Bọc ngoài chiếc bánh thường là lá dong hoặc lá chuối, mùi thơm của lá cũng tác động đến hương vị của bánh sau khi hấp lên. Khi thực khách bóc phần lá xanh sẽ lộ ra chiếc bánh mềm dai, trong suốt và có thể nhìn rõ được nhân tôm thịt bên trong.

    mon an viet tren CNN 1
    Có nhiều biến tấu về bánh bột lọc, như chay, trần, gói và chiên. Ảnh: Ngân Dương

    Phở bò

    Phở bò là cái tên đầu tiên được nhắc đến năm nay trong danh sách các món ăn có nước ngon nhất và là phiên bản phở được yêu thích nhất, theo giới thiệu từ CNN. Phở bò thường có hai loại chính: bò chín và tái. Bò chín là những miếng thịt bò được luộc chín trong nước dùng, còn bò tái là những miếng thịt sống được thái mỏng, chần nhanh qua nước sôi. Sau đó, người bán sẽ xếp những lát thịt đó lên bánh phở, chan nước dùng và phục vụ thực khách.

    mon an viet tren CNN 1
    Tại Hà Nội, giá mỗi bát phở bò từ 30.000 đồng. Ảnh: Phương Anh

    Theo Tuổi Trẻ / VnExpress

  • Nhìn giống tương ớt nhưng chí chương có hương vị rất riêng theo bí quyết của người Hải Phòng.

    Du khách lần đầu đến thành phố hoa phượng đỏ sẽ bỡ ngỡ khi người Hải Phòng gọi tương ớt là chí chương. Bản thân nhiều người Hải Phòng cũng thắc mắc, không biết vì sao chí chương lại được phân biệt rạch ròi với tương ớt, dù những năm gần đây hai tên gọi này đang dần được dùng như một. Khi trào lưu food tour Hải Phòng lên ngôi, nhiều người đam mê ẩm thực cũng quan tâm và muốn tìm hiểu hơn về chí chương.

    nuoc mam chi chuong hai phong 1
    Chí chương giống tương ớt nhưng có một vài điểm khác biệt, màu đỏ tươi bắt mắt. Ành: Ngọc Ánh

    Một trong những nguồn gốc về chí chương là từ người gốc Hoa ở Hải Phòng. Họ sống nhiều ở khu vực chợ Đổ, hồ Tam Bạc, gọi tương ớt là chí chương do gần với phiên âm theo tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, chí chương sánh hơn, đậm và cay, cũng thơm hơn, và không chỉ thuần vị ớt như tương ớt bình thường.

    Nguyên liệu làm chí chương bao gồm ớt và cà chua tươi bỏ hạt, trộn với tỏi băm nhuyễn, cho thêm chút muối rồi lên men theo công thức đặc biệt của tùy nơi sản xuất. Chí chương ngon phải cay nồng, màu đỏ tươi bắt mắt, ăn là nhận ra sự khác biệt so với tương ớt bình thường dù khó miêu tả bằng lời. Tùy vào cách pha chế, chí chương có thể hơi chua nhẹ.

    Chí chương là gia vị để ăn cùng các đặc sản Hải Phòng như bún cá cay, bánh đa cua... Với các món nước như vậy, chí chương giúp làm đậm đà thêm vị của nước dùng. Thực khách khi ăn sẽ cảm nhận được vị cay của tương kết hợp với chua thanh của quất, cảm giác muốn ăn mãi không bị ngấy.

    nuoc mam chi chuong hai phong 1
    Bánh mì cay không thể thiếu chí chương ăn kèm. Ảnh: Ngọc Ánh

    Đặc biệt, món bánh mì cay Hải Phòng không thể thiếu gia vị này. Từ "cay" trong tên món ăn cũng xuất phát từ việc ăn cùng chí chương. Thực khách nhúng đẫm bánh mì với chí chương được chan sẵn ra bát, cắn vỏ bánh mì giòn rụm, cảm nhận vị thơm cay lẫn với mặn ngậy của pate Hải Phòng vốn rất nổi tiếng. Khi bán mang về, chủ quán thường cho thực khách rất nhiều chí chương, "chấm cho thỏa".

    Hãy mạnh dạn nói "Cho xin ít chí chương" để người Hải Phòng vui khi bạn biết tên loại tương ớt đặc sản này. Đến thành phố cảng, đừng quên thưởng thức chí chương để các món ăn trở nên tròn vị hơn.

