•  

    Ẩm thực Việt luôn được đánh giá cao ở khắp nơi trên thế giới, dù chúng rất bình dân với giá "hạt dẻ".

    Cà phê

    Chiều 9/11/2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ghé quán Vy ở đường Lê Thánh Tôn, quận 1 và uống cà phê cùng ông Nguyễn Công Hiệp – cựu nhân viên Tổng lãnh sự quán Canada tại TP. HCM. Trong nửa giờ dạo phố Sài Gòn, vị lãnh đạo trẻ khoác chiếc áo sơ mi trắng, tay áo xắn cao.

    Sau khi kết thúc buổi trò chuyện với các sinh viên tại một trường đại học trong thành phố, Thủ tướng Trudeau đã ghé quán và dùng cà phê loại Moka Robusta có giá 30.000 đồng/ly. Ông ngồi uống ở vỉa hè như những khách thông thường, dùng ghế nhựa làm bàn. Đây cũng là phong cách phục vụ thường ngày của quán. Sau khi Thủ tướng rời đi, quán đón một lượng khách đông.

    Tọa lạc ở mặt tiền và ngay trung tâm thành phố nên giá trung bình ở quán cao hơn so với mặt bằng các quán cà phê có cùng phong cách. Giá cho một đồ uống tại quán từ 30.000 đồng trở lên. Ngoài các loại cà phê, quán còn có nước chanh đá và bán cà phê hạt. Khách được giữ xe miễn phí.

    Trước đó, tháng 11/2016, Hoàng tử Anh William ngồi vỉa hè uống cà phê tại một quán trên phố Thuốc Bắc (Hà Nội) trong chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam. Hoàng tử William trò chuyện với ca sĩ Hồng Nhung, nhạc sĩ Thanh Bùi và diễn viên Xuân Bắc là các đại sứ của chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam. Sau khi kết thúc buổi trò chuyện tại đây, Hoàng tử tản bộ ở đền Ngọc Sơn.

    Bánh mì

    Trong dịp tham dự APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017, Thủ tướng Australia thử ổ bánh mì kẹp thịt giá 10.000 đồng tại một quán ăn của người địa phương. Ông cùng đầu bếp Luke Nguyễn, người Australia gốc Việt, đi bộ rồi ghé vào tiệm ăn nhỏ mua hai ổ rồi ngồi ăn ngay trên vỉa hè.

    Đây cũng lần đầu tiên Thủ tướng Australia thử món bánh mì kẹp của Việt Nam. Trước khi rời đi, ông không quên bắt tay, chào hỏi và chụp ảnh lưu niệm cùng chủ quán và những người dân có mặt sáng hôm đó. Ảnh: Đắc Thành.

    Bún chả

    Trong thời gian ở Hà Nội vào tháng 5/2016, dù lịch trình dày đặc, cựu Tổng thống Mỹ Obama vẫn dành thời gian đi ăn với đầu bếp Anthony Bourdain. Họ dùng hai suất bún chả và hai chai bia Hà Nội trong một quán ăn ở quận Hai Bà Trưng. Đây không chỉ là một bữa tối bình thường mà còn là buổi ghi hình cho Part Unknows – một show truyền hình về ẩm thực của đầu bếp danh tiếng người Mỹ.

    Trước khi rời khỏi quán bún chả, Tổng thống Mỹ khi đó không quên bắt tay chủ quán và giơ ngón cái tỏ sự thích thú.

    Quán bún này đã có hơn 20 năm tồn tại, toạ lạc ở đường Lê Văn Hưu. Quán này nổi tiếng với miếng chả mềm, ngọt ngào và đậm đà vị riêng. Bên cạnh món ăn thu hút thực khách trong và ngoài nước, quán còn phục vụ thêm nem hải sản, nem cua bể, chả xiên nướng…

    Phở

    Chuyến thăm hữu nghị mang tính lịch sử diễn ra vào năm 2000, khi vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới Việt Nam lần đầu tiên, sau 25 năm chiến tranh kết thúc. Gia đình Clinton đã đến hàng phở Cồ gần Văn Miếu Quốc Tử Giám. Gia đình cựu Tổng thống có lẽ rất thích món ăn này nên khi vào TP HCM, ông cũng ghé một quán phở gần chợ Bến Thành để thưởng thức. Theo lời kể của nhà hàng, ông Clinton rất hòa nhã, vui vẻ và còn chụp ảnh kỷ niệm với nhân viên tại đây.

    Viethome (theo VnExpress)

     

  • Phở 79 là nhà hàng đầu tiên ở quận Cam chiến thắng giải thưởng danh giá James Beard, thường được xem là "Oscar về ẩm thực". 

    OC Register cho hay Phở 79 được vinh danh ở hạng mục "Các nhà hàng kinh điển của Mỹ" năm 2019. Hạng mục ra đời từ năm 1998 và được trao cho các nhà hàng tồn tại lâu đời, phục vụ "ẩm thực chất lượng phản ánh nét đặc trưng của cộng đồng". 

    Nhà hàng Phở 79 đã tồn tại gần 40 năm tại thành phố Garden Grove, khu Little Saigon, Nam California, Mỹ. Ảnh: OC Register

    "Giống như một giấc mơ đã thành sự thật với chúng tôi", Mai Trần, thành viên của gia đình sở hữu Phở 79, ở thành phố Garden Grove, nói. 

    Mẹ của bà Mai, Liễu Trần, và người cậu Thọ Trần mở nhà hàng vào năm 1982 và đây là một trong những quán phở đầu tiên ở địa phương. "Với đầu bếp là bà Liễu, Phở 79 đã mở đường cho khu Little Saigon ở Nam California trở thành trung tâm ẩm thực Việt Nam sôi động như ngày nay", thông báo của Quỹ James Beard hôm 28/1 về giải thưởng, cho hay. 

