• Khoảng 3 triệu Việt kiều muốn mua nhà tại Việt Nam, số tiền triệu tỷ đồng thu về cho nền kinh tế là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, để Việt kiều “xuống tiền” mua địa ốc ở quê nhà không phải là điều dễ dàng.

    Giá căn hộ bất hợp lý

    Tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Quốc Bảo Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư vốn và Bất động sản DT24.VN, Chủ tịch CLB Bất động sản VREC & HREC dẫn ra số liệu rất đáng chú ý đó là hiện nay, có trên 10 triệu người Việt Nam ở nước ngoài trong đó có 3,8 triệu người đã đến tuổi nghỉ hưu.

    Đặc điểm của nhóm người ở tuổi này là có tích luỹ và trong số đó có 3 triệu người trong nhóm cao tuổi có nhu cầu trở về Việt Nam sinh sống. “Nếu một căn hộ, căn nhà dao động từ 2 - 20 tỷ đồng, thì với 3 triệu căn bán được cho Việt kiều, sẽ thu về khoảng 1 triệu tỷ đồng”, ông Bảo tính toán. Dẫu vậy để bán được sản phẩm cho Việt kiều còn nhiều thách thức.

    ban nha cho viet kieu
    Ảnh minh họa

    “Từ năm ngoái sang năm nay, căn hộ chung cư tại khu vực trung tâm TP. HCM đã liên tiếp thiết lập mặt bằng giá mới. Điều này dẫn tới dự định mua căn hộ tại quê nhà của chúng tôi trở nên khó khăn hơn, vượt khả năng chi trả so với dự tính ban đầu”, chị Elena Trương, một Việt kiều Úc chia sẻ sau khi đi khảo sát gần 2 tuần tại các dự án ở khu vực quận 4, quận Bình Thạnh, quận 7 ở TP. HCM.

    Còn anh Trí Nhân, một Việt kiều Mỹ có ý định tìm căn hộ để về TP. HCM sinh sống cũng cho hay, khoảng 4 năm nay, anh thuê căn hộ tại khu vực đường Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh với giá 1 nghìn USD/tháng và có dự định sẽ tích cóp để mua căn hộ trả góp. Tuy nhiên, càng chờ dự án mới để mua trả góp thì giá càng tăng phi mã. Anh cho biết, so với năm 2018 thì giờ đây, giá căn hộ ở khu vực trung tâm TP. HCM lên tới hơn 100 triệu đồng/m2 là rất đắt đỏ.   

    Ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ: "Có người đã ở 5, 10 năm, có người là ông chủ nhưng phần lớn họ thuê nhà hoặc ở khách sạn. Giờ đây nhu cầu nhà ở của người nước ngoài thực sự lớn bởi tâm lý an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên giá cả và thủ tục đang là rào cản rất lớn làm chậm tốc độ mua bán ở thị phần cho Việt kiều”.

    Bà Trần Thanh Bích, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tại quận 1 cho hay, bà đã giới thiệu cho rất nhiều nhóm khác là Việt kiều nhưng việc “chốt” cọc  không đơn giản do Việt kiều không muốn ở khu vực xa trung tâm vì giao thông của TP. HCM còn chưa thuận lợi. Xu hướng và sở thích cũng dần đổi thay. Trước đây, Việt kiều chỉ cần mua căn hộ nhỏ, dạng 1 phòng ngủ hoặc studio, nhưng hậu đại dịch Covid với xu hướng làm việc ở nhà tăng lên nên khách hàng muốn căn hộ 2-3 phòng ngủ. Nhưng giá cả cho 1 căn như vậy lên tới 10 tỷ đồng cho 100m2 là quá khả năng chi trả của phần lớn khách hàng. 

    Thủ tục phức tạp, thiếu mô hình cho Việt kiều lớn tuổi

    Theo thống kê chung, hiện nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam hơn 1 triệu căn hộ hoặc nhà liền kề. Nhưng nhiều khách hàng cũng khó khăn khi tìm mua sản phẩm khiến thị trường chưa sôi động, chưa kích thích dòng tiền ngoại hối đổ về như tiềm năng.

    “Thủ tục mua đang là rào cản khá lớn với phân khúc khách hàng này, khiến lượng giao dịch thành công chắc chắn quá ít so với cầu thực tế. Ví dụ chúng tôi phải nhờ bạn bè, đồng nghiệp Việt Nam đứng tên, do đủ thứ quy định chặt chẽ. Mua nhà không phải như mặt hàng khác, khi ưng ý, chủ nhà muốn bán là phải làm thủ tục ngay, không thì họ sẽ bán cho người khác. Chúng tôi cần có sự hỗ trợ để mua bán tuận tiền", ông Chuk Hu Wang, một doanh nhân người Hàn Quốc bộc bạch.

    Cũng theo ông Wang thì sản phẩm nhà ở, căn hộ nghỉ dưỡng tương đối phù hợp với người nước ngoài về thiết kế và không gian sống, nhưng phần lớn lại là sở hữu có thời hạn, tính pháp lý không rõ ràng. “Tâm lý người nước ngoài thì cũng như người dân sở tại, cần phải có “sổ đỏ” mới mua được, vì lúc mình không thích nữa có thể bán đi mua dự án khác. Sản phẩm không có tính thanh khoản tốt thì người nước ngoài càng không mua”, ông Wang nhận xét.   

    Ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc kinh doanh CBRE Việt Nam cho biết, phía công ty ông đã thực hiện nhiều giao dịch với người nước ngoài, về nhu cầu đang rất cao tuy nhiên rất khó trong vấn đề giao dịch và pháp lý. Với gần 5.000 giao dịch đã được CBRE thực hiện thì có 45% thuộc về khách hàng nước ngoài, nhu cầu đứng đầu là thuộc về khách hàng Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore... sau đó là châu Âu, Mỹ.

    Theo ông Kiệt, ngoài nhu cầu "an cư lạc nghiệp", người nước ngoài tại Việt Nam và Việt kiều còn có mục đích đầu tư, gia tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, vướng mắc về pháp lý còn là thách thức để chủ đầu tư thoát hàng cho người nước ngoài. Và mô hình sản phẩm sao cho phù hợp với là câu chuyện để ngỏ.

    Bà Terresa Kiều, Việt kiều Thụy Điển cho hay, bà đã từng đi xem rất nhiều dự án bất động sản ở TP. HCM, Vũng Tàu, Bình Thuận, đặc biệt là mô hình nghỉ dưỡng, nhưng chưa thực sự có mô hình nào phù hợp với mong muốn.

    “Nhu cầu mua sản phẩm địa ốc của Việt kiều lớn tuổi rất dồi dào, họ lại có nguồn tích lũy rất tốt, nhưng không phải là sản phẩm viện dưỡng lão và cũng không hẳn là sản phẩm ở khu du lịch nghỉ dưỡng. Thực sự thì chúng tôi cần sản phẩm đặc trưng hơn, có thể giá cao không thành vấn đề mà quan trọng là tính chất sản phẩm. Những dự án "luxury" giành cho người cao tuổi mà con cái đã định cư nước ngoài hết không có thời gian chăm sóc chu đáo cho bố mẹ. Dự án đó cũng đồng thời thu hút nhiều nhóm người đồng niên muốn tham gia để sinh hoạt cộng đồng và phải đầy đủ dịch vụ phù hợp”.

    Không chỉ Việt kiều, ngay cả người nước ngoài  sau khi làm việc cũng muốn nghỉ hưu tại đây Việt Nam do có nhiều bãi biển đẹp, khí hậu nhiệt đới ấm áp. Nhưng họ cần những dự án có đầy đủ bệnh viện, phòng khám, câu lạc bộ, phù hợp với lứa tuổi không dễ dàng.

    Giám đốc một công ty BĐS ở TP. HCM cho hay, ông cũng từng có ý định làm những khu cao cấp dạng “Club house luxury” với ý tưởng như vậy tại Phan Thiết, Hồ Tràm nhưng để lo được thủ tục pháp lý dự án sao cho sản phẩm được cấp sổ đỏ lâu dài đáp ứng nguyện vọng của khách hàng lại không dễ.

    “Bao giờ các dự án nghỉ dưỡng thực sự có lối thoát về tính pháp lý thì mới tính được việc triển khai bán cho Việt kiều hay người nước ngoài. Kể cả căn hộ khu trung tâm TP. HCM cũng mới chỉ dừng họ việc bán cho người Việt thôi, giá cao quá thì người Việt có thể kinh doanh cho thuê cân bằng thu chi chứ để ở Việt kiều mua ở thôi thì xem như thua rồi. Chắc phải chờ TP. HCM đẩy mạnh tháo gỡ cho các dự án đang còn trên giấy, nguồn cung tăng lên thì mới hy vọng nhắm tới khách Việt kiều”, vị giám đốc này cho hay.

    Theo VietnamFinance

  • ‘ Mua được nhà Sài Gòn ’ với nhiều người có lẽ là một giấc mơ xa vời, nhất là với những dân từ tỉnh lên thành phố này học tập, làm việc. Thế nhưng chị Trương Như Ngọc (32 tuổi) đã làm được điều đó, tự tặng cho mình một căn nhà 2 tỉ đồng ở tuổi 30 từ mức lương khởi điểm 3, 5 triệu đồng/tháng.

    Từ lương tháng 3,5 triệu đồng…

    Sống trong căn hộ 2 phòng ngủ với diện tích 60m2 có giá 2 tỉ đồng ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) nhiều tháng nay, chị Ngọc vẫn còn đó niềm hạnh phúc khi gặt được “quả ngọt” sau 8 năm ròng nỗ lực không ngừng nghỉ.

    Ở tuổi 22, cô gái trẻ khi đó đã “chân ướt chân ráo” lặn lội từ Huế vào TP.HCM với hành lý là vài bộ quần áo. Chị còn nhớ như in thời điểm 2 - 3 năm đầu mới vào thành phố, ban ngày chị làm việc văn phòng, chiều tối về thì làm ở quán ăn của một người bạn. Cuối tuần thì nhận thêm công việc điều hành tour du lịch để có thêm công tác phí.

    mua nha sai gon 1

    Khi đó mỗi tháng, cô gái kiếm được chừng 3,5 triệu đồng, số tiền đó chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống và dành dụm được một ít. “Chắc bóp lắm, ăn không dám ăn mặc không dám mặc thời điểm đó mình mới tiết kiệm được 19 triệu. Đó cũng là cuốn sổ tiết kiệm đầu tiên của bản thân, rồi tôi ôm lấy nó suốt 24 tiếng trên chuyến xe về quê ăn Tết”, chị bồi hồi.

    Số tiền mà chị mua nhà chủ yếu kiếm được trong khoảng 5 năm trở lại đây, khi chị làm nhiều công việc cùng một lúc cũng như có những tiến triển nhất định trong công việc của mình. Năm 2014, chị tiết kiệm được 100 triệu đồng. Đến 2015 thì được 160 triệu. Đến năm 2016 khi công việc phát triển hơn, có thăng chức nên mức lương tăng, đồng nghĩa với số tiền tiết kiệm cũng nhiều hơn. Cô gái tiếp lời: “Kiểu tiết kiệm của mình chính là gom từng chút một, "tích tiểu thành đại" và lúc đó mình cũng có quyết tâm để đủ tiền mua một căn nhà Sài Gòn”.

    mua nha sai gon 1
    Căn nhà là thành quả của nhiều năm làm việc, tích cóp.

    Chị cho biết chị đều có những hoạch định cho cuộc sống trong mỗi giai đoạn khá rõ ràng, mới ra trường thì chịu khó học hỏi kinh nghiệm, những năm tiếp theo sẽ dành để học thêm bằng cấp phục vụ cho vị trí cao hơn trong công việc sau đó sẽ tập trung làm việc, đầu tư để tiền sinh ra tiền.

    “Nhiều khi, đầu tư gì đó hơi mạo hiểm, bạn mình hỏi có sợ mất không? Mình cười bảo “Ngày đặt chân vô Sài Gòn cầm có mấy bộ quần áo thì có mất gì đâu” nhưng thật ra trước đó, mình đã thức trắng đến mất mấy hôm để nghiên cứu rồi”, chị nói.

    Tuy nhiên với chị việc tiết kiệm cũng là một yếu tố quan trọng để mua được nhà Sài Gòn. Song chị không gò mình phải theo một phương pháp tiết kiệm hay công thức gì cụ thể. Số tiền tiết kiệm cũng không có quy chuẩn hay con số cố định và cũng không quan tâm mình chi tiêu hết bao nhiêu mà “chỉ chú ý sau 1 hay vài tháng mình sẽ ghi lại nguồn tiền mình đang đầu tư ở đâu, tài khoản nào để biết được mình đang có chừng này, chừng này”.

    “Phải thử thì mới biết giới hạn của bản thân đến đâu. Vì con gái ai cũng thích shopping, làm đẹp và mình cũng không ngoại lệ. Nhưng ước mơ mua nhà với mình lớn hơn, nên mình tạm dẹp các sở thích cá nhân khác để tập trung thực hiện điều này. Làm việc nhiều thì căng thẳng cũng sẽ nhiều, thỉnh thoảng không chịu được nữa mình sẽ “xách ba lô lên và đi”, lên núi hay là xuống biển gì đó cũng được, miễn là sau mỗi chuyến đi, mình tràn đầy năng lượng để tiếp tục đối đầu với những khó khăn phía trước”, chị Ngọc chia sẻ bí quyết.

    … đến căn nhà 2 tỉ trong mơ

    Khi có trong tay gần 1,7 tỉ mà vẫn không có nổi một mảnh tình vắt vai, gần sinh nhật tuổi 30, chị “tất tay” quy hết tài sản về thành một tài khoản, chị quyết định mua một căn hộ có khoảng cách không quá xa công ty làm việc.

    Sau khi mua và cải tạo hết gần 2 tỉ, tiền còn thiếu chị vay ngân hàng 200 triệu, còn lại thì vay người thân để mua những nội thất cần thiết trước. Căn hộ của chị được bàn giao cơ bản, chưa có bếp, nhà vệ sinh, đường điện nước không như ý, và chỉ 60m2.

    mua nha sai gon 1
    Căn nhà mới nhận là căn nhà thô.

    Vì tài chính có hạn, chị cải tạo lại căn hộ theo hình thức cuốn chiếu: đầu tiên là nhà vệ sinh, tiếp đến là phòng bếp, phòng ngủ và cuối cùng là phòng khách, sàn gỗ. Có một giai đoạn, đi vào nhà vệ sinh nhà hàng hay đi du lịch ở khách sạn nào đó, chị cũng lật tìm xem chỗ đó đang xài mã bồn rửa nào, chụp lại mã rồi về nhà tìm hiểu thêm.

    “Nhận nhà cơ bản thì có hơi cực, nhưng bù lại bạn được làm rất nhiều thứ mình thích. Mình đi từ thô lên hoàn thiện là mất gần 3 tháng, trong đó có 3 lần tạm ngưng khá lâu vì...hết tiền”, chị kể.

    Ngày đi làm, tối thì chạy qua nhà xem thợ làm tới đâu rồi, thật sự là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời chị Ngọc. Làm nhà một mình được tự ý làm theo sở thích nhưng thật sự là rất vất vả với một cô gái độc thân.

    mua nha sai gon 1
    Căn hộ 60 m2

    mua nha sai gon 1
    ... được trang trí xinh xắn

    “Đó là những ngày mà mình chịu khá nhiều áp lực từ sắp xếp công việc ở công ty, thu xếp đi đi về về để hoàn thiện hồ sơ vay tiền, thanh toán các kiểu, đầu óc lúc nào cũng căng lên để chọn nội thất đúng ý của mình song cũng phải tiết kiệm. Trăm ngàn chi phí phát sinh ngoài dự toán nữa. Và mình vẫn còn chưa trả hết nợ nên suốt những tháng ngày sau khi có nhà, mình đã đặt quyết tâm phải làm việc chăm chỉ hơn để trả. Cuối cùng, mình đã hết nợ sau 10 tháng”, chị vui mừng.