    Theo VnExpress

  • Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, phở ngon nhất là trong các tiệm phở của Việt kiều tại Mỹ.

    Nhiều năm sống ở nước ngoài, rồi lại trở về Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóaTrịnh Bách có nhiều trải nghiệm về phở. Ông cho rằng phở ngon nhất chính là phở trong các tiệm phở của Việt kiều tại Mỹ.

    “Lúc đầu tôi nghĩ phở ở Pháp sẽ ngon vì có nhiều người Bắc qua Pháp năm 1954. Nhưng sau đó ăn thì thấy không ngon bằng phở ở Mỹ. Phở ở Mỹ rất ngon. Ngon nhất. Phở Pháp thường thường. Tuy nhiên, phở Mỹ ngon theo lối Sài Gòn”, ông Bách nói.

    Tô phở do Pho 79 chế biến. Ảnh chụp màn hình Eater Los Angele

    Điều này có vẻ trái ngược với quan điểm truyền thống là phở Bắc mới ngon nhất nhờ tính nguyên bản của mình. “Phở Bắc chất nêm khác. Nước dùng có tiểu hồi, đại hồi, quế, tiêu. Phở Nam có đinh hương vào, và có thêm rau thơm cũng như tương đen tương đỏ. Thứ nữa, phở truyền thống Bắc có hành nướng đen vỏ để tạo mùi và màu”, ông Bách nói.

    Đó là về phở bò. Còn phở gà ông Bách cũng chia sẻ hàng phở gà ngon nhớ đời trước đây lại ở Chợ Đầm, Nha Trang. Đó là một người Bắc di cư vào Nha Trang. “Ông đó gọi là ông Bất. Phở nấu nước bằng xương lợn và xương gà. Phở gà truyền thống cũng không cho lá chanh. Thay vì lá chanh rắc người ta cho quế vào nước dùng, bỏ hoa hồi thảo quả. Quế sẽ thay vị chanh mà gà luộc có. Riêng phở gà ngon ở Mỹ thì ngon hơn hẳn phở Hà Nội”, ông Bách nói.

    Tô phở Việt ở Dubai. Ảnh Nguyễn Hữu Tài.

    Phở ở Pháp, theo ông Bách cũng là phở Nam. “Vô đến Sài Gòn là hết vị phở Bắc rồi. Và khi sang Pháp sang Mỹ thì những người sang đó đều ăn theo vị phở Nam.”, ông cho biết. Theo ông, không chỉ có phở mà cả bánh cuốn cũng vậy. Vào đến Sài Gòn, bánh cuốn Bắc cũng đã thay đổi như thêm giá…

    Về bánh phở, ông Bách nói cũng không có gì chênh lệch giữa tiệm phở ở Mỹ và trong nước. Đó là do ở nước ngoài, bà con Việt Kiều cũng có xưởng làm bánh phở. Còn ở tư gia thì bà con lại phải ăn bánh phở khô, nó sẽ kém ngon hơn bánh phở tươi. “Bánh phở làm không khó nên xưởng bánh ở nước ngoài làm cũng ngon”, ông nói.

    Chất lượng thịt bò là điểm yếu của phở trong nước so với phở ở nước ngoài – Ảnh Ngọc Thắng

    Hiện tại, ông Bách cho biết, bát phở ở Mỹ đã thiên biến vạn hóa. Họ cho cả đuôi bò, cả sách bò trần vào. “Thay vì thịt bò thì họ cho thịt đuôi bò. Vô tiệm phở ở Mỹ nhìn menu thấy nào sách, nào gàu, nào bò kho, nào bò viên… Còn nước vẫn phải theo đúng quy tắc làm sao để nước không có vẩn. Nghĩa là quá trình nấu nước dùng không được đậy vung. Nhìn vô phải cảm thấy màu đẹp”, ông nói. Bát phở Mỹ cũng rất to, do các suất ăn ở nước này cũng thường lớn.

    Lý giải việc phở Mỹ ngon hơn, theo ông Bách, một phần là do cạnh tranh. Ở Mỹ số lượng hàng phở phải gấp ba chục lần tại Pháp. “Có cạnh tranh. Có so sánh nên phở cũng dễ ngon hơn. Thứ nữa, ở Pháp người nấu phở tay ngang. Việt kiều tại Pháp đi hồi 1954 chủ yếu là trí thức, không phải người làm nấu ăn. Họ kẹt thì mới mở tiệm. Họ nấu ăn nấu cỗ thì chứ đâu có nấu phở. Còn những người Bắc nấu phở sau di cư vào Sài Gòn rồi sang Mỹ hồi 1975 thì có nghề phở. Bún bò Huế ở Mỹ cũng rất ngon. Đó là do luồng di cư”, ông Bách phỏng đoán. Chưa kể, theo ông Bách, chất lượng thịt bò ở Mỹ, Pháp cũng tôn chất lượng phở nên rất nhiều.

