Sẽ nghiêm cấm người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài

Quốc hội yêu cầu Chính phủ có chính sách, cơ chế để cấm người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài. 

Báo cáo giám sát của Quốc hội được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc tại phiên thảo luận về quản lý, sử dụng đất đai ngày 27/5 kiến nghị Chính phủ nghiên cứu chính sách để quản lý chặt, thậm chí cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Trước đó, việc kiểm soát người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam cũng nhận được nhiều góp ý của các đại biểu Quốc hội. Ông Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu bất cập trong giao, cho thuê đất và xác định giá đất có nhóm lợi ích. Ông đề nghị cấp có thẩm quyền cần đưa ra chế tài xử lý nghiêm việc sử dụng đất lãng phí, sai phạm. "Cần thu hồi đất các dự án cho thuê sai dạng này, bởi không loại trừ chuyện chuyển nhượng cho người nước ngoài, luồn lách mà doanh nghiệp đứng tên", ông Vượt lo ngại.

Chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà được thí điểm cách đây khoảng chục năm. Muốn sở hữu nhà ở Việt Nam, người nước ngoài phải đáp ứng nhiều điều kiện quy định tại Luật Nhà ở 2015. Tuy nhiên, với sự bùng nổ thị trường bất động sản, và tránh hệ luỵ từ đầu cơ đất đai, các cấp có thẩm quyền đang dần tính cách siết chặt đối tượng này, trong đó cấm người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài. 

Giải trình trước Quốc hội sau đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ sẽ quản lý chặt việc này theo đúng quy định của pháp luật. 

Về báo cáo giám sát của Quốc hội, không ít đại biểu cho rằng liều lượng đề cập những vấn đề nóng, dư luận quan tâm chưa thoả đáng. Ông Nguyễn Thanh Hồng – Uỷ viên Uỷ ban Quốc phòng và an ninh cho rằng, số liệu Chính phủ, địa phương cung cấp cho đoàn giám sát chưa đầy đủ, không toàn diện, nên khó có thể đánh giá đúng thực trạng. "Tôi đồng tình với nguyên nhân, tồn tại nêu trong báo cáo, nhưng tầm của báo cáo giám sát phải cao hơn", ông Hồng nói.

Còn bà Trần Thị Quốc Khánh lại thắc mắc khi báo cáo giám sát không nhắc đến một số vụ việc thâu tóm đất công liên quan đến các lãnh đạo ngành quân đội, công an. "Thực tiễn nổi lên vấn đề Vũ Nhôm và Út Trọc thâu tóm đất công, chuyển nhượng trái phép. Một số lãnh đạo công an và quân đội cũng đã và đang xem xét kỷ luật, kể cả những cán bộ cấp cao và tướng lĩnh. Đây là một hiện tượng nghiêm trọng kể từ khi lập nước đến nay, gây bức xúc trong dư luận", bà Khánh nói.

Viethome (theo VnExpress)