    Hoàn thiện nhà cũng là thời điểm dịch Covid-19 ập tới, ảnh hưởng đến nghề kinh doanh du lịch của chị. Tuy nhiên với cô gái này, bao nhiêu khó khăn đều trở nên nhẹ tênh vì chị nhận thấy dù ở giai đoạn nào trong đời cũng cần phải cố gắng kiếm tiền, tiết kiệm.

    mua nha sai gon 1

    mua nha sai gon 1
    Ba mẹ chị Ngọc trong căn nhà mới của con gái

    “Mình tin có thứ may mắn tới từ sự nỗ lực. Mình rất ủng hộ các bạn trẻ có suy nghĩ và ý chí muốn phấn đấu tự mua được nhà cho bản thân. Chính vì thế, nếu quyết định mua nhà thì các bạn trẻ hãy chuẩn bị checklist, ghi vào đó những gì mình muốn làm trong căn nhà và lưu ý những điều cần ưu tiên. Rồi cứ theo kế hoạch mà thực hiện”, cô gái nhắn nhủ.

    Ông Trương Như Trình (72 tuổi, ba chị Ngọc) tâm sự việc con gái mua được nhà chính là niềm tự hào, niềm vui rất lớn đối với ông và gia đình. "Tôi biết con đã trải qua sự nỗ lực và cố gắng đến như thế nào, con bé nghị lực và chưa bao giờ ngừng cố gắng. Thấy con tự lập, tự có thể lo cho cuộc sống nên cũng không hối con lấy chồng", người đàn ông cười nói.

    Vậy với bạn, việc mua nhà Sài Gòn có phải là một mơ ước xa vời hay không?

    Theo Thanh Niên

  • Tết rồi ai cũng mừng gia đình tôi có nhà cao cửa rộng nhưng mấy ai biết giờ chúng tôi phải chui rúc ở nơi chật chội thế nào.

    Vợ chồng tôi quê Bắc Giang, ra Hà Nội làm ăn gần chục năm. Chúng tôi bán hàng thực phẩm, mỗi tháng cũng kiếm vài chục triệu. Cả gia đình 5 người vẫn ở thuê trong hai phòng trọ tổng diện tích chỉ hơn 40 m2. 

    Nhiều lần tôi bàn chuyện mua mảnh đất hay căn nhà trả góp để có nơi ở ổn định, khỏi khổ sở mỗi lần chuyển nhà nhưng chồng gạt đi. Anh khăng khăng muốn tập trung tiền để xây một ngôi nhà to, đẹp ở quê vì mình là trai trưởng, mỗi dịp lễ, Tết hay tập trung đông người. Ngôi nhà cấp 4 cũ ở đó vẫn sử dụng tốt, thỉnh thoảng có mẹ chồng tôi về vài hôm vì bà chủ yếu vẫn ở Hà Nội cùng con cháu. 

    xay nha hoanh trang bo khong
    Ảnh minh họa

    Năm ngoái, chồng tôi đã quyết xây ngôi nhà kiểu biệt thự vườn cao ba tầng, rộng hơn trăm mét vuông ở quê. Ròng rã suốt hơn 8 tháng trời anh ấy đi đi lại lại về quê để cập nhật tiến độ xây dựng (chúng tôi nhờ chú em giám sát, lo lắng mọi việc), nên mọi chuyện buôn bán, lo toan con cái ngoài này dồn lên vai tôi. Công trình hoàn thành tiêu tốn hơn 1 tỷ đồng thì chúng tôi chỉ có 400 triệu, phải cắm sổ đỏ vay ngân hàng 500 triệu, còn lại hơn 300 triệu là anh em họ hàng mang tới cho mượn. 

    Mọi người ở quê ai cũng nghĩ chúng tôi làm ăn ở Hà Nội khấm khá, cuộc sống sung túc lắm nhưng sự thật không phải vậy. Sáng sáng, chúng tôi phải dậy từ 4h đi lấy hàng, chợ búa tất bật nhiều khi không kịp ăn trưa, ăn tối. Mỗi tháng tiền thuê nhà hết 4 triệu, các con tốn ít nhất 5 triệu tiền học chính, học thêm, thuê người đưa đón. Thêm khoản ăn uống, điện nước, gửi ma chay hiếu hỉ, đi lại về quê thì tháng nào chúng tôi cũng chi trên 20 triệu đồng. 

    Chuyện xây nhà ở quê chồng tôi đã ấp ủ từ lâu. Mặc dù vẫn có ý định sẽ làm ăn ở thủ đô, cho con cái học hành tại đây và chỉ về quê dưỡng già, anh nhất quyết phải xây cơ ngơi tại quê trước. Anh nói rằng làm vậy để mẹ vui, thuận tiện lễ Tết và mỗi lần về chúng tôi về cũng được hưởng, sau này làm ăn ở thành phố không tốt thì quay về chẳng phải lo lắng gì. 

    Tôi thì chỉ thấy việc này là nặng nợ. Bây giờ có nhà nhưng chúng tôi vẫn phải mất tiền thuê nơi ở tại một nơi chật chội, ẩm thấp. Việc mua nhà Hà Nội sẽ càng trở nên xa vời hơn khi hằng tháng vợ chồng phải nai lưng ra làm để trả tiền gốc, lãi ngân hàng rồi dành dụm trả dần những món vay người thân. Sau Tết, nhà ở quê đóng cửa bỏ không, chúng tôi lại phải nhờ một người chị chồng thỉnh thoảng sang trông nom, quét dọn. Ngôi nhà đó một năm gia đình tôi về chưa tới chục lần, thường chỉ ở hôm trước hôm sau đi, việc lau dọn 3 tầng thênh thang không dễ dàng gì. 

    Cuối năm vừa rồi, được bao nhiêu tiền hàng, chồng tôi dồn hết sắm đồ đạc cho nhà mới. Có nhà to, đẹp hơn nên chồng bảo tôi cũng phải mua sắm nhiều hoa, đồ trang trí Tết cho xứng tầm. Như mọi năm, chồng tôi vẫn phóng tay mừng tuổi người già tiền trăm, trẻ nhỏ cũng 50 - 100 nghìn. Không hiểu anh có nghĩ tới chuyện ra Tết còn chưa có tiền đóng học cho các con hay không. 

    Trước khi quay lại thành phố, nhà tôi lại mời vài chục người tới ăn uống. Ai nấy đều hồ hởi mừng căn nhà khang trang, chúc năm mới làm ăn tấn tới. Tôi không vui, chỉ cảm giác mệt mỏi và thấy như đang phải diễn vở kịch trong héo ngoài tươi. Tôi không muốn gây gổ gì với chồng dịp năm mới nhưng có lẽ cũng không thể chịu mãi được cuộc sống kiểu phải è cổ ra làm mà chẳng được hưởng gì cho bản thân mà chỉ để "lấy le" với họ hàng, làng xóm.

    Theo Báo Đầu Tư

  • Sau 3 năm làm việc cật lực ở xứ người, vợ chồng anh Long không có khoản dư nào vì tiền bạc gửi về bố mẹ dồn hết làm nhà to.

    Vợ chồng tôi đi xuất khẩu lao động về hơn 6 tháng trước. Giờ chồng làm bảo vệ tại một tòa chung cư ở Hà Nội, vợ đi làm may - kém hơn xuất phát điểm ngày chúng tôi rời quê hương ra đi đầu năm 2015.

    Khi đó, chúng tôi mới cưới nhau, chưa con cái gì, cả hai đi Đài Loan để kiếm chút vốn liếng sau về làm ăn cho thuận lợi. Ngày ấy, tôi đang đi làm cho một công ty xây dựng, lắp đặt các cơ sở sản xuất, vợ là công nhân may giỏi, thỉnh thoảng còn tự may đồ cho người thân. 

    nha que hoanh trang
    Ảnh minh họa

    Cuộc sống ở xứ người không suôn sẻ như người ta vẽ lên lúc ở quê nhà. Có thời điểm, vì phải làm ở một cơ sở tư nhân quá khắc nghiệt, lương thấp, tôi đã phải trốn ra ngoài, sống nơm nớp sợ hãi bị bắt và tống về nước khi chưa có đồng nào. Rồi tôi phải làm đêm triền miên, có lúc tưởng như kiệt sức. Vợ tôi thuận lợi hơn, có công việc thu nhập ổn định nhưng cũng nhiều lần phải chịu ấm ức khi đi làm giúp việc. 

    Dù vậy, mỗi lần gọi điện về nhà, chúng tôi không dám than thở một câu, vì tự mình đã chọn và không muốn người thân phải lo lắng. Cả hai vợ chồng đều ăn tiêu dè sẻn, được bao nhiêu là gửi về cho mẹ tôi, trước là để trả khoản nợ vay đi xuất khẩu, sau là tích lũy lấy vốn làm ăn và xây nhà cửa. 

    Giữa năm ngoái, bố mẹ tôi gọi điện sang nói muốn lấy số tiền vợ chồng tôi gửi về để làm nhà. Tôi là con trai một, các chị gái đều đã đi lấy chồng nên mảnh đất các cụ đang ở sau sẽ là của tôi. Các cụ nói định làm ngay để khi vợ chồng tôi trở về là đã có nhà cao cửa rộng đàng hoàng. "Đứa nào ra nước ngoài về mà chả làm nhà. Làm trước, sau các con về sẵn ở", mẹ tôi bảo. 

    Thực tình, vợ chồng tôi muốn khi trở về mới tự làm theo ý mình nhưng các cụ thuyết phục mãi, rằng chúng tôi muốn ra sao chỉ cần nói rõ, ở nhà sẽ làm y như vậy, nên tôi cũng xuôi xuôi. Nhưng trong khi tôi và vợ chỉ muốn làm gian nhà nhỏ 2 tầng, bố mẹ tôi nhất quyết phải xây lên tầng 3 vì cho là "như thế mới đẹp" và sau này con cái chúng tôi có chỗ ở thoải mái. 

    Chẳng thể "chỉ đạo" từ xa, vợ chồng tôi quyết định không gửi tiền về nữa mà tự giữ. Nhưng cách này cũng không ăn thua khi phụ huynh tuyên bố "họ hàng, làng xóm thấy mình làm nhà đã mang tiền tới cho mượn. Bố mẹ cứ cầm tạm, lúc nào chúng mày về thì trả". 

    Nghĩ cảnh đi làm xa xứ bao năm về quê lại è cổ trả nợ, vợ chồng tôi ngao ngán. Nhưng chúng tôi lấy nhau đã lâu mà chưa có con nên cũng muốn trở về để ổn định và sinh nở, chứ lao động ở nước ngoài, đâu dám để vỡ kế hoạch. 

    Ngày chúng tôi về nước, dù mừng vui khôn xiết khi được gặp người thân sau 3 năm xa cách, tôi thực sự phiền lòng khi thấy ngôi nhà hoành tráng mọc lên chỗ gian cấp 4 nhỏ nhắn khi xưa mình ở. Ngôi nhà bố mẹ xây cho tôi cao 3 tầng, diện tích mặt sàn hơn 70 m2, hình chữ L, tường ngoài vẫn thô kệch, bên trong cũng chỉ sơn qua loa. Bên trong căn nhà to đùng đó, vẫn là những vật dụng tôi đã quen thuộc, từ chiếc giường, đến tủ quần áo, bộ bàn ghế gỗ cũ, chỉ thêm chiếc TV lớn cho phù hợp với phòng khách thênh thang. 

    "Đấy, bố mẹ chưa sắm gì đâu, vợ chồng mày về thích đồ gì thì mua lắp vào", bố mẹ tôi chỉ chỏ nói vậy khi thấy ánh mắt lộ vẻ thất vọng của các con. 

    Sau mấy ngày đầu bận rộn, hồ hởi đón tiếp người thân, bạn bè qua chơi, vợ chồng tôi bắt đầu được bố mẹ liệt kê các chủ và khoản nợ vay làm nhà. Đầu tôi như có ngọn lửa phừng phừng cháy. Tất cả vốn liếng mang về của vợ chồng tôi thực sự không đủ để trả những khoản đó. Còn để mặc kệ ông bà tự trả vì đã tự vay, tôi thật cũng không đành. 

    Vợ tôi những ngày sau càng mệt nhoài khi phải dọn dẹp căn nhà rỗng 5 phòng mà chỉ 2 trong số đó được sử dụng. Khi tính tới chuyện mua lại chiếc máy may nhận việc về làm, cô ấy chán nản tới nỗi lại đòi đi lao động tiếp. Tôi biết vợ mình vẫn ao ước đi về sẽ học thêm một khóa ngắn rồi mở tiệm cắt may. Nhưng giờ chúng tôi không còn tiền, lại có một khoản nợ nên chẳng thể đầu tư cho việc đó. Tôi cũng phải nhanh chóng tìm tạm việc ra tiền ngay, không dám mơ tưởng mở cửa hàng buôn bán gì vội. 

    Tôi buồn nhất mỗi lần nhìn ngôi nhà mà đụng tới góc nào là thấy không ưng góc đó. Cầu thang làm kiểu cũ, dưới gầm là khoảng trống lớn tạo điều kiện cho bố mẹ tôi bày bừa đủ thứ đồ chẳng bao giờ cần dùng tới nữa. Nhà vệ sinh, bếp đều có diện tích quá to mà công năng thì không hề hợp lý. Cửa sổ, cửa chính... cũng chẳng đâu ra đâu. Ngôi nhà trong mơ của tôi không giống thế này và cũng chẳng tốn kém quá nhiều như thế. 

    Tới thời điểm này, hai vợ chồng tôi đều đang làm thuê ở Hà Nội, thuê tạm một căn phòng nhỏ sống, thỉnh thoảng cuối tuần mới về. Chúng tôi không dám trách móc bố mẹ, chỉ trách bản thân đã không có kế hoạch ngay từ đầu, rằng tiền làm ra sẽ tích lũy ra sao, để vào việc gì và bàn kỹ với bố mẹ để các cụ cũng biết hướng và hỗ trợ. Chúng tôi cũng đã không kiên quyết phản đối khi bố mẹ định xây nhà và chưa quyết liệt tự quản tài chính của mình, nên giờ mới rơi vào tình cảnh này.

    Theo Báo Đầu Tư

  • Khi mà câu chuyện về những người trẻ lương chưa đầy chục triệu vẫn tậu được nhà tiền tỷ sau vài năm được chia sẻ nhan nhản thì trường hợp của cặp vợ chồng 29 tuổi này có thể được liệt vào “hàng hiếm”.