    Có một điểm nữa, khách ăn phở ở Mỹ cũng thể dùng trà đá đi kèm. Đây cũng là thói quen ăn uống của người miền Nam. “Từ trước ở Sài Gòn, nếu ăn phở sẽ được mời tách trà phổ nhĩ. Nhưng giờ ở Mỹ thì có thể gọi trà hộp, trà nhài”, ông Bách nói.

    Theo Thanh Niên

  • Các anh/chị có đến Cali chơi thì đi những chỗ này nhé. Cali đồ ăn thì nhiều lắm mấy anh chị ơi, nhưng không phải chỗ nào cũng ngon nha. Nên để tránh thất vọng, em ghi luôn địa chỉ những nơi này kèm hình cho mọi người có sang thì đi cho đáng, vì thật sự dân local Cali lại không ăn mấy quán có review cao hay dân du lịch ăn nhiều đâu.

    ✅ Phở : Phở Holic là ngon nhất (free tô em bé, tặng chén gân) xếp hàng hơi lâu tí ha.

    Phở Holic

    ✅ Cơm Tấm : Cơm Tấm Thiên Hào (thịt sườn nướng y chang mùi cơm tấm sài gòn)

    ✅ Bún nước lèo : Bún Nước Lèo Sóc Trăng (tiệm tên vậy đó, heo quay rất ngon luôn)

    ✅ Canh Bún : Ban Mai (quán hơi lụp xụp nhưng mà cả cali có chỗ đó bán canh bún ngon ah)

    ✅ Bò Né, Bánh Mì Chảo : Z Cafe

    Bò né Z Cafe

    ✅ Bò Lúc Lắc : The Vox Kitchen (món mì và tôm nướng cũng khá ngon)

    ✅ The Packing House : Chỗ này đẹp kinh khủng ah, chụp hình sống ảo là hết bài luôn, có trà sữa kẹo bông gòn, dragon breath (cái bánh thở ra khói đó) , bingsu và kem cũng ngon.

    The Packing House

    ✅ Ding Tai Fung : dimsum nằm trong mall southcoast, rất nổi tiếng với món xilongbao & hoàng thánh sa tế, dưa leo giấm, thường sẽ phải chờ 2-3 tiếng nên đi mall xong rồi quay lại ăn là vừa.

    ✅ Bánh Tráng Trộn : FB Thien Huynh ($15 2 khay ăn 3 đứa mới hết nhưng bán online và hẹn pick up only nha, hẹn chỗ Ốc Lẩu 2 đó mọi người)

    ✅ Ốc Lẩu : Quá nổi tiếng rồi, ai đi cũng ăn cả, vừa mở thêm quán thứ 2 trong khu Mall of Fortune. Recommend mọi ngừoi ăn miến xào cua và dừa tắc. Chờ hơi bị mệt, mệt thì đi bộ ra mua kem HoneyMee ngoài góc ăn cũng ngon nhé.

    Kem dừa Ốc Lẩu

    ✅ Hội Chợ : 626 Night Market 1 năm chỉ mở 8 ngày, lớn, ngon, nhiều đồ ăn các nước, ăn nguyên ngày cũng ko hết đâu. 
    - OC night market: Nên đi cho biết thôi ah chứ đồ ăn mình thấy bình thường thôi ah.

    ✅ Hủ Tiếu : Mỹ Vị Mì Gia bán hủ tiếu giống quận 5 SG, / quán Hủ Tiếu Cô Ba bán giống Hủ tiếu Nam Vang.

    ✅ Bhan Kanom Thai : Chỗ này bán đồ ăn vặt Thái, rẻ lắm, hủ mắm thái có $3.5 thôi (trong khi ở đây ngta bán $10 ah)

    Facebook Vy T Huynh

  • 3 tấn xoài tượng da xanh ở huyện Yên Châu, Sơn La đã chính thức xuất sang Anh qua đường hàng không vào hôm 20/6.

    Đây là lô xoài đầu tiên của tỉnh Sơn La được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Anh, một thị trường được đánh giá là “đặc biệt” khó tính. So với những thị trường khác, giá xoài xuất khẩu sang Anh ở mức cao hơn, ở mức 25.000 đồng/kg.