    Phở 79 nổi tiếng nhất với món đuôi bò được ninh mềm suốt 12 giờ và từng được liệt vào danh sách "Những món ăn Việt Nam ngon nhất ở Little Saigon" của nhà phê bình ẩm thực Brad A. Johnson.

    Món phở ở nhà hàng Phở 79. Ảnh: OC Register

    Một số nhà hàng và đầu bếp ở quận Cam từng lọt vào bán kết của giải thưởng danh giá James Beard nhưng Phở 79 là nhà hàng đầu tiên giành chiến thắng. Ở khu Đại Los Angeles cũng chỉ có vài nhà hàng được vinh danh ở giải Oscar về ẩm thực này.

    Bà Mai cho biết Quỹ James Beard gọi điện đến nhà hàng vào tuần trước và yêu cầu họ giữ bí mật thông tin cho đến khi có tuyên bố.

    "Đêm đó tôi không ngủ được", bà nói. "Tôi không thể tin điều đó lại xảy ra. Tôi nghĩ rằng chỉ những nhà hàng khách sạn 5 sao mới giành được giải thưởng này. Tôi rất vinh dự và hạnh phúc".

    Bà Mai Trần, thành viên gia đình chủ nhà hàng Phở 79. Ảnh: OC Register

    Một số thành viên gia đình sẽ đại diện Phở 79 nhận giải thưởng tại gala diễn ra vào ngày 6/5 tới ở thành phố Chicago. "Các con cứ trách chúng tôi tham công tiếc việc, nhưng đó là cách chúng tôi đạt được thành công này và bây giờ chúng không thể phàn nàn gì nữa", bà Mai nói. 

    Giải thưởng James Beard được thành lập vào năm 1990 nhằm vinh danh những đầu bếp, nhà hàng, các tác giả, nhà báo về ẩm thực xuất sắc của Mỹ. Lễ trao giải thường được tổ chức vào dịp sinh nhật của người sáng lập James Beard, ngày 5/5 hàng năm.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Mới đây, chuỗi nhà hàng món Việt ở Anh đã khiến người dùng không hài lòng khi tung ra món phở chay. Trước đó, thương hiệu này bị chỉ trích vì độc quyền từ “Pho”.

    Chuỗi nhà hàng phở của Stephen và Juliette Wall ở Anh được nhiều người biết đến từ năm từ năm 2013 vì đăng ký thương hiệu từ “pho” và cố tình kiện một nhà hàng Việt dùng từ này trong tên.

    Mới đây, Stephen và Juliette tiếp tục bị chỉ trích khi công bố thực đơn mới cho nhà hàng của mình, trong đó có phở làm từ bí xanh và bí rợ, cơm làm từ súp lơ xanh và các món chay, không gluten khác.

    Thực đơn mới của nhà hàng khiến nhiều người bất bình. Ảnh: Nextshark.

    Dù tự nhận mình là chuỗi đồ ăn chuẩn Việt, thực đơn của nhà hàng có tên Pho hoàn toàn khác với những công thức truyền thống của ẩm thực Việt Nam. Điều này khiến nhà hàng bị đánh giá là không tôn trọng văn hóa.

    Trong một buổi phỏng vấn với tờ Taste of Manchester, Stephen Wall khẳng định rằng dù họ không phải người Việt, “nhưng có người từ nhiều quốc gia làm việc cho nhà hàng, được đào tạo để làm theo các công thức chuẩn vị, dùng những nguyên liệu tươi ngon nhất”. Họ cũng công bố trên website rằng tên nhà hàng đọc là “foe”, khác với từ phở trong tiếng Việt.

    Ý tưởng mở nhà hàng được vợ chồng nhà Wall nghĩ ra khi bỏ công việc tiếp thị và đến du lịch tại Việt Nam vào năm 2004, nơi lần đầu họ được thưởng thức món phở. Công ty Cổ phần TNHH Pho hiện sở hữu 27 nhà hàng khắp nước Anh và công bố đăng ký bản quyền cho chữ “Pho” trong tên của nhà hàng. Chủ thương hiệu tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu tất cả nhà hàng, lớn hay nhỏ, không dùng thương hiệu Pho trong tên gọi”.

    Tuy nhiên, việc ép những nhà hàng chuẩn Việt nhỏ hơn đổi tên khiến họ gặp phải nhiều lời than phiền và chỉ trích, đến mức phải công khai xin lỗi trên Twitter.

    Juliette Wall - nhà đồng sáng lập chuỗi cửa hàng Pho. Ảnh: Times

    Nhiều năm sau vụ việc, người dùng tự hỏi chuỗi nhà hàng này đã học được bài học tôn trọng văn hóa và ẩm thực Việt Nam hay chưa, khi cho ra thực đơn lạ lùng trên. Nhiều khách hàng đã bày tỏ lo ngại về mức độ chính thống của nhà hàng trên trang Google. Một thực khách viết: “Không chuẩn chút nào, tôi gọi món bún bò và khi xin nước mắm, chẳng nhân viên nào biết đó là gì. Thịt bò thì quá chín và dai, không có rau thơm. Tôi không thấy ấn tượng chút nào và sẽ không quay lại”.

    Các thực khách người Việt khác cho rằng đây là phiên bản “phương Tây hóa” của món ăn Việt, không phải hương vị chuẩn, thậm chí có người còn cho rằng điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng văn hóa.

    Viethome (theo Zing)