    Người ta nói an cư rồi mới lạc nghiệp, chỗ ở phải ổn định thì mới yên tâm tính đến những thứ khác. Vậy nên, mua nhà là kế hoạch, là mục tiêu hướng tới của nhiều người trẻ. Thế nhưng, nhiều không có nghĩa là tất cả. Điển hình như cặp vợ chồng trong câu chuyện sau đây. Dù mỗi tháng kiếm được số tiền không nhỏ nhưng họ tuyệt nhiên chẳng nghĩ đến chuyện mua mà thay vào đó bằng lòng với cảnh ở nhà thuê.

    khong mua nha ma di thue du luong 45 trieu
    Người nhín nhút để mua nhà trong khi người lại để tiền phục vụ nhu cầu cuộc sống. Ảnh: YAN

    Quan điểm: “Sao phải bỏ ra gần nửa đời người chỉ để mua nhà”

    Cưới nhau 3 năm, mỗi tháng kiếm được 45 triệu nhưng thay vì mua nhà đất hay nhà chung cư, cặp vợ chồng 29 tuổi bỏ ra một nửa để trả tiền thuê trọ cũng như phục vụ nhu cầu cuộc sống, nửa còn lại mang gửi ngân hàng. Chia sẻ về lý do, người chồng cho biết bản thân không chịu được cảnh “hi sinh gần nửa đời người chỉ để mua nhà”.

    Mua nhà mà hàng tháng phải nghĩ về khoản vay và vật lộn với cuộc sống để kiếm tiền trả thì chẳng khác gì tự đeo gông vào cổ. Em có con bạn là bạn chung của hai vợ chồng. Sau khi bấm bụng vay tiền để mua một căn hộ xa tít trung tâm, mỗi ngày phải chạy xe máy hơn tiếng đồng hồ để đi làm thì có một nỗi stress rất lớn đó là bị quản lý trực tiếp nắm thóp "trả nợ mua nhà" nên sẽ không dám nghỉ việc nên đã ra sức đì lên đì xuống... 

    Rồi chưa kể trong thời gian cả chục năm phải trả nợ đó, nhỡ người thân như vợ chồng, con cái đau ốm nặng, thì một người biết xoay xở thế nào? Rồi đã mua nhà thì cũng phải cắt giảm nhiều chi phí để tiết kiệm, lấy tiền trả nợ, vậy các nhu cầu khác như vui chơi, du lịch cũng phải hy sinh theo.

    Tuổi trẻ là thời gian để làm việc, học tập, vui vẻ để tuổi trung niên có tích luỹ và kinh nghiệm để kiếm nhiều tiền hơn, rồi đến lúc đó mua nhà cũng chưa muộn. Nhiều bạn sẽ nói như vậy thì tuổi trẻ qua đi thì cũng chẳng có ngôi nhà của mình. Nhưng em nghĩ một căn hộ cũ kỹ sau 10 - 15 năm trả góp là của mình thì cũng không đáng vui vẻ để nhận lấy”.

    Cộng đồng mạng nêu ý kiến trái chiều

    “Lên sóng” không bao lâu, câu chuyện đã trở thành tâm điểm thu hút nhiều sự chú ý. Mỗi người một lẽ nhưng phần đông lại không tán thành quan điểm của cặp vợ chồng này. Ai cũng cần một nơi gọi là nhà để đi về. Nhà có thể không lớn, không sang nhưng phải là của mình, do mình làm chủ. Ở trọ chỉ vợ và chồng thì không nói làm gì nhưng lên chức bố mẹ là hàng tá rắc rối sẽ phát sinh.

    - “Có nghe câu ‘chim có tổ như ta có nhà chưa’. Nhà ở hay không thì vẫn là của mình”.

    - “Hai vợ chồng thì còn hiểu được chứ có con rồi cả nhà cứ kéo nhau ở trọ từ chỗ này đến chỗ khác hay sao. Chuyện học hành của con cái đã từng nghĩ tới chưa”.

    - “Trẻ kiếm ra tiền không biết tính rồi già lấy gì mà ở”.

    - “Mất nửa đời đổi lại được nửa đời, mua nhà ngoài để ở cũng là đầu tư vì sinh lãi theo thời gian. Có thiệt đi đâu mà lo không biết”.

    - “Đọc xong không biết nói gì luôn. Thôi thì mỗi người một cách sống. Hi vọng là hai bạn về sau không hối hận”.
    -...

    Tuy nhiên, một vài người lại có suy nghĩ khác. Họ tâm niệm “đời này chỉ sống một lần” nên việc đầu tư cho bản thân là cực kỳ cần thiết. Trong khi đó, có nhà nhưng phải vay mượn, cày cuốc ngày đêm nhiều khả năng sẽ khiến bản thân rơi vào bế tắc.

    Mỗi người một quan điểm nhưng lời khuyên của dân tình đâu phải là không có cơ sở. Ai cũng thích cuộc sống hưởng thụ, tận hưởng thành quả lao động do mình làm ra nhưng như vậy thôi chưa đủ. Tính toán, chăm lo cho cuộc sống sau này suy cho cùng vẫn là chuyện nên làm. Còn bạn, bạn nghĩ gì vấn đề này? Người trẻ nên tích góp mua nhà rồi làm chủ hay cứ dành tiền tận hưởng cuộc sống nhưng cam cảnh ở thuê. Hãy chia sẻ ý kiến cùng chúng tôi nhé!

    Theo YAN

  • Mang tiếng là làm tập đoàn, làm doanh nghiệp triệu đô, những bữa ăn, đồ ăn món âu hoành tráng, những ly vang, những bản nhạc du dương, nhưng tối đến thì ly mì gói luôn luôn bên cạnh bàn làm việc.

    Thịnh không thích ăn mì gói nên thường chọn giải pháp là hủ tiếu gõ. Tính ra quán ăn hủ tiếu gõ Thịnh cũng ăn từ 2018 tới nay rồi. Rồi tính Thịnh cũng ham vui, những lúc công việc không nhiều hay ngồi lại tán gẫu, lai rai với chủ xe hủ tiếu, dần dần mối quan hệ cũng thân thiết hơn. Đôi khi, anh chị chủ quán cũng hay nhờ qua lại nhau mấy việc nho nhỏ.

    vo chong ban hu tieu mua dat

    2 vợ chồng anh chủ tiệm hủ tiếu quê ở miền Trung. Năm nay anh chị cũng trên 30 tuổi rồi, có 2 con nhỏ chuẩn bị vào cấp 1. Lúc nhậu anh cũng hay tâm sự: "2 vợ chồng ngày đi làm thêm, tối bán xe hủ tiếu cũng kiếm được 30 triệu đồng. Nhưng trừ tiền phòng trọ, tiền con cái đi học,... mỗi tháng chỉ dư được 10-15 triệu thôi. Theo em thì mỗi tháng dư 15 triệu có đầu tư vào bất động sản được không?"

    Thịnh chỉ nhìn anh và đôi mắt rưng rưng, tính ra 2 anh chị làm lương cũng cao lại còn tiết kiệm tốt, dư 15 triệu cũng bằng vị trí 1 trưởng phòng rồi.

    Mỗi gia đình, mỗi cá nhân là 1 câu chuyện, độ tuổi cũng khác nhau, cách đầu tư mua đất cũng khác nhau, Thịnh chỉ trả lời ngắn gọn là: với mỗi tháng dư 15 triệu đồng có thể đầu tư được bất động sản! Đầu tư tốt và sinh lãi luôn.

    Thịnh xin kể một câu chuyện cho vợ chồng anh chị bán hủ tiếu.

    2 vợ chồng quê ở miền Trung vào Đồng Nai làm công ty. Người chồng và vợ đều sinh năm 1988. Sau 5 năm chăm chỉ làm việc họ cũng lên được 1 vị trí nhỏ là quản lý nhóm. Người chồng và vợ quyết định tăng ca để có thêm thu nhập, lương công nhân bình thường 7 triệu đồng, do có tăng ca thì lên 10-12 triệu, có thêm tiền chuyên cần, tiền quản lý thì được 13-15 triệu đồng/tháng.

    Người vợ thì về chăm sóc 2 đứa con nhỏ nên tổng nguồn thu của 2 vợ chồng khoảng 25 triệu đồng. Tiền thuê trọ, ăn uống của 2 vợ chồng, tiền đi học của 2 đứa con, tiền nội ngoại, ma chay hiếu hỷ hết 15 triệu đồng/tháng, 2 vợ chồng mỗi tháng dành được khoảng 10 triệu.

    THẾ 10 TRIỆU THÌ LÀM ĐƯỢC CÁI GÌ BÂY GIỜ???

    Sau 1 năm 2 vợ chồng dành được 120 triệu, người chồng có chí, không muốn đi ở trọ nữa nên muốn mua miếng đất nhỏ để xây nhà. Họ đi xung quanh khu công nghiệp bán kính không quá 15km, tìm 1 mảnh đất nhỏ để mua. Thế là 2018, hai vợ chồng tìm được một mảnh đất vừa ý rộng 100m2, có thể xây nhà được giá 400 triệu.

    Lúc đó nhà nội ngoại cũng không ai giàu có gì, 2 vợ chồng thì tích góp được mới 200 triệu thôi, nên quyết định đi vay bạn bè người quen, vay quỹ công đoàn của công ty. 2 vợ chồng chăm chỉ làm nên đi vay bạn bè mỗi người 20-50 triệu nói là mua đất thì ai có cũng vui vẻ cho mượn. Thế là có 200 triệu tiền túi, 200 triệu đi vay, dự kiến là vay 200 triệu thì làm 1 năm rưỡi sẽ trả hết được nợ và có mảnh đất.

    Sau 18 tháng khoản nợ đó được trả hết, và miếng đất lên giá 900 triệu. 2 vợ chồng có thể bán, và suy nghĩ: tính ra 2 vợ chồng mình cày cả năm không bằng miếng đất để đó và lên giá.

    => Nếu ai đó nói với bạn rằng phải đợi đủ tiền mới mua bất động sản thì bạn sẽ mãi mãi không bao giờ dành dụm đủ tiền để mua được đâu, (những bất động sản ở đây là mua để tiêu dùng, để ở chứ không phải là dành cho dân đầu tư lướt sóng.)

    2 vợ chồng người công nhân trên, họ xa xứ vào nam lập nghiệp sau 7 năm cũng dư được mảnh đất và 1-2 năm tới có thể xây được nhà.

    Nhưng ở 1 góc độ khác giới trẻ chúng ta đang làm gì? Đi làm lương tháng được 10 triệu đồng, tiết kiệm được 5 triệu? Vì nghĩ con số đó quá ít để làm một việc gì đó nên họ quyết định mua điện thoại trả góp, mua cái xe trả góp, để tiền đi du lịch. Cứ thế, không có thói quen tiết kiệm nên không thể có 1 tài sản để đầu tư. Ngày xưa các tỷ phú cũng 9 xu đổi lấy 1 hào, không ai sinh ra là tỷ phú, đều phải tích góp cả.

    Những người bạn không chịu dành dụm, tiết kiệm mà dùng tiền dư mua điện thoại trả góp, mua xe trả góp thì đợt Covid vừa qua - nhà máy đóng cửa, công nhân không đi làm được, không có lương, thế là xe, điện thoại tất cả đều phải đưa cho ngân hàng hết, và bạn trẻ lại quay về với con số 0.

    Kể đến đây, anh bán hủ tiếu hỏi: "Thế anh ở đây trên Sài Gòn làm sao a mua đất được ở quê ? Làm sao anh biết mảnh đất đó ngon mà mua?"

    Tôi chỉ cho anh vài cách:

    Cách 1: Tự học. Thời đại này kiến thức trên internet là vô hạn. Chỉ cần biết đặt câu hỏi là Google có câu trả lời. Anh đọc đủ 1.000 bài viết, nghe đủ 1.000 giờ trên YouTube về cách tìm bất động sản để mua với giá 400 triệu, thì tôi tin sau 1 năm thôi, số tiền tích luỹ của anh tăng lên, kiến thức anh có thì anh sẽ tự tin với bất động sản mình mua.

    Cách 2: Ngày thường anh bán 300 tô thì bây giờ hãy tìm cách bán thêm 50 tô nữa. Anh chỉ làm công việc anh giỏi nhất là bán hủ tiếu. Sau đó đi tìm và sử dụng sức mạnh của một chuyên gia. Đầu tư bất động sản cũng là một nghề, không phải ai cũng hợp hay yêu thích là có thể làm được. Ở Việt Nam mọi người rất xem thường nghề tư vấn, tư vấn là miễn phí, là tụi môi giới, tụi "cò" nhưng họ là những người am hiểu thị trường nhất.

    Cách 3: Tìm cho mình một môi trường có sự cầu tiến, luôn có người thúc đẩy mình ở phía sau. Bạn nghĩ đôi vợ chồng công nhân trên họ tự làm được ư??? Không phải vậy đâu, họ làm được vậy nhờ đi làm trúng 1 công ty tốt, một môi trường tốt.

    Người đầu tiên tiết kiệm mua nhà được là trưởng phòng, sau đó trưởng phòng chỉ cho phó phòng, rồi lan qua các nhóm trưởng.Khi đó có người chỉ dẫn thì, con đường sẽ rõ lối hơn. Có môi trường, có động lực luôn giúp bạn tiến tới mục tiêu hiệu quả nhất.

    Theo Cafebiz

  • Bỏ hơn 2 tỷ đồng mua 1.000 m2 đất ở Thạch Thất (Hà Nội), anh Đào Anh Quân (Hà Đông) đang rao bán 1 tỷ đồng vẫn chưa ai mua.

    Trước thời điểm đất Thạch Thất (Hà Nội) lên cơn sốt vào đầu năm 2021, anh Đào Anh Quân được môi giới mời chào nên đã mang hết số tiền tiết kiệm của gia đình để mua 1 mảnh đất trồng cây công nghiệp lâu năm rộng 1.000 m2.

    Thời điểm anh Quân mua, mảnh đất đã được bán đi bán lại qua 3 đời chủ chỉ trong vòng 1 tháng. Người mua đều chỉ đặt cọc vài ngày rồi "lướt sóng" là có ngay vài trăm triệu đồng.

    Anh Quân kể, thời điểm anh mua, cũng có 3 - 4 khách đến và tranh nhau muốn đặt cọc. Vì vậy, anh Quân cũng không có nhiều thời gian để cân nhắc và suy nghĩ vì sợ mất "món hời". Anh Quân chấp nhận trả giá cao nhất để mua được lô đất này.

    Mua xong lô đất, tôi thấy mình quá may mắn vì nghĩ đơn giản là đất đang sốt, cứ mua được là có lời. Lúc đó, môi giới nói có khách trả chênh 50 triệu đồng, hỏi tôi có bán không. Vì thấy các chủ trước của lô đất ai cũng lời 200 - 300 triệu đồng nên tôi quyết định giữ lại thêm một thời gian, nghĩ là lãi 50 triệu đồng thì không bõ bèn gì”, anh Quân nói.

    bi lua mua dat
    Lao vào cơn sốt đất thiếu tỉnh táo, nhiều nhà đầu tư dễ sập bẫy. (Ảnh minh họa).

    Tuy nhiên, không giống những gì môi giới nói, từ khi sang tay anh Quân, lô đất trở nên đóng băng, không có khách hỏi, cũng không có người trả giá, thậm chí nhờ môi giới chào mời họ cũng làm lơ. Đáng nói là thời điểm này, thị trường nhà đất tại Thạch Thất vẫn sôi động, những lô đất khác vẫn được nhiều nhà đầu tư săn mua.

    Lúc này, anh Quân mới tá hỏa tìm hiểu thì biết rằng mình đã trở thành con "gà béo" của môi giới. Thực tế, lô đất của anh Quân giá thị trường giao dịch chỉ 1,2 - 1,3 tỷ đồng. Nhưng môi giới đã liên tục tung chiêu lướt cọc khiến khách mua lầm tưởng lô đất này đẹp và đang sốt rần rần. 