    Quả xoài Sơn La được dán tem mác đầy đủ.

    Đây là lần đầu tiên sản phẩm xoài Sơn La được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ và Vương quốc Anh trong năm 2019, với 3.000 tấn xoài xuất khẩu sang Hoa Kỳ, và 7 tấn xoài xuất khẩu sang thị trường Anh. Trước đó, từ giữa tháng 5/2019, hơn 30 tấn xoài tượng da xanh Yên Châu đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

    Xoài Yên Châu tỉnh Sơn La thu hút sự quan tâm của khách hàng nước ngoài.

    Ông Hà Như Huệ- Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết, xuất khẩu xoài là chủ trương lớn của tỉnh, nhằm quảng bá nông sản nói chung, đặc biệt là đối với xoài của Sơn La. Trong đó, Yên Châu là một trong những huyện có diện tích lớn trồng xoài tập trung.

    Huyện Yên Châu của tỉnh Sơn La hiện có hơn 1.500 ha xoài. Thời gian qua, để chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, Anh và các nước, nhiều diện tích xoài Yên Châu tại tỉnh Sơn La đã được cấp mã số vùng trồng.

    Đáng lưu ý, nhiều diện tích xoài được bà con nông dân sản xuất theo hướng an toàn sinh học, được cấp giấy chứng nhận VietGAP, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

    Hiện xoài Việt Nam đã được xuất khẩu tới 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, EU, Úc, Canada, Hồng Kông. Xoài là trái cây thứ 6 của Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang Mỹ, sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa.

    Quả xoài phải trải qua rất nhiều khâu kiểm định khắt khe mới đạt được thành công xuất khẩu.

    Với việc xoài Sơn La xuất khẩu sang các thị trưởng khó tính như Mỹ, Anh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh kỳ vọng, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt con số 4,5 tỷ USD và trở thành 1 trong 3 loại sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực gồm: thủy sản, gỗ, trái cây.Trong số đó, quả xoài tròn Yên Châu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và hệ thống nhận diện thương hiệu. Trong năm 2018, có hơn 700 tấn xoài tròn được xuất khẩu và bán ra thị trường các nước như Trung Quốc, Úc, Singapore, Mỹ… bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch.

    Ngoài quả xoài tươi, huyện Yên Châu tỉnh Sơn La còn phát triển nhiều loại cây ăn quả thế mạnh khác như chuối, nhãn, chanh leo, mận hậu. Không chỉ đáp ứng thị trường trong nước, các sản phẩm này còn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ...

    Nhân dịp này, sản phẩm chuối Yên Châu cũng chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận.

    Viethome (theo Báo Nghệ An)

  • Jinny Liên Ngô đã quyết định chọn cho mình một hướng đi mới với nhiều thử thách hơn trên đất nước Nga, thay vì cuộc sống ổn định của con gái một nhà ngoại giao.  

    Jinny Liên Ngô (Ảnh: RBTH)

    Jinny Liên Ngô đã dành một nửa khoảng thời gian của mình sống ở nước ngoài. Năm ngoái, cô tới Nga và tìm cho mình một hướng đi mới.

    Lẽ ra, cô gái Hà Nội 29 tuổi có thể lựa chọn cho mình cuộc sống ổn định với xuất thân là con gái của một nhà ngoại giao. Tuy nhiên, Jinny Liên Ngô đã quyết định bắt đầu gây dựng quán cà phê mang dấu ấn riêng của mình tại đất nước Nga xa xôi.

    Trong một chuỗi bài viết về những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nga, tạp chí Russia Beyond (Nga) đã dành một trang để đăng tải câu chuyện của Jinny Liên Ngô cũng như hành trình của cô gái trẻ trên đất Nga.

    Dưới đây là phần dịch bài viết trên Russia Beyond với tựa đề “Người Nga yêu Phở bò”: Chủ quán cà phê Việt Nam kể lại câu chuyện của mình.

    Mọi chuyện bắt đầu từ bố mẹ tôi, những người theo học tại Đại học Quốc gia Moscow khi còn trẻ. Bố tôi học ngành luật còn mẹ tôi học ngành ngôn ngữ.

    Tôi lớn lên, được nghe những câu chuyện của bố mẹ về nước Nga, về nước Nga rộng lớn và xinh đẹp như thế nào, về con người Nga tốt bụng ra sao. Thậm chí một phần trong tên của tôi, Jinny Liên Ngô, cũng có nghĩa là “Nga”: Đó là chữ Liên trong từ Liên Xô.

