Trên 25 tuổi chưa tiết kiệm được 100 triệu đồng

Đằng sau mức lương 15 triệu của một người quen của tôi là gia đình ba người cần hỗ trợ hàng tháng.

Cách đây vài năm, tôi từng ở ghép với một bạn trẻ xuất thân từ quê. Bạn này đi làm với lương vượt con số 8-10 triệu đồng mà tôi giả định (đâu đó quãng 15 triệu đồng) nhưng vẫn không tài nào tiết kiệm nổi 50 triệu chứ đừng nói đến con số 100 triệu đồng.

luong 25 tuoi

Vì sau khi trừ hết các khoản ăn ở, sinh hoạt để duy trì cuộc sống thì mỗi tháng bạn ấy phải gửi tiền về nhà cho bố mẹ và em út.

Trên một trang mạng, một người đặt câu hỏi "Nhiều người không có 100 triệu đồng tiết kiệm là thật hay đùa?". Giữa những luồng ý kiến khác nhau, tôi ấn tượng với cột mốc 100 triệu đồng tiết kiệm.

Tính theo lương cơ bản ở TP HCM là 4,68 triệu đồng mỗi tháng, vậy 100 triệu đồng tương đương hơn 1,78 năm. Trên thực tế, tôi giả định một nhân viên văn phòng ở thành phố đi làm từ năm 22 tuổi (tốt nghiệp đại học) với mức lương từ 8-10 triệu đồng mỗi tháng, sau khi để dành 4,68 triệu đồng (theo lương cơ bản) thì chỉ còn 3,32 triệu - 5,32 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt. Như vậy, khi bước sang tuổi 25, hoàn toàn có thể tích được 100 triệu đồng tiết kiệm.

Nhưng đó chỉ là giả định theo điều kiện lý tưởng mọi thứ. Trong suốt thời gian đó không bị mất việc, không có sự cố đột xuất, không ốm đau và với số tiền chưa đến 5,5 triệu đồng để chi tiêu ở TP HCM thì người đó phải hết sức tiết kiệm, chi ly tính toán đến mức khắc kỷ. Bạn trẻ đó hầu như sẽ phải từ chối mọi cuộc vui bên ngoài.

Theo lẽ này, để trả lời câu hỏi "thật hay đùa", tôi nghĩ đó là hoàn toàn là thật, nếu công cuộc tiết kiệm tiền chỉ đến từ những đồng lương ít ỏi.

100 triệu đồng 'tiền chết' ở tuổi 25

Đi làm từ tuổi 22, ăn dè xẻn tích được 100 triệu đồng sau ba năm, trong khi nhiều cơ hội rèn luyện bản thân lại bị bỏ phí.

Tôi đồng ý với tác giả bài viết Trên 25 tuổi chưa tiết kiệm được 100 triệu đồng. Trong bài viết vừa kể, tác giả đã giải thích có quá nhiều lý do để việc tiết kiệm được 100 triệu đồng sau ba năm đi làm là điều không hề dễ dàng.

Về phần mình, tôi muốn cung cấp thêm một góc nhìn khác. Xin dẫn lại tính toán của tác giả Quang Dũng trong bài viết trên để làm rõ hơn:

"Tính theo lương cơ bản ở TP HCM là 4,68 triệu đồng mỗi tháng, vậy 100 triệu đồng tương đương hơn 1,78 năm. Trên thực tế, tôi giả định một nhân viên văn phòng ở thành phố đi làm từ năm 22 tuổi (tốt nghiệp đại học) với mức lương từ 8-10 triệu đồng mỗi tháng, sau khi để dành 4,68 triệu đồng (theo lương cơ bản) thì chỉ còn 3,32 triệu - 5,32 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt. Như vậy, khi bước sang tuổi 25, hoàn toàn có thể tích được 100 triệu đồng tiết kiệm".

Theo quan điểm của tôi, nếu chi tiêu như phân tích trên, tiết kiệm 100 triệu đồng ở tuổi 25 là một sự hạn chế.

Tôi cho rằng tuổi 22, khi mới ra trường là độ tuổi cần đầu tư vào kỹ năng, kiến thức chứ không phải ăn dè, ăn đong giữ khư khư tiền để rồi tích được 100 triệu đồng. Ở tuổi 25, có 100 triệu đồng trong tay, người có đầu óc kinh doanh nhạy bén có thể phất lên nhờ số vốn đó.

Nhưng liệu mấy ai làm được như thế? Hay là khi có trong tay số tiền đó, ăn không dám, tiêu cũng không dám tiêu? Hay mua những vật dụng khác như chiếc xe máy mấy chục triệu, cái điện thoại hơn chục triệu đồng cũng đã làm hư hại số tiền này rồi?

Tôi không phủ nhận tinh thần tiết kiệm phòng thân theo điều kiện lý tưởng hoá như thế. Nhưng nếu làm như vậy có nghĩa là đang để đồng tiền "chết" trong độ tuổi còn rất trẻ. Tại sao không trích lương, thu nhập hàng tháng, ngay từ lúc mới đi làm ở độ tuổi 22 để đi học thêm kiến thức, ngoại ngữ thứ hai, học các kỹ năng đàn, hát...? Đây mới chính là những đôi cánh để độ tuổi 25, 26 bay lên những mức thu nhập mới cao hơn nhiều lần.

Theo VnExpress