    Thực chất, môi giới họ có cả một đội tầm chục người, trong đó họ mua đi bán lại trong nhóm với nhau tạo sốt ảo, đẩy giá lô đất và tạo hiệu ứng sốt đánh vào tâm lý người mua. Tôi vốn tay ngang buôn đất nên dễ dàng sập bẫy, bị họ chăn dắt”, anh Quân kể lại.

    Anh Quân phát hiện, 3 - 4 vị khách đến tranh giành mua đám đất với anh Quân đều là người của nhóm môi giới này, họ được bố trí đến để tạo hiệu ứng sốt ảo, khiến giá trị của mảnh đất tăng cao. Một môi giới khác cũng tiết lộ với anh Quân, ngay cả khi mua xong, nếu anh đồng ý chốt lời 50 triệu đồng để "lướt sóng" thì cũng không bán được. Bởi lẽ, đó chỉ là chiêu trò của môi giới. Nếu anh đồng ý bán, môi giới sẽ lật kèo nói khách lại không ưng, chờ họ tìm khách khác.

    Đến giờ đã hơn 1 năm trôi qua, thị trường tại Thạch Thất cũng không còn sôi động như trước kia, lô đất anh Quân mua chấp nhận bán cắt lỗ còn 1 tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua.

    Giờ những lô đất như của tôi ở Thạch Thất giá chỉ 800- 900 triệu đồng, nhiều lô vị trí còn đẹp hơn nên giờ cắt lỗ một nửa cũng không ai mua”, anh Quân buồn bã nói.

    Chia sẻ về việc tay ngang buôn đất, anh Quân ngậm ngùi: “Tôi thấy bạn bè ai đầu tư đất cũng có lời, nên cũng không nghĩ nhiều mà lao vào không tính toán gì. Sốt đất như con dao hai lưỡi, nó khiến cho nhiều người giàu lên nhưng cũng khiến nhiều nghèo đi. Đây cũng là bài học lớn cho tôi”. 

    Theo các chuyên gia bất động sản, nếu giá bán cao hơn 10-15% so với giá thật của bất động sản có thể gọi là đắt, còn đắt mức trên 30% là "sốt", trong đó phần lớn là sốt ảo. Nhiều người có nhu cầu thật nhưng không có thời gian tìm hiểu nên mua nhà với giá quá cao mà không biết.

    Nếu đi mua bất động sản mà chỉ chăm chăm vào một bất động sản đó, tin vào lời môi giới thì rất dễ mua phải giá "hớ", thậm chí mua đắt hơn hẳn các bất động sản cùng khu vực. Chẳng hạn, muốn mua một mảnh đất, tốt nhất là nên hỏi người hàng xóm xung quanh, xem giá cả ngôi nhà, đất đai ở đó ra sao, đất này có vướng tranh chấp hay "đụng độ" với hàng xóm hay không. 

    Bên cạnh đó, khách cũng nên đi xem ít nhất 4-5 miếng, đối chiếu về giá, so sánh về tiềm năng của từng khu vực nơi bất động sản tọa lạc để nắm giá cho chắc trước khi quyết định xuống tiền.

    (Theo VTC News)

  • Mảnh đất không giấy tờ tôi mua với giá 200 triệu đồng từ 15 năm trước, nay ra mặt tiền, đã làm được sổ đỏ, giá 8 tỷ đồng.

    Tôi cho rằng, đầu tư vào bất động sản không phải là hướng đi sai lầm, nhưng cũng chưa chắc đảm bảo cho bạn phần thắng nếu không hội đủ những yếu tố: ngon, bổ, rẻ. Còn nếu chỉ biết đem tiền ra mua đất để bảo toàn tài sản như nhiều người nói, mua mà không có may mắn, không nhìn vị trí thửa đất, nhiều khi bạn bán không kịp lời để trả lãi ngân hàng. Nếu mua đất bằng tiền nhàn rỗi thì rất tốt, còn mua bằng tiền vay mượn thì coi chừng thân còn giữ không nổi nữa là nhà.

    dat duoc lam so do

    Đầu tư bất động sản không khó, nhưng cũng không hề dễ, nhất là với những người không có kiến thức, kinh nghiệm trọng lĩnh vực này. Tôi cũng có tiền nhàn rỗi là đi mua đất, nhưng thú thực là có miếng khá ổn, xây cho thuê cũng được hơn chục năm rồi, đủ để có lời so với suy tính ban đầu của tôi; tuy nhiên cũng có miếng đất đến giờ vẫn nằm chết một đống, nếu tôi mua bằng tiền vay ngân hàng thì chắc cũng tan thương rồi.

    Cuộc đời chẳng ai có thể tính toán thế nào là chắc chắn 100%, nhất là trong chuyện kinh doanh, buôn bán. Nếu tính được thì có lẽ nhà nhà mua đất, người mua đất rồi, lúc đó thì lấy đất đâu cho đủ? Mọi lời khuyên trong đầu tư bất động sản đều chỉ đúng một phần, cần rất nhiều yếu tố khác để thành công, cái quan trọng nhất vẫn chính là mua bằng tiền trong túi của mình vẫn là chắc chắn nhất.

    Dù có trượt giá hay gì thì nó vẫn ở trong túi của bạn, cần là có thể xài ngay, không cần thì để đó. Nên nhớ, nhà đất không phải cứ lúc bạn cần tiền là bán được ngay. Giá nhà đất tăng cao thật đấy nhưng nếu vay để mua thì bạn sẽ luôn phải lo lắng, không biết ngày mai sẽ ra sao nếu ngân hàng cứ hỏi thăm. Lúc đó, nhiều khi rẻ mấy bạn cũng phải bán lỗ, nếu không sẽ còn lớn chuyện hơn nữa.

    Chẳng ai dám nói trước là mình sẽ thắng hay thua nếu đầu tư bất động sản. Chỉ cần bạn quan tâm đó là tài sản cho tương lai hay cho chính con cái chúng ta là đủ rồi. Tôi không có nhiều tiền, nhưng cũng đủ may mắn để mua một miếng đất không giấy tờ ở Bình Tân, TP HCM từ 15 năm trước với giá 200 triệu đồng. Đó là tài sản góp nhặt của hai vợ chồng khi đã có hai con, bao nhiêu năm để đó.

    Và giờ tôi đã làm được giấy tờ cho mảnh đất ấy, xây được cái nhà để cho thuê. Miếng đất đó nay thành mặt tiền với giá thị trường khoảng 8 tỷ đồng. Theo các bạn thế có gọi là thành công không? Cũng kể từ đó, tôi luôn cố gắng dè xẻn để tích tiền mua đất tiếp. Mục đích chính của tôi không phải là để lướt sóng, đầu cơ, mà đơn giản chỉ là làm của để dành cho con cái khi chúng có gia đình riêng. Thế nên, tôi rất thảnh thơi với chuyện mua đất.

    Tóm lại, tôi chỉ muốn nhấn mạnh lại một điều rằng bất động sản không phải chúng ta muốn lời là lời, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng ta không thể lấy kinh nghiệm của một ai đó để áp dụng cho mình vì đôi khi cái may mắn không đến với ta. Tôi đã từng có một miếng đất chờ hoài không có giá, không được xây nhà dù nó nàm ở khu vực mà xung quanh đã xây dựng hết. Nhưng tôi cũng có biến đất chỉ ba năm đã có giá trị gấp đôi lúc đầu.

    Thế nên, tích lũy là thứ rất cần cho tương lai, nhưng bằng hình thức nào thì phải tùy hoàn cảnh mỗi người. Có người mua đất đề dành và thành công, nhưng đôi khi bạn chỉ cần gửi ngân hàng cũng là một kênh rất giá trị, dù lời ít nhưng ta vẫn có thể nhìn thấy tiền của mình mỗi ngày.

    Nếu không có đủ kiến thức và kinh nghiệm, nhất là không đủ tiền, tôi khuyên các bạn hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định dấn thân vào thị trường bất động sản kẻo đánh mất luôn chính tài sản cho tương lai của mình.

    Theo VnExpress

  • Nếu cách đây 4 năm trước thì tôi khuyên bạn nên mua nhà, vì thời điểm 2017 - 2018 giá căn hộ tại Thủ Đức - Q9 - Q8 - Bình Chánh chỉ vào khoảng 1.5 tỉ - 2 tỉ căn cho 60-70m2 và lãi suất cho vay tầm 6-7% cố định 18-24 tháng, và biên độ lợi nhuận cho giai đoạn này trên 70% sau 3 năm.

    Còn với số tiền 500 triệu ở hiện tại tôi khuyên bạn đừng nên mua mà hãy đi Thuê! Vì lãi suất hiện tại khá cao cũng như không phù hợp với tiêu chí của đa số người dân Việt Nam là nhà là Tài Sản. Tôi sẽ làm bài toán dẫn chứng và so sánh để bạn thấy.

    mua nha 500 trieu

    Thuê Nhà

    Mặt bằng thuê căn hộ chung hiện nay tại thị trường có giá là 7 - 8triệu/ tháng, S= 60-70m2. Vậy vị chi cho 1 năm thuê là 84 - 96 triệu. Với 500 triệu - Chi phí 1 năm vẫn còn 404 triệu.

    Nếu biết cách đầu tư kinh doanh cũng như nhạy bén thì 1 năm 400 triệu đó ít nhất bạn kiếm được 100 triệu. Nếu bán đi tài sản đang đầu tư thì sau 1 năm chúng ta vẫn còn đủ 500 triệu và có 1 năm ở thuê không tốn tiền.

    (Nếu bạn chọn đúng bất động sản, vào tiền đúng thời điểm thì 3 năm sau với số tiền 500 triệu bạn có thể x3 )

    Và quan trọng nhất là bạn không nặng đầu về khoản vay hay áp lực về tài chính. Cũng như thoải mái làm những việc mình thích vì không bị áp lực trả nợ hàng tháng. Cũng như việc thuê nhà sẽ giúp bạn dễ dàng quyết định ở đâu mà thuận tiện nhất, phù hợp nhất.

    Mua Nhà

    Vì tôi lấy mức giá thuê là 7 - 8triệu cho 60m2 thì sẽ lấy mức giá mua nhà của loại này.

    Trung bình để sở hữu căn với diện tích này thì giá tầm 2 tỉ. Bạn có sẵn 500 triệu vậy cần vay là 1.5 tỉ. Lãi suất trung bình cố định 1 năm là 8.5%/ năm tương đương lãi suất là 12.6triệu/tháng. Mỗi năm bạn mất lãi 151 triệu.

    Nghĩa là mỗi năm bạn -151 triệu, rơi vào giá mua gốc +8,5%.

    Mặt ngược lại giá nhà chung cư sẽ tăng, theo thống kê trang bds.com giá nhà ở HCM tăng trung bình 13-15%/năm với phân khúc trung bình. Và tôi sẽ lấy trung bình 3 năm để tính vì giá chung cư tăng mạnh ở giai đoạn năm đầu, năm 2 và tăng nhẹ năm 3 và các năm sau đó sẽ chững lại. Và tôi lấy trung bình 15%-13%-10%

    Như vậy sau 3 năm giá tăng trung bình là 38%. Nếu bán đi căn chung cư này thì tôi thu về 2.76 tỉ (cả vốn chưa trừ phí thuê môi giới).

    Nhưng tôi phải trừ đi tiền lãi ngân hàng sau 3 năm mà tôi phải vay. Lãi suất bank trung bình là 10%/năm (lãi suất cố định và thả nổi tôi tính trung bình). Vậy sau 3 năm lãi bank là 450 triệu. Trừ đi lợi nhuận bán nhà thì thu về còn 310 triệu (760 triệu tổng lợi nhuận).

    Nhìn vào các ví dụ tôi nêu trên thì sau 3 năm việc mua nhà vẫn không lời hơn thuê nhà. Nhưng bù lại việc mua nhà còn có nhiều ý nghĩa khác ngoài yếu tố tiền bạc ví dụ như là mái ấm gia đình, nơi nuôi dạy con cái, chỗ an cư … và quan trọng hơn là văn hoá của người Việt Nam mình là An Cư Lạc Nghiệp, những yếu tố này không đo đếm được bằng tiền .

    Sau tất cả bạn có thể thấy việc mua nhà và thuê nhà nó có nhiều cái được và mất. Nhưng tôi thấy cái mất của việc mua nhà nhiều hơn. Đây là quan điểm cá nhân nên có thể đúng và sai, tôi chỉ viết để bạn có cái nhìn khác hơn.

    Còn quyết định là ở các bạn!

    Tác giả: Phan Phúc Đình

  • Ví việc mua lúc sốt đất là ngồi trên lưng cọp, bạn tôi nói phải ráng gồng vì nếu bán bây giờ thì chẳng khác nào để cọp ăn thịt.

    Cuối năm rồi mà Hoàng, bạn tôi chẳng thể nào vui vẻ nổi vì không thể xoay xở tiền để kinh doanh. Sau những đợt giá mít tăng chóng mặt, có thời điểm một trái vài chục kg có giá tiền triệu thì nhờ làm chủ vựa thu mua mít và hoa quả tại địa phương, Hoàng bạn tôi đã phất lên trông thấy.

    ngoi tren lung cop

    Những ngày đó, vựa mít và hoa quả nhà bạn nhộn nhịp, hoạt động từ sáng sớm đến khi tối mịt. Rồi đến cơn sốt giá của sầu riêng cũng giúp bạn cũng kiếm khá bộn tiền. Bạn bè, bà con hàng xóm ai cũng khen vợ chồng Hoàng kiên nhẫn làm ăn thì sớm muộn thời cơ cũng đến.

    Thế rồi, sẵn có trong tay hơn tỉ tiền mặt, bạn tôi cắm sổ nhà đất của gia đình sẵn có để vay thêm chừng ấy tiền mua 5.000 m2 đất nông nghiệp.

    Một mảnh đất theo đánh giá của người bán lẫn môi giới là có nhiều tiềm năng, cho lợi nhuận rất cao vì trong tương lai hình thành khu công nghiệp cách đó không xa, nếu mở thêm những tuyến đường thì khả năng xin lên đất thổ cư là rất lớn. Người bán cũng giải thích là do cần tiền gấp nên bán chứ họ cũng tiếc.

    Bây giờ, khi sốt đất đã đi qua và nhiều người kêu gọi nên để BĐS quay về giá trị thực, giá mít cũng phập phồng lên xuống không còn tiền triệu như xưa thì bạn tôi đang ôm mảnh đất đó mà không biết làm gì. 5.000 m2 đất canh tác nông nghiệp và thu hoa lợi không bù được tiền lãi ngân hàng đã vay. Việc bán để thu hồi vốn cũng rất khó, huống chi là có lời.

    "Bây giờ đang ngồi trên lưng cọp rồi, không được xuống giữa chừng vì sẽ bị cop ăn thịt, phải ráng gồng đến khi một nhành cây to xuất hiện rồi nhanh tay đu lên đó mà thôi" - Hoàng nói với tôi.

    Đó là ám chỉ việc lỡ vay tiền mua lúc đất đang sốt, tức mua ở giá đỉnh, thì bây giờ như ngồi trên lưng cọp vậy. Bán bây giờ là lỗ nặng nề nên phải ráng gồng lãi ngân hàng với hy vọng đợi được đến ngày bán mảnh đất này.

    Câu chuyện trên cũng là một quy trình chung của nhiều người khác: kinh doanh có được một số tiền, lại đổ vào mua đất với hy vọng kiếm lời. Nếu hên thì ăn đậm, không hên thì ôm nợ.