    Năm 2018, bố tôi trở thành Đại sứ Việt Nam tại Nga, vì vậy tôi đi cùng bố tới Nga. Trước đó, tôi theo học ngành kinh tế tại Trường Đại học London (UCL), tốt nghiệp năm 2011 và bắt đầu đi làm. Ban đầu tôi làm việc cho một hãng đầu tư tại London, sau đó tôi chuyển tới Tây Phi để bắt đầu công việc kinh doanh riêng của mình là xuất khẩu gỗ và hạt điều về Việt Nam.

    Những vị khách nước ngoài tới quán cà phê bán đồ ăn Việt Nam (Ảnh: RBTH)

    Khi tôi tới Nga, đồ ăn Việt Nam đã phổ biến, nhưng các nhà hàng khá giống nhau và chủ yếu phục vụ các món ăn tương tự nhau. Chúng tôi muốn làm cái gì độc đáo và thủ công. Vì vậy chúng tôi bắt đầu mở một quán cà phê nhỏ có tên “Em Oi”.

    Chúng tôi phục vụ phở bò, tom yum và xoài lắc. Ngoài ra, quán cũng có phở bò xào, thịt nướng, cơm vịt nướng và tôm chua ngọt.

    Tôi mở quán nhưng không nói với bố mẹ tôi. Chúng tôi mới mở quán vào tháng 1 năm nay. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là giữ chân khách hàng.

    Trong hai tuần đầu tiên, chúng tôi đón rất nhiều người Nga tới quán. Nhưng vì đồ ăn của chúng tôi ban đầu không ngon nên họ chỉ đến một lần và không quay lại.

    Một số món ăn trong thực đơn của quán "Em Oi" tại Nga. (Ảnh: RBTH)

    Chỉ mới hai tháng trước đây, khi chúng tôi gặp được bếp trưởng hiện tại, mọi thứ bắt đầu khởi sắc. Bây giờ mọi người thường kể cho bạn bè về quán của chúng tôi và chúng tôi đón 60-70 khách vào mỗi ngày bình thường. Phần lớn trong số họ là các sinh viên nước ngoài từ châu Á.

    Khoản đầu tư ban đầu để mở một quán cà phê nhỏ tại Nga khoảng 20.000-30.000 USD. Vấn đề duy nhất là tiền thuê nhà với mức giá khá cao. Một người có thể phải trả từ 5.000 rúp (76 USD) tới 14.000 rúp (214 USD) trên mỗi m2 thuê nhà tại thủ đô Moscow.

    Nhóm chúng tôi tuy còn trẻ nhưng rất mạnh. Tôi cực kỳ may mắn khi biết họ vì công việc này không thể làm một mình. Đội ngũ nòng cốt của chúng tôi gồm 6 người và tôi là người lớn tuổi nhất.

    Đầu bếp năm nay 27 tuổi và những người còn lại trong nhóm chỉ mới ngoài 20 tuổi. Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ, đôi khi lên tới 13 giờ/ngày, và rất tận tâm. Tôi nghĩ mọi người có thể cảm nhận được điều đó khi họ đến quán.

    Bên trong quán cà phê của người Việt tại Nga. (Ảnh: RBTH)

    Phần lớn mọi người trong nhóm đều nói tiếng Nga, nhưng tôi thì không. Việc không biết tiếng Nga cũng không gây ra vấn đề quá lớn đối với tôi. Tuy nhiên đôi khi tôi thực sự muốn giao tiếp với các khách hàng Nga và gặp khó khăn trong chuyện này vì nhiều người không biết tiếng Anh.

    Tôi biết một cụm từ trong tiếng Nga là “ochen vkusny” (có nghĩa là rất ngon). Vì thế khi tôi nghe thấy tiếng này, tôi biết họ thích đồ ăn của chúng tôi.

    Phở bò là món ăn rất phổ biến ở quán và một trong những điều kỳ lạ nhất đó là có rất nhiều khách Nga tới đây từ những ngày đầu chỉ để ăn phở bò. Có 3 nhóm khách đến ăn phở bò hàng ngày, ngoại trừ cuối tuần khi họ không đi làm. Có ngày chúng tôi hết phở bò và họ rời đi mà không thử thêm bất kỳ món nào khác của quán.

