Thu nhập 130 triệu mỗi tháng vẫn kém xa cò đất

thu nhap thua co dat
Ảnh minh họa

Tôi kinh doanh buôn bán vất vả, thu nhập cũng tốt nhưng so với hàng xóm làm "cò" thì kém xa.

Nhà ở mặt tiền, tôi buôn bán biết áp dụng công nghệ, quà cáp, có duyên nên khách khá đông. Hai vợ chồng quay cuồng ở cửa hàng từ sáng đến 9h đêm, buổi trưa nghỉ 3 tiếng. Thu nhập thuộc dạng tốt hơn 130 triệu một tháng, nhưng quay sang nhìn anh hàng xóm thì không nghĩa lý gì.

Nhà anh ấy dân gốc Bình Dương, vài năm trước chỉ làm ruộng, trồng đậu bắp mang ra chợ đầu mối bán, rồi tích cóp mua căn nhà gần đó 1,4 tỷ. Cứ có tiền là anh ấy mua đất sang tay, mỗi lô kiếm vài trăm.

Nhóm anh ấy mua những lô đất vài chục tỷ ở Phú Giáo rồi phân lô 1.000m2 bán cho khách, mua sỉ bán lẻ nên giàu nhanh chóng. Căn nhà mua lúc trước bán cho công ty nhôm được 6,5 tỷ, lời gấp bao nhiêu lần tiền vốn bỏ ra. Cuộc sống nhàn nhã, chơi không, béo tốt. Tài sản sơ sơ cũng gấp ba lần tôi.

Ông hàng xóm khác làm nghề hớt tóc cách đó vài nhà cũng đi làm "cò" đất. Đầu năm đến giờ kiếm vài trăm triệu, chỉ dùng cái miệng, vốn không bỏ, kiếm 2% tiền cò.

Nếu nhìn vào thu nhập của cò đất, tôi cũng định ăn theo, một năm giao dịch vài vụ thì cũng kiếm được hơn trăm triệu đồng rồi.

Tôi thấy với giá đất tăng liên tục thế này thì nhà nhà đi làm cò đất cũng không có gì lạ. Để cạnh tranh, cò đất sẽ bày ra nhiều chiêu trò để đẩy giá, bán được hàng như thời gian vừa qua. Do đó, cần kiểm soát việc hành nghề của môi giới nhà đất. Việc cấp phép hành nghề tương tự như môi giới chứng khoán là giải pháp tốt.

Bài liên quan: Buông xuôi tiết kiệm vì không thể mua nhà

Đồng nghiệp tôi lương 15 triệu đồng, tiết kiệm vẫn không thể mua nổi nhà nên buông xuôi, ăn xài cho thoải mái.

Sau Tết, giá cả có xu hướng tăng. Vợ tôi, một người phụ nữ tiết kiệm, đi chợ trả giá than vãn: "Cầm một triệu mà bơ vơ ngoài chợ, không biết mua gì cho cả gia đình ba người ăn một tuần".

Tôi cười trừ: "Mua rau xanh, đậu hủ, cá hộp ăn là rẻ". Nói vậy cho vui chứ sống độc thân thì còn được, bây giờ có gia đình, có con thì phải sang hơn. Nói là sang nhưng con ăn gì, vợ chồng tôi ăn ké món đó. Hiếm lắm gia đình mới đi ăn ngoài. Thế nhưng tổng chi tiêu của cả gia đình tháng nào cũng từ 12-15 triệu đồng.

Hôm qua tôi vừa chuyển ít tiền vào tài khoản tiết kiệm, chỉ chừa lại vài triệu đồng để rút ra chi tiêu dần. Bỗng một tin nhắn đến điện thoại: "Anh có tiền không, cho em mượn đỡ 10 triệu, khi nào có lương trả".

Người mượn là đồng nghiệp trẻ mới làm ở công ty tôi được một năm. Bình thường, có lẽ tôi không phán xét gì, nhưng đã cho mượn vài lần và cảm thấy mình bị lợi dụng.

Tháng 10 năm ngoái, lúc mới đi làm lại sau đợt giãn cách vì Covid-19, cậu ấy cũng mượn tiền tôi. Thật bất ngờ, mấy tháng trời làm việc ở nhà, không tốn tiền xăng, ở trọ được chủ giảm tiền phòng, công ty vẫn trả đủ lương... vậy mà vẫn túng tiền.

Tôi hỏi thì cậu ta thật thà: "Mua nhiều đồ quá, trả góp mãi chưa xong". Tôi nhớ lại lúc trước, cậu ấy hí hửng khoe mới được nâng hạn mức thẻ tín dụng, tha hồ quẹt thẻ trả góp 0%. Tiền lương hàng tháng làm ra đều quay ngược trở về ngân hàng để trả góp cho những món hàng có cũng được mà không có cũng chẳng sao: xe máy đời mới, laptop, điện thoại, đồng hồ thông minh...

Tôi góp ý: "Xài tiết kiệm lại, lương công ty trả cũng khá so với mặt bằng chung cùng ngành mà không có dư là lỗi tại mình". Cậu ấy đáp: "Lương tính phụ cấp 14-15 triệu đồng không mua nổi nhà nên xài thả cửa, tẹt ga đi anh ơi". Tôi hỏi: "Nếu sau này lấy vợ, vợ em có một khoản tiết kiệm và đề nghị góp chung lại để mua nhà thì thế nào?". Cậu ấy hồn nhiên: "Thì về kêu ba má dưới quê bán vài thước đất lấy tiền mua, dù sao sau này em cũng không về đó ở".

Hồi hai vợ chồng tôi mới cưới, cũng đi ở trọ thuê vài năm. Dành dụm tích góp dần rồi mới có chút vốn để mua góp căn hộ. Hai bên gia đình chẳng ai giúp đỡ gì. Thế rồi vẫn làm việc, vẫn tiết kiệm và có nhà.

Còn bây giờ, tôi nhận thấy có nhiều bạn trẻ, giống như đồng nghiệp tôi, thường không có nhu cầu tiết kiệm nữa. Họ sẵn sàng chi tiêu thỏa thích để thỏa mãn nhu cầu xa xỉ. Họ cho rằng có tiết kiệm cũng chẳng đáng bao nhiêu. Phải chăng do giá nhà thành phố tăng quá cao, người trẻ trung bình không đủ khả năng mua nên tâm lý buông xuôi không tiết kiệm xuất hiện chăng?

Theo VnExpress