    Tôi không thích việc mua quá nhiều đất khi bản thân đã có nhà cửa đầy đủ. Nhưng với người có nhiều tiền hơn tôi thì họ lại trăn trở làm sao cục tiền của họ được sinh lợi nhiều nhất hoặc ít nhất là bảo toàn, thế là họ lại đi mua đất.

    Theo VnExpress

  • Miếng đất sắp bán cho người ngoài với giá 2,8 tỷ thì anh trai tôi đề nghị sẽ mua lại, nhưng trả thấp hơn 300 triệu đồng.

    Gia đình tôi có ba anh chị em, tôi là út, trên tôi còn người chị và ông anh. Cả ba đều đã có gia đình đuề huề. Khi ra riêng, bố mẹ đã cho mỗi người một phần tài sản để làm vốn cũng như giúp đỡ cuộc sống.

    mat tinh anh em

    Bố tôi đã qua đời từ lâu, bây giờ còn mẹ già gần 70 tuổi. Về phần tài sản chung còn có lô đất 430m2 (43mx10m). Mẹ đang ở với vợ chồng tôi. Thấy mẹ tuổi cao, sức yếu, tôi có tổ chức họp gia đình và đề nghị bán đi lô đất này, sau đó chia làm bốn phần bằng nhau (của ba chị em và mẹ) để giúp cuộc sống tốt hơn.

    Đó là thời điểm hơn nửa năm trước, tôi đi dọ giá chung và tham khảo các môi giới thì lô đất này do nằm gần tỉnh lộ, sau này có dự án đường kết nối khu công nghiệp nên định giá là 2,8 tỷ đồng.

    Nghe tôi trình bày cả gia đình đều đồng thuận bán và đợi chia tiền. Khi dắt vài người tới xem đất, có người đã bỏ cọc 50 triệu thì bất ngờ ông anh tôi đổi ý, không chịu bán cho người ngoài mà sẽ đích thân mua lại với lý do bán cho người ngoài tiếc và uổng. Tôi nghĩ cũng đúng nên không bán cho ngừoi ngoài nữa nên trả và đền thêm tiền cọc.

    Tôi nói với ông anh nếu mua thì sau khi trừ phần của mình ra thì còn 3 phần tiền, tức 2,1 tỷ đồng nên trả ngay để tôi chị gái và mẹ có tiền. Lúc này ông anh cò kè đòi bớt giá, và nói giá trị thực của lô đất này chỉ mức 2,4-2,5 tỷ và sẽ trả mức giá cao hơn để không ai chịu thiệt.

    Dĩ nhiên là không ai chịu bớt thêm tiền cả, vì còn gia đình của bà chị tôi. Từ đó gia đình hễ gặp là cãi nhau về giá trị của lô đất đó vì mức 2,8 tỷ ban đầu là tôi nghe tham khảo từ môi giới và những người đã bán đất xung quanh, cũng chẳng có căn cứ nào thật rõ để khuất phục được ông anh.

    Trong khi đó, gia đình tôi hiện tại cũng có chút khó khăn và cần tiền xoay xở, ông anh và bà chị tôi thì khá nên nên họ không vội bán. Xin hỏi ý kiến của độc giả tôi phải làm sao?

    Theo VnExpress

     

  • Thương vợ con phải ở trọ chật hẹp, tôi liều mình đi vay mua căn hộ chung cư đang xây dựng ở Gò Vấp khi chỉ có 120 triệu đồng.

    Với tôi, người sẽ ngày càng nhiều lên, nhu cầu nhà ở cũng sẽ luôn cao hơn nguồn cung đất đai, nên rất khó để xác định cái giá trị thực của nhà đất sẽ là bao nhiêu mới đúng? Chẳng lẽ bạn thu nhập chỉ có 10-20 triệu đồng một tháng, nhưng vẫn muốn nhà đất về đúng mức giá mà bạn có thể đủ tiền tích lũy mua, hoặc trả lãi cho căn nhà, thì đó mới là giá trị thật sao?

    cam 120 trieu mua nha sai gon

    Thay vì than vãn, tôi cho rằng mỗi người hãy lên kế hoạch mua nhà đất ngay khi có thể, cố gắng làm việc một vài năm để có căn nhà, rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện tích lũy, đầu tư. Bản thân tôi cũng xuất thân từ một gia đình làm nông, thiếu thốn trăm bề. Lúc lên Sài Gòn học đại học, tôi nghe nói nhà đất ở thành phố ít cũng hai triệu đồng một m2. Tôi hoảng hồn, thầm nghĩ không biết đến bao giờ mình mới đủ tiền mua nổi?

    Rồi khi ra trường, đi làm được vài năm, tôi cưới vợ và có con. Thương vợ con phải ở trọ chật hẹp, tôi liều mình đi vay mua căn hộ chung cư đang xây dựng ở Gò Vấp khi trong tay chỉ có 120 triệu đồng. Căn hộ có một phòng ngủ, giá 15,5 triệu đồng một m2. Tôi làm phương án vay trong 15 năm vì thu nhập của bản thân chưa cao. Sau hơn hai năm tôi nhận nhà và vào ở.

    Để có tiền trả nợ mua nhà, tôi "cày" song song hai công ty một lúc. Cứ thế, chỉ sau 2,5 năm, tôi đã trả hết được số nợ và thậm chí còn có chút tích lũy. Tất nhiên, không phải ai cũng giống tôi, may mắn có được công việc tốt và kiếm ra tiền. Nhưng tin tôi đi, dù ở bất cứ ngành nghề gì, nếu bạn thật sự nỗ lực và làm việc có mục tiêu, bạn sẽ sớm sở hữu căn nhà của riêng mình.

    Ở được một thời gian, tôi lại thấy phí tiền và quyết định đưa vợ con đi thuê căn chung cư khác để ở (nhưng tâm thế giờ đã khác) và dồn tiền mua đất ở quận 9. Một năm sau đất sốt, tôi bán và về quê mua ba căn nhà, một ôtô (với một khoản nợ trong tầm kiểm soát). Cuộc sống của gia đình tôi thoải mái hơn ở trọ trên thành phố rất nhiều.

    Cho nên, lời khuyên của tôi là, cứ tích lũy được một 1/3 giá trị căn nhà (tìm cách làm thêm, tăng thu nhập, bớt ăn xài lại, chịu khó vài năm), rồi lên phương án vay mua nhà ngay. Khi bạn mua xong sẽ càng hạn chế chi tiêu lung tung và có thêm động lực kiếm tiền. Và như nhiều người vẫn nói: "Khi bạn ở căn nhà của chính mình, cộng với nỗ lực, sẽ giúp bạn có được nó trọn vẹn".

    Còn nếu cứ giữ suy nghĩ "thu nhập ít quá, tích lũy cũng không bao nhiêu, nhà đất không đúng giá trị thật, nên thôi cứ ăn xài, biết đâu chết sớm..." thì chẳng khác nào bạn đang tự đẩy ước mơ có nhà của mình trở nên xa vời. Chỉ cần bạn có niềm tin, tìm đủ cách tăng thu nhập và tích lũy, chịu khó vài năm là sẽ được.

    Còn nói về chuyện đầu tư đất mà nhiều người thường ác cảm, tôi nghĩ rằng đâu phải cứ lập doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh mới tạo ra giá trị cho xã hội. Bạn làm bất kể ngành nghề gì mà tạo ra giá trị thì nó đều xứng đáng cả, ví dụ thợ điện, kỹ thuật viên, lập trình viên, bán hàng... miễn sao không phạm pháp.

    Người ta có tích lũy rồi chuyển đổi tiền đó thành bất động sản thì có gì sai? Tôi ngoài làm kỹ thuật ra chẳng biết làm gì khác, lẽ nào lại bắt tôi đi mở xưởng sản xuất? Nên tôi đầu tư bất động sản để giữ tiền cũng chẳng có gì xấu cả. Người ta lao động chân chính, cật lực, mang ra thị trường nhiều giá trị, rồi quy đổi sang bất động sản cho thuê cũng vẫn tạo ra giá trị.

    Theo VnExpress

  • Nhiều người có bao nhiêu tiền là dồn hết mua đất, chấp nhận sống trong nghèo khổ, thiếu thốn, chẳng dám ăn, dám mặc, chẳng chữa bệnh khi đau ốm.

    Có một thực tế ở Việt Nam đó là đi đâu, ngồi đâu, tôi cũng thấy người ta nói chuyện buôn đất. Người có tiền bỏ vào đất, không có thì vay mượn rồi cũng đổ vào đất. Có người dư được đồng nào là ném vào đất đồng đó, thậm chí chấp nhận sống trong nghèo khổ, thiếu thốn, chẳng dám ăn, dám mặc, chẳng dám chữa bệnh khi đau ốm, để dồn hết tiền vào đất. Họ mong kiếm lời từ bất động sản, nhưng cứ khi bán được miếng đất nào để có lời thì họ lại đầu tư vào miếng đất to hơn...

    danh tien mua dat

    Nhiều người dồn hết tiền mua đất, nhưng cuộc sống không khác gì nhà nghèo. Có người suốt ngày khoe buôn bán lãi vài chục tỷ, nhưng hỏi ra thì họ mua mảnh đất, sau đó bán đi thu lời so với ban đầu vài trăm triệu đồng, rồi lại bù thêm ít tiền nữa để mua mảnh lớn hơn chút, rồi lại tiếp tục bán và đầu tư quay vòng. Cứ thế, tính các đợt mua và bán, họ nghĩ rằng mình lãi nhiều, nhưng đến khi quay lại, mua chính mảnh đất ban đầu mình bán đi thì có khi cũng không đủ tiền nữa.

    Cứ thế, cả xã hội, hễ ai có khả năng xoay được tiền cũng đưa vào đất, để rồi đất bỏ hoang; đầu tư cho các lĩnh vực khác giảm; nguồn tài lực bỏ vào đất mất cân bằng; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hạn chế, đời sống khốn khổ và cuối cùng người có nhiều đất cũng khổ vì nợ nần, còn ngân hàng thì nợ xấu tăng cao... Bên cạnh đó, các tập đoàn, doanh nghiệp cũng giảm mảng kinh doanh khác để đầu tư vào đất, phát hành cổ phiếu bất động sản.

    Tôi thì không có mảnh đất nào ngoài nơi đang ở, tôi mua cách đấy 19 năm (năm 2003) và không mua đi, bán lại gì. Tới giờ, giá trị mảnh đấy đã tăng gấp cả nghìn lần. Khi có thu nhập cao hơn thì tôi mua sắm nhiều thứ tốt hơn để vợ con có cuộc sống ngày một tốt hơn. Tôi cũng góp một phần giúp cha mẹ hai bên để các cụ có cuộc sống không quá xa xỉ, nhưng cũng gọi là không thiếu gì.

    Nói đến giá trị thật của bất động sản, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: vị trí, khu vực, hạ tầng giao thông, tương lai phát triển, khả năng giao dịch, tạo gia lợi ích kinh tế... và không thể bỏ qua yếu tố nhu cầu xây dựng, khả năng tài chính của người dân. Một người lao động ở Mỹ, nếu mua một mảnh đất cỡ trung bình, chắc không hết quá vài năm lương. Một người mua biệt thự ở Hà Lan, Australia trung bình cũng chỉ vài năm lương là trả hết.

    Còn ở Việt Nam thì sao? Một mảnh đất ở vùng quê giờ cũng có giá tiền tỷ, thử hỏi với thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng một tháng ở ta, thì họ lấy tiền đâu để mua nhà đất? Năm 2003, lương của tôi là 700.000 đồng một tháng, tôi mua đất hết 1,25 triệu đồng (tức chưa đầy hai tháng lương). Nhưng cũng mảnh đất đó bây giờ có giá khoảng 1,5 tỷ đồng, trong khi lương của tôi chỉ có 30 triệu đồng một tháng (tức là 50 tháng lương mới đủ tiền mua đất). Rõ ràng, giá nhà đất ở Việt Nam đã vượt quá xa so với thu nhập của người dân.

    Đời người như một giấc mộng. Tôi nghĩ rằng, phải cân đối giữa kiếm tiền và hưởng thụ. Nếu cứ quá tiết kiệm, không dám ăn, không dám tiêu, để dành tiền mua đất, thì khi chết đi cũng chẳng mang đi được, mà để lại cho con cái cũng chắc gì chúng giữ được. Ngày trước, tôi thấy nhiều gia đình xung quanh, cha mẹ để lại cho con cái kha khá tài sản; trái ngược hẳn với chúng tôi, cha mẹ nghèo nên không có gì cho con. Ấy thế mà bây giờ, nhìn họ cũng không thấy khá hơn gì chúng tôi.

    Đó là tôi chưa nói đến những trường hợp quá keo kiệt, nhịn ăn, nhịn tiêu, thậm chí bắt cả con nhỏ chịu khổ. Đến khi cha mẹ già yếu, họ lại không được con cái chăm lo, phụng dưỡng, vì thói quen tiếc tiền. Đến bản thân họ còn không dám tiêu thì lấy đâu cho cha mẹ? Đến khi cha mẹ qua đời, có ngồi hối hận cũng chẳng thể làm được gì. Sống như vậy, nhà đất nhiều đấy, nhưng liệu có đáng không?

    Theo VnExpress

  • Bà Khoa thanh lý căn condotel đã đóng được 600 triệu đồng, bị phạt đơn phương chấm dứt hợp đồng hơn 300 triệu đồng, mất nửa vốn bỏ ra.

    Căn condotel của bà Khoa thuộc dự án nghỉ dưỡng tại Nha Trang, đã đưa vào vận hành cuốn chiếu, công suất khai thác thấp. Nhà đầu tư này kể, phải ký hợp đồng thanh lý, chấp nhận lỗ hơn 300 triệu đồng để thu hồi "đồng nào hay đồng nấy".

    thanh ly bat dong san 1
    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng dọc theo đường Trần Phú, Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Vương Mạnh Cường

    "Tôi đã cân nhắc rất lâu, sau hơn một năm rao bán ra thị trường với giá gốc, sau đó có giảm giá cũng không ai hỏi mua, cuối cùng dù rất xót đành phải thanh lý vì không còn lựa chọn nào khác", bà Khoa chia sẻ.

    Nếu theo tiếp, bà phải bỏ thêm tiền tỷ nhưng hiệu quả đầu tư thấp hơn so với kỳ vọng, khác xa so với cam kết lúc sales giới thiệu bán hàng.

    Cũng lỗ vì thanh lý bất động sản, anh Tú, mua căn hộ giá 1,8 tỷ đồng tại Dĩ An, Bình Dương, đoạn giáp với TP HCM qua TP Thủ Đức cho biết, đã đóng 50% giá trị hợp đồng mua bán. Khi tiến độ thanh toán càng về cuối năm càng dày đặc, không kham nổi, anh Tú đã chọn phương án thanh lý sau 9 tháng xả hàng giá gốc nhưng ế ẩm. Anh Tú thừa nhận do mua căn hộ với suy nghĩ ham có nhà trong khi tài chính còn mỏng, chưa lường hết được sự khắc nghiệt của thị trường.

    Theo quy trình thanh lý, anh Tú phải nộp phạt vì đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán và bị thu thêm khoản phí môi giới. Tổng số tiền thiệt hại ước tính cả khoản chênh lệch khi mua suất đầu tư này, anh lỗ gần 200 triệu đồng. "Sales có khuyên tôi nên giảm giá mạnh sẽ dễ xả hàng hơn nhưng thanh khoản rất kém, tôi chọn thanh lý hợp đồng để khỏi mất công chờ, biết đâu càng chờ thị trường lại càng xấu thêm", anh Tú nói.