    Đội ngũ của quán cà phê "Em Oi" đều là những người còn rất trẻ. (Ảnh: RBTH)

    Chúng tôi có một vị khách rất quen thuộc. Ông ấy đến đây hàng ngày, vì vậy khi nào không thấy ông ấy đến, chúng tôi hiểu rằng ông ấy đang đi du lịch. Nhưng cứ khi nào ông ấy có mặt ở đây, ông ấy sẽ ăn phở bò. Điều này thật thú vị, đồng thời cũng rất an ủi khi biết rằng ngay cả vào những ngày tồi tệ nhất, những vị khách này vẫn ủng hộ chúng tôi.

    Chúng tôi rất may mắn khi tìm thấy những nhà cung cấp Nga đáng tin cậy và chúng tôi thường duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ. Ban đầu chúng tôi cũng hơi khó chịu khi các đối tác phản hồi email rất chậm. Dần dần, chúng tôi bắt đầu gọi điện cho họ để duy trì liên lạc. Ngoài ra, ở châu Á, mọi người thường quen với việc giao hàng nhanh chóng trong một ngày, nhưng ở đây có thể mất vài ngày, thậm chí ngay cả khi bạn đặt hàng ở trong cùng một thành phố.

    Trước khi kinh doanh tại Nga, có 3 điều bạn cần xem xét.

    Thứ nhất, bạn cần ai đó ở đây đã lâu. Họ hiểu các khía cạnh pháp lý cũng như văn hóa khi bắt đầu công việc kinh doanh tại Nga. Khi vấn đề pháp lý ổn thỏa, bạn có thể tập trung vào những mặt khác.

    Thứ hai, bạn không nên đánh giá thấp thị trường. Bạn cần chắc chắn rằng sản phẩm của bạn có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và biết đối tượng khách hàng mục tiêu là ai. Bạn không thể nghĩ đơn giản rằng một quán cà phê mở ra và mọi người sẽ đến đó.

    Thứ ba, kiên nhẫn. Bạn phải kiên nhẫn với bất kỳ thứ gì bạn gây dựng, đặc biệt ở Nga khi nền kinh tế hiện tại không thực sự quá ổn.

    Viethome (theo Dân Trí)

  •  

    Ẩm thực Việt luôn được đánh giá cao ở khắp nơi trên thế giới, dù chúng rất bình dân với giá "hạt dẻ".

    Cà phê

    Chiều 9/11/2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ghé quán Vy ở đường Lê Thánh Tôn, quận 1 và uống cà phê cùng ông Nguyễn Công Hiệp – cựu nhân viên Tổng lãnh sự quán Canada tại TP. HCM. Trong nửa giờ dạo phố Sài Gòn, vị lãnh đạo trẻ khoác chiếc áo sơ mi trắng, tay áo xắn cao.

    Sau khi kết thúc buổi trò chuyện với các sinh viên tại một trường đại học trong thành phố, Thủ tướng Trudeau đã ghé quán và dùng cà phê loại Moka Robusta có giá 30.000 đồng/ly. Ông ngồi uống ở vỉa hè như những khách thông thường, dùng ghế nhựa làm bàn. Đây cũng là phong cách phục vụ thường ngày của quán. Sau khi Thủ tướng rời đi, quán đón một lượng khách đông.

    Tọa lạc ở mặt tiền và ngay trung tâm thành phố nên giá trung bình ở quán cao hơn so với mặt bằng các quán cà phê có cùng phong cách. Giá cho một đồ uống tại quán từ 30.000 đồng trở lên. Ngoài các loại cà phê, quán còn có nước chanh đá và bán cà phê hạt. Khách được giữ xe miễn phí.

    Trước đó, tháng 11/2016, Hoàng tử Anh William ngồi vỉa hè uống cà phê tại một quán trên phố Thuốc Bắc (Hà Nội) trong chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam. Hoàng tử William trò chuyện với ca sĩ Hồng Nhung, nhạc sĩ Thanh Bùi và diễn viên Xuân Bắc là các đại sứ của chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam. Sau khi kết thúc buổi trò chuyện tại đây, Hoàng tử tản bộ ở đền Ngọc Sơn.

    Bánh mì

    Trong dịp tham dự APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017, Thủ tướng Australia thử ổ bánh mì kẹp thịt giá 10.000 đồng tại một quán ăn của người địa phương. Ông cùng đầu bếp Luke Nguyễn, người Australia gốc Việt, đi bộ rồi ghé vào tiệm ăn nhỏ mua hai ổ rồi ngồi ăn ngay trên vỉa hè.