    Còn bà Hương mua căn hộ 2,5 tỷ đồng tại quận 9 cũ, nay thuộc TP Thủ Đức chọn cách thanh lý hợp đồng cọc. Số tiền đặt cọc 20% tương đương 500 triệu đồng dự kiến sẽ ký hợp đồng mua bán khi xong phần hầm dự án và chuyển sang thi công phần thân. Thế nhưng do thu nhập bị giảm từ đợt dịch giữa năm 2021, bà Hương lo ngại không đủ điều kiện vay ngân hàng để thanh toán tiếp nên gửi sàn bán lại. Thị trường thứ cấp trầm lắng, bà Hương đề nghị thanh lý thì được thông báo chi phí phạt "hữu nghị" với hợp đồng cọc cộng phí môi giới gần 120 triệu đồng.

    Ngay cả người mua thanh lý căn hộ do lỗi từ phía chủ đầu tư chưa hoàn thiện pháp lý như dự án trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, khách hàng cũng chỉ được hoàn tiền gốc với lãi suất 5%. Bà Tâm, mua căn hộ này từ năm 2019 tiết lộ, đã đóng 25% giá trị hợp đồng gần 3 tỷ đồng, nhưng hiện không còn đủ kiên nhẫn chờ nhà khi ngay cả phần móng vẫn chưa xây, ký thanh lý chỉ được bồi thường 5%.

    "Tôi mua nhà để ở nhưng mãi chẳng thấy chủ đầu tư xây, sau gần 3 năm chờ đợi, đến lúc thanh lý tiền vốn mất giá ít nhất 15% nhưng mức bồi thường thanh lý như muối bỏ bể", bà Tâm thất vọng cho hay.

    thanh ly bat dong san 1
    Phối cảnh một dự án bán nhà trên giấy nhiều khách hàng đã tiến hành thanh lý trong những tháng đầu năm 2022.

    Ghi nhận thực tế, thị trường căn hộ và condotel bị mất thanh khoản kể từ tháng 4 và giao dịch thứ cấp càng yếu dần trong tháng 7 và 8 dù giá bán sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) vẫn tăng 10-15% nhưng giá bán thứ cấp nhà đầu tư mua đi bán lại khó đạt mức giá kỳ vọng. Báo cáo của DKRA Việt Nam cho biết, sức mua condotel vài tháng qua vẫn tiếp tục yếu, thuộc nhóm tài sản nghỉ dưỡng thanh khoản kém nhất hiện nay (kém xa biệt thự biển và shophouse biển). Còn thị trường căn hộ chuyển biến xấu từ tháng 4, sang tháng 6-7 tiếp tục kém dần, thanh khoản căn hộ đến tháng 8 đã xuống thấp nhất 3 năm.

    Lãnh đạo một công ty địa ốc có trụ sở tại quận Bình Thạnh và bán dự án tại khu vực TP Thủ Đức TP HCM cho biết số lượng căn hộ ký gửi bán lại trên thị trường thứ cấp tại đơn vị này hồi tháng 8 đã tăng thêm 15% so với tháng 7. Riêng lượng hồ sơ khách hàng chờ thanh lý hoàn tiền mua căn hộ (khách hàng mua nhưng đổi ý trả lại hàng) trong 3 tháng qua cũng tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là có nhiều khách hàng thanh lý hoặc xin giãn tiến độ thanh toán vì không thoát được hàng do thị trường thứ cấp tắc thanh khoản.

    Giám đốc một sàn địa ốc tại quận Thủ Đức cũ tiết lộ, các doanh nghiệp bất động sản và các chủ đầu tư dự án hiện cũng khó khăn về dòng tiền không kém gì khách hàng cá nhân khi thanh khoản toàn thị trường đi xuống thời gian qua. Từ đầu năm đến nay, dòng vốn cho thị trường bất động sản bị thu hẹp nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, rà soát phát hành trái phiếu doanh nghiệp dẫn đến sự suy giảm của thị trường vốn trái phiếu. Do đó, khi khách hàng nộp hồ sơ thanh lý quá đông, doanh nghiệp cũng chật vật xoay xở nguồn tài chính để hoàn tiền cho người mua nhà.

    Ông giải thích, các dự án đã bán hàng thường đã tất toán phí môi giới cho đơn vị phân phối. Vì vậy khi sản phẩm bị trả về, khách hàng buộc phải chịu lỗ khoản phí môi giới này trong khi các khoản phạt 2 chiều sẽ áp dụng đối với bất cứ bên nào đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ví dụ: nếu chủ đầu tư đơn phương hủy hợp đồng cũng phải chịu mức phạt tương tự khách hàng.

    Nói với VnExpress, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa xác nhận hiện tượng bị lỗ vì thanh lý bất động sản đang rơi vào nhóm nhà đầu tư căn hộ, condotel yếu tài chính, bế tắc muốn rời thị trường. Họ cạn tiền đóng tiếp, không thể vay vốn ngân hàng đóng đúng tiến độ hoặc bất an khi thị trường chuyển xấu ôm hàng không có lãi, bán ra chẳng ai mua. Đa số các nhà đầu tư bất động sản, đặc biệt là condotel và căn hộ đều mua tài sản với tâm lý chắc thắng như "đếm cua trong lỗ" nên không lường trước việc thanh lý tài sản bị lỗ hàng trăm triệu đồng.

    Theo ông Quang bên cạnh tác động siết tín dụng, thiếu hụt vốn, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng thanh lý bất động sản căn hộ và condotel như hiện nay. Thứ nhất, các chủ đầu tư dự án căn hộ đã đẩy giá sản phẩm, dự án sau giá bán cao hơn dự án trươc 10-15%. Các dự án condotel khi bán cam kết lợi nhuận quá cao so với thực tế. Vì vậy người mua bị rơi vào tâm lý ảo tưởng nhắm mắt cũng có lãi mà không biết rằng đây chỉ là lời trong lúc ngủ, tỉnh giấc bức tranh đã khác .

    Thứ hai, khi mua căn hộ khách chỉ đóng tiền bằng vốn tự có chỉ ở mức thấp, thời gian thanh toán kéo dài nên 90% người mua sẽ được tư vấn lịch đóng tiền nhẹ và tự huyễn là sẽ có lời cho đến khi bàn giao. Trên thực tế, lịch thanh toán chỉ chia nhỏ số tiền ra từng đợt nhưng các đợt lại khá gần nhau, dẫn đến áp lực thanh toán kéo dài, nếu thiếu vốn sẽ dễ bỏ cuộc.

    Thứ ba, để đảm bảo kế hoạch ra hàng sạch giỏ hàng 100% nên chủ đầu tư và công ty môi giới sẽ có chiến lược "kỹ thuật không cho khách bán không lời nhiều" để đảm bảo độ nóng của các đợt bán hàng kế tiếp.

    Thứ tư, lượng cung căn hộ trung, cao cấp hoặc dự án xa trung tâm đang nhiều hơn căn hộ bình dân, dẫn đến lệch pha cung cầu, cộng thêm giá vẫn không ngừng đội lên theo thời gian, nên mãi lực trên thị trường thứ cấp kém, thanh khoản sẽ thấp.

    CEO Việt An Hòa phân tích, 4 yếu tố cơ bản nêu trên là thực trạng chung của thị trường địa ốc thời gian gần đây, cộng với tình hình hiện nay gặp thêm khó khăn thiếu hụt dòng vốn đã khiến tâm lý thị trường thứ cấp mua đi bán lại ngày càng xuống thấp. Các khách hàng buộc phải đóng tiền đợt kế tiếp ví dụ như đợt chuyển từ hợp đồng cọc sang hợp đồng mua bán, hay đợt thanh toán cuối 20-25% (khá nặng) nên sau khi đóng 25-50%, khách hàng rất lưỡng lự đầu tư tiếp hoặc bán ra.

    "Hơn 50% khách hàng sẽ quyết định bán ra để thu hồi vốn vì không đủ khả năng tài chính, không đủ trả lãi vay. Nếu bán không xong thì cùng đường phải bước vào giai đoạn thanh lý tài sản", ông nêu thực trạng.

    Theo ông Quang, tất cả các tình huống thanh lý bất động sản hiện nay đều chịu lỗ, tùy vào các cam kết hợp đồng và chính sách bán hàng của từng chủ đầu tư mà mức phạt nặng nhẹ khác nhau, đó là chưa kể khách còn phải chịu thêm khoản cấn trừ phí môi giới 2%. Tuy nhiên, ngay cả tình huống khách hàng may mắn thu hồi về đúng giá vốn cũng bị lỗ tối thiểu 7-8% chi phí cơ hội và lãi suất. "Các nhà đầu tư mua tài sản hình thành trong tương lai không nên ảo tưởng mua xong chỉ có lãi bởi lẽ một khi thị trường chuyển biến xấu, mọi khó khăn sẽ đến rất nhanh, vốn ít khó trụ lâu, dễ thua lỗ", ông Quang cho hay.

    Theo VnExpress

  • Với tâm lý lâu nay của người dân mua nhà là sở hữu lâu dài, làm của để dành cho con cháu thì đề xuất cấp ‘sổ hồng’ cho chung cư có thời hạn 50 hay 70 năm được đánh giá sẽ là ‘cú sốc’ cho thị trường chung cư.

    Đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng trình thẩm định, lấy ý kiến có đưa ra phương án chung cư sở hữu có thời hạn theo thời hạn sử dụng của công trình. Theo đó, giấy chứng nhận cấp cho khách hàng mua căn hộ chung cư sẽ có thời hạn 50, 70 năm thay vì được sở hữu, sử dụng lâu dài như hiện nay.

    Đề xuất này được nhiều người dân quan tâm, nhất là những người quan tâm đến phân khúc chung cư.

    Anh Trần Văn Thảo ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, vợ chồng tích cóp bao nhiêu năm, lại còn vay thêm ngân hàng mới mua được căn chung cư giá rẻ, nếu quy định sở hữu có thời hạn thì khi hết niên hạn người mua sẽ phải trả nhà, lúc đó ở đâu, không được bất cứ quyền lợi gì thì làm sao phù hợp với chính sách an cư, an sinh của Nhà nước?

    “Sở hữu chung cư có thời hạn thì không khác gì thuê nhà ở dài hạn, ở hết đời mình đến đời con cháu là không có chỗ ở. Nếu áp dụng sở hữu có thời hạn thì lúc hết thời hạn cần có chính sách cho người dân để không bị bơ vơ, không có chỗ ở”, anh Thảo nói.

    chung cu 50 nam
    Lo ngại giá trị căn hộ sẽ bị giảm, trong khi giá bán chung cư không giảm nhiều nếu áp dụng ‘sổ hồng’ chung cư chỉ có thời hạn 50-70 năm...

    Còn chị Nguyễn Thu Phương ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, sống ở trên các chung cư cao tầng hiện đã trở thành xu thế của nhiều người dân ở đô thị lớn, cũng phải còng lưng mới mua được căn hộ vài chục mét để ở. Liệu giá nhà có giảm nếu chung cư được cấp quyền sử dụng có thời hạn? Như thế càng đẩy giá nhà mặt đất tăng cao hơn vì loại nhà đó được sử dụng vĩnh viễn, lâu dài.

    Đưa ra quan điểm của mình trước đề xuất trên, chia sẻ với PV Infonet, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản EZ Việt Nam cho hay: Về ngắn hạn là rất khó thực hiện khi phải sửa nhiều quy định, trong đó sẽ phải thay đổi cả Luật Đất đai.

    “Cấu thành xây dựng một tòa chung cư bao gồm tiền sử dụng đất, tiền xây dựng và các chi phí khác; tiền sử dụng đất với đất thương mại dịch vụ và đất ở chênh lệch nhau không quá nhiều nên chủ đầu tư sẽ giảm giá nhà không đáng kể, thậm chí là không có. Nếu áp dụng chung cư sở hữu có thời hạn chỉ ảnh hưởng đến sở hữu của người dân, nhất là khi thế chấp căn hộ để vay tiền mua nhà. Giá trị của căn hộ sở hữu lâu dài sẽ khác với căn hộ sở hữu có thời hạn, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà, giảm giá trị căn hộ chung cư”, ông Toán nói.

    Theo ông Toản, condotel hay officetel đã áp dụng thời hạn rồi, nếu bây giờ cấp sổ có thời hạn với nhà ở thuộc sở hữu thì rất khó thực hiện và không khả thi. Bởi sẽ xảy ra xung đột giữa đất thương mại dịch vụ và đất ở giống nhau, trong khi thu tiền sử dụng đất khác nhau.

    Nếu thực hiện được việc cấp ‘sổ hồng’ cho căn hộ chung cư có thời hạn 50 năm hay 70 năm, ban đầu sẽ là ‘cú sốc’ với thị trường chung cư.

    Tuy nhiên, ông Toản cho rằng, về lâu dài có lẽ sẽ cũng cần tính đến khi hiện có nhiều nước như Anh, Mỹ, Hồng Kông, Singapore… đều xác định căn hộ sở hữu 99 năm hay 70 năm.

    “Tuổi thọ công trình cũng có thời hạn, việc cấp sổ hồng căn hộ chung cư có thời hạn cũng là đúng đắn khi hết niên hạn sử dụng công trình thì cần phá đi xây dựng lại. Thực tế hiện nay nhiều tập thể cũ muốn đập đi xây dựng lại rất khó khăn khi phải đàm phán với từng hộ dân để giải phóng mặt bằng.

    Đất đai có thể sở hữu lâu dài nhưng với các công trình sở hữu chung như chung cư phải có thời hạn sử dụng. Chúng ta mới nghĩ đến thời chúng ta thôi mà chưa nghĩ đến thời con cháu chúng ta lại sống trong khu ổ chuột, công trình xuống cấp, không ai chịu di dời, khi di dời không ai xây dựng lại, ngân sách không có… điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và quy hoạch lâu dài”, ông Toản nêu thêm quan điểm.

    Là chủ đầu tư xây dựng nhiều dự án chung cư, ông Vũ Kim Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Hải Phát, nếu áp dụng sở hữu có thời hạn với căn hộ chung cư sẽ ảnh hưởng đến thị trường chung cư khi giá của những căn hộ có thời hạn sở hữu có thể không chênh lệch nhiều so với giá căn hộ sở hữu vĩnh viễn bởi thuế đất giữa hai loại đất không chênh lệch nhau quá nhiều. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp khó bán hàng hơn.

    “Nếu áp dụng việc sở hữu chung cư có thời hạn thời gian đầu sẽ gây khó khăn cho các đơn vị tham gia thị trường; sẽ ảnh hưởng từ tâm lý của người mua nhà, ảnh hưởng đến giá thành của thị trường khi phải thay đổi cả thói quen tiêu dùng cũng như tâm lý về sản phẩm của người mua.  Vì thế, nên cân nhắc kỹ ở các khu vực, vị trí hay loại hình để áp dụng cho phù hợp, không nên áp dụng đánh đồng tất cả”, ông Giang nêu quan điểm.

    Minh Thư

     

  • Sáu năm, hai lần vay ngân hàng mua nhà rồi lại phải bán để trả nợ, gia đình tôi gần như kiệt sức với giấc mơ 'an cư lạc nghiệp'.

    Năm 2016, sau nhiều năm tích lũy, hai vợ chồng tôi gom góp tiền mua một căn hộ ở Thủ Đức, giá khoảng 15 triệu đồng một m2. Căn hộ nhỏ nhắn với diện tích 60 m2, rất phù hợp với gia đình nhỏ của chúng tôi. Tuy nhiên, do lần đầu mua nhà, chưa có kinh nghiệm, chúng tôi chọn gói vay ngắn hạn, số tiền phải trả mỗi tháng lên đến hơn 15 triệu đồng.

    Sau nhiều tháng gồng gánh, chấp nhận ăn mì gói thay cơm, con nhỏ của chúng tôi cũng phải uống loại sữa rẻ tiền nhất, những vẫn không thể cõng nổi khoản nợ trên. Cuối cùng, dù không muốn, chúng tôi cũng đành phải cắn răng bán nhanh căn hộ đang ở để có tiền trả dứt nợ, mong thoát cảnh trả nợ ngân hàng.

    ban nha tra no

    Vậy là không lâu sau khi mua nhà, chúng tôi lại tiếp tục trở về với cảnh ở nhà thuê. Hơn 5 năm trong cảnh chuyển nhà trọ hết chỗ này đến chỗ khác, thực sự gia đình tôi cũng rất mệt mỏi. Tôi và vợ lại tiếp tục ấp ủ giấc mơ mua nhà để "an cư lạc nghiệp", để có chỗ ở ổn định con trai được học trường tiểu học gần nhà.

    Có điều, lúc này, giá bất động sản đã tăng cao liên tục gấp nhiều lần, trong khi thu nhập của chúng tôi vẫn bấp bênh. Gom góp tất cả những gì còn trong túi, hai vợ chồng tôi lang thang khảo sát giá nhà ở khắp nơi, mong tìm được một căn nhà vừa túi tiền, dù biết đó không phải là chuyện đơn giản.

    Cuối cùng, vì quá mệt mỏi, chúng tôi lại đánh liều mua một căn hộ đã có sổ hồng, chấp nhận vay ngân hàng 50% trong 15 năm. Mấy tháng đầu được hưởng lãi suất ưu đãi, hai vợ chồng vẫn xoay sở đủ để chi phí sinh hoạt, học hành cho con và trả nợ ngân hàng. Nhưng giờ đây, khi số tiền phải trả nợ ngày một nhiều lên, chúng tôi cũng dần kiệt quệ. Bây giờ, tiền trả lãi ngân hàng đã gấp đôi số tiền nợ gốc.

    Lãi suất tiết kiệm hiện rất thấp, trong khi lãi suất vay ngân hàng chỉ tăng chứ không giảm. Trong năm nay, số tiền trả lãi suất ngân hàng của gia đình tôi đã lên tới gần 100 triệu đồng, trong khi số tiền vay gốc giảm rất ít. Cứ với đà này, có lẽ, chúng tôi cũng đành phải buông bỏ, bán nhanh căn hộ đang ở để quay trở lại cảnh ở thuê nếu không muốn mãi vật lộn trong gánh nặng cạn kiệt tài chính.

    Đến bao giờ những người thu nhập trung bình thấp như chúng tôi mới có thể thực hiện được giấc mơ mua nhà? Đến khi nào gia đình tôi mới có một căn nhà thực sự của mình, để yên tâm sinh sống, học hành, làm ăn? Mục tiêu cơ bản "an cư lạc nghiệp" như ông bà ta ngày xưa hay nói sao giờ đây lại xa vời đến vậy?

    Theo VnExpress

  • Chứng kiến cảnh hàng trăm người dân xô đẩy nhau như ong vỡ tổ để làm sổ đỏ tại một Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở Bình Phước, nhiều người không khỏi hoang mang.

    Xô đẩy như ong vỡ tổ để làm sổ đỏ

    Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip ngắn trong đó ghi lại cảnh hàng trăm người tranh nhau xếp hàng để bốc số thứ tự để chờ làm hồ sơ giải quyết thủ tục đất đai.

    Cụ thể, chủ tài khoản TikTok Nguyenkien513 chia sẻ đoạn clip dài gần 40 giây, kèm chú thích: “Đi làm sổ đỏ mà như thế này thì khổ dân quá”. Theo đó, ngay khi bảo vệ mở rào cổng, một đám đông vội vã xô đẩy nhau để ùa vào, giành chỗ xếp hàng để bốc số thứ tự làm hồ sơ. Thậm chí, do quá vội vàng nên có người còn bị ngã ra đất .

    Đoạn clip sau khi đăng tải được nửa ngày, đã nhanh chóng nhận được gần 4 triệu lượt xem, hơn 8.000 lượt bình luận và gần 8.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Trong phần bình luận, nhiều người cho rằng cần có sự thay đổi về công tác hành chính đối với bộ phận một cửa, để tránh những trường hợp người dân xô đẩy như trong clip, đảm bảo an ninh, trật tự.

    chen lan lam so do 1
    Nhiều người không khỏi bất ngờ với cảnh người dân xô đẩy nhau ngã lăn ra đất khi đi làm sổ đỏ.

    chen lan lam so do 1

    “Tôi ở TP Đồng Xoài đến trụ sở Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành vài chục km. Tôi phải dậy từ 4h sáng để đi. Tới nơi tầm 5h30 sáng nhưng phải chờ đến 7h cửa mới mở. Do ai cũng chờ bên ngoài đường nên khi cổng mở ra thì ồ ạt chạy vào. Dù vậy, số thứ tự không nhiều nên tranh nhau người có người không”, ông Đ.N.T (ngụ phường Tân Bình, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) cho hay.

    Trong khi đó, ông N.V.N (ngụ thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cho biết thêm: “Tình trạng đông người đến làm thủ tục đất đai từ mờ sáng diễn ra từ đầu tháng 4 đến nay. Không phải hồ sơ nào nộp vào cũng xử lý được, nhiều trường hợp chuyển nhượng đất bị trả lại hồ sơ do khu vực bị cấm. Theo tôi, ngành chức năng nên tăng cường lực lượng và bố trí khoa học hơn”.

    Qua xác minh của chủ clip và một số người dân, được biết sự việc trong clip xảy ra tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nằm trên đường Trần Huy Liệu, thuộc huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

    Đáng chú ý, một số người dân cho biết đây không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp người dân chen lấn xô đẩy để được bốc số thứ tự giải quyết hồ sơ đất đai. Thậm chí, nhiều người phải đến chờ từ lúc 3h sáng. Hay có người đi lại đến gần 10 ngày mà vẫn chưa bấm được số để nộp hồ sơ.

    Hồ sơ đất đai tăng đột biến

    Chia sẻ với báo chí, đại diện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chơn Thành cho biết, sự việc như trong là clip là có thật. Nguyên nhân là do số lượng người dân đến làm hồ sơ đất đai tăng đột biến , trong khi năng lực giải quyết của chi nhánh chỉ khoảng 100 hồ sơ/ngày.

    Thậm chí, chi nhánh này còn cho nhân viên làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ, đồng thời tuyển dụng thêm nhân sự để kịp thời giải quyết hồ sơ đất đai, thủ tục liên quan cho người dân. Nhưng do số người đến làm thủ tục quá đông, chen lấn xô đẩy lẫn nhau nên không phải người nào cũng bốc được số thứ tự như mong muốn.

    “Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số hồ sơ tồn chưa giải quyết, trong khi lực lượng đơn vị thiếu dẫn đến quá tải trong những ngày qua. Mặt khác, những ngày gần đây, việc chuyển nhượng đất đai của người dân nhiều, ai cũng muốn làm nhanh nên đã dẫn đến việc quá tải”, đại diện Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chơn Thành cho hay.

    chen lan lam so do 1
    Nhiều người phải đến từ 3h sáng, đi lại đến 10 ngày vẫn chưa làm được sổ đỏ do số lượng hồ sơ đất đai tăng đột biến, trong khi năng lực giải quyết của văn phòng đất đai có hạn.

    Cũng tại Bình Phước, thời gian trước, mạng xã hội từng không khỏi xôn xao khi xuất hiện clip ghi cảnh lãnh đạo và nhân viên một công ty bất động sản (BĐS) dựng rạp, dàn cảnh chạy, chốt giá đất nền, để tạo cơn “sốt đất” tại huyện Lộc Ninh. Ngay sau vụ việc, công an đã vào cuộc, xử phạt công ty bất động sản nói trên. Đồng thời, chính quyền tỉnh Bình Phước cũng chỉ đạo “siết” phân lô, bán nền , cấm tự mở đường.

    chen lan lam so do 1
    Hình ảnh các nhân viên công ty BĐS có trụ sở tại Bình Dương, dàn dựng cảnh tụ tập, dựng rạp trên khu đất trống đã được san nền, cắm mốc giới, rồi chạy đua đặt cọc mua đất tại tổ 5, ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) xuất hiện trên mạng xã hội. (Ảnh cắt từ clip)

    Trước đó, ngành chức năng tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay, trên địa bàn việc tách thửa đất nông nghiệp diễn biến ngày càng phức tạp. Một số hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh doanh nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và tự mở đường, tự phân lô chia tách thửa đất để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở không đảm bảo quy hoạch, không đúng quy định của pháp luật.

    Để chấn chỉnh tình trạng này, Tỉnh ủy Bình Phước đã có công văn chỉ đạo về việc ngăn chặn tình trạng các 'dự án ma' lôi kéo người mua, lừa dối bán đất tự phân lô tách thửa. Động thái này được thực hiện khi thời gian vừa qua, tình trạng phân lô bán nền, tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Phước, tạo đường trên đất nông nghiệp để bán diễn ra khá phức tạp. Hiện nay một số người vẫn tiếp tục quảng cáo bán đất, lôi kéo người dân ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… để bán đất.

    Thậm chí có người còn tự vẽ quy hoạch chi tiết 1/500, giới thiệu là đất dự án khu dân cư được phê duyệt để lôi kéo người dân nhẹ dạ mua đất ở "dự án ma", nhất là trên địa bàn các huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh.

    Ngoài ra, Tỉnh ủy Bình Phước đã đề nghị các đơn vị, địa phương chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai; thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu liên quan buông lỏng quản lý đất đai. Bên cạnh đó, các địa phương phải thông báo công khai phê duyệt các Dự án khu dân cư cho người dân biết để tránh bị lừa đảo.

    Các chuyên gia BĐS cho rằng, thực tế thì sau Tết là thời điểm hoạt động mạnh mẽ của các "cò đất", môi giới thiếu chuyên nghiệp, nhằm đẩy giá lên cao để "lướt sóng" kiếm lời, bằng cách tạo dựng tài liệu, hiện trường giả để tung tin, tạo "sóng", "sốt đất". Do đó rất cần những quy chuẩn chung và các quy định phạt rõ ràng cho các nhà môi giới trên thị trường BĐS, để buộc các nhân sự gia nhập vào lĩnh vực BĐS phải đáp ứng được các điều kiện cơ bản đó nhằm giữ cho thị trường luôn ổn định, lành mạnh.

    Đặc biệt, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh - cố vấn cấp cao, Công Ty Luật TNHH TGS - Đoàn Luật Sư TP Hà Nội cho rằng, để chấm dứt hiện tượng môi giới hoành hành, rao bán dự án “ma” công khai, cần có sự tham gia mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và sớm đưa ra biện pháp xử lý nghiêm những sai phạm trong quản lý đất đai và giám sát chặt chẽ hoạt động môi giới, phổ cập thông tin pháp luật đối với người dân trên từng địa bàn.

    Theo Tiền Phong

  • mua ban dat que lai tien ti

    Những năm qua, thị trường bất động sản tại nhiều vùng nông thôn lên cơn sốt, kéo theo giá đất tăng cao. Nhà đầu tư dù đã lãi lớn nhưng vẫn “quay xe” về khu đô thị lớn đầu tư vì cho rằng sẽ an toàn cho dòng tiền.

    Năm 2021, có trong tay 1,7 tỷ đồng từ việc kinh doanh online, anh T.V.K. nghĩ tới nhiều hướng đầu tư để tích lũy tài sản. Thời điểm này, “cơn sốt” bất động sản diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước, theo đó anh K. cũng bắt đầu tìm hiểu về thị trường. Khảo sát tại ngoại ô Hà Nội, nhưng anh K. lại không dám “xuống tiền” vì nhận thấy giá đất tăng quá cao, với số tiền này anh chỉ có thể mua được vài chục m2.

    Thời điểm đó, bất động sản tại quê (Bắc Giang) liên tục tăng nóng, nhận thấy thị trường khá sôi động và nhiều khả năng sinh lời. "Yếu tố tôi thấy đất ở nông thôn hấp dẫn là giá rẻ hơn nhiều so với khu đô thị lớn như Hà Nội, có thể sở hữu được mảnh đất diện tích lớn. Cũng chính giá rẻ vừa túi tiền đầu tư của tôi nên tôi quyết định mua", anh K. nói. 

    Thời điểm tháng 4/2021, anh K. xuống tiền mua mảnh đất tại Bắc Giang rộng 110m2, với giá 1,7 tỷ đồng, tương đương hơn 15,4 triệu đồng/m2, có vị trí 2 mặt tiền ở mặt đường rộng 7m.

    Nhờ có vị trí đẹp và thị trường ủng hộ nên chỉ sau gần 8 tháng, đến cuối năm 2021 mảnh đất của anh K. đã tăng lên đến 3 tỷ đồng. anh K. nhanh chóng bán được cho một người khác.

    "Trừ hết chi phí đi, sau hơn 8 tháng, từ mua bán mảnh đất trên, tôi đã lãi được khoảng 1,2 tỷ đồng. Đây đúng là số tiền tôi không nghĩ sẽ kiếm được trong đợt dịch vừa qua", anh K. chia sẻ.

    Dù lãi lớn, nhưng khi chia sẻ về kế hoạch sắp tới, anh N. thẳng thắn cho rằng sẽ không liều lao theo đầu tư đất ở quê nữa. Vì theo anh, giá đất nông thôn thời điểm này đã quá cao so với giá trị thực. Bên cạnh đó, việc mua bán cũng chỉ là nhà đầu tư, về dài hạn việc mua bán khó thanh khoản hơn do không có nhiều nhu cầu thực.

    "Giá đất đã đồng loạt tăng theo nhu cầu đầu cơ. Đây là nhu cầu không bền vững như nhu cầu thực. Tôi dự đoán, nhu cầu đầu cơ đất đai sẽ giảm khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, giá đất lúc đó cũng sẽ không tăng, cá biệt sẽ có nơi giảm… nếu nhà đầu tư phải vay tiền ngân hàng", anh K. phân tích.

    Anh K. chia sẻ thêm, sau khi thu lời được mảnh đất đó, anh đã “quay xe” về vùng ven Hà Nội để đầu tư, giữ an toàn cho số vốn. “Theo tôi nghĩ, Hà Nội đất chật, người đông, nhu cầu ở thực cũng sẽ cao, đây cũng là yếu tố bền vững trong đầu tư bất động sản để tránh rủi ro. Hơn nữa, hạ tầng vùng ven hiện tại cũng đã hoàn thiện đáng kể. Do đó, tôi đã đem 3 tỷ đồng để mua một mảnh đất tại Hoài Đức với diện tích 80m2, có thể lợi nhuận không tăng nhanh như đầu tư đấu quê thời gian qua nhưng sẽ an toàn”, anh K. chia sẻ.

    Theo anh Trần Quang - một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, thị trường đất nông thôn khá sôi động trong 2 năm qua, có hiện tượng "sốt nóng" sau Tết Nguyên đán vừa qua. Khách về tìm đến nông thôn mua đất chủ yếu là người từ nơi khác, còn nhà đầu tư tay ngang từ môi giới sang thì ở địa phương, nhưng không nhiều.