    Đây cũng lần đầu tiên Thủ tướng Australia thử món bánh mì kẹp của Việt Nam. Trước khi rời đi, ông không quên bắt tay, chào hỏi và chụp ảnh lưu niệm cùng chủ quán và những người dân có mặt sáng hôm đó. Ảnh: Đắc Thành.

    Bún chả

    Trong thời gian ở Hà Nội vào tháng 5/2016, dù lịch trình dày đặc, cựu Tổng thống Mỹ Obama vẫn dành thời gian đi ăn với đầu bếp Anthony Bourdain. Họ dùng hai suất bún chả và hai chai bia Hà Nội trong một quán ăn ở quận Hai Bà Trưng. Đây không chỉ là một bữa tối bình thường mà còn là buổi ghi hình cho Part Unknows – một show truyền hình về ẩm thực của đầu bếp danh tiếng người Mỹ.

    Trước khi rời khỏi quán bún chả, Tổng thống Mỹ khi đó không quên bắt tay chủ quán và giơ ngón cái tỏ sự thích thú.

    Quán bún này đã có hơn 20 năm tồn tại, toạ lạc ở đường Lê Văn Hưu. Quán này nổi tiếng với miếng chả mềm, ngọt ngào và đậm đà vị riêng. Bên cạnh món ăn thu hút thực khách trong và ngoài nước, quán còn phục vụ thêm nem hải sản, nem cua bể, chả xiên nướng…

    Phở

    Chuyến thăm hữu nghị mang tính lịch sử diễn ra vào năm 2000, khi vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới Việt Nam lần đầu tiên, sau 25 năm chiến tranh kết thúc. Gia đình Clinton đã đến hàng phở Cồ gần Văn Miếu Quốc Tử Giám. Gia đình cựu Tổng thống có lẽ rất thích món ăn này nên khi vào TP HCM, ông cũng ghé một quán phở gần chợ Bến Thành để thưởng thức. Theo lời kể của nhà hàng, ông Clinton rất hòa nhã, vui vẻ và còn chụp ảnh kỷ niệm với nhân viên tại đây.

    Viethome (theo VnExpress)

     

  • Phở 79 là nhà hàng đầu tiên ở quận Cam chiến thắng giải thưởng danh giá James Beard, thường được xem là "Oscar về ẩm thực". 

    OC Register cho hay Phở 79 được vinh danh ở hạng mục "Các nhà hàng kinh điển của Mỹ" năm 2019. Hạng mục ra đời từ năm 1998 và được trao cho các nhà hàng tồn tại lâu đời, phục vụ "ẩm thực chất lượng phản ánh nét đặc trưng của cộng đồng". 

    Nhà hàng Phở 79 đã tồn tại gần 40 năm tại thành phố Garden Grove, khu Little Saigon, Nam California, Mỹ. Ảnh: OC Register

    "Giống như một giấc mơ đã thành sự thật với chúng tôi", Mai Trần, thành viên của gia đình sở hữu Phở 79, ở thành phố Garden Grove, nói. 

    Mẹ của bà Mai, Liễu Trần, và người cậu Thọ Trần mở nhà hàng vào năm 1982 và đây là một trong những quán phở đầu tiên ở địa phương. "Với đầu bếp là bà Liễu, Phở 79 đã mở đường cho khu Little Saigon ở Nam California trở thành trung tâm ẩm thực Việt Nam sôi động như ngày nay", thông báo của Quỹ James Beard hôm 28/1 về giải thưởng, cho hay. 

    Phở 79 nổi tiếng nhất với món đuôi bò được ninh mềm suốt 12 giờ và từng được liệt vào danh sách "Những món ăn Việt Nam ngon nhất ở Little Saigon" của nhà phê bình ẩm thực Brad A. Johnson.

    Món phở ở nhà hàng Phở 79. Ảnh: OC Register

    Một số nhà hàng và đầu bếp ở quận Cam từng lọt vào bán kết của giải thưởng danh giá James Beard nhưng Phở 79 là nhà hàng đầu tiên giành chiến thắng. Ở khu Đại Los Angeles cũng chỉ có vài nhà hàng được vinh danh ở giải Oscar về ẩm thực này.

    Bà Mai cho biết Quỹ James Beard gọi điện đến nhà hàng vào tuần trước và yêu cầu họ giữ bí mật thông tin cho đến khi có tuyên bố.