    Cũng theo anh Quang, điểm chung của thị trường hiện nay là mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư. Người có đất chỉ bán khi có lãi, còn nhà đầu tư mới thì buộc phải chấp nhận mua giá cao.

    Tuy nhiên, anh Quang và không ít môi giới khác ở đây cũng thừa nhận, giá đất nông thôn ở đây đã quá cao so với giá trị thực. Chưa thể dự đoán được lúc nào thị trường ở đây sẽ đạt đỉnh, nhưng chắc chắn người có kinh nghiệm chốt lời đúng thời điểm sẽ có lãi, còn người non kinh nghiệm sẽ "chôn vốn" trong cuộc chơi của những nhà đầu tư.

    Theo ông Trần Minh - chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản cá nhân cho hay, nguyên nhân gây "sốt đất" ở nông thôn thì có nhiều nhưng thường có mấy nguyên nhân chính. 

    Đầu tiên là lãi suất ngân hàng thấp nên người dân có tâm lý rút tiền gửi ra mua đất, coi đất là kênh trú ẩn.

    Thứ hai, tại các thành phố lớn và và vùng ven, giá bất động sản đang tăng nhanh. Khi giá tăng thì giới đầu cơ, nhà đầu tư, sàn bất động sản, môi giới tìm về vùng nông thôn lân cận làm cho giá đất tăng nóng như trong thời gian qua.

    Thứ ba, việc thiếu nguồn cung với việc nguồn cung tại một số địa phương chủ yếu là đất đấu giá, đất dân thì sẽ kích thích sự quan tâm và đẩy giá đất tăng mạnh.

    Ngoài ra, quy hoạch mở đường, xây nhà máy, khu công nghiệp mở rộng về vùng nông thôn cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư, đầu cơ, môi giới về "săn" đất, làm thị trường đất nông thôn bị đẩy giá. 

    Theo Nhịp sống Kinh tế

  • dat que ngao gia 1

    Không ít nhà đầu tư ở Hà Nội cho rằng, giá đất tại vùng ven và nông thôn đang quá cao so với mặt bằng chung, chưa tương xứng với hạ tầng tại khu vực.

    Trong mấy năm gần đây, nhiều vùng nông thôn được triển khai nâng cấp, xây dựng hạ tầng mạnh mẽ. Theo đó, giá đất tại vùng quê cũng tăng đáng kể, tạo ra lợi thế cho các chủ đất rao bán với mức giá cao chót vót. Do đó, nhiều nhà đầu tư phải "quay xe" vì cho rằng, giá đất quá cao chưa phù hợp với hạ tầng. Thậm chí, ở khu vực đó trong nhiều năm nay hạ tầng không có gì thay đổi thì giá đất vẫn tự tăng đến gấp 4 lần.

    Anh Nguyễn Thành Vinh - nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, gia đình anh có khoảng 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm, anh dự tính sẽ xuống tiền mua một mảnh đất đầu tư, cũng là nơi trú ẩn cho dòng vốn trước thời điểm lạm phát có thể tăng cao.

    Vì số tiền có giới hạn nên anh Vinh có tham khảo những người bạn của mình với hy vọng tìm được địa điểm xuống tiền có lãi. Được mọi người tư vấn nên mua đất ở vùng nông thôn vì vẫn có mức giá rẻ mà mua được đất rộng. 

    Lang thang ở một hội nhóm về mua bán bất động sản, thấy môi giới liên tục giới thiệu về đất quê tại Ý Yên (Nam Định), anh Vinh bắt đầu tìm hiểu về khu vực này.

    “Vì không thông thạo địa hình nên tôi đã liên hệ với giới trong khu vực trước. Được môi giới cho hay trong 2 năm qua giá đất tại khu vực này có những mảnh đã tăng gấp 4 lần. Môi giới liên tục khoe thanh khoản cao, mua bán chỉ trong ngày cũng xong”, anh Vinh kể.

    Tuy nhiên, từ đầu anh Vinh đã nhận ra điều vô lý rằng ở vùng quê nhưng giá đất có mảnh lại cao tới 25 triệu đồng/m2. Để đánh giá được kỹ thị trường khu vực này, anh đã về tận nơi xem và cho rằng giá đất đang quá cao, có hiện tượng “ngáo giá”.

    dat que ngao gia 1

    “Sau khi khảo sát, tôi thấy giá đất tại mặt đường lớn 11m dao động từ 20 - 25 triệu đồng, còn giá đất trong ngõ ô tô chạy cũng lên tới 13 - 15 triệu đồng/m2. Theo tôi đánh giá, mức giá này đã ngang ngửa với vùng ven Hà Nội. Chưa kể, so sánh về hạ tầng thì khu vực nông thôn này còn đang thua rất xa với huyện ngoại thành”, anh Vinh đánh giá.

    Theo anh Vinh tìm hiểu, trong 2 năm gần đây, giá đất khu vực này đã tăng gấp 4 lần. Tuy nhiên, một điểm bất thường là trong nhiều năm qua hạ tầng không có thêm gì mới, chỉ có duy nhất một xí nghiệp may nhưng cách đó tận 7km.

    “Tôi có đi hỏi những người dân trong vùng để nắm tình hình, họ cho biết mỗi khi có người ở khu vực khác về hỏi mua thì sẽ có một mức giá mới. Nhưng những người hỏi mua đều không mua được vì quá cao và lắc đầu quay đi. Còn giao dịch mua bán cũng không có quá nhiều. Tôi cũng nghĩ rằng đất quê thì vẫn còn rẻ nhưng thật sự đã quá đắt”, anh Vinh cho hay.

    Tương tự, anh Nguyễn Văn Nam - nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, cuối năm 2021 anh tìm về vùng nông thôn tại các tỉnh mua đất để đầu tư, tuy nhiên vì mức giá quá cao nên anh phải "quay xe".

    Theo anh Nam chia sẻ, trong mấy năm nay đất tại các vùng nông thôn liên tục thiết lập mặt bằng giá cao hơn. Do đó, anh cũng đến để tìm kiếm cơ hội đầu tư vì nghĩ giá đất vẫn còn rẻ.

    Tuy nhiên, sau thời gian đi xem thực tế, anh cho rằng nhiều nơi giá đất quá cao chưa phù hợp với mặt bằng chung. Thậm chí, một số nơi chủ nhà rao bán với mức giá tương đương với vùng ven Hà Nội.

    Đơn cử, một mảnh đất rộng 200m2 tại Bình Lục (Hà Nam), nằm ở mặt đường ngõ trải bê tông rộng khoảng hơn 3m, được chủ đất phát giá lên tới 12 triệu đồng/m2. "Mặc dù giá đất tại nông thôn thời gian gần đây tăng cao nhưng với mức giá 12 triệu đồng/m2 mà trong ngõ tôi cho rằng đây là tình trạng ngáo giá của chủ đất", nhà đầu tư này nói.

    dat que ngao gia 1

    Anh Nam cho biết, vì là người từ địa phương khác tới, không nắm bắt chính xác được giá cả tại khu vực nên anh cũng hỏi những người dân xung quanh để biết rõ.

    "Tôi cũng hỏi những người dân xung quanh để nắm bắt chính xác giá cả, họ đều nói trong ngõ ít thấy ai bán nên cũng không biết rõ giá bao nhiêu. Theo người dân cho biết những lô đất ở mặt đường lớn cũng dao động khoảng 15 - 20 triệu đồng/m2. Mà đất tại đường lớn nhiều xe cộ lưu thông thì tính thanh khoản chắc chắn sẽ cao hơn", nhà đầu tư này phân tích.

    Sau đó, anh Hà chuyển hướng tìm những lô đất tại mặt đường lớn nhưng không có người bán. Cuối cùng, anh đành quay về tay trắng với chuyến đi "săn" đất quê.

    Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, những cơn "sốt đất" và việc giá đất tăng cao tại các vùng nông thôn kéo theo một thực tế đáng quan ngại là người dân địa phương lao theo những cơn sốt, bán đi những mảnh đất là tư liệu sản xuất quan trọng.

    “Việc người dân chỉ tập trung hưởng lợi từ việc giá đất tăng mà không chú trọng đến việc tăng giá trị thặng dư từ lao động sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Khi người dân bị hút nguồn lực vào vòng xoáy tăng giá đất đai thì tất yếu nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác bị suy giảm”, ông Đính nêu quan điểm.

    Ngoài ra, cũng theo vị này, "sốt đất" và giá đất tăng ở các nơi khiến nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật. Điều này làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương tại những khu vực đó.

    Bên cạnh đó, việc giá đất ở các vùng nông thôn tăng mạnh cản trở rất mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương bởi tăng giá đất kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng…

    Đáng ngại, việc phát triển kinh tế địa phương nơi có "sốt đất" đối mặt nhiều thách thức. Một khi kinh tế không phát triển thì giá đất sẽ lại giảm mạnh, những người đầu tư đất chưa kịp bán ra sẽ thua lỗ nặng, đặc biệt là những người sử dụng đòn bẩy tài chính có cầm cố tài sản của chính mình.

    Ở góc độ tổng quan, ông Đính cũng chỉ rõ, việc tăng giá đất có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ và gây bất ổn cho thị trường bất động sản toàn quốc nói chung và các khu vực nóng sốt nói riêng. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam và triển khai các chính sách về phát triển nhà ở của Nhà nước.

    Theo Trí Thức Trẻ

     

  • thu nhap thua co dat
    Ảnh minh họa

    Tôi kinh doanh buôn bán vất vả, thu nhập cũng tốt nhưng so với hàng xóm làm "cò" thì kém xa.

    Nhà ở mặt tiền, tôi buôn bán biết áp dụng công nghệ, quà cáp, có duyên nên khách khá đông. Hai vợ chồng quay cuồng ở cửa hàng từ sáng đến 9h đêm, buổi trưa nghỉ 3 tiếng. Thu nhập thuộc dạng tốt hơn 130 triệu một tháng, nhưng quay sang nhìn anh hàng xóm thì không nghĩa lý gì.

    Nhà anh ấy dân gốc Bình Dương, vài năm trước chỉ làm ruộng, trồng đậu bắp mang ra chợ đầu mối bán, rồi tích cóp mua căn nhà gần đó 1,4 tỷ. Cứ có tiền là anh ấy mua đất sang tay, mỗi lô kiếm vài trăm.

    Nhóm anh ấy mua những lô đất vài chục tỷ ở Phú Giáo rồi phân lô 1.000m2 bán cho khách, mua sỉ bán lẻ nên giàu nhanh chóng. Căn nhà mua lúc trước bán cho công ty nhôm được 6,5 tỷ, lời gấp bao nhiêu lần tiền vốn bỏ ra. Cuộc sống nhàn nhã, chơi không, béo tốt. Tài sản sơ sơ cũng gấp ba lần tôi.

    Ông hàng xóm khác làm nghề hớt tóc cách đó vài nhà cũng đi làm "cò" đất. Đầu năm đến giờ kiếm vài trăm triệu, chỉ dùng cái miệng, vốn không bỏ, kiếm 2% tiền cò.

    Nếu nhìn vào thu nhập của cò đất, tôi cũng định ăn theo, một năm giao dịch vài vụ thì cũng kiếm được hơn trăm triệu đồng rồi.

    Tôi thấy với giá đất tăng liên tục thế này thì nhà nhà đi làm cò đất cũng không có gì lạ. Để cạnh tranh, cò đất sẽ bày ra nhiều chiêu trò để đẩy giá, bán được hàng như thời gian vừa qua. Do đó, cần kiểm soát việc hành nghề của môi giới nhà đất. Việc cấp phép hành nghề tương tự như môi giới chứng khoán là giải pháp tốt.

    Bài liên quan: Buông xuôi tiết kiệm vì không thể mua nhà

    Đồng nghiệp tôi lương 15 triệu đồng, tiết kiệm vẫn không thể mua nổi nhà nên buông xuôi, ăn xài cho thoải mái.

    Sau Tết, giá cả có xu hướng tăng. Vợ tôi, một người phụ nữ tiết kiệm, đi chợ trả giá than vãn: "Cầm một triệu mà bơ vơ ngoài chợ, không biết mua gì cho cả gia đình ba người ăn một tuần".

    Tôi cười trừ: "Mua rau xanh, đậu hủ, cá hộp ăn là rẻ". Nói vậy cho vui chứ sống độc thân thì còn được, bây giờ có gia đình, có con thì phải sang hơn. Nói là sang nhưng con ăn gì, vợ chồng tôi ăn ké món đó. Hiếm lắm gia đình mới đi ăn ngoài. Thế nhưng tổng chi tiêu của cả gia đình tháng nào cũng từ 12-15 triệu đồng.

    Hôm qua tôi vừa chuyển ít tiền vào tài khoản tiết kiệm, chỉ chừa lại vài triệu đồng để rút ra chi tiêu dần. Bỗng một tin nhắn đến điện thoại: "Anh có tiền không, cho em mượn đỡ 10 triệu, khi nào có lương trả".

    Người mượn là đồng nghiệp trẻ mới làm ở công ty tôi được một năm. Bình thường, có lẽ tôi không phán xét gì, nhưng đã cho mượn vài lần và cảm thấy mình bị lợi dụng.

    Tháng 10 năm ngoái, lúc mới đi làm lại sau đợt giãn cách vì Covid-19, cậu ấy cũng mượn tiền tôi. Thật bất ngờ, mấy tháng trời làm việc ở nhà, không tốn tiền xăng, ở trọ được chủ giảm tiền phòng, công ty vẫn trả đủ lương... vậy mà vẫn túng tiền.

    Tôi hỏi thì cậu ta thật thà: "Mua nhiều đồ quá, trả góp mãi chưa xong". Tôi nhớ lại lúc trước, cậu ấy hí hửng khoe mới được nâng hạn mức thẻ tín dụng, tha hồ quẹt thẻ trả góp 0%. Tiền lương hàng tháng làm ra đều quay ngược trở về ngân hàng để trả góp cho những món hàng có cũng được mà không có cũng chẳng sao: xe máy đời mới, laptop, điện thoại, đồng hồ thông minh...

    Tôi góp ý: "Xài tiết kiệm lại, lương công ty trả cũng khá so với mặt bằng chung cùng ngành mà không có dư là lỗi tại mình". Cậu ấy đáp: "Lương tính phụ cấp 14-15 triệu đồng không mua nổi nhà nên xài thả cửa, tẹt ga đi anh ơi". Tôi hỏi: "Nếu sau này lấy vợ, vợ em có một khoản tiết kiệm và đề nghị góp chung lại để mua nhà thì thế nào?". Cậu ấy hồn nhiên: "Thì về kêu ba má dưới quê bán vài thước đất lấy tiền mua, dù sao sau này em cũng không về đó ở".

    Hồi hai vợ chồng tôi mới cưới, cũng đi ở trọ thuê vài năm. Dành dụm tích góp dần rồi mới có chút vốn để mua góp căn hộ. Hai bên gia đình chẳng ai giúp đỡ gì. Thế rồi vẫn làm việc, vẫn tiết kiệm và có nhà.

    Còn bây giờ, tôi nhận thấy có nhiều bạn trẻ, giống như đồng nghiệp tôi, thường không có nhu cầu tiết kiệm nữa. Họ sẵn sàng chi tiêu thỏa thích để thỏa mãn nhu cầu xa xỉ. Họ cho rằng có tiết kiệm cũng chẳng đáng bao nhiêu. Phải chăng do giá nhà thành phố tăng quá cao, người trẻ trung bình không đủ khả năng mua nên tâm lý buông xuôi không tiết kiệm xuất hiện chăng?

    Theo VnExpress