    "Đêm đó tôi không ngủ được", bà nói. "Tôi không thể tin điều đó lại xảy ra. Tôi nghĩ rằng chỉ những nhà hàng khách sạn 5 sao mới giành được giải thưởng này. Tôi rất vinh dự và hạnh phúc".

    Bà Mai Trần, thành viên gia đình chủ nhà hàng Phở 79. Ảnh: OC Register

    Một số thành viên gia đình sẽ đại diện Phở 79 nhận giải thưởng tại gala diễn ra vào ngày 6/5 tới ở thành phố Chicago. "Các con cứ trách chúng tôi tham công tiếc việc, nhưng đó là cách chúng tôi đạt được thành công này và bây giờ chúng không thể phàn nàn gì nữa", bà Mai nói. 

    Giải thưởng James Beard được thành lập vào năm 1990 nhằm vinh danh những đầu bếp, nhà hàng, các tác giả, nhà báo về ẩm thực xuất sắc của Mỹ. Lễ trao giải thường được tổ chức vào dịp sinh nhật của người sáng lập James Beard, ngày 5/5 hàng năm.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Mới đây, chuỗi nhà hàng món Việt ở Anh đã khiến người dùng không hài lòng khi tung ra món phở chay. Trước đó, thương hiệu này bị chỉ trích vì độc quyền từ “Pho”.

    Chuỗi nhà hàng phở của Stephen và Juliette Wall ở Anh được nhiều người biết đến từ năm từ năm 2013 vì đăng ký thương hiệu từ “pho” và cố tình kiện một nhà hàng Việt dùng từ này trong tên.

    Mới đây, Stephen và Juliette tiếp tục bị chỉ trích khi công bố thực đơn mới cho nhà hàng của mình, trong đó có phở làm từ bí xanh và bí rợ, cơm làm từ súp lơ xanh và các món chay, không gluten khác.

    Thực đơn mới của nhà hàng khiến nhiều người bất bình. Ảnh: Nextshark.

    Dù tự nhận mình là chuỗi đồ ăn chuẩn Việt, thực đơn của nhà hàng có tên Pho hoàn toàn khác với những công thức truyền thống của ẩm thực Việt Nam. Điều này khiến nhà hàng bị đánh giá là không tôn trọng văn hóa.

    Trong một buổi phỏng vấn với tờ Taste of Manchester, Stephen Wall khẳng định rằng dù họ không phải người Việt, “nhưng có người từ nhiều quốc gia làm việc cho nhà hàng, được đào tạo để làm theo các công thức chuẩn vị, dùng những nguyên liệu tươi ngon nhất”. Họ cũng công bố trên website rằng tên nhà hàng đọc là “foe”, khác với từ phở trong tiếng Việt.

    Ý tưởng mở nhà hàng được vợ chồng nhà Wall nghĩ ra khi bỏ công việc tiếp thị và đến du lịch tại Việt Nam vào năm 2004, nơi lần đầu họ được thưởng thức món phở. Công ty Cổ phần TNHH Pho hiện sở hữu 27 nhà hàng khắp nước Anh và công bố đăng ký bản quyền cho chữ “Pho” trong tên của nhà hàng. Chủ thương hiệu tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu tất cả nhà hàng, lớn hay nhỏ, không dùng thương hiệu Pho trong tên gọi”.

    Tuy nhiên, việc ép những nhà hàng chuẩn Việt nhỏ hơn đổi tên khiến họ gặp phải nhiều lời than phiền và chỉ trích, đến mức phải công khai xin lỗi trên Twitter.

    Juliette Wall - nhà đồng sáng lập chuỗi cửa hàng Pho. Ảnh: Times

    Nhiều năm sau vụ việc, người dùng tự hỏi chuỗi nhà hàng này đã học được bài học tôn trọng văn hóa và ẩm thực Việt Nam hay chưa, khi cho ra thực đơn lạ lùng trên. Nhiều khách hàng đã bày tỏ lo ngại về mức độ chính thống của nhà hàng trên trang Google. Một thực khách viết: “Không chuẩn chút nào, tôi gọi món bún bò và khi xin nước mắm, chẳng nhân viên nào biết đó là gì. Thịt bò thì quá chín và dai, không có rau thơm. Tôi không thấy ấn tượng chút nào và sẽ không quay lại”.

    Các thực khách người Việt khác cho rằng đây là phiên bản “phương Tây hóa” của món ăn Việt, không phải hương vị chuẩn, thậm chí có người còn cho rằng điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng văn hóa.

    Viethome (theo Zing)